Tại sao Thụy Sĩ KHÔNG THỂ BỊ XÂM LƯỢC
"Thụy Sĩ không có quân đội. Cả đất nước là một đội quân".
Hôm nay là 11/09/2021, tròn 20 năm kể từ vụ khủng bố 11/09/2001 - thứ đã vĩnh viễn thay đổi nước Mỹ và thế giới. Kể từ đó tới nay, chiến tranh cứ thế xảy ra liên miên mãi. Bật TV lên và thứ mà bạn nghe thấy thường xuyên nhất có lẽ là "Chiến sự tại nước A đang rất phức tạp", "Quân đội nước B đang can thiệp vào nước C", "tấn công khủng bố tại thành phố D của nước E làm F người chết, tổ chức G đã lên tiếng nhận trách nhiệm...". Thế giới của chúng ta thật tăm tối, và vòng luẩn quẩn của chiến tranh chắc chắn sẽ vẫn còn. Chẳng lẽ không có một nơi nào an toàn trên thế giới này sao?
Thực ra là có đấy các bạn ạ. Nó nằm ở Tây Âu giữa thiên nhiên hùng vĩ tuyệt đẹp của dãy Alps, với diện tích trên 41 nghìn kilomet vuông, dân số 8.5 triệu người, và suốt 200 năm nay chưa có một cuộc chiến tranh nào xảy ra trên đất nước này. Đó là Thụy Sĩ. Và vâng, Thụy Sĩ và Thụy Điển là hai nước khác nhau nhé.
Phải rồi, Thụy Sĩ. Một quốc gia nổi tiếng với các ngân hàng, chocolate, Nestlé, Roger Federer, và những hãng đồng hồ tiền tỉ như Rolex, Omega hoặc Cartier. Một quốc gia không giáp biển ở Tây Âu, xung quanh nó là các ông lớn Đức, Pháp, Ý, Áo, và đừng quên anh bạn nhỏ bé Liechtenstein. Thụy Sĩ có thu nhập bình quân đầu người thuộc hàng cao nhất thế giới, chỉ số phát triển con người hiện đang đứng thứ ba toàn cầu, chất lượng cuộc sống trên cả tuyệt vời,… Nói tóm lại, sinh ra ở Thụy Sĩ chẳng khác nào trúng giải xổ số độc đắc của Chúa.
Hãy nhìn vào bất cứ tấm bản đồ nào của những thế lực từng phủ bóng lên toàn châu Âu từ năm 1815 đến nay, dù là các phe phái trong Thế Chiến hay là Liên minh châu Âu, bạn sẽ luôn luôn thấy có một khoảng trắng kì lạ xuất hiện chềnh ềnh giữa những quốc gia hiếu chiến nhất lịch sử. Khoảng trắng ấy chính là Thụy Sĩ.
Lí do nào khiến cho Thụy Sĩ không bị cường quốc nào “tô màu” lên trong những cuộc chiến tranh khủng khiếp nhất của nhân loại? Lí do nào khiến Thụy Sĩ trở thành một quốc gia hoàn toàn không thể bị xâm lược? Và tại sao chỉ có Thụy Sĩ là quốc gia duy nhất làm được điều đó?
Câu trả lời nằm ở bốn yếu tố chỉ có ở quốc gia này mà không có ở bất cứ nơi nào khác: địa lý, ngoại giao, cách làm kinh tế và sự chuẩn bị chiến tranh kỹ càng.
1, ĐỊA LÝ
Vâng, câu trả lời lại nằm ở hai chữ ĐỊA LÝ - yếu tố đầu tiên quyết định sự suy vong của mỗi quốc gia.
Thụy Sĩ có địa hình đặc trưng là núi và đồi. Ở phía Nam của đất nước này là khối núi Alps - có độ cao trung bình lên đến 2.5km so với mực nước biển, là một chướng ngại không thể vượt qua với bất cứ đội quân nào. Phía Bắc Thụy Sĩ, ở vùng biên giới với Pháp, là dãy Jura, tuy nhỏ hơn dãy Alps về quy mô và chiều cao nhưng cũng đủ để cản bước một cuộc xâm lăng từ bên này. Hai dãy núi che chắn cho phần đất trung tâm Thụy Sĩ, nơi có địa hình bằng phẳng hơn và tập trung các đô thị lớn Zürich, Bern và Geneva.
Vậy là Thụy Sĩ được bảo vệ ở hai phía Bắc và Nam. Giờ chúng ta còn phía Đông và phía Tây. Gần biên giới với Pháp ở phía Tây có một dải đất rất hẹp nằm giữa dãy núi Jura và hồ Geneva, có chỗ chỉ chưa đến 6km, một khoảng cách chiến lược để dàn quân phòng thủ dễ dàng.
Còn ở phía Đông nơi gã hàng xóm Đức án ngữ, Thụy Sĩ ít có lợi thế chiến lược nào về mặt địa hình nào trước mối nguy tiềm tàng này, nhưng tự nhiên lại ban tặng cho nó một lựa chọn khác: sông Rhein. Thụy Sĩ nằm tại thượng nguồn sông Rhein, con sông này sau đó chảy xuống các vùng công nghiệp lớn và khu dân cư đông đúc của miền Tây nước Đức, sau đó sang Hà Lan nơi nó hòa vào Biển Bắc. Thụy Sĩ đang nắm giữ dòng máu nuôi sống một nửa nước Đức, điều này tạo ra một lợi thế vô hình cho quốc gia này trong trường hợp Đức lại nổi cơn hiếu chiến.
Vậy là Chúa mặc cho Thụy Sĩ một tấm áo chống đạn. Giờ Thụy Sĩ phải làm thế nào để không ai nã đạn vào họ.
2, NGOẠI GIAO
Hơn hai trăm năm nay, Thụy Sĩ không tham gia một cuộc chiến tranh nào. Họ không phải thành viên của các liên minh phương Tây hùng mạnh như EU hoặc NATO (mặc dù có gia nhập hiệp ước tự do đi lại Schengen), và đến tận năm 2002 họ mới gia nhập Liên Hợp Quốc sau một cuộc trưng cầu dân ý - chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử tổ chức này. Đây chính là kim chỉ nam của ngoại giao Thụy Sĩ kể từ năm 1815: TRUNG LẬP. Vậy nên cái khoảng trắng kì lạ kia mới xuất hiện ở ngay giữa Đức, Pháp, Ý và Áo.
Năm 1815, trận đánh cuối cùng của Hoàng đế Pháp Napoléon kết thúc với phần thắng thuộc về liên minh của các cường quốc châu Âu. Đại hội Vienna được triệu tập - về cơ bản đây là Hội nghị Yalta của Chiến tranh Napoléon, nơi các cường quốc quyết định số phận của châu Âu hậu chiến. Và cũng từ đây, tính trung lập vĩnh viễn của Thụy Sĩ được nước Pháp bại trận và các cường quốc Anh, Áo, Phổ và Nga công nhận, để trở thành một vùng đệm giữa Áo và Pháp.
Thụy Sĩ là một nước trung lập và sẽ không gia nhập liên minh nào cả. Đó là truyền thống của chúng tôi.
Theo công ước Hague về quyền lợi và nghĩa vụ của các nước trung lập, “các phe tham chiến không được xâm phạm lãnh thổ quốc gia trung lập, và sự tự vệ chính đáng trước các hành động xâm lược của ngoại bang không bị xem là phá vỡ tính trung lập của quốc gia đó”. Ngoài ra, quân đội phe tham chiến không được tuyển mộ người dân của nước trung lập, và còn không được vận chuyển binh lính và thiết bị chiến tranh qua lãnh thổ nước trung lập (trừ thương/bệnh binh).
Đó là nguyên nhân vì sao suốt hai thế kỉ qua, Thụy Sĩ vẫn khỏe re trong khi chiến tranh và xung đột càn quét các nước láng giềng. Nó là một quốc gia trung lập, và sự trung lập ấy được luật pháp quốc tế bảo vệ. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp các đế quốc quyết định giẫm lên cái đống luật pháp quốc tế ấy và ngang nhiên xâm lược các nước trung lập vì lợi ích của mình, tiêu biểu là ba ông lớn Anh, Liên Xô và Đức. Anh đánh chiếm nước trung lập Iceland để đảm bảo một lợi thế chiến lược tại Bắc Đại Tây Dương trước Đức Quốc xã, Liên Xô xâm lược Phần Lan trung lập hòng tạo ra vùng đệm bảo vệ Saint Petersburg, còn Đức hai lần mặc kệ tính trung lập của Bỉ để có thể tấn công Pháp từ một điểm yếu chí tử.
"...quy tắc A, bài 1 trong Giáo trình Ngoại giao Nhập môn: Khi đối mặt với một điều được coi là mối đe dọa sống còn, một cường quốc sẽ sử dụng vũ lực." — Tim Marshall, "Những tù nhân của địa lý", NXB Nhã Nam, 2020.
Tuyên bố trung lập thôi chưa đủ, phải khiến các nước khác tôn trọng sự trung lập của mình nữa. Và đây là lúc các ông chủ ngân hàng Thụy Sĩ vào cuộc.
3, NGÂN HÀNG THỤY SĨ
Địa lý Thụy Sĩ thật tuyệt vời nếu nhìn từ khía cạnh quốc phòng, còn từ khía cạnh kinh tế mà nói thì nó rất tệ. Thụy Sĩ không giáp biển, địa hình núi đồi cản trở sự phát triển nhanh của công nghiệp nặng và giao thông vận tải, tài nguyên thiên nhiên cực kì nghèo nàn, dân cư chỉ chưa đến 10 triệu người và phân bố không đồng đều. Do đó, người Thụy Sĩ xuất khẩu một món hàng rất đắt mà những kẻ hẹp hòi đa nghi không thể bỏ tiền ra mua nổi. Đó chính là sự tin cậy, mà cụ thể là sự tin cậy của các ngân hàng.
Quốc gia này nổi tiếng khắt khe về bảo mật thông tin khách hàng tại các nhà băng, và một vụ bê bối để lộ thông tin cá nhân khách hàng vào những năm 30 khiến họ thắt chặt luật lệ hơn nữa: chỉ có các quản lý cấp cao được truy cập thông tin chi tiết về chủ tài khoản, còn nhân viên giao dịch không được phép; ngoài ra luật pháp Thụy Sĩ nghiêm cấm tiết lộ thông tin khách hàng cho bất cứ bên thứ ba nào, dù đó là cục thuế, chính phủ và cơ quan điều tra của bất cứ quốc gia nào kể cả Thụy Sĩ, trừ khi có trát của Tòa án Thụy Sĩ. Nhân viên vi phạm sẽ bị phạt tiền bồi thường, tù giam, và cấm hành nghề vĩnh viễn.
Là một quốc gia trung lập, Thụy Sĩ quyết định mở rộng dịch vụ ngân hàng của mình cho thế giới, và ngành công nghiệp ngân hàng Thụy Sĩ thực sự bùng nổ trong Thế chiến 2. Những gì họ làm trong cuộc chiến này là tuyên bố với thế giới rằng "Tôi không ham hố tham gia trò chơi chiến tranh này. Đừng xâm lược tôi. Nhưng nếu các ông muốn có chỗ chứa tiền an toàn trong thời buổi loạn lạc này, chào mừng đến với Thụy Sĩ!". Các quan chức cấp cao của Đức Quốc xã kiếm được rất nhiều tiền và vàng từ những cuộc chiến tranh ăn cướp, chúng đưa các tài sản có giá trị của mình đến Thụy Sĩ với hi vọng tiền nong được an toàn, đợi khi nào hết chiến tranh sẽ quay lại lấy về tiêu xài. Hitler đã lên kế hoạch đánh chiếm Thụy Sĩ, y từng tuyên bố Thụy Sĩ là “vết nhơ của dân tộc Đức”, “kẻ tử thù của nước Đại Đức” và “chính quyền và dân chúng đều đáng kinh tởm”. Nhưng do quá bận rộn với các cuộc viễn chinh khắp châu Âu, cộng với việc không muốn mất đi một chỗ gửi tiền an toàn, Đức Quốc xã không động đến Thụy Sĩ. Quân Đồng minh khó chịu ra mặt khi thấy Thụy Sĩ bí mật đi đêm với kẻ thù của mình, nhưng họ không muốn làm phức tạp thêm mọi chuyện khi mà nó vốn đã rối rắm đủ rồi, nên họ để yên cho Thụy Sĩ. Không chỉ có Đức Quốc xã, mà nhiều phú ông phú bà Do Thái giàu có cũng đến Thụy Sĩ với mục đích tương tự.
Chiến tranh kết thúc theo chiều hướng không có lợi cho phe Phát xít, có những tên sĩ quan Quốc xã bị xử bắn hoặc ngồi tù rũ xương, có những tên quyết định bỏ chạy khỏi quá khứ và sống ẩn thân hết đời, chưa kể đến những thương nhân Do Thái bỏ mạng trong trại tập trung. Và số tiền vàng kia vĩnh viễn nằm trong các két sắt của ngân hàng Thụy Sĩ, đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế của nước này. Theo OECD, tổng tài sản của các ngân hàng Thụy Sĩ chiếm tới 467% GDP của nước này.
Ngày nay, Thụy Sĩ là ngân hàng của cả thế giới. Nhờ những chính sách tốt về bảo mật và thuế, cùng với nền kinh tế và chính trị ổn định, ngày càng có nhiều người trong giới tinh hoa gửi tiền vào Thụy Sĩ, trong đó có cả các tỉ phú công nghệ, đại gia dầu mỏ, giới tài phiệt, quan chức nhà nước,... thậm chí là cả những người mang chức sắc tôn giáo. Chưa kể đến việc Thụy Sĩ còn là điểm đến ưa thích của những phi vụ làm ăn trong bóng tối: rửa tiền, trốn thuế, mafia, buôn bán vũ khí, tham ô tham nhũng… nhờ sự bảo mật thông tin của mình. Biết đâu một nhân vật giàu có quyền lực nào đó bạn thấy trên TV hay mạng xã hội, hoặc những vị quan chức "vào lò" cũng có tài khoản tại Thụy Sĩ đấy. Bạn là một doanh nhân Mỹ thành đạt bị vướng vào một vụ kiện và không muốn tài sản của mình bị phong tỏa nếu thua? Bạn là một trùm mafia Nga bán hàng ngàn khẩu súng cho các băng đảng và đang cần chỗ cất tiền an toàn? Bạn là một đảng viên cộng sản cấp cao ở Trung Quốc đã tham ô hàng xe tải tiền và sợ bị nhà nước sờ gáy? Hãy mở một tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ, kể cả khi bạn có bị tóm thì tiền của bạn vẫn an toàn.
Bạn có thể nói rằng rõ ràng người Thụy Sĩ chơi bẩn. Nhưng bạn hãy thử nêu ra một đất nước luôn "chơi sạch" đi. Chính việc xuất khẩu sự tin cậy đã giúp cho Thụy Sĩ đảm bảo được an ninh quốc gia từ mọi phía. Nhiều khách hàng tại ngân hàng Thụy Sĩ là những nhân vật có "máu mặt" trên chính trường cũng như trong thế giới ngầm. Cả thế giới đang gửi tiền ở Thụy Sĩ, nên kẻ nào tuyên chiến với Thụy Sĩ thì tức là tuyên chiến với cả thế giới, vì lúc đó tiền của mọi người sẽ gặp nguy. Vậy là người Thụy Sĩ không những tuyên bố trung lập với nhân loại, họ còn khiến nhân loại phải bảo vệ tính trung lập của mình. Chừng nào tiền vẫn là trục quay của Trái Đất, thì Thụy Sĩ sẽ còn vững mạnh.
Tuy nhiên, ta cứ giả sử có một quốc gia nào đó nhất quyết muốn xâm chiếm Thụy Sĩ đi. Giả sử quốc gia này không ngại vấn đề địa lý, giơ ngón tay giữa thẳng vào luật pháp quốc tế và không quan tâm đến chuyện ngân hàng. Liệu họ có thành công được không?
Câu trả lời nhất quyết vẫn là không, bởi Thụy Sĩ nắm giữ một sức mạnh rất lớn, sức mạnh đó nằm ở chính những người dân của nó.
4, SI VIS PACEM, PARA BELLUM
"Nếu muốn hòa bình, phải chuẩn bị cho chiến tranh". Câu ngạn ngữ tiếng Latin này chính là tôn chỉ của Thụy Sĩ. Và nếu so sánh về mức độ chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh với Thụy Sĩ thì có lẽ Hàn Quốc cũng chỉ như Iceland.
Toàn bộ công dân nam giới từ 18 tuổi trở lên của nước này bắt buộc phải tham gia nghĩa vụ quân sự. Những người nào không muốn hoặc không thể tham gia nghĩa vụ quân sự có thể được đào tạo cơ bản về vũ trang dưới hình thức “phục vụ cộng đồng”. Do được quân sự hóa mạnh, Thụy Sĩ là một quốc gia với kỷ luật dân tộc rất cao. Khi lệnh tổng động viên được ban bố, họ có thể huy động 200 nghìn binh sĩ trong 72 giờ đầu. Đặc biệt, sau khi hoàn thành nghĩa vụ, các công dân này được phép giữ lại toàn bộ quân trang, từ quân phục, ba lô, giày, thậm chí là cả mặt nạ phòng độc, mũ sắt, áo giáp và súng!
Đúng vậy, súng. Thụy Sĩ có một nền văn hóa súng đạn không thua gì Hoa Kỳ. Vào năm 2017, cứ 100 người Thụy Sĩ thì lại có 28 khẩu súng. Tại đây còn có lễ hội bắn súng truyền thống thường niên, nơi người ta tụ tập thi bắn súng và ăn nhậu! Thậm chí họ còn mở cả các trường bắn dành cho trẻ em nữa!
Nghe thì có vẻ điên rồ, nhưng văn hóa súng đạn của Thụy Sĩ rất khác so với Hoa Kỳ. Tại Thụy Sĩ, người dân được giáo dục rằng giữ súng trong tay là trách nhiệm với an ninh quốc gia, chứ không phải tự vệ hoặc phục vụ sở thích cá nhân. Tại Mỹ, bạn mua súng như mua rau ngoài chợ. Nhưng nếu bạn muốn mua súng ở Thụy Sĩ, bạn sẽ phải điền một mớ giấy tờ lằng nhằng và trải qua các bài kiểm tra lý lịch của cảnh sát, đồng thời phải tham gia các lớp huấn luyện bài bản, tất cả để chứng tỏ bạn không phải mối nguy của xã hội - và bạn cũng chỉ được mua súng với một số lượng hạn chế. Ngoài ra, bạn không được mua hoặc giữ đạn - đạn dược sẽ được cung cấp tại trường bắn hoặc khi có lệnh tổng động viên. Bạn cũng cần phải có giấy phép thì mới được mang súng trên người hoặc để súng trong ô tô. Trên tất cả, đại đa số người Thụy Sĩ giữ súng vì họ tin tưởng vào chính quyền, còn người Mỹ thì ngược lại.
Nhờ văn hóa súng đạn này, Thụy Sĩ có thể triển khai tốt chiến thuật đánh du kích để chống lại những kẻ thù mạnh hơn. Khi có chiến tranh nổ ra, chiến thuật của người Thụy Sĩ sẽ là rút lui về các vùng núi hiểm trở và khiến cho quân địch khổ sở hết mức có thể. Tại những công trình giao thông chủ chốt như đường cao tốc, hầm, cầu, đèo hoặc đường sắt, quân đội Thụy Sĩ bố trí rất nhiều thuốc nổ để có thể kích nổ và chặt đứt đường hành quân của xe cơ giới địch. Ước tính ở Thụy Sĩ có khoảng trên 3000 vị trí như thế.
Ngoài ra ở Thụy Sĩ còn có một thứ được gọi là "răng rồng" (tiếng Đức: Drachenzähne) - những công trình bằng bê tông có ngoại hình trông giống một thanh chocolate Toblerone (vậy nên người Thụy Sĩ gọi vui chúng là “hàng rào Toblerone”), thứ sẽ làm chậm tốc độ của xe tăng để chúng dễ bị súng chống tăng tiêu diệt. Hầu hết các nước đã phá hủy những công trình như thế, nhưng Thụy Sĩ thì không.
Người Thụy Sĩ cũng giống như người Việt Nam hoặc Phần Lan, đều là những bậc thầy về ngụy trang trong chiến tranh. Rất nhiều ngôi nhà, tảng đá và ngọn đồi trông hoàn toàn có vẻ vô hại nhưng thực ra lại là những căn cứ quân sự thu nhỏ.
Không những thế, ở bên dưới những ngọn núi thuộc dãy Alps hùng vĩ còn là các sân bay và kho máy bay được ẩn giấu hết sức tinh vi. Người Thụy Sĩ che đậy sự có mặt của những căn cứ này, đã từng có lần binh lính Thụy Sĩ nói về chúng trên mạng nhưng những thông tin này đã sớm bị xóa khỏi Internet. Thụy Sĩ có không quân trên dãy Alps, nhưng các sân bay đó ở đâu thì không ai biết. Đây chính là thông điệp Thụy Sĩ muốn gửi đến cho những ai định dùng không quân đánh phá nước này.
Nếu nói về những thứ được ẩn giấu ở Thụy Sĩ thì không thể không nhắc tới các boongke. Kể từ khi vũ khí hạt nhân lần đầu xung trận năm 1945, kế theo đó là cuộc chiến ý thức hệ giữa Mỹ và Liên Xô, Thụy Sĩ luôn lo ngại về nguy cơ của một cuộc chiến tranh hạt nhân. Do đó một hệ thống boongke đồ sộ đã được xây dựng khắp cả nước, để đảm bảo mọi công dân Thụy Sĩ đều có thể được an toàn khi chiến tranh hạt nhân xảy ra. Hiện nay, bất cứ ai xây nhà mới tại Thụy Sĩ cũng phải đảm bảo ngôi nhà của mình có một boongke đủ để chống chọi một vụ nổ hạt nhân, hoặc nếu bạn sợ chi phí đắt đỏ thì bạn phải trả tiền để "đặt trước" một chỗ ở boongke công cộng tại khu vực bạn sống. Boongke công cộng có mặt tại các tòa nhà hành chính, nhà ga và những địa điểm đông người qua lại khác. Trên dãy Alps thì đương nhiên là có một số lượng boongke đồ sộ phục vụ cả mục đích dân sự và quân sự.
Các boongke của Thụy Sĩ hiện tại có thể chứa được 113% dân số Thụy Sĩ hiện nay trong vòng vài tháng - họ đã tính cả trường hợp một lượng lớn người di cư vào Thụy Sĩ lánh nạn. Nguy cơ của một cuộc chiến tranh hạt nhân đã không còn nóng bỏng kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhiều boongke tận thế trước kia nay đã trở thành các điểm du lịch giải trí, còn các boongke gia đình thì… bạn nên nhớ rượu vang và pho mát là những loại thực phẩm quan trọng của văn hóa Thụy Sĩ, do đó các boongke này sẽ trở thành hầm chứa rượu và pho mát! Tất nhiên khi cuộc chiến tranh hạt nhân lại cận kề thì các boongke sẽ lại quay về mục đích ban đầu của chúng. Khi bụi phóng xạ tan đi, khả năng cao thế giới sẽ chỉ còn các nguyên thủ quốc gia, lũ gián, và 8.5 triệu dân Thụy Sĩ.
Nếu chiến tranh hạt nhân cũng không đánh bại được họ, thì điều gì có thể làm được đây?
5, TỔNG KẾT
"Thiên đường là nơi có cảnh sát Anh, sự lãng mạn của Pháp, đầu bếp Ý, thợ máy Đức, và chính phủ Thụy Sĩ. Địa ngục là nơi có cảnh sát Đức, sự lãng mạn của Thụy Sĩ, đầu bếp Anh, thợ máy Pháp, và chính phủ Ý".
Nhờ có hàng rào địa lý, chính sách ngoại giao trung lập, sức mạnh kinh tế và chiến lược quân sự, Thụy Sĩ thực sự giống như một cái bẫy khổng lồ ẩn bên trong một pháo đài khổng lồ, thách thức mọi cỗ máy chiến tranh mạnh mẽ nhất. Một quốc gia yên bình, có thiên nhiên tươi đẹp, chính phủ minh bạch, nền dân chủ trực tiếp, chất lượng sống cao, tư tưởng văn minh tiến bộ, thu nhập dồi dào và đảm bảo về an ninh - có lẽ đây chính là đất nước hoàn hảo nhất thế giới.
Vậy nên hãy tiết kiệm tiền dần dần, nhỡ đâu nếu sau này vào khoảng những năm 2030, bạn nghe tin rằng có một người đàn ông gốc Áo với bộ ria kì lạ đang phát biểu hùng hồn trước đám đông giận dữ ở Berlin. Đến lúc đó thì hãy book vé máy bay đi Thụy Sĩ.
Nguồn tham khảo:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất