Nếu hỏi từ khoá gì luôn hot nhất nhì với người trẻ Việt Nam thì không thể không nhắc tới IELTS.
Dù là học sinh sắp tốt nghiệp cấp 3, muốn đi du học/xét tuyển thẳng, hay là sinh viên sắp ra trường muốn đi xin việc, nhiều bạn sẽ nghĩ tới việc thi và lấy cho mình tấm bằng IELTS "thần thánh" - chiếc vé đưa bạn đến với trường Đại học trong mơ và các công ty quốc tế lương nghìn đô.
Giả sử bạn là một người chưa biết gì về IELTS và bắt đầu tra google "khoá học IELTS", bạn sẽ nhận được sương sương khoảng 2 triệu kết quả tìm kiếm. Đập vào mắt bạn toàn những cụm từ khủng bố kiểu "bứt phá chinh phục đỉnh cao" IELTS, "chiến binh" IELTS, "bí kíp ôn luyện" IELTS, ôn thi IELTS "thần tốc". Hoang mang level 1, cảm giác cứ như bạn sắp phải ra trận để chiến đấu với một con quái vật khổng lồ 3 đầu 6 tay.
Ok xem tiếp, bạn bắt đầu hoa mắt với trùng trùng điệp điệp hàng trăm tên trung tâm, lò luyện, lớp học với những cam kết "Đạt IELTS 7+ chỉ sau 1 khoá học", "Đầu ra 6.5 bất chấp mất gốc", "Khoá học tinh gọn từ 0-7.5". Hoang mang level 2.
Nhưng bạn quyết tâm phải thi cho bằng được vì tương lai sáng lạn phía trước. Bạn lên youtube tìm "kinh nghiệm ôn thi IELTS" và thế là chúc mừng: Bạn lại rơi vào một mê cung khác với hàng nghìn video hướng dẫn từ vô vàn giáo viên IELTS ta và tây đủ loại, cựu thí sinh IELTS đạt band từ 6.0 đến 9.0, cựu giám khảo IELTS thật giả lẫn lộn - những người sẽ cho bạn một tỷ lời khuyên không phải lúc nào cũng thống nhất với nhau. Hoang mang level 3.
Không sao, bạn có thể an ủi bản thân rằng bạn không phải người duy nhất cảm thấy như vậy. Đó là lúc bạn cần đến một người như tôi - một giáo viên dạy IELTS. Nhưng rất tiếc phải nói với bạn rằng, sau gần 7 năm dạy luyện thi IELTS, gần đây tôi bắt đầu chán ghét cái cần câu cơm này của mình. Tôi sẽ giải thích, bạn có thể coi đây là "lời thú tội" từ một giáo viên dạy IELTS không thích bị gọi là "giáo viên IELTS".
Trước khi bắt đầu, phải nói là tôi kiếm được không ít tiền từ việc dạy IELTS. Như bạn có thể thấy, luyện thi IELTS là một mảnh đất cực kỳ màu mỡ. Dù không học sư phạm nhưng chỉ cần đã có kinh nghiệm ôn thi, phèn nhất bạn đi dạy thuê hoặc mở lớp nhỏ sẽ kiếm vài chục triệu một tháng. Nếu bạn giỏi hơn, tự đứng ra mở trung tâm thì mỗi tháng có thể kiếm vài trăm triệu cho đến cả tỷ là chuyện thường. Chính 1 cô giáo dạy tôi ở trường ĐH có mở 1 trung tâm như thế và tin đồn trong giới là riêng tiền lãi của cô không bao giờ dưới 1 tỷ 1 tháng.
Cứ tham khảo thử giá các khoá học IELTS đi là biết, những trung tâm chất lượng thì giá cũng 8-10 triệu/khoá học, chưa kể bạn phải học ít nhất 2-3 khoá mới đủ khả năng thi. Tôi chứng kiến rất nhiều phụ huynh ở trung tâm nơi tôi dạy chỉ cần 1 cái quẹt thẻ là nộp xong 140 triệu trọn gói ôn thi IELTS và tư vấn du học cho con mình, có khi 2 đứa 1 lúc. Họ sẵn sàng chi mạnh tay miễn là đảm bảo con họ được chăm sóc tốt và có điểm cao.
Đó là lý do vì sao bạn thấy các trung tâm và lớp luyện thi IELTS mọc như nấm sau mưa vậy, mà toàn nấm bự chảng chứ không vừa, còn ăn được hay có độc thì không biết. Nếu may thì bạn tìm được nấm xịn, nấm chất lượng cao; còn không may ăn phải nấm độc gây tiêu chảy cấp thì bạn tự chịu. Dạo trước có một bạn tên Bảo Bảo lập group chuyên đi bóc phốt giáo viên IELTS "dỏm" trên thị trường, có vụ đã lên cả VTV, nếu bạn chưa nghe tới thì mời bạn vào tham khảo cho biết. Không chỉ sốc tận óc và còn tấu hài cực vui. Tôi rất thích theo dõi nhóm đó và thấy may vì mình không thuộc thành phần bị bóc phốt, hoặc chưa.
Tôi xin tự nhận mình thuộc thành phần tương đối tử tế, có tốt nghiệp ngành sư phạm Tiếng Anh, có tự ôn thi và thi thật, có dạy thật và bắt học sinh học thật. Trung tâm nơi tôi làm việc cũng là trung âm thuộc loại khá uy tín được phụ huynh tin cậy gửi con trong nhiều năm. Thế mà tôi vẫn ghét dạy IELTS.
Xin phân biệt rõ, tôi thích dạy Tiếng Anh và không ghét IELTS nhưng lại ghét dạy IELTS. Thực ra bản chất IELTS không có gì xấu, thậm chí là một bài thi tốt được thiết kế chặt chẽ có kết quả tin cậy khi bạn nhìn từ góc độ chuyên môn. Tôi chỉ ghét sự biến tướng của nó, cách nó bị thổi phồng ở Việt Nam như một cái gì cao siêu ghê gớm lắm lắm để nhiều người trục lợi từ nó.
Xét cho cùng, IELTS chỉ là một bài thi đánh giá năng lực, không khác mấy với bài thi kiểm tra năng lực lái xe hoặc năng lực tin học văn phòng. Đó là những điều kiện cho một số bạn đi làm hoặc đi học cao học. Cái khác ở đây là hình tượng IELTS được gắn với ước mơ học bổng, du học, công việc lương cao, toàn những điều tốt đẹp cao siêu mà bạn trẻ nào cũng ao ước.
Nhưng dù để đi du học hay xin việc, nên nhớ IELTS chỉ là điều kiện cần, không phải điều kiện đủ. Kể cả có IELTS 9.0, nếu CV của bạn không chỉ ra được các năng lực khác liên quan đến chuyên ngành - chuyên môn, kinh nghiệm làm việc, tính cách phù hợp, bạn vẫn trượt bình thường.
Đây chẳng phải là thông tin gì mới, nhưng trong thời buổi thị trường nhộn nhạo như hiện nay, tôi luôn phải nhắc học sinh của mình về chuyện này, tránh để các em bị loá mắt bởi các quảng cáo và câu chuyện được người khác dựng lên để kiếm lợi. Hãy nhìn mọi thứ như nó vốn là, không hơn không kém.
Các em thi được điểm cao 8.0 - 9.0 thì tốt, thi được chỉ vừa đủ điểm 6.0 hay 6.5 cần để đi học/xin việc cũng tốt. Đừng quá cầu toàn, quan trọng mục tiêu của em là gì, Tiếng Anh hay IELTS chỉ là một công cụ cho mục tiêu ấy. Đừng vì bạn bè/người nổi tiếng trên mạng nào đó khoe điểm, hay vì bố mẹ muốn mình điểm cao cho mở mày mở mặt, hay vì trung tâm quảng cáo điểm cao dễ lấy mà ép mình phải học cho bằng được 8- 9.0 trong khi chỉ cần 5.5 là đủ điều kiện theo học chuyên ngành rồi. Xác định mục tiêu cho chính xác, giữ cho đầu óc thực tế và nỗ lực đúng chỗ, đúng cách, các em sẽ đạt được cái mình muốn mà không phải tốn quá nhiều tiền.
Đấy là nói trên phương diện kinh tế và thực tiễn, nếu nói trên phương diện giáo dục thì lại là câu chuyện dài. Tôi không thích dạy IELTS, vì giống như dạy luyện thi đại học, hay luyện thi bất cứ cái gì khác, đơn giản là nó phản sư phạm. Trong môn Phương pháp giảng dạy, tôi được học một khái niệm "teaching to the test" - dạy luyện thi với mục tiêu đạt điểm cao trong một bài thi cụ thể. Đây là một khái niệm phổ biến mà người Việt Nam thấy rất bình thường, nhưng trong giáo dục ở nhiều nơi trên thế giới, nó là điều cấm kỵ.
Cô giáo tôi kể hồi đi học tiến sỹ ở Úc, cô nêu ý kiến rằng dạy luyện thi vẫn tốt nếu bài thi đó thực sự chất lượng, học sinh vẫn học được kỹ năng nhờ vào bài thi ấy. Kết quả là cô khiến Giáo sư người Úc cực kỳ tức giận và ngồi giảng cho một bài rằng 'teaching to the test' là một thứ không bao giờ được phép chấp nhận trong giáo dục.
Mục đích của giáo dục là con người học hỏi phát triển kiến thức, kỹ năng, năng lực cho bản thân. Các bài kiểm tra chỉ là phương pháp đánh giá kết quả học tập với 2 loại mục đích thường gặp: formative assessment - đánh giá trong quá trình học để biết hiện tại đã học đến đâu để tiếp tục cố gắng (vd kiểm tra 15p, 1 tiết); summative assessment - đánh giá cuối chương trình học để xét lên lớp, tốt nghiệp ra trường, tuyển dụng đầu vào... Hai loại bài kiểm tra đánh giá đó phải phục vụ cho giáo dục, chứ không được phép trở thành là mục đích cuối cùng của giáo dục.
Tôi biết nhiều người sẽ nghĩ, ồ đó chỉ là lý tưởng mà thôi. Còn ở Việt Nam thì phải thi điểm cao thì mới mong vào trường tốt, tìm việc tốt. Mà muốn điểm cao thì phải luyện thi, hết chuyện. Đương nhiên là vậy, nhưng chính vì tư tưởng này mà giáo dục Việt Nam mãi chưa khá lên được. Nhiều học sinh luyện thi cày ngày cày đêm, thi xong vứt hết sách vở là quên sạch kiến thức. Đi làm thì như một tờ giấy trắng, ngơ nga ngơ ngác, tôi là ai và đây là đâu, tôi phải làm gì, ai đó chỉ cho tôi với... Nói ra thì buồn nhưng sự thật là thế.
Dù biết vậy, nhưng tôi tự thú nhận mình chưa dứt hẳn được ra khỏi việc dạy luyện thi, tôi vẫn nhận các lớp ôn thi IELTS để có thu nhập. Nhưng khi dạy các lớp đó, tôi cố gắng giúp học sinh xây dựng kỹ năng ngôn ngữ hơn là ôn dạng đề tủ. Tôi muốn các em không quá chú trọng câu chuyện ôn thi mà tập trung vào kỹ năng của mình. Đương nhiên tôi hiểu mình không thể làm gì đúng khi đang đi trên một con đường sai. Vì vậy gần đây tôi tìm thêm và dạy các lớp Tiếng Anh cơ bản, tiếng Anh nâng cao dù lương sẽ thấp hơn dạy luyện thi - đó là cách tôi có quay về với công việc giảng dạy theo cách nó vốn nên là trong khi vẫn đảm bảo thu nhập.
Câu chuyện nói ra thì rất dài, nhưng đây chỉ là quan điểm cá nhân riêng tôi mà tôi hi vọng có bạn nào đang có ý định ôn thi hay học IELTS đọc được sẽ có thêm nguồn tham khảo mà đưa ra quyết định của mình.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất