Nguồn ảnh: UPO
Nguồn ảnh: UPO
Theo số liệu thống kê từ WHO, có từ 4-10% dân số toàn cầu thuộc cộng đồng LGBTI+. Là một cộng đồng thiểu số, những nhu cầu căn bản về thể chất, tâm lý và xã hội của những người LGBTI+ thường xuyên bị phủ nhận, bỏ mặc, hoặc chỉ trích. Để thực sự có thể đồng cảm và quan tâm tới những người trong cộng đồng LGBTI+, trước tiên, ta cần hiểu, họ - những người bạn, người thân, người đồng nghiệp của chúng ta là ai?

TỪ “BÊ ĐÊ” XUẤT PHÁT TỪ ĐÂU?

Cụm từ “bê đê” xuất phát từ “Pédérastie”. Đây là một từ tiếng Pháp, có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ đại παιδεραστής. Từ này trong tiếng Hy Lạp chỉ những người đàn ông có hành vi tình dục với trẻ em nam và cũng là gốc gác của từ “pedophile", chỉ những người có ham muốn tình dục với trẻ em nói chung. Đầu thế kỉ 20, người Pháp đã bắt đầu sử dụng pédéraste để chỉ những người đồng tính. Sau đó, cách gọi này du nhập vào Việt Nam và chủ yếu mang sắc thái kỳ thị người đồng tính. 
Ngày nay, “bê đê” KHÔNG phải là một từ phù hợp để chỉ những người có ngoại hình, hành vi hay có người yêu hoặc bạn tình không tuân theo khuôn mẫu về giới thông thường của xã hội đề ra.
Các bạn hãy để ý phản ứng của người xung quanh trước khi sử dụng từ này để chỉ những người không nằm trong định nghĩa về giới thông thường nha.

CÁC KHÁI NIỆM QUAN TRỌNG TRONG ĐA DẠNG TÍNH DỤC LÀ GÌ?

Có lẽ, nếu không thực sự quan tâm đến chủ đề này, bạn sẽ bị choáng ngợp bởi các khái niệm về đa dạng tính dục [sexual diversity] cũng như gặp phải những câu hỏi “khác thường” về những cá nhân không thể được gọi tên, định nghĩa hay mô tả bằng những khái niệm thông thường về giới như “nam" hay “nữ”:
- Vì sao ngày xưa có LGBT, rồi lại có cả LGBTIQ+? 
- Vì sao là đồng tính nữ nhưng vẫn thích nam?
- Vì sao là đồng tính nam nhưng vẫn ăn mặc và hành xử rất nam tính?
- Vì sao đang yêu nam, giờ lại chuyển sang thích nữ?
- Vì sao là con gái, ăn mặc như con trai, nhưng lại ủy mị yếu đuối?
- Vì sao là lesbian nhưng lại yêu một người con gái trông y hệt con trai?
- Vì sao là con trai, 100% thẳng, nhưng lại ăn mặc và trang điểm giống phụ nữ?
… và 1001 câu hỏi khác.
Sau đây là các khái niệm cần được chú ý để thực sự hiểu và tôn trọng sự đa dạng tính dục.
❗️LƯU Ý: Các khái niệm này không được định nghĩa theo kiểu nhị nguyên hay nói cách khác là hoặc thế này hoặc thế kia, hoặc nam hoặc nữ, hoặc thích chó hoặc thích mèo. Thông thường, các khái niệm về sự đa dạng tính dục sẽ được biểu thị bằng một phổ [spectrum], tức là bạn có thể nằm gần một trong hai cực trái/phải của phổ hoặc cũng có thể nằm ở bất kỳ đâu trên phổ này (xem bình bên dưới)
img_0

1. GIỚI TÍNH SINH HỌC [BIOLOGICAL SEX]

Giới tính sinh học biểu thị qua những chỉ dấu sinh học có thể được quan sát hay đo lường một cách khách quan qua bộ phận sinh dục, hoóc môn hay nhiễm sắc thể.
a. Nữ có buồng trứng, âm hộ, nhiễm sắc thể XX
b. Nam có tinh hoàn, dương vật, nhiễm sắc thể XY
c. Liên giới tính [intersex]: khi một người được sinh ra với cơ quan sinh sản, sinh dục, hoặc di truyền không tuân theo các định nghĩa truyền thống về giới tính sinh học. Người liên giới tính có thể có các bộ phận cơ thể không rõ ràng là nam hay nữ hoặc có thêm nhiễm sắc thể hoặc ngoại hình của cả hai giới tính nam và nữ.

2. BẢN DẠNG GIỚI [GENDER IDENTITY]

Nếu như “sex" là giới tính thì “gender” là giới. Bản dạng giới là cách bạn nghĩ về bản thân mình hay cách bạn cảm nhận của bạn về chính giới của mình. 
a. Người hợp giới [cisgender] là những người có bản dạng giới trùng với giới tính sinh học. 
b. Người hoán giới, hay còn gọi là người chuyển giới [transgender] là những người có bản dạng giới khác với giới tính sinh học. (Cá nhân mình không muốn sử dụng cụm người chuyển giới vì cụm từ này dễ gây nhầm lẫn với những người đã chuyển giới qua các thủ thuật y học. Trên thực tế, “người chuyển giới” được dùng để chỉ cả những người chưa trải qua các thủ thuật y khoa). Cụ thể:
- Người chuyển giới nam [transgender man] sinh ra với giới tính sinh học là nữ nhưng lại có cảm nhận mạnh mẽ rằng mình là nam. Họ có thể yêu cầu mọi người gọi mình bằng “anh". Trong tiếng Anh, định danh của họ có thể là “he/him/his”
- Người chuyển giới nữ [transgender woman] sinh ra với giới tính sinh học là nam nhưng lại có cảm nhận mạnh mẽ rằng mình là nữ. Họ có thể yêu cầu mọi người gọi mình bằng “chị". Trong tiếng Anh, định danh của họ có thể là “she/her/hers”*
c. Người có giới linh hoạt [gender fluid] là những người không có cảm nhận về một bản dạng giới cố định. Thỉnh thoảng họ sẽ cảm nhận rằng mình là nam nhưng cũng có vài ngày họ lại có cảm nhận sâu sắc mình là nữ. Trong tiếng Anh, định danh của họ có thể là “they/theirs"
d. Người không nằm trong các định nghĩa thông thường về giới [gender queer, gender non-binary, gender nonconforming] là những cá nhân nhận định bản dạng giới của mình là cả nam và nữ hoặc không phải nam cũng không phải là nữ.
❗️LƯU Ý: 
- Bản dạng giới khác với vẻ ngoài của bạn. Bạn có thể ăn mặc và để tóc như con trai nhưng vẫn cho rằng mình là nữ hoặc ngược lại. Bạn có thể ăn mặc khá nữ tính nhưng sẽ vẫn có cảm nhận rằng mình là một người đàn ông
Maddy Morphosis, một Queen thẳng trong RuPaul Drag Race
Maddy Morphosis, một Queen thẳng trong RuPaul Drag Race
- Bản dạng giới khác với tính nữ [feminity] hay tính nam [masculinity]. Trong tâm lý học xã hội, đây là hai cụm từ chỉ những đặc điểm gắn liền với vai trò xã hội và hành vi của nam giới và nữ giới trong bất kỳ xã hội nào. Tính nữ ở đây có thể tạm được mô tả là những đặc điểm như hiền lành, dễ chịu, nhẹ nhàng, yểu điệu, etc. Tính nam ở đây có thể tạm được diễn tả bằng các tính từ mạnh mẽ, quyết đoán, etc. 
Trong trường hợp này, bạn vẫn có thể nhận dạng là nữ trong khi có khá nhiều tính nam hay bạn cũng hoàn toàn có thể nhận dạng là nam trong khi mang trong mình đầy tính nữ. Đối với các bạn có giới linh hoạt thì tính nam và tính nữ cũng được biểu hiện một cách uyển chuyển mà không hề ảnh hưởng gì tới bản dạng giới của các bạn.

3. BIỂU HIỆN GIỚI [GENDER EXPRESSION]

Đây là cách một người thể hiện giới tính của họ, thông qua quần áo, phụ kiện, kiểu tóc, tông giọng, dáng điệu và cử chỉ. 
❗️LƯU Ý: 
- Tuy nhiên, không phải ai cũng có biểu hiện giới theo quy tắc và quy chuẩn thông thường của xã hội. Một bạn nữ hoàn toàn có thể hành xử và ăn mặc như một bạn nam nếu điều đó là thứ khiến bạn ấy cảm thấy thoải mái. 
- Bên cạnh đó, biểu hiện giới và bản dạng giới của một người không nhất thiết phải tương thích với nhau. Một bạn nữ để tóc ngắn và không mặc váy không nhất thiết phải nhìn nhận mình là con trai.

4. XU HƯỚNG TÍNH DỤC [SEXUAL ORIENTATION]

Xu hướng tính dục KHÁC bản dạng giới và biểu hiện giới. Đây là xu hướng bị thu hút, cuốn hút bởi một người về mặt thể xác và tinh thần. 
a. Dị tính [heterosexual] là xu hướng tính dục của những người cảm thấy bị cuốn hút bởi những người có giới tính sinh học khác với bản thân.
b. Đồng tính [homosexual] là xu hướng tính dục của những người cảm thấy bị cuốn hút bởi những người có giới tính sinh học giống với bản thân. Một số nữ giới đồng tính gọi bản thân mình là “lesbians" và một số nam giới đồng tính gọi bản thân mình là “gay".
c. Song tính [bisexual] là xu hướng tính dục của những người cảm thấy bị cuốn hút bởi cả nam, nữ và cả những người không nằm trong các định nghĩa thông thường về giới.
d. Toàn tính [pansexual] là xu hướng tính dục của những người cảm thấy giới tính hay bản dạng giới là yếu tố không quá quan trọng đối với họ trong các mối quan hệ lãng mạn hay thân mật.
e. Vô tính [asexual] là xu hướng tính dục của những người cảm thấy không có hoặc có rất ít nhu cầu quan hệ tình dục với người khác, bất kể giới tính của họ là gì. Những người vô tính vẫn có nhu cầu hẹn hò và xây dựng một mối quan hệ lãng mạn nhưng không đi kèm yếu tố tình dục.
QUEER!!! Là từ chỉ tất cả những người đồng tính, song tính, toàn tính và vô tính. Nhìn chung là để gọi bất kỳ ai không “thẳng".
Nhìn chung, mục đích của các khái niệm này là để mỗi chúng ta có thể hiểu và thương những con người xung quanh ta như chính con người của họ. Nếu bạn không thể nhớ tất cả những khái niệm này, bạn có thể đặt câu hỏi trực tiếp cho những người bạn quan tâm với một tâm thế tò mò và không đánh giá. Quan trọng nhất vẫn là cách mỗi người tự cảm nhận và mô tả về bản thân họ chứ không phải những gì bạn đoán về họ!

CÁC CHÚ Ý QUAN TRỌNG CỦA SỰ ĐA DẠNG TÍNH DỤC

1. CÓ PHẢI CHỈ CẦN XÁC ĐỊNH BẢN DẠNG GIỚI LÀ XONG? MỐI QUAN HỆ GIỮA BẢN DẠNG GIỚI VÀ XU HƯỚNG TÍNH DỤC

Theo các nghiên cứu được trích dẫn trong “Hướng Dẫn Thực Hành Tâm Lý Với Người Chuyển Giới Và Người Không Tuân Theo Định Nghĩa Thông Thường Về Giới (Guidelines for psychological practice with transgender and gender nonconforming people)” do Hiệp Hội Tâm Lý Học Hoa Kỳ phát hành, thông thường, bản dạng giới được hình thành sớm hơn xu hướng tính dục. Trong khi bản dạng giới thường được hoàn thiện ở tuổi ấu thơ thì nhận thức về việc có tình cảm với người cùng giới thường xuất hiện ở đầu giai đoạn vị thành niên.
Các giai đoạn hình thành bản dạng giới (và cả xu hướng tính dục) bao gồm:
1. Nhận thức 
2. Khám phá
3. Biểu hiện
4. Hợp nhất (có thể hiểu hợp nhất ở đây là hợp nhất những khía cạnh mới của bản thân vào hệ thống những điều đã biết về chính bản thân mình)
Xu hướng tính dục và bản dạng giới nên được khám phá như hai yếu tố độc lập trong tiến trình khám phá căn tính hay danh tính cá nhân [identity]. Sở dĩ vì sao APA lại nhấn mạnh sự khác biệt này vì việc gọi tên được chúng có thể giúp những người còn đang tìm hiểu bản thân mình phân định rõ ràng những khía cạnh khác nhau của bản thân để tiếp tục khám phá những chiều kích mới của trải nghiệm tính dục và căn tính cá nhân. 
Theo cách này, một người khi đã xác định rằng mình có bản dạng giới là nữ vẫn có thể tiếp tục thoải mái khám phá xu hướng tính dục của bản thân, hay nói cách khác là một giới hay những giới mà mình cảm thấy bị thu hút.
Chúng ta cần lưu ý, tiến trình khám phá xu hướng tính dục không chỉ dừng lại sau 18 tuổi mà còn tiếp tục kéo dài cho tới tận tuổi trưởng thành! Vì vậy, việc thấu hiểu và tôn trọng những sự lựa chọn cá nhân là vô cùng quan trọng. 

2. SỰ ẢNH HƯỞNG CỦA VĂN HÓA XÃ HỘI TỚI SỰ ĐA DẠNG TÍNH DỤC

Mối quan hệ giữa bản dạng giới, biểu hiện giới và các khía cạnh xã hội khác của căn tính như sắc tộc, nghề nghiệp, tôn giáo, v.v… cũng được đề cập tới trong “Hướng Dẫn Thực Hành Tâm Lý Cho Người Chuyển Giới Và Người Không Tuân Theo Định Nghĩa Thông Thường Về Giới” thông qua nghiên cứu của Burnes & Chen vào năm 2012 và của de Vries và năm 2015 bởi chúng vừa có thể là đặc ân nhưng vừa cũng có thể là những yếu tố ngăn cản sự phát triển và gây ra các vấn đề về sức khỏe tinh thần. 
Cá nhân mình nhận thấy, sở dĩ vì sao ta cần đặc biệt chú ý tới mối quan hệ này bởi trong bối cảnh xã hội Việt Nam, một người có giới tính sinh học khác với bản dạng giới và biểu hiện giới có thể phải chịu ảnh hưởng tiêu cực của những khuôn mẫu xã hội của cả hai giới. Lấy ví dụ, một cá nhân có giới tính sinh học là nữ có thể đã phải học cách ứng xử nhu mì, nhường nhịn, hòa nhã và dịu dàng theo đúng tiêu chuẩn của phụ nữ Việt Nam. Bản thân việc này đã gây ra những khó chịu nhất định đối với những người có tính cách mạnh mẽ và nhiều tính nam. Cá nhân này thậm chí sẽ rơi vào một trạng thái khó xử hơn sau khi đã nhận định bản dạng giới của mình là nam và bắt đầu thay đổi ngoại hình, cách ăn mặc như nam giới. Khi ấy, cá nhân này sẽ được xã hội mong đợi sẽ ứng xử theo một cách hoàn toàn khác, phải mạnh mẽ, cứng cỏi, và không được bộc lộ những cảm xúc vốn bị cho là “yếu đuối”. Trong một ví dụ khác, một người đồng tính có thể sẽ không được chấp nhận trong cộng đồng tôn giáo của mình khi bản thân tôn giáo đó không chấp nhận “hiện tượng đồng tính”.
Các nhà tâm lý học cho rằng, để thực sự hỗ trợ những cá nhân này, ta cần nhận diện những nhu cầu và mong muốn thực sự của họ, đằng sau tất cả những định nghĩa và khái niệm về giới. Đây có thể là mong muốn được chấp nhận, được tôn trọng và được yêu thương. Ngay cả khi việc xác định bản dạng giới hay xu hướng tính dục là những nhu cầu cần được hỗ trợ, người hỗ trợ cần làm rõ rằng, những yếu tố xã hội là một phần của chúng ta và sẽ không ngừng ảnh hưởng lên mỗi cá nhân và sự hình thành xu hướng tính dục và bản dạng giới của họ trong suốt cuộc đời. 
Nhiệm vụ của chúng ta là tìm ra con đường của chính mình, nâng cao năng lực cá nhân và khả năng phục hồi tâm lý giữa tất cả những mâu thuẫn trong các khía cạnh khác nhau của bản thân mình. 
Tác giả: Keira Ngo
Cố vấn chuyên môn: Chị Ngô Lê Phương Linh, Giám đốc Trung tâm ICS
Tham khảo các thông tin khoa học và góp chữ ký ĐỒNG Ý HỢP PHÁP HÓA HÔN NHÂN CÙNG GIỚI tại link dưới đây:
img_1
Tham khảo:
Elizabeth Boskey, P. D. (2022, April 20). Gender expression: How you present yourself to the world. Verywell Health. Retrieved September 5, 2022, from https://www.verywellhealth.com/gender-expression-5083957
Guidelines for psychological practice with transgender and gender nonconforming people. (2015). PsycEXTRA Dataset. https://doi.org/10.1037/e527482015-001
Liddell, H. G., Scott, R., Jones, H. S., & McKenzie, R. (1996). A greek - english lexicon. Clarendon Press.
Sex ed. Organization for Autism Research. (n.d.). Retrieved August 31, 2022, from https://researchautism.org/sex-ed-guide