Khi đứa bạn tôi vừa cắt mái tóc ngắn và nhuộm vàng, mẹ tôi lặp tức nghĩ rằng nó là đồng tính nữ, và cho rằng nó thiếu nữ tính. Nhưng mà dù với mái tóc ngắn, phong cách khá nam tính thì nó vẫn là một đứa con gái 100% với sự dịu dàng hơn ai hết. Mà từ đâu việc một người con gái cắt tóc ngắn thì sẽ kém nữ tính hơn trong mắt người khác?
Hay một trường hợp khác như Angela Phương Trinh và Miu Lê chẳng hạn. Khi hai cô nàng tự hào khoe ảnh sau khi tập gym của mình với cơ thể rắn chắc, khối cơ cuồn cuộn đầy mạnh mẽ thì bên cạnh những lời khen, lại là những cụm từ “như một thằng đàn ông” hay là “đô quá còn gì là nét nữ tính”. Từ bao giờ những khối cơ rắn chắc chỉ dành cho thân hình của đàn ông? Và tại sao một người con gái với cơ tay cuồn cuộn thì không còn sự nữ tính? Angela Phương Trinh hay Miu Lê khi khoác lên mình chiếc váy ôm hoặc hở đều để lộ nét dịu dàng và quyến rũ của một người phụ nữ, và họ đều là những cô gái hết sức nữ tính. Vậy một lần nữa, từ đâu những cụm từ thiếu nữ tính, và hình ảnh nữ tính cứ áp vào những người cô gái như thế?
Sau khi tìm hiểu và phân tích, thì những câu chuyện như trên là một ví dụ cực kì điển hình cho NỮ TÍNH ĐỘC HẠI.
VẬY NỮ TÍNH ĐỘC HẠI LÀ GÌ ?
Nữ tính độc hại có thể hiểu nôm na là những nhãn dán dành cho phái nữ, ví dụ như phải công dung ngôn hạnh, ăn nhẹ nói khẽ cười duyên. Hoặc những hình tượng dịu dàng, mảnh mai, cơ thể nhỏ bé thì mới là một cô gái đúng nghĩa.
Hiểu đơn giản hơn một tí thì là những hình ảnh mà chúng ta đang nghĩ trong đầu ngay bây giờ về một cô gái. Dáng người phải đầy đủ ba vòng, hoặc ít nhất là vòng nào ra vòng nấy để cho thấy sự “nữ tính” từ cơ thể. Về tính cách thì phải dịu dàng, và nhỏ nhẹ. Điển hình nhất của nữ tính độc hại là sự im lặng cam chịu trước phái nam, và những người xung quanh. Mặc dù về mặt tính cách thì cũng đã không còn tồn tại quá nhiều nhờ phong trào nữ quyền giúp phụ nữ có tiếng nói hơn trong cộng đồng và gia đình, nhưng trong một số trường hợp thì nó vẫn còn luôn hiện hữu.
TÁC HẠI CỦA NỮ TÍNH ĐỘC HẠI.
Tác hại của nữ tính độc hại phải kể đến những nhãn dán dành cho những cô nàng với thân hình hơi mũm mỉm, hoặc đô con. Chỉ cần một cô gái với thân hình hơi quá khổ của nữ một chút sẽ tự khắc bị bạn bè chọc ghẹo là như đàn ông, hay giọng nói trầm một tí cũng sẽ bị so sánh là thiếu sự nữ tính. Những cụm từ “như đàn ông” lại vô hình chung khiến những cô nàng như thế cảm thấy mặc cảm về ngoại hình và tự ti trước đám đông. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến body-shaming.
Ngoài ra thì quá nhiều “nhãn mác” cũng sẽ tổn thương lòng tự trọng của các bé gái, cô nàng hay những người phụ nữ khác nếu họ thiếu đi sự “dịu dàng” trong cách cư xử, ngoại hình, cân nặng… từ đó dễ phát sinh những trường hợp người phụ nữ có xu hướng im lặng và cam chịu vì sợ bị từ chối khi bản thân không đáp ứng được kì vọng của ai đó.
Những người phụ nữ lớn lên trong một môi trường như thế thường sẽ trở nên thụ động hơn trong các mối quan hệ, và lâu dần sẽ ít đề cao nhu cầu của bản thân hơn. Thường xuyên chiều lòng, và chấp thuận những yêu cầu từ người khác. Những vấn đề về bạo lực trong hôn nhân cũng một phần xuất phát từ đây.
Bên cạnh đó thì việc “hình mẫu” nữ tính sẽ khiến phụ nữ có xu hướng so sánh và phán xét lẫn nhau nhiều hơn. Từ đó dẫn đến sự đố kỵ giữa những người nữ với nhau, và bản thân người phụ nữ cũng tự ti hơn vì những “khiếm khuyết tính nữ” của mình.
Ngoài lề một chút thì rất nhiều người hiểu sai “nữ tính độc hại” là “nữ quyền độc hại” khi người phụ nữ cho rằng mình là nạn nhân, nhưng đồng thời lại cười cợt người đàn ông khi họ là nạn nhân. Nhưng thật ra “nữ tính độc hại” lại là những khuôn khổ có hại cho nữ giới, và hoàn toàn không hề đem lại bất kỳ lợi ích nào, cũng như chính bản thân họ cũng không thể trục lợi từ đó. Nên nữ tính độc hại và nữ quyền độc hại là hai định nghĩa hoàn toàn khác nhau.
Mặc dù xã hội đã phát triển và văn minh hơn, nhưng trong chúng ta hoàn toàn có những “tính nữ độc hại” và định kiến ngầm mà chúng ta không hề nhận ra. Vậy tất cả những định kiến đó đều bắt nguồn từ đâu?
NGUYÊN NHÂN
Xã hội luôn là một phần dẫn đến những vấn đề về cá nhân của rất nhiều người. Khi xã hội luôn áp đặt những khuôn mẫu cho nữ giới và nam giới thì lâu dần những chuẩn mực này sẽ trở thành “độc hại” cho cá nhân của từng người.
Khi hình mẫu trở thành khuôn khổ và người khác phải gồng mình sống trong khuôn thì những giá trị, và lợi ích của bản thân họ sẽ bị kiềm hãm. Từ đó dẫn đến việc phụ nữ ám ảnh với hình tượng mình phải kết hôn, sinh con, làm một người nội trợ… đến mức độc hại cho chính những mong ước thật sự của mình.
Ngoài ra thì nữ tính độc hại còn xuất phát từ những gia đình có truyền thống phụ quyền từ thời xa xưa, đặc biệt là ở các nước Châu Á. Khi người đàn ông làm chủ gia đình và người phụ nữ luôn phải khép mình ở phía sau.
KẾT
Tóm lại,
Những nhãn dán trong xã hội thật sự có rất nhiều từ việc phải trở thành người tốt, con ngoan trò giỏi, hay người đàn ông thành đạt, người phụ nữ giỏi việc nước đảm việc nhà vân vân và mây mây. Nhưng chúng ta không phải là tấm bảng mặc người khác dán lên những những tờ nhãn dán vô nghĩa. Chính chúng ta mới thể hiện được chúng ta là ai, làm được gì và có giá trị như thế nào trong xã hội.
Vậy nên việc hiểu về nữ tính độc hại cũng sẽ góp phần giúp chúng ta nhìn ra những lần “vô tình” chúng ta đẩy người phụ nữ vào khuôn mẫu, đồng thời người phụ nữ cũng nhận ra những gì họ đang làm là vì xã hội muốn, hay chính bản thân họ mong muốn.
Mỗi cá nhân đều đáng được nhìn nhận là một cá thể riêng biệt với những đặc điểm về tính cách, cách sống và suy nghĩ riêng. Chứ không phải được nhìn nhận qua những nhãn dán “đàn ông thế này, phụ nữ thế kia” mà xã hội luôn cố đặt ra cho chúng ta.
Đàn ông không cần phải mạnh mẽ để xác nhận sự nam tính của mình, phụ nữ cũng chẳng cần phải khép nép e dè để để thể hiện sự dịu dàng của một người phụ nữ.
Nếu chúng ta chịu nhìn mỗi người là một cá thể riêng biệt thay vì là nhãn dán phái nam, phái nữ thì cuộc sống của từng cá nhân sẽ được nâng cao hơn về cả vật chất và tinh thần.
-Nomad’s Mind-
Theo dõi tụi mình tại đây