Chúng tôi yêu nhau chính thức là 4 năm, yêu hời hợt thì thêm 2 năm nữa. Tôi nói yêu hời hợt không có nghĩa là yêu ít đi mà bởi trong 2 năm đó, chúng tôi không xem nhau là người yêu. Chúng tôi cảm mến nhau nhiều, nhưng quá sợ để có thể bước vào một mối quan hệ với nhau, rồi mỗi đứa đều có một mối tình chính thức với một người khác - an toàn hơn, dễ chịu hơn (sau này chúng tôi đều chia tay vì cùng một lý do: thấy mình vô vị trong mối quan hệ đó).
Từ lúc biết mình cảm mến người kia, chúng tôi đã cảm thấy đấy là mối đe dọa nhưng không hiểu vì sao. Sau này, người yêu tôi có kể:
- Anh có cảm giác nếu yêu em, anh sẽ làm em đau khổ.
- Em cũng vậy, em thấy cả hai đứa mình đều sẽ đau khổ.
Và chúng tôi đau khổ thật. Nếu có ai đó nói với bạn rằng: họ sợ yêu bạn sẽ làm bạn đau khổ, hãy tin lời người đó. Dù người đó có nói dối nhiều thế nào thì đó chắc chắn cũng là câu nói thật. Nó là dấu hiệu của việc chưa sẵn sàng và cả trực giác của những con người chưa kịp thương nổi mình, đâu dám thương người khác.

Khi học về 7 tấm gương quan hệ (7 essene mirrors), tôi nhớ mãi mẫu tấm gương thứ 3 - những kẻ cùng thiếu thốn, cùng gặp vấn đề sẽ thường hút lấy nhau, mới đầu sẽ thấy hấp dẫn nhưng vì cùng thiếu thốn nên chẳng khỏa lấp được, hai bên sẽ giày vò và trở nên đòi hỏi. Chúng tôi chính là kiểu như vậy.
Tôi lớn lên trong khung cảnh thế giới đầy đổ vỡ và bất an của những người lớn quanh mình - bố tôi nghiện ngập và đi tù, còn mẹ tôi thì luôn "lên voi xuống chó" với những phi vụ làm ăn của bà cùng những mối tình mà bà luôn cho rằng "người ta thương mẹ nhiều lắm". Tôi nghĩ nếu "thương lắm", mẹ tôi hẳn không thể có NHỮNG MỐI TÌNH được. Bà nội và bác cả của tôi luôn rì rầm: Liệu mà học hành cho tử tế, nhà mình nghèo. Tôi không thấy nhà mình nghèo đến mức phải ăn cơm với mắm như nhà con Thúy, thậm chí bác tôi làm sếp, quà cáp liên miên, bà tôi cũng là cán bộ nghỉ hưu có lương và độ đó nhà tôi có tủ lạnh còn bọn bạn tôi thì không có. Thế nhưng, khi đi học tôi vẫn phải trình bày hoàn cảnh với thầy là mình không có bố, không có mẹ để cầu thầy miễn giảm phí học thêm. Thầy giảm thật, giảm hẳn 2/3 nhưng lúc nào trả tiền tôi cũng thấy mình như kẻ ăn cắp. Sau này tôi mới biết, nhà tôi không nghèo nhưng có những chuyện người lớn giải thích, đến giờ tôi vẫn chưa hiểu. Tôi được đánh giá là một đứa con gái ngoan. Tôi học giỏi, nói không ngoa là nhất vùng hồi đó. Bà tôi tự hào ra mặt về những thành tích của tôi và hàng xóm láng giềng đều lấy tôi ra mà dạy con theo kiểu: Hoàn cảnh như thế mà nó vẫn học tốt, vẫn phấn đấu được, mày liệu cái hồn! Thật ra tôi chẳng phấn đấu gì. Bố tôi nghiện, lại nhiễm H, mẹ tôi thì hành tung bí ẩn, cũng đâu nhiều đứa dám chơi cùng. Tôi không trách chúng nó hay bố mẹ nhưng đã từng rất trách mình. Phải xấu xa lắm, tôi mới chịu cảnh này. Và thế là tôi chẳng biết làm gì ngoài học, rảnh rỗi thì phụ bà và bác. Tôi hay đọc truyện cổ Grim nên hành xử như những cô công chúa trong đó - ngoan hiền và nết na. Chỉ đến tuổi dậy thì tôi mới bắt đầu văng tục và phá hoại trong khuôn khổ với những đứa bạn cũng mang tiếng ngoan hiền học giỏi. Gia đình của tôi chẳng ai biết gì về đời sống học đường của tôi nên suốt hai mấy năm tôi vẫn là đứa trẻ ngoan. Tôi có cảm giác mình luôn phải gánh trách nhiệm lo cho bà, báo hiếu với bác cả đã nuôi tôi, chăm lo cho bố, mẹ và cả con trai của mẹ - em cùng mẹ khác cha của tôi. Nếu tôi học hành điểm kém, nếu tôi thất nghiệp, nếu tôi lơ là chuyện tương lai, viễn cảnh tệ nhất tôi nghĩ đến là cả nhà mình đều chết vì không có đủ tiền và không ai chăm. Tôi đã ngớ ngẩn sống với suy nghĩ như vậy một thời gian dài. Vì không có bố và mẹ ở cạnh, một mặt tôi khá tự do với các lựa chọn, mặt khác tôi cảm thấy mình luôn lửng lơ, không có điểm tựa và trầy trật quanh đi quẩn lại ở cái vũng lầy của mình. Từ nhỏ tôi đã quen với việc phải sống độc lập đến mức tôi đã từng phán xét cái ý nghĩ muốn dựa dẫm của mình. Tôi tự ôn và đi thi vào trường chuyên, học xa nhà, tự xách cặp đi thi đại học, nhập học, xin việc, tự mua sắm đồ đạc. Những lúc mẹ tôi "phất" lên, bà cũng cho tôi kha khá, nhưng hầu hết là tôi tự làm và nhìn những đứa bạn khác có ba mẹ chờ ngoài cổng sau mỗi kì thi quan trọng hay tặng những món quà chúc mừng vào những cột mốc đáng nhớ của chúng. Bố tôi sau khi ra tù cũng phá lên phá xuống, bà nội tôi liên tục gọi điện kêu cứu. Bố phá cả mấy trăm triệu tiền ông nội để lại cho tôi, rồi bố yêu đương những người mới, dọa giết cả nhà. Mẹ tôi cũng vài lần tạm giam, yêu đương không thành, xin tiền rồi đau khổ ân hận. Tôi không biết tại sao tôi không trách họ, chỉ thấy mình bận, bận để gồng gánh và đứng vững trước những bất ổn của gia đình. Có lần bố mẹ tôi (đã ly thân) cãi nhau, bố copy đoạn tin nhắn mẹ gửi, gửi sang cho tôi; mẹ tôi cũng làm tương tự. Tôi cảm giác mình luôn đững giữa, là cái cột trụ, là quan tòa hòa giải, là cái thùng rác. Tôi không giận nhưng thèm lắm cảm giác được nâng đỡ, được làm một đứa con bình thường có thể dựa lưng vào bố mẹ. Tôi học Marketing, mỗi lần phân tích các quảng cáo Tết, tôi như vô hồn trước những thông điệp sum vầy và insight nhà là chỗ dựa, là nơi để về. Tôi không đồng cảm được. Nếu không tham gia workshop Chữa lành và tự thực hành, có lẽ đến bây giờ tôi vẫn không thể nhận ra mình thèm khát sự dìu dắt về tinh thần và vật chất đến nhường nào. Tôi không trách gia đình mình vì trong vài lần reiki và thiền kết nối đứa trẻ bên trong với bố mẹ, tôi đã khóc nức nở vì thương họ, thương cho đứa trẻ bên trong của họ. 
Người yêu tôi (từ giờ tôi sẽ gọi là chimcu cho giống ngoài đời) lại lớn lên trong một môi trường rất mực an toàn và đầy đủ. Mẹ của anh là một phụ nữ thành đạt, tài giỏi, gần gũi và tôn trọng con cái trong khi ba là ông bố nội trợ hết lòng chăm sóc và yêu thương cho gia đình. Chimcu thích đọc sách trinh thám, thân thiện với tất cả mọi người bất kể họ có xuất phát điểm như thế nào hay khác xa cuộc sống của anh. Nếu tôi là đứa có cảm xúc lên xuống thất thường, dễ bùng phát thì anh trông rất lý trí và cẩn trọng. Tôi up & down liên hồi còn anh thì như một đường thẳng, không vui quá, không buồn quá. 
- Em không trang điểm, dễ vui dễ buồn và học giỏi. - Chimcu nói về ấn tượng ban đầu với tôi như vậy.
- Còn anh trông rất giống f*** boi có học, hahaahaaa.
Chúng tôi không bao giờ nghĩ đằng sau những lớp mặt nạ dựng lên đó là những con người khác, những mảnh vỡ khác của nhau. Khi tôi lửng lơ trôi giữa cuộc sống chênh vênh của mình thì anh chịu đựng sự dồn ứ, nặng nề như có cả tảng núi ấn chặt xuống. Người ấn không phải là mẹ anh, ba anh, cũng không phải là anh. Anh kể, năm lớp 8 anh hút thuốc lá, thuốc lào, đốt tiền vào điện tử và bi-a. Lớp 9 thì đi "phá đò" theo các bạn. Thời gian đó, ba T mà tôi vẫn biết đang bận xây sửa nhà vườn, lô đề, bóng bánh và cả những thú vui  khác; mẹ T bận rộn kiếm tiền, đi công tác liên miên. Trong mắt mọi người, anh là đứa trẻ hư thân, phá phách, khó bảo từ bé và cách tốt nhất để chăm anh nhưng vẫn có thể sống cuộc sống riêng là một cô giúp việc và một bác lái xe đưa đón đi học. Nhưng mẹ T không phải là người bỏ bê con cái. Mẹ anh đăng ký cho anh vào những trường tốt nhất, những trại hè, chương trình tốt nhất, mời gia sư dạy những bộ môn nghệ thuật thịnh hành nhất cho anh và các em. Bất cứ lúc nào có thời gian rảnh, mẹ đều kèm cặp bên cạnh. Mẹ lo cho thành tích và kết quả của anh hơn nỗi sợ của anh về tương lai. Mà thực ra anh chưa từng băn khoăn và sợ hãi về tương lai. Trước khi kịp định hình về con người của mình, mẹ và ba anh đã vạch sẵn lộ trình, sắp xếp vai trò để anh bước vào. Khi tôi còn đang chật vật với công việc làm thêm, anh đã có một vị trí trong công ty của mẹ, sáng đi làm, trưa về ăn cơm ba nấu và chiều đi học. Cuộc sống của anh có nhiều trò vui, nhiều cám dỗ nhưng "vì ba mẹ, anh biết điểm dừng". Anh biết mình là kiểu được bón sẵn, thèm khát sự độc lập và tự tin nhưng không được luyện tập điều đó. Điều vừa may mắn vừa thiệt thòi là một phần tuổi thơ anh, bố mẹ chưa kịp giàu! Anh sống trong căn tập thể cũ, chứng kiến những tệ nạn đã phá hủy một con người, một gia đình như thế nào. Khu tập thể đó đối với anh cũng như truyện cổ Grim đối với tôi - là lăng kính phóng chiếu nhân cách và động lực bên trong. Khu tập thể có nhiều thành phần, nhiều câu chuyện đời khiến cho anh không có cái vẻ bất cần và khinh khỉnh của một vài đứa nhà có điều kiện. Tuổi thơ anh nhiều biến chuyển, qua những gì anh kể, mẹ anh kể, ba anh kể và tôi chứng kiến, tôi hiểu anh không phải là công tử bột, anh là một chú mèo chưa kịp thích nghi với hoàn cảnh đã bị chủ xách lồng đi khắp chốn - một chú mèo an toàn nhưng thiếu lựa chọn, đang vùng vẫy giữa ranh giới của độc lập và phụ thuộc. Nếu anh chây ì, mẹ anh lo lắng. Nếu anh phá quá, ba anh sẽ đánh đòn. Anh phải giữ mình ở trạng thái trung lập và... ổn nhất.
Chúng tôi hút nhau vì đều là những kẻ gặp vấn đề về sự an toàn. Tôi thì thiếu, anh thì thừa. Tôi tìm kiếm một ai đó có thể mang cho mình sự chắc chắn, còn anh tìm kiếm sự tự do kiểu "dễ vui, dễ buồn". Nhưng sự chắc chắn của anh hay cả sự tự do của tôi đều chỉ là vỏ bọc, khi vỡ vụn, chúng tôi gây gổ với nhau, chì chiết nhau và làm đau nhau. Mỗi lần anh đi làm hoặc đi đâu đó về muộn, anh không có ý thức gọi điện hay báo trước cho tôi vì nghĩ tôi là đứa thoải mái, sao cũng được. Trong khi đó, tôi cần mọi thứ vào tầm kiểm soát. Tôi gọi điện liên hồi, trách móc, giận dữ, gào thét còn anh không thể hiểu tại sao tôi lại giống hệt mẹ của anh như vậy. Mỗi lần anh mua cỏ, tôi đều điên lên và nhắc lại không ít lần chuyện bố tôi đã sốc thuốc sùi bọt mép như thế nào (tôi đã từng không phân biệt được các loại chất kích thích nữa cơ :>).
- Anh là đứa lý trí, chẳng hay hớm gì việc phê pha này nhưng anh cần nó. Cuộc sống của anh quá nhạt. - Một chia sẻ thật lòng mà tôi từng cho là lời bào chữa rẻ tiền.
Khi gia đình tôi có chuyện, tôi tâm sự với anh. Khi tôi ốm, tôi gọi anh. Anh bối rối và thậm chí còn nổi cáu vì anh quá mệt khi phải nghe những than phiền đó. Anh yêu cầu tôi đừng làm cái rốn của vũ trụ nữa và để anh được yên. Nếu không phải mù quáng, tôi nghĩ chúng tôi đã rời nhau từ lâu. Thật lòng, nếu không lì điên lì dại như tôi, tôi nghĩ bạn nên dừng lại ngay khi phát hiện người kia cũng thiếu thốn như mình. Họ không có cái gì cho bạn cả và nếu đến để xin ai đó chút gì từ họ, đó cũng không phải là yêu. Chúng tôi may mắn nhận ra bản thân có vấn đề để học hỏi, để thực hành, để chữa lành nhưng đi qua rồi nhìn lại, tôi thấy đó là một chặng đường ý nghĩa thật nhưng rất đau khổ. Chúng tôi lôi hết vấn đề của nhau ra. Anh khiến tôi thấy mình là đứa thèm dựa dẫm như thế nào còn tôi khiến anh nhận ra anh cũng chỉ là một đứa trẻ yếu ớt đang tìm lối đi. Cứ mỗi lần cãi nhau, anh nằm co lại như con tôm đầy bất lực và sợ hãi. Mỗi sáng ngủ nướng, anh đều uốn éo và nhõng nhẽo như thằng em 6 tuổi của tôi. Tôi không sợ thằng con trai giả làm người trưởng thành như anh, tôi chỉ sợ người đàn ông trưởng thành không thể nhận ra bên trong họ có một đứa trẻ mong manh đang trú ngụ.
- Thỉnh thoảng, anh giống trẻ con nhỉ? Nhưng anh thích anh lúc đó. - Chú chimcu của tôi đã hạnh phúc mà thừa nhận điều anh chối từ bao lâu nay như vậy đấy. 
Có lần nói chuyện với mẹ T, tôi mới biết mẹ phải gồng gánh quá nhiều. Em trai thì nghiện ngập, phá phách. Bà ngoại thì chiều cậu và đổ dồn bao trách nhiệm lên mẹ. Đến lúc lấy ba T, mẹ lại gánh cả khoản nợ hàng tỷ đồng của ba. Những người đàn ông xung quanh mẹ đều treo gánh nặng lên mẹ khiến bà tin rằng: huấn luyện chimcu là cách tốt nhất để bà trang bị cho mình "một người đàn ông đúng nghĩa". 
Đây chính là chúng tui của hiện tại (đúng ra là cách đây vài tuần =))))
Đã không biết bao trận cãi vã, ngồi lại, gọi tên nỗi sợ, gọi tên nỗi đau giữa chimcu và tôi. Tôi trách anh không bao giờ chủ động nhắn tin hỏi han mà không biết rằng anh đã phải làm như vậy rất nhiều với các em, với ba và mẹ. Anh không còn sức. Anh trách tôi không hiểu cho những bận rộn khi gây dựng sự nghiệp riêng mà không biết rằng tôi đã phải làm như vậy với bố mẹ và bà nội của mình. Tôi cũng mệt rồi. Cuối cùng, chúng tôi đã chọn cách ôm ấp những vết thương đó, tôn trọng không gian chữa lành và phương pháp chữa lành của nhau. Tôi hợp với những nghi thức tâm linh, anh hợp với các kiến thức về tâm lý. Nhưng may mắn là chúng tôi đều mở lòng để học hỏi và rút ra tất cả những điều này.
Trong cuốn sách mà chị đồng nghiệp tặng tôi dạo trước, tôi được biết về khái niệm "những đứa trẻ nhầm vai" (role confusion) thông qua quá trình phụ huynh hóa (parentification). Chúng xảy ra khi các đứa trẻ phải nhận trách nhiệm đáng lẽ ra thuộc về bố mẹ chúng. Trường hợp của tôi là instrumental parentification (phụ huynh hóa chức năng) còn của anh là emotional parentification (phụ huynh hóa cảm xúc). Tôi gồng gánh, chăm lo tài chính và cuộc sống vật chất của gia đình, anh chịu trách nhiệm cho những nỗi lo của bố mẹ. Thỉnh thoảng, tôi cũng rơi vào trường hợp của anh và ngược lại. Về cơ bản thì việc nhận thêm trách nhiệm như vậy có thể giúp trẻ em có nhiều kỹ năng sống hơn nhưng ở mức độ dày đặc như chúng tôi, điều đó gây thương tổn. Chúng tôi đến với nhau khi thương tổn còn chưa được nhận diện và xử lý.
Năm thứ hai yêu nhau, tôi tốt nghiệp đại học, loại xuất sắc, bắt đầu kiếm tiền còn người yêu tôi trầy trật mãi với toán cao cấp 1, 2 và xác suất thống kê. Tôi nghĩ đó là giai đoạn tệ nhất. Chimcu là người thông minh - nhiều người bảo vậy nhưng những môn học đó anh không thèm đi học. Anh cho rằng nếu học xong, anh sẽ phải vào làm công ty mẹ và anh ghét điều đó đến cùng cực. Anh bắt đầu đi làm kiếm tiền ở bên ngoài nhiều hơn nhưng sớm chán và bỏ dở, bắt đầu có thái độ chống đối mạnh mẽ. Những hôm ở nhà thì nằm thưỡn ra ngủ như chết. Ba T nghĩ anh nghiện, mẹ T thì không muốn nhận con và luôn miệng "hồi nhỏ nó nghịch nhưng bảo đâu học đấy, không cãi bao giờ". Tôi nhìn chimcu ngày đó mà cũng phát sợ với thân hình gầy còm, tóc dài bết và luôn miệng cáu bẳn. Tôi không biết đó là lúc cái giới hạn của anh bị chạm vào, anh không còn muốn là người gánh trách nhiệm làm gương cho các em, làm đẹp mặt bố mẹ nữa. Về phần mình, lúc đó gia đình tôi phá sản và tôi phải ở nhờ nhà anh. Công việc với mức lương ổn nhưng không đủ để tôi trả nợ cho mẹ hàng tháng. Áp lực của đứa mới ra trường và gia đình khiến nỗi sợ về những điều nằm ngoài kiểm soát và bất ổn trong tôi trỗi dậy. Chúng tôi cãi nhau ngay trong chính căn nhà có ba mẹ anh và dành cho nhau những lời đay nghiến. Dịp đó, tôi cũng bắt đầu học thiền và sau 5 tháng tôi chọn tách mình khỏi cuộc sống của anh và chính anh cũng đi tìm giải pháp cho sự không ổn ở bên trong. Chúng tôi đã tử tế thỏa thuận với nhau: dừng lại một chút đã. Cả hai đều biết rằng thời điểm đó chúng tôi là những con nhím đầy gai, ngoại cảnh lẫn nội tại khiến những vấn đề bên trong nổi lên và vì yêu, chúng tôi chọn dừng lại 8 tháng trời. Tôi về quê, còn anh nghiêm túc hoàn thành việc học ở trường cũng như nói rõ mong muốn với mẹ T. Mẹ T không hài lòng nhưng anh kiên quyết, cũng nguôi dần.
Chúng tôi bây giờ vẫn là những đứa trẻ mong manh nhưng không còn phán xét sự mong manh đó của mình nữa. Cả tôi và anh đều hiểu rằng: luôn có người kia yêu sự mong manh và sẵn sàng ôm ấp sự mong manh đó cho mình. Chúng tôi vừa được làm người lớn, vừa được làm đứa trẻ mà không sợ hãi. Và nếu có sợ hãi, đối phương sẽ vẫn kiên nhẫn xoa dịu cùng. Dịp này chúng tôi lại yêu xa, không phải vì những vấn đề lại nổi lên và vì thực sự được thôi thúc để nuôi dưỡng chính mình. Đang ở cùng, tôi khăn gói đi vào Đà Nẵng, dù buồn nhưng anh hết lòng ủng hộ vì hiểu lý do của tôi. Lần yêu xa này, tôi có anh ân cần, có anh chủ động còn anh cũng có tôi thấu hiểu, có tôi lắng nghe. Bằng cách nào đó, chúng tôi tiệm cận về hình mẫu ban đầu đã tạo dựng cho nhau, một cách tự nhiên nhất, thoải mái nhất - anh vững chãi còn tôi vô tư. Có lẽ vì chúng tôi đã cho phép khía cạnh đó của mình được biểu hiện sau chặng dài vừa rồi.
Ngồi ở Đà Nẵng với chú mèo chúng tôi nuôi chung, tôi thỏ thẻ: Mẹ nhớ bố chimcu quá!
Trước đây, tôi từng nghĩ: Yêu là cảm xúc thiêng liêng, là một thứ phản ứng hóa học đặc biệt nào đó mà trên phim thường nhắc tới. Nhưng sau nhiều lần bị conditinhyeu quật lên quật xuống, tôi chấp nhận: Yêu là một lựa chọn để nuôi dưỡng những cảm xúc như thinh thích, thương thương hay say đắm. Yêu cũng là bài học để lắng nghe và chuyển hóa cả những đau khổ, giận hờn và buồn tủi vốn nằm yên trong ta cho đến khi gặp được người đủ sức lôi chúng lên rồi buộc ta phải đối diện. Ở cạnh chimcu, tôi nhận ra rằng: Khi lựa chọn yêu một ai đó, tôi sẽ duy trì cam kết đó bằng cách yêu họ trọn vẹn và vô điều kiện. Vô điều kiện không có nghĩa là tôi nhún nhường, hạ thấp mình trước những hành xử vượt giới hạn của người yêu mình. Yêu vô điều kiện là lắng nghe những tổn thương hay nhu cầu ẩn sâu dưới những điều đó để thương anh, yêu anh và sẵn sàng cùng anh vượt qua chúng. Từ khi hiểu được điều này, tôi có một niềm tin mãnh liệt về sự tử tế và lãng mạn bên trong người yêu mình. Bất cứ hành động, lời nói nào của anh không phản ánh những điều đó, tôi đều kiên nhẫn cùng anh tìm rào cản đã ngăn chúng được thể hiện. Dần đà, tôi nhận ra mình đã học được cách yêu anh trọn vẹn, yêu cả những thiếu sót của anh, những sai lầm của anh và ngược lại anh cũng vậy. Chúng tôi hiểu nhược điểm hóa ra cũng chỉ là ưu điểm đang bị đau, bị mỏi mệt mà thành. Xoa dịu cái đau, cái mệt đó, chúng lại trở về hình thù vốn có.
Một trong những từ khóa thường bị lãng quên của lá The Lovers trong bộ bài Tarot là Chữa lành & Sự lựa chọn. The Lovers là lá ẩn chính số 6 với năng lượng của sự hòa hợp, gắn bó, và việc đưa ra quyết định cho chính mình. Nó kết nối trực tiếp với luân xa số 4 nằm ở giữa lồng ngực - luân xa của tình yêu thương vô điều kiện và sự chữa lành những nỗi đau. Trước khi đến với chimcu, tôi chưa bao giờ nghĩ tình yêu của chúng tôi mang năng lượng của The Lovers mạnh mẽ đến vậy. Nó có cả sự hòa hợp, sự đồng điều nhưng cũng chứa đầy những lựa chọn mà chúng tôi phải thực hiện mỗi ngày. Và thông qua những lựa chọn đó, chúng tôi cho phép mình mở lòng và bước vào thế giới của người kia, để rồi chữa lành nhau, ôm ấp nhau, xoa dịu nhau và tạo không gian thoải mái cho đối phương được sống là chính mình, một cách lành lặn.
Một người chị thân của tôi bảo: Thấy không hợp nhau thì nên dứt sớm chứ đừng dây dưa thêm khổ mình khổ người. Tôi công nhận nhưng không hoàn toàn đồng ý. Nếu xác định chịu được đau và xác định đối diện được những hạt mầm không ổn trong chính mình thì hẵng làm, còn nếu chưa sẵn sàng thì đừng cố. Điều duy nhất có thể thay đổi là chính mình chứ không là ai khác. Phần vì tôi không có kỳ vọng sửa chữa anh, phần vì tôi mù quáng cố chấp chịu đau, phần vì may mắn, chúng tôi mới gỡ bỏ cho nhau được. Nhưng bạn biết đấy, chừng nào tổn thương bên trong chưa được xoa dịu, chừng nào mình còn hạt mầm đau khổ thì tránh vỏ dưa cũng gặp vỏ dừa. Tự mình chữa được thì tốt nhất nhưng có những chuyện, nếu gặp được người đồng hành sẽ ý nghĩa và nhanh hơn nhiều. Nghĩ lại nếu không gặp chimcu, chắc còn khuya nữa tôi mới nhận ra "tính bánh bèo" của mình =))).
Tôi xem Tarot cho nhiều người nhưng lại rất ít để ý đến chuyện tương lai của mình. Có thể vì xem nhiều nên tôi cũng nhận ra tương lai là biến số thiên thời, bất cứ lúc nào vì "địa lợi" xoay chuyển và "nhân hòa" sẵn sàng, chúng đều có thể thay đổi. Tôi thường dùng Tarot như một công cụ để giải thích các vấn đề và xin chỉ dẫn hơn. Trong tình yêu cũng vậy, chúng tôi ít khi nghĩ về chuyện tương lai mà luôn nhắc nhở mình sống cho hiện tại, khúc mắc ở đâu, thì bình tĩnh quan sát, gỡ rối chỗ đó. Chúng tôi cũng trầy trật để xem nhau như những người bạn cùng lớp "học yêu", mỗi ngày một kiến thức, một bài kiểm tra; mỗi ngày giỏi lên một chút. Dù bây giờ tôi không thể phủ nhận là đôi lần tôi và anh vẫn buồn vì nhau nhưng đi được đến bước này, tôi vô cùng tự hào mà nói rằng: tình yêu đã dần chữa lành chúng tôi rồi đấy!
---
Trò chuyện thêm với mình tại đây nhé:
Cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc bài.
Đừng quên ủn mông mình bằng 1 chú upvote ủng hộ ha ^^

Đọc thêm: