Dạo gần đây đang có một làn sóng "bóc phốt" các thầy cô giáo dạy IELTS ở khắp nơi trên cả nước, dạy tư cũng phốt mà dạy ở trung tâm cũng phốt. Tôi vốn chỉ định hóng drama cho màu sắc cuộc sống thêm phong phú, cho tới khi tôi đọc bài viết này ở trong 1 group chuyên bóc phốt IELTS:

Khi thấy có rất nhiều comment bên dưới ủng hộ quan điểm này, tôi nghĩ tôi nên viết một bài, gọi là phản biện thì cũng không phải, nhưng mong là ít nhiều làm tỉnh ngộ được một số người.

1. Tiếng Anh VS IELTS

Tiếng Anh và IELTS là hai nghe tưởng giống nhau nhưng phạm trù khác nhau, mục đích sử dụng cũng khác nữa. 

Thứ tiếng Anh mà chúng ta học 12 năm phổ thông, kể cả đại học, nó thuộc về thứ tiếng Anh thực tế. Vì văn hóa VN cho rằng cứ khó một cách hầm hố tức là giỏi, khi tiếng Anh bị dùng để thi thố như thi chuyên, thi ĐH, thi quốc gia, có rất nhiều ngữ pháp và từ vựng được dạy, và bắt học, trở thành sáo rỗng và kì quặc nếu áp dụng trong đời sống. Tuy nhiên, nó vẫn rất gần với đời thực ở chỗ, bạn muốn nói thế nào cũng được, miễn là ngữ pháp bạn đúng và từ vựng bạn chọn hợp tình hợp cảnh. Bạn nói lòng vòng cũng được, ngắn gọn cũng được, miễn là người nghe hiểu bạn, tức là bạn đã hoàn thành được mục đích khi nói. 

IELTS, hay các loại chứng chỉ tiếng Anh khác, thì khác. Mặc dù mục đích là kiểm tra trình độ tiếng Anh, nó lại có những tiêu chí riêng để chấm điểm. Điều này có nghĩa ngay cả người bản xứ, dù nói hay viết giỏi tới đâu đi chăng nữa, nếu không phù hợp với tiêu chí chấm điểm, thì đi thi vẫn về mo. Và nó cũng có nghĩa rằng, những người thi IELTS được điểm cao, là những người biết được từng kĩ năng thi yêu cầu những gì, và cần phải viết gì, nói gì để đạt được chúng. 

Nói như vậy để thấy, giỏi tiếng Anh và giỏi IELTS là hai cái giỏi hoàn toàn khác nhau. Một người có thể giỏi cả hai, nhưng không có nghĩa giỏi cái này thì sẽ giỏi cái kia. Một người có thể nói tiếng Anh lưu loát, đàm thoại tốt với người bản xứ, nhưng thi IELTS có thể kém vì tiếng Anh của họ từ trước tới giờ để sử dụng, chứ không phải để thi. Một người thi IELTS có thể điểm rất cao nhưng khi giao tiếp với người bản xứ lại có nhiều chỗ không hiểu vì họ hay dùng lối nói tắt với từ lóng (slang), còn bản thân thì lại chỉ quen thuộc với những cấu trúc ngữ pháp mẫu mực hay từ vựng hàn lâm trong IELTS.  

Vậy nên, đòi hỏi người dạy IELTS phải có cả tốt nghiệp sư phạm tiếng Anh, rồi lôi cả mấy chứng chỉ nghề vào, chỉ chứng tỏ đó là một người dễ bị ảnh hưởng bởi phông bạt, cứ có càng nhiều bằng thì càng thích, chứ chẳng quan tâm gì tới thực chất trình độ của người dạy. Tôi biết người viết, cũng như nhiều người trong bài ấy, đang bức xúc vì nhiều người khai điểm giả để thu hút học sinh, nhưng những gì các bạn đang yêu cầu lại hoàn toàn không đảm bảo các bạn có được thầy cô giáo giỏi. Chưa kể, những người mà đạt đủ những điều kiện như vậy sẽ thu của bạn một con số có lẽ phải gấp 4,5 lần số tiền học phí các bạn đang trả đấy (vì người ta đã mất từng ấy công sức và tiền của để kiếm bằng về cho bạn còn gì)

2. Dạy 


Cùng một bài Toán ấy, bài Hóa ấy, thầy cô dạy mãi không hiểu, thằng bạn chỉ cho vài phút lại hiểu và nhớ lâu. Đã bao giờ bạn gặp tình huống đó chưa? Thằng bạn của bạn thi ĐH có được 10 điểm Toán, 10 điểm Hóa không? Nó có bằng sư phạm không? Không. Điểm kiểm tra của nó có khi còn kém hơn bạn. Nó chỉ đơn giản là biết một cách học phần kiến thức đó hiệu quả hơn bạn.

Và đó chính xác là những gì xảy ra ở một lớp học IELTS. Tất cả những người tự xưng là giáo viên IELTS chưa có một ai tham gia một khóa học nào để trở thành "giáo viên dạy IELTS" cả, bởi một là không có cái danh hiệu chính thức nào như thế , và hai là cũng chẳng có khóa học chính thức nào như thế. (IDP hay British council có training riêng của họ, và đó là để trở thành giám khảo IELTS, không phải giáo viên dạy IELTS, hoàn toàn khác nhé. Và cũng đừng nghĩ sư phạm tiếng Anh thì sẽ có kĩ năng dạy IELTS nhé)

Vì vậy, những người đã và đang dạy IELTS trên cả nước chỉ đơn thuần là những người chia-sẻ-kinh-nghiệm học và thi IELTS của họ, không hơn không kém. Họ có thể bỏ công sức ra nghiên cứu nhiều tài liệu, bỏ ra nhiều tiền để thi nhiều lần để biết nhiều hơn bạn ở kĩ năng thi, nhưng tất cả đều không chính thống, bởi nó không-thể-nào-chính-thống như cách bạn đòi hỏi ở một giáo viên Toán phải tốt nghiệp sư phạm Toán.

A good #teacher must be able to put himself in the place of those ...


Và không chính thống đồng nghĩa với việc một người có điểm IELTS cao không có nghĩa là người ta biết cách dạy. Người ta có thể hiểu cách nó hoạt động ra sao, nhưng cách người ta truyền đạt lại sao cho người khác dễ hiểu và có thể áp dụng được là hai cái hoàn toàn khác nhau. Và đây cũng là nơi mà kỳ vọng của nhiều người đi học được đặt sai chỗ. Cứ hễ thấy điểm cao là lao đầu vào đóng học tiền triệu và cho rằng học ở đây mình cũng sẽ được như thế. Ngay cả khi dạy có chán, tài liệu học thì sơ sài, nhưng vẫn thấy treo bảng điểm 8.0 - 9.0 thì vẫn cứ cắm đầu học, phần vì tiếc tiền, phần vì vẫn bị hiệu ứng hào quang làm cho mờ mắt.

Tôi phần nào đồng tình với ý kiến của người viết, rằng dạy IELTS cần có kĩ năng sư phạm. Tuy nhiên, kĩ năng này không nhất thiết phải được chứng minh bằng chứng chỉ này nọ, bởi có rất nhiều người ngoài kia có cách giảng giải dễ hiểu dù không đi học sư phạm, và có rất nhiều người tốt nghiệp sư phạm nhưng lại dạy rất chán. Thiết nghĩ, chỉ cần là một người có tâm, thực sự quan tâm tới việc học sinh có tiếp thu được hay không, thì sẽ dành công sức để tìm tòi cách để dạy dễ hiểu hơn. Vậy là đủ. 

Về cái đầu, thực ra những tiêu chí chấm điểm của IELTS từ khi được lập ra vốn đều công khai cho mọi người truy cập, thậm chí tiêu chí chấm điểm từng phần (nhất là Nói và Viết) đều được giải thích rõ ràng nếu bạn có những kĩ năng tìm kiếm cơ bản trên mạng. Vì vậy, về mặt chuyên môn, những người dạy IELTS lâu năm cũng chỉ biết tới thế, bởi bao lâu nay những tiêu chí ấy đều không thay đổi. (có chăng là cập nhật thêm vốn từ cho dồi dào hơn. Cái này thì ai cũng làm được qua sách báo chứ chả cứ phải có IELTS cao). Nên người dạy IELTS tốt không cần hơn học sinh quá nhiều cái đầu. Chỉ cần không ngừng cải thiện cách truyền tải nội dung tới học sinh sao cho hiệu quả hơn là được.

Còn việc các bạn đòi người dạy phải có điểm IELTS cao hơn mình thì không sai, tuy nhiên nhiều bạn đang đòi hỏi hơi quá. Có những bạn chỉ có nhu cầu IELTS 6.0 nhưng đòi người dạy phải 8.0??? Người có IELTS 6.5 rõ ràng biết điều gì đó để có thể đạt được điểm số họ đang có, và nếu họ cũng có cả kĩ năng sư phạm thì tại sao họ không thể dạy...à xin lỗi...chia-sẻ-kinh-nghiệm để người khác lên được 6.0, thậm chí 6.5? Bệnh trọng thành tích này không khác gì việc bạn thần tượng hóa trường Ngoại Thương và coi thường tất cả sinh viên tới từ các trường lấy điểm thấp hơn, dù họ vẫn giỏi hơn bạn nhiều lắm vậy.

3. Học


Để chuẩn bị đi thi Toán quốc tế, bạn có bắt đầu bằng việc học bảng cửu chương không? Không, những cái như vậy phải là những cái nền tảng bạn phải biết từ trước rồi.

Học thi IELTS cũng vậy. Bạn không nên đi đăng ký học thi IELTS nếu bạn không có tiếng Anh nền tảng, bởi học IELTS là người ta sẽ chỉ tập trung dạy bạn kĩ năng thi. Bạn sai ngữ pháp, bạn kém từ vựng, bạn phát âm sai, người ta phải mất thời gian sửa cho bạn, nhưng như thế thì cả khóa học IELTS tiền chục triệu cuối cùng lại thành một khóa học tiếng Anh cơ bản vốn dĩ rẻ hơn rất nhiều. Bạn có sẵn tiếng Anh nền tảng thì cả việc dạy lẫn việc học IELTS sẽ có hiệu quả hơn, bởi người dạy chỉ phải tập trung vào việc điều hướng cái bạn biết sao cho khớp với cái giám khảo yêu cầu. 

IELTS có thể tự học không? Có, và theo tôi thì nên tự học. Thứ nhất, tài liệu cho IELTS CỰC KỲ DỒI DÀO trên mạng. Một khi bạn có tiếng Anh nền tảng tốt thì bạn hoàn toàn có thể tận dụng chúng mà không cần nhờ tới ai khác. Để biết mình đúng sai ở đâu thì cứ nhờ dịch vụ chấm bài trên mạng là được. Thứ hai, có quá nhiều lớp học IELTS ngoài kia có số lượng học sinh một lớp quá đông, trong khi với độ khó của IELTS thì mỗi học sinh cần một lượng lớn sự quan tâm, chỉ dạy cặn kẽ của thầy cô giáo. Dù thầy cô nổi tiếng tới đâu nhưng vào một lớp học 20-50 người thì bạn mong đợi điều gì ở chất lượng giảng dạy và sự quan tâm cho từng học sinh trước, trong và sau giờ học? 
Khóa học IELTS Intensive - IPP IELTS

Học IELTS cũng không khác gì thi ĐH. Muốn có kết quả cao, nhớ lâu thì bạn phải cày ngày cày đêm, liên tục làm bài tập và nhận được feedback, chứ không phải cứ học 45' trên lớp xong về nhà không đụng tới nữa. Rất tiếc là nhiều bạn hiện tại khi đi học khóa IELTS lại cho rằng, mình đóng tiền thì việc ra được kết quả là việc của giáo viên, không phải việc của mình. Bạn đạt được đúng kết quả như ý muốn thì bạn coi đó là do mình đóng tiền, lẽ đương nhiên phải như thế, chứ không phải thầy tốt. Còn không đúng thì cũng lại lẽ đương nhiên do thầy tồi, không phải do mình lười. 

Riêng bản thân cái tâm lý này thôi đã khiến những người như vậy không nên tới một lớp học nào, vì nó rất bất công với những người làm nghề giáo, dù chính thống hay không chính thống.

Kết


Hãy là người tiêu dùng văn minh và thông minh. Đừng nghĩ là người ta cứ có nhiều bằng cấp và điểm cao là có thể dạy tốt. Với IELTS, hay với bất kì một lớp học nào, sĩ số quá đông không thể nào đảm bảo một chất lượng giảng dạy tốt (tôi khuyên là chỉ nên học lớp tối đa 4, cùng lắm 5 người). Đừng vì người ta nổi tiếng mà cứ hùa theo đàn thiêu thân. 

Và cuối cùng, hãy chuẩn bị tiếng Anh cơ bản thật tốt rồi hẵng nghĩ tới việc học IELTS. Và nếu đã có tiếng Anh nền tảng tốt, hãy tự học IELTS. 

Facebook Group Đàn Ông Học:

Đọc thêm: