Tại sao Boxing tay trần cổ điển (Pugilism) lại khác biệt Boxing thể thao hiện đại nhưng lại quá đỗi giống MMA hiện nay?
Mình có tìm hiểu được 2 bài viết rất hay trên Quora với tiêu đề gần giống như vậy ( https://www.quora.com/Why-does-historical-pugilism-have-different-hand-positioning-vs-modern-...
Mình có tìm hiểu được 2 bài viết rất hay trên Quora với tiêu đề gần giống như vậy (https://www.quora.com/Why-does-historical-pugilism-have-different-hand-positioning-vs-modern-boxing và https://www.quora.com/How-is-bare-knuckle-boxing-different-than-gloved-boxing), đặc biệt là Chris Price - 1 người có kinh nghiệm tìm hiểu về lịch sử của môn boxing, bạn đọc hẳn sẽ có cái nhìn khác về boxing nói riêng và những môn võ thuật đến từ phương Tây nói riêng khi nó đã bị thay đổi nhiều đến vậy!
Pugilism là hình thức ban đầu của Boxing có niên đại gần 4000 năm bắt đầu ở Ai Cập, được du nhập qua Hy Lạp với cái tên Pygmachia (tức "đấm và đá"), sau khoảng thời gian bị cấm ở Hy Lạp và được hồi sinh ở Anh khoảng thế kỉ 17-18. Pugilism còn được gọi là Bare-knuckle Boxing (Đấm bốc tay trần), khác với kĩ thuật mà Boxing hiện đại đang áp dụng hiện nay (với 4 cú đấm cơ bản chỉ được xuất phát từ mặt trước nắm đấm, kĩ thuật footworks linh hoạt... và bị luật ràng buộc như không đấm dưới thắt lưng, sau gáy...) thì Pugilism lại là môn võ thuật chiến đấu hoàn hảo, gần như ko có luật ràng buộc và đẫm máu. Pugilism theo như Thomas Parkyns (1 nam tước Anh Quốc) mô tả năm 1713: là một hệ thống kĩ thuật bao gồm húc đầu, đấm đá háng, khoét mắt, khóa siết và vật ném không được cho phép trong boxing ngày nay, ngay cả miền Nam nước Mĩ thế kỉ 18 sản sinh hẳn 1 kĩ thuật đánh mang tên Gouging (tức khoét mắt). Pugilism cũng có kĩ thuật Clinching, nhưng không giống như cách Boxing hay Muay Thái hiện đại chỉ là kĩ thuật "ôm", Clinching của Pugilism thường túm gáy hoặc nắm tóc đối thủ để cố định đầu và đấm.
Có thể việc so sánh giữa Pugilism với Boxing hiện đại là thiếu hợp lí do Pugilism chú trọng vào vật nhiều hơn trong khi Boxing hiện đại lại chỉ đấm và đấm, nhưng Pugilism cũng sở hữu nhiều kĩ thuật từ nắm đấm (thường chỉ là những đòn đấm thẳng). Boxing hiện đại bắt buộc phải dùng găng tay, găng bảo vệ tay rất tốt tuy giảm lực đấm đi nhiều nhưng điều đó cho phép tay đấm có thể tung tối đa lực đấm (chúng ta thường được nghe rằng Mike Tyson thời kì đỉnh cao có cú đấm 534kg và đặc biệt nhất Francis Nganou hiện là võ sĩ MMA có cú đấm mạnh nhất lịch sử, lên tới 129.161 đơn vị, sấp xỉ khoảng 700kg), tất nhiên phải kết hợp cả footwork và thân mình cùng với kĩ thuật luyện tập khoa học thì họ mới có được cú đấm mạnh như vậy. Khác với việc đấm bằng găng tay, việc đấm bằng tay trần tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho xương bàn tay, cổ tay khi việc đấm vào đầu là phần xương rất cứng chắc (cứng hơn cả gạch), những cú đấm thẳng jab hay cross với nắm đấm nằm ngang sẽ dễ gãy xương tay hơn so với nắm đấm nằm dọc.
Pugilism thường không có kĩ thuật móc ngang - hook và xốc - upppercut (nhưng có lẽ sẽ là cú đánh bàn tay mở hoặc hammerfist - cú đánh như dáng búa) bằng tay bởi đòn móc ngang với xốc là đặc trưng của Boxing hiện đại khi các tay đấm ở thế áp sát. Thường thì các pugilist chỉ đấm thẳng và kết thúc trận bằng 1 kĩ thuật vật - khóa siết. Jame Figg (1684-1734) - một trong những nhà vô địch Boxing/Pugilism đầu tiên được ghi nhận, người đóng góp cho bộ luật của Boxing hiện đại thường dùng đòn vật nhiều hơn. Trong một trận đấu của James từng được ghi nhận, ông đã vật ngã 1 đối thủ và đánh người này đến mức tử vong (theo nhiều tài liệu chỉ ra chính vì sự kiện này mà sau này ông cùng học trò Jack Broughton đã ra nhiều luật để hạn chế những đòn "bẩn" Boxing).
Pugilism nói riêng và nền võ thuật châu Âu trước thế kỉ 19 nói chung có rất nhiều điểm tương đồng so với võ thuật châu Á. Khi mà những cú đấm Pugilism thường bắt đầu từ hông như cách đấm Karate, dùng kĩ thuật đấm, khuỷu tay, đầu gối như Muay Thái và những trận đánh thường kết thúc nhanh do kĩ thuật cũ xuất hiện từ thế kỉ trước rất bạo lực và chết chóc, như bản chất của võ thuật vậy. Thế phòng thủ/tấn của Pugilism cũng rất khác thế cơ bản của Boxing hiện đại, võ sĩ thường đặt 1 tay ngang hông để bảo vệ bụng, tay kia dơ trước để giữ khoảng cách, đầu và cằm nâng cao trong khi tay đấm hiện đại thường bo găng trước mặt hoặc 1 tay thủ mặt, tay kia đưa trước, cúi đầu dấu đi phần cằm. Điều này có thể dễ hiểu khi tay đấm hiện đại chỉ cần thủ trước những đòn đấm, đầu là phần quan trọng nhất để bảo vệ cũng như găng tay cung cấp khả năng phòng thủ và bảo vệ tốt hơn; còn Pugilism sẽ phải chú ý cả những đòn bắt vật, tay trần cũng khiến vết cắt trên mặt sâu hơn... (MMA chính là ví dụ dễ hình dung nhất). James Figg khi giảng dạy Pugilism cũng bao gồm kĩ thuật đấm đá, bắt vật và cả vũ khí như quyền trượng, gậy, kiếm và khiên. Và 1 câu hỏi đặt ra cho người viết liệu điều đó có tương đồng với Karate, Vịnh Xuân, Muay Boran, võ cổ truyền Việt Nam...? Nhất là việc loại Boxing cũ này có cả tập vũ trang?
Nhắc đến võ thuật, người ta thường hình dung trong đầu đến Karate Nhật, Kungfu Trung Hoa, Muay Thái... bởi võ thuật châu Âu thường không có quan niệm lưu truyền và bảo tồn qua nhiều thế hệ, chúng thường chết yểu hoặc bị thay thế cho hợp thời như Pugilism xưa vs Boxing nay, kiếm thuật HEMA xưa vs Olympic Fencing nay, Savate xưa vs Boxe Francaise/La Canne Combat nay, Abrazare/Ringen xưa hay Wrestling nay, thời điểm phục dựng lại võ thuật cổ của châu Âu cũng chỉ mới gần đây.... Điều đó hiện trong tâm trí những fan của võ thuật, võ thuật châu Âu thường thông qua trong các bộ phim Hollywood hay võ thuật Trung Quốc rằng các tay đấm hay đô vật dựa hoàn toàn vào sức mạnh cơ bắp, longsword là thứ kiếm cùn nặng nề, kiếm liễu rapier chỉ có các đòn đâm, lùi-tiến như thi đấu Olympic... còn võ thuật "thực sự" phải là thứ "chết người", có "võ đạo", uyển chuyển như Thái Cực, phải có võ phục gi như Karate, Vovinam... Thật là quan niệm sai lầm, không ít người coi võ thuật châu Âu là thứ thiếu kĩ thuật, dựa quá nhiều vào sức mạnh, không phong phú như châu Á. Có thể một phần do diện tích châu Âu khá nhỏ so với châu Á, cộng với bản thân võ thuật châu Âu giữa các quốc gia cũng giống nhau ít yếu tố khác biệt và hơn hết, chắc hẳn người châu Á chúng ta mà nhất là Trung Quốc có 1 cái tôi lớn vào cái làm nên "tinh hoa, bản sắc" của Đông và Đông Nam Á.
Trên đây là Savate (Boxe Francaise cũ) hay Kickboxing Pháp kiểu cũ, áp dụng cả kĩ thuật đấm của Pugilism khi Boxe Francaise ban đầu chỉ có kĩ thuật đá (việc được giảng dạy cho cả phụ nữ thì hẳn Boxe Francaise vốn được dùng để tự vệ vì trước đây không có các giải thi đấu cho phụ nữ và học võ để tự vệ cũng được các quý tộc yêu thích chọn lựa).
Lời kết, lịch sử của Pugilism/Boxing với một giai đoạn dài được dùng như một môn võ toàn diện cho đến khi luật Boxing thay đổi nhiều mặt kĩ thuật, biến tấu nó thành môn thể thao đối kháng kiếm về tỉ đô. Nếu đặt 1 môn võ trên những quan điểm theo cách 1 môn võ thuật phải có như những đòn chết chóc, 1 lối đánh toàn diện, có bài tập quyền... thì liệu giờ đây khi Judo chỉ được dùng vật, hạn chế khóa siết trên mặt đất khi mà nó vốn có cả kĩ thuật đấm đá; hay Karate không được đấm đầu, không có vật; Taekwondo lại chỉ còn mỗi kĩ thuật đá (Tae là đá, Kwon là đấm) và tất cả không có kĩ thuật chết chóc nào cả thì liệu có coi là võ thuật? Shadowboxing thì có tương đồng các bài quyền katas? Có lẽ lịch sử và quan niệm về võ thuật cũng phải lâu nữa mới có thể loại bỏ đi những quan niệm cũ về nó.
Thể thao
/the-thao
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất