Tại sao lại cần phải phân biệt giữa 2 lĩnh vực này? Bởi cần phải có sự phân biệt rạch ròi giữa những môn võ thuật thuần túy với những môn võ đã được thể thao hóa hoặc môn võ, hệ thống kĩ thuật mới chỉ là phong cách mà thôi! Mà sau tất cả, "fighting styles" là gì?

"3 trong 1"! Nếu bạn hiểu ý mình với ảnh minh họa trên.
Cũng cần phải có định nghĩa rõ ràng giữa các hạng mục kể trên:

I. Võ thuật

Võ thuật là hệ thống chiến đấu được hệ thống hóa được thực hành vì một số lý do như tự vệ - quân sự; thực thi pháp luật; cạnh tranh hoặc phát triển thể chất, tinh thần, tâm hồn; giải trí và cả việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của một quốc gia.

Mặc dù thuật ngữ "martial art" hay "võ thuật" gắn liền với nghệ thuật chiến đấu của châu Á nhiều hơn mà đặc biệt là Đông Á, nhưng ban đầu "martial art" được dùng để chỉ các hệ thống chiến đấu của châu Âu vào đầu những năm 1550 (các môn võ của HEMA hiện nay). Thuật ngữ này có nguồn gốc từ tiếng Latinh và có nghĩa là "nghệ thuật của Mars ", vị thần chiến tranh của người La Mã. 

Do đó, để xét một môn võ có phải là "võ thuật", ta không thể chỉ đem bất kể triết lí giáo điều của riêng một khu vực (như riêng giáo điều của võ thuật Đông Á) để áp dụng và phán xét "nó có phải là một môn võ thuật hay không?". Chung quy lại, một môn võ thuật thuần túy (trên toàn thế giới) phải có tính chất tiên quyết đầu tiên là khả năng chiến đấu (gồm cạnh tranh, tự vệ hoặc liên quan tới chiến tranh); tiếp đó là một bề dày lịch sử lâu dài; tính phát triển thể chất và tinh thần; cuối cùng là một "hệ thống mã hóa" riêng.
Để dễ so sánh và áp dụng các tiêu chí được đề ra, hãy lấy một môn võ thuật thuần túy rất dễ nhầm tưởng không phải là một môn võ thuật (cũng có bài viết như vậy trên Spiderum, để biết thêm hãy truy cập tại đây), đó là Boxing:
  1. Khả năng chiến đấu: khỏi cần bàn cãi khi Boxing đã và hiện vẫn là môn võ có kĩ thuật chiến đấu thuộc top môn võ thực dụng nhất, từng là một môn võ có áp dụng trong tự vệ ở thế kỉ 18-19. Các chiến binh La Mã, nhất là các chiến binh Spartan khi bị tước kiếm và khiên, họ sẽ sử dụng các kĩ thuật chiến đấu để tự vệ kiểu Pankration mà Pygmachia (Boxing Hy Lạp cổ đại) là một trong những kĩ thuật chủ đạo.
  2. Bề dày lịch sử lâu dài: cái này cũng khỏi cần bàn cãi luôn! Với niên đại khoảng 4000 năm, ra đời đầu tiên ở Ai Cập cổ đại, ghi nhận lần đầu xuất hiện ở Hy Lạp năm 633 BC (trước Công nguyên) và được tổ chức ở  Thế vận hội Olympic đầu tiên như một môn "thể thao" giải trí, được các chiến binh Spartan dùng như một môn võ không vũ trang kết hợp với bắt vật...
Cách các võ sĩ Hy Lạp quấn tay nhưng chủ yếu là để tăng "sát thương" cho đòn đấm!
  3. Phát triển thể chất và tinh thần: Boxing hiển nhiên phát triển sức mạnh, sức bền, khả năng phối hợp, sự linh hoạt; ngoài ra còn là lòng tự trọng, sự tự chủ và rất tốt cho sức khỏe tinh thần. Tuy vậy mặt tinh thần của Boxing chắc chắn là không giàu mạnh và phong phú như các môn võ thuật Đông Á rồi!
  4. "Hệ thống mã hóa" riêng: những đòn đánh cơ bản jab, cross, hook, uppercut hay những kĩ thuật dodge né tránh như slip hay duck là của riêng Boxing! Ngoài ra bộ pháp - footwork Boxing cũng là độc nhất không thể nhầm lẫn với các môn võ thuật thuần túy nào khác (tuy nhiên cũng không ngoại trừ có những môn võ lai áp dụng footwork Boxing).
Những tiêu chí trên đôi khi vẫn không thỏa mãn nhiều người bảo thủ, như là "võ thuật phải có đòn hiểm hay có vũ khí"! Điều này hầu như mọi bài viết mình có đề cập tới nhưng vẫn phải nói lại: Đúng! Boxing không có đòn hiểm, 2 "đòn hiểm" duy nhất của Boxing đó là cú đánh vào cằm/đầu khiến chấn động não gây "nốc ao" và đòn vào phần hông bụng phải gây dập gan (đòn liver shots); chúng thường không hiểm độc tới mức gây chết người ngay lập tức! Nhưng! Đó là Boxing hiện đại đã thể thao hóa, còn loại Boxing tay trần cổ điển như Pugilism thì không! Nó có chơi húc đầu, đá háng, móc mắt... và Pugilism cũng từng được dạy cùng vũ khí.
Một cú "liver shots" uy lực có thể "triệt hạ" đối thủ.
Về mặt "võ thuật phải có thêm vũ khí", thực sự là hơi... "ngu xuẩn"! Bởi có những môn võ sinh ra chỉ gắn liền với vũ khí như Kendo, Olympic Fencing... Hay có những hệ thống môn võ bao gồm cả kĩ thuật vũ trang và không vũ trang như võ cổ truyền Việt Nam, Wushu hay HEMA... Còn lại những môn thuần không vũ trang như Capoeira, Taekwondo và các môn võ vật... 
Điều đó cũng tương tự những môn võ thời hiện đại ngày nay, nếu ai đó nói "Boxing không phải là một môn võ thuật" thì họ thực sự không biết võ thuật là gì. Chẳng hạn nói nó không phải là một môn võ thuật bởi vì nó được thiết kế riêng cho các trận đấu Boxing cũng giống như nói rằng Karate không phải là một môn võ thuật vì nó được thiết kế chỉ để riêng cho thi đấu Karate, cũng như đối với Judo, Taekwondo hay Muay Thai? Mà giờ những môn võ này cũng đâu có cho phép đòn hiểm? Bởi chúng đều thuộc "combat sports".

II. Thể thao đối kháng (mục bonus)

Thể thao đối kháng hay combat sports là nhóm những môn thể thao mang tính chiến đấu trực tiếp bằng các bộ phận cơ thể như tay, chân, đầu hoặc thân mình mà không dùng hoặc dùng rất ít thiết bị và phụ kiện hỗ trợ. Thể thao đối kháng mang hình thức "một chọi một" (một vận động viên thi đấu với một vận động viên), họ phải tìm cách ghi nhiều điểm số hơn đối thủ hoặc vô hiệu hóa đối thủ để giành lấy chiến thắng.
UFC - công ty giải trí võ thuật hỗn hợp (MMA) của Mỹ về thể thao đối kháng lớn nhất hiện nay!

Các môn thể thao đối kháng phổ biến bao gồm: Boxing, Kickboxing, Wrestling (bao gồm cả đấu vật Sumo), đấu kiếm Olympic, võ tổng hợp thời hiện đại (MMA), Judo (Nhật Bản), Boxer Francaise (Pháp), Muay Thai (Thái Lan), Lethwei (Miến Điện), Sanda (Trung Quốc), Taekwondo (Hàn), Capoeira (Afro-Brazil), Brazilian jiu-jitsu (Brazil), Sambo (Liên Xô) và Kyokushin (Nhật - Hàn)...

Những môn thể thao đối kháng đều có xuất phát từ một môn võ thuật thuần túy. Tuy thường bị ràng buộc bởi luật lệ và nhiều môn buộc phải đeo thiết bị, trang bị bảo hộ... khiến môn võ đó dần mất đi hệ thống kĩ thuật đặc trưng hoặc tính thực dụng của một môn võ ban đầu. Nhưng thực sự, thể thao đối kháng đã giúp cho tính bản chất chiến đấu thuần túy của môn võ được bảo tồn, có tính cạnh tranh tương đối thực tế hơn lại hợp với thời đại! Các môn thể thao đối kháng ở mặt nào đấy cũng có thể coi là "fighting styles"!

III. Fighting styles

Phong cách chiến đấu (mình sẽ giữ nguyên từ gốc "fighting styles" cho phù hợp) về ngữ nghĩa của nó còn khá mơ hồ, khi nó vừa có thể bao gồm cả môn võ thuần võ thuật hoặc chỉ là một "phong cách" hay một môn thể thao đối kháng! Nhưng trong ngữ cảnh thuộc chủ đề bài viết: phân biệt giữa 2 mục chính gồm "võ thuật" và "fighting styles", thì fighting styles dùng để chỉ những môn võ, phong cách có hệ thống chưa hoàn chỉnh, có thể tách ra hoặc dựa trên võ thuật; hay phát triển như một phong cách độc lập của võ sĩ...

Fighting styles tuy được đề cập rất nhiều nhưng cũng không có định nghĩa cụ thể, nhiều diễn đàn hay các bài viết khác nhau cũng đề cập tới nhưng chúng không rõ ràng! Định nghĩa trên mang quan điểm cá nhân của người viết qua việc đúc kết từ nhiều nguồn khác nhau!

Nếu cá nhân một võ sĩ hay võ sư tập một môn võ thuật thuần túy và tự mình phát triển một phong cách riêng dựa trên môn võ gốc đó, nó cũng có thể coi là một fighting styles. Để ví dụ, hãy nhìn vào các phái võ khác nhau của một môn võ như Karate, phái võ riêng Kyokushin Karate của Oyama Masutatsu dựa trên sự đúc kết về tính "chân thực" của ông!
Phong cách chiến đấu quyết liệt và mạnh mẽ là "chân thực" của Kyokushin Karate
Hoặc phong cách Peekaboo Boxing (tựa Việt: trò chơi ú òa) của riêng Mike Tyson do huấn luyện viên Cus D'Amato của ông sáng tạo, xây dựng dựa trên khái niệm "Ý định tồi": liên tục áp sát bằng cách liên tục lao vào đối thủ, kích động anh ta tung ra những cú đấm để phản công, tận dụng những cú đấm sai lầm để tấn công, bằng cách tạo ra các sơ hở và các góc tấn công chi phối.
"Duck+duck+slip+chuyển góc+hook" và luôn bo găng trước mặt là cách mô tả đơn giản nhất cho Peekaboo.
Đó là những fighting styles ví dụ điển hình khi chúng tách ra từ các môn võ hoặc chúng là phong cách độc lập của võ sĩ. Nhưng Kyokushin đã đủ thành phần và yếu tố để được coi là một môn võ thuật thuần túy riêng, trong khi đó phong cách Peekaboo vẫn chỉ là một phong cách của Boxing mà thôi!
Như đã đề cập, fighting styles cũng được dùng để chỉ những môn võ hay hệ thống kĩ thuật chưa hoàn chỉnh hoặc chưa đủ 4 yếu tố cấu thành một môn võ thuật thuần túy! Chúng ta có 2 môn võ cực kì nổi bật là fighting styles, rất nổi tiếng hiện nay: Kickboxing và MMA.
MMA và Kickboxing
Kickboxing vốn không có 1 hình thức cụ thể do có nhiều phong cách khác nhau như Savate (phong cách Kickboxing Pháp - Boxe Francaise) kết hợp các đòn đá chuyên dùng giày nặng của Savate với đấm của Boxing; Kickboxing Hà Lan áp dụng rất tốt các kĩ thuật đá của Muay Thai lại kết hợp nhuần nhuyễn với kĩ thuật đấm Boxing; Kickboxing Mĩ chủ yếu kết hợp đòn đấm từ Boxing với kĩ thuật đá từ Karate hoặc Taekwondo... Ngoài ra từ Kickboxing đôi khi chỉ là thuật ngữ ám chỉ, mô tả môn võ có phong cách đấm-đá như Pardel Serey từ Campuchia, Lethwei từ Miến Điện, Sanda từ Trung Quốc,... 
Chỉ cần là một phong cách đánh đứng có kĩ thuật đấm (chủ yếu là Boxing) kết hợp với kĩ thuật đá khác nhau thì ta có thể coi nó là một phong cách Kickboxing. Vậy nên, Kickboxing không phải là một môn võ thuật thuần túy!
Phong cách Kickboxing Hà Lan.
MMA là viết tắt của từ Mix Martial Arts - võ tổng hợp. Mình không đồng ý cách gọi "thể thức thi đấu" cho lắm, "phong cách chiến đấu" sẽ là phù hợp mà bao quát đầy đủ hơn cả! Cũng như Kickboxing, MMA cũng chưa có một phong cách cụ thể, ngoài việc nó phải luôn có đầy đủ 3 kĩ thuật bắt buộc cấu thành gồm: striking (đánh đứng), wrestling/takedown (bắt vật) và ground-fighting (địa chiến). Hầu hết các võ sĩ MMA sẽ phải học một vài các kĩ thuật từ những môn võ giúp họ có đủ 3 yếu tố cấu thành nên MMA, nhưng riêng phần địa chiến thì BJJ lại là bắt buộc, bởi nó là đặc sản của MMA và chính BJJ.
Chẳng hạn bạn chỉ cần học Boxing/Kickboxing, Karate hoặc Muay Thai cho phần đánh đứng; vật Greco-Roman hay Judo cho phần bắt vật và BJJ cho phần địa chiến. Kết hợp nhuần nhuyễn các phần kể trên là bạn đã có một phong cách chiến đấu MMA ổn thỏa cho riêng mình. 
Cũng như Kickboxing, sự thiếu nhất quán trong phong cách, lịch sử phát triển quá trẻ khiến MMA chỉ mới là một fighting styles mà thôi!
Bonus vui cho ai đã "chịu khó" đọc tới đây!