Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể nghe bản audio tại đây:



Bài viết về giai đoạn 1789-1815 ở châu Âu.

Austerlitz

Lúc đó là mùa đông, tuyết bao phủ khắp ngôi làng Austerlitz, một ngôi làng trước đó chẳng ai còn biết đến sự tồn tại của nó, và chắc nó không có trên bản đồ thời bấy giờ. Tuy nhiên thứ lưu lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí những người trải qua ngày hôm đó, ngày 2 tháng 12 năm 1805, không phải là cái lạnh giá buốt, hay là sương mù dày đặc quện với mùi máu và mùi lưu huỳnh từ những nòng pháo bị bỏ rơi. 

Mà đó những tia nắng chói chang xé toang màn sương, xóa đi những sự hỗn loạn, những hình thù mờ ảo, dẫn đường cho những con người quả cảm tiến lên phía trước để rồi vài tiếng sau, cũng chính những tia nắng đó rọi lên lá cờ ba sọc tung bay trên cao nguyên Pratzen ngay sát ngôi làng. Người ta gọi đó là "mặt trời Austerlitz" (soleil d'Austerlitz).  

Ngày hôm đó đại quân Pháp của Hoàng đế Napoleon Bonaparte đã đánh bại toàn bộ liên quân Áo và Pháp, được sự hậu thuẫn về tài chính và vũ khí của nước Anh. Mọi chuyện đã chấm dứt chỉ bằng một đợt tấn công đúng lúc đúng thời điểm, đẹp như mô tả trong sách giáo khoa, mà Napoleon miêu tả là: "Một cú đấm chính xác và mọi chuyện sẽ chấm dứt" ("One sharp blow and it will be over"). Nếu sương mù không tan đi kịp lúc quân Pháp sẽ lạc đường, nếu nó tan sớm hơn vị trí của họ sẽ bại lộ, nếu quân Áo và Nga không rời bỏ vị trí chiến đấu, quân Pháp sẽ bị áp đảo. Mất cao nguyên Pratzen, toàn bộ quân Áo và Nga tan rã và tất cả danh dự, tinh thần đều tan biến. Hoàng đế Áo Francis thì như kẻ mất trí, còn vị Sa hoàng trẻ tuổi Alexander thì khóc lóc như một đứa con nít. Còn Thủ tướng Anh William Pitt thì bị sốc nặng vì thất bại này và, do sức khỏe từ trước đến giờ đã yếu, sức khỏe trở nên suy sụp nặng hơn và qua đời ngày 23 tháng 1 năm 1806.

Những người phân tích về bộ óc thiên tài của Napoleon sẽ luôn mãi ngợi ca về trận đánh này, bởi vì nó không chỉ thể hiện đầy đủ mọi tinh túy trong nghệ thuật dụng binh, đánh lừa, tâm lý chiến, và đặc biệt là việc canh thời gian chuẩn xác, mà nó còn thay đổi toàn bộ cách châu Âu nghĩ về chiến tranh. Toàn bộ chiến dịch năm 1805, với Austerlitz là đòn kết liễu, nó thực sự là một cú sốc lên toàn lục địa. Những cuộc đụng độ giữa Napoleon với kẻ thù những năm trước đó ở Italy chỉ như món khai vị.

Từ cờ vây chuyển thành cờ vua 

Tranh vẽ minh họa cuộc cách mạng Pháp
Trước đây ở châu Âu chiến tranh như một ván cờ vây, nơi mọi người cố gắng không tấn công trực diện nhưng vẫn giành được chiến thắng qua việc bao vây. Nó như điều ghi trong binh pháp Tôn Tử: "Người tướng tài ba nhất là người không đánh mà vẫn thắng", lối tư duy hành quân sẽ là: đối phương đi đến A, chúng ta sẽ chiếm lấy B để uy hiếp đối phương, đối phương sẽ hoảng sợ mà rời bỏ A, và rồi chúng ta chiếm lại A. Đây thực sự là trò chơi của giới quý tộc, và quân đội chỉ là công cụ để các ông hoàng vờn nhau. Nếu có sự đụng độ thì đó là bất đắc dĩ và mục đích chính là để chiếm thế thượng phong, chứ không phải để chấm dứt cuộc chiến tranh. Cuộc chiến tranh Bảy Năm (The Seven Years War) kéo dài từ 1756 đến 1763, được coi là cuộc đại chiến đầu tiên ở châu Âu khi có sự tham gia của đủ các cường quốc (siêu cường mới nổi Phổ liên minh với Anh Quốc chống lại Pháp, Áo, Nga và các tiểu vương quốc khác), là minh chứng cho lối tư duy này, khi phần lớn thời gian binh lính các phe chỉ cố gắng duy chuyển cắt đường rút lui của nhau hoặc bao vây nhau. Những trận đánh nơi quân đội hai phe bày binh bố trận đối đầu nhau như ở Rossbach (1757) và Leuthen (1757) là vô cùng hiếm. 

Thế rồi cuộc cách mạng Pháp nổ ra vào ngày 14 tháng 7 năm 1789, một sự kiện chưa có tiền lệ và làm thay đổi toàn bộ cách một quốc gia điều hành. Tầm ảnh hưởng của cuộc cách mạng vượt ra khỏi biên giới nước Pháp, làm rung chuyển những niềm tin và nền móng ngàn tuổi của các vương triều trên lục địa này. Cuộc cách mạng này cũng thay đổi bộ mặt chiến tranh, biến nó từ những ván cờ vây, vốn gồm những nước đi lòng vòng chiếm lãnh thổ, thành cờ vua với những đòn chiếu tướng dứt điểm. 

Mọi thứ bắt đầu từ sự thay đổi chính trị. Không còn vua nữa, đứng đầu đất nước thay vào đó là một nhóm người, và chuyện chính sự không chỉ là việc riêng của một gia đình mà là của toàn bộ quần chúng. Bạo loạn, sự khủng bố bùng lên khắp nơi, trật tự, đạo đức luân lý bị đảo lộn, và cùng với đó là những kìm kẹp cũ. 

Sự biến mất của những luật lệ cũ dẫn đến sự thay đổi trong quân đội. Giờ đây quân đội không còn là công cụ riêng của nhà vua và giới quý tộc, mà là một lực lượng để bảo vệ lợi ích chung của cả quốc gia. Thay đổi lớn nhất là việc áp dụng chế độ quân dịch, theo đó thì chính quyền bắt toàn bộ người dân tham gia vào cuộc chiến để bảo vệ quốc gia, và Lazare Carnot, một nhà toán học, vật lý học và đồng thời là chính trị gia, đã có tầm nhìn xa hơn người đương thời trong việc tổ chức lực lượng quân đội nhân dân này. Ông biết rằng nếu nhìn ở mức cá nhân, đó chỉ là những tên vô lại, mù chữ, vô tổ chức và đủ các tính cách tệ hại khác. Nhưng ông thấy được sức mạnh to lớn của việc gom hàng trăm ngàn tên vô lại đó với nhau, cho họ đồng phục và một mục đích để hướng tới. Liberté, Egalité, Fraternité. Tự do - Bình đẳng - Bác ái. Đồng thời, có lẽ là do sự tuyệt vọng trong lúc nguy khốn vì những tay sĩ quan chuyên nghiệp của chế độ cũ hoặc là đã bỏ trốn hoặc là đã bị xử tử, ông đã cho phép bất kỳ ai thể hiện được một chút tài năng nào đó về quân sự, trở thành chỉ huy của đạo quân hỗn tạp mới lập này.
Người dân Pháp đi nhập ngũ

Điều đó mở toang cánh cửa cho anh sĩ quan gầy còm suy dinh dưỡng Napoleon Bonaparte đến từ đảo Corse nghèo đói, có cơ hội viết lên câu chuyện thần kỳ của mình. Từ một đứa bé sinh ra trong nghèo đói tự thân đưa bản thân mình lên thành hoàng đế của toàn châu Âu, Napoleon là người đầu tiên khiến giới nghiên cứu bỏ nhiều thời gian ra tìm hiểu về mình hơn là về chúa Jesus. 

Quân đội Pháp dưới thời chính quyền cách mạng và sau đó được nhào nặn bởi Napoleon là sự kết hợp hoàn hảo của sức mạnh của quần chúng và thiên tài cá nhân hiếm có. Carnot đã biến đám đông thất học thành một cỗ máy chiến tranh linh hoạt, và đảm bảo toàn bộ nguồn lực quốc gia dồn cho cỗ máy đấy, và Napoleon đã xuất hiện như là vị thuyền trưởng duy nhất phù hợp để lèo lái nó. Dưới tay viên tướng trẻ 24 tuổi, sau đó là nhà Tổng tài ở tuổi 30, và rồi là Hoàng Đế ở tuổi 35, là những nhân tài mà nếu không có cuộc cách mạng, sẽ không bao giờ có cơ hội ghi tên trong lịch sử: thống chế Michel Ney con trai một người thợ đúc đồng, gia đình nông dân, thống chế Augerau, con trai một người bán hoa quả, từng là lính đánh thuê vô danh tiểu tốt đi phục vụ khắp châu Âu trước khi về lại Pháp, hay tướng Jean Junot, cũng là con một người nông dân, được viên tướng Napoleon để ý vì viết chữ đẹp.

Đội quân này không chỉ khác biệt từ gốc gác những người chỉ huy, nó còn khác biệt về tư duy chiến đấu. Sinh ra với mục đích bảo vệ sự sống còn của mình, toàn bộ quân đội Pháp chỉ hướng đến một mục đích: hủy diệt đối phương. Không còn những cuộc rượt đuổi mèo vờn chuột vô nghĩa, không còn những hành động khoa trương đe dọa suông để đổi lấy vài miếng đất, toàn bộ quân đội sẽ truy lùng để nghiền nát đối phương bằng một đòn dứt điểm, như chiếu tướng trong cờ vua, với kết quả cuối cùng là sự quy phục hoàn toàn của kẻ chiến bại. 

Búa và đe

Napoleon ngồi trước và các Thống chế đứng sau trên chiến trường
Đội quân ấy thực hiện điều đó như thế nào? Carnot đã chia nhỏ nó ra thành các đạo quân độc lập gọi là quân đoàn (army corp). Các quân đoàn này có thể tự động tác chiến và khi phát hiện kẻ thù mạnh hơn, nó sẽ phát ra hàng loạt tín hiệu cho các quân đòan khác đến tiếp viện, tập hợp lại thành siêu đạo quân. Điều này giống như trong phim 5 anh em siêu nhân, các mãnh thú ban đầu hoạt động riêng lẻ, sau đó tập hợp lại thành siêu robot. Đây là một hệ thống búa và đe, một quân đoàn sẽ phát hiện và cầm chân kẻ thù lớn hơn (một cái đe), phát tín hiệu ra cho các quân đoàn khác ập đến vòng ra đằng sau tấn công vào chỗ yếu nhất của kẻ thù (như dùng búa đập vào). Đây là lối đánh được Alexander Đại Đế áp dụng cực kì nhiều, nhưng ở quy mô nhỏ hơn:

Ở trong hình, bộ binh, màu đen, sẽ như cái đe giữ kẻ thù trong một vị trí cố định để kỵ binh, màu xanh, tấn công vào từ phía sau như một cái búa đập vào.
Hệ thống này đòi hỏi một sự phối hợp chặt chẽ không có ở bất kỳ quốc gia nào vào thời điểm đó, bởi vì Napoleon phải kiểm soát hàng trăm nghìn quân, đi tự do trên lãnh thổ kẻ thù, mỗi quân đoàn (khoảng 20 đến 25 nghìn người) đi một hướng khác nhau do chúng tự quyết định, nhưng vẫn phải giữ được liên lạc với nhau bằng cách giữ khoảng cách đều đặn, chỉ cách nhau một ngày đường. Ngoài ra các nhóm quân đó phải tự kiếm ăn trên đất kẻ thù, bởi vì người ta đã xóa bỏ toàn bộ hệ thống xe thồ hàng nhằm đảm bảo mọi thứ đều di chuyển với tốc độ nhanh nhất có thể.

Toàn bộ hệ thống này được gọi là "Le Grande Armée", tức Đại Quân (tiếng Anh: The Great Army). Đại quân được tạo nên từ nhiều quân đoàn, người đứng đầu mỗi quân đoàn là một Thống chế Đế chế (Marshal of the Empire) hay thường gọi là Thống chế. Ngoài ra có các Thống chế không đứng đầu một quân đoàn mà là chuyên về một bộ phận như Thống chế Joachim Murat đứng đầu toàn bộ kỵ binh.

Việc chia tách quân như thế có nhiều lợi thế. Thứ nhất nó giúp quân đội đi nhanh hơn vì toàn bộ binh lính không đổ dồn vào một con đường. Thứ hai, nó khiến đối phương khó phán đoán được bước đi của mình vì đối phương sẽ thấy quân Pháp di chuyển khắp nơi mà không rõ điểm tập trung cuối cùng là về đâu. Nó cũng sẽ tạo ra hiệu ứng tâm lý lên kẻ thù khi viên tướng của họ liên tục nhận được tin báo về sự hiện diện của lính Pháp ở nhiều địa điểm khác nhau, khiến họ cảm thấy đối phương đang bao vây mình. 

Yếu điểm của cỗ máy này là nó quá phức tạp và đòi hỏi một sự tái cơ cấu quân đội toàn diện, điều kiện mà lúc bấy giờ chỉ có nước Pháp đáp ứng được do họ đã lật đổ toàn bộ hệ thống cũ sau cuộc cách mạng. Thêm nữa nó bắt tất cả những người chỉ huy phải đồng đều về mặt năng lực. Các chỉ huy phải cực kì tin tưởng, hiểu ý nhau và luôn luôn báo cho nhau biết chuyện gì đang xảy ra, nó cũng đòi hỏi một sự phản ứng cực nhanh từ trên xuống. Ngoài ra nó cũng yêu cầu những người đứng đầu phải có tinh thần thép để lãnh đạo nhóm quân ô hợp qua những khoảnh khắc đen tối nhất của cuộc đời. Hai đoạn hồi ký dưới đây sẽ giúp chúng ta thấy sự khắc nghiệt trong các cuộc hành quân lớn đến thế nào.

Hồi ký của Fezensac, một sĩ quan Pháp, miêu tả những ngày hành quân tháng 10 năm 1805 vào lãnh thổ Đức:

"Cái chiến dịch ngắn này bao gồm mọi thứ tôi kể ra trong đây. Nó gồm sự kiệt sức hoàn toàn, sự thiếu thốn nhu yếu phẩm, sự khắc nghiệt của thời tiết, sự hỗn loạn của những kẻ cướp, và sự thiếu thốn của mọi thứ cần thiết...Các lữ đoàn và thậm chí là trung đoàn thường phải tản ra và mệnh lệnh yêu cầu họ đến vị trí nào đó thường đến rất trễ do nó phải qua rất nhiều cấp chỉ huy. Hậu quả là trung đoàn của tôi đã phải hành quân ngày và đêm, và lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy binh lính vừa ngủ vừa đi, một điều mà tôi chưa bao giờ tin rằng có thể xảy ra. Với kiểu hành quân này, chúng tôi thường luôn đến chính xác chỗ chúng tôi phải đến, nhưng khi đến đó thì chẳng có gì để ăn và uống. Thống chế Berthier, tham mưu trưởng quân đội, đã viết rằng trong kế hoạch chiến tranh của Hoàng đế sẽ chẳng có xe lương đi kèm, do đó các tướng lãnh phải tìm cách nuôi quân bằng tài nguyên trên lãnh thổ họ đi qua. Tuy nhiên, các vị tướng chẳng bao giờ có thời gian hay là cách để kiếm đủ lương thực cho nhiều người như thế. Và do đó các làng quê đã phải hứng chịu các cuộc cướp bóc dã man nhất, bởi vì chúng tôi được phép trấn lột sạch sẽ cả một vùng, ấy vậy mà suốt cả chiều dài chiến dịch chúng tôi vẫn luôn bị cái đói đeo bám...Thời tiết tệ còn khiến chúng tôi cực khổ hơn nữa. Một trận mưa giá buốt đôi lúc đi kèm với tuyết ẩm dày đặc đến mức nó ngập cao đến đầu gối, kèm với đó là những cơn gió to đến độ không thể nhóm được lửa."

Một đoạn hồi ký khác miêu tả cuộc hành quân tháng 11 năm 1806 vào lãnh thổ Ba Lan:

"Đó là giai đoạn đầu của một mùa đông tồi tệ ở một quốc gia hoang vắng phủ đầy rừng rậm và những con đường thì toàn cát. Chúng tôi không tìm thấy bất kỳ người nào sinh sống trong các ngôi làng đã bị bỏ lại...Thời tiết thật kinh hoàng: tuyết, mưa và bùn lầy. Cát thì lún dưới chân chúng tôi, và mỗi bước chân đặt xuống đống cát ấy lại làm nước bắn tung tóe. Chúng tôi ngập đến đầu gối. Chúng tôi bị bắt phải cột giày quanh cổ chân bằng dây thừng, và khi chúng tôi kéo chân ra khỏi cát lún, thì giày sẽ dính lại ở dưới bùn. Đôi lúc chúng tôi phải làm với từng cái chân một, lấy hai tay nhấc chân ra như nhổ cà rốt, đẩy nó lên phía trên, rồi quay lại làm tương tự với cái chân kia, cũng với hai tay, và cứ thế chúng tôi bước từng bước lên phía trước...Những người lớn tuổi hơn thì bắt đầu mất hết ý chí, một vài người trong số họ thì thà tự sát còn hơn là cứ phải chịu đựng sự cực khổ như vậy kéo dài."

Và như đã nói ở trên, nước Pháp thời đó may mắn đã tập hợp đủ các thiên tài như vậy, ví dụ như Thống chế Berthier, bộ não của đại quân, biết rõ từng đơn vị đóng ở đâu trên một vùng lãnh thổ dài hàng nghìn cây số, có thể cưỡi ngựa 17 tiếng mỗi ngày và đảm bảo các đơn vị quân di chuyển chính xác như kế hoạch. 

Khi hàng trăm nghìn con người đó có thể hoạt động chính xác như một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ, nó tạo ra những kì tích như là trận đánh Austerlitz. Tại đó, vào ngày 01/12 quân Pháp chỉ có 68 nghìn quân để đối đầu với 85 nghìn quân Áo và Nga. Người Áo và Nga đã thấy được điểm yếu nằm ở cánh phải nằm ở phía Nam của quân Pháp ở một ngôi làng tên là Telnitz. Tại đó quân Pháp có rất ít binh sĩ đồn trú và nếu họ có thể chiếm được nó thì đối phương sẽ không có đường rút lui. Toàn bộ quân Pháp đang ở cách biên giới quê nhà hơn 700 km. Bị cắt đứt đường rút lui đồng nghĩa với việc bị cô lập và thảm sát toàn bộ. 

Nhưng đó là một cái bẫy, là một điểm yếu giả. Bởi vì Napoleon đã cố ý để cánh phải của ông mỏng như vậy nhằm dụ đối phương tấn công vào đó. Trước đó ông đã ra lệnh cho vị Thống chế có tâm hồn cứng rắn hơn sắt thép là Louis Nicholas Davout, cùng binh đoàn của mình với khoảng 7 nghìn quân, phải hành quân khẩn cấp qua chặng đường dài 110 km trong 48 giờ, để kịp ứng cứu cho quân đội. Davout phải đến nơi chính xác vào sáng ngày 02/12 khi trận đánh xảy ra, chỉ cần chậm vài giờ đồng hồ thì mọi sự sẽ trở thành một thảm hỏa. 


Nhìn vào bản đồ trận Austerlitz (quân Pháp màu xanh, Áo và Nga màu đỏ), chúng ta thấy khởi đầu trận đánh, tức bản đồ phần trên, toàn bộ quân áo và Nga dồn lực vào quân Pháp ở phía dưới vốn ít hơn. Nơi đó chỉ do một nhóm quân nhỏ chống giữ, sau thì được quân đoàn của Thống chế Davout đến tăng viện. Nhưng tính cả viện binh thì họ chỉ có khoảng 12 đến 15 nghìn quân phải đương đầu với hơn 30 nghìn quân đối phương. Binh lính Pháp đã phải bám trụ trong từng ngôi nhà ở trong làng Telnitz để chiến đấu trong tình thế tuyệt vọng.

Điều này khiến quân Áo và Nga sơ hở việc phòng thủ ở cao nguyên Pratzen, vốn nằm giữa chiến trường. Nhanh chóng chớp thời cơ Napoleon ra lệnh cho đội quân chủ lực đặt dưới sự chỉ huy của Thống chế Soult, bấy giờ đang nấp dưới làn sương mù, tấn công vào điểm yếu đó như một cú đánh trời giáng. Đội quân đó như dòng thác ngược chạy lên đỉnh đồi, chiếm lấy nó sau một trận giao tranh ác liệt, rồi vòng vào sau lưng đối phương vây hãm quân Pháp ở phía Nam, cắt đứt đường rút lui của họ. Đó là giai đoạn 2 của trận đánh, được miêu tả ở phần dưới trong hình. Quân đội của Davout đã phải làm cái đe và hứng chịu tấn công suốt 6 tiếng đồng hồ liên tục bởi kẻ thù đông hơn gấp ba lần cho đến khi cái búa khổng lồ nện vào. 

Đó là cách quân đội tinh xảo nhất thế kỷ XIX tiến hành chiến tranh. Sau cuộc chiến năm 1805 chống lại Áo và Nga, Hoàng đế tiếp tục đưa quân đội vào những cuộc viễn chinh mới, giúp biên giới nước Pháp mở rộng theo từng bước chân của bộ binh. Một loạt các cuộc chiến tranh liên miên sau đó đã diễn ra: chiến tranh giữa Pháp và Phổ vào năm 1806, Pháp và Nga năm 1807, xâm lược Bồ Đào Nha vào cũng năm đó, xâm lược Tây Ban Nha năm 1808, đánh bại nước Áo một lần nữa vào năm 1809, tất cả các cuộc chiến ấy, quân đội Pháp đều giành được chiến thắng bất chấp những khó khăn không tưởng. 

Ấy vậy mà quân đội ấy đã sụp đổ hoàn toàn vào năm 1814, mang theo cái chết yểu cho đế quốc Pháp của Hoàng đế Napoleon. Nhưng điều gì khiến đội quân ấy, đội quân mạnh nhất mà châu Âu thấy được từ thời La Mã, lại tan rã chóng vánh như vậy. Nó đã hoàn toàn biến mất chỉ 9 năm sau chiến thắng rực rỡ ở Austerlitz. 

Để hiểu được điều này, chúng ta hãy đến với khái niệm "nhím và cáo"

Nhím và cáo

Vào năm 1953, nhà nghiên cứu triết học của Đại học Oxford, Isaiah Berlin, đã đăng một bài luận tên là "Con Nhím và con Cáo". Bài luận phân tích góc nhìn lịch sử của nhà văn Nga Leo Tolstoy đã thể hiện thông qua các tác phẩm kinh điển của ông, bao gồm "Chiến Tranh và Hòa Bình". Berlin viết rằng các nhà văn hay các nhà hiền triết thường được xếp vào hai nhóm: những con nhím là những người chỉ nhìn tập trung vào một hướng và chỉ có duy nhất một đích đến, và những con cáo là những người nhìn theo nhiều hướng và theo đuổi nhiều mục tiêu cùng lúc. 

"Con cáo thì biết rất nhiều thứ, còn con nhím thì biết rất nhiều về một thứ."

Tại sao lại là nhím và cáo? Khái niệm này có từ thời Hy Lạp cổ đại, có lẽ bắt nguồn từ sự quan sát của họ. Họ đã quan sát và thấy rằng con cáo khi tấn công con mồi hoặc rút lui luôn tìm nhiều cách khác nhau để thực hiện điều đó, nó biết dựa vào địa hình, vào thời tiết, vào thời gian trong ngày để di chuyển và tấn công. Trong khi đó con nhím thì khác, toàn bộ cơ thể nó được thiết kế cho một mục đích là phòng thủ, và nó chỉ có một cách để phòng thủ, đó là đưa những cái gai nhọn ra phía trước. 

Nói một cách khái quát, những người như con nhím nhìn mọi thứ thông qua một lăng kính, con cáo thì cố gắng kết hợp nhiều lăng kính khác nhau để có một bức tranh tổng thể.

Những con nhím sẽ dồn hết năng lực vào một mục tiêu nó theo đuổi để đạt được mục tiêu đó. Con cáo thì cố gắng tìm ra mối liên kết từ những sự rời rạc trong không gian và thời gian để định hình được một chuỗi các hành động cần phải làm. 

Con nhím sẽ dứt khoát, đi nhanh và con cáo sẽ chần chừ, đi chậm.

Khi viết bài luận đó, Berlin đã dùng khái niệm nhím và cáo để phân loại các nhà văn cũng như các nhà hiền triết. Ví dụ ông xác định những người rơi vào nhóm Nhím là: Plato, Blaise Pascal, Friedrich Hegel, Fyodor Dostoyevsky, Friedrich Nietzche. Còn những người rơi vào nhóm Cáo là: Aristotle, William Shakespear, Michel de Montaigne, Johann Wolfgang Goethe, Aleksandr Pushkin.



Tuy nhiên Berin cũng nhấn mạnh rằng ông không coi đây là một khái niệm nghiêm túc, ông dùng nó như là một hình ảnh minh họa dí dỏm để dẫn nhập người đọc vào một vấn đề sâu sắc hơn trong bài luận. 

Bất chấp điều đó, khái niệm Nhím và Cáo lại trở thành một công cụ ưa thích của giới phân tích kinh tế, chính trị hay tâm lý học khi họ cần đánh giá hành vi của một người hay nhóm người.

Vấn đề của những con Nhím đó là chúng không biết giới hạn của chúng là gì. Việc đặt giới hạn là một thứ rất khó do nó chỉ tồn tại trong đầu của người nghĩ, có thể ban đầu người đó chỉ muốn một thứ nhỏ nhặt và nghĩ rằng chỉ cần như vậy là đủ, nhưng rồi chúng ta lại muốn thêm và thêm nữa, cho đến khi bản thân chúng ta bị ngộp bởi chính kì vọng mình tạo ra. 

Napoleon là một siêu Nhím, ông ta rất rất giỏi trong việc nghiền nát kẻ thù của mình về mặt quân sự, nhưng ông không biết được đâu là giới hạn của mình. Rốt cuộc khi nào trò chơi chém giết này sẽ chấm dứt? Sau Austerlitz, những cuộc chinh chiến cứ kéo dài mãi: chiến dịch 1806 - 1807 với Phổ và Nga, 1808 ở Tây Ban Nha, 1809 với Áo. Rồi sau đó là tham vọng tiêu diệt nước Nga năm 1812 để rồi mất hết quân đội, không chịu buông bỏ để rồi bị đánh bại năm 1813, không chịu dừng lại để rồi mất ngai vàng năm 1814. 

Charles Maurice de Talleyrand-Périgord

Chân dung Charles Maurice de Talleyrand-Périgord
Charles Maurice de Talleyrand-Périgord, thường được biết đến với tên gọi là Talleyrand, là một nhân vật đặc biệt trong thời kì Napoleon. Ông ta đóng vai trò là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Pháp từ thời cộng hòa năm 1792 đến khi nền cộng hòa bị bãi bỏ đến khi bị Napoleon bãi nhiệm năm 1807. Đó là quãng thời gian nổi bật nhất trong cuộc đời ông, sau này ông tiếp tục phụng sự quốc gia nhưng vai trò không còn quan trọng như trước.
Talleyrand là một con cáo lão luyện. Huyền biến, cơ trí, khôn khéo, nhanh nhạy và thức thời, những yếu tố đó đã tạo nên một nhà chính trị, một nhà ngoại giao kiệt suất không bao giờ bị lật đổ, một nhân vật đầy cuốn hút và có ảnh hưởng sâu rộng trong lịch sử nước Pháp, một huyền thoại trong ngành ngoại giao thế giới. Nếu Napoleon và những Thống chế của ông ta là những siêu nhím đi khuynh đảo châu Âu, thì Talleyrand lại là một cáo già lỗi lạc đứng đằng sau và chiêm nghiệm những mảnh vỡ đang rơi từ các lâu đài của các triều đại lâu đời ở trước mặt mình.
Ở châu Âu thời đó có lẽ không ai có cái mũi đánh hơi quyền lực nhạy như ông. Trong khi Napoleon đang ở đỉnh cao của sự nghiệp với cả châu Âu dưới chân mình, thì ông đã đoán được quyền lực này đang dần rời xa ông hoàng của nước Pháp và đi đến nước khác. Cũng như nhiều Thống chế và các tướng lĩnh khác, Talleyrand thấy rõ ràng rằng Napoleon không có giới hạn nào cho các tham vọng của mình. Hoàng đế sẽ chiến đấu cho đến khi toàn bộ bản thân ông ấy kiệt quệ về sức khỏe và tinh thần, vào kéo theo đó là toàn bộ nước Pháp. 
Trong thời kì đầu làm việc với Napoleon khi viên tướng này lên nắm quyền năm 1799, ông đã giúp Napoleon soạn thảo các văn bản và hiệp định rất có lợi cho nước Pháp, như hiệp định hòa bình Luneville ký với Áo năm 1801. Hiệp ước này được ký kết sau khi Napoleon đánh bại quân Áo ở trận Marengo ngày 14 tháng 6. Tiếp đó nghe theo những lời khuyên của Talleyrand, Napoleon cũng kí được hòa ước Amiens với Anh năm 1802. Đó là khoảnh khắc mà cả châu Âu tận hưởng được hòa bình sau 10 năm loạn lạc. Những hiệp ước này đều có lợi cho Pháp, cả về mặt lãnh thổ lẫn tài chính. 
Tuy vậy những rạn nứt giữa hai người đã xảy ra khi Hoàng đế đã để tham vọng của mình vượt quá tầm kiểm soát. Sau khi khiến nước Áo gục ngã một lần nữa vào năm 1805, Napoleon đã đưa ra những điều kiện rất khắc nghiệt cho quốc gia này, bất chấp sự phản đối của Talleyrand. Vị đại thần ngoại giao này tin rằng hiệp ước này sẽ chỉ gieo rắc sự tức giận trong quốc gia này và không đảm bảo được tình hữu nghị lâu dài.

Rạn nứt

Nhưng mối lo lắng của Talleyrand về sự bền vững của đế chế có lẽ thực sự bắt đầu vào năm 1806, khi Hoàng đế Napoleon đã chẳng đếm xỉa gì đến lòng tự trọng của Vương quốc Phổ và buộc quốc gia này gây chiến với mình vào tháng 10 năm đó. Nước Đức bấy giờ bị chia năm xẻ bảy thành nhiều vương quốc khác nhau, và trong số đó Phổ là vương quốc hùng mạnh nhất có thủ đô ở Berlin. Đứng đầu vương quốc đó vào năm 1806 là Frederick III, đứa cháu nhút nhát của Frederick Đại Đế, và lý do mà ông ta quyết định gây chiến với Pháp không phải là vì lòng dũng cảm, mà là do sợ hãi, không thể tránh né được nên phải gây chiến.
Đại quân Pháp tiến hành chiến tranh ở mức hiệu quả cao nhất trong năm đó và chỉ 10 ngày sau khi xuất binh, họ đã đánh bại quân Phổ ở hai trận đánh lớn là Jena và Auerstedt trong cùng ngày 14 tháng 10. Khi Hoàng đế thất trận thì người dân cúi đầu, cổng thành Berlin đã không mất một viên đạn cũng tự mở. Quân đội ấy nhu nhược như chính vị vua của họ. 
Napoleon đi đầu đại quân Pháp tiến vào Berlin ngày 27 tháng 10 năm 1806
Sự thất trận nhục nhã của Frederick III đặt quốc gia vào tình trạng vô vọng đến mức nhà vua không còn cách nào khác phải nhờ hoàng hậu Louise đến nói chuyện với Napoleon trong việc đàm phán kí kết hòa ước Tilsit mùa hè năm 1807. Hoàng hậu Louise khuyên chồng dù thua bẽ mặt cũng không nên đánh mất danh dự. Frederick William III nghĩ rằng sự hiện diện của Louise sẽ khiến Napoleon "có tâm trạng dễ chịu hơn". Hoàng hậu Louise miễn cưỡng đồng ý đi gặp Napoleon, tất cả chỉ vì cứu "nước Phổ". 
Khi tới Tilsit nơi diễn ra buổi kí kết hiệp định hòa bình, Napoleon muốn hủy hoại danh tiếng của hoàng hậu Louise bằng việc chất vấn về sự chung thủy vợ chồng, còn bà dùng ưu thế sắc đẹp và sự quyến rũ để tâng bốc Hoàng đế Pháp, người mà trước cuộc chiến bà xem như "quái vật". Bị lăng mạ như vậy nhưng bà vẫn yêu cầu buổi gặp riêng giữa 2 người và trong buổi gặp mặt bà đã cúi đầu dưới chân Napoleon. Mặc dù ấn tượng bởi tính quyết đoán và sự mê hoặc của bà hoàng nước Phổ, Napoleon vẫn từ chối không chịu nhượng bộ. Có giai thoại bảo rằng Frederick III đứng ngoài trộm nhìn, khi thấy vợ mình tán tỉnh chàng lùn nước Pháp thì vì ghen quá nên xô cửa lao vào, nên phá hủy cơ hội duy nhất được nước Pháp nhân nhượng. Napoleon còn viết thư cho vợ yêu là Josephine, khen hoàng hậu Louise "thật hấp dẫn và thu hút ta, nhưng em đừng ghen, đừng khiến ta trả giá đắt vì tỏ ra ga-lăng"
Tranh vẽ lại cảnh Napoleon chào đón hoàng hậu Louise, bên trái bà là vua Phổ Frederick III. Đứng giữa Napoleon và hoàng hậu là Sa hoàng Alexander I.
Thật ra hòa ước Tilsit không chỉ ký giữa Pháp và Phổ mà còn có nước Nga nữa. Nga là đồng minh của Phổ và đã không ký hòa ước với Pháp sau khi bại trận năm 1805, cho nên khi nước Phổ lâm nguy thì nước Nga đã đến giúp đỡ. Mặc dù trong lần tái đấu thứ hai này ở quanh Ba Lan quân Nga đã chiến đấu tốt hơn hẳn lần trước, họ vẫn bị đánh cho đại bại ở một vùng gọi là Friedland vào tháng 6 năm 1807. Sau đó Nga phải ký hòa ước Tilsit với Pháp vào tháng 7 năm đó. 
Cuộc chiến này không được Talleyrand ủng hộ. Ông cảm thấy nước Pháp đang vượt quá giới hạn của mình và đang tạo ra nhiều kẻ thù một cách không cần thiết. Rõ ràng có nhiều cách để giải quyết các bất đồng ngoại giao với Phổ nhưng Napoleon đã chọn cách tệ nhất là gây chiến, và ông hoàng đã sỉ nhục công khai quốc gia này, một quốc gia giàu tinh thần dân tộc. Cụ thể hơn thì vương quốc Phổ mất một nửa lãnh thổ, dân số giảm một nửa từ 9.75 triệu còn khoảng 4.5 triệu. Lãnh thổ Phổ chỉ còn lại 4 tỉnh và Napoleon đã hạ nhục quốc gia này khi ghi  trong hiệp ước rằng ông để lại những vùng đất đó "vì nể lời của Hoàng đế Nga". Ngoài ra mỗi năm nước Phổ phải đóng cho Pháp 154 triệu franc vàng, phải nuôi quân Pháp chiếm đóng và chỉ được duy trì quân đội không có quá 42000 người. 
Đối với nước Nga, Tilsit đơn giản chỉ là một hiệp ước hòa bình và không bị mất gì về lãnh thổ. Nước Nga cũng trở thành đồng minh của Pháp để chống lại Anh theo điều khoản của hiệp ước này. Tất nhiên Sa hoàng vẫn cảm nhận được một sự sỉ nhục, nhưng dù sao ông vẫn được Napoleon cho đứng ngang hàng.
Trong cuộc đàm phán ở Tilsit, Talleyrand đã không được phép tham dự. Điều ông có thể làm đó là an ủi hoàng hậu Louise, vốn đang khóc nức nở sau khi đã hạ thấp cả nhân phẩm mà không làm được gì cho Tổ quốc mình. Hành động này của ông đã nhận được cái nhìn thiện cảm của các hoàng tộc châu Âu bấy giờ. 
Sau sự kiện đó Talleyrand từ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Phản bội ở Hội nghị Erfurt

Mặc dù từ chức nhưng Talleyrand vẫn được Napoleon giữ lại trong Hội đồng cố vấn quốc gia để tư vấn cho hoàng đế về các chính sách. Mặc dù giữ Talleyrand như thế nhưng Napoleon chẳng đếm xỉa gì đến lời khuyên của ông ta cả. Hoàng đế vẫn lao vào cuộc chiến mới xâm lược Bồ Đào Nha vào cuối năm 1807, dù cho hòa ước Tilsit ký với Phổ và Nga còn chưa ráo mực. Sau đó là can thiệp vào chuyện chính trị ở Tây Ban Nha vào đầu năm 1808, vốn bị Talleyrand phản đối hết lời, dẫn đến việc hàng trăm nghìn lính Pháp được gửi đến để chiếm đóng ở đấy.
Nhưng Tây Ban Nha lại là một chiến trường khác với các chiến trường mà quân Pháp đã trải qua trước đây. Cả đất nước này đã kiên cường kháng cự trước quân xâm lược bằng mọi giá. Một cuộc chiến tranh du kích trên toàn quốc đã nổ ra, và cuộc chiến này được tiếp lửa bởi quân Anh sau khi đội quân này chiếm lại được Bồ Đào Nha vào năm 1809. Có lẽ chỉ khi chiến tranh Pháp - Tây Ban Nha nổ ra, mọi người ở châu Âu mới nhận thức được chiến tranh du kích quy mô toàn quốc là như thế nào, cũng như sự tàn nhẫn của nó, như là nó phơi bày hết tất cả những điều xấu xa con người có thể thực hiện được. Đó là một chuỗi những cuộc tàn sát không có hồi kết. Người ta kể rằng khi một toán lính Pháp đến một ngôi nhà trong tình trạng rất đói, họ thấy một nồi súp mới được nấu xong và có một người phụ nữ bế con mình ngồi cạnh đấy. Viên sĩ quan Pháp yêu cầu bà mẹ múc phần súp ra ăn trước. Bà mẹ thực hiện. Chưa hết lo, viên sĩ quan bắt bà mẹ đút cho đứa con ăn nữa, bà mẹ cũng thực hiện. Bấy giờ viên sĩ quan mới an tâm mà cho binh lính của mình ăn súp. Một lúc sau toàn bộ những ai ăn phần súp đó đều lăn ra chết. 
Họa sĩ Tây Ban Nha đương thời Goya đã lưu danh của mình trong hậu thế bằng những bức họa mô tả cuộc sống như địa ngục của người dân trong cuộc chiến.
Binh lính Pháp xử bắn quân du kích Tây Ban Nha, tranh của Goya
Quân Pháp không chỉ sa lầy ở đấy, mà còn bị quân Tây Ban Nha đánh bại ở trận Bailen, khiến toàn bộ một quân đoàn bị bắt làm tù binh. Đó là một điều sỉ nhục lớn cho Napoleon và lại là một tín hiệu cho kẻ thù của nước Pháp thấy rằng đối phương đang suy yếu. Ông thấy rằng kẻ thù của ông đang tái vũ trang và do đó ông đã gửi thư cho Sa hàng Alexander của Nga, đề nghị một cuộc gặp mặt ở Erfurt, Đức vào mùa thu năm 1808.
Lúc bấy giờ Áo đã nhìn thấy rằng, đáng lẽ Napoléon chỉ phải chiến đấu trên một mặt trận thì nay bỗng nhiên lâm vào tình trạng bị bức phải chiến đấu trên hai mặt trận, và mặt trận phía Nam mới này, đã gây ra ở Tây Ban Nha, sẽ làm Napoléon yếu đi rất nhiều ở mặt trận sông Danube. Để ngăn chặn mưu mô gây ra chiến tranh của Áo, Hoàng đế Pháp tin rằng ông cần phải làm cho Áo hiểu rằng Alexander đệ nhất sẽ xâm chiếm đất đai của Áo ở phía Đông, còn Napoléon, liên minh của Alexander, sẽ tiến quân từ phía Tây đến Vienna. Đó là mục đích chủ yếu của việc biểu dương tình hữu nghị giữa hai ông Hoàng Đế ở Erfurt.
Gặp nhau ở Erfurt, Napoleon yêu cầu Hoàng đế Nga cam kết chống lại nước Áo. Ban đầu vị Sa hoàng trẻ tuổi vì lo sợ mà định đồng ý, rõ ràng hai lần thất trận đã có tác động xấu lên tâm lý của ông. Nhưng ông chưa dám cam kết liền và nếu có thì cũng không muốn thực hiện, vì ông cảm thấy mình đang hạ nhục bản thân để chiều lòng con mãnh thú.
Và trong buổi hội đàm đó, Talleyrand được đi theo và lập tức ông ta đã xúi giục vị Sa hoàng chống lại Napoleon. Một cuộc mật đàm bí mật đã diễn ra và người ta tường thuật lại rằng Talleyrand đã nịnh bợ vị sa Hoàng bằng câu nói: "Nhân dân Pháp văn minh nhưng ông vua của nhân dân Pháp lại không văn minh. Ông vua của nước Nga là đồng minh của nhân dân Pháp."  Talleyrand đã nói cho vị Sa hoàng thấy rằng những gì Napoleon đạt được không hề vững bền, và vị Sa hoàng nên chiến đấu tới cùng.
Napoleon gặp gỡ nhà thơ Đức nổi tiếng Goethe trong thời gian diễn ra Hội nghị Erfurt
Đây là sự kiện đầu tiên trong một chuỗi các sự phản bội mà Talleyrand thực hiện sau này. Sau này, ông ta bắt đầu nhận tiền hối lộ từ các nhà ngoại giao ở các quốc gia đối nghịch như Anh, Áo, Phổ để bán các bí mật ngoại giao của Pháp. Người đương thời và nhiều nhà sử học đã không tha thứ cho các hành động này của Talleyrand. Nhà sử học Nga E.Tarle viết .về sự kiện ở Erfurt như sau:
"Người ta nói về Talleyrand rằng, suốt đời hắn, “ai mua hắn, hắn cũng bán”. Trong đời hắn, hắn đã bán Viện Đốc Chính cho Napoléon, và ở Erfurt hắn bán Napoléon cho Alexander. Sau này, hắn lại bán Alexander cho người Anh. Nếu Talleyrand đã không bán người Anh cho ai cả thì đó là vì người Anh là những người duy nhất không mua Talleyrand, mặc dù Talleyrand tự bán mình bằng giá rất phải chăng. Ở đây, không có điều kiện đi sâu vào những động cơ của Talleyrand (sau này đã nhận tiền của Alexander, tuy rằng ít hơn số tiền hắn ta mong muốn) nhưng cần phải nhấn mạnh hai điểm sau đây: Trước hết là từ năm 1808, Talleyrand đã nhìn thấy rõ hơn ai hết cái gì đã làm cho nhiều Thống chế và nhiều triều thần cao cấp ít nhiều hoang mang, sợ hãi; hai là Alexander đã nhận thấy đế quốc của Napoléon không thể vĩnh viễn vững vàng như cái bề ngoài hiện nay của nó. Alexander đã phản đối những điều kiện của Napoléon về việc nước Nga hành động quân sự chống lại nước Áo trong trường hợp một cuộc chiến tranh mới xảy ra giữa Áo và Pháp. Trong một cuộc bàn luận về vấn đề ấy, khi Napoléon vứt mũ xuống đất rồi lấy chân xéo lên một cách điên khùng, Alexander đã trả lời sự cáu kỉnh ấy của Napoléon: “Ngài là người cường bạo, tôi là người cứng đầu... chúng ta thảo luận, phân tích với nhau, nếu không tôi đi đây”.
Sau hội nghị Erfurt, chiến tranh nổ ra giữa Pháp và Áo năm 1809, nước Nga chỉ giúp đỡ Pháp một cách hình thức như điều binh đến những nơi không quan trọng. Quân đội Pháp hạ gục quân Áo ở Wagram và đạt được chiến thắng cuối cùng, nhưng cái giá phải trả là rất lớn. Họ trước đó đã bị bại trận hoàn toàn ở Aspern-Essling, một thất bại toàn diện đầu tiên của Napoleon và không chỉ thế, ở đó Hoàng đế đã mất đi một trong những Thống chế tài ba nhất Đế chế là Lannes. 
Napoleon cũng biết Talleyrand phản bội, nhưng vì cần ông ta nên đã không đem ra xử tử.

Vinh quang, máu và nước mắt 

Binh lính Pháp rút khỏi Nga giữa trời đông giá rét năm 1812
Thoạt tiên đi bằng xe trượt tuyết, rồi xe ngựa, Napoléon đã vượt qua Ba Lan, Đức và Pháp trong 12 ngày, và sáng 18 tháng 12 năm 1812 thì về đến điện Tuileries ở Paris. Biết được những sự nguy hiểm có thể xảy tới trong những ngày khốn đốn này, Napoléon đi rất bí mật. Caulaincourt, người đi theo Napoléon, có kể lại sự tuyệt đối bình tĩnh, lòng can đảm, nghị lực và ý chí tiếp tục chiến đấu của Napoléon. Chiến tranh là thế giới, là sự sống của Napoléon, chả thế mà khi chuẩn bị hoặc khi tiến hành chiến tranh, lúc nào Napoléon cũng làm cho người ngoài cảm thấy ông là một người tràn trề sức sống, thở đầy lồng ngực, và kể từ khi lên xe ngồi với Caulaincourt, vấn đề duy nhất mà Napoléon quan tâm lo lắng là cuộc chiến tranh là sự chuẩn bị về mặt ngoại giao và quân sự cho cuộc chiến tranh đó.
Như trên đã nói, Napoléon về đến Paris ngày 18 tháng 12, và ông nhận ngay ra là tinh thần dân chúng sụt xuống rất nhiều. Hai ngày trước khi Napoléon về đến thủ đô, những tin chẳng lành, đồn đại từ lâu, đã được xác nhận bằng bản tin quan trọng số 29 trong đó Hoàng Đế đã nói một cách khá chân thật về chiến dịch nước Nga và sự kết thúc của nó.
Nói ngắn gọn thì trong số 45 vạn quân gửi đến Nga vào tháng 6 năm 1812, và 15 vạn viện binh được gửi đến sau đó, có không quá 10 vạn người trở về nước vào cuối năm. Lưu ý rằng một phần lớn trong số đó không phải là người Pháp, nhưng con số người Pháp vĩnh viễn ra đi là rất lớn. Tang tóc gieo xuống hàng chục vạn gia đình đã làm cho không khí cả nước Pháp trở nên đặc biệt nặng nề. 
Tại sao Hoàng đế lại gửi quân đến Nga? Không ai thực sự biết cả. Hoàng đế đưa ra rất nhiều lý do nhưng không có cái nào trong số đó nghe hợp lý, ví dụ như cuộc chiến phải được tiến hành là vì nước Nga tráo trở phản bội, đó là vì phải hạ được nước Nga thì mới hạ được Anh Quốc, đó là vì nước Pháp đang gặp nguy hiểm. Và khi không còn từ ngữ hoa mỹ nào nữa, thì ông nói rằng ông làm là vì nước Pháp. Napoleon luôn yêu nước Pháp, chí ít thì ông nói như vậy. Có lẽ vì tình yêu say đắm của mình cho Hoàng hậu Josephine không được đáp trả trọn vẹn, nên Napoleon đã dành sự cuồng nhiệt ấy cho đất nước (người ta kể ngày Josephine dọn đồ đạc rời khỏi cung điện Tuileries sau khi ly dị Napoleon năm 1810, bà đã xịt nước hoa ưa thích của mình khắp phòng để hành hạ người tình cũ).
Thực chất ông chỉ muốn tấn công nước Nga để thỏa mãn những tham vọng cá nhân của mình. 
Chính vì không có những lý do hợp lý mà Napoleon đã không bao giờ có được những quyết định rõ ràng khi đoàn quân viễn chinh tiến vào Nga, và việc quân đội Pháp chiếm đóng thủ đô Moscow vào tháng 9 năm 1812 chỉ là phản ứng với tình huống chứ không phải là một kế hoạch ban đầu. Ngay sau khi tiến quân vào Nga vào tháng 6, Hoàng đế đã rất mong chờ một trận đánh quyết định để hạ gục quân đội Nga và bắt Sa hoàng phải chịu thêm những điều kiện nhục nhã để đổi lấy hòa bình. Nhưng quân đội Nga cứ liên tục lẩn trốn và thoát được các âm mưu bao vây của quân Pháp, và Napoleon thì cứ thúc quân đội tiến lên để đuổi bắt đối phương. 
Cuối cùng sau gần hai tháng chơi trò rượt đuổi, quân đội hai bên đã có một trận đánh lớn ở Smolensk vào ngày 16 tháng 8, một thành phố lớn ở Nga và chỉ cách Moscow khoảng hơn hai tuần hành quân. Trận đánh diễn ra suốt 3 ngày và chỉ huy quân Nga, Barclay de Tolly, vì tin rằng mình không có bất kỳ cơ hội chiến thắng nào, nên đã tổ chức một cuộc rút lui thành công. Quân Pháp chiếm được thành phố, nhưng quân Nga còn tồn tại để chiến đấu vào hôm sau. 
Nên dừng lại ở Smolensk và chuẩn bị cho mùa đông hay tiếp tục tiến tới Moscow? Đó là câu hỏi mà Napoleon đã liên tục đặt ra để thảo luận với các thống chế, tướng lãnh. Trong thâm tâm hoàng đế mong chờ sẽ có những phái đoàn của người Nga xuất hiện để đàm phán hòa bình, nhưng ông biết rằng sự rút lui thành công của quân Nga có nghĩa là họ sẵn sàng tiếp tục chiến đấu. Thống chế Murat đã van nài ông dừng lại, quân đội đã quá mệt mỏi với những cuộc hành quân dài dưới cái nắng nóng gay gắt của mùa hè và sình lầy khắp nơi. Nhưng Napoleon không bao giờ nổi tiếng với tính kiên nhẫn, nếu người Nga không đầu hàng ông sẽ đến bắt họ. Moscow sẽ là điểm đến tiếp theo.
Cái đội quân mệt mỏi đó thế là phải tiếp tục, và một trận đánh khác đã diễn ra ở bên ngoài Moscow, ở làng Borodino. Trận đánh Borodino được ghi nhận là một trong những trận tàn sát đẫm máu nhất thế kỷ 19, với hơn 30,000 quân Pháp và 40,000 quân Nga tử trận hoặc bị thương trong một ngày giao tranh. Chỉ huy quân Nga là tướng Kutuzov, người được chọn thay thế Barclay, người khiến Sa hoàng Alexander cảm thấy nhục nhã vì cứ chọn phương án trốn chạy. Cũng như ở Smolensk, quân đội Pháp chiếm được ngôi làng, hoặc chính xác hơn là chiếm được những gì bị bỏ lại, và quân Nga thì lại một lần nữa rút lui thành công. Moscow đã bị bỏ trống cho kẻ xâm lược, còn quân đội Nga thì tiếp tục dưỡng sức cho trận đánh tiếp theo.
Những gì xảy ra tiếp theo chỉ còn là lịch sử. Phái đoàn đàm phán hòa bình của người Nga mà Napoleon mong chờ đã không xuất hiện, quân đội không được chuẩn bị để đi xa như vậy đã phải chịu đói khát và giá rét. Cuộc rút lui khỏi Moscow vào tháng 10 sau đó là một thảm họa khi mùa đông giá rét ập xuống sớm hơn dự đoán, hệ thống cung ứng lương thực sụp đổ hoàn toàn, hàng chục ngàn binh lính của đại quân đã gục ngã vì đói, rét hoặc bệnh tật, còn Hoàng đế thì không biết bao nhiêu lần suýt bị kỵ binh địch bắt sống. 
Bị chìm đắm trong chủ nghĩa anh hùng, vì những tham vọng cá nhân, Napoleon đã nhân danh tình yêu cho nước Pháp mà tự gây ra thảm họa cho Tổ quốc ở Nga, nơi hàng trăm ngàn thanh niên Pháp đã không thể trở về. 
Nhưng cái thất bại kinh hoàng đó không làm nhụt ý chí của ông. Chiến đấu vì tình yêu cho Tổ quốc là một lý tưởng cao cả và Hoàng đế đã dốc hết sức mình cho lý tưởng đó trong suốt năm 1813 và 1814 để bảo vệ nước Pháp cũng như ngai vàng của ông. 
Thất bại tại Nga đã khiến các kẻ thù cũ của ông trỗi dậy, với quốc gia đâu tiền là Phổ. Tháng 2 năm 1813, Anh, Phổ và Nga đã liên minh với nhau để lật đổ sự cai trị của nước Pháp ở Đức. Một loạt các trận đánh đã diễn ra với hai chiến thắng lớn của quân Pháp ở Bauzen và Lutzen, tuy vậy đây không phải là những chiến thắng quyết định và liên minh chống Pháp tiếp tục huy động thêm lực lượng cho cuộc chiến. Tình hình ngày càng nguy kịch cho nước Pháp vì nguồn lực của họ dần cạn kiệt, trong khi kẻ thù vẫn còn rất đông.
Nước Áo đã chủ động đứng ra làm trung gian cho việc đàm phán hòa bình giữa các bên. Tuy nhiên vì sĩ diện và vì tin rằng thiên mệnh vẫn đang ủng hộ mình, Hoàng đế đã từ chối tất cả các đề nghị giảng hòa, vì ông cho rằng đó là sự sỉ nhục. Mỗi lần một phái đoàn ngoại giao của kẻ thù đến gặp Napoleon, các tướng lãnh đã mong chờ một tin tức tích cực về hòa bình, nhưng rồi họ lại thất vọng.
Sử gia E. Tarle ghi lại đoạn hội thoại lịch sử sau giữa Metternich, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Áo yết kiến Napoleon vào tháng 6 năm 1813, với ý muốn tái lập hòa bình ở châu Âu. Khi nghe về việc nhượng bộ:
"Napoléon bèn viện ra cái lập luận rằng đối với ông ta, nhượng bộ là nhục nhã. “Vua chúa của các ngài ra đời trên ngai vàng nên không thể hiểu được những tình cảm trong người tôi. Họ chiến bại trở về thủ đô, việc đó đối với họ chẳng sao cả. Nhưng tôi, tôi không thể nào trở về với danh dự giảm sút giữa nhân dân tôi được; tôi vẫn phải vĩ đại, quang vinh và được kính phục”.
Metternich đáp lại rằng, nếu như vậy thì chiến tranh sẽ không bao giờ kết thúc mà hiện nay toàn thể Châu Âu cũng như nước Pháp đã bị chiến tranh làm kiệt quệ và cần có hòa bình. “Tâu Hoàng Thượng, tôi vừa đi qua các trung đoàn của Hoàng Thượng, binh lính của Hoàng Thượng là những thiếu niên. Hoàng Thượng đã trưng binh trước tuổi và đã gọi vào quân ngũ một thế hệ vừa mới đến tuổi thành niên; thế hệ này một khi bị cuộc chiến tranh hiện nay hủy hoại đi thì rồi Hoàng Thượng có còn gọi lính trước kỳ hạn được nữa hay không? Liệu Hoàng Thượng có gọi đến thế hệ trẻ hơn họ nữa hay không?” 

Trong tập ký ức của mình, Metternich kể lại rằng lúc đó Napoléon phát điên phát khùng quẳng mũ xuống đất thét lên, theo lời kể của E. Tarle: 
“Ngài không phải một người lính, thưa ngài, ngài không có tâm hồn của một người lính; ngài chưa sống trong trại lính, ngài chưa học cách xem thường tính mạng của người khác và của ngài khi cần đến 20 vạn người làm được cho tôi những gì?”. Đó là những lời trơ tráo nhất mà Napoléon đã thốt ra để lăng nhục đối phương trong một cơn thịnh nộ. “Dẫu sao thì những người Pháp mà máu của họ đang được ngài bảo vệ đã không oán trách tôi lắm đâu. Đúng là tôi đã mất 20 vạn quân ở nước Nga, trong số đó có 10 vạn lính Pháp, những người lính ưu tú; tôi tiếc những người đó... đúng, tôi rất tiếc họ, còn những người khác, họ là người Ý, người Ba Lan, và chủ yếu là người Đức”, Napoléon nói tiếp và kèm vào tiếng cuối cùng ấy một điệu bộ khinh bỉ. “Thì cứ cho là thế" Metternich đáp lại, “nhưng thưa Bệ Hạ, chắc Bệ Hạ cũng đồng ý rằng đây không phải chuyện bênh vực riêng gì một người Đức nào”.

Sau những lời tuyên bố như thế, đương nhiên là cuộc gặp gỡ không đưa đến kết quả gì. 
Khi Metternich cáo từ và đi ra thì Thống Chế Berthier - một người rất khao khát hòa bình và coi những điều kiện mà Metternich đưa ra là những điều hoàn toàn có thể chấp nhận được và rất vẻ vang - đã hỏi Metternich về kết quả cuộc hội đàm. “Tôi cam đoan với ông rằng thủ lĩnh của ông mất trí rồi" - Metternich đáp.
Tranh vẽ Napoleon gặp gỡ Metternich. Trong cơn thịnh nộ, Hoàng đế Pháp đã ném nón xuống đất
Giai đoạn đó, nước Pháp đã mất hết tất cả những con người tài ba nhất, và đã cạn kiệt về mặt tài nguyên, nhưng vẫn gồng gánh cố gắng đáp ứng nhu cầu chiến tranh của vị Hoàng đế. Có lẽ dưới mặt nạ tình yêu đó là sự thỏa mãn đam mê của bản thân. Như mọi con nhím khác với tầm nhìn hạn hẹp của chúng, con nhím này chỉ có đúng một mục tiêu là đánh bại kẻ khác trên chiến trường. Danh dự hay là chết. Đằng sau những lời hoa mỹ đó là vô vàn cái chết thương tâm cũng như khốn khổ cho người ở lại.
Khi đàm phán hòa bình đổ vỡ, nước Áo đã chọn tham gia liên minh chống Pháp vì giờ họ tin rằng chỉ có đánh bại Napoleon thì hòa bình mới được lặp lại ở lục địa. Vào tháng 10 năm đó, liên minh chống Pháp đã đánh bại hoàn toàn quân đội của Hoàng đế ở trận chiến Leipzig, cũng là một trong những trận đánh đẫm máu nhất thế kỷ 19. Thất bại tại Leipzig mở toang biên giới nước Pháp cho kẻ thù. Giờ đây, giống như năm 1792, nước Pháp lại đối mặt với nạn ngoại xâm.
Nhưng Napoleon không bỏ cuộc và không chấp nhận bất kỳ gợi ý nào về việc đàm phán hòa bình. Trong một hội nghị bàn về việc chuẩn bị cho chiến tranh năm 1814 khi đất nước bị xâm lược, ông hoàng hét vào mặt các thành viên Hội đồng cố vấn quốc gia, những lời nói không mạch lạc rõ nghĩa:
"Hạ nhục chúng ta, đó là điều kẻ thù mong muốn, nhưng cái chết thì tốt hơn thế. Ta là một cựu binh quá già cỗi để mà ham sống, ta sẽ không bao giờ bán đi danh dự của nước Pháp...Tất cả các viên chức cấp cao đều đang sợ, thậm chí là các bộ trưởng...Những người nông dân ở vùng Burgundy hay là vùng Champage thì còn có nhiều ý chí chiến đấu hơn các ngươi trong hội đồng này: các ngươi đều đang run sợ. Người ta nói rằng những kẻ phản cách mạng đang chiến thắng vì ở Bordeaux viên tỉnh trưởng đã phản bội. Không ai hiểu nước Pháp hơn ta: đất nước sẽ luôn giận dữ sau mỗi cơn chán nản. Các ngươi sẽ thấy chuyện gì xảy ra một tuần sau. Toàn bộ người dân sẽ được vụ trang, chúng ta sẽ chạy đến cứu kẻ thù của chúng ta khỏi sự bạo loạn của người dân, họ sẽ giết bất cứ ai trông như người nước ngoài. Chúng ta sẽ chiến đấu, Caulaincourt. Nếu quốc gia ủng hộ tôi, thì kẻ thù đang rất cận kề ngày bị hủy chứ không phải ta vì quốc gia đang tràn ngập sự giận dữ."

Đó chỉ là những lời của một Hoàng đế mất trí bởi vì quốc gia còn gì để ủng hộ? Người ta ghi chép rằng ở hậu phương:
" Nước Pháp đã kiệt quệ từ lâu rồi, không phải về mặt tiền bạc...mà là về con người. Sự thiếu thốn nhân lực này khiến các gia đình rơi vào tình trạng đau khổ và bần cùng. Họ thực sự bị rút cạn máu rồi. Những người đàn ông già phải gửi đứa con trai cuối cùng của mình đi và như thế không còn ai giúp đỡ ông ta, và trên các cánh đồng những người phụ nữ và các cô gái phải cày bữa...Và thảm họa này cũng ập đến các thị trấn. Hàng loạt các gia đình tự nguyền rủa bản thân họ vì phải chi một khoản lớn tiền để giữ đứa con trai ở lại...Cơn thảm họa gây ra ở Nga và trận Leipzig đã lan khắp nước Pháp và chúng vẫn chưa biến mất, những giọt nước mắt đau khổ vẫn rơi ở khắp nơi."

