"Bảo thủ" và "có chính kiến" - Mình thấy 2 cụm từ chúng ta thường sử dụng nhưng nhiều người lại hay sử dụng nhầm.
Việc nhầm lẫn đôi khi không phải xuất phát từ việc không hiểu "Bảo thủ là gì?" hay "Có chính kiến là gì?". Về lý thuyết, có thể chúng ta đều hiểu. Nhưng thực tế khi đánh giá người khác, mình thấy khá nhiều người đưa chen cảm xúc cá nhân vào khiến nhận định bị sai lệch. Vậy nên, có những điều trong bài viết sẽ khiến bạn cảm giác như điều-mà-ai-chẳng-biết nhưng thực tế không phải ai cũng làm đúng.
"Bảo thủ" hay "có chính kiến" - Liệu chúng ta có đang đánh giá đúng?

Phân biệt "bảo thủ" và "có chính kiến"

"Bảo thủ" là gì?

Theo từ điển tiếng Việt, bảo thủ là cố tình duy trì cái cũ, không chịu tiếp thu cái mới, không chịu cải tiến, thay đổi những cái có sẵn nhưng đã lạc hậu, lỗi thời
Người có tính bảo thủ thường có tính áp đặt, hay từ chối lắng nghe. Điều này khiến họ khó chấp nhận cái mới và cứ phải sống mãi trong lối nghĩ cũ, khó thay đổi, không linh động. Thậm chí dù biết mình sai vẫn cố chấp bảo vệ cái tôi cá nhân thay vì chấp nhận ý kiến và thay đổi.

"Có chính kiến" là gì?

"Chính kiến là quan điểm, là lập trường. Người có chính kiến là người có lập trường riêng, không dễ bị dao động hay bị ảnh hưởng bởi lời nói, hành động của người khác."
Người bảo thủ từ chối lắng nghe, chỉ khăng khăng bảo vệ quan điểm cá nhân. Còn người có chính kiến lắng nghe, đánh giá thông tin có phù hợp với bản thân hay không, rồi quyết định có thay đổi không hay giữ tiếp quan điểm của mình. Vậy, "bảo thủ" và "có chính kiến" khác nhau ở thái độ tiếp nhận thông tin và đưa ra quyết định.
---

Không có gì là tuyệt đối nhưng nhiều người có xu hướng “buộc” người khác phải có cùng suy nghĩ với mình

Theo Quy luật tương đối, một sự việc thường có nhiều chiều, nhiều góc nhìn khác nhau, không có gì là tuyệt đối.
Khi bàn luận về một vấn đề, nếu gặp những quan điểm trái chiều, nhiều người thường có xu hướng thuyết phục người đối diện về cùng quan điểm với mình với tâm lý "mình đúng" thay vì chia sẻ. Tuy nhiên, quan điểm của ai cũng có gốc rễ lý lẽ riêng. Chúng ta không thể "buộc" người khác phải cùng quan điểm với mình. Nếu lý lẽ của ta không đủ thuyết phục, họ có thể giữ quan điểm của mình.

Nhiều người đánh giá qua cảm xúc thay vì nhìn nhận lại một cách khách quan

Sự khác biệt giữa “bảo thủ” và “có chính kiến” nằm ở thái độ nhìn nhận. Chúng ta không thể nào chắc được rằng đối phương chưa xem xét, cân nhắc lý lẽ của mình mà đã phủ nhận. Chúng ta cũng chẳng thể khẳng định được quan điểm của mình đúng đắn 100%.
Một sự việc luôn có đa góc nhìn. Trên góc nhìn của người này có thể là đúng, nhưng hãy thử nhìn nhận cả trên góc nhìn của đối phương. Nếu mỗi góc nhìn khác nhau là một sự thật khác nhau thì chúng ta không thể phủ nhận quan điểm của đối phương mà chỉ có thể thuyết phục đối phương có thiện cảm hơn với quan điểm của mình. Từ đó khiến họ đưa ra hành vi mà ta mong muốn. Trong một cuộc tranh luận, nhiều người không thay đổi được quan điểm của đối phương thường có cảm xúc "không hài lòng". Cảm xúc này cùng với cái "tôi" - "mình đúng" khiến họ vội vàng nhận định đối phương không chịu thay đổi để tốt hơn. Từ đó gắn mác "bảo thủ" thay vì nhìn nhận lại một cách khách quan: Họ đã lắng nghe nhưng lý lẽ của bạn không đủ thuyết phục để khiến họ thay đổi quan điểm.

"Im lặng" trong phản biện không phải vàng

Mục đích cuối của việc chia sẻ quan điểm là để mở rộng góc nhìn, giúp người nhận ý kiến trở nên tốt hơn chứ không phải để “mình thắng, mình đúng”. Vậy nên, hãy nghĩ về mục đích cuối để có thể chia sẻ một cách thoải mái.
Nhiều người nghĩ rằng nói thêm sẽ thành tranh cãi nên lựa chọn im lặng. Tuy nhiên, chính người trong cuộc cần phải hiểu được thế nào là “tranh cãi”?thế nào là “tranh luận”?.
Theo Wikipedia, "tranh luận" hay "tranh biện" là một quá trình bao gồm thảo luận chính thức về một chủ đề cụ thể. Trong một cuộc tranh biện, các lập luận đối lập được đưa ra để tranh luận cho các quan điểm đối lập.
Việc phản biện trong tranh luận phải dựa trên các luận chứng, luận cứ cụ thể, "nói có sách, mách có chứng". Nếu để cảm xúc yêu - ghét vào sẽ trở thành ngụy biện, dễ trở thành một cuộc tranh cãi.
Khi bắt đầu có các dấu hiệu "tôi chẳng quan tâm"; "chẳng liên quan";.. hay các dẫn chứng được đưa ra mơ hồ, cảm tính, cảm xúc,.. Hoặc đơn giản là không thể trả lời các câu hỏi của bên phản biện trên góc nhìn khách quan thì rất có thể một cuộc tranh cãi sắp nổ ra.
Ngày nay, dường như chúng ta bị định hướng tôn thờ sự "im lặng". Lướt các trang mạng xã hội, có thể dễ dàng bắt gặp các bài post với chủ đề: Im lặng là đỉnh cao của lý trí hay Kẻ biết im lặng mới là kẻ đáng gờm,.. Im lặng có thể là vàng. Nhưng trong một số trường hợp, nó chỉ là sự ngụy biện cho việc sợ lý lẽ không đủ thuyết phục, không đủ tranh luận tiếp.
Thay vì kết thúc bằng kết luận đồng tình: "Ừm, quan điểm của bạn cũng phải" thì nhiều người lại lợi dụng giá trị của việc "im lặng" để phủ nhận sự đuối lý của mình. Tôi im lặng vì nói bạn không chịu nghe, chán không buồn nói,..
Nếu có thể trả lời hết các câu hỏi "Vì sao..?" của đối phương thì chắc chắn họ sẽ suy nghĩ lại quan điểm của bản thân. Còn nếu không, hãy tự nhìn lại quan điểm của mình một lần nữa. Vậy nên, đừng để đứt gánh giữa đường bằng sự im lặng rồi chủ quan nhận định đối phương "bảo thủ".

Đừng để chính bản thân mình cũng "lú"

Có những người tư duy khác biệt, bị người ngoài đánh giá nhiều đến chính bản thân cũng hoài nghi. Là kiểu có chính kiến hay phe bảo thủ? Mình nghĩ, người ngoài đánh giá đôi khi còn chẳng đủ sáng suốt nên chính mình phải tự xác nhận lại.
Nếu như bị số đông đánh giá “bảo thủ”, cũng đừng tin vội. Thời điểm này là lúc dành thời gian để tự ngẫm. Thử hỏi số đông “tôi đã bảo thủ như thế nào?”. Nếu dẫn chứng đủ thuyết phục, đã đến lúc mình cần thay đổi rồi. Còn nếu như tất cả chỉ là sự mơ hồ: “Ai mà nhớ được!”; “Chả nhớ nữa”; “Chả biết nữa, chỉ nhớ là như thế thôi”;.. thì tiếp tục tự tin vào chính bản thân.
Thường thì để tạo nên một hình tượng nào đó trong tâm trí người khác, chắc chắn phải có một sự kiện cực kỳ đáng nhớ hoặc chuỗi sự việc hàng ngày. Có thể họ không thể nhớ hết, nhưng chắc chắn họ sẽ nhớ về một sự kiện cụ thể đủ gây ấn tượng. Nếu không nhớ nổi, thì rất có thể là cảm xúc của họ đã tạo nên hình tượng đó. Mà rất nhiều người đuối lý trong cuộc tranh luận mang về cảm xúc tiêu cực thay vì nhìn nhận lại một cách khách quan.
Số đông phản ánh xu hướng chứ không phải chân lý.
*Nguồn tham khảo: