Trong slot "đọc triết lúc sáng sớm" mình đang rà lại toàn bộ Đạo học của Lão Trang, hôm nay tình cờ đọc đến đoạn này khá hay trong cuốn "Trang Tử tâm đắc" của giáo sư Yu Dan, nên muốn chia sẻ lại với các Nhện :)

Enjoy!

Nguồn ảnh: Anh Google

Mọi người đều biết tiếng của danh y Biển Thước, tên ông quen thuộc đến mức trở thành tên gọi chung cho các danh y Trung Quốc.
Có lần Ngụy vương hỏi Biển Thước:
_ Ta nghe nói ba anh em nhà thầy đều giỏi y thuật, thầy thử nói cho ta xem trong ba người, y thuật của ai cao minh nhất?
Biển Thước thành thực đáp:
_ Anh cả của thần y thuật cao nhất, anh hai của thần thứ hai, còn thần y thuật kém nhất trong ba anh em.
Ngụy vương ngạc nhiên hỏi:
_ Thế tại sao thầy lại nổi tiếng trong thiên hạ, còn hai người anh lại chẳng ai biết đến?
Biển Thước đáp:
_ Vì anh cả thần chữa bệnh cho người thường là phòng bệnh khi nó chưa xảy ra, người bệnh này hầu như đã được chữa khỏi từ khi chưa có triệu chứng gì bộc lộ ra ngoài, người đó trông như không có bệnh gì cả, cho nên người ta không biết anh ấy đã trừ bỏ trước bệnh cho người. Còn người anh thứ hai của thần thì trị được bệnh khi bệnh mới có dấu hiệu triệu chứng, ngay từ đầu anh ấy chữa trị dùng thuốc, đuổi được bệnh, nên người ta cho rằng anh ấy chỉ chữa được bệnh vặt, mà không biết rằng nếu để bệnh phát triển tiếp thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng, cho nên danh tiếng anh chữa được các bệnh vặt lan truyền nơi thôn quê. Còn thần, tại sao lại nói y thuật của thần kém nhất? Là bởi thần chỉ có thể ra tay khi tính mạng người ta đã nguy cấp. Điều thần có thể làm được là phá huyết mủ, phẫu thuật, đắp thuốc cho người ta, những việc dính dáng đến máu me đều do thần làm, kết quả vừa ra tay là có thể cải tử hoàn sinh, cho nên thanh danh của thần vang khắp thiên hạ. 

Nhưng bệ hạ hãy xem, ba anh em thần, người có thể phòng bệnh khi nó chưa xảy ra là giỏi nhất thì lại không được thiên hạ biết đến; người ra tay chữa khỏi khi bệnh mới phát thì bị người ta coi là chỉ biết chữa bệnh vặt, danh chỉ truyền nơi thôn quê; còn đến khi sinh mạng sắp mất mới ra tay cứu người, cứu thế nào thì vẫn để lại di chứng, người bệnh đều bị tổn hại, nhưng thần lại lừng danh thiên hạ.

*****
Lời bình: Thực ra điển tích này có thể hiểu là sự diễn rộng của một trong những bài học quan trọng nhất trong "Đạo đức kinh": 

"Thánh nhân làm mà không cạy khéo. Công thành thì lui về - việc thành mà không quan tâm tới". 

Hay có đoạn: 

"Bậc trị dân giỏi nhất thì dân không biết là có vua, thấp hơn một bực thì dân yêu quí và khen; thấp hơn nữa thì dân sợ; thấp nhất thì bị dân khinh lờn". 

Cũng như: 

"Thánh nhân không tự biểu hiện cho nên mới sáng tỏ, không tự cho là phải cho nên mới chói lọi, không tự kể công cho nên mới có công, không tự phụ cho nên mới trường cửu".


Đồng thời, điển tích này cũng nhắc mình nhớ về sự hời hợt và bề mặt của danh tiếng cũng như sự ngợi ca của người đời.
Tất nhiên, điều đó hoàn toàn không có nghĩa là việc được ca ngợi hay tôn vinh thì xấu. Mà có lẽ quan trọng hơn là thái độ của một người khi đối mặt với những ngợi ca ấy mà thôi.

A Dreamer