Năm 2020 đã thay đổi cuộc sống của một kĩ sư phần mềm như thế nào?
Ảnh lấy từ Unsplash 2020 là một năm nhiều biến động nhất đối với mình từ trước đến giờ. 1. COVID 19 Ảnh lấy từ jhsph ...
2020 là một năm nhiều biến động nhất đối với mình từ trước đến giờ.
1. COVID 19
Rõ ràng đây là điều không thể không nhắc đến vì nó là quân cờ đầu tiên của chuỗi domino tai hại. Mặc dù Việt Nam không bị ảnh hưởng quá nhiều về nhân mạng so với các nước khác trên thế giới nhưng kinh tế tụt dốc làm rất nhiều người điêu đứng lao đao, trong đó có gia đình mình. Vợ mình là quản lý của một nhà hàng ở Sài Gòn. Gồng gánh được 2 tháng thì nhà hàng đóng cửa. Vợ mình thất nghiệp. Còn mình, công ty mình chuyển sang làm việc ở nhà toàn thời gian (remote), trả văn phòng để cắt giảm chi phí. Vì không cần phải lên công ty và để giảm chi phí sinh hoạt, vợ chồng mình quyết định chuyển luôn về quê ở Nha Trang.
2. Remote work
Các công ty lớn như Facebook, Paypal, Shopify... đã bắt đầu một xu hướng mới trong ngành công nghệ đó là remote work. Công ty của mình là công ty Singapore có văn phòng ở Việt Nam, cũng tiếp nối xu hướng này.
2.1 Những thay đổi trong công việc
Những ngày đầu làm remote, chỉ có một mình ở nhà với bốn bức tường, mình cảm thấy buồn chán kinh khủng. Sau đó thì mình xách laptop đi ra quán cà phê như The Coffee House, Highland ngồi cho có "hơi người". Đối với những đứa hướng ngoại như mình, remote work là một cực hình. Mình nhớ cái cảm giác nói chuyện, đi mua cà phê, đi ăn trưa với đồng nghiệp và cả những hoạt động giải trí ở công ty. Cũng "may" là sau đó vợ mình thất nghiệp ở nhà 😂, nên mình mới thấy đỡ buồn hơn.
Cách làm việc khi làm remote cũng thay đổi nhiều.
Lúc trước khi cần gì thì chỉ cần qua bàn làm việc của đồng nghiệp vỗ vai hỏi chút là xong, còn bây giờ mọi thứ đều thông qua Slack và Zoom. Đa số mọi người đều chat qua Slack, còn Zoom dùng để meeting. Không thể chỉ vì một vấn đề nho nhỏ mà mất thời gian nhảy vô một cái Zoom call, nên có nhiều thứ phải đợi đồng nghiệp trả lời qua Slack cả buổi rất mất thời gian. Còn meeting thì nó lâu và chán thôi rồi.
Nói chuyện về thời gian, thì làm remote bạn sẽ có thời gian nhiều hơn. Bạn sẽ không phải mất thời gian đi lại đến công ty. Không phải mất thời gian đi ăn trưa. Không phải mất thời gian cho những hoạt động chơi đùa với đồng nghiệp. Lại không có ai nhìn vào màn hình laptop của bạn như khi còn ở văn phòng. Nên mình nghĩ nếu bạn nào siêng năng có thể tìm thêm job freelance về làm thêm. Dù nó hơi sai nhưng trong giai đoạn khó khăn này thì có thể thông cảm được.
Nếu trước đây sự ảnh hưởng của bạn được thể hiện thông qua cách bạn nói chuyện và thảo luận các vấn đề kĩ thuật, bằng lời nói. Thì bây giờ, mọi thứ được thể hiện bằng những cuộc thảo luận trên Slack, trên Github, trên Google Doc, trên Trello, trên Confluence (những công cụ làm việc của dân IT). Nói chung là lúc trước bạn nói hay thì bạn ngon, còn bây giờ bạn phải viết hay thì bạn mới ngon. Mình nhận ra điều này hơi muộn. Và khả năng viết tiếng Anh của mình cũng không được tốt nên bị tuột lại phía sau. Nếu bạn nói không tốt nhưng khi cầm phím lên bạn lại hoá rồng thì remote work chính là môi trường lý tưởng cho bạn.
2.2 Trượt Performance Review
Mình không được promote trong đợt review năm ngoái của công ty. Quá là buồn 😢!
Mình không đổ lỗi cho Covid hay do không quen với việc làm remote, nhưng thực sự là cuộc sống có bị xáo trộn và tâm trạng làm việc không được như trước. Khi còn lên công ty, mình hay có thói quen mời Team Lead và các bạn trong team đi cà phê để lấy feedback về công việc để cải thiện. Sau này khi làm remote, mọi người ít gặp nhau nên mình cũng lười không lấy feedback nữa. Tính mình thích gặp nói chuyện hơn là chat qua Slack. Hôm bữa tình cờ đọc được một bài viết trên này, nghĩ lại mới thấy feedback vô cùng quan trọng. Đặc biệt là trong môi trường làm việc remote. Có lẽ nhiều anh em trong công ty đã thấy được vấn đề của mình, nhưng không có cơ hội nói cho mình biết.
2.3 Cải thiện kĩ năng viết và lấy feedback thường xuyên
Mình áp dụng những ý trong bài viết đó và thử tạo một cái survey bằng Google Form, đại loại là cho đồng nghiệp chấm điểm coi mình làm việc có tốt không, giống y chang cái form NPS score. Sau đó dùng Slackbot để đặt lịch gửi cái survey này cho anh em trong công ty 2 tuần một lần. Mới thử nghiệm lần đầu tiên nên cũng có vài người cho feedback. Tuy hơi thủ công nhưng cũng khá ổn. Tất cả response sẽ được tổng hợp lại một file Excel. Sau đó mình sẽ nhờ vợ mình vẽ biểu đồ để coi điểm và feedback theo thời gian.
Mới đầu mình thấy làm vậy hơi rườm rà. Kiểu hơi quá mức cần thiết. Có mấy dòng tin nhắn mà form, rồi đặt lịch, rồi chart chiếc các kiểu. Nhưng nghĩ kĩ lại thì tiếp cận nó theo cách khoa học và data-driven một chút thì sẽ tốt hơn. Phát triển bản thân và sự nghiệp mà, thay vì đọc sách self-help thì nên dành thời gian làm những việc thiết thực như này.
Một hôm nọ, mình chợt nghĩ không biết có ai viết một cái app để giải quyết vấn đề này chưa và tìm thử. Search một vòng mấy trang ProductHunt và BetaList* thì thấy có 3 cái app này: Sarahah, BeBetter và LacBee. Sarahah thì nổi tiếng hồi mấy năm trước nhưng giờ chết rồi, do không kiểm soát được nội dung feedback. Vì nó ẩn danh, ai muốn viết gì thì viết, nên có những người thay vì viết feedback có tâm thì lại đi lăng mạ chửi bới người khác. Dẫn đến áp lực từ phía người dùng yêu cầu nhà sản xuất gỡ app ra khỏi AppStore và PlayStore. Nên chỉ còn BeBetter và LacBee là hai app mới.
App BeBetter nhìn có vẻ xịn sò nhưng tải về xài thử thì thấy giao diện làm kiểu hơi cũ, không được thân thiện lắm. Còn app LacBee thì vẫn chưa cài được nhưng nhìn UI trên web thì có vẻ ngon. Cả hai app đều giúp cho/nhận feedback ẩn danh và phân tích/thống kê. Nhưng LacBee nó có thêm cái tạo survey cho một nhóm giống như mình đang làm và hạn chế lăng mạ chửi bới như đã từng xảy ra với Sarahah. Với một cái nữa theo mình hiểu là nó cho mình chat với người gửi feedback nếu người đó cho phép, nhưng vẫn không để lộ người ấy là ai. Bạn nào quan tâm có thể để lại email, khi nào nó phát hành thì bạn sẽ là người được sử dụng app đầu tiên. Vài bữa mình sẽ xài thử rồi có thời gian sẽ review cả hai app cho mọi người.
Túm lại là hãy tìm cách viết cho hay, đồng thời lấy feedback thường xuyên các bạn nhé.
3. Bán hàng online
Sau khi về Nha Trang, vợ mình vẫn thất nghiệp nên mình gợi ý vợ mình thử bán hàng online. Mới đầu vợ mình định đi bán mỹ phẩm son siếc kem trộn gì đó nhưng mình kịch liệt phản đối. Cuối cùng tụi mình quyết định bán phụ kiện điện thoại trên Shopee.
Mình thấy bạn mình nhiều người bán hàng trên Shopee giàu kinh khủng luôn, nên cứ nghĩ là nó ngon ăn. Đúng là tấm chiếu mới! Bán thử mới biết khó khăn đủ đường. Nào là marketing, rồi chạy ads quảng cáo, rồi quản lý đơn hàng, rồi chăm sóc khách hàng. Phải công nhận là Shopee làm ăn khá là ngon, cả app và dịch vụ đều rất tốt.
Khi mình nói với vợ mình vụ lấy feedback, vợ mình bảo:
"Giá như em cũng lấy được feedback từ khách hàng trước khi họ review sản phẩm của mình trên web".
Vợ mình mới bán hàng lần đầu lên chưa có kinh nghiệm, lúc thì giao hàng sai mẫu, lúc thì đóng gói không kĩ nên có nhiều khách hàng review 1 sao. Vợ nói nếu họ nhắn riêng với em thay vì cho 1 sao thì em sẵn sàng giảm giá cho họ lần sau. Thương vợ mình quá!
Mình nghĩ chúng ta nên cho những người làm dịch vụ một second chance trước khi cho họ 1 sao trên Shopee hay Foody. Nếu lần đầu gặp phục vụ hay sản phẩm không vừa ý, hãy feedback cho họ trước để cho họ có cơ hội sửa sai. Nếu lần sau mà họ vẫn không thay đổi thì lúc đó mình cho họ 1 sao cũng không muộn mà.
4. Mình sắp có con 😱
Đúng là lửa gần rơm. Không biết có phải vợ chồng mình dính với nhau suốt ngày đêm hay không mà giờ bụng vợ mình đã to đùng 😂. Trong cái rủi có cái may, làm remote giúp mình có thời gian chăm sóc cho gia đình nhiều hơn.
5. Lời kết
Lần đầu tiên viết bài trên này, hi vọng sẽ cải thiện được kĩ năng viết lách. Mình không mong một năm mới êm đềm. Vì trải qua một năm ngoái đầy biến động, mình thấy mình đã học được rất nhiều điều. Chỉ mong vẫn luôn khoẻ mạnh để đương đầu với những khó khăn phía trước.
Chúc mọi người năm mới bình an.
P/s: Nhớ cho mình feedback về bài viết này nha.
* ProductHunt và BetaList là những trang web giới thiệu những sản phẩm công nghệ mới. Sản phẩm trên ProductHunt thường là sản phẩm đã hoàn thiện. Còn sản phẩm trên BetaList là sản phẩm vẫn đang trong giai đoạn phát triển (beta), cần người dùng thử và cho feedback (gọi là beta tester).
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất