Ngày 28/04/1996, một thanh niên 28 tuổi tên Martin Bryant đã gây ra vụ xả súng tại Port Arthur, Australia khiến 35 người thiệt mạng và 18 người bị thương. Chỉ 12 ngày sau, thủ tướng Australia đã thông qua một đạo luật kiểm soát súng đạn, và đạo luật này đã hạn chế đáng kể số vụ giết người và tự tử bằng súng ở nước này cho đến tận ngày nay (theo một nghiên cứu của ĐH Sydney và Macquarie).
Đối với Hoa Kỳ, chỉ riêng trong năm 2018, tính đến thời điểm này đã có hơn 200 vụ xả súng. (https://www.gunviolencearchive.org/reports/mass-shooting)
Tại sao người dân Hoa Kỳ lại không thể có được một đạo luật kiểm soát súng đạn tương tự như Australia, mặc dù số vụ thảm sát bằng súng ở nước này đã đạt đến con số báo động?
Trước hết, chúng ta cần xem qua nội dung Tu chính án thứ hai của Hiến pháp Hoa Kỳ:
"A well regulated Militia, being necessary to the security of a free State, the right of the people to keep and bear Arms, shall not be infringed."
=> Một lực lượng Dân quân quy củ là điều cần thiết để bảo vệ an ninh của một quốc gia tự do, cho nên quyền giữ và mang vũ khí của Nhân dân sẽ không bị xâm phạm.
Về những ý tưởng đằng sau Tu chính án thứ hai, xin phép không bàn ở đây, vì mục đích của bài viết không nhằm phân tích nó. Điều chúng ta cần quan tâm chính là: quyền tư hữu vũ khí của nhân dân được quy định bởi một tu chính án (những sửa đổi, bổ sung đối với Hiến pháp và cũng được xem là một phần của Hiến pháp) - đồng nghĩa với việc quyền tư hữu vũ khí là QUYỀN HIẾN ĐỊNH của công dân. Một đạo luật hoặc một chính sách không thể vượt ra ngoài phạm vi Hiến pháp.
Nếu bất kỳ đạo luật hoặc chính sách nào xâm phạm đến quyền tư hữu vũ khí của nhân dân được ban hành, chúng sẽ bị Toà án tối cao Hoa Kỳ tuyên bố là vi hiến và bắt buộc phải được điều chỉnh hoặc bãi bỏ. Toà án tối cao Hoa Kỳ là cơ quan có thẩm quyền tối hậu trong việc giải thích Hiến pháp Hoa Kỳ và có quyền tài phán chung thẩm (tuyên bố các đạo luật của Quốc hội Hoa Kỳ và của các Viện lập pháp tiểu bang, hoặc các hoạt động của nhánh hành pháp liên bang và tiểu bang là vi hiến).
Nếu như không thể ban hành luật để cấm sở hữu súng đạn, liệu có phải việc sở hữu súng đạn ở Mỹ là bất khả xâm phạm không? Câu trả lời là không.
Một Tu chính án chỉ có thể bị điều chỉnh hoặc bãi bỏ bởi một Tu chính án khác. Cách duy nhất để cấm sở hữu súng đạn ở Mỹ là cho ra đời một Tu chính án thứ 28 với nội dung nhằm bãi bỏ Tu chính án thứ hai. Vậy, câu hỏi tiếp theo là làm thế nào để cho ra đời một Tu chính án? Hãy cùng xem qua Điều V Hiến pháp Hoa Kỳ:
"The Congress, whenever two thirds of both Houses shall deem it necessary, shall propose Amendments to this Constitution, or, on the Application of the Legislatures of two thirds of the several States, shall call a Convention for proposing Amendments, which, in either Case, shall be valid to all Intents and Purposes, as Part of this Constitution, when ratified by the Legislatures of three fourths of the several States or by Conventions in three fourths thereof, as the one or the other Mode of Ratification may be proposed by the Congress; Provided that no Amendment which may be made prior to the Year One thousand eight hundred and eight shall in any Manner affect the first and fourth Clauses in the Ninth Section of the first Article; and that no State, without its Consent, shall be deprived of its equal Suffrage in the Senate."
=> Khi hai phần ba thành viên của hai Viện đều xét thấy cần thiết sẽ đưa ra những điều sửa đổi đối với Hiến pháp, hoặc theo yêu cầu của các cơ quan lập pháp ở hai phần ba các bang, sẽ triệu tập một Hội nghị để đề xuất những điều sửa đổi; trong cả hai trường hợp, các điều khoản sửa đổi Hiến pháp đều có hiệu lực như một bộ phận của Hiến pháp khi được phê chuẩn bởi các cơ quan lập pháp của ba phần tư các bang, hoặc bởi Đại hội của ba phần tư các bang, theo một thể thức phê chuẩn do Quốc hội đề nghị với điều kiện là không một điều sửa đổi nào có thể được đề xuất trước năm 1808 theo một cách thức ảnh hưởng đến đoạn 1 và đoạn 4 trong khoản 9 của Điều 1; và không một bang nào, nếu bản thân không đồng ý, lại có thể bị tước đoạt quyền bỏ phiếu bình đẳng trong Thượng Viện.

Vậy, quy trình để tạo ra một Tu chính án sẽ là:
1. Sáng quyền tu chính Hiến pháp:
Quốc hội Liên bang hoặc Hội nghị Hiến pháp có quyền đề xuất Tu chính án. Khi đề xuất Tu chính án, Quốc hội cần có được sự đồng thuận của 2/3 tổng số thành viên có mặt theo túc số hành động của hai viện Quốc hội. Việc đề nghị sửa đổi Hiến pháp của Quốc hội không cần sự chấp thuận của Tổng thống, đồng thời cũng không thể bị phủ quyết bởi Tổng thống (xem Hollingsworth v.Virgina). Và, khi có yêu cầu của các Viện Lập pháp bang từ 2/3 tổng số bang, Quốc hội Liên bang phải triệu tập một Hội nghị Hiến pháp nhằm sửa đổi Hiến pháp. Tuy chưa có bất kỳ một Hội nghị Hiến pháp nào cho ra đời một Tu chính án, nhưng ý nghĩa của nó, theo Giáo sư Akhil Reed Amar (ĐH Yale), là ngăn cản không để cho Quốc hội có quyền tự quyết đối với những cải cách Hiến pháp nhằm giới hạn quyền lực của Quốc hội. Một Đại hội Hiến pháp được triệu tập trên cơ sở đề nghị của 2/3 Viện Lập pháp của các bang có quyền đệ trình đề nghị sửa đổi Hiến pháp đồng nghĩa với việc hoạt động sửa đổi Hiến pháp không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của Quốc hội Liên bang.
2. Phê chuẩn sửa đổi Hiến pháp:
Hai hình thức phê chuẩn Hiến pháp là phê chuẩn bởi các Viện lập pháp của 3/4 các bang; hoặc phê chuẩn bởi Đại hội Hiến pháp của 3/4 các bang. Như vậy, trong cả hai trường hợp, sửa đổi Hiến pháp phải được sự đồng thuận của 3/4 các bang.

Vậy, Hiến pháp Hoa Kỳ có thể được sửa đổi dưới hình thức trưng cầu dân ý không? Câu trả lời là không, bởi tuy quyền lực Lập pháp của các bang đến từ nhân dân, nhưng quyền lực phê chuẩn các dự thảo Tu chính án của các bang lại đến từ Hiến pháp Liên bang. Và bởi điều V Hiến pháp Hoa Kỳ đã quy định rất rõ ràng, nên chỉ có duy nhất một con đường để sửa đổi Hiến pháp (xem Hawke v.Smith).

Có thể kết luận, việc những người ủng hộ cấm sở hữu súng đạn cho rằng chính quyền Hoa Kỳ "thiếu dân chủ" khi không ban hành các đạo luật, chính sách cấm sở hữu súng đạn là hoàn toàn sai. Để thực hiện được mục tiêu cấm súng đạn, họ phải đấu tranh bằng con đường Tu chính Hiến pháp - một con đường hoàn toàn khả thi, bởi trong lịch sử đã từng có Tu chính án bị bãi bỏ bởi một Tu chính án khác (xem Tu chính án thứ 18 và Tu chính án thứ 21).