Bài viết được trích từ sách Doing Good Better: Làm việc thiện đúng cách
Khi Peter Hurford bước vào năm cuối tại Đại học Denison, anh cần phải tìm ra câu trả lời cho câu hỏi mình sẽ làm gì với cuộc đời này. Lúc đấy, anh mới 22 tuổi, học chuyên ngành khoa học chính trị và tâm lý học, và anh biết mình muốn có một sự nghiệp vừa khiến bản thân hài lòng vừa tạo ra được sự khác biệt lớn. Tốt nghiệp đại học là sự lựa chọn rõ ràng cho một người có những mối quan tâm như vậy, nhưng Peter không biết liệu mình có những lựa chọn khác không, hoặc làm thế nào để đưa ra được lựa chọn đúng đắn. 
Những người trẻ như Peter, những người muốn tạo ra sự khác biệt trong sự nghiệp nên quyết định như thế nào? Điều gì xảy ra khi bạn có một công việc ổn định nhưng đang cân nhắc đổi việc để có thể tạo ra tác động lớn hơn? Có nhiều đến chóng mặt những con đường phát triển sự nghiệp khác nhau, mỗi con đường đều có những mặt tích cực và tiêu cực. Đồng thời, quyết định kiểu này là một loại rủi ro.
Lựa chọn nghề nghiệp là lựa chọn về cách bạn sẽ dành hơn 8 vạn giờ trong suốt cuộc đời cho một thứ gì đó, đồng nghĩa với việc bạn nên đầu tư một lượng thời gian đáng kể vào quyết định này. Nếu chỉ dành 1% thời gian làm việc của mình để suy nghĩ về cách dành 99% còn lại, điều đó có nghĩa bạn sẽ dành 800 giờ hoặc 20 tuần làm việc cho quyết định nghề nghiệp của bản thân. Tôi nghi ngờ liệu có nhiều người dành nhiều thời gian như vậy để suy nghĩ về sự nghiệp của họ không, nhưng lượng thời gian đó có thể đáng giá. 
Có nhiều cân nhắc liên quan đến việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bạn và khung quy chiếu này đảm bảo rằng bạn để tâm đến những yếu tố quan trọng nhất. Bạn nên tự hỏi: 
Làm thế nào để cá nhân tôi phù hợp với công việc này?  Tôi sẽ hài lòng đến mức nào trong công việc này? Tôi có hào hứng với công việc không? Tôi nghĩ bản thân có thể gắn bó với nó trong một khoảng thời gian đáng kể không? Tôi giỏi đến mức nào, hay tôi có thể trở nên giỏi đến mức nào trong loại công việc này, so với những người khác và so với những nghề nghiệp khác mà tôi có thể chọn? 
Tác động của tôi khi làm công việc này là gì? Tôi có thể ảnh hưởng đến bao nhiêu loại nguồn lực, cho dù đó là sức lao động của tôi, con người hoặc ngân sách tôi quản lý, số tiền tôi kiếm được hay nền tảng công cộng mà tôi có quyền truy cập? 
Công việc này sẽ đóng góp bao nhiêu phần trong số những tác động tôi có thể tạo ra trong cuộc đời sau này? Công việc này giúp tôi xây dựng kỹ năng, quan hệ và bằng cấp chứng chỉ thế nào? Công việc này giúp tôi mở ra những lựa chọn khác như thế nào? Từ công việc này, tôi có thể học được gì cho những bước tiếp theo? 
Chúng ta hãy thảo luận lần lượt từng yếu tố trong ba yếu tố chính này. 

Đầu tiên là sự phù hợp với cá nhân 

Sự phù hợp với cá nhân là việc bạn sẽ trở nên tốt như thế nào trong một công việc cụ thể. Một phần quan trọng của điều này là liệu bạn có hài lòng khi làm công việc đó hay không. Mọi người thường đơn thuần muốn sự hài lòng trong công việc, nhưng đây cũng là một yếu tố quan trọng trong việc tạo ra tác động: nếu không hài lòng trong công việc, bạn sẽ kém năng suất hơn và có nhiều khả năng bị kiệt sức, dẫn đến việc tạo ra ít tác động hơn trong dài hạn. Tuy nhiên, chúng ta cần cẩn thận khi nghĩ về cách tìm ra một công việc yêu thích. Có rất nhiều thông tin sai lệch nhưng chúng khiến bạn cảm thấy dường như mọi chuyện sẽ tốt, trong khi con đường thực sự để đạt được sự hài lòng trong công việc lại có phần hơi phản trực giác. 
Vào ngày 12 tháng 6 năm 2005, Steve Jobs đứng trước lớp tốt nghiệp tại Stanford và cho họ lời khuyên của ông về những gì họ nên làm với cuộc đời của mình: 
Bạn phải tin tưởng vào điều gì đó – trực giác của mình, số phận, cuộc đời, nhân quả, bất cứ điều gì – bởi vì tin rằng những điểm sẽ kết nối với nhau trên con đường sẽ mang lại cho bạn sự tự tin để đi theo trái tim mình, ngay cả khi điều đó có dẫn bạn đi trên con đường mòn đi chăng nữa, và từ đấy, tất cả những sự khác biệt sẽ được tạo ra. Bạn phải tìm thấy những gì bạn yêu thích, điều đó đúng với công việc cũng như với người yêu của bạn. 
 Steve Jobs tại Đại học Stanford (Mỹ). Ảnh từ CNN
Steve Jobs tại Đại học Stanford (Mỹ). Ảnh từ CNN
Công việc sẽ chiếm một phần lớn cuộc sống của bạn, và cách duy nhất để thực sự hài lòng là làm những công việc bạn tin là tuyệt vời, và cách duy nhất để làm được công việc tuyệt vời là yêu những gì bạn làm. Nếu bạn vẫn chưa tìm thấy nó, hãy tiếp tục tìm kiếm, và đừng hài lòng với những gì bạn đang có. Đối với những thứ phải giải quyết bằng trái tim, bạn sẽ biết khi nào bạn tìm thấy điều bạn cần, và giống như bất kỳ mối quan hệ tuyệt vời nào, nó sẽ ngày càng tốt hơn theo năm tháng. Vì vậy, hãy tiếp tục tìm kiếm. Đừng hài lòng với những gì mình đang có. 
Thông điệp của Jobs, về mặt cảm xúc, gây được tiếng vang và rất hấp dẫn, rồi những lời khuyên nghề nghiệp thường được xây dựng xung quanh các khẩu hiệu như “làm theo trái tim của bạn” hoặc “theo đuổi đam mê của bạn”. Đoạn đầu tiên của cuốn sách hướng nghiệp Career Ahead kết thúc thế này: “Bạn nợ bản thân việc được làm công việc mình yêu thích. Quyển sách này sẽ chỉ cho bạn cách đạt được điều đấy.”
Một video phổ biến trên YouTube, Điều Gì Sẽ Xảy Ra Nếu Không Cần Tiền Nữa? với giọng đọc của nhà văn người Anh Alan Watts, cũng khuyên như vậy. Video đó nói, trừ khi bạn tự hỏi mình, “Điều gì khiến bạn cảm thấy muốn làm?” và theo đuổi câu trả lời cho câu hỏi đó, bạn sẽ “dành cả đời hoàn toàn lãng phí thời gian của mình. Bạn sẽ làm những điều bạn không thích để tiếp tục sống, đó là tiếp tục làm những điều bạn không thích, điều đó thật ngu ngốc.” Ở một mức độ nào đó, nói về lựa chọn nghề nghiệp có vẻ tương tự như nói về chuyện tình cảm: khi bạn tìm thấy điều hoàn hảo phù hợp với mình, bạn sẽ luôn nhận ra. 
Tuy nhiên, hiểu theo nghĩa đen, ý niệm theo đuổi đam mê là một lời khuyên khủng khiếp.
Tìm kiếm một nghề nghiệp “khớp” với bạn là điều quan trọng để xây dựng sự nghiệp, nhưng rất sai lầm khi tin rằng bạn phải tìm thấy một số “đam mê” nào đó được định sẵn, và rồi theo đuổi công việc phù hợp với “đam mê” đấy. Hãy tự hỏi bản thân, theo đuổi đam mê có phải cách tốt để đạt được sự hài lòng cá nhân trong công việc bạn yêu thích không? Bạn có nên chọn một nghề nghiệp bằng cách xác định mối quan tâm lớn nhất của mình, tìm công việc “phù hợp” với mối quan tâm đó và theo đuổi chúng với bất cứ giá nào? Trên cơ sở dựa trên các bằng chứng thực tế, câu trả lời dường như là không. 
Đầu tiên, và đơn giản nhất, hầu hết mọi người không có niềm đam mê phù hợp với thế giới của công việc. Trong một nghiên cứu về sinh viên đại học Canada, người ta thấy 84% sinh viên có niềm đam mê nào đó và 90% trong số này liên quan đến thể thao, âm nhạc và nghệ thuật. Nhưng khi nhìn vào dữ liệu điều tra dân số, chúng ta có thể thấy chỉ có 3% công việc là trong các ngành thể thao, âm nhạc và nghệ thuật. Ngay cả khi chỉ một nửa số sinh viên theo đuổi đam mê của họ, phần lớn sẽ không thể tìm được việc làm. Trong những trường hợp này, “làm những gì bạn đam mê” lợi bất cập hại. 
Thật vậy, thường thì việc đam mê điều gì đó là lý do chính đáng khiến bạn khó tìm được việc làm trong lĩnh vực đó, vì bạn phải cạnh tranh với tất cả những người có cùng niềm đam mê với mình. Đây chính là thực tế trong thể thao và âm nhạc, nơi chỉ những người cực kỳ tài năng (hoặc may mắn) mới có thể kiếm sống ổn định. Ở Hoa Kỳ, cứ 1000 vận động viên trung học thì có ít hơn 1 vận động viên tham gia thi đấu chuyên nghiệp. Đối với phần lớn những người không có đam mê liên quan đến công việc, lời khuyên “hãy theo đuổi đam mê của bạn” có thể chỉ khiến họ lo lắng đi tìm kiếm những gì trái tim mách bảo và theo đuổi một sự nghiệp không phù hợp. 
Thứ hai, mối quan tâm của bạn thay đổi. Các nhà tâm lý học Jordi Quoidbach, Daniel T. Gilbert và Timothy Wilson đã chỉ ra rằng những thứ ta quan tâm thay đổi nhiều hơn ta dự đoán, vì vậy, ta thường đánh giá quá cao tầm quan trọng của chúng. Chỉ cần nghĩ về những gì bạn quan tâm nhất trong 10 năm trước. Rất có thể, nó hoàn toàn khác với những gì bạn quan tâm ngày hôm nay. Nếu chỉ tập trung vào những gì bạn đam mê ngay hiện tại, bạn có nguy cơ dấn thân vào những dự án mà bạn sẽ sớm cảm thấy mình không còn hứng thú nữa. 
Điều này đưa chúng ta đến quan điểm thứ ba chống lại việc theo đuổi đam mê, đó là những yếu tố dự đoán chính xác nhất sự hài lòng trong công việc là các đặc điểm của chính công việc đó, chứ không phải những sự thật về đam mê cá nhân. Thay vì cố gắng tìm ra nghề nghiệp để theo đuổi dựa trên bất cứ điều gì bạn cảm thấy hứng thú nhất thời ngay hôm nay, bạn nên bắt đầu bằng cách tìm kiếm công việc với một số đặc điểm quan trọng nhất định. Nếu tìm thấy điều đó, đam mê sẽ theo chân bạn. 
Nghiên cứu cho thấy yếu tố có thể dùng để dự đoán nhất quán nhất về sự hài lòng trong công việc là công việc hấp dẫn, yếu tố này có thể được chia thành năm yếu tố nhỏ hơn (điều này được gọi là lý thuyết về đặc điểm công việc trong tâm lý học): 
1. Độc lập – Bạn có quyền kiểm soát cách thức thực hiện công việc của mình ở mức độ nào? 
2. Cảm giác hoàn thiện – Sự đóng góp từ công việc của bạn vào việc hoàn thiện sản phẩm cuối cùng có thể dễ dàng nhìn thấy ở mức độ nào, thay vì chỉ đơn thuần là một phần rất nhỏ của một sản phẩm lớn hơn nhiều? 
3. Đa dạng – Công việc đòi hỏi bạn phải thực hiện một loạt các hoạt động khác nhau, sử dụng các kỹ năng và năng khiếu khác nhau ở mức độ nào? 
4. Phản hồi từ công việc – Có dễ dàng để biết bạn đang thực hiện tốt hay kém không? 
5. Đóng góp – Ở mức độ nào, công việc của bạn “tạo ra sự khác biệt”, được định nghĩa bằng những đóng góp tích cực cho hạnh phúc của người khác? 
Giống như sự hài lòng trong công việc, mỗi yếu tố này cũng tương quan với động lực, năng suất và cam kết với nhà tuyển dụng của bạn. Hơn nữa, những yếu tố này tương tự như những yếu tố cần thiết để phát triển được khả năng làm việc sâu, trạng thái thú vị khi đắm mình trong một hoạt động đến mức bạn hoàn toàn không bị phân tâm và quên đi thời gian, điều mà một số nhà tâm lý học đã lập luận là chìa khóa để có những trải nghiệm thực sự thỏa mãn. 
Có những yếu tố khác cũng quan trọng đối với sự hài lòng trong công việc, chẳng hạn như bạn có cảm nhận được thành quả từ công việc hay không, mức độ hỗ trợ bạn nhận được từ đồng nghiệp và các yếu tố “sức khỏe”, chẳng hạn như không bị trả lương không công bằng hoặc mất quá nhiều thời gian để di chuyển đến chỗ làm. Nhưng xin nhắc lại, những yếu tố này ít dính dáng đến việc liệu công việc có liên quan đến một trong những “niềm đam mê” của bạn hay không – bạn tìm thấy những yếu tố này trong nhiều công việc khác nhau. 
Do đó, bằng chứng cho thấy rằng theo đuổi đam mê của bạn là cách kém hiệu quả để xác định một con đường sự nghiệp nào đó có khiến bạn hạnh phúc hay không. Đúng hơn, niềm đam mê phát triển từ công việc có những đặc điểm phù hợp. Điều này thậm chí còn đúng với Steve Jobs. Khi còn trẻ, ông say mê Thiền tông. Ông đã đi du lịch ở Ấn Độ, uống nhiều LSD, cạo đầu, mặc áo cà sa và nghiêm túc xem xét việc chuyển đến Nhật Bản để trở thành một nhà sư. Ban đầu, Steve Jobs chỉ tham gia vào lĩnh vực điện tử một cách miễn cưỡng, như một cách để kiếm tiền, giúp người bạn am hiểu công nghệ Steve Wozniak của ông xử lý các giao dịch kinh doanh, đồng thời vẫn dành thời gian làm việc tại Trang trại All One. 
Ngay cả sự tồn tại của Apple Computer cũng rất tình cờ: trong khi Jobs và Wozniak đang cố gắng bán bảng mạch cho những người yêu thích công nghệ, chủ một cửa hàng máy tính địa phương nói ông ta sẽ mua những chiếc máy tính đã được lắp ráp hoàn chỉnh, và họ đã chớp cơ hội này để kiếm được nhiều tiền hơn. Chỉ khi công ty bắt đầu có được sức hút và thành công, niềm đam mê của Jobs với Apple và máy tính mới thực sự nở rộ. 
Còn bạn theo đuổi trái tim, trực giác hay đam mê để tìm công việc yêu thích?
Tìm hiểu thêm về sách Doing Good Better tại đây.