Gần đây, câu chuyện IELTS ở Việt Nam trở nên nóng hơn bao giờ hết do những bài bóc phốt – phân trần trên mạng xã hội. Mình không bàn luận đến những lùm xùm này do không phải người trong cuộc, không hiểu tận tình để đánh giá, phân tích từng trường hợp cụ thể. Thay vào đó, mình chỉ muốn làm rõ và đánh giá một số vấn đề xoay quanh IELTS:

IELTS và Tiếng Anh:

IELTS là một bài kiểm tra Tiếng Anh mà khi bạn đi du học, đi định cư thì khả năng cao là bạn phải nộp chứng chỉ IELTS để chứng minh trình độ Tiếng Anh. Hiện nay, nhiều trường đại học cũng yêu cầu chứng chỉ này để nhập học hoặc tốt nghiệp, nhiều công ty đòi hỏi ứng viên phải đạt được điểm số IELTS nhất định.
Tiếng Anh, cũng giống như Tiếng Việt, chỉ là một ngôn ngữ để giao tiếp.
Người ta xây dựng nên IELTS để có một bài kiểm tra tương đối toàn diện, đánh giá trình độ Tiếng Anh của bạn. Để đạt điểm cao IELTS, bạn cần phải có kiến thức và kỹ năng Tiếng Anh cơ bản, biết cấu trúc đề, có kỹ năng làm bài và cả kiến thức xã hội. Người giỏi Tiếng Anh chưa chắc đã giỏi IELTS, không tin thì các bạn thử lên mạng xem một số clip phỏng vấn người bản xứ bằng những câu hỏi IELTS xem. Ngược lại, bạn được 8.0 IELTS nhưng chưa chắc gì bạn đã giỏi Tiếng Anh bằng một người bản xứ.
Như vậy, IELTS và Tiếng Anh có chồng lấn lên nhau, nhưng không đồng nhất.

Thị trường IELTS

Ngày càng có nhiều người đi du học, nhiều người đi định cư ở nước ngoài nên sự hình thành và phát triển của thị trường IELTS là tất yếu. Những trung tâm, cơ sở dạy IELTS mọc lên khắp nơi, kéo theo sự thu hút một lượng nhân lực vào thị trường này. Đây là mới chỉ nói riêng IELTS. TOEIC, TOEFL, GMAT hay tư vấn du học đều có sự hình thành và phát triển tương tự.
Học phí IELTS không hề rẻ, dao động từ vài triệu lên đến hơn một trăm triệu. Mình tạm tính học phí lớp IELTS mục tiêu 5.5 – 6.0 tại một lớp mà mình thấy rẻ tại Hà Nội thì học phí đã đến 80 ngàn đồng/giờ. Giả sử một sinh viên mới ra trường hưởng lương net 6 triệu/tháng, giả định làm 168 giờ một tháng thì lương trung bình là 36 ngàn đồng/giờ, bạn ấy làm hai tiếng vẫn chưa đủ một tiếng học phí IELTS tại một trung tâm bình dân như vậy. Lệ phí thi IELTS hiện nay là 4.750.000 đồng, cũng gần bằng một tháng lương của bạn ấy.
Các cơ sở dạy IELTS vẫn liên tục xuất hiện và phát triển, học phí vẫn liên tục tăng nhưng người học vẫn đông, đồng nghĩa với IELTS vẫn là một thị trường hái ra tiền tại Việt Nam.

Nhiều bạn học IELTS mà chẳng để phục vụ mục tiêu cụ thể nào

Kinh tế Việt Nam hội nhập, nhiều nguồn vốn FDI được thu hút vào nước ta nên chuyện các bạn phải trau dồi ngoại ngữ để tồn tại là hiển nhiên, nhất là với một ngôn ngữ phổ biến như Tiếng Anh. Cái đa số nhà tuyển dụng cần ở các bạn là khả năng sử dụng Tiếng Anh, không phải chứng chỉ IELTS hay tấm bằng nào khác. Mình hiểu là một số công ty yêu cầu trình độ IELTS nhất định, nhưng lý do chính ở đây là bài kiểm tra IELTS đó đủ độ tin cậy để đánh giá trình độ Tiếng Anh của bạn. Mình tin rằng nếu trong buổi phỏng vấn, bạn thể hiện khả năng sử dụng Tiếng Anh thông thạo thì nhà tuyển dụng sẽ không loại bạn vì lý do không có chứng chỉ IELTS.
Thực trạng hiện nay là rất nhiều bạn không đi du học, không đi định cư, không cần chứng chỉ IELTS để tốt nghiệp hoặc phục vụ một mục đích cụ thể nào vẫn đổ xô đi học IELTS.  Sự ngộ nhận “giỏi IELTS = giỏi Tiếng Anh” kèm theo hiệu ứng từ những quảng cáo trên mạng, những người xung quanh cũng đang đi học IELTS bỗng thúc đẩy bạn đi học IELTS cho phù hợp với xu thế chung. Các trung tâm dạy IELTS và cả British Council, IDP là những người hưởng lợi cuối cùng từ việc này.
Nếu các bạn không thực sự cần chứng chỉ IELTS, đừng dành quá nhiều và thời gian tiền cho nó. Hãy tập trung vào việc trau dồi Tiếng Anh theo cách học một ngôn ngữ để sử dụng. Nếu trình độ Tiếng Anh của các bạn còn cơ bản, đừng ngần ngại lên trang của British Council để học những chương trình Kids, Teens. Nếu trình độ của các bạn đã tương đối, hãy lên Class Central, tìm một khóa học về lĩnh vực mà bạn yêu thích. Bằng cách này, bạn có thể bổ sung kiến thức chuyên môn lẫn trau dồi trình độ Tiếng Anh của mình. Hơn nữa, đến một ngày bạn cần IELTS, trình độ Tiếng Anh của bạn cũng đã vững vàng để bạn không phải dành nhiều thời gian ôn luyện.

Đi du học về chỉ để dạy IELTS 

Mình biết nói ra điều này thì sẽ có rất nhiều bạn phản ứng. Tuy nhiên, nếu các bạn để ý thì sẽ thấy rất nhiều giáo viên IELTS đã có bằng thạc sĩ, thậm chí tiến sĩ loại giỏi ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, y khoa,…từ nước ngoài trở về. Các trung tâm IELTS dùng những chiếc bằng này như lợi thế cạnh tranh để quảng bá, thu hút khách hàng.
Rõ ràng, đi du học về mà dạy Tiếng Anh thì không có gì xấu và mỗi người có sự lựa chọn của riêng mình. Song, mình tin rằng những kiến thức chuyên môn họ đã học được ở nước ngoài sẽ chẳng được áp dụng bao nhiêu khi họ dạy IELTS. Trong khi đó, Việt Nam thực sự đang rất cần nguồn nhân lực có trình độ cao, được đào tạo bài bản, đã tiếp thu tinh hoa từ nước ngoài để phát triển đất nước. Nếu quá nhiều người đi du học về nhưng chỉ dạy IELTS hoặc các thể loại luyện thi Tiếng Anh khác thì điều đó hoặc phản ánh trình độ của họ không có gì đặc biệt để kiếm được một công việc tốt ngoài dạy IELTS, hoặc là sự lãng phí chất xám.

Kết

Theo quan điểm cá nhân mình, nếu vai trò của IELTS không bị ngộ nhẫn thì IELTS sẽ không “hot” đến vậy, và cung - cầu IELTS cũng sẽ giảm. IELTS hay kể cả Tiếng Anh đều chỉ là những công cụ. Đất nước không phát triển vì có nhiều người giỏi IELTS, mà đất nước phát triển nhờ những sáng kiến chống hạn mặn, những chiếc máy giúp năng suất sản xuất cao hơn, phong cách làm việc hiện đại hơn,…
Làm ơn hãy nhìn lại đúng vai trò của IELTS.  
Trên đây là quan điểm cá nhân của mình. Rất mong nhận được sự phản biện của các bạn!

Đọc thêm: