Chủ đề các bài viết của mình chủ yếu đề cập tới lịch sử võ thuật phương Tây, nhờ sự tìm hiểu đó khiến mình nhận ra: võ thuật của phương Tây thường không có tính đa dạng, ít khác biệt giữa các môn võ. Rõ ràng nhất là võ thuật không vũ trang striking - đánh đứng quyền cước của phương Tây lại tương đối ít so với phương Đông! Do đâu có tình trạng như vậy?
Mọi người nên tự ngầm hiểu rằng, phương Tây ở đây chủ yếu khu vực châu Âu, phương Đông thì mình chỉ bao gồm khu vực Đông và Đông Nam Á! Nếu xét cả khu vực như Trung Đông (các quốc gia Hồi Giáo) và Nam Á (nhất là Ấn Độ) thì sẽ rất... khó nhằn cho bài viết bởi những quốc gia thuộc khu vực này lại có "nghệ thuật chiến đấu" khác biệt hẳn so với 2 khu vực kể trên! Cũng mong không ai kêu cả các châu lục khác như châu Nam Cực vào!
Trước hết, nếu nhìn vào võ thuật phương Đông, ta sẽ có một danh sách dài những môn võ không vũ trang có lối kĩ thuật, nền tảng... phong phú. Chỉ xét riêng một quốc gia cụ thể và nổi tiếng về võ thuật như Trung Quốc thôi cũng đã có số lượng môn võ ngang bằng, thậm chí hơn đứt châu Âu! Đông Á nổi tiếng có Trung Quốc với Vịnh Xuân, Thiếu Lâm, Thái Cực, Hồng Gia... Nhật thì có Kempo, Karate, Jujutsu, Aikido... Ở Đông Nam Á cũng vậy, các loại Kickboxing kiểu Muay (Muay Thai, Muay Lao, Lethwei...), Vovinam, Pencak Silat, Panatukan... nhiều không kể hết!
Trong khi đó, các bạn cứ thử nghĩ xem mình biết được bao nhiêu môn võ không vũ trang thuần phương Tây? Boxing? Quá nổi tiếng rồi không nói? Đấu vật? Mình khá chắc không nhiều bạn nghĩ đến 2 loại vật Olympic kiểu Greco-Roman hay Freestyles, mà đang hình dung ra WWE. Ngoài ra, chắc sẽ ít người biết thêm Savate! Không tính những môn võ lai Đông-Tây như Sambo, Krav Maga... thì có lẽ là hết rồi nhỉ? Võ thuật châu Âu nói chung cũng rất phong phú, nhưng không phải ai cũng biết đến ngoài 4 môn võ được tổ chức ở Thế vận hội Olympic.
Theo mình, chúng dựa trên 4 lí do sau:
1. Tính chất lịch sử!
Ở châu Âu, võ thuật cực thịnh nhất vào thời Trung Cổ và Phục Hưng! Có điều, võ thuật không vũ trang của phương Tây thời kì này cho thấy chúng chủ yếu là võ vật. Cơ mà các bạn có biết tới chúng hay không thì không dám chắc! Mặc dù các môn võ vật này cũng sở hữu một số kĩ thuật đánh tay không nhưng thật sự mà nói, chúng vẫn chủ yếu phục vụ cho các đòn bắt vật khống chế. Mọi quốc gia châu Âu đều có võ bắt vật dân gian cho riêng mình nhưng hầu hết võ striking - đánh đứng chỉ dừng lại ở các môn quyền thuật như Boxing tay trần cổ điển. Điều buồn cười ở đây là các tay đấm thời ấy ưa thích dùng bắt vật hơn!
Tại sao lại như vậy? Hãy nhìn vào xã hội châu Âu lúc bấy giờ, hầu như ai cũng được mang kiếm dắt bên hông, nếu không thì họ cũng luôn trang bị trong người một con dao găm dagger. Khác hoàn toàn châu Á khi mà đem vũ khí theo bên mình thường sẽ bị cấm! Như Nhật Bản, dân Okinawan bị các lãnh chúa, Samurai cấm mang hay sử dụng vũ khí.
Vậy có thể hiểu đơn giản, nếu có xảy ra mâu thuẫn ở trời Tây thời Trung Cổ, đao kiếm sẽ choảng nhau "bonk bonk" chứ không đời nào lại dơ tay chân lên để đối kháng cả! Bởi chẳng có bất cứ môn võ quyền cước nào có thể chống lại được vũ khí! Chỉ có các môn võ bắt vật - khóa siết thời bấy giờ có thể không chế và tước vũ khí hiệu quả, hoặc chỉ đơn giản là né tránh nguy hiểm và chạy thoát thân. Vậy là các môn kiếm thuật vũ trang châu Âu sẽ phát triển hơn, trong khi các môn võ tay không chỉ dừng lại ở các môn võ bắt vật!
Còn phương Đông, cứ nhìn vào tấm gương Okinawan ở trên, việc bị cấm vũ khí như vậy lại là lí do khiến võ tay không như Karate hay môn võ dùng nông cụ làm vũ khí như Kobudō… ở vùng này phát triển. Không riêng gì Nhật Bản, các quốc gia khác ở phương Đông cũng phát triển mạnh mẽ các môn võ không vũ trang, dù là chúng có truyền dạy kết hợp với cả vũ khí nhưng đặc trưng vẫn là phong cách đánh đứng tay không. Tất nhiên, phương Đông cũng có hệ thống võ vật lớn mạnh, chủ yếu thuộc về đấu vật dân gian như là Vật cổ truyền Việt Nam.
Nói chung! Xã hội châu Âu nhất là thời kỳ Trung Cổ hay Phục Hưng tương đối bất ổn lại thường xuyên xảy ra tranh chấp vũ trang, dẫn đến việc lượng lớn kinh nghiệm tích luỹ từ chiến đấu với vũ khí khiến các môn võ vũ trang tương đối phát triển, còn võ tay không nói chung chỉ phát triển ở các cuộc thi đấu “giải trí” địa phương đơn thuần. Ngược lại, ở phương Đông, nhiều quốc gia (đặc biệt với quốc gia có đời sống gắn với nông nghiệp) có được khoảng thời gian hoà bình kéo dài cộng với áp dụng tinh thần lối sống vào võ thuật, tính chiến đấu võ thuật của nhiều môn võ đôi khi bị sụt giảm và có xu hướng rẽ sang hướng khác đối lập với chiến đấu thuần tuý như là y học, Thiền...
2. Sự hình thành nên môn võ tách ra từ môn võ khác!
Hãy lấy ví dụ về Karate của Nhật, chúng có khá nhiều các hệ phái và phong cách khác nhau tách ra từ phong cách cổ điển Okinawan Karate. Trong đó, bản thân Karate theo nhiều tài liệu chịu ảnh hưởng từ môn võ Hạc quyền từ Trung Hoa! Phong cách Kyokushin Karate tách ra từ Karate bản thân nó đã mang bản sắc riêng của chính nó như một môn võ thuần túy riêng biệt! Đó là lí do võ phương Đông vốn đã phong phú, thì nay với những phong cách mới ra đời lại càng thêm phong phú hơn!
Ngược lại, nhiều phong cách võ phương Tây khi tách ra từ môn võ thuần túy lại chỉ dừng lại ở một phong cách độc lập mang tính cá nhân của võ sư hay võ sĩ sáng tạo ra nó! Chẳng hạn, phong cách Peek-a-boo Boxing nổi tiếng của riêng Mike Tyson! Là một phong cách Boxing độc đáo nhưng rút cục thì cuối cùng nó lại chỉ dừng lại ở một phong cách của Boxing, không đủ yếu tố để trở thành một môn võ thuần túy riêng.
Mình cũng có bài viết tương tự, các bạn có thể tham khảo ở đây.
3. Khác biệt về văn hoá, tư tưởng và quan niệm!
Trong võ thuật, châu Á chúng ta rất coi trọng các giá trị xưa cũ, tôn trọng di sản của người đi trước, hay bảo tồn các khái niệm cổ điển... Thì ngược lại, châu Âu lại có xu hướng sẵn sàng loại bỏ những thứ lỗi thời, "thay máu", ưu tiên cái mới mang tính cách mạng... Quan niệm này có phần chung chung và mang tính tương đối! Nhưng thực sự nếu xét về hoàn cảnh võ thuật và nghệ thuật chiến đấu của hai khu vực thì quan niệm trên lại là đúng.
Võ phương Đông nhờ những giá trị mang tính văn hóa di sản nên chúng được mọi người coi và "tôn thờ" ở một tầm "vĩ mô" cao hơn cả chiến đấu đơn thuần. Còn ở phương Tây, võ thuật hầu hết chỉ được coi là công cụ phục vụ chiến tranh hoặc giải trí, nên nếu lỗi thời thì không cần thiết phải gìn giữ hoặc bảo tồn hình thức vốn có của nó, thường là “hiệu quả thì giữ còn không thì bỏ”!
Các võ sư phương Đông nói chung cũng rất chịu khó sáng tạo ra một hình thức võ thuật độc lạ mới và tuyệt nhiên giữ nguyên kĩ thuật của nó, không kết hợp cũng không cải thiện. Ngược lại phương Tây, phong cách quyền thuật Boxing gần như toàn bộ các quốc gia phương Tây đều áp dụng. Kể cả khi họ sáng chế ra môn võ mới thì đòn tay của môn võ đó cũng áp dụng luôn Boxing, như Savate chẳng hạn! Khi có sự giao thoa văn hoá Đông-Tây, rất nhiều các môn võ lai của phương Tây sinh ra đều dựa trên Boxing và bắt vật phương Tây kết hợp các môn Karate, Judo, Muay Thai, võ thuật Philippines… của phương Đông. Có thể kể ra như Bartitsu, Sambo, Catch Wrestling, Krav Maga, Kickboxing,…
Các môn võ phương Đông gần như không thay đổi xuyên suốt thời kì chúng ra đời và phát triển. Thật vậy! Ngay cả như một số môn võ như Vịnh Xuân còn yêu cầu cái gọi là "Vịnh Xuân chính tông"! Cũng có thể do tư tưởng nhiều võ sư bảo thủ không chịu thay đổi, hoặc là chúng mang một nét gì đó "di sản của dòng tộc" không thể thay thế được... Bản thân các võ sư thời ấy hoặc chỉ truyền "bí kíp" cho con trai cả, hoặc người trong dòng tộc, hoặc cho môn đệ tin tưởng nhất (vị môn đệ này thường được võ sư gả cho con gái)... Do vậy, các môn võ phương Đông mang nặng tính truyền thống và giàu tính lễ nghi võ đạo...
Võ phương Tây thường có 2 kết cục hoặc bị loại bỏ, hoặc biến đổi khỏi hình thức ban đầu cho hợp thời đại, ví dụ nhé:
+ Bị loại bỏ hoàn toàn: từ khi súng hỏa mai ra đời ở thế kỉ 16, các quốc gia châu Âu đã dần loại bỏ lối đánh của Hiệp sĩ Trung Cổ, thay thế dần cung thủ, bộ binh giáo... bằng musketeer (lính hỏa mai) và pháo binh. Theo đó, các kiếm thuật longsword, đội hình pikeman... trở nên vô dụng do chúng vốn chỉ dùng chống các loại giáp tấm cũng đã vô dụng của Hiệp sĩ, điều mà súng hỏa mai thời bấy giờ đã làm tốt hơn.
+ Biến đổi khỏi hình thức ban đầu: từ năm 1743, Jack Broughton đã xây dựng hệ thống luật lệ Boxing (Pugilism) thay đổi từ môn võ cực kì bạo lực với đủ các đòn đấm đá, bắt vật và đánh đòn hiểm để hạn chế tính chất tàn bạo của nó. Boxing hiện đại chỉ còn lại kĩ thuật đấm với găng tay bắt buộc và bị "đóng hộp" với võ đài. Kết quả, Boxing đã trở thành một môn võ thuật rất khác so với Pugilism - Boxing cổ điển.
Điều đó để lại 2 hệ quả rõ ràng: số lượng võ phương Đông ngày càng phong phú do bảo tồn được tính truyền thống của môn võ, nhưng bởi vì quá bảo thủ không chịu thay đổi nên thường đánh mất đi bản chất ban đầu của nó - tính chiến đấu. Còn võ phương Tây bị thanh lọc xuyên suốt chiều dài lịch sử, bị biến đổi và thể thao hóa nên chúng cũng có hạn chế do bị ràng buộc với giới hạn luật lệ võ đài… nhưng nhờ tính cạnh tranh cao lại chịu thay đổi mà ở mặt nào đấy chúng vẫn hiệu quả cho chiến đấu!
Nhưng! Quan niệm và tư tưởng con người cũng sẽ dần thay đổi, bởi chúng chỉ là tương đối. Nhiều môn võ phương Đông cũng được thể thao hóa theo hình thức đối kháng từ sớm như Muay Thai và Karate là 2 ví dụ tiêu biểu. Còn ở phía bên kia, võ phương Tây với hệ thống võ thuật HEMA lại chính là cách châu Âu và Bắc Mĩ nỗ lực hồi sinh võ thuật cổ điển, tìm về cội nguồn lịch sử võ thuật của mình...
Cũng nên dành lời cảm ơn tới võ tay không phương Đông! Một phần không nhỏ nhờ những kĩ thuật bắt vật - khóa siết sẵn có của Jujutsu cùng với Aikido, Judo... mà những môn võ grappling bắt vật cổ điển phương Tây cũ có thể dễ dàng dựa vào đó để hồi sinh các kĩ thuật đã từng bị đánh mất trong lịch sử. Các kĩ thuật vật cổ điển của HEMA như Ringen và Abrazare có cách hoạt động rất giống với Jujutsu, cơ bản nằm ở khả năng tự vệ, bắt vật và khống chế đối phương, đặc biệt là chống lại những binh lính mặc giáp trang bị vũ khí trong lịch sử!
4. Cách chúng ta tiếp nhận thông tin về võ thuật!
Chúng ta biết tới võ thuật phương Đông chủ yếu qua phim võ thuật, tiểu thuyết kiếm hiệp, những lời đồn thổi... nên chúng chiếm được một vị trí đặc biệt "huyền bí" trong tâm trí mọi người, đó là lí do võ phương Đông dễ dàng thu hút người tìm hiểu. Trong khi đó, võ phương Tây thì chẳng có gì huyền bí cả, chúng hiện đã thuộc về thể thao nên cái nhìn mọi người về chúng chỉ gói gọn trong những gì đã thể thao hoá, mặt khác kẻ xấu ưa thích trong các phim võ thuật châu Á thường là những tay đấm hay đô vật to lớn hống hách tới từ phương Tây.
Việc biết đến võ thuật thông qua những cách kể trên thật sự khiến tư tưởng và tầm nhìn chúng ta trong võ thuật rất sai lệch, khi mà không hiểu hết được bản chất của nó? Kiểu như nhắc đến võ phương Đông là bắn chưởng, "khí tụ đan điền", khing công... ; võ phương Tây thì kiểu đánh đấm không “thượng võ”, vật biểu diễn và lồng bát giác bạo lực...
Nếu bạn là người giữ lập trường trung lập trong võ thuật, mình cá các bạn từng nghe những lời như: "MMA, Boxing, Muay Thai... mới thực chiến, võ cổ truyền chỉ là múa may mà thôi" (thế không phải mục đích hướng tới các môn võ đã có sự khác biệt hả? Đâu phải ai đến với võ thuật cũng chỉ để đánh đấm?). Hay là "mấy môn võ hiện đại kia đánh theo luật võ đài, cứ thử để võ cổ truyền đánh không luật xem có chịu được đòn hiểm không?" (vậy chẳng phải mấy môn hiện đại kia gốc rễ vốn đánh hiểm, đánh tới chết? Thời đại thay đổi để hợp thời, chúng đã phải thể thao hóa từ sớm? Chứ không phải do mấy môn võ cổ truyền không chịu thay đổi nếu muốn theo lối đối kháng hợp thời đại à?).
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất