Tản mạn về Định hướng Nghề nghiệp
Tản mạn về định hướng nghề nghiệp (Phần 1: Sai lầm của tôi) Tản mạn về định hướng nghề nghiệp (Phần 2: Toeic và các công việc...
Tản mạn về định hướng nghề nghiệp (Phần 1: Sai lầm của tôi)
Tản mạn về định hướng nghề nghiệp (Phần 2: Toeic và các công việc trong lĩnh vực nhà hàng khách sạn)
Tản mạn về định hướng nghề nghiệp (Phần 3: Nghề sales)
Tản mạn về định hướng nghề nghiệp (Phần 4: Ngành du lịch)
Tản mạn về định hướng nghề nghiệp ( Phần 5: Nghề kế toán)
Tản mạn về định hướng nghề nghiệp (Phần 6: Ngành tài chính)
Tản mạn về định hướng nghề nghiệp (Phần 7: các môn học trong ngành tài chính)
Tản mạn về định hướng nghề nghiệp (Phần 1: Sai lầm của tôi)
Ngày xưa, khi tôi còn bé thì nhà tôi nghèo lắm. Tôi có 1 ông chú học Ngoại thương ra, kiếm được tiền nhiều nhất trong các cô gì chú bác. Tôi hâm mộ chú lắm và xác định là lớn lên sẽ học về kinh tế để sau này đi làm giám đốc như chú, để có nhiều tiền.
Trang viết của tác giả bài này
Tản mạn về định hướng nghề nghiệp
http://dang84.wordpress.com/2013/08/ http://ub.com.vn/threads/145657-Tan-man-ve-dinh-huong-nghe-nghiep-Phan-1-Sai-lam-cua-toi.html Tản mạn về định hướng nghề nghiệp (Phần 1: Sai lầm của tôi) August 11, 2013 · by bicutit · Bookmark the permalink. · Ngày xưa, khi...docs.google.com
http://dang84.wordpress.com/2013/08/ http://ub.com.vn/threads/145657-Tan-man-ve-dinh-huong-nghe-nghiep-Phan-1-Sai-lam-cua-toi.html Tản mạn về định hướng nghề nghiệp (Phần 1: Sai lầm của tôi) August 11, 2013 · by bicutit · Bookmark the permalink. · Ngày xưa, khi...docs.google.com
Đó là một giấc mơ hoàn toàn đúng đắn, nhưng chưa đủ. Tôi thuộc vào diện học sinh khá giỏi, năm nào cũng vác mặt đi thi học sinh giỏi huyện nhưng chưa năm nào có giải đem về. Tôi xác định sau này sẽ thi vào quản trị kinh doanh để làm giám đốc. Và cuối cùng tôi thi đỗ vào khoa quản trị kinh doanh của trường đại học thương mại thật. Hồi đó tôi vẫn ngô nghê nghĩ rằng học quản trị thì khi tốt nghiệp ra trường sẽ làm giám đốc. Nhưng rồi tôi hiểu ra chẳng ai cho sinh viên mới ra trường làm giám đốc bao giờ cả. Lại còn tin sái cổ mọi người nói là mới ra trường thì chỉ có đi bê trà bê nước cho các sếp thôi, học giỏi mà làm gì (Lại một lần nữa sai lầm, cái khoản bê trà nước thì có lẽ hay xảy ra ở cơ quan nhà nước thôi, chứ từ hồi tôi đi làm đến giờ có bao giờ bê trà nước cho sếp đâu).Thế thì phải chọn ngành gì mới kiếm được tiền chứ nhỉ???
Ngày đấy, cụ thể là vào năm 2002, trường thương mại có hiệp định với trường gì đó bên Pháp và có lớp tiếng Pháp. Ai vào đó là có cơ hội được đi Pháp, được sang trời Tây, được tiếp cận với việc học ở nước ngoài. Nghe oai quá, mà điểm đầu vào của tôi cũng cao, thế là cũng cố đấm ăn xôi vào lớp Pháp học. Học được 1, 2 năm thì có kỳ thi đi Pháp, hăm hở đi thi, và đỗ, rồi thì đi Pháp học như đúng rồi. Đấy là vào năm 2004 tôi đi Pháp, nhưng vẫn chưa định hướng được là học cái gì, một sai lầm quá lớn để rồi phải trả giá về sau.
Tôi nghĩ ở Việt Nam mình hay có tư tưởng chê bai, chê giáo dục ở Việt Nam mình kém, không đáp ứng được công việc sau này. Một tư tưởng thật là ấu trĩ, cái tư tưởng ấy chỉ giúp cho những thằng lười có cớ để mà không học. Tôi đã xem các tài liệu tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp và xin khẳng định 1 điều là các giáo trình đều gần giống nhau, cách dạy cũng gần giống nhau. Nói về học kinh tế ở Việt Nam thì Ngoại thương, kinh tế, Ngân hàng, thương mại đều là những trường tốt, vấn đề là bạn học và tiếp thu như thế nào thôi. Như tôi nhấn mạnh ở trong bài này, định hướng vẫn là quan trọng nhất, nó giúp bạn xác định được học để làm gì, cần học cái gì, chứ còn việc ngồi vào ghế nhà trường, lên lớp chép bài, tối về nhậu nhẹt, chơi điện tử, đến tháng ôn thi thì lăn ra cày để thi cho qua môn và thậm chí lấy được bằng giỏi không hề khó. Và tôi mong muốn 1 điều là các bạn trẻ đừng bao giờ để những lời như thế làm ảnh hưởng đến bản thân mình, mà phải rèn luyện ở nhà trường, học thật giỏi, nắm thật chắc kiến thức để sau này đỡ mất thời gian học lại và khi ta học giỏi, ta sẽ có cái nhìn tổng quát, cái nhìn về công việc, nhận thức về công việc khác với những người chỉ lấy cớ để không học.
Quay trở lại việc ở bên Pháp của tôi, tôi lại nghe người ta nói là kế toán của nước ngoài khác với kế toán ở Việt Nam, học môn kế toán làm gì cho mệt. Ấy thế mà tôi cũng tin, không thèm học môn kế toán, chày cối tìm cách thi qua thôi. Thật không còn gì để nói. Xin thưa là những cái khác nhau đấy thì còn lâu các bạn mới phải nghiên cứu đến, tôi không nghĩ trình độ cử nhân lại đi nghiên cứu cái khác nhau đấy làm gì cho mệt. Còn để làm kế toán thì cứ phang theo sách vở, phang theo hướng dẫn của thầy cô mà làm, cái gì không biết thì tra Gu-Gồ là sẽ làm được.
Tôi lại nghe là môn kinh tế lượng khó lắm, đừng học. (chẳng là học thì được quyền chọn môn, ở bên đó không bắt buộc học kinh tế lượng ở trình độ cử nhân). Thế là tôi cũng không học để rồi khi học lên cao học thì người ta coi như là mình biết về kinh tế lượng rồi nên cứ giáng những thứ trên trời. Thêm một sai lầm chết người khi không tìm hiểu về nó, để rồi lên cao học học không hiểu, đến lúc làm luận văn thì mới lăn người ra tìm hiểu và kết luận 1 câu xanh rờn: kinh tế lượng quá đơn giản đối với trình độ cử nhân và thạc sỹ, nó thậm chí còn dễ hơn toán cao cấp nhiều, nó chẳng là cái quái gì trong ngành kinh tế cả, nó chỉ là 1 công cụ để ta nghiên cứu kinh tế, làm test này test nọ. Nhìn những công thức loằng ngoằng của nó mà phát khiếp chứ thực ra chẳng việc quái gì phải nhớ mấy công thức đấy, rồi là nào là Matlab, SAS, RATS, SPSS, R… nào là lệnh này lệnh nọ như học thêm ngôn ngữ nữa nhưng thực ra với những test đơn giản mà ta học thì chỉ cần excel là làm ngon lành.
Rồi đến lúc chọn chuyên ngành mình học, nghe nói ở Việt Nam ngành nghề đang hot là tài chính ngân hàng, cũng hăm hở học tài chính ngân hàng mà không biết học tài chính ngân hàng xong thì về làm cái gì. Nghe nói là làm về tài chính. Hehe…Đến lúc về Việt Nam mới biết là trong ngân hàng thì nào là tín dụng, nào là kế toán, nào là nguồn vốn, nào là quản lý rủi ro. Rồi là mới biết bọn ở công ty chứng khoán làm cái gì, bọn quỹ đầu tư làm cái gì… Lúc đó mới tìm hiểu xem làm tín dụng thì cần kiến thức của những môn gì, làm nguồn vốn thì cần kiến thức của những môn gì… Quá muộn rồi…Học mà không có đam mê thì lấy được bằng thạc sỹ nước ngoài về thì cũng thế thôi, kiến thức lù tù mù, tiếng anh không biết, tiếng việt cũng không biết nó là cái gì thì làm làm sao được. Lại phải học thôi. Nếu mà có định hướng rõ ràng từ đầu thì tốt biết mấy.
Là một người đã trải qua những nghề khác nhau như: nhà hàng, khách sạn, du lịch, ngân hàng, doanh nghiệp, kế toán. Tôi sẽ post lên cách suy nghĩ của mình về những mối quan hệ trên, về những công việc trên để các bạn có thể hình dung được mình cần trang bị gì cho tương lai.
Tản mạn về định hướng nghề nghiệp (Phần 2: Toeic và các công việc trong lĩnh vực nhà hàng khách sạn)
Trước khi thi vào ngành gì gọi là liên quan đến kinh tế thì chúng ta hãy thử nghĩ xem làm kinh tế là làm gì. Tại sao lại cần đến kinh tế. Trên thực tế thì học kinh tế ra là để làm lao động gián tiếp, với 1 ước muốn là đi làm mà không phải cầm cuốc, cầm xẻng, không phải đổ mồ hôi, được ngồi điều hòa mà vẫn có thu nhập cao.
Ta hình dung là muốn có ăn thì phải sản xuất, từ việc sản xuất nhiều rồi mới phải buôn bán, rồi từ buôn bán muốn bán chạy thì phải có marketing, rồi là phải nhập sổ sách giấy tờ như là kế toán, rồi là tìm vốn, đầu tư rồi có tài chính…. Thế tạm gọi là kinh tế được rồi nhỉ. Theo định nghĩa cơ bản thì kinh tế là tổng hòa của các mối quan hệ này nọ, hoàn toàn chính xác, nhưng theo ngôn ngữ thông thường thì kinh tế là đi buôn, là sales, là xuất hàng, nhập hàng, là kế toán, là tài chính….
Ngành nghề đầu tiên mà tôi muốn đề cập là ngành nhà hàng, khách sạn. Đơn giản là vì công việc đầu tiên tôi làm là liên quan đến lĩnh vực này, với lại tôi cũng thích ăn uống, nhậu nhẹt, hưởng thụ thú vui ẩm thực tao nhã. Trong cái tình hình khó khăn hiện nay, không phải ai học kế toán tài chính ra cũng làm được kế toán tài chính, bí quá có khi lại chui vào nhà hàng khách sạn làm sống qua ngày cũng nên.
Ngành này thì có vẻ là ít liên quan đến kinh tế nhỉ, ấy vậy mà trong các trường kinh tế thì đa số đều có khoa này cả đấy. Lĩnh vực này tiếng anh gọi là hospitality, tourism. Ngành nghề này theo tôi là cũng có cái hay của nó đấy, không có đơn giản đâu.
Trước tiên ta nói về nhà hàng: Nếu ta nhìn vào nhà hàng và nói rằng những người làm nhà hàng là những người bê chén, bê đĩa lương 2-3 triệu/tháng, chán lắm, không làm đâu thì thực ra bạn mới chỉ nhìn vào bề nổi giống như nhìn mấy chú bảo vệ đứng ở cổng ngân hàng thôi. Tiện đây tôi cũng trao đổi luôn mức lương trong lĩnh vực nhà hàng này: Đúng là lương bồi bàn thì khoảng 2-3 triệu/ tháng thôi. Nhưng đấy là lương của người không có kinh nghiệm, chỉ có bê không thôi và đa số khi vào nhà hàng ăn mà gặp những người này thì sẽ gây khó chịu cho bạn, vì họ đâu có được đào tạo. Tiếp sau là những người gọi là captain ( đội trưởng), rồi đến assistant manager ( trợ lý quản lý) hay vice-manager và manager. Một cái nhà hàng tàm tạm thì lương của captain cũng vào 5-7 triệu, assistant manager thì tầm 10 triệu, manager thì tầm 15-30 triệu. Thế là cũng ổn rồi phải không? Ngoài ra làm ở nhà hàng có kinh nghiệm rồi thì chui vào nhà hàng ở những khách sạn lớn làm, chuyên nghiệp hơn, lương cao hơn, thu nhập 40-50 triệu /tháng không phải là hiếm đâu.
Trong nhà hàng thì ngoài làm việc ở bàn ăn ( phục vụ khách hàng) thì còn làm việc trong bếp nữa. Cái này thì phải có đam mê mới làm được nhé. Nếu bạn học trung cấp hay cao đẳng, không có đam mê, năng khiếu nấu ăn, không biết ngoại ngữ thì có lẽ cả đời quần áo lúc nào cũng bẩn, lương tòm tèm 3-4 triệu/ tháng thôi. Nhưng nếu bạn có ngoại ngữ, có khả năng nấu ăn, lên làm bếp trưởng ( chef) thì có lẽ lương cũng cao lắm. Nhà hàng làng nhàng thì bếp trưởng cũng được 10-20 triệu /tháng. Nhà hàng ngon lành thì bếp trưởng có thể được 30-80 triệu/ tháng cơ.
Vậy thì ngành này hoc thì cần học cái gì. Xin thưa là học và thực hành những cái ở trường dạy chứ học cái gì. Tôi đã từng làm nhà hàng bên Pháp và cả nhà hàng Việt Nam, có tìm hiểu sách về nhà hàng khách sạn ở Việt Nam thì thấy khá là chi tiết, dễ hiểu. Người ta dạy mình cầm cái đĩa như thế nào, xếp cái dao ra làm sao thì có gì mà khó hiểu. Ấy thế mà vào nhà hàng ở Việt Nam, toàn là các bạn nam thanh nữ tú phục vụ, học cao đẳng nhà hàng khách sạn ra mà chẳng biết cầm cái đĩa như thế nào, trả lời khách ra làm sao, chẳng biết loại rươu nào với loại rượu nào, tiếng Anh thì ú ớ. Vậy thì đừng hỏi tại sao các bạn lương thấp. Tại vì những thứ ở trường được dạy các bạn không học, học không vào, đi làm thì không biết, hoặc biết mà cố tình không áp dụng. Tôi có 1 đứa em làm tiếp viên hàng không, cũng được đào tạo bài bản lắm, nhìn thấy tôi rót rượu, nó phán cho câu xanh rờn: “ em cũng được đào tạo rót rượu như thế này, nhưng mà em chẳng bao giờ rót cho khách như thế, cứ cầm cả chai cho nó chắc”. Đấy, có phải không được học đâu, thế mà cũng chỉ vì nguyên nhân nghe người này xúi, người kia xúi làm giảm đi chất lượng tiếp viên hàng không Việt Nam.
Tiện đây nói luôn nhé, nếu bạn nào thích theo ngành này thì chịu khó cày tiếng Anh và đi làm từ lúc học vào, khi tốt nghiệp sẽ ngon lành. Vì đa số những người phục vụ nhà hàng đi lên từ trung cấp và cao đẳng, tinh thần cầu tiến có vẻ không cao bằng những người học đại học nên tôi thấy khá chậm chạp. Nhưng nếu các bạn chịu khó học ở trường, khi đi làm thêm thì cứ kệ mọi người nói sao thì nói: thực hành theo nhà trường dạy, đừng có bỏ bớt hay sáng tạo kiểu nông dân thì khi ra trường cách nhìn nhận vấn đề của bạn rất khác, khả năng của bạn cũng rất khác.
Làm việc trong lĩnh vực nhà hàng khách sạn thì lại cực kỳ cần tiếng anh. Để làm bồi bàn thường thường thì tiếng anh của bạn cũng không cần nhiều lắm đâu, cứ lên lớp ngủ, đến kỳ thi nhét tiền cho thầy cô giáo cho qua, rồi đến khi làm cũng nói được hello, goodbye là cũng được gọi là biết nói tiếng anh rồi. Nhưng nếu bạn muốn làm lên captain thì Toeic chắc phải tầm 500, muốn làm manager thì Toeci phải tầm 750 trở lên. Làm chef bếp thì cũng phải có trình độ tiếng anh như manager nhé.
Ở đây tôi cũng xin trao đổi luôn về việc học tiếng Anh. Tiếng Anh đối với nhiều người thì nó là cái gì khó lắm đúng không? Đúng, tôi cũng thấy nó khó. Nhưng mà nó rất cần, nếu không có nó thì không làm được việc trong cái tình hình toàn cầu hóa như hiện nay. Ngày xưa học cấp 2, cấp 3 và cả đại học tiếng anh của tôi kém lắm, đi thi toàn copy bài của bạn mà qua. Rồi đến lúc về Việt Nam đi xin việc, cày Toeic, tôi cày 2 tháng, ngày cày 6 tiếng đồng hồ. Tiếng Anh từ 1 người gần như không biết gì nhảy lên 750 điểm. Thế là tôi thấy tự tin lắm, đi đâu cũng khoe là tiếng Anh cao, thích thì bắn cho vài câu cho người ta khiếp, thỉnh thoảng suy nghĩ nói 1 vài câu bằng tiếng Anh gọi là luyện phản xạ, lúc nào cần thì phun thôi. Như vậy là tiếng Anh học lên quá nhanh, làm cho mình tự tin hơn hẳn. Vậy thì bạn nào còn mặc cảm với tiếng Anh thì thử làm như tôi xem. Dành ra 2 tháng hè, ngày cày 5 tiếng tiếng anh. Tổng cộng là 300 tiếng nhỉ, rồi đi thi toeic xem được bao nhiêu điểm, bảo đảm là bạn sẽ tự tin ngay thôi. ( cái này có vẻ giống cfa, bỏ ra khoảng 600h tự học cfa, đi thi lấy cái bằng, thì kiến thức tài chính và độ tự tin về tài chính cứ gọi là tăng vọt) . Cách học của tôi là dành ra 1 ngày để xem lại kiến thức ngữ pháp, 1 ngày thôi nhé, 1 ngày gọi là có ấy mà, vì toàn là kiến thức học từ cấp 2, cấp 3 rồi, có đọc nhiều mà không vào đầu rồi cũng thế thôi. Rồi tôi bắt đầu cày đề thi. Buổi sáng làm đề, buổi chiều và buổi tối check lại xem sai ở đâu, vì sao sai, nghe sai câu nào thì bật băng nghe lại cho đến khi nghe được thì thôi, đọc lại theo băng cho đến khi đọc được thì thôi, ngữ pháp sai phần nào thì tìm xem tại sao lại sai, chép lại những câu sai để cho nhớ. Thế là sau 2 tháng tôi cũng phải cày được 2,3 chục đề thi Toeic khác nhau. Cách học trâu bò này đảm bảo cho bạn sự tự tin sau khi thi, một tiền đề quan trọng mà theo tôi là quan trọng nhất trong việc sử dụng ngoại ngữ. Nhiều người, nhiều phương pháp hướng dẫn học tiếng Anh 1 cách thông minh, học tiếng Anh sao cho có hiệu quả nhưng họ không biết rằng tiếng Anh thì sự tự tin là quan trọng nhất, và để có được sự tự tin thì trâu bò 2 tháng, đi thi toeic, thấy trình độ mình tăng ầm ầm thì sự tự tin của mình cũng sẽ tăng ầm ầm. Đơn giản thế thôi.
Nhiều người nói với tôi rằng toeic không có ý nghĩa nhiều, toefl và ielts mới ghê. Vì thi xong toeic trình nói không lên do toeic không có thi nói. Xin thưa với bạn là đấy lại là 1 suy nghĩ của những kẻ lười không chịu học. Chẳng phải tự nhiên mà Toeic nó có chữ C là chữ viết tắt của communication đâu. Bạn cứ thử cày 2-3 tháng Toeic, thi được 700-800 điểm xem trình nói của bạn có lên không. Còn toefl và ielts theo mình là học theo kiểu dạng học thuật, học để xin đi học tiếp ở nước ngoài, còn để phục vụ cho việc đi làm, cho công việc thì toeic là number one.
Tản mạn về định hướng nghề nghiệp (Phần 3: Nghề sales)
Bữa nay ta nói về nghề sales, hay còn gọi là bán hàng. Ngày tôi còn bé, nhà tôi có mở cửa hàng bán đồ tạp hóa, gọi là bán hàng, và tôi nghĩ sales là mở cửa hàng và bán hàng. Lên cấp 3, tôi thấy có mấy người hay dụ dỗ nhà tôi mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe này nọ và tôi nghĩ sales là đi bán bảo hiểm. Rồi có cả mấy thằng đi lừa đảo bán bếp ga nữa chứ, cứ quảng cáo là đồ trong siêu thị bán ra ngoài với giá rẻ, bảo là đồ công ty tuồn ra ngoài mặc dù sự thật thì giá bán đắt hơn trong siêu thị và hàng có thể lởm hơn nhiều. Tôi cũng tưởng sales là đi bán bếp ga. Rồi sau này khi bùng phát amway, nhiều người hay đi bán thực phẩm chức năng, tôi cũng tưởng sales là đi bán thực phẩm chức năng. Thế là tôi tự nhủ phải cố gắng học giỏi để sau này không phải làm sales ( tại vì không thích kiểu chở bếp ga bằng xe Honda đi hết nhà nầy đến nhà khác để bán, hihi..)
Thế rồi cuộc đời dạy cho tôi nhiều thứ về sales. Về Việt Nam hăm hở vào làm tín dụng, nghĩ là oai lắm, suy đi tính lại thì cũng là 1 nghề sales. Hay thật. Quay sang con bạn mình, làm sales về logistic, lương nó được 20 củ, thế sao mình cũng làm sales mà lương lại có 5-6 củ. Oái ăm thật. Hóa ra nghề sales cũng đa dạng lắm, thượng vàng hạ cám đủ cả, thu nhập có thể được vài chục triệu/tháng, cũng có thể mất cả nhà cả cửa vì làm sales.
Đầu tiên là các bạn gọi điện thoại mời mua tour du lịch, chắc bạn nào làm văn phòng công ty, có số điện thoại cố định thì cũng hay nhận được điện thoại mời đi du lịch. Nghề này gọi là sales tour nội địa, đa số thì là học trung cấp, cao đẳng vào làm, thậm chí nhiều nơi chẳng cần bằng cấp cũng vào làm nhưng mà ăn theo sản phẩm, lương chỉ có 1-2 triệu/tháng, còn lại ăn theo sản phẩm. Cái nghề này hơi bạc, thu nhập khó mà cao được, cũng không cần điều kiện gì nhiều. Bạn nào đang học trung cấp, cao đẳng du lịch mà không phấn đấu thì khả năng sau này vào làm cái này là khá cao, rồi sau đấy lại thấy đi làm công nhân nhiều tiền hơn rồi lại chui vào khu công nghiệp làm công nhân….Về sales trong lĩnh vực du lịch tôi sẽ nói cụ thể hơn trong bài khác.
Ví dụ tiếp theo là sales ô tô, cái này cũng không đòi hỏi gì nhiều, ai học zốt và khéo mồm thì làm cái này cũng được. Lương khoảng 1-2 triệu/tháng, bán được 1 xe thì được hoa hồng khoảng 1 triệu, 1 tháng bán được 20 cái xe là có hơn 20 triệu rồi, còn không bán được cái nào thì chỉ được 1-2 triệu thôi nhé, và xác định là chuyển nghề.
Sales ngân hàng thì có 2 thể loại chính là sales thẻ và sales tín dụng. Lương nhân viên sales thẻ ở các ngân hàng nước ngoài cũng được hơn chục triệu, nhưng mà để làm được ở những chỗ mà có chữ nước ngoài thì chắc bạn phải biết tiếng anh phải ở trình độ nào rồi. Nghề này không biết các bạn có thích không chứ theo như comment ở trên internet thì mọi người có vẻ không thích cái này lắm vì mệt, vì hay bị khách chửi, vì phải làm thêm giờ… nhưng mà đã chọn nghề rồi thì ít ra cũng nên theo một thời gian, mặt sẽ dày thêm, kinh nghiệm sẽ tăng thêm, hữu ích cho tương lai lắm.
Rồi sales tín dụng, vừa chạy chỉ tiêu cho vay, vừa chạy chỉ tiêu huy động. Nghề này thì quá nhiều người làm rồi, lương thì chắc cũng tầm từ 5-15 triệu/tháng, tùy ngân hàng. Mệt thì mệt rồi, chưa thấy ai bảo làm tín dụng là nhàn cả. Chỉ là tùy trình độ và khả năng của bạn để bạn vào làm ngân hàng nào, để đạt mức lương 5 triệu hay 15 triệu thôi. Còn về phần lậu thì ai mà lậu nhiều thì rủi ro nhiều thôi, liều ăn nhiều mà. Tôi thì không quan tâm nhiều lắm về phần lậu vì bị ám ảnh bởi 2 chữ rủi ro, và cái thu nhập từ phần lậu thì không bền vững được như thu nhập từ phần cứng.
Sales logistic thì tôi thấy khá là ổn định, thu nhập từ 15-30 triệu khá phổ biến. Thì cũng là gọi điện thoại, tiếp xúc khách hàng, thuyết phục khách hàng, kiến thức thì thêm mấy tí hiểu biết về Incoterm là có thể bán được. Cái này thì đòi hỏi tiếng anh nhiều hơn là tín dụng nhé.Nhưng mà cái này cũng có chỉ tiêu, không bán được thì xác định là out nhé.
Hay như làm sales mà thu nhập ổn định thì có thể kể đến như là sales inbound của du lịch (đối với những công ty du lịch lớn mà sales có sắn khách hàng là từ các công ty du lịch ở bên nước ngoài đẩy hàng cho rồi), chỉ cần tí tiếng tây, rồi là trả lời email hàng ngày, tư vấn khách hàng về dịch vụ là cũng được rồi. Thu nhập tầm từ 6-15 triệu/tháng. Nghe đâu sales sữa cũng được 15 triệu/tháng, sales băng vệ sinh được 10 triệu/tháng. Cái này thì tôi không chắc nhưng mà có thể khẳng định 1 điều sales là 1 nghề như bao nghề khác, có điều cái margin của nó hơi bị rộng, hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ, khả năng của bạn để có thể có thu nhập từ 1-100 triệu/tháng.
Tôi bị ám ảnh bới cái việc sales mà phải bán cả nhà cả cửa đi. Đấy là trường hợp của sales thực phẩm chức năng và sales forex. Thực phẩm chức năng cũng được, nhưng nhiều người không biết rồi đi lừa đảo nhau, mất tiền mất của, báo đài nói mãi rồi. Nhưng mà cũng nhiều người giàu lên vì cái này lắm, mà có trình độ cũng làm cái này vì kiếm được tiền. Rồi sales forex nữa, gì mà tư vấn tài chính cá nhân, nào là kinh doanh ngoại hối, nào là chỉ cần cao đẳng, nào là thu nhập vài chục triệu/tháng…. Đấy là lúc mà bạn chăn dắt được nhiều khách thôi, còn khi không có khách thì người ta lại hứa hẹn với bạn là nếu đạt chỉ tiêu thì được là nhân viên chính thức, hưởng lương 5-7 triệu 1 tháng, còn không thì out. Thế là bạn lấy tiền người nhà đi chơi, xác suất mất tiền của bạn là hơn 90%, rồi bạn tự giác rút lui sau khi đã mất 1 số tiền lớn, còn công ty thì chẳng mất gì mà lại được tiền hoa hồng từ việc môi giới cho bạn chơi. Người thân của tôi cũng từng mất tiền về cái forex này nên mặc dù forex liên quan nhiều đến ngành học tài chính của tôi nhưng thực sự là tôi rất ác cảm với nó.
Vĩ mô hơn sales 1 chút thì là marketing hay business development nhé, nôm na thì là bán hàng hết, nhưng mà giải thích thì loằng ngoằng, ai thích thì Gu gồ nhé. Trên mấy cái card visit của tôi thì không có cái nào là marketing hay business development hết nên không dám nói nhiều.
Như vậy tổng kết lại thì sales là 1 nghề nhé, nghề đấy là nghề bán hàng, sales không có gì xấu cả, chỉ cần bạn có khả năng, có kiến thức về lĩnh vực mình sales và những lĩnh vực khác nữa thì cơ hội của bạn là lớn lắm : thu nhập dao động từ 1-100 triệu nhé. Và để trở thành sales giỏi thì cần mở rộng quan hệ, trau dồi kiến thức nhé. Vì sales có zoom dao động về thu nhập nhiều thì nó cũng đòi hỏi nhiều ở bạn, cố gắng đừng để bị lừa nhé, cũng cần nghiên cứu kỹ về lĩnh vực sales mà mình định làm, chứ cắm đầu vào sales thực phẩm chức năng và sales forex thì cái giá phải trả chắc cũng không ít đâu.
Tản mạn về định hướng nghề nghiệp (Phần 4: Ngành du lịch)
Hiện nay ngành du lịch đang phát triển không chỉ ở Việt Nam mà khắp nơi trên thế giới. Đơn giản thôi, đi làm có tiền, ăn no bò cưỡi chán rồi thì phải hưởng thụ thú vui tinh thần, mở mang hiểu biết. Và du lịch đáp ứng được cái đấy.
Nói về các công việc trong lĩnh vực du lịch thì có thể kế đến:
- Hướng dẫn viên du lịch ( tour guide): cái này thì là thông dụng nhất rồi đúng không, cái này cũng là 1 nghề gớm lắm nhé, đa số tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học, nói ngoại ngữ như người bản địa, hiểu biết nhiều về văn hóa, danh lam thắng cảnh. Tôi tin chắc những người làm hướng dẫn viên du lịch bằng tiếng anh mà thi Toeic thì tiếng anh cũng phải tầm 800 đến cả ngàn. Bạn nào mà thích làm hướng dẫn viên du lịch thì luyện ngoại ngữ nhiều vào nhé. Lương của hướng dẫn viên du lịch cũng được lắm, tổng thu nhập tầm hai, ba chục chai 1 tháng là bình thường (bao gồm cả lương và lậu, ở đây lậu là việc đưa khách đến những điểm mua sắm phím trước với chủ, rồi được chủ quán chia hoa hồng cho, thình thoảng lại còn được khách bo cho ít tiền mặc dù chính hướng dẫn viên là người vừa kết nối với chủ cửa hàng để móc túi khách hàng xong, hehe..). Nghề này thì phải đi lại nhiều, cũng mệt mà có tiền. Bạn có muốn làm không, nếu muốn thì cày ngoại ngữ nhiều vào, lấy vài cái địa danh du lịch, rồi đứng trước gương chém chuối nhiều vào cho dẻo mồm, rồi thì thi lấy cái chứng chỉ hướng dẫn du lịch và đi kiếm tiền thôi. Khiếu hài hước, khả năng giải quyết tình huống.. cũng rất quan trọng và nó sẽ tăng dần trong quá trình bạn học và bạn làm.
- Bán tour du lịch (sales tour): cái công việc này nó cũng vô cùng lắm, lĩnh vực sales là lĩnh vực khá nhạy cảm, tôi biết có những nghề sales mà chỉ có đem tiền nhà đi phá, có nghề sales lương 1,2 triệu /tháng, có nghề sales lương vài chục triệu 1 tháng. Sales du lịch mà dính vào sales tour nội địa thì chỉ có nói tiếng việt, gọi điện bán hàng, mời đi du lịch. Quá rủi ro, lương cứng rất thấp, chỉ có ăn hoa hồng là chính, xác suất để gọi điện 100 người có 1 người quan tâm đến việc đi du lịch là hơi bị thấp. Theo tôi sales du lịch nội địa đa số dành cho cộng tác viên, các bạn đang thất nghiệp, dành cho những người không có ngoại ngữ, chưa kiếm được việc gì khá hơn, còn lại là quá rủi ro, lương quá thấp. Cũng có những trường hợp làm sales tour nội địa mà kiếm được nhé: có nhiều người thân, có nhiều quan hệ, giao tiếp tốt, nói chuyện ngọt nhưng mà thể loại này hơi hiếm.
- Nếu là sales tour thì làm sales tour inbound tốt hơn, dành cho những người ngoại ngữ tốt, nói chuyện với khách nước ngoài được, liên lạc thường xuyên với khách nước ngoài qua email. Lương của những người này thường từ 5-15 triệu/ tháng, tùy theo khả năng và thời gian cống hiến. Tương tự là những người quản lý tour- tour operator. Làm cái này thì ngoại ngữ phải tốt nhé, kỹ năng đàm phán, trả lời email… chắc là trong nhà trường cũng có dạy hết đấy, mà nếu không dạy thì cũng phải tìm hiểu trên mạng, trên mạng có hết mà vì nó rất cần thiết cho công việc. Chúng ta cứ kêu là nhà trường không dạy kỹ năng mềm, đi ra không làm việc được. Nói đi thì cũng phải nói lại, chúng ta cũng phải thông cảm cho các giáo viên đã già, họ hồi đi học đâu có được tiếp xúc nhiều với những thứ đấy nên các bạn đòi hỏi cái gì, tại sao trên mạng có hết mà các bạn không tìm hiểu để trang bị cho bản thân mà cứ đi đòi mấy thầy cô đáng tuổi cha mẹ mình đi dạy cho mình phải trả lời email như thế nào, phải đi đứng ra làm sao, phải đưa card visit như thế nào, làm sao để bán lược cho sư….
- Marketing là một bộ phận không thể thiếu trong kinh tế nói chung và trong du lịch nói riêng. Nào là marketing qua mạng, qua điện thoại, nào là SEO, nào là lập trang web… tất cả những thứ đó đều là 1 dạng để thúc đẩy việc bán hàng mà thôi. Có lẽ bạn sales tour kia cũng được gọi là marketing nhỉ. Nhưng mà gọi riêng ra cho nó hoành tráng. Nếu bạn sales tour không xếp vào đây thì bạn marketing này làm những việc như trên, cộng thêm làm FCm, MICE nữa ( cái này liên quan chặt chẽ đến phần nhà hàng khách sạn nhé) tóm lại là quảng cáo. Mà quảng cáo thế nào cho hiệu quả thì tôi lại nhắc lại là các bạn học tốt những cái ở trường, cộng thêm ngoại ngữ giỏi, lên mạng search về cách tăng cường kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc này nọ… Nghe có vẻ cổ điển quá nhỉ.
Tản mạn về định hướng nghề nghiệp ( Phần 5: Nghề kế toán)
Kế toán, 1 nghề quá phổ biến, công ty nào thì cũng cần có kế toán hết, lý do để cần kế toán cũng nhiều, cao siêu thì là để quản lý, hoạch định chiến lược này nọ, đơn giản thì là phục vụ cho mấy ông thuế, báo cáo cho mấy ông đấy để mấy ông đấy cho công ty hoạt động.
Kế toán thì có nhiều loại: kế toán thuế, kế toán lương, kế toán bán hàng, kế toán tổng hợp, kế toán trưởng, kế toán doanh nghiệp, kế toán ngân hàng… Nghe thì ghê gớm đúng không? có khi lại hoảng loạn không biết mình hợp với kế toán nào, hihi… Nhưng thực tế thì dù học trung cấp hay cao đẳng chứ đừng nói đến đại học, các bạn đều được học đủ về những cái đấy để mà làm được. Theo như tôi nghĩ thì con đường của 1 nhân viên kế toán mà muốn trình độ lên nhanh nhất là vào làm công ty nho nhỏ thôi, và bạn sẽ phải làm kế toán từ a đến z, làm tất tần tật, từ kê khai bán hàng, đến kế toán thuế, rồi là tự làm báo cáo tài chính, rồi đi ra sở thuế, làm việc với bọn nó, nộp giấy tờ cho bọn nó, phong bì cho bọn nó nếu lỗi nhẹ, lỗi nặng thì đem về làm lại, như thế thì level lên nhanh lắm. Nhiều bạn khi làm kế toán thành thạo rồi thì lại đi lấy thêm về nhà để làm, kiếm thêm tiền, bản thân tôi thì không thích kiểu này lắm, thà đầu tư thời gian đấy để nâng cao trình độ để kiếm việc ngon lành hơn thì sẽ bền hơn là làm nhân viên kế toán nho nhỏ, suốt ngày làm ở mấy công ty nho nhỏ, xinh xinh.
Về lương lậu trong lĩnh vực này, cũng dao động ghê gớm lắm, dao động từ 2-50 triệu/tháng là phổ biến. 2 triệu/tháng là dành cho những bạn trình độ có thể nói là rất còi nhé, gọi là học kế toán, định khoản được mấy cái đơn giản thôi, thậm chí còn quên lên quên xuống, dùng máy tính còn chưa thạo nữa. Rồi thì 3-4 triệu dành cho những bạn nhanh nhẹn hơn 1 tí, nhưng mà có khi chưa biết lập báo cáo tài chính như thế nào. 5-7 triệu thì dành cho các bạn có thể tự làm báo cáo tài chính được rồi, có thể chủ động cho công việc. Vậy 7-10 triệu thì dành cho ai? Dành cho các bạn đã có kinh nghiệm làm kế toán rồi, 1 mình 1 ngựa ở những công ty làng nhàng, hay là có kinh nghiệm làm ở những công ty to to 1 chút. Mức lương trên chục triệu thì dành cho những bạn nhanh nhẹn, làm kế toán ầm ầm như đọc bảng cửu chương, có thể là kế toán trưởng ở những công ty bậc trung được rồi. Còn muốn mức lương 20-50 triệu thì chắc chắn là kế toán trưởng ở những công ty lớn lớn rồi. Đấy, cứ tùy vào trình độ của bạn, khả năng của bạn, mong muốn của bạn về mức lương tương lai mà phấn đấu thôi.
Đợt trước tôi làm quản lý ở 1 công ty nho nhỏ, cũng cần tuyển kế toán cho công ty. Đăng tuyển trên mạng, có mấy bạn tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp đến nộp hồ sơ và phỏng vấn mà mấy bạn đấy không biết là mua hàng trả tiền bằng tiền mặt thì định khoản như thế nào, hịc, không hiểu sao mấy bạn ấy tốt nghiệp được, cũng không hiểu sao lại tốn tiền xăng để đi phỏng vấn nữa. Lại còn hồn nhiên nói là vào làm công ty thì hy vọng công ty sẽ đào tạo. Xin thưa là công ty là chỗ để làm việc chứ không phải chỗ làm từ thiện, bạn không có kiến thức, không có khả năng làm việc thì không có công ty nào tuyển bạn hết. Tôi cũng còn nhớ lần đầu tôi đi phỏng vấn xin việc ở Việt Nam, anh nhân sự có nói với tôi là bạn về xem lại kiến thức của mình đi rồi quay lại. Vâng, chúng ta cứ nói là chúng ta thiếu kỹ năng mềm, kỹ năng cứng này nọ, nhưng phải có kiến thức nghiệp vụ đã rồi hãy nói gì thì nói, không có nghiệp vụ, kiến thức ở trường lớp không học thì không đi làm được đâu. À, cũng có thể đi bán thực phẩm chức năng, hay làm tư vấn tài chính forex ( vào đấy họ sẽ hướng dẫn làm như thế nào đề bán được hàng, hehe..), còn có cả những nghề mà không phải làm gì, hay được ở trong khách sạn có điều hòa, thu nhập cũng cao lắm mà không biết có ai thích làm không.
Suy đi tính lại thì kế toán cũng quan trọng lắm, những thứ vĩ mô thì tôi không dám nói, nhưng mà để đi xin việc trong lĩnh vực tài chính thì cũng phải biết kế toán chứ không biết thì không thể làm được. Hồi tôi đi thi tuyển vị trí chuyên viên tài chính của Viettel, đề thi cũng là mấy bài kế toán đơn giản mà trong sách kế toán nào cũng thế. Thậm chí lúc thi vào ngân hàng thì cũng phải biết bên nào là tài sản, bên nào là nguồn vốn thì mới làm được bài tập về tính dư nợ cho vay…. Thế nên dù bạn làm kế toán hay không thì cũng phải biết về nó nhé, cũng không phức tạp lắm đâu, tổng tài sản thì luôn bằng tổng nguồn vốn tại vì tiền không tự nhiên sinh ra, không tự nhiên biến mất mà chỉ chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, học thuộc và phân loại 9 loại tài khoản kế toán rồi phệt bài tập thôi.
Như vậy là làm kế toán cũng có nhiều loại khác nhau, thu nhập cũng khác nhau, kế toán không chỉ là công việc ngồi bàn giấy nhập hóa đơn ( nếu chỉ thế thì quả thật thì quá nhàm chán, làm nhân công lao động trực tiếp ở khu công nghiệp còn vui hơn), kế toán còn phải quan hệ với thuế, quan hệ với ngân hàng khi cần vay vốn, quan hệ với các doanh nghiệp khác khi mua bán, khi đòi nợ và khi bị đòi nợ. Nghề này cũng vui lắm chứ, và 1 lần nữa nó cúng giống như các nghề khác, trình độ càng cao ( tiếng anh và nghiệp vụ) thì thu nhập càng cao, càng có cơ hội thăng tiến. Trình độ càng thấp, càng không có chí tiến thủ thì công việc sẽ càng nhàm chán, chỉ có ngồi 1 chỗ để nhập hóa đơn giấy tờ, lương lậu tậm tịt, bị đối xử tương xứng với khả năng và không biết sẽ bị đuổi việc khi nào.
Tản mạn về định hướng nghề nghiệp (Phần 6: Ngành tài chính)
Đây là ngành mà phần lớn các bạn trên diễn đàn này theo đuổi, là ngành mà 5-7 năm trước các bạn thi nhau thi vào học vì nó quá hót, là ngành mà hiện nay số người thất nghiệp có lẽ là nhiều nhất trong tất cả các ngành. Dù có như thế nào đi nữa, đam mê hay chót dại theo ngành này thì có lẽ ta cũng tìm hiểu về các công việc trong ngành này, để có thể biết mình sẽ đi đâu về đâu trong cái tình cảnh master finance thất nghiệp cả đống thế này.
1. Học tài chính để làm trong ngân hàng:
Có lẽ đa số mọi người học tài chính để mong muốn được làm trong ngân hàng. Và các công việc chính ở ngân hàng là gì
- Bảo vệ: Đây là hình ảnh đầu tiên đập vào mắt ta khi ta đi vào ngân hàng, cũng không cần phải học tài chính để làm ngân hàng đâu, mức lương thì như bảo vệ các nơi khác, áp lực thì lớn hơn vì phải trông coi tiền mà, lương từ 3-7 triệu/tháng nhé, thưởng thì tùy ngân hàng và tùy tình hình kinh doanh
- Giao dịch viên: Đây là người mà các bạn vào gửi tiền, rút tiền hoặc đặt những câu hỏi về việc mà bạn muốn làm. Đa số giao dịch viên thì học từ kế toán hoặc khoa kế toán của trường nào đó ra làm, lương thì tầm 5-10 triệu/ tháng, làm việc thì khá là mệt, tín dụng mệt thì còn chui vào đâu trốn, thậm chí đi nhậu nhẹt, matxa rồi nói với xếp là đi tiếp xúc khách hàng, chứ giao dịch viên mà có mệt thì cũng phải nhe răng ra nói chuyện với khách hàng. Càng ngày giao dịch viên càng chuyên nghiệp, em nào cũng tươi như hoa, đi vào làm được training cả cách nói chuyện với khách hàng, cách trang điểm nữa mà. Nhưng mà tốt nhất là cứ chuẩn bị những thứ này trước nếu có mong muốn làm giao dịch viên thì tốt hơn.
- Kiểm soát viên: Cái chị mà ngồi ngay sau lưng các bạn giao dịch viên là kiểm soát viên nhé, nôm na là kiểm soát hoạt động của các bạn giao dịch viên, ký tá các giấy tờ các bạn giao dịch viên đưa cho. Để làm được kiểm soát viên thì tất nhiên là trình phải cao hơn giao dịch viên rồi, đa số đi từ giao dịch viên đi lên, lương thì chắc từ 7-15 triệu/tháng.
- Thủ quỹ: là giữ tiền chứ còn gì nữa, vào ngân hàng mà thấy ai ôm cả đống tiền đếm xoành xoạch thì là thủ quỹ. Thủ quỹ là người ôm tiền nhưng mà lương lậu lại không cao bằng giao dịch viên, đa số học cao đẳng hoặc đại học làng nhàng ra thôi. Nghề này cũng không đòi hỏi kiến thức gì nhiều, nhưng chắc cũng không nhiều người muốn làm vì thủ quỹ chắc chỉ hơn lao công và bảo vệ trong ngân hàng thôi.
- Tín dụng ( hay còn gọi là chuyên viên quan hệ khách hàng): lực lượng này trong ngân hàng thì cực đông rồi, vừa huy động vốn, vừa thẩm định, vừa làm hồ sơ vay vốn… Một người làm tín dụng cổ điển là người làm rất nhiều việc như huy động vốn, tiếp xúc khách hàng, thẩm định, thu thập hồ sơ, làm hồ sơ vay vốn (có khi làm cả nghệ sĩ để chế hồ sơ nữa), rồi giải ngân, rồi công chứng, giao dịch đảm bảo… Nhưng hiện nay để hạn chế rủi ro và tăng hiệu quả công việc thì nhiều ngân hàng đã có những kiểu nhân viên mới như thẩm định để thẩm định lại các hồ sơ của tín dụng, CVQHKH cá nhân mà chỉ chuyên đi huy động vốn hoặc mời mọc khách hàng sử dụng dịch vụ thẻ nào đấy của ngân hàng, CV thẩm định tài sản đảm bảo có lẽ cũng được tách ra từ đây để có thể thẩm định TSĐB minh bạch hơn. Nghề này là nghề chính trong ngân hàng và zoom biến động về thu nhập cũng cao nhất trong ngân hàng: người 1-2 triệu/tháng là người mà chỉ đi huy động vốn thôi, ăn theo sản phẩm, người 5-15 triệu/tháng là tín dụng cổ điển ( loại này thì thu nhập không biết chính xác là bao nhiêu vì 5 triệu/tháng không biết có đủ cho các bạn này đi tiếp xúc khách hàng không chứ đừng nói đến sống, loại này cũng là loại rủi ro nhất trong lĩnh vực ngân hàng, cơ hội lớn nhất trong lĩnh vực ngân hàng, đa số các sếp trong ngân hàng đều đi lên từ tín dụng cả). Còn thẩm định thì là trên tín dụng 1 tí, ít tiếp xúc khách hàng, chủ yếu là thẩm định hồ sơ tín dụng để hạn chế rủi ro. Ngày xưa (3-5 năm trước thì thẩm định có thể mới tốt nghiệp, có khả năng là làm được vì thiếu người thì ngày nay thẩm định cần kinh nghiệm nhiều nhé). Lương thẩm định thường khá hơn ( 8-20 triệu/ tháng)
- Kinh doanh thẻ: Bộ phận này nửa giống giao dịch viên, nửa giống tín dụng, nhưng mục đích chính là làm ở văn phòng, bán các loại thẻ cho khách hàng, làm hồ sơ làm thẻ cho khách hàng. Lương thì cũng tùy, từ 5-15 triệu /tháng.
- Thanh toán quốc tế: cái tên có lẽ đã nói lên tất cả, công việc thì như nhân viên văn phòng, quanh đi quẩn lại với hồ sơ swift, LC, nhờ thu, chiết khấu, bảo lãnh… Công việc này thì đa số là các bạn nữ làm, lương lậu tương đối ổn định, quan trọng là chăm chỉ và cẩn thận, lương tầm từ 4-15 triệu/tháng.
- Nguồn vốn ( treasury): Nguồn vốn thì là kinh doanh vốn rồi, đây là khối vip trong ngân hàng nhé, mới ra trường cũng vào nguồn vốn nhiều, cơ mà tiếng anh tốt, trình độ cao, làm về trade tiền usd, euro, làm về forex, làm về trái phiếu, chiết khấu, tái chiết khấu, quản lý danh mục đầu tư của ngân hàng… Lương lậu thì có vẻ cao 10-25 triệu /tháng khá phổ biến.
- Nhân viên kế toán: thì giống như các bạn làm kế toán doanh nghiệp thôi nhưng ở đây là kế toán ngân hàng, lương lậu không có gì đặc biệt, 5-15 triệu/tháng.
- Thanh tra, kiểm soát nội bộ: Đây là thành phần back của ngân hàng, chuyên đi soi mói xem đồng nghiệp của mình làm ăn như thế nào, đi đến đâu là nhân viên ngân hàng ở nơi đó ngán ngẩm đến đó, không biết có làm sai hay không nhưng mà thấy cả đống người mặt mày hầm hố vào kiểm tra sổ sách giấy tờ mình làm ra là không thích rồi. Thanh tra, kiểm soát nội bộ thì lương lậu cũng được 8-25 triệu/tháng nhé.
- Quản lý rủi ro, phân tích rủi ro: Bộ phận này phân tích các loại rủi ro khác nhau của ngân hàng, có thể áp dụng các modele này nọ để phân tích, có thể chỉ bàn chính sách với nhau để hạn chế rủi ro, lương lậu cũng được ( 8-25 triệu/tháng)
Như vậy điểm qua các công việc chính trong lĩnh vực ngân hàng thì ta có thể thấy đa số là làm đều mệt, cơ mà được làm việc trong môi trường tạm được gọi là chuyên nghiệp ở Việt Nam, rồi cơ hội thăng tiến nhiều. Nhưng không có gì phải ngại cả, các môn ta học ở trường về tài chính thì đều có thể đi làm ở tất cả các bộ phận trên cả, chỉ là các bạn chịu khó tìm hiểu về nó, học cho hoành tráng vào thì đi xin việc cũng không khó đâu. Nhiều người đi thi tín dụng mà không biết NPV, IRR là gì, rồi thi nguồn vốn mà không biết forward, swaps là gì thì khó mà thi được.
2. Học tài chính để làm chứng khoán, quỹ đầu tư
Làm chứng khoán thì bạn có thể là dealer, shareholder, bondholder, trader, broker. Nghe kinh chưa, nhưng thực ra thì nó cũng là 1 nghề hoặc chỉ trạng thái công việc của bạn giống như speaker hay fucker thôi.
Và xin nhắc lại là các môn học ở trường đều đáp ứng được để đi làm tất cả những nghề này, nếu có đam mê và xác định ra trường đi làm nghề này thì tìm hiểu sâu hơn về nó thôi, có thể tự học CFA chẳng hạn, hiện nay có rất nhiều người tốt nghiệp đại học là có CFA level 1 rồi. Tôi thì không đề cao CFA nhưng nếu có CFA thì chứng minh được 100% là bạn tốt nghiệp bằng khả năng của bạn chứ không phải bạn xin điểm, chứng minh được bạn có cái nhìn tổng thể về tài chính chứ không phải chày cối cho qua từng môn mà không biết gì, chứng minh bạn có trình độ tiếng Anh khá ( nhiều người tiếng anh kém nhưng học xong cái này thì trình tiếng anh tăng ầm ầm, tự nhiên thành người tiếng anh tốt), chứng minh được bạn thực sự thích ngành tài chính. Từng đấy là đủ có lợi thế rồi. Hiện nay số người có CFA ngày càng nhiều nhưng không phải là cái đấy nó vô giá trị đi mà chỉ chứng tỏ là thiên hạ người ta giỏi lên mà thôi.
Chứng khoán, quỹ này nọ là nghề mà bạn áp dụng nhiều nhất kiến thức ở trường. Cái này tôi sẽ nói ở bài sau. Còn bây giờ nói về lương lậu. Nếu như ngày ấy, chuyên viên môi giới chứng khoán kiếm hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu 1 tháng thì bây giờ đổi nghề hoặc ăn theo sản phẩm thôi. Ăn theo sản phẩm mà, công việc của họ là có càng nhiều người chơi mà giao dịch thông qua họ thì họ ăn càng nhiều, ít người chơi thì họ ngồi nghỉ ngơi hoặc đâm vào tự chơi để mất tiền thôi. Thu nhập không có định nhé, từ 3-30 triệu/tháng là phổ biến. Còn chuyên viên phân tích đầu tư thì là ngồi phân tích các chỉ số này nọ, đồ thị này nọ rồi phán xem ngày mai chứng khoán nó như thế nào, giá vàng tăng hay giảm rồi đẩy sang cho bên chuyên viên môi giới dụ dỗ người chơi thôi. Những người làm ở quỹ thì thường trình cao hơn công ty chứng khoán 1 tí, lương lậu cũng khá hơn. Để có thể vào được lĩnh vực này thì ngoài học ở trường thì tốt nhất là găm theo người cái chứng chỉ đầu tư chứng khoán, chứng chỉ phân tích chứng khoán, CFA.. nữa thì tốt hơn. Coi như là thêm 1 lần học cho nhớ trước khi đi làm, là để tăng cường kiến thức để đáp ứng yêu cầu công việc.
3. Nghề khác:
Ngoài ngân hàng và chứng khoán thì học tài chính cũng có thể làm kế toán, cũng có thể làm về bất động sản, làm giảng viên, hay làm bộ này bộ nọ mà là ở vụ tài chính, ban tài chính thì cũng là đúng ngành đúng nghề rồi.
Chúc các bạn đang học tài chính-kế toán hình dung ra công việc tương lai để phấn đấu và thành công nhé.
Tản mạn về định hướng nghề nghiệp (Phần 7: các môn học trong ngành tài chính)
Có lẽ không ít người tự hỏi kinh tế lượng thì liên quan gì đến tài chính, liên quan gì đến công việc của mình sau này, hay mình xác định sẽ làm về chứng khoán thì có cần biết kế toán không, mình học tín dụng để đi cho vay tiền chứ Incoterm thì học làm gì, chỉ dành cho bọn thanh toán quốc tế thôi… Thực ra thì tất cả các môn học ở nhà trường đều liên quan đến nhau, hàng năm, hàng tháng, hàng ngày, hàng giờ các bậc cha chú, các thầy cô giáo sư tiến sĩ vẫn phải nghiên cứu để làm sao trang bị cho chúng ta đầy đủ kiến thức nhất để chúng ta có thể ra trường đời, chứ không đến lượt chúng ta ngồi suy nghĩ xem môn đó có cần thiết không.
Đến như môn thể dục, hay môn triết học theo tôi cũng cần thiết cho mọi sinh viên nói chung và sinh viên tài chính kế toán nói riêng, nó sẽ giúp chúng ta phát triển về thể chất và tâm hồn để làm việc sau này. Môn kinh tế lượng không phải là các công thức loằng ngoằng mà nó là 1 phương pháp định lượng để có những cái mà chúng ta đang thực hiện hàng ngày: ví dụ người ta phải làm cả đống thực nghiệm bằng kinh tế lượng để chứng minh từ những cái đơn giản như chúng ta thức khuya thì tóc sẽ bạc sớm, quan hệ tình dục đều đặn thì tốt cho sức khỏe, hay là sự thay đổi của giá chứng khoán có bị phụ thuộc vào thay đổi lãi suất không…. Tất cả mọi thứ từ đơn giản đến phức tạp muốn chứng minh thì chứng minh bằng kinh tế lượng là hiệu quả nhất.
Ta có thể hình dung sự liên hệ giữa các môn học ở nhà trường với công việc thực tế như sau: kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô cho ta cái nhìn bao quát về các vấn đề kinh tế như cung cầu, chính sách tài khóa, những cái này sẽ tác động đến giá cổ phiếu, trái phiếu, tác động đến các chính sách của ngân hàng và dẫn đến tác động trực tiếp đến các hoạt động của nhân viên ngân hàng. Môn kế toán cho ta cái nhìn tổng quát về doanh nghiệp, cách thức hoạt động, nói chung là về sổ sách giấy tờ của doanh nghiệp. Muốn tìm hiểu về sức khỏe của doanh nghiệp thì môn phân tích báo cáo tài chính (FRA) là môn quan trọng nhất. Môn này nghiên cứu về balance sheet, income state, cash flow, foot note, IFRS, GAAP…rồi là các chỉ số cơ bản như activit ratios, liquidity ratio, solvency ratio, profitability ratios,leverage ratio, ROA,ROE, EBIT, Dupont, LIFO, FIFO… Môn này là môn quan trọng cho những ai muốn làm tín dụng nhé, các chỉ số thì có vẻ nhiều và ghê gớm nhưng khi ta đi làm thì ta phân tích chúng là chính chứ không cần phải tính làm gì vì đã có máy tính, có phần mềm excel này nó tính hết rồi. Ví dụ như một nhân viên tín dụng nhập số liệu báo cáo tài chính của 1 công ty vào sheets này http://ub.com.vn/threads/112267-Bang-excel-ho-tro-phan-tich-tai-chinh-va-han-muc-tin-dung-han-muc-L-C.html sau đó phân tích số liệu và làm tờ trình thẩm định thôi, có phải tính toán gì đâu. Môn kinh tế lượng ( quantitatives, econometric) dạy ta tính xác suất, PV, FV, EAR, IRR, NPV, HPR, HPY, test t, test F… Nếu như học xác suất mà không hiểu thì cũng không phải cái gì nghiêm trọng lắm, vẫn phân tích được như thường, còn mấy cái test t, test F học trên lớp mà không hiểu thì tại vì ta phức tạp hóa nó quá, cứ phải học thuộc công thức lằng nhằng nhưng quan trọng của nó không phải là công thức mà là chỉ cần hiểu khi nào cần dùng nó, dùng xong phân tích như thế nào vì bây giờ ta có phải tính toán bao giờ đâu, các phần mềm máy tính đã giúp ta tất cả. Môn tài chính doanh nghiệp (Corporate finance) giúp ta tìm hiểu kỹ hơn về dự án này nọ, tính toán NPV, IRR, WACC. Những cái này không hề phức tạp vì đơn giản để tính NPV ta chỉ cần nhập công thức =npv(…) trong excel là ra, vấn đề chỉ là tìm số liệu cho hợp lý thôi. Với những người mới bắt đầu tìm hiểu về lĩnh vực tài chính nếu như thấy quá nhiều chữ viết tắt như ROA, ROE, NPV, IRR thì lại ngại, thực ra nó còn dễ hơn là ta học 1 từ mới tiếng anh vì các chữ viết tắt đều là viết tắt của 1 từ có nghĩa, lại có ý nghĩa nữa, lại được học công thức tính toán, làm bài tập nữa chứ, sẽ nhớ hơn nhiều so với học 1 từ mới tiếng anh đơn điệu.
Các doanh nghiệp mà muốn tăng vốn làm ăn thì phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Nhờ vào những cái đấy mà mới có thị trường chứng khoán, mới có cái để ta học tập nghiên cứu. Môn cổ phiếu ( equity) giúp ta tìm hiểu về thị trường chứng khoán, tính toán các giá trị của cổ phiếu, tìm hiểu về margin call, book value, DDM, FCFE, P/E, P/B, CAPM, hệ số beta. Nghe thì hoành tráng, nào là mô hình CAPM này nọ, chỉ số P/E này kia, hệ số beta tính toán phức tạp nhưng 1 lần nữa ta đâu có phải tính mấy cái này, mấy chỉ số này trên các diễn đàn chứng khoán có đầy ra, họ đã tính hết rồi, nhiệm vụ của ta chỉ là hiểu và phân tích thôi. Tương tự môn trái phiếu ( fixed income) dạy ta về các chỉ số cơ bản của trái phiếu như duration, convexity, YTM… để giúp ta định giá được chúng. Và để có thể tối ưu hóa việc đầu tư thì sẽ phải có những công cụ giúp ta đầu tư. Thế là đẻ ra thị trường phái sinh Derrivate giúp ta mua bán, trao đổi, cut loss, hạn chế rủi ro. .. dễ dàng hơn nhờ vào Forward, Future, Swaps, Options…Mà trên thị trường tài chính lại không chỉ có tín dụng, cổ phiếu, trái phiếu mà người ta còn kinh doanh cả cao su, bất động sản, chè, café…Đấy là lý do vì sao lại có môn alternative investment.
Những cái ta nói ở trên là những thứ cơ bản ta học ở trường, còn là phân tích cơ bản trong tài chính. Bên cạnh đó, ở phần Quantitative có 1 mục nhỏ gọi là phân tích kỹ thuật ( technical analysis) mà hiện nay đang rất là mốt dùng để phân tích giá vàng, giá chứng khoán bằng đồ thị này nọ.Môn này có quan trọng không, rất quan trọng. Vậy tại sao ta không được học nhiều ở nhà trường, tại vì nhà trường nghĩ là những kiến thức về cơ bản quan trọng hơn và ta có thể tự học được, hay là có những lý do khác mà ta không cần biết, ta chỉ cần biết là cái gì ta không được học mà cần thiết thì ta tìm hiểu thôi. Tiếp xúc với môn phân tích kỹ thuật này thì ta cũng tiếp xúc với 1 đống thứ rất tây như mô hình candlestick, reversal patterns, oscillators, VIX, IRIN, Kondratieff wave, Elliott wave, Fibonacci ratio, Darvas pattern, đường MACD, đường RSI, parabolic SAR…Đừng sợ, học nó dễ hơn học các môn khác nhiều, dễ hiểu, dễ chém gió, còn để đi làm thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Tổng kết lại, các môn học ở nhà trường đều liên quan đến nhau, giúp ta có rất nhiều kiến thức mà sau này có thể đi làm nhiều nghề khác nhau được. Những thứ mà nhà trường trang bị cho ta chưa đủ như kỹ năng mềm thế này, ngoại ngữ thế kia thì ta phải tự tìm hiểu trên mạng thôi, đọc mấy cái đấy dễ nuốt hơn mấy môn trên lớp nhiều. Nếu bây giờ có 1 điều ước, tôi chỉ ước là ngày xưa đi học thì bùng học, trốn tiết ít thôi để có thể hiểu sớm hơn, hiểu rõ hơn về lĩnh vực mà mình theo đuổi.
Nguồn ảnh: Internet
Đọc thêm:
Báo Chí có gì?
Cùng với xu hướng phát triển của xã hội, thông tin là điều cần thiết để mỗi người nắm bắt và tiếp diễn cuộc sống. Báo chí là một nhánh nhỏ của truyền thông giúp cung cấp thông tin đến tất cả mọi người. Đặc biệt, nó còn được coi là quyền lực thứ tư sau lập pháp, hành pháp và tư pháp. Với tầm quan trọng và ảnh hưởng nhưshop.spiderum.com
Cùng với xu hướng phát triển của xã hội, thông tin là điều cần thiết để mỗi người nắm bắt và tiếp diễn cuộc sống. Báo chí là một nhánh nhỏ của truyền thông giúp cung cấp thông tin đến tất cả mọi người. Đặc biệt, nó còn được coi là quyền lực thứ tư sau lập pháp, hành pháp và tư pháp. Với tầm quan trọng và ảnh hưởng nhưshop.spiderum.com
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất