Sự thật về “Hiệu ứng con khỉ thứ 100”
Khi một số lượng cá thể nhất định đạt được một nhận thức mới nào đó, thì nhận thức mới này có thể được truyền đạt từ tâm trí của cá thể này sang tâm trí của cá thể khác mà không cần sự chỉ dạy.
Vào năm 1952, trên đảo Koshima, các nhà khoa học đã cung cấp cho khỉ những củ khoai lang thả trên cát. Những con khỉ thích mùi vị của khoai lang sống, nhưng chúng thấy khoai dính đất bẩn gây khó chịu.
Một con khỉ cái 18 tháng tuổi tên là Imo nhận thấy nó có thể giải quyết vấn đề bằng cách rửa khoai ở một con suối gần đó. Nó đã dạy mẹo này cho mẹ nó. Những con khỉ cùng chơi với nó cũng học theo cách mới này và chúng cũng dạy lại cho mẹ của chúng.
Từ năm 1953 đến năm 1958, tất cả những con khỉ trẻ đều học cách rửa khoai lang bằng nước để chúng ngon miệng hơn, ước chừng khoảng 99 con. Cho đến khi, một mức ngưỡng quan trọng xuất hiện là con khỉ thứ 100 bắt đầu biết rửa khoai. Và từ lúc này, việc rửa khoai trước khi ăn đã lan ra cả đàn khỉ mà không hề có sự giao tiếp, chỉ dạy nào giữa những chú khỉ với nhau.
Người ta ngạc nhiên khi phát hiện việc rửa khoai trước khi ăn đã lan dần sang cả những chú khỉ ở các hòn đảo lân cận và cả những con khỉ trên đất liền ở Takasakiyama!
Điều thú vị là các nhà khoa học đã phát hiện ra có một trường năng lượng gọi là “tâm trí cộng đồng”. Khi một nhận thức nào đó được nhân bản qua từng cá thể trong một cộng đồng lên đến một số lượng nhất định (trong thí nghiệm này là nhân bản qua 100 cá thể) thì nhận thức ấy sẽ hòa nhập vào “trường tâm trí cộng đồng” và lan truyền sang các cá thể khác như một phản xạ vô điều kiện, không phụ thuộc vào không gian.
Sự thật là…
“Hiệu ứng con khỉ thứ 100” chỉ là một giai thoại ngụy khoa học. Nó đã được các tín đồ của phong trào New Age (Kỷ Nguyên Mới) lan truyền như một minh chứng “đầy khoa học” cho sự tồn tại của cái gọi là “trường tâm trí cộng đồng”, “trường tâm trí vũ trụ”, “trường năng lượng linh hồn”…
Mời các bạn đọc một bài điều tra về giai thoại này:
Bình luận của một nhà nghiên cứu cao cấp về “Hiệu ứng con khỉ thứ 100” ở Nhật
Giai thoại ngụy khoa học về Hiệu ứng con khỉ thứ 100 (the Hundredth Monkey Phenomenon, xin viết tắt hiệu ứng này là HMP) được Lyall Watson kể ra vào năm 1979 (trong cuốn sách Lifetide: The Biology of the Unconscious) và đã bị chỉ trích trên tạp chí Skeptical Inquirer.
Giống như nhiều giai thoại ngụy khoa học khác, HMP từng được coi là một công trình nghiên cứu khoa học công phu.
Cuộc tiếp xúc gần đây với một nhà khoa học liên quan đến nghiên cứu này đã cung cấp thêm cái nhìn sâu sắc về nguồn gốc của giai thoại này.
Chuyện kể thế này: Các nhà động vật học ở Nhật Bản đã phát hiện và ghi chép cẩn thận sự lây lan của một hành vi ăn uống trong một nhóm khỉ trên đảo Koshima. Các nhà linh trưởng học đã cung cấp khoai lang cho một nhóm khỉ nuôi thả rông. Một chú khỉ trẻ phát hiện ra rằng rửa khoai lang ở biển hoặc ở suối sẽ loại bỏ được bùn đất. Dần dần những con khỉ khác trong nhóm của nó đều học được cách rửa khoai.
Câu chuyện về sự lan truyền hành vi “tiền văn hóa” này được coi là bất thường trong ngành linh trưởng học; nhưng không đủ bất thường đối với Watson, người nghi ngờ rằng có các cơ chế siêu nhiên đang hoạt động trên đảo Koshima. Trong câu chuyện được ông kể, sau khi đạt đến ngưỡng: con khỉ thứ một trăm đã học được cách rửa khoai, thì hành vi này đã lan truyền theo tâm thức (qua không gian) cho toàn bộ nhóm, thậm chí còn lan truyền qua biển, đến các nhóm khỉ trên các hòn đảo khác và trên đất liền.
Masao Kawai là một trong những nhà nghiên cứu cấp cao làm việc trong dự án này đầu tiên. Năm 1984, khi Kawai đang nghiên cứu về hành vi của khỉ trên đảo Koshima, Ron Amundson đã liên lạc với Kawai, lúc đó Kawai là giám đốc của Viện Nghiên cứu Linh trưởng và là tổng biên tập của tạp chí Primate. Amundson đã gửi cho Kawai một bản tường trình ngắn gọn về những tuyên bố của Watson và danh sách những nghi ngờ của Amundson, cùng lời đề nghị xin sử dụng một trong những bức ảnh khỉ đột từ nghiên cứu. Thật không may, Kawai chuẩn bị làm một chuyến nghiên cứu đến Cameroon. Thông qua một người trung gian, ông ấy chuyển tiếp quyền sử dụng bức ảnh “chỉ cho bài báo của riêng anh thôi, trong cái bài mà anh chỉ trích ông Watson đã mô tả sai các nghiên cứu về khỉ ở Nhật Bản.” Người trung gian chuyển lời rằng: “Ông ấy (Kawai) nói với tôi rằng anh đã nhận định khá đúng.” Bài báo đó, “Hiệu ứng con khỉ thứ 100”, được đăng trên tạp chí Skeptical Inquirer mùa hè năm 1985.
Nhiều chi tiết thu được gần đây từ Kawai đang được quan tâm vì Watson lấy câu chuyện từ nguồn nghiên cứu của ông. Năm 1979, Watson tuyên bố thông tin của ông đến từ “những giai thoại cá nhân và một chút giai thoại dân gian từ các nhà nghiên cứu linh trưởng”. Năm 1986, trong một phản hồi cho bài phê bình trên tạp chí Skeptical Inquirer của Amundson, Watson đã đề cập đến “các cuộc trò chuyện không ghi âm với những người quen thuộc với công việc rửa khoai.” Đây có phải là nguồn thông tin đáng tin cậy?
Gần đây, Markus Pössel đã liên lạc thành công với Kawai và hỏi ông về những tuyên bố và nguồn thông tin của Watson. Ba câu hỏi được đặt ra, và sau đó là câu trả lời của Kawai:
Hỏi: Anh có thấy kỹ năng rửa khoai hay bất kỳ kỹ năng nào khác mà nó lan truyền với tốc độ vượt quá sự lan truyền của các hành vi “tiền văn hóa” thông thường không?
Kawai: Không thấy.
Hỏi: Anh có biết về sự lan truyền nhanh chóng và tự phát của việc rửa khoai từ nhóm khỉ Koshima sang các nhóm khỉ trên các đảo lân cận và trên đất liền không?
Kawai: Các cá thể khỉ trong các nhóm khác hoặc trong các vườn thú có thể đã vô tình học được hành vi rửa khoai, nhưng trên đảo Koshima thì chưa quan sát thấy hành vi rửa khoai lan truyền sang các cá thể của nhóm khác.
Hỏi: Anh có nghe bất kỳ “giai thoại hoặc một chút giai thoại dân gian” nào từ các đồng nghiệp linh trưởng học của anh kể về sự lan truyền hành vi nhanh chóng không, và liệu anh có biết đến mối liên hệ nào giữa Lyall Watson và các đồng nghiệp của anh không?
Kawai: Không. Tôi cho rằng cái ý tưởng về thần giao cách cảm này có thể đã được gợi ý từ phương Tây.
Quá nhiều ý tưởng trong tư tưởng New Age (Kỷ Nguyên Mới) bắt nguồn từ phương Đông huyền bí. Kawai, nguồn thông tin tốt nhất có thể về khỉ Koshima, lại coi “trường tâm trí cộng đồng” được Watson tuyên truyền có nguồn gốc từ phương Tây.
Sự lan truyền bí ẩn, bất ngờ bởi “trường tâm trí cộng đồng” vẫn được giải thích bằng sự lan rộng của câu chuyện HMP trong các tài liệu của New Age (Kỷ Nguyên Mới).
(Dịch từ nguồn: https://tinyurl.com/conkhithu100)
Note của người dịch:
Tóm lại, sự lan truyền của hành vi rửa khoai trong nhóm khỉ trên đảo Koshima là có thật, nhưng không lan truyền ra toàn bộ nhóm như Watson đã kể, và hành vi này không lan truyền sang các nhóm khỉ khác. Vào năm 1962 (sau 10 năm nghiên cứu hành vi của khỉ), số lượng khỉ trong nhóm chỉ có 59 con. Chẳng biết lấy đâu ra con khỉ thứ 100?
Từ năm 1985, “hiệu ứng con khỉ thứ 100” đã bị bóc mẽ là ngụy khoa học, nhưng cho đến nay (sau 37 năm), thật kỳ lạ là nhiều quyển sách, tài liệu, bài báo vẫn xem nó như một công trình khoa học chính thống, và trở thành dẫn chứng “khoa học” ưa thích của nhiều “nhà tâm linh”.
Một số bài viết liên quan đến cuốn Luật tâm thức:
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất