Về mặt toán học mà nói thì, nước Pháp trông gần giống như một hình lục giác, và hình lục giác là một trong những hình phẳng đẹp, vững chắc và hoàn hảo nhất!
Cộng hòa Pháp là một quốc gia nổi tiếng ở Tây Âu, không chỉ được biết đến về ẩm thực, tháp Eiffel, sự lãng mạn và phong cách hào hoa; mà còn với lịch sử đầy biến động, chiến tranh, cách mạng, và hiện nay đang là một trong những "siêu cường" của thế giới về kinh tế, quân sự lẫn chính trị. Pháp có diện tích lãnh thổ lớn nhất EU, nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới, cùng với Đức họ là những trụ cột lớn nhất của Liên minh châu Âu.
Do bị chiến tranh tàn phá, cùng với sự sụp đổ của chủ nghĩa đế quốc và sự ảnh hưởng lớn từ Hoa Kỳ và EU, vị thế nước Pháp hiện nay đã suy giảm nhiều so với cách đây 1, 2 thế kỉ, nhưng Pháp vẫn là một thế lực đáng gờm ở châu Âu và trên thế giới trong phần lớn thời gian tồn tại của nó. Để lý giải cho sức mạnh này của nước Pháp (và sự suy giảm của sức mạnh ấy), chúng ta có thể phân tích những món quà (và lời nguyền) của địa lý mà Chúa ban tặng cho vùng đất này; từ thời Vương quốc Frank, triều đại Bourbon, sự trỗi dậy của Bonaparte, qua hai cuộc Thế Chiến và đến tận hôm nay. Một lần nữa hãy mở một tab Google Maps cạnh Spiderum nhé.
Bài viết này sẽ chỉ phân tích yếu tố địa lý của Chính quốc Pháp (France métropolitaine) - tức phần lãnh thổ Pháp thuộc châu Âu lục địa. Các lãnh thổ hải ngoại sẽ không được xét tới.
Đầu tiên, hãy nói về vị trí. Pháp nằm ở một vị trí thuận lợi cho phép nó trở thành quốc gia duy nhất ở châu Âu được coi là một thế lực ở cả Bắc và Nam Âu, tiếp giáp với cả biển Bắc, Đại Tây Dương và Địa Trung Hải.
Yếu tố địa hình cũng đóng góp lớn vào sự phát triển của nền văn minh Pháp. Phần lớn địa hình là đồng bằng và núi đồi thấp ở phía Bắc và phía Tây, cho phép giao thương và trao đổi diễn ra thuận lợi đồng thời tạo điều kiện cho sự thống nhất về văn hóa giữa các khu vực dân cư. Pháp có hệ thống sông lớn, bao gồm những con sông dài, kết nối nhiều khu vực của Pháp và kết nối Pháp với các nước láng giềng như Rhein, Seine, Loire, Garonne và Rhône.
<i>Hệ thống sông của Pháp</i>
Hệ thống sông của Pháp
Ở thời kì giao thông đường bộ chưa phát triển, thì vận tải hàng hóa bằng đường sông là cách thuận lợi nhất. Những con sông này tạo ra những vùng thương mại khổng lồ, kết nối cư dân Pháp với nhau, tạo nên sự thống nhất về văn hóa, do đó Pháp là một trong những “quốc gia dân tộc” đầu tiên trên thế giới (một quốc gia tồn tại để đại diện chủ quyền cho một dân tộc, có sự thống nhất mạnh mẽ về văn hóa, ngôn ngữ và bản sắc). Bản thân thủ đô Paris cũng nằm ở điểm giao nhau của hai nhánh của sông Seine. Không những thế, các con sông này giúp Pháp có những vùng nông nghiệp khổng lồ - một lợi thế truyền thống của Pháp từ xưa tới nay. Hiện nay nông sản Pháp chiếm 20% sản lượng của EU, Pháp hiện nắm trong tay diện tích đất canh tác lớn thứ ba châu Âu chỉ sau Nga và Ukraine, và xuất khẩu nông sản nhiều thứ ba thế giới. Hãy nghĩ đến điều này mỗi khi bạn bật nắp chai Champagne hoặc nhâm nhi ly rượu vang Bordeaux thượng hạng.
Các đường biên giới của Pháp cũng được bao bọc vững chắc bởi các chướng ngại địa lý cản bước những thế lực muốn xâm lược quốc gia này: ở phía Bắc là biển Bắc, phía Tây Bắc là eo biển Manche ngăn cách nó với một cường quốc khác là Anh, phía Tây là Đại Tây Dương mênh mông, phía Tây Nam là dãy núi Pyrenees nơi quân Pháp có thể dễ dàng phòng thủ, phía Nam là biển Địa Trung Hải, phía Đông Nam là khối núi Alps đồ sộ - gần như không một đạo quân nào có thể hành quân qua được (ngoại trừ… chính người Pháp dưới thời Napoléon), và phía Đông là sông Rhein, cũng là một chướng ngại tự nhiên có thể phòng thủ được. Pháp có một tấm áo giáp địa lý vững chắc bao phủ nó.
Nhưng tấm áo giáp này không phải là không có kẽ hở. Phía Đông Bắc - vùng đất ngày nay bao gồm Bỉ, Hà Lan, Luxembourg và Đông Bắc nước Pháp - là một vùng đất hoàn toàn bằng phẳng. Nó là một phần của Đồng bằng Bắc Âu - một dải đất chạy một mạch từ Đại Tây Dương đến Ba Lan, nơi nó tiếp tục mở rộng ra đến tận dãy Ural thuộc nước Nga. Đây là điểm yếu duy nhất và lớn nhất trong địa lý của Pháp, bởi vị trí này quá thuận lợi để một đội quân tiến công xâm lược Pháp và xông thẳng vào chân tường thành Paris. Và, đã có người làm thế thật! Một gã có bộ ria kì quặc nào đó thi trượt học viện mỹ thuật Vienna ấy. Người Pháp mà không phòng thủ được vị trí này thì quốc gia Pháp coi như đi tong.
Trong suốt hàng ngàn năm lịch sử, từ thời các vua chúa người Frank, các lãnh đạo của Cách mạng Pháp cho đến các chính khách Pháp hiện đại như Charles de Gaulle hay thậm chí là cả Macron nữa, đều tìm cách bảo vệ cho đất nước của họ từ phía Đông. Ý tưởng này thực sự được bàn luận nghiêm túc trong thời Cách mạng Pháp - trong bối cảnh vua Louis XVI và hoàng hậu Marie Antoinette bị đưa lên máy chém. Các chính quyền quân chủ châu Âu rất lo sợ tư tưởng cách mạng của Pháp sẽ lây lan khắp châu lục như dịch hạch, thế là họ liên quân lại tìm cách tiêu diệt nhà nước cách mạng non trẻ.
Lệnh tổng động viên được huy động, quân đội cách mạng với tinh thần chiến đấu rất cao không những đã đánh đuổi được kẻ thù để bảo vệ đất nước, mà còn chiếm được toàn bộ vùng đất phía Tây sông Rhein - một nước đi chiến lược để có thể phòng thủ nước Pháp từ mọi phía bằng các ranh giới tự nhiên. Bài quốc ca của nước Pháp cách mạng, “La Marseillaise”, ban đầu có tên gọi là Chant de guerre de l'armée du Rhin (Hành khúc quân sông Rhein) với hàm ý quân Pháp sẽ đánh đuổi bọn Áo - Phổ về phía bên kia sông Rhein. Khi Napoléon trỗi dậy, vị Hoàng đế này còn tiến xa hơn nữa khi tạo ra một nhà nước bù nhìn có tên là Liên bang Sông Rhein (Confederation of the Rhein) đóng vai trò như một vùng đệm cho Pháp ở phía Đông, vượt qua dãy Alps để xâm chiếm Italia, và nắm quyền kiểm soát cả Tây Ban Nha phía bên kia dãy Pyrenees.
<i>Đệ Nhất Đế chế Pháp của Napoléon, 1810 (Nguồn: Worldpress.com - Map collection)</i>
Đệ Nhất Đế chế Pháp của Napoléon, 1810 (Nguồn: Worldpress.com - Map collection)
Khi đế chế Napoléon sụp đổ thì tất cả những lá chắn địa lý này cũng mất theo, trong đó có cả phần tả ngạn sông Rhein. Sức phòng thủ tự nhiên của Pháp suy yếu, nhưng ít ra thì chưa có một ai tìm cách xâm lược nó lúc đó cả. Phổ và Áo vẫn cách xa biên giới của Pháp, và Moskva cũng cách Paris một chặng đường rất dài. Pháp vẫn còn được an toàn khi chưa có địch thủ lớn nào ở châu Âu nổi lên, nhưng rồi Đức thống nhất dưới tay người Phổ. Và rồi một trong những mối quan hệ bi kịch nhất lịch sử nhân loại xuất hiện, mối quan hệ sẽ định hình cả châu Âu và thế giới trong thế kỉ sau đó: mối quan hệ Pháp-Đức.
Pháp là một cường quốc hùng mạnh với quân đội thiện chiến, thuộc địa nhiều và tầm ảnh hưởng lớn. Nhưng rồi sự thống nhất Đế chế Đức trở thành cơn ác mộng tồi tệ nhất mà người Pháp có thể nghĩ đến: giờ đây họ có một gã hàng xóm với diện tích lớn hơn, quy mô dân số lớn hơn, quân đội hiện đại hơn, công nghiệp phát triển hơn; và thứ duy nhất ngăn cách họ với người Đức là cái dải đất bằng phẳng phía Đông Bắc kia. Trong cuộc chiến tranh Pháp-Phổ (1870 - 1871), điểm yếu chí mạng này của Pháp đã bị lợi dụng, và lễ thành lập nước Đức thống nhất đã diễn ra ở cung điện Versailles.
<i>LỄ TUYÊN BỐ THỐNG NHẤT ĐỨC (18/01/ 1871) tại cung điện Versailles. "Thủ tướng Sắt" Otto von Bismarck mặc áo trắng đứng giữa. Đứng trên bục là Hoàng đế Phổ Wilhelm I (đang giơ tay), bên phải ông là Thái tử Friedrich (sau này là Hoàng đế Friedrich III). Tranh vẽ của Anton von Werner.</i>
LỄ TUYÊN BỐ THỐNG NHẤT ĐỨC (18/01/ 1871) tại cung điện Versailles. "Thủ tướng Sắt" Otto von Bismarck mặc áo trắng đứng giữa. Đứng trên bục là Hoàng đế Phổ Wilhelm I (đang giơ tay), bên phải ông là Thái tử Friedrich (sau này là Hoàng đế Friedrich III). Tranh vẽ của Anton von Werner.
Trong thế kỉ XX, người Đức thậm chí còn làm lại điều đó hai lần. Cả hai lần, Pháp cầu nguyện rằng Đức sẽ tôn trọng sự trung lập của nước Bỉ trong hai cuộc Thế Chiến và không kéo quân qua Đồng bằng Bắc Âu để đánh Pháp. Cả hai lần người Đức nói “Trung lập thì sao, kệ mẹ nó chứ!” và xâm lược Bỉ để làm bàn đạp tiến vào Paris. Trong Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất, họ suýt làm được khi chỉ còn cách Paris có 70km, còn trong Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai thì...
<i>Các bạn nhận ra ai chứ?</i>
Các bạn nhận ra ai chứ?
Pháp đã và sẽ luôn lo sợ người hàng xóm của mình, một nước Đức dân tộc chủ nghĩa, với dân số đông hơn và quân đội mạnh. Sau Thế Chiến 1, để đề phòng một cuộc tiến công sau này của quân Đức từ phía Đông, chính phủ Pháp quyết định cho xây dựng cái được gọi là “Phòng tuyến Maginot” - một công trình quân sự chạy dọc biên giới Đức - Pháp với nhiều tường bê tông, pháo đài, lô cốt, ụ súng chống tăng, súng máy, đại bác và trại lính. Về mặt lý thuyết, phòng tuyến Maginot sẽ cản bước quân xâm lược Đức, cầm cự đủ lâu để Pháp chuẩn bị cho một cuộc phản công với quân chi viện của các đồng minh. Người Pháp hi vọng áp dụng lại chiến thuật từ thời Thế Chiến 1 sẽ giúp họ phản kháng lại được nước Đức.
Có một vấn đề mà người Pháp không tính đến. Nước Bỉ trung lập yêu cầu phòng tuyến Maginot không được chạy dọc biên giới nước này (cho đến khi họ đồng ý thì đã quá muộn). Vẫn chưa sao, Pháp đã định trước điều này và cho quân chủ lực của liên minh Anh - Pháp đóng quân ở miền Bắc nước Pháp sẵn sàng nghênh chiến Đức.
Tuy nhiên người Đức đã cao tay hơn: thay vì đánh vào các pháo đài Pháp ở phía Nam hoặc tấn công quân chủ lực ở phía Bắc, họ đánh vào chính giữa - nơi có địa hình gò đồi và khu rừng Ardennes rậm rạp. Người Pháp cho rằng địa hình ở khu vực này quá khó để Đức hành quân qua, đủ để câu giờ cho quân chi viện phản công, do đó bố trí nhân lực rất mỏng. Tuy nhiên quân đội Đức với chiến thuật tác chiến mới và vũ khí cơ giới mới đã biết trước những chướng ngại này, và khai thác triệt để lỗ hổng trong Vạn Lý Trường Thành Tây Âu của Pháp. Đức dễ dàng chọc thủng phòng tuyến Maginot, vòng ngược lại đánh úp liên quân Anh - Pháp và buộc quân Anh tháo chạy về Dunkirk. Sáu tuần sau, Pháp đầu hàng.
<i>TRẬN VERDUN (21/02/1916 - 18/12/1916): Quân Đức đánh thẳng vào pháo đài Verdun - mũi nhọn phòng thủ của Pháp. Quân Pháp chống trả quyết liệt, và phòng thủ được pháo đài. Tổng cộng có hơn 300.000 người chết ở cả hai phe. Người Đức không chiếm được Verdun nhưng quân Pháp cũng đã kiệt quệ. Đây là trận đánh dài nhất và kinh hoàng nhất của Thế Chiến 1. Nhiều sử gia gọi đây là "trận đánh tồi tệ nhất lịch sử" vì cả hai phe đều tổn thất quá nặng.</i>
TRẬN VERDUN (21/02/1916 - 18/12/1916): Quân Đức đánh thẳng vào pháo đài Verdun - mũi nhọn phòng thủ của Pháp. Quân Pháp chống trả quyết liệt, và phòng thủ được pháo đài. Tổng cộng có hơn 300.000 người chết ở cả hai phe. Người Đức không chiếm được Verdun nhưng quân Pháp cũng đã kiệt quệ. Đây là trận đánh dài nhất và kinh hoàng nhất của Thế Chiến 1. Nhiều sử gia gọi đây là "trận đánh tồi tệ nhất lịch sử" vì cả hai phe đều tổn thất quá nặng.
<i>Quân đội Đức Quốc xã tiến vào Paris, ngày 14/06/1940</i>
Quân đội Đức Quốc xã tiến vào Paris, ngày 14/06/1940
Sau năm 1945, biên giới Pháp vẫn còn đó khoảng trống phía Đông Bắc nơi đất đai bằng phẳng trải rộng. Pháp lần này quyết định dùng tới một biện pháp khác để bảo vệ biên giới của họ: ngoại giao. Với việc cả Pháp và Đức đều gia nhập những liên minh lớn của phương Tây như EU hay NATO, sự sử dụng chung một đồng tiền Euro, cộng với sự hội nhập sâu sắc về kinh tế, văn hóa và con người giữa hai nước, dường như một cuộc Chiến tranh Pháp-Đức lần thứ Tư là một thứ rất khó xảy ra trong bối cảnh này.
Cuối cùng, sau hàng thiên niên kỉ, thì Pháp cũng đã xây dựng được một lớp bảo vệ 360 độ xung quanh mình. Điều này đi kèm với cái giá của nó. Hiện nay khi bạn hỏi ai đang là đầu tàu của EU, thì khả năng câu trả lời bạn nhận được là “Berlin” sẽ cao hơn “Paris” nhiều. Mặc cho hàng chục năm chiến tranh và chia cắt, Đức vẫn là quốc gia với quy mô dân số và nền kinh tế lớn hơn Pháp. Đây là thế tiến thoái lưỡng nan: hoặc là Pháp chấp nhận để cho Đức dẫn dắt EU nhưng sự chấp nhận ấy sẽ khiến vị thế nước Pháp suy giảm, hoặc là sự tranh giành ngôi đầu bảng với Đức sẽ khiến liên minh này rạn nứt. Ngoài ra, cả hai nước đều nhất trí rằng có một cường quốc duy nhất đang áp đảo ở toàn bộ Liên minh châu Âu, đó là Hoa Kỳ - kẻ thành lập NATO và chống lưng cho EU. Vị thế nước Pháp tuy có suy yếu hơn so với đầu thế kỉ XX, nhưng nó vẫn là một quốc gia lớn mạnh của thế giới. Chấp nhận đánh đổi ngôi vị đầu bảng để đổi lấy sự đảm bảo an ninh, liệu đó có phải cái giá hợp lý cho Pháp?
Theo Tôn Tử, “Cố thượng binh phạt mưu, kỳ thứ phạt giao, kỳ thứ phạt binh, kỳ hạ công thành” (nhà quân sự ưu tú là người ưu tiên dùng mưu lược chính trị, thủ đoạn ngoại giao để khống chế địch, kế đó mới là dùng sức mạnh chinh phạt địch, hạ đẳng là cho quân đội công thành địch). Đỉnh cao của nghệ thuật chiến tranh chính là không đánh mà thắng. Nước Pháp đã đạt được mục đích của mình (phòng thủ vùng Đông Bắc) bằng con đường ngoại giao khéo léo - trong khi chiến lược quân sự hung hãn ngày xưa của tổ tiên họ đã thất bại.
Tất nhiên, khó có thể nói rằng nước Pháp thực sự đã được an toàn tuyệt đối. Những rạn nứt trong EU đã bắt đầu xuất hiện và cứ cái sau thì lại gay gắt hơn cái trước, từ khủng hoảng kinh tế, dân nhập cư, sự ra đi của Vương quốc Anh cho đến COVID. Cả Đức và Pháp hiện nay đang làm mọi cách để duy trì sự tồn tại của liên minh này, bởi nó được tạo ra gần như là để giữ cho hai nước ôm nhau thật chặt, chặt đến mức không ai bứt ra được để vung tay đấm vỡ mồm đối phương. Giả sử trong trường hợp xấu nhất, cuộc thử nghiệm lớn nhất của nhân loại về sự liên kết giữa các nước mang tên Liên minh châu Âu thất bại, thì Đức sẽ lại dè chừng Pháp và Pháp lại lo sợ Đức, và tất cả quay trở về đầu thế kỉ XX. Đến lúc đấy thì tôi thực sự mong là không có học viện mỹ thuật danh giá nào ở châu Âu đánh trượt một người đàn ông Áo trẻ tuổi với bộ ria kì quái nào cả.
Chúng ta thật may mắn vì đang sống trong cái thời kì mà cuộc chiến Đức-Pháp nảy lửa nhất chỉ diễn ra ở trên sân cỏ, và thứ duy nhất họ tranh cướp của nhau là một quả bóng tròn tròn.
<i>Tôi biết vụ này lâu rồi nhưng tôi fan tuyển Đức nên tôi cay ông thần Hummels này lắm</i>
Tôi biết vụ này lâu rồi nhưng tôi fan tuyển Đức nên tôi cay ông thần Hummels này lắm
Nguồn tham khảo:
Những tù nhân của địa lý, Tim Marshall, NXB Nhã Nam, 2020
https://en.wikipedia.org/wiki/France
https://en.wikipedia.org/wiki/France%E2%80%93Germany_relations
https://en.wikipedia.org/wiki/Maginot_Line
https://www.youtube.com/watch?v=iGYPQLOUKeI
https://www.youtube.com/watch?v=2iQFNtHnpnQ
Đọc thêm: