Cảm giác đọng lại trong tôi sau khi khép cuốn sách này là THẤT VỌNG. Chắc chắn tôi sẽ không bao giờ đọc thêm bất cứ thứ gì do Harari viết ra.
Trước tiên phải nói rằng tôi đồng tình với phần lớn ý tưởng mà Harari đưa ra. Nhưng tôi ước gì ông chỉ viết nó một cách ngắn gọn sơ sài thay vì đi quá sâu vào các nội dung chi tiết. Điều đó làm nảy sinh 2 vấn đề khiến tôi cảm thấy khá ức chế khi đọc:

Thứ nhất: cách hành văn lan man dài dòng

Thực sự tôi đã phải rất kiên nhẫn để đọc đến trang cuối cùng. Nếu không phải vì muốn làm video review trên youtube, có lẽ tôi đã từ bỏ nó sau 100 trang đầu tiên. Khối lượng kiến thức trong sách là không nhiều. Nếu bạn có tìm hiểu qua về lịch sử, bạn sẽ không thấy ngạc nhiên với những dẫn chứng Harari đưa ra. Phần lớn trong 520 trang của cuốn sách này là những lập luận dài dòng và thiếu trọng tâm. Có lẽ do thói quen tư duy trực diện và tối giản nên tôi cảm thấy khá ức chế với điều đó. Nhưng tôi đoán nó phù hợp với độc giả phổ thông. Bằng chứng là nó nhận được rất nhiều lời khen. Dẫu vậy, theo quan điểm của cá nhân tôi. Với khối lượng kiến thức như vậy, cuốn sách chỉ nên dài 200 - 300 trang.

Thứ hai: nói dài nói dai thành ra nói dại

Vì quá sa đà vào lập luận nên tôi cảm thấy cách tư duy của tác giả không hề ổn chút nào. Hoặc nói như các cụ ngày xưa thì Harari “nói dài nói dai thành ra nói dại”. Có hàng tá sạn trong cách lập luận của ông mà tôi muốn chỉ ra ngay sau đây.
Nếu ngại đọc, các bạn có thể xem video để ủng hộ tác giả. Xin cảm ơn!
Trong phần đầu của cuốn sách, để chứng minh cho khả năng tin vào những trật tự tưởng tượng của con người, ông lấy ra hàng loạt ví dụ có vẻ thuyết phục. Nếu bỏ 1.000 con tinh tinh vào sân vận động, chúng ta sẽ không có một trận đấu bóng mà sẽ có một cuộc hỗn chiến. Nếu bỏ 10.000 con tinh tinh vào một lễ hội, chúng ta sẽ không thấy những cuộc dạo chơi đầy háo hức, mà sẽ thấy một khung cảnh đầy hỗn loạn. Tôi đồng ý với điều này. Nhưng Harari đang so sánh giữa người hiện đại và tinh tinh hiện đại.
Liệu 1000 người nguyên thủy hoàn toàn xa lạ có thể cùng tổ chức một cuộc đấu bóng? Và liệu 10.000 người nguyên thủy có thể cùng nhau tham gia một lễ hội? KHÔNG. Tuyệt đối không. Hãy thử đọc sách của Jared Diamond, người đã dành phần lớn cuộc đời để quan sát những bộ lạc săn bắt hái lượm hiếm hoi còn sót lại trên hành tinh. Và bạn sẽ nhận ra rằng tự ý đi vào lãnh thổ của một bộ lạc như thế đồng nghĩa với tự sát. Họ sẽ giết bạn trước khi bạn kịp giải thích hoặc bày tỏ bất cứ thiện ý nào. Kịch bản tốt đẹp nhất là họ sẽ để xác bạn lại giữa rừng cho bầy sói. Còn kịch bản tệ nhất là bạn trở thành bữa tối cho cả bộ lạc của họ. Nhưng điều đó cũng chẳng quan trọng lắm. Vì đằng nào thì bạn cũng chết. Tôi đồng ý với Harari rằng con người có khả năng hợp tác tốt hơn tinh tinh. Nhưng nó là chìa khóa để người hiện đại thống trị hành tinh, chứ không phải chìa khóa để người nguyên thủy vươn lên thống trị hành tinh.
Nếu thật sự tồn tại một chiếc chìa khóa như thế, thì tôi tin rằng đó là khả năng kế thừa tri thức từ thế hệ này sang thế hệ khác của chúng ta. Hiểu biết của cha ông cũng trở thành hiểu biết của con cháu. Chúng ta không cần khám phá lại phép đạo hàm vì Newton đã làm việc đó rồi. Chúng ta chỉ việc ứng dụng đạo hàm để tạo ra những tri thức mới. Và con cháu chúng ta lại tận dụng thành quả của chúng ta để tạo ra thêm nhiều tri thức khác nữa.
Còn trong thế giới của loài tinh tinh, khi một con trưởng thành qua đời, toàn bộ hiểu biết của nó về môi trường xung quanh cũng theo nó xuống mồ. Lũ tinh tinh 3 tuổi không bao giờ biết về đợt hạn hán 4 năm trước. Và trong đợt hạn hán tiếp theo, kinh nghiệm sinh tồn của con tinh tinh già đã chết không thể giúp ích gì cho thế hệ sau. Nếu 1 bầy người nguyên thủy và 1 bầy tinh tinh sống cùng nhau trong 1 khu rừng, tôi tin rằng thoạt đầu không có nhiều sự khác biệt. Nhưng sau 10 thế hệ, trình độ tư duy và vốn hiểu biết của bầy người sẽ vượt trội so với bầy tinh tinh, cho dù dân số và phương thức kiếm ăn của 2 bầy vẫn không đổi.
Ngay cả những trật tự tưởng tượng của Harari cũng không phải tự dưng xuất hiện trong 1 buổi sáng đẹp trời cách đây 70.000 năm. Mà chúng được kế thừa từ thế hệ này qua thế hệ khác. Ban đầu có lẽ chỉ là những ý tưởng đơn sơ đến mức không thể được coi là sản phẩm của trí tưởng tượng theo tiêu chuẩn ngày nay. Khả năng hợp tác và tưởng tượng của người hiện đại là kết quả của sự kế thừa và phát triển không ngừng qua hàng chục ngàn thế hệ. Harari không nhận ra rằng mình đang lấy dẫn chứng về khả năng hợp tác của người hiện đại để biện luận về khả năng hợp tác của người nguyên thủy. Và điều này cũng làm nổi bật cục sạn to đùng tiếp theo trong cuốn sách này. Đó là:

Harari phân tích các vấn đề lịch sử mà không xét đến bối cảnh của chúng

Ông có xu hướng lý giải mọi thứ bằng nguyên nhân nội tại bên trong mà bỏ qua vai trò của môi trường bên ngoài.
Trang 195, để phản đối ý kiến cho rằng sức mạnh cơ bắp là ưu thế giúp đàn ông áp đảo phụ nữ và xây dựng xã hội phụ hệ, Harari biện luận rằng những công việc đòi hỏi ít lao động cơ bắp, như đi tu, luật, chính trị thường do nam giới đảm nhiệm. Còn phụ nữ thường bị thảy cho những công việc nặng nhọc đòi hỏi nhiều cơ bắp, như làm đồng, ngành nghề thủ công. Cho nên, đáng ra phụ nữ phải có địa vị cao hơn đàn ông vì phần đóng góp của họ cho xã hội nhiều hơn. Vì thế, ông cho rằng sức mạnh cơ bắp không phải lý do thỏa đáng để giải thích cho sự áp đảo của nam giới.
Cũng giống như trong lập luận về trí tưởng tượng phía trên, Harari đang lấy ví dụ về công việc của đàn ông và phụ nữ trong thời kỳ đã có nền văn minh. Nhưng liệu có phải đàn ông chỉ áp đảo phụ nữ sau khi những nền văn minh đầu tiên xuất hiện? Tôi cho rằng có tồn tại một khả năng là họ đã áp đảo phụ nữ ngay từ thời săn bắt hái lượm nhờ sức mạnh cơ bắp. Và khi nền văn minh xuất hiện, họ tiếp tục lợi dụng sự áp đảo sẵn có để giành thêm nhiều lợi thế cho bản thân. Cũng giống như giai cấp quý tộc vua chúa lợi dụng sức mạnh chính trị để gia tăng bóc lột dân chúng, làm cho mình ngày càng giàu thêm còn nông dân thì ngày càng khánh kiệt. Và khi so sánh 1 ông vua với 1 người nông dân, ta không thể chỉ xét đến bản thân họ, mà còn phải xét đến cả một lịch sử bóc lột lâu dài của tổ tiên ông vua đối với tổ tiên người nông dân. Một lợi thế rất nhỏ ban đầu có thể trở thành sự chênh lệch khổng lồ theo thời gian. 
Trang 329, Harari biện luận rằng thuốc súng được người Trung Hoa phát minh ra từ thế kỷ thứ 9, nhưng suốt 600 năm tiếp theo, nó chỉ được dùng để làm pháo giải trí thay vì tạo ra những vũ khí có thể áp đảo mọi kẻ thù. Ông khẳng định nó xuất hiện vào một thời điểm mà không có vị quân vương, nhà nghiên cứu, hay nhà buôn nào cho rằng đầu tư phát triển kỹ thuật quân sự là khôn ngoan. Ông còn biện luận thêm rằng ngay cả khi nhà Tống sụp đổ dưới vó ngựa Mông Cổ, không có vị hoàng đế nào nghĩ đến chuyện chế tạo một loại vũ khí chết người từ thuốc súng để tự cứu mình.
Một lần nữa, Harari đã tách sự kiện ra khỏi bối cảnh lịch sử của nó. Để chế tạo súng hoặc đại bác, bạn không chỉ cần mỗi thuốc súng. Bạn cần cả sắt chất lượng cao. Nếu công nghệ luyện kim của bạn chưa đủ tốt thì sẽ chẳng có khẩu súng nào hết. Đến lượt công nghệ luyện kim thì lại phụ thuộc vào hàng tá loại tài nguyên và công nghệ khác. Thêm nữa, bạn phải có phương thức sản xuất hàng loạt để đảm bảo mọi khẩu súng và viên đạn đều giống hệt nhau. Một nòng súng 12 ly không thể bắn ra những viên đạn 6 ly hoặc 16 ly. Sản xuất thủ công không thể đáp ứng tiêu chí này. Các ngành khoa học và công nghệ không thể tự chúng tiến lên một cách độc lập. Mà chúng tương tác với nhau, phụ thuộc lẫn nhau. Một ý tưởng đột phá đi trước đại thời đại trong lĩnh vực Vật Lý sẽ không thành hiện thực nếu các công cụ Toán Học và công nghệ Hóa học chưa đủ tốt để hỗ trợ nó. Harari biện luận như thể mọi nền tảng công nghệ đều đã sẵn sàng, thứ duy nhất còn thiếu là ý muốn chế tạo súng của người đương thời.
Trong cả cuốn sách này có hàng tá những đoạn lập luận theo kiểu tách vấn đề ra khỏi bối cảnh như vậy. Nhưng tôi sẽ không trích dẫn thêm, vì tôi muốn chuyển sang một lỗi tư duy khác. Đó là:

Harari tuyên bố chắc nịch về những vấn đề không ai kiểm chứng được

Bạn có thể khẳng định rằng người Trung Hoa đã bỏ lỡ cơ hội chế tạo súng để áp đảo mọi kẻ thù. Đó là những gì đã thực tế diễn ra. Nhưng bạn không thể tuyên bố rằng người Trung Hoa không hề nghĩ đến việc đó. Họ có nghĩ đến hay không thì bạn chẳng bao giờ kiểm chứng được. Bạn thậm chí còn không thể khẳng định được người đối diện đang nghĩ hoặc không nghĩ đến điều gì ngay trong hiện tại, huống hồ là cả một đất nước sống cách bạn hàng nghìn năm.
Trang 249, Harari khẳng định rằng tầng lớp cai trị của các đế quốc thực lòng tin rằng họ đang làm việc vì lợi ích chung của tất cả thần dân. Và các hoàng đế Trung Hoa cổ đại đối xử với những dân tộc láng giềng như những người man rợ đáng thương mà họ có trách nhiệm khai hóa văn minh. Một lần nữa, đây là điều bạn không thể kiểm chứng. Có thể những vị quân vương đã phát biểu như thế. Nhưng họ có thực sự nghĩ như thế hay không thì chẳng thể biết được. Hãy nghĩ đến lời tuyên thệ cống hiến của các chính trị gia ngày nay trên truyền thông. Bạn có tin đó là những lời gan ruột của họ không? Hay đó là những lời đã được biên soạn kỹ lưỡng và tập luyện nhiều lần để lấy lòng công chúng? Bạn có thể khẳng định về những điều ai đó nói và làm, chứ không thể khẳng định về những điều họ thật sự nghĩ. Một người bình thường có thể mắc phải lỗi này. Nhưng một nhà khoa học viết sách khoa học thì không thể chấp nhận được. Và bởi vì nó xuất hiện thường xuyên trong cả cuốn sách, nên nó không phải lỗi câu từ, mà nó là lỗi tư duy. Tôi không hình dung nổi làm thế nào mà người ta có thể ca ngợi một nhà khoa học có lối tư duy cẩu thả như vậy.
Hạt sạn tiếp theo tôi muốn nhặt ra từ cuốn sách là việc:

Harari mắc phải chính lỗi mà ông đã chỉ ra ở người khác

Trang 298, ông cảnh báo về thiên kiến nhận thức muộn mà nhiều nhà nghiên cứu lịch sử khác mắc phải. Phát biểu về thiên kiến này thì có thể hiểu đơn giản là người quan sát dựa vào kết quả đã ngã ngũ để đưa ra nguyên nhân giải thích vấn đề. Hay nói cách khác là nguyên nhân phụ thuộc vào kết quả (chứ không phải ngược lại).
Ví dụ như mấy ông bình luận viên bóng đá chỉ phân tích về quyết định chiến thuật của huấn luyện viên sau khi đã kết thúc trận đấu. Vẫn là chiến thuật ấy, nếu đội bóng thắng, họ sẽ phân tích tính đúng đắn của nó. Còn nếu đội bóng thua, họ sẽ phân tích sai lầm của nó. Bất kể là kịch bản nào thì những lý giải đấy cũng không khách quan và không có nhiều giá trị. Dự báo thời tiết của ngày hôm qua thì ai mà chả làm được. Dự báo cho ngày mai mới khó. Harari đã rất sáng suốt khi chỉ ra rằng vô số kịch bản đã có thể xảy ra. Và trong nhiều trường hợp, kết quả đạt được chỉ là ngẫu nhiên, nhưng người ta lại cố giải thích nó, gán ghép nó với một nguyên nhân nào đấy theo cách đầy khiên cưỡng. Giờ thì hãy xem những gì ông phân tích trong chương 15. 
Harari đặt ra câu hỏi tại sao lại là người châu Âu khám phá ra châu Mỹ rồi khai sinh ra cuộc cách mạng công nghiệp mà không phải là châu Á? Nên nhớ rằng vào năm 1492, thời điểm Columbus tìm ra châu Mỹ thì châu Âu chỉ là một xỏ xỉnh nghèo nàn khi so với xứ Ả Rập, Trung Hoa, hay Ấn Độ giàu có. Vậy mà chính họ lại rong buồm ra khơi và vươn lên mạnh mẽ trong những thế kỷ tiếp theo. Rồi Harari tự trả lời rằng đó là nhờ người châu Âu thừa nhận sự ngu dốt của bản thân. Họ rong buồm ra khơi để khám phá thế giới, khám phá những điều còn chưa biết. Trong khi đó, người Ả Rập hoặc Trung Hoa tự mãn cho rằng họ đã biết tất cả về thế giới rồi nên không cần khám phá thêm gì nữa. Đây rõ ràng là thiên kiến nhận thức muộn. Vì chúng ta đều biết rằng trong những thế kỷ tiếp theo thì châu Âu sẽ vươn lên, nên Harari đã hợp lý hóa nó bằng lập luận về tinh thần khám phá học hỏi.
Ngay từ thời Hy Lạp cổ đại 2300 năm trước, Socrates đã nói rằng “tôi chỉ biết 1 điều là tôi không biết gì”. Không phải ông có ý khiêm nhường, mà ông muốn đề cao tinh thần học hỏi. Bất kể ta hiểu biết nhiều đến đâu, ngoài kia vẫn còn một đại dương bao la của những điều chưa biết. Tinh thần ấy đã thấm nhuần trong văn hóa châu Âu suốt nhiều thế kỷ. Vậy tại sao mãi đến năm 1492 nó mới truyền cảm hứng để họ rong buồm ra khơi? Chẳng phải những dân tộc sống quanh bờ Địa Trung Hải giỏi đi biển lắm hay sao? Cớ gì họ không rong buồm về phía Tây từ năm 692 mà phải đợi đến năm 1492?
Sự thực là người châu Âu chỉ bắt đầu tiến sâu vào đại dương sau khi đế quốc Ottoman thống lĩnh toàn bộ vùng Trung Đông. Con đường giao thương với châu Á bỗng dưng bị những kẻ Hồi giáo thù địch kiểm soát. Cơn khát gia vị, lụa, và gốm sứ phương Đông tăng cao trên khắp châu Âu. Để có được những sản phẩm quý giá đó, họ buộc phải tìm một con đường khác để đi đến châu Á. Đây là lý do Columbus giong buồm đi về phía tây. Ông ta đi vì tiền. Vua Tây Ban Nha tài trợ cho Columbus cũng là vì tiền, chứ không phải vì muốn cổ vũ tinh thần học hỏi của một nhà thám hiểm đại tài.
Sau thành công của Columbus, nhiều nhà thám hiểm trên khắp châu Âu đã mạnh dạn tiến vào đại dương để tìm kiếm những vùng đất mới. Nhưng động lực thúc đẩy họ liệu có phải là khát khao học hỏi khám phá? Hay vì họ nhìn thấy bữa tiệc thịnh soạn mà Columbus và triều đình Tây Ban Nha đã tìm ra và cũng muốn có phần trong đó? Vasco Da Gama đi qua mũi Hảo Vọng không phải vì muốn biết tận cùng phía Nam của châu Phi có gì. Mà vì muốn tìm ra một con đường thứ 3 để sang Ấn Độ, không phải thông qua Đế quốc Ottoman, cũng không phải đi về phía Tây như Columbus. Pedro Álvares Cabral tình cờ tìm ra Nam Mỹ không phải vì muốn khám phá Nam Đại Tây Dương, mà vì muốn lợi dụng gió trên biển để vượt qua mũi Hảo Vọng sang Ấn Độ dễ dàng hơn.
Liệu những nhà thám hiểm ấy có mang trong mình khát khao học hỏi khám phá hay không? Tôi không biết, bạn không biết, Harari không biết. Nhưng chắc chắn lý do chính để họ rong buồm ra khơi là tiền chứ không phải niềm khát khao kia. Điều này thì được ghi lại rõ ràng trong những bản kế hoạch và nhật ký hải trình của họ.
Và bạn hãy nói xem, sẽ thế nào nếu Columbus quay trở về tay không, hoặc thậm chí là chết đuối giữa đại dương sau một cơn bão biển? Liệu cái tinh thần học hỏi khám phá mà Harari đề cao có thôi thúc lớp lớp những nhà thám hiểm tiếp theo ném mình vào chỗ chết theo chân Columbus hay không? Và giả sử những đế quốc châu Mỹ không quá yếu đuối, mà họ dễ dàng nghiền nát những kẻ xâm lược châu Âu thì liệu khát khao học hỏi khám phá có thôi thúc người châu Âu hồ hởi nối đuôi nhau rong buồm về phía Tây hay không? Vô vàn kịch bản khác đã có thể xảy ra. Kết quả hiện tại có thể chỉ là may mắn ngẫu nhiên. Nhưng Harari xem nó như một kết quả tất yếu phải xảy ra và tìm kiếm những lý do để hợp lý hóa cho suy nghĩ ấy. Ông mắc phải chính cái lỗi tư duy mà ông phê phán ở người khác.
Và còn một điều cuối cùng. Những dẫn chứng mà Harari đưa ra trong cuốn sách này có thể được sử dụng để thêu dệt nên hàng tá lập luận khác nhau. Chuỗi những chuyến thám hiểm của người châu Âu có thể là ví dụ cho tác hại của niềm tin tin mù quáng, khi mà những người da đỏ châu Mỹ đã quá vội vàng tin vào sự thân thiện của người châu Âu. Nó cũng có thể là ví dụ cho sức mạnh của niềm tin mù quáng, khi mà Columbus đã bất chấp tất cả, lờ đi những con số thực tế rằng châu Á không thể gần đến vậy về phía Tây. Bạn có thể vin vào cùng 1 dẫn chứng để đưa ra những kết luận hoàn toàn đối nghịch nhau. Cho nên giá trị khoa học của mỗi lập luận là không hề cao. Khoa học đòi hỏi sự chính xác khách quan. Nếu tồn tại một quy tắc toán học mà 5+5 có thể bằng 6, 7, 8, hoặc 10 tùy ý người diễn giải thì nó phải bị ném vào sọt rác. Đây là lý do tôi rất thích một câu mà tác giả Jonathan Haidt viết trong cuốn Tư Duy Đạo Đức: “Lý lẽ có thể đưa bạn đến bất cứ đâu”. Đưa ra ý tưởng hoặc lý lẽ là một việc quá dễ dàng mà bất cứ ai cũng làm được. Cái khó là đưa ra sao cho thật chặt chẽ, logic, và có cơ sở khoa học rõ ràng. Và tôi chưa thấy điều đó ở Harari.

ĐÚC KẾT LẠI

Tôi không hoàn toàn phản đối mọi ý tưởng mà Harari đưa ra. Quả thật, sự khác biệt quan trọng giữa con người và các loài vật khác là khả năng hợp tác trên quy mô lớn nhờ những trật tự tưởng tượng. Tuy nhiên, đó là sự khác biệt giữa người hiện đại với các loài khác, chứ không phải giữa người nguyên thủy với các loài khác. Tôi cũng đồng ý rằng cách mạng nông nghiệp không phải một món quà, mà nó giống một miếng phô mai nằm trong cái bẫy chuột. Nó không khiến đời sống con người trở nên khổ sở hơn chứ không phải hạnh phúc hơn. Nhận định tương tự cũng đúng với cách mạng công nghiệp. Phần lớn chúng ta ngày nay không hạnh phúc hơn cha ông mình trước kia. Tôi cũng đồng ý rằng tinh thần say mê khám phá của giới khoa học phương Tây là hoàn toàn khác biệt so với tư duy thủ cựu của văn hóa phương Đông trong những thế kỷ gần đây. Nhưng tinh thần khám phá ấy là hệ quả chứ không phải nguyên nhân khiến họ rong buồm ra khơi đi khắp thế giới. Động lực đằng sau tất cả những thứ đó là tiền. Tôi ước gì Harari đã không viết dài dòng đến vậy. Ông hoàn toàn có thể thu gọn cuốn sách xuống chỉ còn một nửa mà vẫn giữ nguyên toàn bộ lượng kiến thức truyền tải. Điều này vừa giúp tiết kiệm thời gian cho người đọc, vừa giúp chính ông tránh sa đà vào những lập luận lan man với đầy lỗi tư duy logic.
Cuốn sách có thể vẫn khiến nhiều người thích thú, nhưng chắc chắn không có tôi. Dẫu sao thì tôi cũng không thuộc nhóm độc giả phổ thông mà nó hướng đến. Cũng có thể tôi đã mang sẵn thành kiến với Harari sau khi thất vọng về cuốn Homo Deus. Hoặc tôi đánh mất sự hào hứng khi mà những gì ông trình bày trong sách không hề mới lạ đối với tôi. Hoặc tôi mang tâm thế đọc để review chứ không phải để thưởng thức nên cái nhìn của tôi khắt khe hơn mọi người và khắt khe hơn cả chính tôi khi đọc những cuốn sách khác. Liệu tôi có tuyệt đối khách quan hay không? Chính bản thân tôi cũng không dám chắc. Nhưng ngay lúc này, tôi có thể khẳng định rằng đối với tôi thì Sapiens là một cuốn sách không đáng đọc, và Harari là một tác giả không đáng đọc.
PS:Tác giả bài viết là admin của kênh Youtube HAM HỌC chuyên về khoa học và giáo dục. Nếu được, rất hy vọng bạn ủng hộ tác giả bằng cách bấm theo dõi kênh. Cảm ơn bạn rất nhiều!