Sống Cho Mình vs Sống Cho Người
Cuộc đời này ngắn lắm, phải biết sống cho mình, làm những điều mình muốn, mình đam mê. Đừng phí hoài tuổi xuân để yêu hay theo đuổi...
SỐNG CHO MÌNH
Cuộc đời này ngắn lắm, phải biết sống cho mình, làm những điều mình muốn, mình đam mê. Đừng phí hoài tuổi xuân để yêu hay theo đuổi một người không yêu mình, đối xử tệ với mình. Đừng phí hoài tuổi trẻ để cắm đầu vào cày như trâu như bò cho công việc mình không thích hay nơi môi trường làm việc không hợp.
Xã hội hiện đại ngày nay bắt đầu đem một làn sóng mới tới sự tự lập tự chủ trong suy nghĩ của giới trẻ. Nếu như các thế hệ cha mẹ chúng ta bận rộn lo toan, tính toán cho cuộc sống trước tới cả 5 năm, 10 năm, thì các thế hệ trẻ ngày nay tập trung nhiều hơn cho việc hưởng thụ từng giây từng phút của cuộc sống. Giống như những gì Chi Pu từng nói "cứ enjoy cái moment" này đi, nhu cầu được ưu tiên trước nhất của giới trẻ ngày nay là phải thấy vui, phải thấy ý nghĩa ngay lúc này.
Tư tưởng này, về một khía cạnh nào đó, rất đúng. Cuộc đời là cuộc đời của mình. Mình phải làm sao cho mình thấy vui nhất, hạnh phúc nhất. Nếu không thì phần đời sau này, mình sẽ phải sống trong nuối tiếc, dằn vặt, thậm chí là tức giận nếu có suy nghĩ đổ lỗi cho người khác "Vì ABC mà mình không được làm điều mình muốn".
Cũng về một khía cạnh nào đó, tư tưởng này cũng khá tốt cho việc định hình và phát triển cái lõi cứng cáp cho bản thân. Khi bạn biết sống vì mình, bạn sẽ bớt cả nể hơn, biết nói Không khi bạn muốn nói không, nhờ đó ít bị lợi dụng hơn.
BIẾN TƯỚNG
Tuy nhiên, tư tưởng này cùng với tâm trí còn non nớt, muốn khẳng định bản thân của giới trẻ, dễ bị biến tướng thành sự ích kỉ.
Trào lưu nhảy việc liên tục của giới trẻ mới ra trường ngày nay chính là một ví dụ. Vì tập trung vào nhu cầu "phải thấy thích, phải thấy vui, phải thấy hợp", mà họ không màng tới những thiệt hại hay phiền phức họ gây ra cho công ty khi rời đi. Vì tập trung vào the moment, mà họ cũng không nghĩ xa được rằng, dù là làm ở đâu thì cũng sẽ có những mâu thuẫn nhất định. Rằng khi nhìn vào lịch sử nhảy việc dài dằng dặc, mỗi nơi làm chưa được một năm của họ, các nhà tuyển dụng sau này sẽ nghĩ gì. Đó là chưa kể, chừng nào bạn còn nhảy việc, tức là không có nguồn thu nhập ổn định, sẽ đồng nghĩa với việc bố mẹ bạn - những người sẽ còn lo lắng cho bạn suốt đời này - sẽ mãi không cảm thấy an tâm. Rồi nếu bạn có người yêu hay thậm chí là hôn phu/hôn thê, những người đó cũng sẽ không cảm thấy an tâm về một tương lai lâu dài với bạn.
Một biến tướng khác có thể dễ dàng thấy, đó là việc dễ dàng chia tay trong chuyện tình cảm. Khoảng 5 năm trở lại đây, các câu chuyện tình dường như đã trở nên hời hợt hơn. Dễ đến mà cũng dễ tan. Mình đã nghe khá nhiều câu chuyện tình đáng nhẽ có thể cứu vãn được nếu hai người không quá ích kỉ. Họ đơn giản chỉ tập trung vào nhu cầu của mình, những tổn thương mà người ấy gây ra cho họ, không thực sự nghĩ tới những tổn thương họ gây ra cho đối phương, chỉ nghĩ là "ờ cãi nhau nhiều mệt quá. Bỏ, tìm người khác. Đời còn dài mà". Như vậy, họ bước qua hết mối quan hệ này tới quan hệ khác mà không hề rút ra được bất cứ bài học nào.
Từ biến tướng bên trên mà dẫn tới hiện tượng đang càng ngày càng có nhiều bố/mẹ đơn thân. Ngay cả khi đã bị ràng buộc bởi hôn nhân - một sự ràng buộc đầy linh thiêng và ý nghĩa, ngay cả khi đã có con nhỏ - những sinh linh với bộ não chưa được phát triển đầy đủ, cần có đủ tình yêu từ bố mẹ để có được sự hoàn thiện lành mạnh nhất - thì họ vẫn sẵn sàng rời đi. Cái duy nhất họ nghĩ trong đầu khi rời bỏ như vậy, là MÌNH muốn rời đi, MÌNH có đủ tài chính để lo được cho con, tức là MÌNH sẽ giải quyết hậu quả liên quan tới MÌNH thế nào, trong khi đó không hề nghĩ tới hậu quả lên sự phát triển về tâm sinh lý của những đứa trẻ thiếu cha/mẹ đặc biệt là khi còn bé lớn lao như thế nào, rồi bố mẹ hai bên sẽ buồn đau ra sao, khó ăn nói với người ngoài thế nào. Hoặc ngay cả khi họ nhận thức được những hệ quả đó, họ vẫn sẽ rời đi, vì MÌNH đang không hạnh phúc.
*đương nhiên, nếu lý do chia tay là vì những lý do đủ lớn và không thể chấp nhận được như bạo lực, cờ bạc, rượu chè hay ngoại tình thì có thể thông cảm được*
Tư tưởng này còn thể hiện cả ở cách một số bạn trẻ hành xử với chính bố mẹ của mình. Những quyết định bốc đồng được đưa ra một cách dễ dàng, để rồi bố mẹ phải là người gánh hậu quả, mặc dù trước đó bố mẹ đã hết mực can ngăn. Tất cả chỉ vì nghĩ tới MÌNH, và chỉ mình mình mà thôi.
SỐNG CHO NGƯỜI
Kể cả bạn có tự tin thoải mái rằng bạn độc thân sống một mình vẫn vui vẻ hưởng thụ cuộc sống, thì rồi tới một độ tuổi nào đó, bạn cũng nhận ra rằng sống một mình và không có một mối quan hệ tình cảm có ý nghĩa nào thực sự rất cô đơn. Chúng ta vốn là giống loài sống theo bầy đàn. Hay nói một cách văn minh hơn, chúng ta không thể sống mà không có những người xung quanh.
Và đó cũng là lý do mà chúng ta không thể chỉ biết sống cho mình. Cần biết cân bằng giữa việc sống cho mình và sống cho người.
Sống cho mình là muốn thỏa mãn giấc mơ đi du học. Sống cho người là nghĩ xem gia đình, hay chính xác hơn là bố mẹ mình có đủ điều kiện để cho mình đi không. Hay kể cả là tiền 100% mình bỏ ra, thì nghĩ xem bố mẹ mình đã già yếu chưa, có còn nhiều thời gian sống trên cõi đời này không, mình có nên ở cạnh bố mẹ thời gian này không.
Sống cho mình là lúc nào cũng muốn được hạnh phúc, vui vẻ trong một cuộc hôn nhân, là chỉ tập trung vào việc người kia làm mình tổn thương gì, chứ không thấy được mình đã làm tổn thương người kia ra sao, cứ thấy chán thì bỏ. Sống cho người là nghĩ cho con cái, nghĩ tới ảnh hưởng tâm lý nặng nề của ly dị lên tâm hồn non nớt của chúng, và cố gắng một lần nữa cứu lấy cuộc hôn nhân, chí ít cho tới khi chúng đủ lớn và nhận thức đủ cứng cáp. Kể cả không có con thì cũng nghĩ tới bố mẹ họ hàng hai bên, và nghĩ xem liệu tình trạng hôn nhân đã tới thực sự tới mức không thể cứu vãn được nữa chưa. Bố mẹ thì hầu như lúc nào cũng nói "Con cứ làm gì con hạnh phúc thì bố mẹ hạnh phúc". Điều này nhiều khi không phải họ cảm thấy ổn với quyết định của bạn, mà đơn giản là họ chấp nhận đón nhận những hậu quả của quyết định ấy về riêng mình, cốt sao để bạn được hạnh phúc. Đó là bố mẹ đang sống cho mình. Nếu mình cũng chỉ sống cho mình thì ai sống cho bố mẹ đây?
Sống cho mình là mua ngay chiếc xe mới cóng mình đã tiết kiệm bao năm để mua. Sống cho người là nghĩ xem cái xe mình đang đi còn đi được lâu nữa không, nếu còn thì có thể đem tiền đó cho thằng bạn thân chí cốt vay vì nó đang gặp khó khăn không.
Sống cho mình là thấy việc chán cái là bỏ, thích bỏ lúc nào là bỏ. Sống cho người là, nếu đã quyết bỏ, thì chí ít cũng báo trước một khoảng thời gian hợp lý, thậm chí giúp công ty tìm được người thay thế phù hợp trước khi rời đi.
Nhiều khi, sống cho người không nhất thiết phải là sống cho người khác, mà là cho chính bản thân mình trong tương lai. Sống cho mình bây giờ là phè phỡn chè chén nhậu nhẹt với lũ bạn vì "mình còn trẻ, cứ xõa đi". Sống cho mình trong tương lai là nghĩ tới việc sức khỏe sẽ đi xuống thế nào, hại dạ dày với gan ra sao, và dừng việc nhậu nhẹt hút thuốc lại, biết chăm sóc cho cơ thể hơn. Sống cho mình hiện tại là lười quá, cứ rảnh ra là xem phim với ngủ. Sống cho mình của tương lai khi muốn kiếm được công việc tốt là nhấc cái đít lên và học bài, hoặc học thêm ngoại ngữ, kĩ năng thuyết trình, học thêm vài tài lẻ khác, đọc thêm sách này sách kia. Sống cho mình là muốn bỏ việc ngay khi vừa mới gặp khó khăn. Sống cho mình của tương lai là nghĩ xem liệu cứ như vậy thì mình có bao giờ rèn luyện được sự cứng cáp, biết vững chắc đương đầu với thử thách, và tiếp tục kiên trì với công việc hiện tại để chí ít học được gì đó có ích cho tương lai.
KẾT
Sống cho mình thì mình mình sướng. Nếu biết cân bằng giữa sống cho người và sống cho mình, thì không chỉ bạn mà mọi người xung quanh bạn, những người thương yêu và quan tâm tới bạn, đều được vui vẻ và hài lòng. Vì vậy, thay vì "Đời này ngắn lắm. Cứ sống cho mình thôi", thì xin kết lại bằng một bài hát kinh điển và vô cùng tích cực: Hãy sống để yêu nhau :)
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất