Ảnh: VTC
Ảnh: VTC
Ngày 13 tháng 6 năm ngoái, tôi có viết một bài viết về bóng đá, chủ yếu bàn về văn hóa của một bộ phận cư dân mạng trong thời buổi đội tuyển quốc gia đang chiếm sóng truyền thông. Một vài ý kiến cho rằng bài viết của tôi có hơi cực đoan. Đúng vậy, tôi thừa nhận điều đó. Bởi tôi viết bài trong một tâm trạng khá cay cú.
Bài viết này cũng sẽ bàn đến một chuyện liên quan tới hai chữ "bóng đá" và "văn hóa", nó được gọi là chuyện "đi bão". Cụm từ dùng để chỉ hành động xuống đường ăn mừng của người dân khi đội tuyển quốc gia làm nên kỳ tích ở một đấu trường quốc tế nào đó. Có thể bài viết này cũng không thể tránh nổi sự cay cú của tác giả, bởi tác giả đã có một trải nghiệm không được "hay ho" với "bão" cho lắm.
Trước hết, phải làm rõ ba chuyện sau đây để các bạn hiểu tôi hơn một chút trước khi vào bài.
Thứ nhất, tôi không yêu nước hay ghét nước theo kiểu phát rồ lên vì tất cả những cái gì gắn hai chữ "Việt Nam" và lá cờ đỏ sao vàng vào đó. Kể từ thời điểm bắt đầu biết dùng mạng xã hội, tôi đã thấy sự cực đoan của cả hai phe đỏ - vàng, và tôi đã quyết định từ lâu rằng mình sẽ chẳng ngồi chung mâm với ai cả. Tôi không tin rằng "yêu nước thì phải yêu bóng đá và yêu bóng đá thì mới là yêu nước" như một số người vẫn đang coi nó là chân lý, nhưng nếu bạn đến đây mong muốn tìm thấy một người đồng quan điểm với bạn rằng "chúng ta thắng 1 trận bóng nhưng thua tất cả mọi mặt", "GDP Thái vẫn hơn chúng ta", "Thắng trận bóng thì có giúp được gì cho đất nước"... thì rất xin lỗi đã làm bạn thất vọng.
Thứ hai, tôi thích bóng đá, nhưng tôi luôn là một fan trung lập không ủng hộ mà cũng chẳng anti đội nào, và thứ bóng đá tôi thích là thứ bóng đá đỉnh cao mãn nhãn về kỹ thuật, chiến thuật và lối chơi của các đội bóng hàng đầu tại Anh, Tây Ban Nha, Đức... - thứ mà THEO Ý KIẾN CÁ NHÂN CỦA TÔI, bóng đá Việt Nam chưa đạt tới được, vậy nên tôi ít khi xem đội tuyển quốc gia đá. Tóm lại, tôi xem bóng đá vì tôi thích chất thể thao và sự cạnh tranh thuần túy hơn là tình cảm cho một cầu thủ, huấn luyện viên, đội bóng hay quốc gia nào đó.
Thứ ba, tôi là một gã workaholic, hay nói nôm na là nghiện công việc. Gia đình tôi không hề túng thiếu, nhưng tôi luôn quan niệm rằng tự chủ tài chính thì luôn tốt hơn là ngửa tay xin tiền bố mẹ. Cộng với việc tôi là một thằng sinh viên tại một trong những trường đại học với chương trình nặng nề nhất Việt Nam, tôi luôn chìm trong sự bận rộn. Ngày duy nhất trong năm tôi thực sự không làm việc gì là sinh nhật người yêu tôi. Do đó, dù có là ngày đội tuyển Việt Nam đá chung kết World Cup đi chăng nữa, thì cái công việc dạy thêm gia sư của tôi cũng không nghỉ được.
22 tháng 5 năm 2022, tôi có ca dạy thêm gia sư. Trước đó là vài tiếng đồng hồ trên phòng thí nghiệm, nơi mà giảng viên hôm nay tự nhiên mắc hội chứng thích bắt nạt sinh viên, nên đó là một ngày đầu căng như dây đàn. Ca làm việc cũng stress kinh khủng, con bé học sinh của tôi sắp thi đại học đến nơi nhưng nó vẫn quên là cao su BuNaS thì cái S trong đấy là Stiren C6H5CH=CH2 chứ không phải là lưu huỳnh. Tôi giảng hóa hữu cơ đau cả cổ, trong lúc đó luôn nghĩ về cái đệm êm đang đợi mình ở nhà. Thật may mắn là con bé không cuồng bóng đá và đòi xin nghỉ để xem đội tuyển đá (thứ mà, với tư cách một anh thầy ngôi sao thì tôi thừa biết đó là một lí do trốn học chứ quan tâm gì bóng với chả bánh), vậy nên hôm đó nó có thêm 1 buổi ôn thi còn tôi có thêm 150 ngàn đồng tiền lương tháng. Tôi hí hửng ra về, nghĩ rằng tôi sẽ đi ngủ lúc 11 giờ, ôi trời mưa bật quạt đắp chăn ngủ thì còn gì bằng. Nhưng hỡi ôi, trong cái may có cái rủi, tôi xách cặp lên đi về đúng cái lúc tiếng còi mãn cuộc vừa vang lên và người ta bắt đầu ùa ra đường để ăn mừng.
Và đó là lúc cuộc hành trình (hành xác) bắt đầu.
Tôi không muốn nói rõ là nhà tôi ở đâu, nên tôi sẽ không nói cụ thể về quãng đường đi lại của mình. Tôi sẽ chỉ nói như thế này để các bạn dễ hình dung: bình thường quãng đường giữa nhà tôi và nhà học sinh lúc tầm gần đêm muộn như thế đi chỉ mất 20 25 phút. Ngày hôm đó, một giờ sáng tôi mới về đến nhà. Vâng, một giờ sáng.
Cả một quãng đường về nhà tôi nhích được thêm 50m đã là kỳ tích. Thứ mà người ta coi là màn ăn mừng chiến thắng cuồng nhiệt, tôi coi là địa ngục trần gian. Hai mắt tôi uể oải vì buồn ngủ và kiệt sức. Mũi tôi như muốn ngạt thở vì mùi khói xe và hơi người. Hai tai tôi ù cả đi vì tiếng còi xe, nẹt pô, hò hét và kèn vuvuzela inh tai nhức óc (thứ này tôi tưởng bị bỏ lâu rồi, từ World Cup 2010 cơ mà?).
Kèn vuvuzela đã bị cấm tại FIFA World Cup 2014, các giải đấu của UEFA, World Cup bóng bầu dục, UFC, Wimbledon và các sựu kiện thể thao khác (Nguồn: Goal.com)
Kèn vuvuzela đã bị cấm tại FIFA World Cup 2014, các giải đấu của UEFA, World Cup bóng bầu dục, UFC, Wimbledon và các sựu kiện thể thao khác (Nguồn: Goal.com)
À và chưa kể, trời mưa! Đúng thế, Hà Nội mưa như trút! Đó, các bạn tưởng tượng ra cái cảnh đó rồi đấy. Đứng kẹt trong đám đông hàng tiếng đồng hồ giữa trời mưa tầm tã, thể xác thì rệu rã còn tinh thần thì kiệt quệ. Có đoạn đường ngập bì bõm mà vẫn phải nhúng chân xuống đấy. Có lẽ tôi sẽ bàn với những đứa học sinh khác của tôi sau này là nếu hôm nào có bóng đá mà vẫn học thì tốt nhất là học online. Trải nghiệm "đi bão" đầu đời phải công nhận là "bão" thật sự.
Ừ thì sẽ có người bảo tôi rằng "đừng có nghĩ tiêu cực vậy, đây là dịp để cả nước đoàn kết, đây là niềm vui lớn, nên cảm thấy vui, nên chung vui với không khí đó", vân vân. Ai nói vậy với tôi, tôi đấm cho phát. Cả ngày hôm đó tôi chỉ nghĩ đến một chuyện duy nhất, đó là về nhà. Dám cá rằng ai ở trong tình cảnh của tôi cũng như vậy thôi. Tôi đã nghĩ thầm rằng, tại sao, tại sao họ không chỉ giới hạn phạm vi "bão" trong 1 khu thôi, ít nhất là trong phố đi bộ? Vẫn có những người như tôi trong đám đông kia, những người chỉ muốn đi về nhà nhanh chóng thôi? Tại sao vẫn có thể để cho cả thành phố "ngập trong bão", kể cả ở các trục đường giao thông chính?
Sẽ lại có người nói rằng "Cái đó chỉ là những sự bất tiện nhỏ so với niềm vui lớn của dân tộc, nên cảm thấy vui và tự hào vì yêu nước chứ đừng ích kỷ nhỏ nhen thế". Vâng, thậm chí đến mẹ tôi còn nói vậy với tôi. Tôi là một người theo chủ nghĩa cá nhân, bạn gọi tôi là ích kỷ cũng được, cho nên những lý luận kiểu dân tộc chủ nghĩa này không dễ mà lọt tai tôi được. Mà tôi chỉ là muốn nhanh chóng về nhà thôi, ừ thì trong một hai trường hợp nào đấy tương tự cũng có thể bỏ qua được. Nhưng còn những công việc gấp gáp hơn của những người khác thì sao? Tôi đã nghĩ rằng trong một đám đông tụ tập như vậy, xe cấp cứu và xe cứu hỏa sẽ đi kiểu gì? Một người đàn ông đưa vợ đi đẻ sẽ đi kiểu gì? Một người bị thương trong đám đông sẽ được đưa đến bệnh viện kiểu gì? Cảnh sát sẽ đến trấn áp những kẻ quá khích kiểu gì? Nghĩ đến đây tôi thấy rùng mình. Hãy tự đặt nhiều câu hỏi và thử đi tìm câu trả lời cho chúng, bạn cũng sẽ thấy rùng mình như tôi. Tuyệt nhiên không một nhà báo hay cây bút Facebook nào viết về những thứ tương tự. Mãi tôi mới tìm thấy một bài báo như thế này (mặc dù từ cách đây 4 năm), điều đó phần nào cũng chứng tỏ được rằng trong xã hội vẫn còn những người tốt, ý thức cao. Hoặc đây chỉ là một trường hợp "hiếm hoi" được lên báo để xoa dịu những người như tôi mà thôi.
Một đám đông khổng lồ tụ tập còn luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra những vụ việc đòi hỏi cơ quan chức năng phải can thiệp. Theo số liệu của VN Express, riêng tại thành phố Hồ Chí Minh có 133 trường hợp bị xử phạt, cùng với hàng trăm trường hợp tại các tỉnh thành khác. Tờ Tuổi Trẻ viết: "trong đó có 42 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 14 trường hợp chở 3, 32 trường hợp không đội mũ bảo hiểm, 21 trường hợp lái xe không có bộ phận giảm thanh". Ngoài ra, theo tờ Tiền phong, tồn tại cả những trường hợp cổ động viên quá khích có những cách "ăn mừng" hết sức thiếu trách nhiệm và an toàn: ngồi lên nóc xe ô tô, đu từ cửa sổ xe, đứng trên thùng xe tải, người ngồi sau xe máy đứng lên vẫy cờ... thậm chí trong nhiều trường hợp có trẻ em. Họ có biết rằng chỉ một cú phanh gấp hoặc đi vào ổ gà thôi là họ cũng sẽ bị văng khỏi xe ngay lập tức không nhỉ? Họ có biết rằng một cú ngã ngửa đầu chạm đất cũng có thể khiến họ sống thực vật cả đời không nhỉ?
Ngoài ra, có vài thứ mà tôi không thể nào không nghĩ đến mỗi khi nhìn vào bất cứ đám đông tụ tập nào: rác, móc túi, cướp giật và quấy rối tình dục. Với ý thức rác thải của dân ta thì bạn nghĩ đường phố ngày hôm sau sẽ trông như thế nào? Tôi có thể cá với bạn rằng biết đâu, trong cái đống rác người ta thu dọn vào ngày hôm sau sẽ có cả những lá quốc kỳ với đầy bùn đất và vết giày dép - thứ mà trước đó người ta đã giương cao đầy tự hào. Tôi chưa thấy một bài báo nào viết về số vụ trình báo mất cắp tài sản hay sàm sỡ nơi công cộng xảy ra, nhưng điều đó không có nghĩa là không có. Ở một xã hội nơi nhiều gã đàn ông, từ những kẻ thất học cho đến đám KOL mạng, vẫn còn cho rằng "lỗi nằm ở cô ta vì cô ta mặc hở hang", thì tôi không thể thấy lạc quan khi nghĩ về con số những vụ sàm sỡ của những kẻ bệnh hoạn ẩn mình trong đám đông. Lúc đó tôi chỉ cảm thấy nhẹ nhõm khi biết người yêu tôi cũng không mê bóng đá đến thế và quyết định ở nhà.
Về đến nhà, cơn ác mộng vẫn chưa chấm dứt. Ở ngay cái căn nhà nơi tôi ở trọ, người ta vẫn ăn mừng suốt cả đêm. Động cơ xe máy, còi xe, kèn trống, la hét, nhạc nhẽo vẫn inh ỏi không khác gì nhạc đám ma bật sát vách. Tôi nghĩ rằng về nhà mệt quá tôi đặt lưng lên giường một phát là ngủ được luôn. Tôi nhầm. Người yêu tôi trước đó vài tiếng có nhắn tin là đang rất lo cho tôi, bảo là bao giờ về đến nhà thì nhắn tin. Tôi nhắn lại là cứ ngủ trước đi, bao giờ về đến nơi thì nhắn. Lướt qua đống story đi bão hú hét của đám bạn bè tôi, lướt qua story của mấy ông bà du học sinh bảo rằng "cho về Việt Nam đi bão với", tôi thở dài, liệng cái điện thoại qua một góc, cố gắng nhắm chặt mắt ngủ cho bằng được, nhưng không thể. Trong đầu lại có ánh đèn pha xe nhảy múa và những âm thanh inh ỏi.
Thế là mất toi buổi tối chủ nhật. Tôi ngủ được 2 tiếng rưỡi. Sáng thứ hai lên giảng đường như một con zombie. Giảng viên nhắm toàn các anh con trai lù đà lù đù như tôi, chắc tại nghĩ hôm qua đi bão chưa học bài. May là tôi học hơi bị kỹ chứ có mấy thằng khác thực sự đi bốc ***. Mấy thằng bạn vỗ vai bảo sao trông như thằng chết trôi vậy, chắc hôm qua đi bão vui quá chứ giề. Tôi vận hết sức lực nặn ra một nụ cười méo mó.
Vui, vui cái mả cha nhà bọn mày.
Sẽ có người đặt câu hỏi rằng, những người ra đường tụ tập ăn mừng liệu có biết những chuyện này không? Họ có biết những gì họ làm gây cản trở giao thông, mất trật tự, tiềm ẩn rủi ro tai nạn và tội phạm không? Họ có thiếu ý thức đến vậy không? Rồi những nhà quản lý, những người để cho họ làm như vậy, họ có biết không? Tôi nghĩ rằng họ biết chứ. Họ biết thừa là đằng khác. Nhiều người đi bão là những ông bố bà mẹ thường khuyên nhủ con cái là đừng có đi tụ tập đông người không là thế nọ thế kia. Họ biết chứ, nhưng họ không thừa nhận đâu. Họ coi việc đi ăn mừng của họ là chuyện "đương nhiên", là thể hiện "lòng yêu nước", "niềm vui chung" và "niềm tự hào", mà "yêu nước" thì chẳng bao giờ đồng nghĩa với xấu cả. Họ không muốn cái việc thể hiện rằng mình cũng thuộc về đám đông lại tiếp tay cho một thứ gì đó không đúng, vậy nên họ lấy cái danh nghĩa "tự hào" và "yêu nước" ra để bao biện, và tất cả những ai phản bác lại họ đều bị coi là "tiêu cực, ích kỷ, nhỏ nhen, không yêu nước, người Thái nói tiếng Việt", vân vân. Hoặc, có thể họ chỉ đơn giản là thiếu ý thức thật, họ chỉ quan tâm tới cái niềm vui hiện có trước mắt họ, nhưng lại thiếu nhận thức để nhận ra rằng việc thể hiện niềm vui cũng nên đi kèm với một số trách nhiệm nhất định. Tôi không phải chuyên gia tâm lý nên tôi sẽ chỉ dừng ở đây, không phân tích thêm nữa. Việc đó thì có lẽ tôi phải tìm hiểu thêm để đưa ra câu trả lời xác đáng được.
Ngoài lề một chút, ngày 19 tháng 5, Eintracht Frankfurt đã thắng Rangers trong trận tranh cúp vô địch Europa League. Đối với fan hâm mộ Frankfurt cũng như thành phố Frankfurt, đây cũng là một niềm vinh dự khổng lồ. Tôi có một vài người bạn sống ở Frankfurt (Đức), và họ đã kể câu chuyện "đi bão" ở Đức cho tôi. Và bây giờ tôi cũng sẽ kể lại cho các bạn, để xem cái mà người ta gọi là "đi bão" theo kiểu của chúng ta liệu có phải là "văn hóa bóng đá" chung của toàn nhân loại hay không.
Họ nói rằng, cảnh sát Frankfurt bịt đường ở khu vực "bão", chỉ giới hạn "đi bão" ở quanh một vài khu nhất định, thường là những khu vực không quá gần khu dân cư, chứ không có "bão" trên quy mô toàn thành phố. Người "đi bão" thì chỉ được phép đi bộ chứ không được dùng phương tiện, không được đi ô tô vào "bão". Ở mỗi chiều đi trên đường, đám đông phải chừa lại một làn đường cho xe chạy, do đó xe cứu thương và những người không có nhu cầu ăn mừng vẫn có thể đi lại được. Đương nhiên, ở một nơi đông người như thế thì vẫn không tránh khỏi rủi ro về quấy rối tình dục hay trộm cắp, nhưng họ vẫn có những thứ đáng để học hỏi về khoanh vùng và điều tiết giao thông trong trường hợp có đám đông tụ tập.
Nếu có ai đó định nhảy xuống downvote và comment một tràng dài về "phương Tây thế nọ phương Tây thế kia", xin hãy dừng lại. Bạn có quyền được yêu và tự hào về đất nước mình, nhưng ít nhất thì hãy biết khiêm tốn để thừa nhận rằng chúng ta vẫn còn nhiều thiếu sót cần phải cải thiện. Hãy nhìn vào những gì họ làm tốt để học hỏi, thay vì lấp liếm cho cái xấu của chúng ta và không chịu thừa nhận rằng nó xấu, để rồi mãi dậm chân tại chỗ.
Cũng sẽ có người bảo với tôi rằng tôi đang "vạch lá tìm sâu", tại sao đất nước đang có niềm vui lớn mà cứ phải nói với cái giọng hằn học cay cú bới móc đấy hả, đúng cái hạng người tiểu nhân nhỏ nhen ích kỷ. Tôi cho rằng việc lấy lòng yêu nước và niềm vui của đất nước ra để bao biện cho những vấn đề còn tồn đọng ở nó là một điều khó có thể chấp nhận được. Thay vì để cho niềm vui bịt mắt chúng ta, chúng ta có thể vừa hòa mình vào với niềm vui, vừa chỉ ra những khía cạnh "không vui" trong cái cách chúng ta ăn mừng. Cái gì cũng cần có những sự chỉ điểm. Ai đó sẽ phải chỉ ra những thứ không hay ho giữa những thứ hay ho. Họ không thể bị mang tiếng là vạch lá tìm sâu khi mà con sâu đã nằm chềnh ềnh trên cái lá rồi, người ta chỉ đang cố lờ nó đi hoặc cho rằng con sâu này không có hại mà thôi.
Maximilien de Robespierre là một nhà chính trị thời Cách mạng Pháp. Thời trẻ, ông là một luật sư năng nổ, nhiệt huyết và trung thành với lý tưởng bảo vệ người yếu thế của mình. Robespierre cùng với những người bạn của ông đứng ra thành lập phái Jacobin cực tả sau khi vua Louis XVI bị đưa lên máy chém. Phái Jacobin sau khi nắm quyền đã dẹp bỏ tình trạng vô chính phủ, chống trả những thành phần phản cách mạng, tổ chức được các cuộc phản công chống lại quân xâm lược châu Âu tìm cách tiêu diệt nước Cộng hòa Pháp non trẻ. Sách lịch sử Việt Nam gọi thời kì phái Jacobin nắm quyền là "đỉnh cao của cách mạng Pháp".
Tuy nhiên, Robespierre bị quyền lực làm cho mờ mắt. Ông ta ngày một trở nên cực đoan, thông qua những đạo luật cho phép cảnh sát bắt giữ tất cả những người bị nghi là phản cách mạng. Thậm chí, những người đồng chí thân thiết nhất của Robespierre - trong đó có Georges Danton, một nhà lãnh đạo với xu hướng ôn hòa hơn - cũng phải lên đoạn đầu đài. Rất nhiều người thậm chí chỉ có một vài lời lẽ thoáng qua về chính quyền cũng bị bắt giữ. Tổng cộng trong thời kì này có đến 40 ngàn người chết và một số lượng lớn hơn rất nhiều bị bắt giữ không qua xét xử. Thật trớ trêu khi mà một nhà nước Cộng hòa với nền móng là Tự do - Bình đẳng - Bác ái lại thực hiện những tội ác man rợ với chính nhân dân của mình.
Ngày 27 tháng 7 năm 1794, Robespierre đang đứng diễn thuyết trước Quốc hội, ông ta không ngừng nhấn mạnh về công lao của phái Jacobin trong cuộc chiến chống thù trong giặc ngoài, đồng thời nêu ra những công việc "cần phải làm" để thanh trừng nốt những kẻ phản cách mạng, thậm chí còn ám chỉ những kẻ đó đang ở trong Quốc hội đây. Chính lúc này, khi cả căn phòng đang im lặng vì sợ hãi, một người đã lên tiếng "Tôi yêu cầu bắt giữ Robespierre vì những gì ông ta đã làm!". Từ một câu nói, cả căn phòng bắt đầu nhao nhao những tiếng kêu gọi kết tội và lật đổ Robespierre "Đả đảo kẻ bạo quyền!", "Đả đảo tên bạo chúa!". Robespierre tái mét cả mặt, ông ta ú ớ tìm cách nói lớn nhưng đám đông đã lấn át ông ta. Một đại biểu khác la lên "Máu của Danton đã làm cho mày nghẹn giọng!". Những kẻ trung thành phải đưa ông đến một nhà an toàn, nhưng chừng đó không ngăn nổi đám đông giận dữ.
2 giờ sáng ngày 28 tháng 7, cảnh sát ập vào bắt giữ Robespierre, phát hiện trên má ông ta có một vết thương do đạn bắn. Robespierre sau đó bị xử tử, một số phận mà chính ông ta đã áp đặt lên 40 ngàn người Pháp khác.
Hãy tưởng tượng nước Pháp sẽ ra sao nếu như "người chỉ điểm" kia không tồn tại, nếu như cả phòng quốc hội đều im lặng trước tên độc tài Robespierre? Ông ta sẽ nắm quyền đến bao giờ? Con số người chết dưới Triều đại Khủng bố của ông ta liệu có dừng ở 40 ngàn hay không?
Cuộc đảo chính Robespierre ngày 27 tháng 7 năm 1794
Cuộc đảo chính Robespierre ngày 27 tháng 7 năm 1794
Edit một tẹo: có vẻ tôi làm một vài người hiểu sai ý tôi rồi. Vậy nên sẽ có 2 điều tôi muốn nói ở đây:
1. Đi bão không xấu.
2. Những mặt trái của chuyện đi bão có tồn tại, và nên có những cách gì đó để hạn chế những mặt xấu của nó, thay vì cho rằng chúng "quá nhỏ" so với niềm vui sướng hân hoan của số đông mà lờ đi hoặc dùng cái niềm vui của số đông để bao biện.
Cảm ơn các bạn đã lắng nghe chia sẻ của tôi. Tất nhiên, 9 người 10 ý, tôi không thể làm hài lòng tất cả mọi người được. Nhưng tôi vẫn muốn lên tiếng, tôi muốn truyền tải thông điệp rằng: những thứ mà các bạn cho là tốt vẫn có thể trở nên tốt hơn.