[Tâm sự] Những gánh nặng trên vai một đứa con trai mới lớn
Đôi lúc, tôi ước mình được làm con gái. Vì quá mệt mỏi khi phải làm con trai.
Đôi lúc, tôi ước mình được làm con gái. Vì quá mệt mỏi khi phải làm con trai.
Trước giờ, người ta thường tôn vinh phụ nữ như là một hình mẫu về sự cam chịu, hi sinh. Tuy nhiên, người ta thường ngó lơ đi giá trị của những người con trai đang gồng mình để vận hành cả thế giới. Sinh ra là con trai, mình tự hào về điều ấy. Tuy nhiên, những trọng trách của việc là con trai đè nặng lên vai từ khi khi còn nhỏ cho đến hiện nay khiến cho cả cơ thể và cả tâm lý mình dần mệt mỏi và kiệt sức.
Mình sinh ra là anh cả trong nhà, từ nhỏ đã luôn được cả bố và mẹ dạy dỗ với hình ảnh là một mục tiêu cho em út noi theo. Bên cạnh đó, chính cả bố và mẹ cũng trao nhiều hy vọng về đứa con trai lớn của họ về một tương lai sáng rạng. Bản thân mình cảm thấy biết ơn vì đã sinh ra trong một gia đình mà cả bố và mẹ đều hòa thuận, quan tâm đến con cái. Tuy nhiên: "ông trời không cho không ai cái gì"
Mặc dù nhận được nhiều hạnh phúc như vậy nhưng cũng vì nó mà bản thân mình đã mất đi rất nhiều niềm vui. Trở lại những ngày thàng còn nhỏ, mình được bố quản lý rất chặt như kiểu nếu sơ hở một xíu thì sẽ lao vào con đường sa đọa, tệ nạn. Bố đã luôn dạy dỗ cho mình một cách nghiêm khắc các phép tắc của thời ông ví dụ như: ăn xong là phải mời tăm, phải ăn to nói lớn, phải chờ bố ăn xong để dọn bàn,... Nếu vi phạm những điều ấy thì ăn roi mà lại còn là roi mây (mấy chú hồi xưa ngoài quê sợ cái roi này thôi rồi) lúc thì là dây cáp (to hơn dây điện đánh đau thôi rồi) đánh cho đến khi mà lúc nhìn mông thấy toàn vết thâm, bầm tím đến nửa tháng mới hết nhức.
Đã thế, ông còn không cho mình được rời khỏi khu xóm nhỏ. Một lần duy nhất bởi vì đã phát ngán với việc ở nhà nên mình cùng một anh (hơn 2 tuổi) chơi thân đạp xe đi một đoạn cách đó khoảng một kilo mét. Chỉ để đi dạo, khám phá những nơi mà trước giờ nằm trong tầm mắt nhưng không bao giờ bước chân tới. Tuy nhiên, thật kỳ lạ. Dù đó là lần đầu tiên mình ra khỏi khu xóm nhưng vừa về đến nhà thấy ông đã ngồi đó chờ đợi với vẻ mặt giận dữ. Nghe nói rằng bố đã được bên họ hàng bắn tin là gặp con trai ông lang thang ở ngoài đường. Năm ấy mình đã lên lớp 6, bạn bè đã có người chạy xe đạp điện đi học.
Bên cạnh đó, ông còn kết hợp nó với những thứ rất thời đại. Số là hồi ấy đang có trào lưu hay sao ấy. Thấy báo đài cứ ra rả thông tin: trẻ con xem ti vi độc hại, bị hoang tưởng thành ra kể cả ti vi cũng không cho xem. Thành ra, ký ức đẹp đẽ về thứ gọi là "tuổi thơ" của mình là những ngày tháng ngồi học thêm đủ loại từ sáng tới tối, những cuốn truyện tranh bị hạn chế đọc (gán mác đọc nhiều dốt Văn) và những lần cùng đứa em đi mượn remote nhà hàng xóm để xem ti vi nhưng cũng không được lâu thì hàng xóm bắn tin thế là lại bị cấm. Để cấm đoán, ông đã có những thiết kế vô cùng sáng tạo bao gồm: ổ điện hẹn giờ nối với ti vi được lắp trong hộp sắt hàn kín thiết kế bởi riêng ông, tậu két sắt để trữ tiền và những thứ cấm đoán không được làm lúc ông vắng nhà, điều khiển giấu mỗi ngày một nơi,... Nhưng cay đắng nhất là những lần ông kể cho con trai ông về một tuổi thơ đáng nhớ nặng mùi sông nước, núi rừng, những đồng cỏ xanh mướt cũng tiếng bò kêu hòa với tiếng sáo trúc ngân vang giữa những trưa hè thơ mộng. Thật cay đắng (mình đã nghĩ thầm với sự bất mãn và bất lực).
Trở lại với những năm gần đây, bố mẹ bắt đầu tập trung với việc học của đứa con của họ. Đặc biệt là từ khi mình thi đậu trường chuyên cùng sự tự hào của họ. Chính mình trở thành tâm điểm trong cả họ hàng hai bên. Trở thành một thằng con trai mang trong mình hy vọng về tương lai sáng rạng cho cả họ hàng khi mà bản thân có lẽ là đứa đầu tiên thi đậu vào trường chuyên. Thậm chí còn đến tai cả họ hàng ngoài quê nội khiến cho mình bắt đầu nhận được sự kì vọng rất nhiều vì tư duy "một người làm quan cả họ được nhờ" (do có một bác trai làm sếp mà đã tạo công ăn việc làm của nhiều lứa thanh niên trong họ).
Kể từ khi ấy dần dà những câu chuyện bên bàn ăn là về việc học, câu chào buổi sang cũng dính đến chữ "học" và kể cả khi đi ngủ câu chúc ngủ ngon cũng đụng tới chữ "học". Đó mới là ít nhất thôi đấy. Đến mức mà bản thân băn khoăn việc "học" là gì mà lại quan trọng đến thế. Áp lực lắm chứ! Bố nghiêm cấm việc khóa cửa và mỗi lần vào phòng của mình bất ngờ thì tốt nhất là phải thấy bóng dáng con trai ông ngồi trên bàn học; Nếu không bố sẽ thể hiện thái độ khó chịu. Thực ra, mình đã có ý định viết một bài về vấn đề đó nhưng đã rơi vào quên lãng khi đã hoàn thành nửa quá trình cũng do việc "học". Để hoàn thành được bài này, mình đã phải dành những khoảng thời gian nghỉ ngắn ngủi để viết.
Thực sự mà nói ngoài mặt có lẽ nhìn mình giống như một đứa có một cuộc sống hạnh phúc. Nếu được hỏi rằng bản thân mình có biết ơn gia đình không? Thì mình sẽ trả lời là có. Nhưng thực sự nếu hỏi mình yêu gia đình không? Thì rất tiếc câu trả lời là không. Nếu bạn cho rằng mình là đứa bất hiếu có lẽ bạn đã đúng. Mình không mong bạn đồng cảm và chính mình thật sự cũng không muốn bạn đồng cảm vì điều đó có nghĩa là bạn đã và đang sống trong một gia đình hạnh phúc đúng nghĩa; Bản thân mình sẽ cảm thấy hạnh phúc khi nghe điều ấy. Thật lòng thì sống trong hoàn cảnh như vậy, mình cảm thấy cô đơn thay vì hạnh phúc khi mà những lời quan tâm, hỏi han đều không đụng tới cảm xúc của mình mà chỉ về việc "học". Thậm chí, đến cả họ hàng gọi điện cũng chỉ hỏi thăm đến vấn đề học tập. Thực sự, mình không cảm thấy bản thân mình được tôn trọng, thấu hiểu giữa biển những người được gọi là "người thân".
Người ta thường nói: "làm còn trai thì phải mạnh mẽ", "làm con trai thì phải gánh vác được việc lớn, phải biết đương đầu với khó khăn", ... Dối trá!
Khi nghe cái cách mà người ta gán cho những người con trai một cái mác giả tạo như vậy; Thực sự, mình đã cười. Bởi vì, có lẽ những người đó chưa hiểu được nỗi khổ của một đứa con trai đúng nghĩa. Hoặc là họ đã bị xã hội ép buộc phải đeo lớp mặt nạ, gán một cái mác mang tên "con trai". Dù là con trai, chính mình cũng có những lúc buôn lúc mệt mỏi, cũng có lúc muốn khóc chứ. Tuy nhiên, chính mình có lẽ cũng đã bị xã hội gán mác mất rồi. Bằng chứng là khi đối diện với những nỗi đau, những sự sỉ nhục, bản thân chỉ biết đơ ra. Dồn hết những thứ khiến cho bản thân chực khóc thành một nụ cười gượng gạo và tự động viên bản thân đứng dậy thật nhanh nếu không sẽ có kẻ đạp cái thân xác này xuống tiếp. Thực sự, không ít lần mình đã tự hỏi: "Liệu mình còn đeo được cái mặt nạ này tới bao giờ đây?".
Mình ước rằng! Mình ước rằng! Một ngày sẽ có người thấu hiểu được sự lạnh lẽo, trống rỗng trong tâm hồn; Dang rộng vòng tay ôm lấy mình thật chặt và chấp nhận sự yếu đuối bên trong đứa con trai này. Để cho mình không còn phải đeo hình ảnh của những định kiến này nữa.
Cảm ơn bạn đã đọc.
15/09/2021
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất