Chúng ta đang ngụy biện như thế nào?
Theo một nghiên cứu vào năm 2015 của trường đại học Bang Michigan Mỹ, quyết định của một người bị ảnh hưởng bởi những người thân của...
Theo một nghiên cứu vào năm 2015 của trường đại học Bang Michigan Mỹ, quyết định của một người bị ảnh hưởng bởi những người thân của họ. Trong thí nghiệm này, người tham gia phải trả lời 10 câu hỏi, mỗi câu hỏi đặt ra một tình huống giả định sau đó yêu cầu họ ra quyết định. Các nhà nghiên cứu phân người tham gia thành 2 nhóm. Nhóm 1 nhận thêm ý kiến từ những nhà nghiên cứu còn nhóm 2 nhận ý kiến (giả) từ những người thân. Kết quả cho thấy trung bình nhóm 1 có khoảng 56% người nghe theo ý kiến các nhà nghiên cứu, trong khi nhóm 2 có 72% người quyết định theo ý kiến người thân. Điều này phần nào cho thấy suy nghĩ của con người bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh như thế nào.
Trong bài này mình muốn chỉ ra những điểm bất hợp lý trong những câu nói quen thuộc. Tất nhiên không ai có khả năng luôn nói đúng, và trong giao tiếp vui vẻ hàng ngày thì điều đó không phải là quá quan trọng. Tuy nhiên mình ngạc nhiên là nhiều người sử dụng chúng như một thói quen vậy. Những câu này mặc nhiên được truyền miệng từ người này sang người khác, dường như không có ai tự hỏi chúng có đúng không. Điều này tạo ra một lối tư duy ngụy biện nhìn nhận vấn đề sai lệch. Bạn nào muốn biết tên cụ thể các phép ngụy biện có thể vào link dưới cùng để xem nhé.
1. "Ai mà chẳng thế"
Câu này hay gặp cho các lỗi nhỏ như vứt rác, vượt đèn đỏ ... giúp cho người nói thấy an toàn khi viện ra những người khác giống mình. Tất nhiên nói như vậy chỉ cổ vũ cho nhiều người làm sai hơn chứ không làm cho tình hình tốt hơn. Trong khi những người không làm như vậy không khỏi cảm thấy lạc lõng, dù họ biết là mình đang làm điều đúng. Ngoài ra câu này cũng quơ đũa cả nắm. Biến thể của nó có thể là "tôi không làm thì người khác cũng làm", "nước nào chẳng thế".
2. "Đừng dạy người giàu cách tiêu tiền"
Câu này có lý một phần vì người giàu có thể tiêu nhiều tiền. Những người giàu có khôn ngoan thì biết cách tiêu tiền của họ để sinh lời. Tuy nhiên có phải ai tiêu tiền cũng là người giàu có và khôn ngoan? Đây là một ví dụ ngụy biện thú vị vì nó bao hàm nhiều vấn đề bên trong:
- đánh tráo khái niệm: ở đây người nói nêu ý kiến cá nhân (điều bình thường) nhưng người nghe chuyển nó thành sự dạy bảo (điều không ai thích)
- logic ngược: người tiêu nhiều có phải người giàu? biết đâu người đó có thể tiết kiệm mấy tháng lương mới mua được một món đồ và phải nhịn nhiều nhu cầu khác, hay tiền đó là ăn cắp mà có chẳng hạn
- giả định chủ quan: người giàu là người biết cách tiêu tiền? điều này chưa chắc đúng - vd: người nông dân tiêu sạch tiền đền bù sau giải phóng ruộng đất, hay các thiếu gia phung phí tiền của gia đình
3. "Có làm được như người ta không mà nói?"
Lập luận này dựa trên giả định: phải đạt được vị trí như ai đó mới có thể bình luận. Điều này vừa vô lý vừa bịt miệng người khác. Nếu dựa trên lý lẽ này phần lớn không thể bình luận 1 bài hát hay 1 bộ phim vì họ không phải là nhạc sĩ hay đạo diễn. Trong khi đó, tự do ngôn luận là một quyền cơ bản của con người. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, bình luận của họ có thể không chất lượng như người trong nghề.
4. "Mới tí tuổi đầu biết gì mà nói"
Câu này thường hay gặp ở các chú, các bác hay chính chúng ta khi nói chuyện với người ít tuổi hơn. Ngụy biện này bịt miệng, phủ định giá trị ý kiến của người trẻ bằng tuổi tác của họ. Tuy nhiên mỗi con người là một cá thể khác biệt, trong thời đại thông tin ngày nay những người trẻ tài giỏi hiểu biết ngày càng nhiều. Mình làm việc trong ngành IT và đã thấy những người trẻ tài năng hơn mình, đó là một chuyện bình thường. Do văn hóa tôn trọng người lớn mà người trẻ có thể không phản biện. Tuy nhiên, việc sử dụng câu nói này làm cho người trẻ không cảm thấy được tôn trọng, không muốn nói chuyện với người lớn và làm gia tăng khoảng cách thế hệ. Nếu tệ hơn, nó làm người trẻ trở nên tự ti, không dám nêu lên suy nghĩ của mình. Ở vị trí các bậc phụ huynh, nó sẽ vô tình giới hạn tư duy con cái họ.
5. "Không có lửa làm sao có khói?"
Ngụy biện này phạm lỗi suy diễn ngược khi suy từ kết quả ra nguyên nhân nhưng phớt lờ những nguyên nhân khác cũng có thể gây ra kết quả đó. Một ví dụ là nếu không có lửa, thì có thể dùng phản ứng hóa học để tạo ra khói, hoặc biết đâu bạn có người hàng xóm đốt than chẳng hạn :v Lối suy nghĩ khói sinh ra từ lửa này dựa trên lối mòn kinh nghiệm hạn chế, mặc dù nó chính xác nhưng nó không đầy đủ.
6. "Sống chết có số rồi"
Nếu nói theo đạo, khái niệm định mệnh không tồn tại trong Phật giáo. Ngay cả Đức Phật cũng chỉ có thể dạy con người đạo lý chứ không thể thay đổi số phận của bất cứ ai. Thứ gần với số phận nhất có thể coi là nghiệp, nhưng nghiệp lại là nhân quả do con người tạo ra. Nói cách khác, chúng ta chính là người quyết định số phận của mình chứ không phải ai khác. Còn nếu nói theo logic, đây là thái độ vô trách nhiệm với chính bản thân mình. Mà đã vô trách nhiệm thì tất nhiên, người nói làm gì chả được.
7. "Nói xấu đất nước là phản động"
Đây là một vấn đề gây tranh cãi nên mình sẽ cố gắng nhìn nhận công bằng:
Văn hóa của chúng ta bao gồm việc giữ thể diện, từ cái nhỏ như thể diện bản thân, lớn hơn là thể diện gia đình, hơn nữa là thể diện dân tộc. Trên thể diện là lòng tự tôn dân tộc. Chúng ta đã phải chịu nghìn năm đô hộ, sau đó là hàng chục năm chiến tranh. Dù chịu nhiều hi sinh mất mát nhưng VN đã vượt qua tất cả, điều đó tạo nên một niềm tự hào rất chính đáng.
Nhưng tự hào không có nghĩa chúng ta hoàn hảo. Hồi đầu dịch covid 19, mình thấy một số người chê người phương tây khi họ phản đối đeo khẩu trang. Về phía họ, họ có thể chê giao thông của chúng ta lộn xộn vậy. Cả 2 bên đều có những vấn đề và sai lầm riêng, cuối cùng thì bên nào cũng có người chết. Theo mình, lòng tự hào dân tộc không nên ngăn cản chúng ta thừa nhận điểm yếu, vì thừa nhận điểm yếu là bước đầu tiên để tiến bộ.
Vậy câu trên là đúng hay sai? Điều đó tùy thuộc vào mục đích của người nói và tính chân thực của cái họ nói. Phản động là bôi nhọ, bịa đặt, xuyên tạc sự thật nhằm mục đích phá hoại. Trái lại, một người nói lên thực tế yếu kém, thúc đẩy sự thay đổi tích cực nhằm đưa đất nước đi lên thì đó là một trí thức yêu nước (hay còn gọi là anh hùng bàn phím, theo dân gian) 2 kiểu người này khó phân biệt vì họ đều có điểm chung: nói ra những điều tiêu cực làm cho người khác khó chịu. Ranh giới ở đây chỉ là cái họ nói có đúng hay không mà thôi.
8. "Chú không uống là chú khinh anh"
Nam giới từ lớn đến bé, nhiều người hẳn đã nghe câu này. Một câu nói kinh điển để người lớn ép người bé uống rượu, rồi những người bé lại ép người bé hơn nữa uống. Câu này không hẳn là ngụy biện, vì nó chả có tí logic nào cả. Câu này có rất nhiều vấn đề:
- chú không thích uống là việc của chú
- chú không uống được là việc của chú
- chú bị cảnh sát giao thông phạt tiền là việc của chú
- chú tai nạn chết là việc của chú
- vợ con chú là việc của chú
- chú đâm ai chết là việc của chú
Tất cả những vấn đề này được xếp bên dưới và được biện minh bởi một thứ lớn hơn là sự tôn trọng người lớn. Như vậy, có phải đây là một sự lạm dụng tuổi tác đến từ phía người lớn?
9. "Nghiên cứu ABC cho thấy XYZ ..."
Bạn có thấy mọi thứ đều đáng tin hơn khi được đặt sau cụm từ này? Rất tiếc là, người ta có thể dùng ngụy khoa học để ngụy biện. Những nội dung tinh vi có thể viện ra tên trường đại học, viện nghiên cứu, mô tả với số liệu cụ thể ... đến đây bạn có thấy gì đó quen quen? phải rồi, nghiên cứu ở đầu bài chỉ có trong tưởng tượng thôi.
Tương tự như vậy có những điều nghe thì đúng nhưng khi lật lại thì không còn đứng vững nữa. Nhưng chúng ta thường thích củng cố niềm tin của mình hơn là thách thức nó, vì cảm giác mình sai rất khó chịu. Vậy thì, tự làm khó mình để làm gì?
Nếu bạn muốn có tư duy độc lập, muốn đến gần hơn tới sự thật thì mình nghĩ khó khăn đó là xứng đáng. Nếu không tự suy nghĩ, bạn có thể lạc giữa nhiều quan điểm khác nhau và cảm thấy mất phương hướng. Kết quả của sự thiếu tự tin và hiểu biết là nghe theo những người mạnh miệng nói chuyện chắc như đinh đóng cột, những người có khi không hiểu mình đang nói cái gì. Vd: diễn giả của các công ty thu hút đầu tư tiền ảo.
Hi vọng bài viết này có thể khơi dậy ở bạn niềm hứng thú với tư duy phản biện ;) có thể bạn cũng sẽ quan tâm những bài bên dưới:
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất