<i>Các nhà lãnh đạo Nga nổi tiếng trong lịch sử. Từ trái sang phải theo trình tự thời gian: Ivan Khủng Khiếp - Peter Đại Đế - Catherine Đại Đế - Nicholas II - Vladimir Lenin - Joseph Stalin - Mikhail Gorbachyov - Dmitriy Medvedev - Vladimir Putin.</i>
Các nhà lãnh đạo Nga nổi tiếng trong lịch sử. Từ trái sang phải theo trình tự thời gian: Ivan Khủng Khiếp - Peter Đại Đế - Catherine Đại Đế - Nicholas II - Vladimir Lenin - Joseph Stalin - Mikhail Gorbachyov - Dmitriy Medvedev - Vladimir Putin.
Nước Nga, với tên gọi đầy đủ là Liên Bang Nga, là quốc gia nằm ở phía Bắc của lục địa Á-Âu, phía Đông tiếp giáp Thái Bình Dương, phía Bắc tiếp giáp Bắc Băng Dương, phía Tây tiếp giáp với các quốc gia Đông Âu, phía Nam tiếp giáp với Trung Quốc, Mông Cổ và các nước Trung Á.
Nga là quốc gia rộng lớn nhất thế giới, mười bảy triệu kilomet vuông đất trải dài trên 11 múi giờ, bằng với diện tích bề mặt của tiểu hành tinh Pluto (sao Diêm Vương), đồng thời là quốc gia đông dân thứ 9 thế giới với 145 triệu dân.
Nga có kích thước khổng lồ. Chiều ngang của nước Nga có độ dài lên tới 8000km, chiều rộng 3200km, và vắt qua hai châu lục. Cựu ứng cử viên Phó Tổng thống Mỹ Sarah Palin từng nói rằng “Bạn có thể nhìn thấy nước Nga khi đứng trên đất Mỹ” - một câu nói bị truyền thông giễu cợt cắt xén đi thành “Tôi thấy Nga từ cửa nhà tôi”. Sự thật là, đứng từ đảo Little Diomede ở Alaska, bạn có thể nhìn thấy đảo Big Diomede thuộc chủ quyền Nga chỉ cách đó hai dặm. Bạn thực sự có thể nhìn thấy nước Nga khi đứng trên đất Mỹ.
Nước Nga rộng lớn, nhưng địa lý của nó có vấn đề. Những vấn đề địa lý này lý giải tại sao một quốc gia tầm cỡ quốc tế như vậy lại chỉ đứng thứ 11 về GDP, đứng thứ 61 về thu nhập bình quân đầu người, có tỉ lệ nghèo đói cao hơn nhiều so với các quốc gia có cùng vĩ độ (Bắc Âu và Canada), và lý giải nhiều chính sách đối ngoại của các đời vua chúa, lãnh đạo nước Nga trong suốt chiều dài lịch sử.
Lời khuyên tốt nhất cho bạn trước khi đọc tiếp bài viết này là hãy mở sẵn một tab Google Maps bên cạnh tab Spiderum đi, bởi vì...
Muốn biết tại sao Putin lại làm những gì ông ấy đang làm, thì hãy nhìn vào bản đồ.
Tim Marshall
<i>Nguồn: The Atlantic</i>
Nguồn: The Atlantic

1, CẢNG NƯỚC ẤM.

Nga tiếp xúc với những hai đại dương, nhưng nó thiếu trầm trọng đường thông trực tiếp ra một đại dương không bị đóng băng phần lớn thời gian trong năm. Đây là gót chân Achilles lớn nhất của Nga, ngăn cản không cho nước này hoạt động như một thế lực toàn cầu. Lịch sử đã khẳng định: hải quân mạnh + giao thương đường biển phát triển = quốc gia mạnh. Các đế quốc hùng mạnh nhất ít khi nào lại là các quốc gia không giáp biển (trừ Mông Cổ, nhưng đó là thời kì tiền-hàng-hải).
Phải luôn tiếp cận về Constantinople và Ấn Độ, kẻ nào bá chủ ở đó sẽ thống trị cả thế giới. Không ngừng kích động chiến tranh, không chỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ mà còn phải xâm lấn vịnh Ba Tư, tiến xuống Ấn Độ Dương. — Di chúc của Peter Đại Đế để lại cho các thái tử Nga.
<i>CHIẾN TRANH CRIMEA (1853 - 1856): Nga bao vây Biển Đen, bán đảo Crimea và thành phố Istanbul với tham vọng kiểm soát toàn bộ vùng biển này. Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ liên minh với nhau chống lại Nga, cuối cùng Nga thất bại.</i>
CHIẾN TRANH CRIMEA (1853 - 1856): Nga bao vây Biển Đen, bán đảo Crimea và thành phố Istanbul với tham vọng kiểm soát toàn bộ vùng biển này. Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ liên minh với nhau chống lại Nga, cuối cùng Nga thất bại.
Nga không phải là không có nhiều cảng biển lớn, nhưng các cảng biển này đều có một hoặc nhiều hạn chế về mặt địa lý. Murmansk, Saint Petersburg và Vladivostok đều đóng băng vào mùa đông. Kaliningrad không bị đóng băng nhưng không được kết nối với phần còn lại của đất liền Nga. Novorossiysk có một cảng nước ấm, nhưng nó lại không phải cảng nước sâu. Tàu thuyền từ Saint Petersburg hoặc Kaliningrad muốn ra Đại Tây Dương phải đi qua các eo biển Đan Mạch, và Đan Mạch là một thành viên NATO. Từ Novorossiysk muốn ra khỏi Biển Đen thì lại phải đi qua eo Bosphorus do một thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát. Vladivostok bị hạn chế khả năng tiếp cận Thái Bình Dương bởi sự chặn đường của quần đảo Nhật Bản - một đồng minh quan trọng của Mỹ.
Cuộc xâm lược Afghanistan của Liên Xô vào cuối thế kỉ XX cũng là minh chứng rõ cho giấc mơ một quân cảng nước ấm của Moskva. Các đảng viên Cộng sản chóp bu có thể không ưa chế độ quân chủ Sa Hoàng, nhưng họ vẫn khắc ghi những lời răn dạy của Peter Đại Đế: tìm cách tiếp cận vịnh Ba Tư và Ấn Độ Dương. Đáng tiếc thay, Afghanistan lại một lần nữa trở thành mồ chôn của các đế chế, khi mà cả Đế chế Anh và Đế chế Xô-viết đều sa lầy tại nơi đây (và mới đây nhất là Đế chế Hoa Kỳ). Cuộc chiến Afghan được ví như cuộc chiến tranh Việt Nam của Liên Xô, và gián tiếp dẫn tới sự sụp đổ của họ. Và nhắc tới Việt Nam, thì cũng không thể không nói tới việc cảng Cam Ranh đã từng là nơi Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô và cả Liên bang Nga neo đậu cho đến tận năm 2002.
Bài hát thể hiện nỗi lòng người lính Hồng quân tại Afghan.
Việc thiếu một cảng nước ấm cũng là lí do tại sao Putin đã không khoan nhượng trong cuộc ẩu đả chính trị tại Ukraine. Tại phía Nam Ukraine là bán đảo Crimea, nơi có khí hậu ấm áp, hàng triệu người Nga sinh sống và cảng nước sâu Sevastopol. Sevastopol là một vị trí quan trọng nơi tàu chiến Nga thả neo. Crimea bị Đế quốc Nga chinh phục từ thời Catherine Đại Đế, và được trao lại cho Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô-viết Ukraine (thuộc Liên bang Xô-viết) bởi Tổng bí thư Liên Xô Nikita Khrushchyov vào năm 1954, một nước đi có thể sẽ khiến Nữ hoàng Catherine và hàng ngàn người lính Nga đã hi sinh để chiếm Crimea đội mồ sống dậy bóp cổ ông ta. Khó có thể thể trách Khrushchyov được, lúc đó ai cũng tưởng Liên Xô sẽ trường tồn, và Crimea sẽ luôn thuộc quyền kiểm soát của Moskva.
Và rồi Liên Xô sụp đổ, nước Ukraine mới thành lập dần ngả về phía Tây. Moskva lập tức nhận thấy đây là một vấn đề sống còn: nếu Ukraine gia nhập NATO và Sevastopol trở thành căn cứ hải quân của NATO, thì sức mạnh nước Nga ở Biển Đen coi như đi tong. Putin đã không còn sự lựa chọn: ông PHẢI thôn tính được Crimea. Cuộc trưng cầu dân ý bị Liên Hợp Quốc lên án là bất hợp pháp, nhưng từ năm 2014 đến nay, thực thể trên thực tế kiểm soát Crimea vẫn là Nga. Hạm đội Biển Đen hùng mạnh của Nga đang đóng quân ở Sevastopol, nhưng cũng giống như Novorossiysk, đường ra biển của Nga vẫn bị Thổ Nhĩ Kỳ ngáng chân. Sát nhập Crimea chỉ củng cố vị thế nước Nga như một tay đầu gấu địa phương tại Biển Đen chứ không giúp nó trở thành thế lực hải quân đại dương, nhưng để mất Crimea có thể sẽ là nước chiếu hết NATO dành cho Nga, và Nga không thể cho phép điều đó.
Quân lính Nga tại Crimea (nguồn: NY Times)
Quân lính Nga tại Crimea (nguồn: NY Times)
Không ai đến cứu Ukraine khi họ mất một mảng đất to bằng nước Bỉ, ngoại trừ các lệnh trừng phạt kinh tế (thực ra như vậy là đủ để làm suy thoái nền kinh tế Nga, nhưng sẽ không thể làm Moskva nhả Crimea ra). Các nhà lãnh đạo NATO hẳn đã thở phào nhẹ nhõm với nhau “Ơn Chúa, nếu Ukraine mà thuộc NATO thì chúng ta đã phải ra tay!”. Nếu Nga tấn công một thành viên NATO, ngay lập tức Điều 5 của hiệp ước Bắc Đại Tây Dương sẽ được kích hoạt: cuộc tấn công vào một thành viên sẽ được coi như tấn công vào tất cả, và tất cả đều có nghĩa vụ đáp trả (Mỹ đã kích hoạt Điều 5 sau vụ khủng bố 11/9, kéo theo đó là sự can thiệp của NATO vào Trung Đông). Lối ra vào các đại dương của Nga sẽ bị chặn lại dễ dàng, điều này sẽ tàn phá nền kinh tế Nga và hạn chế sức mạnh của hải quân Nga. NATO hiểu việc có thêm Crimea sẽ không xoay chuyển được gọng kìm địa lý mà họ giăng ra để khóa chặt Nga. Họ có thể để mất Crimea và tránh một cuộc chiến tốn kém, nhưng Nga thì không.

2, ĐỒNG BẰNG ĐÔNG ÂU.

Một lý do nữa giải thích tại sao Nga không muốn Ukraine ngả về phía Tây chính là cái dải đất mênh mông được gọi là Đồng bằng Đông Âu.
Trị vì một lãnh thổ rộng lớn như thế, các nhà lãnh đạo Nga phải có con mắt quan sát bao quát rất rộng, nhưng từ xưa tới nay họ vẫn luôn tập trung về phía Tây. Toàn bộ nước Nga được bao bọc bởi địa lý, trừ mỗi phía Tây - phần thuộc châu Âu nơi 70% dân số Nga sinh sống. Siberia là một hệ thống phòng thủ vĩ đại, không một đội quân nào có thể tiến quân từ phía Đông hoặc phía Nam để tấn công Nga được, trừ khi họ muốn đánh nhau với tuyết và rừng taiga. Khí hậu khắc nghiệt, địa hình khó chịu, cần tới hàng ngàn dặm đường tiếp tế, và nguy cơ bị phản công luôn thường trực. Dãy núi Caucasus ngăn không cho các thế lực Trung Á tiếp cận Nga, và thế lực duy nhất xâm chiếm Nga từ Bắc Băng Dương thì lại là bọn gấu trắng.
<i>Đồng bằng Đông Âu bằng phẳng (nguồn: Wikipedia - East European Plain)</i>
Đồng bằng Đông Âu bằng phẳng (nguồn: Wikipedia - East European Plain)
Nhưng phía Tây thì lại là chuyện khác. Trong lịch sử có rất nhiều thế lực muốn làm cỏ nước Nga từ phía Tây: người Ba Lan, người Thụy Điển, người Pháp, người Thổ, người Đức (những hai lần) và ngày nay thì là NATO. Trước mặt của nước Nga là một khoảng không mênh mông có tên là Đồng bằng Đông Âu. Đồng bằng này có hình dạng giống như một hình thang với đáy nhỏ là Ba Lan, mở rộng dần ra về phía Đông cho tới đáy lớn ở dãy Ural. Nó bằng phẳng đến mức trông chẳng khác nào một con đường dọn sẵn để các thế lực phương Tây dễ dàng hành quân đến tận cửa ngõ thành Moskva.
