Điều quan trọng nhất là bạn cần hiểu tận cùng ý nghĩa những việc mình đang làm
Mấy hôm trước, khi chia sẻ về dự định 6 năm học đến Thạc sĩ và sau đó trở thành một giáo viên thỉnh giảng, bạn của mình (một người...
Mấy hôm trước, khi chia sẻ về dự định 6 năm học đến Thạc sĩ và sau đó trở thành một giáo viên thỉnh giảng, bạn của mình (một người cũng vừa ra trường và hiện là Thầy của rất nhiều học sinh - sinh viên) nói một câu khiến mình suy nghĩ khá nhiều:
''Vốn dĩ trước giờ, với những việc từng làm, Thy đã là cô giáo, chỉ là sau này có thể sẽ khoác lên mình chức vụ chính thức và nhận lương từ việc dạy dỗ một ai đó''.
Ai mà có ngờ đâu, một ngày nọ mình (một đứa chán ghét nghề giáo) lại suy nghĩ muốn trở thành cô giáo. Mình chọn cách giáo dục để thay đổi những người mình có thể tiếp xúc thay vì chọn việc thay đổi thế giới vốn dĩ đã là điều bất khả.
Trong quá khứ, mình từng có mối hận với những người làm giáo viên, vì họ đã đối xử tệ với mẹ mình - người đã hết lòng vì đồng nghiệp, dành cả tuổi trẻ cho sự nghiệp trồng người để rồi cuối cùng bị chính những người mà bà đã từng dắt họ qua vũng lầy đạp xuống thật sâu. Mẹ mình luôn giữ suy nghĩ dĩ hòa vi quý, tuy nhiên, lúc cần thiết, mẹ luôn có cách đấu tranh cho lẽ phải và những người mẹ cần bảo vệ. Và có thể, vì bà hiền lành và thẳng thắng, mà người khác nghĩ rằng cần để bà trôi vào quên lãng.
Suốt hơn 20 năm đi học, mình từng gặp rất nhiều người thầy khai sáng, và xem họ như những mảnh ghép đẹp. Nhưng cũng không ít lần, mình chịu sự bất công, phải nghe những lời miệt thị - bảo thủ và cấm đoán chỉ vì mình đồng cảm với học sinh cá biệt, từng cố gắng thay đổi kết cục của sự bất công và luôn lên tiếng vì lẽ phải.
Mình không phải là anh hùng, mình chỉ đứng lên vì bản thân và sự tốt đẹp mà trường học cần vô trùng khỏi những bàng quan của người làm giáo dục vô tâm. Sau bản thân, thì sự đấu tranh thật sự sẽ mang lại điều tốt đẹp cho những người xung quanh - cũng chịu những bất công giống mình, nhưng họ khác mình ở chỗ họ không dám nói. Mải miết như thế, một mình tranh đấu, một mình chịu đựng những chỉ trích, tập thói quen đáp trả ngôn ngoan và chua ngoa với những người làm sai lệch lòng tin của người học, mình đã chứng kiến rất nhiều người rời đi, những điều xấu mờ đi trong ký ức. Ai đó khi nghe mình kể về những câu chuyện này, đều lắc đầu ngao ngán, và nhìn mình với ánh mắt e dè. Họ nghĩ mình to gan và ngạo mạn, mình chỉ thấy mình truy cầu tận cùng những đích đến cho những việc mình làm. Nói cách khác, mình luôn hiểu ý nghĩa của những hành động đó là gì, và làm sao để giữ lấy sự tử tế trong vô vàng những giây phút có thể đánh mất lí trí cho việc tranh luận.
Từ cấp 2, đến cấp 3, mình sống với chứng trầm cảm, và chịu đựng tất cả sự im lặng mà xung quanh ném vào những nỗi cô đơn của bản thân. Trong những ngày tăm tối đó, chính gia đình và những người thầy chân chính đã đưa cánh tay kéo mình dậy, tỉnh thức từ những mơ hồ và bắt đầu có những cuộc đấu tranh cho sự bình yên lâu dài. Mình lấy lại niềm tin từng ngày, tìm thấy niềm vui và sự ấm áp ở những lời dạy của má nuôi, tìm thấy những người bạn, và tìm thấy chính mình - một phiên bản ít đớn đau và học cách tự bao dung lấy mình.
Dù những bất công vẫn luôn diễn ra, những ác ma trong quãng đời sinh viên vẫn luôn đeo bám mình trong từng giấc ngủ, nhưng điều đó thật sự không quan trọng nữa cho đến khi mình tìm ra ý nghĩa thật sự của việc chấp nhận sự bất công vẫn luôn hiện hữu, chỉ là chúng ta hãy luôn cố gắng sống tốt đẹp hơn mỗi ngày - như đóa hoa nở muộn trong nghịch cảnh.
Lên đến đại học, điều làm mình không ngờ đến chính là hành trình làm công tác sinh viên, mang tuổi trẻ của mình đi xây nên giấc mơ tuổi trẻ của rất nhiều người. Suốt 4 năm đó, có lúc mình là học trò của người khác, có lúc lại là đồng đội của những nhóm người riêng biệt mình từng học lóm, và cũng có rất nhiều lúc, mình trở thành người định hướng và là người thầy bất đắc dĩ của bao thế hệ kế thừa.
Thầy cô đứng lớp có giáo trình sách vở, mình đứng lớp với kinh nghiệm - sự tận tâm và những đúc kết từ thực tế biên chép thành tài liệu. Thầy cô đứng lớp trước 40 - 50 sinh viên, mình đứng lớp trước gần 100 thậm chí là hơn 100 cán bộ. Thây cô dạy kiến thức chuyên ngành, mình dạy thái độ làm việc, cách thức vận hành công việc và nhiệm vụ theo đuổi đến cùng sứ mệnh của người cán bộ,...
Thầy cô đứng lớp có rất nhiều cơ sở, tư liệu, công cụ để đo lường hiệu quả. Còn mình, thầm lặng nhìn nhận thành quả vun trồng bằng những kế hoạch, báo cáo, những điều được và mất của tất cả những người mình dìu dắt. Và mình xem việc chúng đi bao xa, ở lại bao lâu và phụng sự bao nhiêu điều cho tập thể chính là thành công của bản thân. Mình càng làm công tác đào tạo sâu, càng nhận ra ý nghĩa tận cùng của sự truyền cảm hứng và động lực cho người khác, không phải chỉ là lý thuyết, mà là cảm xúc mãnh liệt để nghiêm túc bắt đầu một việc nào đó thật sự đúng đắn và có ý nghĩa. Từ đó, những sự thay đổi đã dần đâm chồi, nảy nở rực rỡ trong tuổi trẻ của thế hệ kế thừa mà ở đó, mình cũng từng vinh hạnh trở thành đốm sáng đợi chờ họ nơi cuối con đường.
Đi tìm sự thật và đấu tranh cho sự thật, mình dần nhận ra mọi thứ đều có riêng một kết quả sẵn bày, chỉ là mình có chấp nhận hay không và nghĩa rằng nó tốt hay xấu. Nếu không thể thay đổi sự thật, không thể thay đổi thế giới, hãy thay đổi từng người mà mình có cơ hội đồng hành để rồi sau này, với lòng nhiệt thành đó, họ sẽ thay đổi những người xung quanh họ.
Và đó cũng là lúc mình quyết định tiếp tục các bậc học để có đủ điều kiện tham gia hoạt động giảng dạy chính chuyên (dĩ nhiên, mỗi học kỳ mình chỉ muốn dạy 1 lớp vì mình cũng cần tập trung vào công việc mơ ước).
Dạy học không phải là giấc mơ sự nghiệp, mà là một nguyện vọng, một ước mơ mình bỏ ngõ riêng cho ảo mộng lý tưởng riêng mình: đào tạo những thế hệ sinh viên tử tế, hiểu chính mình để nhận ra giá trị của bản thân, được tôn trọng sự khác biệt, có những ký ức đáng giá và những cảm xúc thật đẹp khi ngồi trong lớp học của mình - thứ mà ngày xưa mình từng phải đấu tranh đến nặng người để bảo vệ những điều đáng ra phải tồn tại.
Dạy học đơn thuần không phải là cách để kiếm tiền, nhưng không có nghĩa là việc trở thành một người giảng dạy có đạo đức trở nên bất khả. Cảm hứng và sự tận tụy bên trong mình, dù sau bao nhiêu năm nó vẫn sẽ trở lại như những ngày đầu, từ khi còn là một hoc sinh cho đến khi là một người dạy học trong tương lai. Thay vì sống mãi trong những méo mó của ký ức nơi giảng đường, mình chọn cách trở thành một người dạy, một người truyền cảm hứng, và là một người chữa lành những điều không lành lặn trong suy nghĩ của người học. Chỉ cần mình hiểu đến tận cùng những việc mình đang làm, thì 6 năm hay 10 năm để trở thành một giáo viên cũng đều xứng đáng!
Art: Zohar Dvir
2:36 AM, 26/02/2021
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất