Dạy học không phải là ước mơ đầu tiên của tôi.
Vào năm lớp mười hai, ngoài ăn, ngủ, chơi, học thì trong đầu tôi bắt đầu nghĩ đến việc mình làm gì. Thực ra vì cũng chẳng có ai nhắc cho tôi biết sớm hơn rằng chúng ta học là để đi làm, là để có kiến thức để làm gì đó. Nhưng mà gì đó là cái gì đó thì vẫn chẳng ai nói.
Thế là tôi mơ mình trở thành nhà báo. Vì tôi xem phim Tân dòng sông ly biệt thấy rằng nhà báo có quyển sổ và cái bút hay hay. Họ được đi đây, đi đó viết lách, điều tra thậm chí nếu giỏi võ còn rất bản lĩnh nữa. Như kiểu người hùng bằng xương, bằng thịt chiến đấu cho công lý và sự thật.
Nghe OK đấy. Chốt.
Rồi tôi gặp cô giáo dạy Văn của mình. Khác với những giáo viên trước đây chỉ nhìn thấy chữ tôi xấu, cô còn nhìn thấy sau những hàng chữ xấu ấy là niềm đam mê với việc viết. Cô khích lệ tôi, khiến tôi có cảm giác mình như là ngôi sao trong giờ học Văn. Thực ra, lúc đó bạn bè xung quanh tôi không quan tâm lắm đến môn Văn nên tôi cũng dễ dàng trở nên nổi bật. Cô thường nói với cả lớp:
“Các con ạ, cô dạy như rắc thóc ra sân vậy, các con như những chú gà con, chú nào chăm thì sẽ nhặt được nhiều”
Rào…rào…rào.
Không phải mưa, mà là tiếng nói chuyện, tranh cãi, cười đùa bên dưới lớp.
Khi dạy đến bài Ông già và biển cả cô lại nói:
“Các con ạ, noi gương ông Santiago, hãy vì cô, vì bố mẹ các con mà hãy cố thêm lần nữa. Hãy cố thêm lần nữa. Đừng để trượt tốt nghiệp”.
Rào…rào…rào: “Cô ơi, thằng T chửi bậy”… “Cô ơi, con H nó trêu con trước”…"Hihi…haha…ơ kìa…oái oái”.
Không chỉ lớp tôi, mà cả trường tôi hồi ấy chỉ toàn những học sinh như vậy. Các thầy cô chỉ mong chúng tôi tốt nghiệp trung học phổ thông chứ không có kì vọng gì to tát cả. Nhiều khi, học dốt cũng là một lợi thế, bởi càng dốt thì người ta càng lạc quan với hoàn cảnh.
Dĩ nhiên, vẫn có những thầy cô tin tưởng nhiều hơn thế, như cô giáo dạy Văn lớp tôi năm đó chẳng hạn.
Tôi quyết định noi gương ấy để thi vào trường Sư phạm. Cụ thể là khoa Ngữ Văn. Hành trang của tôi là sự lạc quan được tô điểm bằng những con chữ rất xấu. Tôi về nhà, phác ra thời khóa biểu ôn tập, đi mua sách tham khảo về để tự ôn thi. Chắc mẩm thi đỗ mình sẽ làm giáo viên.
OK đấy. Chốt.

Đọc thêm:

Tôi thi trượt. Thôi rồi ước mơ giáo viên. Giờ đây cố mà tìm trường Đại học để học, không là đời sẽ khổ. May mắn sao, tôi được số phận đánh dạt vào bến bờ của Đại học Văn hóa. Tôi sống và học Đại học. Như vậy thì vẫn có quyền mơ, tôi thấy làm hướng dẫn viên du lịch khá hay. Theo lời người ta kể (các bạn đừng chê cười, vì tuổi trẻ đa phần chúng ta ra quyết định dựa vào những điều người khác kể mà), làm du lịch sẽ được đi đây đi đó, được thuyết trình kiến thức văn hóa, lịch sử, kiếm được tiền công lẫn tiền “tip”, có cơ hội kết bạn với các cô gái xinh đẹp. Vậy mình làm hướng dẫn viên du lịch.
Chốt tiếp. OK mà.
Cũng trong lúc ấy, tôi gặp được hai người thầy mà tôi vô cùng kính trọng. Tôi sẽ chia sẻ lại bài học tôi rất quý từ hai vị thầy ấy, coi như cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc tâm sự dài dòng này của tôi.

Người thầy đầu tiên

Bài học số 1:
Trong buổi học hôm ấy, tôi ngồi bàn đối diện với bàn của thầy. Một sinh viên rụt rè bước vào lớp để xin phấn. Thầy cười và đưa cho bạn ấy ba viên phấn trắng mới tinh. Bạn kia quá bất ngờ, vì đi xin phấn thường không phải lúc nào cũng nhận được những viên phấn nguyên lành và tốt như thế, nên rối rít cảm ơn rồi chạy về lớp. Thầy nhìn tôi rồi nói: “Người ta buộc phải xin mình cái gì, thì cố gắng cho người ta nhiều hẳn so với cái mà họ trông đợi, Nam nhé!”.
Bài học số 2:
Thầy trò tôi ngồi uống trà nóng trong khi đợi thợ sửa xe đạp ở bên kia đường. Uống trà xong tôi vội vã băng qua đường, thầy ra dấu ngăn tôi lại rồi chỉ vào vạch kẻ đường dành cho người đi bộ. Sau đó, hai thầy trò đi bộ sang đường trên đúng vạch kẻ ấy. Thầy không trách tôi, nhưng tôi hiểu ra rằng làm người thì không thể lúc nào cũng đặt chữ “tiện” lên hàng đầu.

Đọc thêm:

Người thầy thứ hai

Bài học số 1:
Lớp học của thầy ở tận tầng năm của giảng đường A, nhưng trong giờ giảng, thầy lại khoái món trà nóng ở cổng sau của kí túc xá. Để có được cốc trà nóng ấy cần đi xuống năm tầng lầu, qua sân trường, đi qua sân kí túc để mua rồi quay trở lại. Kể ra đi bộ tung tăng thì cũng chẳng là gì so với sức trẻ, nhưng đi với cốc nước nóng trên tay thì cũng khá phiền phức.
Tôi được giao nhiệm vụ mua nước trong giờ của thầy. Mỗi tuần một buổi. Cố gắng bưng để nước khỏi sóng và để tay mình khỏi nóng. Cũng có lần nản quá, tôi mua trà ở quán gần hơn. Thầy nhận ra vị khác nên để nguyên, không uống. Vậy nên buổi sau tôi lại mua ở quán cũ.
Việc chỉ có vậy, cho đến ngày tôi nhận ra thầy muốn rèn luyện cho mình lòng kiên nhẫn khi phải đối mặt với những công việc không mấy dễ chịu.
Bài học số 2:
Vẫn liên quan đến cốc trà nóng ấy. Song lần này tôi ngủ quên rồi đến lớp muộn. Đã muộn nhưng tôi vẫn còn đi mua trà nên thành ra càng muộn hơn. Tôi cứ tưởng với cốc trà trên tay thì mình sẽ không bị khiển trách khi đến muộn. Nhưng KHÔNG, thầy phê bình tôi trước lớp và trừ điểm rèn luyện của tôi như thường.
Thú thật, lúc đó tôi cảm thấy ấm ức và buồn bã, cho đến ngày tôi nhận ra thầy muốn tôi có thói quen chịu trách nhiệm trước hành động của mình mà không mượn đến lý do hay hoàn cảnh.
Hai vị thầy đáng kính của tôi, một thì hiền từ, điềm đạm, chừng mực còn một thì rất phóng khoáng, thẳng thắn và nhiều khi nói năng bất cần đã để lại trong tôi dấu ấn như vậy. Dù một thầy hiện nay đã không còn nữa.
Đến lúc ngấm những bài học ấy, tôi nhận ra du lịch không phải là điều mình muốn theo. Vì được học nên tôi mới biết văn hóa tức là làm cho sự vật đẹp lên, cho nó mang tính nhân văn, nhân bản. Điều ấy thật tuyệt vời. Nhưng nếu muốn mọi người hiểu được và trân trọng văn hóa, thì đòi hỏi ở họ nhận thức rõ ràng.
Để ngày càng có nhiều người nhận ra di tích có giá trị lịch sử văn hóa thay vì là các công trình "sân rêu nhà mốc"; thư viện là nơi đọc sách thay vì là nơi trưng bày sách; vẻ đẹp là nhân cách thay vì áo quần xúng xính; sự giàu có là sức khỏe, môi trường sống trong lành thay vì nhà lầu xe hơi v.v…
Muốn vậy, thì phải bắt đầu lại từ giáo dục. Tốt nghiệp xong, tôi quay lại đam mê giáo dục. Khởi đầu từ việc dạy gia sư tiếng Anh.
Trung tâm môi giới gia sư lúc ấy nói với tôi rằng: “Cứ báo với phụ huynh là em học trường ngoại ngữ nhé”. Tôi gật đầu sau đó đi đến địa chỉ nhận lớp.
Cũng khá hồi hộp, vì đây là lần đầu tiên tôi đi dạy học và ở trường đại học, tôi cũng chưa từng học qua cách để dạy học, cách giao tiếp với phụ huynh, cách để giao tiếp với học sinh.
Sau màn chào hỏi, phụ huynh hỏi tôi học ở trường nào. Tôi trả lời mình học ở Đại học Văn hóa.
Sự khác biệt ấy chính là nguyên nhân mà trung tâm môi giới gia sư ấy nay đã sập, còn tôi thì vẫn tiếp tục công việc dạy học của mình. Vì mình chân thành nên cũng may mắn gặp phụ huynh tử tế. Sau này, anh chị ấy đã giới thiệu tôi đến các bậc phụ huynh khác.
Tôi nghĩ, nếu dối trá thì chẳng nên theo nghiệp giáo dục.
Niềm tin ấy tiếp tục mang đến cho tôi cơ hội được trở thành giáo viên chính thức ở một môi trường làm việc thân thiện, nơi tôi chính thức được công nhận là “thầy”.
Vậy là tôi đã làm thầy.
Giờ học của “thầy Nam” đại khái diễn ra như sau:
(Trên lý thuyết)
Lấy học sinh là trung tâm, áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, quan tâm đến sự khác biệt trong nhận thức của học sinh và luôn khích lệ, nhìn vào mặt tích cực để giúp học sinh đạt được tiềm năng tối đa của mình.
Hoặc nhìn theo một góc nhìn khác sẽ là:
Quan tâm đến việc kết nối với học sinh hơn việc soạn giáo án, phương pháp chính là sự gần gũi, vui vẻ, thấu hiểu và không có quy tắc hay phần thưởng để học sinh chẳng thể nắm bắt được quy luật hay đặc điểm của giáo viên (luôn tò mò tiếp theo sẽ là gì?), tự đưa nhận thức của bản thân về mức ngang bằng với học sinh để học sinh hớn hở sắm vai người lớn rồi cảm thấy mình cần trưởng thành hơn khi trò chuyện với ông thầy có tính cách "trẻ con”.
(Trên thực tế)
Thầy: Hôm nay chúng ta học gì nhỉ?
Trò: Học cái này ạ.
Thầy: Ok.
Và thế là cuộc vui bắt đầu.
Quan trọng nhất là phải vui. Tại sao tôi lại đề cập đến niềm vui? Bởi vì tôi muốn học sinh của mình được tiếp cận với đủ mọi dạng người mà các em sẽ gặp trong xã hội và không muốn có bất kì vách ngăn nào giữa lớp học với cuộc sống thực tế. Hãy học và áp dụng bằng thái độ vui vẻ, để dù có mất hết, các em vẫn còn niềm vui để làm lại mọi thứ từ đầu.
Tôi nhớ có lần lắng nghe với một người làm trong lĩnh vực giáo dục, bác ấy đã nói rằng “Thực lòng mà nói, sinh viên sắp ra trường hỏi tôi giờ phải làm gì? phải sống như thế nào? Đến chính tôi cũng không biết trả lời ra sao, bạn ạ”. – Trời đất! tôi cảm thấy rất khâm phục khi nghe ai đó nói “không biết” khi đang làm giáo dục. Bởi vì lúc đó họ đang nói thật.
Thỉnh thoảng tôi cũng muốn nghiêm khắc, mà chẳng thể nghiêm khắc nổi vì giờ nhìn các em mong manh quá song lại chất chứa trong đầu hàng tấn suy nghĩ phức tạp mà cha mẹ, thầy cô, mạng xã hội thi nhau nhồi nhét hằng ngày.
Thôi thì đành làm một ông thầy thương trò (và cầu mong trò cũng thương mình), để khi nào trò cứng cỏi hơn thì nghiêm khắc vậy. Chẳng biết là khi nào tôi mới nghiêm nổi, song rõ ràng là thầy càng nghiêm thì dạy trò càng nhàn, vì trò sợ thì bảo ban dễ như người chăn cừu với đàn cừu của mình vậy.
Nhưng trong đàn cừu ấy thường sẽ có cả sói, có cả sư tử, cả ngựa, cả thỏ, cả cá voi. Để chúng sợ rồi biến chúng thành cừu hết thì liệu có đúng đắn hay không? Tôi tưởng tượng cảnh sư tử và sói chén cỏ tì tì như cừu; ngựa và thỏ đi lại lừ đừ như cừu và cá voi mọc bộ lông ấm áp như cừu. Tôi lắc mạnh đầu: Mặc dù rất thích quyển Nhà giả Kim nhưng tôi không muốn làm người chăn cừu. Tôi muốn làm nhà giáo dục.
Dạy học để kiếm sống thì chấp nhận, chứ thương mại hóa giáo dục, y tế và quốc phòng là điều tuyệt đối tôi không bao giờ làm và hẳn những người có lương tâm cũng thế.
Tôi chia tay những lớp học ấm áp cùng bậc tiền bối, đồng nghiệp tốt tính để bước đi trên con đường của riêng mình. Cũng rất xúc động, và để vơi bớt xúc động, thỉnh thoảng tôi vẫn quay lại đó để ăn chực bánh kẹo. Và mong là vẫn có thể quay lại đó nhiều lần. Bởi đó là nơi tôi luôn được chào đón với tư cách một giáo viên, mặc dù đôi lúc có thể làm các cặp kính của mọi người hơi trễ xuống.
Giờ đây, tôi làm một thầy giáo trẻ lọ mọ đi dạy học gia sư để có thể hết mình với học trò và cũng là hết mình với điều mình tin tưởng. Còn sau này, dĩ nhiên còn có sau này… tôi vẫn có thể "Chốt" tiếp bất kì lúc nào tôi muốn. Vì tôi vẫn đang sống với con người của mình, nên tôi có thể tùy ý điều chỉnh nó cơ mà?
Nghe cũng OK đấy (ít nhất khi bạn đang tự nói với bản thân như vậy).
Chặng đường dạy học của tôi tạm lưu lại đôi dòng ở đây, khi tôi nhẩm tính mình từng dạy qua chín mươi chín học sinh- thật là cũng có chút tự hào để nhấm nháp. 
Mong rằng tôi có thể viết tiếp về việc dạy học với những trải nghiệm thú vị hơn. Viết ra để mời gọi, biết đâu, sau này có học trò cũ thành người, lại thuê thầy về viết hồi kí, để thầy lấy nhuận bút mua sách thì sao? 
Vậy nên, tôi cũng nhắn thêm các trò cũ: Hãy ghi nhớ là thành nhân trước khi thành công các trò nhé! Dù cuộc sống có đôi lúc không trọn vẹn thì cũng cố gắng học tập, rèn luyện để vươn tới những điều tốt đẹp hơn và tạo nên những điều tốt đẹp hơn (như đặt hàng thầy viết hồi kí chẳng hạn).