Từ thời của Ivan Khủng Khiếp, các chính sách đối ngoại của nước Nga luôn xoay quanh việc làm thế nào để bảo vệ nước Nga từ phía Tây, và câu trả lời vị Sa Hoàng đầu tiên này đưa ra chính là: tấn công để phòng thủ. Không ngừng xâm lược, bành trướng để tạo ra các “vùng đệm” bảo vệ lãnh thổ Nga, đó là những gì Ivan Khủng Khiếp và đời đời con cháu của ông cố gắng thực hiện. Cho dù bạn là một Vương công của Đại Công quốc Moskva, một Sa Hoàng của Đế quốc Nga, một Lãnh tụ Tối cao của nước Nga Xô-viết hay một Tổng thống của Liên bang Nga, bạn luôn phải tuân theo lời dạy này để bảo vệ đất nước của bạn bằng cách này hay cách khác: hoặc là xâm lược và đồng hóa, hoặc là thiết lập các chính quyền chuyên chế bù nhìn dưới danh nghĩa truyền bá chủ nghĩa cộng sản, hoặc là trói chặt kinh tế và ngoại giao của các nước ấy vào Nga.
Vì thế, nước Nga mà bạn biết, dù là một nước Nga Sa Hoàng, một nước Nga cộng sản hay một nước Nga tư bản thân hữu, thì vẫn luôn là một Đế quốc Nga.
Sau khi Liên Xô tan rã, Moskva lại âu lo nhìn về phía Tây trong khi NATO ngày một nhích đến gần, kết nạp các quốc gia vốn trước đây từng là “vùng đệm” của Nga, thậm chí là cả các quốc gia hậu Xô-viết, đặc biệt là ba nước ven biển Baltic là Estonia, Latvia và Lithuania - vốn không có quan hệ hữu hảo với Nga. Ranh giới Nga - NATO vốn từng kéo dài đến tận trung tâm nước Đức dưới thời Liên Xô, nay chỉ cách Saint Petersburg có 2 tiếng rưỡi lái xe. Nga đang bị NATO kề dao sát cổ.
<i>Máy bay Mỹ tại căn cứ không quân Ämari, Estonia (nguồn: Google Maps)</i>
Máy bay Mỹ tại căn cứ không quân Ämari, Estonia (nguồn: Google Maps)
Vùng đệm của Moskva hiện nay bị co rút lại còn bốn vị trí chiến lược mà Nga cần phải duy trì ảnh hưởng của mình tại đó: Phần Lan, Kaliningrad, Belarus, và Ukraine. Bốn điểm này nối với nhau gần như là tạo thành một vành đai ôm trọn biên giới phía Tây của nước Nga, lại còn cô lập được ba nước Baltic. NATO cũng muốn tìm cách chọc thủng vùng đệm đó bằng cách lôi kéo những quốc gia ấy về phía mình. Đó là nguyên nhân vì sao trong các biến cố chính trị của Belarus và Ukraine, bạn có thể thấy chúng bốc mùi phương Tây rất rõ, và bạn cũng có thể thấy Moskva đã vô cùng quyết liệt nhúng tay vào.
Belarus - nhà nước độc tài cuối cùng tại châu Âu - vẫn đang nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền thân Nga, mà đại diện của nó là Tổng thống Alexander Lukashenko. Sự cầm quyền của Lukashenko khiến cho chính quyền Putin trông vẫn còn dân chủ chán: ông ta nắm quyền Tổng thống từ năm 1994 và đến nay vẫn chưa rời khỏi ghế. Vai trò của Belarus với an ninh quốc gia Nga đã được khẳng định khi Putin nhiều lần lên tiếng ủng hộ chính quyền của ông này, và hứa sẽ sát cánh cùng Lukashenko chống lại phương Tây.
<i>Người biểu tình phản đối Tổng thống Lukashenko tại thủ đô Minsk, Belarus ngày 16/8/2021 (nguồn: VNExpress)</i>
Người biểu tình phản đối Tổng thống Lukashenko tại thủ đô Minsk, Belarus ngày 16/8/2021 (nguồn: VNExpress)
Sau khi cơn bão khủng hoảng chính trị và nội chiến càn quét Ukraine, nước này không còn nằm trong vòng tay yêu thương của Moskva, nhưng phương Tây cũng dè dặt với quốc gia này, bởi NATO hiểu việc Ukraine gia nhập EU hoặc NATO có thể trở thành mồi lửa cho cuộc chiến tranh mới. Hiện tại chiến sự ở miền Đông Ukraine vẫn đang lác đác nổ ra, và sự có mặt của quân đội Nga tại đó đã được xác nhận. Moskva chống lưng cho các nhà nước li khai ở miền Đông Ukraine với hi vọng duy trì sự hiện diện của một vùng đệm. Ukraine ngày nay đang được lãnh đạo bởi một chính quyền thân phương Tây, NATO và Ukraine đã tổ chức nhiều cuộc tập trận với nhau bất chấp sự phản đối của Nga. Hai bên vẫn đang chơi trò kéo co ở quốc gia này.
Phần Lan hiện nay đang trung lập. Chừng nào Phần Lan, và xa hơn nữa là Thụy Điển, vẫn còn là các quốc gia trung lập, thì Moskva vẫn còn yên tâm. Quan hệ Phần Lan - Nga có thể được hiểu đơn giản giống như quan hệ của bạn với tay hàng xóm, mà trước đây bạn đã từng cãi nhau to với hắn và đập cho hắn một trận tơi tả, sau đó hắn cuỗm mất vài ba cái chậu cây nhà bạn và tuyên bố hắn đã chiến thắng, nhưng ít nhất thì hắn hứa sẽ không đụng vào bạn nữa. Bây giờ bạn vẫn không ưa hắn, nhưng ngày nào đi làm bạn cũng gặp phải hắn trên đường, thế là bạn với hắn vẫn phải tươi cười vẫy chào nhau.
Bài hát của Phần Lan về cuộc chiến tranh Liên Xô - Phần Lan (1939 - 1940). Theo hiệp ước Molotov-Ribbentrop, Đức Quốc xã và Liên Xô chia sẻ quyền lực ở Đông Âu, trong đó Phần Lan thuộc vùng ảnh hưởng của Moskva. Liên Xô đòi hỏi một phần lãnh thổ Phần Lan để làm vùng đệm cho Leningrad (St Petersburg), Phần Lan không đồng ý. Liên Xô điều máy bay ném bom và đưa bộ binh vào Phần Lan. Người Phần Lan với lối đánh du kích và lợi dụng khí hậu mùa đông khắc nghiệt đã gây thiệt hại lớn cho Hồng quân. Cuối cùng hai nước ký hiệp ước: Phần Lan chấp thuận một phần các yêu cầu ban đầu của Liên Xô, đổi lại Liên Xô tôn trọng nền độc lập của Phần Lan và hứa hỗ trợ Phần Lan trong trường hợp Phát xít Đức tấn công. Liên Xô về cơ bản đạt được mục đích, nhưng đây cũng là thắng lợi tinh thần lớn của nhân dân Phần Lan.

3, VẬY TẠI SAO NƯỚC NGA CHƯA BỊ NUỐT CHỬNG?

Có hai lý do khiến nước Nga của Putin vẫn đang chèo chống tốt trước những chướng ngại địa lý: dầu mỏ và khí tự nhiên.
Nga là cường quốc về năng lượng, đặc biệt là nhiên liệu hóa thạch: trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới, xuất khẩu khí đốt nhiều nhất thế giới, trữ lượng dầu mỏ đứng thứ tám. Đó là còn chưa tính tới trữ lượng khổng lồ có thể nằm bên dưới các thềm băng ở Bắc Cực và các đài nguyên lạnh giá ở Siberia. Và khách hàng lớn nhất của họ là ai? Chính là EU.
Bạn nằm càng gần Moskva, bạn càng phụ thuộc nhiều vào Nga về mặt năng lượng. Phần Lan và các nước Baltic gần như phụ thuộc hoàn toàn vào Nga về khí đốt. Các nước Đông Âu phụ thuộc khoảng 60 đến 80%, và đặc biệt là gã chủ nhà Đức nhập khẩu hơn một nửa lượng khí đốt hàng năm từ Nga. Có một thanh gươm đang chĩa thẳng vào trái tim của EU mà Nga nắm đằng chuôi, thanh gươm ấy có hình dạng của những đường ống dẫn khí đốt, những đường ống mà người Nga toàn quyền tăng hoặc giảm lưu lượng. Không có khí đốt Nga, các nước trên sẽ thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng sau 10 ngày.
Điều này cũng khiến cho Đức có vẻ ít nhiệt tình trong việc lên án Nga hơn là những quốc gia ít phụ thuộc năng lượng vào Nga như Vương quốc Anh. Quốc gia nào có quan hệ càng tốt với Nga thì trả càng ít tiền cho năng lượng, ví dụ như Phần Lan. Tất nhiên, châu Âu tìm cách đa dạng hóa nguồn cung khí đốt của mình, chẳng hạn như đầu tư xây dựng các cảng biển dành cho khí hóa lỏng nhập khẩu từ Mỹ hoặc Trung Đông. Tuy nhiên sự phụ thuộc vào dầu khí từ Nga vẫn rất lớn, và sẽ khó có thể thay đổi trong thế kỉ này. Một nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ như Nga không phải một nền kinh tế hùng mạnh và ổn định, nhưng Điện Kremlin vẫn có thể duy trì dầu mỏ và khí thiên nhiên như hai thứ quyền lực mềm để thao túng châu Âu.
<i>Thủ tướng Đức Angela Merkel từng chỉ trích Mỹ vì lệnh cấm vận Nga ngăn cản sự hợp tác về năng lượng giữa EU và Nga (nguồn: DW)</i>
Thủ tướng Đức Angela Merkel từng chỉ trích Mỹ vì lệnh cấm vận Nga ngăn cản sự hợp tác về năng lượng giữa EU và Nga (nguồn: DW)
Điều này cũng lí giải tại sao Nga lại tương đối dè dặt trong các hội thảo về chống biến đổi khí hậu: chừng nào dầu khí vẫn là trục quay của thế giới, thì sức mạnh của nước Nga vẫn còn, hơn nữa khi Trái đất ấm lên và băng tan đi, họ sẽ tiếp cận được trữ lượng dầu khí khổng lồ nằm bên dưới Bắc Băng Dương và Siberia. Nga là một trong số ít các quốc gia được hưởng lợi từ biến đổi khí hậu.

4, TỔNG KẾT

Nước Nga mà bạn biết, dù là một nước Nga Sa Hoàng, một nước Nga cộng sản hay một nước Nga tư bản thân hữu, thì vẫn luôn là một Đế quốc Nga.
Nước Nga mà bạn biết, dù là một nước Nga Sa Hoàng, một nước Nga cộng sản hay một nước Nga tư bản thân hữu, thì vẫn luôn là một Đế quốc Nga.
Liệu Vladimir Putin hay bất cứ người kế nhiệm nào của ông có thể thực hiện được sứ mệnh đó thành công không? Hay có lẽ, Chúa đã đặt ra số phận cho nước Nga của ông là không thể trở thành cường quốc? Tất nhiên, yếu tố địa lý không phải là tất cả những gì làm nên một quốc gia hùng cường, nhưng lịch sử lại chứng minh rằng nó là yếu tố mang tính quyết định đối với sự phát triển và suy vong của mỗi quốc gia.
Từ Đại Công quốc Moskva, Đế quốc Nga, Liên Xô và hiện tại là nước Nga cộng hòa liên bang, các vua chúa và lãnh đạo Nga luôn phải đối mặt với những vấn đề giống nhau. Cho dù ý thức hệ của nước Nga thay đổi, từ quân chủ cho đến cộng sản hoặc tư bản thân hữu, thì các vấn đề của địa lý Nga vẫn còn đó: Đồng bằng Đông Âu bằng phẳng, và những hải cảng hoặc bị đóng băng, hoặc nằm ở vị trí oái oăm.
Cờ vua là môn thể thao trí óc được yêu thích số một tại Nga. Và ván cờ địa lý mà Chúa bày ra cho nước Nga, đã được chơi từ thời Ivan Khủng Khiếp, vẫn còn đang chưa thoát khỏi khai cuộc.
Nguồn tham khảo:
Những tù nhân của địa lý - Tim Marshall, NXB Nhã Nam, 2020