Chúng ta sẽ luôn phải đối diện những khoảnh khắc ngồi cạnh những người sắp phải ra đi vĩnh viễn. Chúng ta có thể nói được lời gì?
Illustration: Jialun Deng
Vào một buổi chiều thứ Hai nọ, khi đồng hồ điểm ba giờ, cái chết tuyên bố rằng nó sắp chạm đến con trai tôi. Con trai tôi mới có tám tuổi. Những tế bào ung thư trong cơ thể thằng bé không còn biết sợ nữa. Ngày qua ngày, số tế bào bạch cầu ác tính trong cơ thể thằng bé cứ thế nhân đôi lên. Tủy xương không còn tạo ra các tế bào hồng cầu và bạch cầu nữa, ngay cả tiểu cầu cũng không. Chỉ còn toàn là tế bào ung thư. Quá trình này giống như việc bạn khuấy bơ vậy, máu của thằng bé cứ thế đặc dần. Và cũng giống như khuấy bơ, ung thư là một công việc mệt mỏi. Hóa trị đã tiêu hủy hoàn toàn chút tàn dư khỏe mạnh cuối cùng trong cơ thể con trai tôi. Vả lại, toàn bộ những thớ cơ trong cơ thể nó đã bị chèn lên hết rồi.
Con trai tôi đã quá mệt mỏi rồi. Chỉ cần nhìn vào mắt thằng bé là biết. Và đau đớn thay, tôi còn nhìn thấy tình yêu. Một thứ tình yêu chân thành và sâu đậm đối với nhân gian. Một thứ tình yêu có vị ngọt như nắng. Tôi nghe thấy tình yêu của con trai mình mỗi lần thằng bé reo lên khi đặt một mảnh ghép vào đúng chỗ. Thằng bé yêu mùi hoa oải hương lơ thơ tỏa ra từ quả bóng tạ - thứ mà thằng bé vẫn còn giữ nổi trong tay. Con trai tôi yêu cuộc sống này từ tận đáy lòng, và thằng bé đang làm mọi thứ mà một đứa trẻ tám tuổi có thể làm để duy trì sinh mệnh của mình.
Cái chết rất dễ nhận. Nó nằm ngay dưới mi mắt ta, gửi cho ta những tín hiệu đơn giản nhất. Chán ăn. Khó thở. Chân tay lạnh cóng, dấu hiệu của lưu thông máu không đều. Mắt cá chân phình to. Tự đứng dậy là điều không thể. Cơ thể đi vào trạng thái tắt dần. Và dấu hiệu rõ ràng nhất là nhiệt độ cơ thể. Nhiệt độ cơ thể của con trai tôi là lời cảnh báo về một thảm họa long trời lở đất đang chuẩn bị nuốt chửng chúng tôi.
Vào lúc ba giờ chiều ngày thứ Hai, nhiệt độ cơ thể thằng bé lên tới 107,2°F (~ 42°C).
Các bác sĩ và y tá tụ tập đầy ở bên ngoài phòng bệnh. Đám đông mỗi lúc một nhiều dần. Những tiếng xì xèo vang lên không ngớt. Nỗi lo lắng trong lòng tôi dâng lên gấp bội. Chúng tôi đã ở trong bệnh viện đủ lâu để biết khi nào có tình huống khẩn cấp. Tôi không ngạc nhiên khi thấy mình bị gọi ra khỏi phòng. Khi cánh cửa phòng vừa khép lại, mọi người đổ xô đến vây quanh tôi. Bác sĩ ung thư đứng giữa đám đông, nghiêm túc và lặng thinh. Cô nói với một thanh âm trầm thấp, "Con trai chị sắp chết rồi. Có lẽ thằng bé sẽ ra đi trong hai giờ tới. Cũng có thể sẽ lâu hơn một chút. Nhưng sẽ không qua đêm nay."

Tôi đứng hình. Tôi không thở nổi. Tôi đã đấu tranh với ung thư suốt hai năm nay. Tôi biết mọi cầu thủ và mọi lối chơi. Tôi đã tìm về cho con trai mình một đội ngũ hoàn hảo nhất. Chúng tôi đã ở thế phòng thủ ngay từ khi căn bệnh ung thư bạch cầu của thằng bé tái phát. Tôi khó khăn lắm mới hạ được quyết tâm cho con trai mình sử dụng một liệu pháp mới, liệu pháp miễn dịch cứu sống, trong đó những tế bào miễn dịch của thằng bé sẽ được lập trình để tấn công và tiêu diệt các tế bào ung thư. Các tế bào lympho T chứa thụ thể kháng nguyên dạng khảm (CAR-T - Chimeric Antigen Receptor T-cell) được thử nghiệm 12 ngày trước. Việc của chúng tôi bây giờ là chờ đợi. Chúng tôi ngồi trên ghế hành lang, ngồi gần giường bệnh, ai ai cũng mong chờ kì tích sẽ xảy ra. CAR-T sẽ chiến thắng! Chờ đã. Tôi vừa nghe thấy tiếng gì vậy? Liệu pháp CAR-T thần kì của chúng tôi thế mà lại thất bại ư? Xin chia buồn. Quả bóng đã bị xáo trộn, chúng tôi đã thua, và thời gian thì hết. Và tôi được bảo, "Con trai chị sắp chết rồi."
Có một người còn sốc hơn tôi.
Tôi cố gắng ngăn dòng nước mắt đang tuôn. Cố hít một hơi thật sâu, nín thở, tôi quay trở lại phòng bệnh và ngồi cạnh đứa con sắp chết của mình.
Không một hơi thở, tôi khó nhọc rặn ra vài từ, "Mẹ nghĩ chúng ta cần nói chuyện."
Bạn sẽ nói gì với một người sắp chết?
......
Vài tuần trước, trong một buổi chiều thứ Hai khác, tôi nằm trên giường với con trai mình. Đó là trước khi cơ thể thằng bé bắt đầu trở nên đau đớn dữ dội mỗi khi ai đó chạm vào. Đó là khi tôi vẫn còn có thể ôm thằng bé cuộn tròn trên giường bệnh. Tôi nhủ thầm vào tai thằng bé, "Mẹ yêu con", như cái cách mà tôi vẫn luôn làm.
Thằng bé nói, "Con biết."
Con trai tôi đương nhiên biết. Thằng bé biết mọi thứ tôi làm là vì nó. Những người ta yêu biết ta yêu họ. Bởi vì ta nói ra. Bởi vì họ nghe được. Bởi vì họ biết. Vậy chúng ta có nói được điều gì khác hay không? Chúng ta sẽ nói gì nếu thứ duy nhất chúng ta còn có thể trao cho họ là ngôn từ? Và nếu như tất cả những gì bạn có thể nói là lời thông báo rằng đối phương đã thua thì sẽ thế nào?
Không có thứ ngôn từ nào có thể thốt lên trước mắt một đứa trẻ tám tuổi sắp chết trong vòng tay bạn. Mà cho dù có (và, tôi xin thề, không có đâu) thì hầu hết mọi người cũng không cần đến đâu, bởi chẳng ai dám tưởng tượng đến tình huống ấy cả.
Nhưng hầu hết chúng ta đều sẽ phải đối mặt với những khoảnh khắc đau đớn khác khi ngồi bên giường những người sắp ra đi. Làm sao tôi biết được điều này? Bởi tỉ lệ tử vong của chúng ta là 100%. Tất cả chúng ta rồi sẽ có một ngày làm người sắp chết. Trước cái ngày định mệnh ấy, chúng ta có thể đã gắn kết với rất nhiều người. Chúng ta cần biết cách ngồi xuống và trò chuyện với nhau ngay cả trong những lúc chẳng có gì để nói. Đó là khoảnh khắc mà ngay cả câu "Tôi yêu bạn" cũng không đủ để trấn an tâm hồn nữa. Chúng ta sau này phải sống thế nào đây? Chúng ta phải làm thế nào mới có thể vỗ về những người thân yêu đang hấp hối đây?
Tôi cố gắng điều chỉnh hơi thở của mình và nói, "Mẹ rất xin lỗi, nhưng có lẽ con sắp phải rời đi rồi."
"Chờ đã... Gì cơ ạ? Con không muốn chết!"
Thằng bé sững sờ, và giận dữ. Đôi mắt to tròn và xanh biếc như pha lê kia cứ trừng to ra. Tất cả những gì tôi còn nhìn thấy là đôi mắt biếc xanh kia. Ngoài sự mệt mỏi và tình yêu, giờ tôi nhìn thấy cả nỗi sợ hãi. Tâm trí tôi quay cuồng, cố gắng tìm lấy một từ nào đó có thể trấn an thằng bé.

Sẽ không có một từ ngữ thần kỳ nào có thể níu giữ một người đang bước về bên kia thế giới. Những câu nói không thể giữ những người chúng ta yêu ở lại.

"Mẹ xin lỗi. Mẹ rất xin lỗi. Mẹ biết. Nhưng tất cả chúng ta đều sẽ phải chết dù ta có muốn hay không. Mẹ cũng sắp chết rồi. Mẹ con cũng sắp chết rồi. Chúng ta đều sẽ chết cả thôi, đâu ai làm khác đi được? Mẹ rất, rất xin lỗi, con yêu."
"Khi nào con sẽ chết?"
"Mẹ cũng không biết nữa, nhưng có lẽ sẽ sớm thôi."
"Gì cơ?!"
Cơn tức giận và nỗi hoài nghi lại trào lên. Nhưng có gì đáng ngạc nhiên khi thằng bé sốc hơn tôi khi nó biết mình sắp chết? Con trai tôi chỉ là một đứa trẻ, nó hoàn toàn tin vào những phép màu khi chúng tôi nói rằng nó sẽ khỏe lại. Giống như khi thằng bé tin rằng cô tiên răng sẽ đến đổi răng của nó bằng một món quà nếu thằng bé nhét chiếc răng dưới gối vậy. Chúng tôi đã bảo đảm với thằng bé rằng nó sẽ khỏe lại. Thằng bé đã ngoan ngoãn làm mọi thứ theo yêu cầu – cả những việc khó chịu, đau đớn và buồn nôn. Và giờ đây, cục kẹo của tôi, chàng hoàng tử của tôi, chú khỉ con ngốc nghếch của tôi, và tôi, đang nhìn chằm chằm nhau, cùng với tỉ lệ tử vong 100%.
Việc thông báo sự thật cho thằng bé là điều khó khăn nhất tôi từng làm trong đời. Tôi cố hết sức để giữ mình bình tĩnh. Tôi ra sức tìm những từ ngữ có thể thu hẹp khoảng cách giữa sự sống và cái chết đến hết mức có thể, để cái sự thật này có thể dễ chấp nhận hơn một chút. Ba câu nói này đã chống đỡ chúng tôi suốt những ngày sau đó. Giờ tôi gọi chúng là "ba câu nói ma thuật trong thời khắc li biệt âm dương". Vào thời điểm đó, chúng chính là huyết mạch của cả gia đình tôi.
Tôi đã nói với đứa con trai sắp chết khốn khổ bằng giọng điệu yêu thương và bình thản hết mức có thể: "Con sẽ không đơn độc. Con sẽ không thấy đau. Chúng ta rồi sẽ ổn thôi." Những câu từ này còn kì diệu hơn cả câu "Mẹ yêu con."

1. "Con sẽ không đơn độc."



Cho con trai tôi biết rằng thằng bé sẽ không đơn độc là một điều rất quan trọng, bởi thằng bé là con người – một loài động vật xã hội ngốc nghếch và đáng yêu. Là đứa út trong nhà, thằng bé thích tiếng ồn ào và náo nhiệt. Ngay từ khi được sinh ra, thằng bé đã tỏ ra là một đứa trẻ hiếu động và luôn khao khát được kết nối với người khác. Thằng bé có thể đến đòi tôi chơi trò Sorry! lúc nửa đêm hoặc lẳng lặng ngồi nghe tôi đọc truyện. Thằng bé tha thiết có người kề cạnh mỗi khi nó thấy sợ, ngày đầu tiên đi học mẫu giáo là một ví dụ.
Ngày đi học đầu tiên chỉ kéo dài trong một giờ. Những đứa trẻ tìm tên mình trên bảng tên, ngồi trên thảm để nghe một câu chuyện và làm một dự án thủ công. Con trai tôi ngồi lọt thỏm giữa hai đùi tôi, hai tay thằng bé bám chặt vào hai bên đùi. Thằng bé tỏ ra chẳng thích thú gì với các hoạt động. Trường mầm non sẽ sớm trở thành thiên đường và thằng bé sẽ có nhiều bạn mới sớm thôi, nhưng lúc ấy thằng bé chưa biết điều này. Tất cả những gì nó biết là mọi thứ còn mới mẻ quá, và điều đó làm thằng bé thấy sợ.
Chuyển nhanh đến buổi chiều thứ Hai khi thằng bé vừa được thông báo rằng nó sắp chết. Thằng bé đang phải trải qua thứ cảm giác mới mẻ nhất trên đời, và nó cần biết rằng nó không hề cô độc.

2. "Con sẽ không thấy đau nữa."

Con trai tôi đã phải chịu những đau đớn kinh khủng trong suốt hai năm qua. Nỗi đau bắt đầu từ trong tủy, khi những tế bào ung thư bắt đầu di căn, và đó là một trong những dấu hiệu đầu tiên. Rồi bỗng một ngày nọ, nỗi đau đột nhiên lớn đến nỗi khiến thằng bé không thể đi lại được nữa. Sau đó là nỗi đau trong điều trị, với những mũi tiêm liên miên, những lần lấy máu, sinh thiết tủy và vòi cột sống. Nhức đầu, buồn nôn, khó chịu – ung thư là sự dày vò theo đúng nghĩa đen, chưa kể những áp lực về mặt tâm lí xã hội. Câu nói "Con sẽ không thấy đau" rất quan trọng, bởi thằng bé cần biết rằng, dù chúng tôi không thể chữa khỏi căn bệnh ung thư quái ác đang hoành hành trong cơ thể thằng bé, nhưng chúng tôi có thể làm một chỗ dựa tinh thần vững chắc.


3. "Chúng ta rồi sẽ ổn thôi."

Đây là câu khó nhất, cũng là câu quan trọng nhất. Khó nói nhất bởi tôi căn bản không tin vào nó. Tất cả hi vọng của tôi đều đổ bể khi tôi nghe câu "Con trai chị sắp chết rồi." Tôi cứ cho rằng một ngày nào đó, con trai mình sẽ hồi phục trở lại, và thằng bé sẽ được sống một cuộc đời vẻ vang mà nó xứng đáng được hưởng. Giờ đây làm sao tôi dám hi vọng thêm điều gì nữa? "Chúng ta sẽ ổn" là điều bất khả. Chúng tôi không thể ổn nếu không có thằng bé kề bên. Nhưng tôi vẫn phải nói câu ấy, vì con trai tôi.
Con trai tôi luôn dành sự quan tâm sâu sắc đên người khác. Nếu tôi hỏi, "Con muốn xem bộ phim nào?", thì thằng bé sẽ trả lời, "Bất cứ bộ nào mẹ muốn xem". Khi thằng bé học lớp 3, nó được giao nhiệm vụ chọn một vấn đề để tuyên truyền. Thằng bé đã chọn ung thư, bởi "Tôi muốn tất cả mọi người đều sống khỏe mạnh và bởi vì tôi mắc bệnh này [ung thư] và tôi mong mọi người và tôi được sống khỏe mạnh." Thằng bé luôn nghĩ cho người khác ngay cả khi chính nó đang phải chịu sự dày vò của căn bệnh quái ác này. Thằng bé sẽ không thể ra đi một cách thanh thản trừ khi chúng tôi đều đã ổn. Tình yêu của thằng bé dành cho chúng tôi nhiều không đong đếm nổi. Chúng tôi lúc nào cũng cần cố hết sức để yêu thằng bé nhiều như cách thằng bé yêu chúng tôi.


......
Con trai tôi đã không ra đi trong hai giờ sau khi tôi nhận được thông báo. Chúng tôi đã gọi điện cho những người ở gần và Skyped cho họ hàng ở xa. Một người giữ trẻ mà chúng tôi yêu quý đã mang đến một cây đàn guitar. Tiếng nhạc trập trùng khắp phòng như cánh bướm, và chúng tôi cùng nhau hát vang. Chúng tôi chơi Uno. Chúng tôi rót bia bơ – thức uống mà Harry Porter chắc chắn sẽ gọi khi đi tàu đến Hogsmeade – vào cốc giấy và hô to, "To Ewan!". Bệnh viện còn cho phép chúng tôi đưa con chó của con trai tôi vào – với cái đuôi ngoe nguẩy và những cái hôn ướt át.
Bạn bè rời đi và màn đêm buông xuống. Tôi và chồng mình rúc vào bên cạnh con trai, tắt đèn và nằm đọc Harry Porter và Hoàng tử lai. Suốt đêm ấy, tôi đã không ngủ. Và thật kì diệu, con trai tôi chưa chết.
Sau đó là một tuần lễ đáng nhớ với những buổi vui chơi và tiệc tùng. Họ hàng và bạn bè ở xa của chúng tôi tụ họp về đây. Chúng tôi đã có một bữa tiệc thịnh soạn trên sân thượng của bệnh viện, với diễn viên xiếc biết nhào lộn, một ảo thuật gia và một ban nhạc của những giáo viên tiểu học tài năng. Bạn bè của con trai tôi mặc đồng phục của trường Hogwarts và trang phục siêu anh hùng. Mọi người ăn bánh, hát hò và nhảy múa như không có ngày mai.
Suốt một tuần dài, tôi luôn luôn nhắc lại, "Con sẽ không đơn độc. Con sẽ không thấy đau. Chúng ta rồi sẽ ổn thôi."
Sẽ không có từ nào có thể ngăn một người đi đến ranh giới cuối cùng của cuộc đời. Lời nói không thể khiến người bạn yêu trở về từ cõi chết. Những giọt morphine nặng nề cứ thế trôi xuống. Một tuần sau, con trai tôi đã ra đi, khi bàn tay còn nắm chặt lấy tay tôi. Tôi cũng chết ngay ngày hôm ấy. Không có từ ngữ nào có thể lấp đầy khoảng trống lặng thinh mà thằng bé để lại. Tôi thấy cô đơn tột bậc. Nỗi đau ấy dữ dội không tưởng. Tôi lặp lại ba câu nói ma thuật theo thứ tự ngược lại: "Chúng ta rồi sẽ ổn thôi. Con sẽ không thấy đau. Con sẽ không đơn độc." Tôi chỉ muốn ngã vào vòng tay của đứa con trai yêu dấu. Hiện tại tôi đã không còn thấy cô đơn nữa. Nỗi đau cũng đã chịu vơi đi. Rồi tôi sẽ cảm thấy ổn thôi. Đây chính là điều kì diệu của ba câu nói ma thuật: người chết đi rồi vẫn có thể sống trong kí ức của chúng ta, và việc lặp đi lặp lại những gì ta từng nói với họ là cách dễ nhất để kết nối hai tâm hồn. Người ấy sẽ luôn dõi theo từng bước chân ta. Khi đến lượt mình, tôi cũng rất mong tất cả những người xung quanh mình đều tìm được sự bình yên nhờ những câu nói kì diệu.

Tác giả: Jenny Harrington từ Medium.
Dịch giả: Đỗ Nhược Vy từ Group QRVN