Còn trên chiến trường, đây là mô tả sau trận Leipzig ở Đức, nơi hơn 54000 lính Pháp và đồng minh chết và bị thương sau 3 ngày chiến đấu trong tháng 10 năm 1813:
"Con đường chúng tôi đi cắt ngang qua chiến trường, và tôi đã chứng kiến một cảnh tưởng kinh tởm khiến tôi phát bệnh mà tôi chưa thấy bao giờ. Rất khó để mà bước đi một bước mà không dẫm lên xác của một chàng trai xấu số nào đó, cơ thể anh ta đầy các vết thương và ngập trong vũng máu chảy ra từ đấy; chỗ khác thì hình như là một cái tay hoặc một cái chân bị đứt lìa, đây đó rải rác các cơ thể không đầu, hoặc là chỉ có đầu thôi, và nó khiến ngựa của chúng tôi bị vấp hoặc phải né qua một bên, hoặc có thể là ngựa tôi thấy một trong những đồng loại của chúng nằm chắn ngang đường, nội tạng lòi ra, một vài bộ phận cơ thể bị văng ra chỗ khác. Cảnh tượng này khiến máu trong người trở nên lạnh lại, và khi chúng tôi đi ngang qua chúng tôi thấy khuôn mặt người chết ngửa lên trời, có thể đó là vẻ mặt đau đớn, hoặc là một nụ cười nhoẻn...Chúng tôi đi qua "cánh đồng vinh quang" này nhanh nhất có thể, và có lẽ một vài người trong chúng tôi ít bị ám ảnh bởi quang cảnh kinh hoàng này hơn tôi. Nhưng tôi cảm nhận được những cái rùng mình chung quanh và biết rằng rất nhiều cái lưỡi nhiều chuyện hôm đó đã im bặt một lúc lâu." 

Khi chiến tranh đã chấm dứt hoàn toàn vào năm 1815, nếu chúng ta tính cả sự kiện Trăm Ngày với kết quả là Napoleon bị đánh bại ở Waterloo và phải thoái vị lần thứ hai, thì nước Pháp đã mất gì? Năm 1812, gần 300 ngàn lính Pháp đã bỏ mạng ở Nga, đó là chưa tính đến hơn 100 ngàn lính khác bỏ mạng ở Tây Ban Nha trong giai đoạn 1808-1813. Còn số thiệt mạng trong các trận đánh lớn như Austerlitz, Eylau, Friedland hay Wagram gộp vào cũng hơn 200 ngàn người. Tổng cộng khoảng gần 2 triệu thanh niên Pháp đã tử trận trong suốt thời chiến, tỷ lệ nam-nữ trong dân số Pháp giảm từ 1:1 trong năm 1789 xuống còn 0.857:1 vào năm 1815. Nhìn rộng ra phía châu Âu, phía quân đồng minh chống Pháp gồm các nước thì có khoảng 2 triệu thanh niên tử trận, chủ yếu là thanh niên các nước Anh-Áo-Nga-Phổ-Tây Ban Nha.  
Tượng đài chiến sĩ trận vong ở Leipzig, nước Đức ngày nay

Ai là người yêu nước?

Chỉ khi Napoleon rời khỏi ngai vàng lần đầu vào năm 1814, nước Pháp mới ngồi vào bàn đàm phán với các quốc gia thù địch.
Khi nước Pháp rơi vào tình trạng kiệt quệ và yếu đuối đó, Talleyrand đã dốc hết sức dùng các biện pháp ngoại giao để giữ lại danh dự cho Tổ quốc mình. Ông đóng vai trò quan trọng trong hai cuộc hội nghị hòa bình ở Vienna, lần 1 vào năm 1814 và lần 2 năm 1815. Hội nghị bàn về việc tái lập hòa bình ở châu Âu.
Ngày 1 tháng 10 năm 1814, hội nghị Vienna khai mạc. 
Nước Pháp là một nước bại trận, đối với bốn nước kia là nước yếu hơn. Talleyrand quyết tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của nước Pháp và cố hết sức bảo vệ quyền lợi cho nước này. Đồng thời, ông ta cũng cần phải giành được một sự thắng lợi to lớn trong cuộc hội nghị để củng cố địa vị trong nước của ông ta.
Talleyrand biết rõ, nước Pháp cần phải chui vào phạm vi nòng cốt của cuộc hội nghị thì mới có thể phát huy được ảnh hưởng to lớn. Với sự sáng suốt và sự lão luyện trong nghề ngoại giao, Talleyrand biết rõ mối mâu thuẫn giữa bốn nước chiến thắng, nên ông ta bắt đầu đi tìm bạn đồng minh của mình. Trước hết, ông ta mời vị đại thần ngoại giao của nước Anh là Robert Stewart Castlereagh đến Paris, hứa hẹn sẽ giúp nước Anh chống lại việc nước Nga muốn thôn tính Đại công quốc Warsaw (do Napoleon lập ra trước đây), làm cho nước Anh và nước Pháp trở thành bạn đồng minh trong cuộc hội nghị. Đối với vấn đề Sachsen, Talleyrand gặp ngoại giao đại thần của Áo là Klemens Metternich. Ông ta nói cho ngoại giao đại thần của nước Áo, nước Pháp cũng giống như nước Áo đối với tương lai của Saxony luôn rất quan tâm và lập trường cũng hoàn toàn nhất trí với nước Áo.
Sau khi ba nước Anh, Áo, Pháp đã nhất trí với nhau về lập trường thì họ liền bí mật ký kết một điều ước phòng ngự giữa ba nước, thành lập một khối liên minh riêng để cùng chống lại Nga và Phổ là hai nước đang có nhiều tham vọng. Tối ngày 3 tháng l năm 1815, ba nước chính thức ký kết thành một khối liên minh. Một điều lý thú hơn, ấy là vị đại thần ngoại giao của nước chiến bại lại ký tên vào điều ước trên cả hai vị ngoại giao đại thần của hai nước chiến thắng. Thứ tự ký tên trong điều ước là Talleyrand, Metternich, Castlereagh.
Sau khi điều ước được ký kết thì tình hình cuộc hội nghị Vienna đã có một sự thay đổi đầy kịch tính. Metternich và Castlereagh cương quyết yêu cầu Talleyrand phải đứng vào nhóm cốt lõi của hội nghị. Ngày 11 tháng 1, Talleyrand rốt cuộc đã chen vào được hội nghị của bốn nước chiến thắng, làm cho nước Pháp được dự cuộc hội nghị với tư cách bình đẳng với bốn nước chiến thắng. Do Alexander I tỏ ra quá ngang ngược, nên ba nước Đồng minh phải nhượng bộ đối với vấn đề đại công quốc Warsaw, nhưng riêng nước Phổ thì không thể chiếm trọn vùng Saxony. Talleyrand chẳng những lợi dụng điều ước bí mật giữa ba nước để chui vào các quốc gia nòng cốt của cuộc hội nghị Vienna, mà còn lợi dụng điều ước này đế ngăn chặn sự bành trướng của Phổ. Điều đó chẳng khác nào nước Pháp từ địa vị của một nước chiến bại chuyển thành một nước chiến thắng.
Hội nghị Vienna
Sau mấy tháng đấu tranh công khai hoặc âm thầm, Talleyrand đã giành được thắng lợi, nghiễm nhiên trở thành vị cứu tinh của nước Pháp. Những thoả ước đạt được đã giúp cho nước Pháp sau một năm bị chiến bại, lại đứng trở vào hàng ngũ các cường quốc. Tuy mọi việc không thể quy công toàn bộ cho cá nhân của Talleyrand, nhưng qua khả năng hiểu biết đối với những mối mâu thuẫn giữa các nước cũng như qua kỹ xảo ngoại giao khôn khéo của Talleyrand đã khiến cho mọi người đều phải khâm phục.
Việc Napoleon quay lại ngai vàng năm 1815 đã gây ra một sự rối loạn nhất thời, nhưng rồi khi Hoàng đế bị đánh bại thì mọi chuyện được ổn định trở lại. Talleyrand bằng các biện pháp ngoại giao của mình tiếp tục thành công trong việc bảo vệ lãnh thổ của Pháp.
Ngày 20 tháng 11, vua Louis XVIII đã ký kết vào bản "Hòa ước Paris" lần thứ hai và nhờ đó nước Pháp đã được ổn định trở lại. 
Đến đây thì sứ mạng của Talleyrand dường như đã hoàn thành. Vương triều Bourbons không còn cần đến vị thủ tướng từng phản bội mình nữa. Ngày 24 tháng 9 năm 1815, vua Louis XVIII lấy lý do có sự khô ng thống nhất ý kiến, đã tiếp nhận đơn xin từ chức của Talleyrand. Thế là Talleyrand rời khỏi sân khấu chính trị một cách bất ngờ.
Con người luôn bán danh dự, liêm sỉ, gió chiều nào theo chiều ấy, cuối cùng đã giữ lại được danh dự cho Tổ quốc. 
Nguồn trích dẫn:
Đọc thêm: