Mình đang đọc cuốn sách Mindset của Carol Dweck, và đồng thời xem video được đăng trên Ted Talk của bà,mọi người có thể search tên bà trên youtube sẽ ra video. Đây là bài viết mình tổng hợp và diễn giải lại các ý của cuốn Mindset và trong video, cũng như viết ra một số điều rất hay mà mình thấy. Trong video, cô ấy nhắc đến 2 loại tư duy được rút ra sau rất nhiều nghiên cứu và khảo sát: Tư duy phát triển ( Growth Mindset ) và Tư duy cố định ( Fixed Mindset ).

1. Định nghĩa trí thông minh

Fixed Mindset là loại hình tư duy của những kiểu người luôn cho rằng những gì xảy đến với mình chính là thước đo về khả năng và giá trị của chính mình. Fixed Mindset là tư duy coi trọng sự thông minh dựa vào khả năng thiên bẩm, có thể coi thường hoặc không coi thường sự nỗ lực tuỳ thuộc vào từng cá nhân.
Ngược lại, Growth Mindset cho phép chúng ta rời khỏi vùng an toàn của chính bản thân mình. Nhóm người ở loại tư duy này coi trọng và tin tưởng vào nỗ lực hơn là khả năng thiên bẩm, vào hard-working hơn là để những thước đo như kết quả bài test, điểm số, chỉ số IQ định nghĩa chính mình.
Điều đáng nói ở đây là khi những đứa trẻ mà được mọi người dán mác gọi là tài năng thiên bẩm, về Toán, Vật Lý, Hoá học hay bất kì ở lĩnh vực nào. Người có 10 hoa tay, hay người có chỉ số IQ cao ngất ngưỡng. Tất cả đều là biến số, nó chỉ thay đổi chỉ khi ta dùng nỗ lực để đạt đến một đích nhất định. Ta không thể tự dưng mà học giỏi môn Hoá được, nếu ta không đọc sách, làm bài tập, nghe giảng hay làm bất cứ điều gì. Thiên tài là Tài năng + Nỗ lực + Không bao giờ từ bỏ. Nếu ta tìm hiểu sẽ thấy mọi thiên tài vĩ đại trên thế giới đều có những giai đoạn xuất phát đầy khó khăn và chưa đủ tài giỏi, phải trải qua bao nhiêu nỗ lực và cam kết không từ bỏ thì mới đạt được đến đỉnh cao. Nếu bạn có cái đích nhưng không chịu làm để đến đó thì cho dù tài năng nổi bật đến đâu thì sau cùng cũng dần bị bỏ quên. Không ai tự dưng ngồi không mà trở nên giỏi được.
nguồn ảnh : https://www.strengthscope.com/how-to-develop-a-growth-mindset/
nguồn ảnh : https://www.strengthscope.com/how-to-develop-a-growth-mindset/

2. Nên hay không bước ra khỏi vùng an toàn?

Fixed Mindset khiến cho mọi người cảm thấy an toàn khi thoã mãn với những thứ dễ dàng, nhưng khi cho họ vài chút khó khăn, thì họ lập tức bỏ cuộc và từ chối cơ hội để học hỏi, đơn giản bởi vì sự lo lắng sẽ bị người khác đánh giá hoặc sợ để lộ ra những thiếu sót của chính bản thân mình.
Ví dụ: Mình học chung lớp Kinh tế chính trị với một người bạn của mình. Bạn mình tên T là kiểu người thuộc Growth Mindset. Trong tiết học về giá trị thặng dư, bạn đã không ngần ngại giơ tay nhờ cô giảng lại những công thức vì chưa hiểu, trong khi trước đó mình cũng chưa hiểu nhưng lại không dám hỏi vì sợ ngại, sợ mọi người xét nét,…
Vậy nên Growth Mindset, họ là những người luôn cảm thấy hứng thú khi gặp khó khăn và sẵn sàng đối mặt với thất bại như một cơ hội để học hỏi. Họ quan tâm đến duy nhất một câu hỏi: Mình sẽ học được gì sau thất bại ? Và từ đó, họ sữa chữa sai lầm và rút kinh nghiệm cho những lần sau, hơn là quan tâm đến ánh nhìn của người khác.
Một ví dụ khác. Sau những lần kiểm tra giữa kì của mình trên lớp đại học, ví dụ môn Cơ Sở Văn hoá, hai người bạn của mình là A và B có kết quả điểm giống nhau. Nhưng A là một người có Growth Mindset, B là kiểu còn lại. Trong khi B xem xong điểm, vô cùng buồn bã, chán nản vì điểm thấp, A lại lục lọi lại đề thi, bài làm và rút ra những sai sót của mình, xin cô chữa bài vì một phần nội dung giữa kì có thể sẽ nằm trong nội dung cuối kì. Đây chính là sự khác biệt. Đứng trước thất bại, A học hỏi từ những sai lầm và sữa chữa chúng, trong khi B lại suy sụp và sa lầy trong thất bại đó.
Tổng kết ý, Fixed Mindset là khi B mắc sai lầm, thì B nghĩ B là kẻ thất bại. Trong khi đối với Growth Mindset, A khi mắc sai lầm, thì A nghĩ rằng mình đang học từ sai lầm và đang trở nên tốt lên.
Trong cuốn sách của tác giả, bà có nhắc đến “ căn bệnh CEO” , được coi là của nhóm người thuộc Fixed Mindset, là tư duy luôn muốn được nhìn nhận là vô cùng tài giỏi, hoàn hảo và luôn muốn đứng nhất. Tuy họ muốn thành công nhanh nhưng lại hay chán nản và giậm chân tại chỗ khi gặp chuyện gì khó khăn.
Trong khi những người có Growth Mindset, họ sống bình thường, không quá khát khao sự công nhận mà thiên về mong muốn được học hỏi nhiều hơn. Câu hỏi lúc nào cũng vậy: Mình đã và sẽ học được gì? Mình sẽ sửa chữa nó như thế nào? Họ thà bước đi còn hơn là ở yên một chỗ.
Tôi mỗi khi nhận được điểm thi cuối kì =))))
Tôi mỗi khi nhận được điểm thi cuối kì =))))

3. Tiềm năng và định kiến :

Có một thứ ở Fixed Mindset là họ luôn tin vào “ khả năng “ , vào tài năng.
Trong khi Growth Mindset tin vào “ tiềm năng “, và cam kết nỗ lực.
Khả năng và tiềm năng là hai thứ khác nhau. Đó là khi bạn có khả năng ở lĩnh vực này, nhưng sau một thời gian lại muốn thử sức ở lĩnh vực khác, đó gọi là khai khác tiềm năng của chính mình. Tiềm năng chính là khả năng nhưng tiềm tàng. Tại sao không thử?
Chúng ta vẫn thường hay nghe về định kiến. Định kiến chính là một thứ đáng sợ. Chúng ta sống cả thời đại bây giờ chỉ để nghe về những định kiến của người xưa, và cả nay: Phụ nữ thì nên yên bề gia thất sớm, Con gái thì trước âu cũng đi theo chồng, Phụ nữ nên làm việc nhà, nội trợ, không nên học cao. Lần gần đây mình nghe về một định kiến của người hàng xóm giục chị mình lấy chồng với vẻ hơi đùa cợt chứ không lấy gì là quan tâm thật sự: “ Lấy nhanh nhanh không đến lúc 30 tuổi đầu ai thèm lấy nựa mô ” Mình dạ vâng cười thay chị thôi chứ không nói gì nữa. Vì là định kiến, nên không thể dễ dàng nói ra hay giải thích, càng không thể thay đổi quan điểm của bất kì ai bởi nó đã ăn sâu vào nhiều thế hệ và tầng lớp con người. Vì mình là bậc dưới, nói ra sẽ bị cho là thiếu lễ phép, kém hiểu biết, hoặc còn nhỏ mà bày đặt. Mình đành ậm ừ cười và nhớ lại câu: ” Just observe, no judgement. “
Đây chính là điều mình muốn nói. Nhóm người có Growth Mindset sẽ không bị ảnh hưởng bởi định kiến, họ sẽ còn đấu tranh chống lại định kiến và chứng tỏ bản thân mình. Còn những người thuộc kiểu Fixed Mindset sẽ bị ảnh hưởng bởi định kiến rất nhiều. Thoát ra khỏi khuôn khổ không phải dễ, nhưng với Growth Mindset, tuy ” not yet ” nhưng cuối cùng sẽ làm được. Định kiến hay chăng cũng chỉ góc nhìn của ai đó mà thôi. Mà mình có phải ” ai đó ” đâu.

4. Sức mạnh của “ Yet”

Mình dịch đại khái, “ Yet “ có nghĩa là “ Sắp “ hoặc “ Vẫn chưa “ . Bà Carol nói rằng, đối với người học, thay vì nói “ mình đã trượt kì thi, mình đã thua cuộc thi này” thì hãy nói “ mình vẫn chưa đỗ, mình chưa thắng cuộc thi này “. Vì cơ bản, khi nói bạn trượt, bạn thua, nghĩa là bạn sẽ nghĩ mình thật tồi tệ và không làm được trò trống gì . Thay vào đó, khi nói “ not yet” tức là vẫn chưa, nghĩa là chúng ta hiểu rằng ta vẫn trên con đường học tập để hướng thẳng đến tương lai, ta chỉ chưa đạt đến , nhưng rồi ta sẽ đạt được vào một lúc nào đó. Cô chỉ ra quan điểm rằng, khi một cá nhân nào đạt được bất kì điều gì hay đơn giản có được sự tiến bộ, thay vì khen họ về khả năng, về tài năng bẩm sinh, hay sự thông minh, nó sẽ giết chết sự cầu tiến của cá nhân ấy. Ta nên tập trung ca ngợi quá trình nỗ lực, sự kiên trì bền bỉ, sự tập trung, chiến lược của cá nhân ấy. Điều đó rất tốt đặc biệt cho trẻ em ngay từ lúc còn nhỏ.
Người ta thường hướng bản thân mình về phía trước và chạy theo những mục tiêu ở những thời điểm nhất định. Chúng ta chăm chăm vào mục tiêu ấy và đánh giá quá cao những khoảnh khắc đặc biệt. Nhưng đích này đến rồi còn đích khác. Một vòng luẩn quẩn chi bằng trải nghiệm cảm giác của hiện tại màu nhiệm và yêu lấy quá trình mà mình đang đi. Có mục tiêu là điều tốt nhưng không có mục tiêu cũng không phải là xấu. Mình thường cố gắng hay tỏ ra rất khổ sở và đau đớn trong quá trình học cái gì đó mà trong đầu luôn chật vật với suy nghĩ rằng ” bao giờ mình mới hoàn thành hay mới giỏi lên được đây ?”. Mình đâu có biết là trong quá trình học, lẽ ra mình đã có thể làm cho nó trở nên thú vị và vui vẻ bằng cách tận hưởng nó và thử một vài cách cho cái quá trình đó trở nên dễ chịu hơn. Đó cũng là điều là những người có Growth Mindset làm.
Notes : Mình mới đọc đến trang 100 của cuốn sách Mindset. Mình có nắm được sơ sơ đại ý rồi nhưng nếu cảm thấy nên viết tiếp thì mình chắc chắn sẽ viết phần hai. Một số đầu sách mình khuyên nên đọc ( có thể không nên vì đó là tùy theo hương vị của mỗi người ), nên mình sẽ nói là nên tham khảo:  Mindset ( Carol Dweck), Atomic Habits & Mini Habits( mình prefer Atomic Habits ), Phép lạ của sự tỉnh thức + An lạc trên từng bước chân ( Thiền sư Thích Nhất Hạnh, nên đọc cả hai)