Tổng hợp tự học Guitar
- Đánh theo nhịp : mình xem các kênh học guitar đều khuyên phải đánh theo máy đánh nhịp để được đều tay. Nhưng nếu như bạn chưa nắm...
1. Vài điều mình nhận ra khi học Guitar
- Đánh theo nhịp: mình xem các kênh học guitar đều khuyên phải đánh theo máy đánh nhịp để được đều tay. Nhưng nếu như bạn chưa nắm rõ giai điệu, chưa nắm rõ phím đàn, chưa quen với bài hát,.... thì khi bạn cố gắng đánh theo máy đánh nhịp thì bạn sẽ bị cuống hoặc cố gắng đánh thật nhanh để bắt kịp từ đó bạn không nhận ra lỗi bản thân mắc phải.
Ban đầu đừng cố đánh theo nhịp vội, hãy từ từ nắm vững phím đàn, thuộc hợp âm, nhớ bài hát, chơi được bài hát nhuần nhuyễn, chính xác sau đó hãy gò mình theo máy đánh nhịp.
- Học nhạc cụ là năng khiếu: Học bất kỳ nhạc cụ nào đều là kết quả của sự kiên trì tập luyện, năng khiếu chỉ góp phần nhỏ giúp bạn tiến bộ nhanh hơn những người khác thôi.
Nếu bạn tìm hiểu nền tảng của những Tommy Emmanuel, Paul Mccartney hay Chets Atkins,.... họ đều là những người tiếp xúc với âm nhạc và nhạc cụ rất sớm và sau đó là tập luyện, tập luyện và tập luyện.
- Học nhạc cụ cũng giống như học ngoại ngữ: Cũng giống như học Tiếng Anh vậy, ban đầu bạn bập bẹ nói và nghe được vài chữ, sau đó bập bẹ nói và nghe được câu rồi một ngày đẹp trời, bạn có thể nghe được cả đoạn dài mà chỉ có 1, 2 từ bạn chưa nghe bao giờ.
Học cụ cũng vậy, ban đầu bạn dò từng nốt trên nhạc cụ, rồi bạn đánh được một đoạn trên nhạc cụ, rồi bạn đánh được cả bài. Khi bạn tập luyện nhiều bài và bạn có đủ nguồn dữ liệu âm nhạc vào, lúc đó bạn sẽ đánh mà không suy nghĩ.
Vậy nên, học nhạc cụ trước bùng binh chậm chạp là để học kĩ thuật, làm quen với đàn, khi đã hiểu đàn và thành thạo kĩ thuật là lúc bạn chơi nhạc.
- Mọi con đường đều dẫn đến Hồ Gươm: việc học nhạc cụ cũng như vậy, mọi người học học nhạc cụ qua đệm hát không có nghĩa là cách học bằng đệm hát phù hợp với bạn, mọi người học nhạc cụ qua ngồi luyện âm giai, chơi nhạc cổ điển không có nghĩa là việc ngồi luyện âm giai, chơi nhạc cổ điển phù hợp với bạn.
Mục đích duy nhất của việc học nhạc cụ là chơi nhạc, vì thế nếu như cách cầm đàn, hay chơi đàn của bạn có hơi lệch pha với mọi người mà bạn vẫn chơi những bản nhạc hay ho thì không sao nhé. Wes Montgomery, Tommy Emmanuel, Paul Mccartney hay Chets Atkins,...
2. Nhạc lý
Mình tin rằng quyển "Music Theory for Dummies" là đủ bao quát tất cả mọi thứ bạn cần biết về nhạc lý.
3. Học gì và phương pháp thế nào?
Khi bạn biết mình muốn học gì và xác định được đúng phương pháp phù hợp thì bản thân mới có thể tiến bộ nhanh được
a. Học để chơi nhạc cổ điển: Mình nghĩ bạn nên học thầy để có sự hướng dẫn chính xác ngay từ ban đầu.
b. Học để đệm hát: Đa số mọi người đều học cái này, hồi trước mình cũng cái này, nhưng càng học càng nản vì:
- Mình có giọng ca tồi tệ của Lệ Rơi.
- Mình không thấy hướng phát triển thêm của học cái này.
- Những video hướng dẫn thường chỉ nói phần ngọn như hướng dẫn một bài cụ thể, không hướng dẫn tận gốc vấn đề và thiếu một phương pháp cụ thể. Ví dụ như vấn đề về hợp âm trên cao, mình chưa tìm thấy video hướng dẫn cụ thể tại sao lại có hợp âm đó trên cao, mà thường sẽ chỉ hợp âm đó rồi "chơi nhiều sẽ quen"!!!
c. Học để solo:
- Mình định hướng học solo mà cụ thể là fingerstyle vì nó có nhiều thứ để phát triển.
- Mình nghĩ khóa học guitar solo hay ho nhất, cụ thể và đáng học thì bạn nên tham khảo khóa học của Tommy Emmannuel trên Truefire. Từ cơ bản đến nâng cao, rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu và quan trọng nhất là bạn được free 1 tháng học thử là điều đầu tiên.
Điều thứ hai là bạn học từ một trong những tay guitar giỏi nhất thế giới. Nếu đã mất công học, sao không học từ người giỏi nhất?
Hơn thế nữa, Trên Truefire cũng có rất nhiều thứ hay ho để bạn khám phá :)
4. Bổ sung kiến thức
a. Kiến thức về cần đàn
Cuốn sách đáng đọc nhất để giúp bạn hiểu và nắm chắc cần đàn là cuốn Guitar Fretboard Roadmaps
Nếu bạn học guitar solo thì phần D-A-F roadmap cực kì hữu ích. Vì sao?
Guitar solo gồm hai phần: Phần giai điệu ở ba dây trên và phần làm màu (bass, gõ,....) ở ba dây dưới và thùng đàn. Khi bạn nắm rõ D-A-F roadmap thì bạn đã có thể đánh được phần giai điệu rồi. Công việc còn lại chỉ là tìm bass và các phần làm màu khác thôi :)
b. Để có cái nhìn tổng quan về Guitar solo
Cuốn Jazz Guitar Method là cuốn đáng đọc.
Cuốn sách nói về từng bước để kết hợp giai điệu vào bài hát. Ngoài ra còn nói chi tiết về các hợp âm có thể dùng để solo.
c. Hợp âm
Cuốn Guitar Jazz chord là cuốn đáng đọc đầu tiên để biết về các hình dáng và vị trí của các hợp âm làm màu như 7th, Dominant,....
Ngoài ra để hiểu thêm về hợp âm được tạo thành thế nào và làm thế nào để tự tạo ra hợp âm, bạn cũng có thể xem thêm khóa học của Howard Morgan.
5. Luyện tập
a. Nếu bạn nào có hứng thứ luyện ngón với âm giai thì đây là cuốn sách đáng tham khảo:
b. Mình bây giờ quan tâm nhiều đến luyện bài hát hơn vì sẽ dễ hiểu hợp âm trong một bối cảnh cụ thể sẽ tiến triển thế nào.
Nếu như bạn thích học theo tiến trình và theo đuổi khóa học của Tommy Emmanuel ở trên thì bạn có thể học thêm khóa học Fingerstyle Breakthrough để học bài và nâng cao kĩ thuật luôn.
Nếu như bạn muốn xem bản nhạc rồi tự mình xào nấu thì mình nghĩ bạn nên chọn những bản nhạc dành cho guitar có hợp âm ghi ở trên để dễ chơi.
Cuốn sách nhạc của Beatles dành cho guitar là một khởi đầu hay ho :).
Bạn có thể thử lồng ghép các kĩ thuật bạn học được từ các khóa học của Tommy Emmanuel vào các bài hát của Beatles.
c. Lưu ý: Ban đầu tập luyện, tiếng đàn của bạn nghe có thể như đấm vào tai vì bạn đang tập luyện kĩ thuật, khi kĩ thuật của bạn thành thạo rồi thì lúc đó bạn mới bắt đầu chơi nhạc
P/S:
- Bài viết tổng hợp để dành cho những bạn đang tìm cách tự học guitar theo cách "mọt sách".
- Mọi thứ từ ý tưởng đến tài liệu được tổng hợp dựa trên trải nghiệm cá nhân.
- Nếu bạn nào có thắc mắc gì, bạn có thể nhắn tin hỏi trực tiếp mình. Mình sẽ cố gắng trả lời theo trải nghiệm cá nhân của mình. Tất nhiên, không được trực quan như Haketu hay Hiển Râu, nhưng có thể sẽ giúp bạn tham khảo thêm tài liệu hoặc gì đó.... Giải đáp cho bạn cũng là một lần học cho mình.
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất