Dẫn nhập

Trải qua hơn 100 năm hình thành và phát triển, ngày nay điện ảnh đã trở thành một phần không thể thiếu trong những hoạt động của con người. Hay nói cách khác, trong thời đại này, kể từ khi sinh ra cho tới khi có những nhận thức cơ bản về thế giới xung quanh, con người đã được tiếp cận với loại hình nghệ thuật thứ bảy này. Thực tế, điện ảnh không chỉ là một khái niệm về những bộ phim, mà rộng hơn là toàn bộ những thông tin được kỹ thuật hóa hay số hóa bằng cách ghi lại dưới dạng một video và clip. Chúng ta có thể nói như vậy bởi mọi hiện tượng, sự vật hay sự việc khi được ghi lại thông qua một phương tiện ghi hình (máy quay chuyên dụng, máy quay cá nhân, điện thoại…) đều được thông qua quá trình dàn cảnh, cắt dựng, phân vai và xây dựng nội dung. Sau đó, những video và clip này qua những thiết bị truyền – phát kỹ thuật khác nhau (như rạp chiếu bóng, truyền hình, website, băng – đĩa, máy chiếu…) sẽ được phát lại cho người khác xem. Chúng ta có một định nghĩa cơ bản nhất về điện ảnh như sau: “…Điện ảnh là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, thể hiện bằng hình ảnh kết hợp âm thanh, đôi khi là một số hình thức kích thích giác quan khác, được lưu trữ trên một số dạng thiết bị ghi hình để được phổ biến tới công chúng qua các phương tiện kỹ thuật khác nhau: chiếu rạp, truyền hình, web/stream, video, băng, đĩa, máy chiếu…”. Tất nhiên về mặt học thuật, định nghĩa này chỉ thực sự đúng trong thời đại những bộ phim đã có sự lồng ghép âm thanh và hoàn toàn bỏ qua giai đoạn sơ khai của điện ảnh khi kỹ thuật ghi hình và thu âm chưa thực sự đồng bộ, những bộ phim câm đen trắng lúc này chỉ đơn thuần là một chuỗi các hình ảnh được chiếu nhằm giải trí cho khán giả. Điều này mở rộng ra cho chúng ta về mặt nhận thức về điện ảnh khi thực tế, mọi loại hình game show, chương trình, bản tin, những buổi live-stream hay thậm chí cả những clip được quay trên các nền tảng số đều là điện ảnh và những bộ phim thực chất chỉ là một phần tồn tại trong nó. Chính vì vậy mà trong vô thức, tuy chưa thực sự nhận biết những định dạng kỹ thuật số đó là điện ảnh nhưng chúng ta đã được tiếp cận điện ảnh hàng ngày kể từ khi sinh ra cho tới khi có nhận thức.
<i>Hai nhà phê bình phim Roger Ebert và Gene Siske trong một buổi chiếu phim.</i>
Hai nhà phê bình phim Roger Ebert và Gene Siske trong một buổi chiếu phim.
Như một thước đo về sự hiểu biết chung, điện ảnh đã trở nên gắn bó với con người và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, đến mức chúng ta đã coi điện ảnh là một điều đương nhiên tồn tại. Từ đây dẫn tới một việc, khi khán giả có cơ hội thưởng thức hay tiếp nhận một tác phẩm điện ảnh, họ luôn có ấn tượng với một cảnh phim gây xúc động, hay đồng cảm với hành động của nhân vật, hoặc ghê sợ trước một điều gì đó kinh hoàng. Vấn đề nằm ở chỗ, đó là những trải nghiệm mang tính cá nhân và được con người cảm nhận thông qua cảm xúc. Chính vì vậy, tuy được tiếp nhận một dạng thông tin giống nhau với mỗi người sẽ có một cảm xúc khác nhau; bên cạnh đó ta cũng cần xét tới việc trong một số trường hợp, khán giả sẽ có chung một cảm xúc nhưng mức độ cảm xúc của họ sẽ khác nhau. Để lấy ví dụ cho việc này, chúng ta sẽ xem xét bộ phim Raw (2016) của đạo diễn Julia Ducournau. Ngay trong buổi công chiếu tại Liên hoan phim Toronto, bộ phim đã khiến không ít người phải nôn mửa và ngất xỉu bởi hành trình khám phá bản năng nguyên thủy của con người: sợ bị đồng loại ăn thịt. Tất nhiên, bên cạnh những ý kiến cho rằng bộ phim là một tác phẩm ghê sợ với những phân cảnh máu me và ăn thịt con người, thì tác phẩm vẫn được một bộ phận những nhà phê bình điện ảnh đánh giá “đó là nghệ thuật thực sự”. Anjay Nagpal – Phó Chủ tịch cấp cao của Focus World cho rằng, bộ phim đã đánh động tới những bản năng nguyên thủy của con người và là thứ nghệ thuật tinh khiết. Chính vì vậy Focus World đã mua lại bộ phim và ra mắt tại Mỹ và năm 2017.
<i>Cảnh phim Breaking bad.</i>
Cảnh phim Breaking bad.
Như vậy, việc mỗi người có cảm nhận khác nhau về tác phẩm, phần nào đó sẽ có những cảm xúc và cách nhìn nhận khác nhau về tác phẩm đó. Có rất nhiều cách lý giải khác nhau về việc tại sao cảm nhận đối với một sự vật, sự việc của mỗi người lại khác nhau như việc cảm nhận của mỗi người xuất phát từ tính cách, trải nghiệm, kỹ năng, độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp… Tuy nhiên, việc mỗi cá nhân có cảm nhận khác nhau về tác phẩm, chúng ta đều có một điểm chung đó là ý muốn thảo luận về tác phẩm mình vừa được thưởng thức.
Hầu hết trong số chúng ta đều trải qua việc tới rạp và xem một bộ phim. Sau khi bộ phim kết thúc, chúng ta rời khỏi rạp và có xu hướng thảo luận với những người bạn đi xem cùng mình (hoặc những người bạn đã xem trước đó) về những điểm thú vị trong bộ phim, lý do tại sao bạn thích hoặc không thích tác phẩm. Thông thường, những cuộc hội thoại sẽ chủ yếu nhắm tới việc lý giải cảm xúc cá nhân của mỗi người về tác phẩm mình vừa được xem. Những mẩu hội thoại này bắt nguồn từ nhu cầu “tìm kiếm từ ngữ” nhằm diễn đạt cảm xúc thông qua hình thức nói nhằm diễn đạt lại một cảnh phim hoặc về một nhân vật như: “Tôi thích tác phẩm The Mummy (1999) và tôi thích anh chàng Jonathan trong phim, một nhân vật gây cười nhưng lại xuất hiện cứu nguy đúng lúc. Ý tôi là nhân vật Rick mới là người hùng của cả bộ phim nhưng nếu không có Janathan và Evelyn thì anh chàng cũng chẳng thắng được” (1); hoặc “Cá nhân tôi thì lại không thực sự quá yêu thích tác phẩm này, mặc dù nó thú vị. Ý tôi là mọi thứ dường như đã bị cường điệu quá mức cần thiết và làm sai lệch nhân vật Imhotep so với lịch sử” (2). Như vậy, dù vô thức hay có nhận thức về việc thảo luận, đánh giá về bộ phim, chúng ta vẫn đưa ra những ý kiến cá nhân của mình nhằm lý giải “lý do tại sao mình cảm thấy yêu thích hoặc ghét tác phẩm”. Mặc dù thực tế, chúng ta thường có xu hướng biện luận rằng chẳng có lý do gì để giải thích cho việc yêu hay ghét một thứ, đặc biệt là một thứ chỉ mang tính chất giải trí như điện ảnh. Chúng ta tìm tới điện ảnh dưới các hình thức khác nhau như phim truyện hay một chương trình với mục đích đơn thuần là giải trí. Vì vậy, hiếm khi nào chúng ta nhận thức được việc đưa ra ý kiến về tác phẩm đã xem – nhằm diễn giải lại cảm xúc của mình về tác phẩm – là mục đích của một bài điểm phim (review phim) và lý luận phê bình điện ảnh. Nhà nghiên cứu điện ảnh người Pháp Christian Metz đã có nhắc đến một thách thức mà các sinh viên điện ảnh ngày nay phải đối mặt, đó là: tất cả chúng ta đều hiểu các bộ phim, song làm sao để chúng ta giải thích rõ được những điều chúng ta hiểu?  Chính vì vậy, tôi tiến hành phân tích những luận điểm lớn dưới đây, với mục đích làm sáng tỏ về việc:
-  Tại sao việc viết về phim lại trở nên quan trọng?
-  Đâu là những khó khăn trong quá trình mới bắt đầu viết về phim?
-  Có những dạng bài viết về phim cơ bản nào?
-  Review phim (điểm phim) và Lý luận – Phê bình điện ảnh khác nhau như thế nào?
<i>Cảnh phim “Cinema of paradiso” (1988) của đạo diễn  Giuseppe Tornatore.</i>
Cảnh phim “Cinema of paradiso” (1988) của đạo diễn Giuseppe Tornatore.

Phần 1: Tại sao việc viết về phim lại trở nên quan trọng?

Như đã phân tích ở trên, với mỗi khán giả khi được tiếp cận với một tác phẩm sẽ có những ý kiến khác nhau về tác phẩm đó theo cảm nhận cá nhân của mình. Trong quá trình giải trí, cụ thể ở đây là với phương thức mà khán giả lựa chọn là điện ảnh, nếu khán giả có khả năng phản ứng một chút hay ở một mức độ nhất định đối với tác phẩm, họ sẽ cảm thấy hứng thú với tác phẩm đó hơn. Nói một cách khác, trong quá trình tiếp nhận thông tin của tác phẩm, với những người có khả năng phân tích hoặc hiểu rõ về phương thức giải trí mình đang theo dõi, họ sẽ dễ dàng nhận định tác phẩm và đưa ra quan điểm của mình hơn những người khác. Từ đó tạo ra sự hứng thú cao hơn trong quá trình tiếp nhận tác phẩm. Những khán giả yêu thích hoặc đơn giản chỉ muốn tìm hiểu kỹ hơn tác phẩm mình vừa theo dõi sẽ có xu hướng tìm kiếm những bài viết, thông tin liên quan tới tác phẩm mà họ đã được tiếp nhận. Thậm chí, nhiều người trong chúng ta còn ham thích việc tìm việc cả những tác phẩm khác mà mình chưa từng xem hoặc biết tới.
<i>Đạo diễn Stanley Kubrick trên phim trường “A Clockwork Orange”  (1962).</i>
Đạo diễn Stanley Kubrick trên phim trường “A Clockwork Orange” (1962).
Điều này đúng với hầu hết các loại hình giải trí khác như thể thao, âm nhạc, sân khấu kịch, hội họa, điêu khắc, thơ ca… chứ không riêng gì điện ảnh. Nhà nghiên cứu điện ảnh Christian Metz từng viết: “Điện ảnh khó lý giải bởi vì nó đơn giản”. Ở đây, Metz đã nêu bật hai điều khiến cho chúng ta cảm thấy điện ảnh trở thành bộ môn nghệ thuật khó thực hành khi viết:
-  Thứ nhất: chúng ta không thực sự có suy nghĩ điện ảnh là một bộ môn nghệ thuật. Tại sao lại nói như vậy? Không phải bởi chúng ta có thái độ coi thường hay điện ảnh không được công nhận là một trong những loại hình nghệ thuật trong dòng chảy chủ lưu của mỹ học nghệ thuật. Điều này xuất phát từ quan điểm: chúng ta vốn dĩ đã quá quen thuộc với điện ảnh. Như đã nói ở trên, trong thời đại này, điện ảnh đã ở xung quanh chúng ta kể từ khi chúng ta được sinh ra cho tới nay, nên chúng ta – những người vốn đã quá gắn bó với điện ảnh, đã cảm thấy dường như điện ảnh là một điều tất yếu không thể thiếu trong cuộc sống. Về việc này, ở góc độ nào đó, nhận xét của Erwin Panofsky – nhà sử học nghệ thuật người Đức đã có phần chính xác: “…Nếu như tất cả các nhà thơ trữ tình, các nhà soạn nhạc, các họa sỹ, các nhà điêu khắc nghiêm túc bị pháp luật cấm hoạt động thì một bộ phận tương đối nhỏ trong quảng đại quần chúng sẽ quan tâm tới điều đó và một bộ phận còn nhỏ hơn sẽ thực sự cảm thấy nuối tiếc. Nếu điều tương tự xảy ra với điện ảnh thì những hệ quả xã hội của nó, trái lại, sẽ rất ghê gớm”. Như vậy, nếu xét về góc độ xã hội và cá nhân, những tác phẩm điện ảnh đã gắn bó chặt với con người đến nỗi, chúng ta chẳng mấy khi bận tâm hay suy nghĩ về chúng. Thậm chí ít hơn là việc viết về chúng.
-  Thứ hai: chúng ta tiếp cận điện ảnh với những mục đích khác nhau. Chúng ta đến rạp chiếu phim với nhiều mục đích khác nhau, song hầu hết chỉ là giải trí, nên hiếm khi nào chúng ta có suy nghĩ sẽ tiến hành đưa ra một phân tích dài dòng giải thích về việc xây dựng bối cảnh, thiết kế phục trang, góc máy, âm thanh hay biểu cảm diễn xuất của nhân vật. Thông thường, khán giả đại chúng (như chúng ta) có xu hướng đưa ra một vài lời nhận xét ngắn gọn về mặt diễn xuất như “diễn xuất rất tốt” hay về mặt âm thanh như “âm thanh phù hợp với cảnh phim”, mà hiếm khi nào đưa ra được lời giải thích cụ thể. Vì vậy chúng ta tiến tới một giả định ngầm: bất kỳ loại hình phân tích nào cũng có thể cản trở việc thưởng thức một tác phẩm điện ảnh.
<i>Cảnh phim “Marriage story”  (2019) của đạo diễn Noah Baumbach.</i>
Cảnh phim “Marriage story” (2019) của đạo diễn Noah Baumbach.
Có một sự thật rằng giả định về việc các loại hình phân tích sẽ gây cản trở việc thưởng thức tác phẩm là hoàn toàn không hợp lý. Như đã phân tích ở trên, việc hiểu biết rõ phương thức giải trí mình đang theo dõi sẽ giúp khán giả dễ dàng nhận định và đưa ra ý kiến nhận xét với người khác. Ví dụ, trong một trận bóng đá, khi chúng ta nắm rõ luật chơi, cách chơi, cách thức bộ môn thể thao này vận hành, tên những cầu thủ, hay đâu là những tình huống phạm lỗi và đâu là những pha bóng hay, chúng ta dễ dàng đưa ra những nhận xét sôi nổi và nhiệt tình về trận đấu; và chúng ta cũng ý thức được rằng, đó là những bình luận với mục đích hỗ trợ hay bàn luận chứ không phải gây ra sự cản trở đối với việc thưởng thức trận bóng đó. Tất nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý tới giả định nếu một người không thực sự nắm quá rõ những yếu tố đã liệt kê phía trên của trận đấu, hoặc họ không đủ hiểu biết về mặt phân tích nhằm đưa ra những lời bình luận và nhận xét, thì một mặt nào đó, họ vẫn có thể theo dõi và thưởng thức trận đấu ở một mức độ giải trí nhất định. Ngược lại, những người có khả năng về mặt tư duy, lý luận – phê bình hay cảm nhận tốt hơn sẽ có những trải nghiệm giải trí phức tạp hơn với những người còn lại.
<i>Cảnh phim “Cinema of paradiso” (1988) của đạo diễn  Giuseppe Tornatore.</i>
Cảnh phim “Cinema of paradiso” (1988) của đạo diễn Giuseppe Tornatore.
Như đã nói, sau khi trải qua quá trình im lặng suốt hai tiếng đồng hồ (hoặc hơn thế) trong rạp chiếu bóng, chúng ta thường có xu hướng chia sẻ những quan điểm của mình về tác phẩm thông qua hình thức “nói”. Thực tế, chúng ta đang có nhu cầu chia sẻ cảm xúc hay cảm nhận của mình về tác phẩm, và “nói” chỉ là một phương thức chúng ta lựa chọn. Bởi quá trình nói thường diễn ra nhanh hơn, sự lựa chọn từ ngữ cũng dễ dàng hơn để nêu bật lên ý kiến của mình. Tuy nhiên, ở một chiều hướng khác, việc “nói” tuy là phương thức chia sẻ cảm nhận nhanh chóng, nhưng vẫn còn dựa vào cảm xúc cá nhân (giống như “tôi thích bộ phim này” hoặc “tôi không thích bộ phim này”). Đó là một cách đánh giá hời hợt và mang tính chủ quan cá nhân, vì vậy việc lựa chọn phương pháp “viết” sẽ giúp bạn làm rõ hơn khi phải lựa chọn từ ngữ, sắp xếp bố cục, đưa ra những luận điểm xác đáng để làm rõ hơn lý do tại sao bạn lại cảm thấy như vậy về bộ phim.
<i>Cảnh phim “Ida” (2013) của đạo diễn Pawel Pawlikowski.</i>
Cảnh phim “Ida” (2013) của đạo diễn Pawel Pawlikowski.
Vậy tại sao việc viết về điện ảnh lại quan trọng? Bởi điện ảnh là sự tổng hòa của sáu bộ môn nghệ thuật đi trước nó, cùng với đó là sự kết hợp của tư tưởng riêng biệt của mỗi nhà làm phim về một chủ đề, thái độ nhìn nhận về tôn giáo, chính trị và văn hóa – xã hội. Nói cách khác, mỗi một tác phẩm điện ảnh là một đồ thư đồ sộ với vô vàn những ý niệm, công việc, cách thức vận hành trong đó. Khi bạn có ý định tiếp cận và viết về điện ảnh, bạn hoàn toàn có rất nhiều cách thức để triển khai, lên ý tưởng và tìm hiểu tác phẩm đó. Sau cùng bạn tiến hành phân tích một tác phẩm dưới những góc nhìn khác nhau như đạo diễn, diễn xuất, cốt truyện, phục trang, âm thanh, ánh sáng, việc sử dụng màu sắc, ý nghĩa tôn giáo, chính trị và xã hội. Chính vì vậy, khi bạn nghiêm túc tiến hành nghiên cứu một tác phẩm, bạn sẽ thấy việc phân tích tác phẩm Jurassic Park (1993) của đạo diễn Steven Spielberg cũng quan trọng không kém gì việc nghiên cứu tác phẩm “Mona Lisa” của danh họa Leonardo da Vinci hay tác phẩm “Hồ thiên nga” của nhà soạn nhạc Pyotr Ilyich Tchaikovsky. Nói như vậy không có nghĩa điện ảnh là một bộ môn trừu tượng khó hiểu hay khó lý giải và nghiên cứu. Nhưng thực tế, chúng ta cần rất nghiêm túc và tập trung để tìm hiểu bản chất phức tạp của nó, từ đó tìm ra những nét nổi bật của mỗi tác phẩm và lý giải chúng. Từ đó việc viết về điện ảnh sẽ trở nên hấp dẫn và lý thú hơn. Để biện giải về lý do và tầm quan trọng của việc viết về phim hay nói rộng hơn là viết về điện ảnh, chúng ta cần tiến tới mục đích chung của việc viết:
-  Giúp bạn nắm bắt, hiểu một cách tường tận và chính xác hơn về ý kiến cá nhân hay quan điểm nhận thức của bạn về một tác phẩm điện ảnh.
-  Lý luận, biện giải và thuyết phục người khác rằng tại sao bạn yêu thích hay không thích một tác phẩm.
-  Đưa ra so sánh, khả năng biện chứng, phản biện với những tác phẩm khác trong cùng thời kỳ, cùng tác giả, cùng chủ đề hay cùng phong cách.
-  Giới thiệu về tác phẩm, về nhà làm phim hay rộng hơn là quá trình hoàn thành tác phẩm với một nhóm độc giả chưa tiếp cận với tác phẩm đó.
-  Tìm hiểu mối liên hệ giữa tác phẩm với những yếu tố khác như tôn giáo, chính trị, văn hóa – xã hội, bối cảnh lịch sử, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, thơ ca, sân khấu…
-  Đưa ra luận chứng, nhận xét, đánh giá về giá trị của một tác phẩm trong một thời kỳ nhằm làm sáng tỏ việc tác phẩm có tác động tới thời đại như thế nào.
<i>Cảnh phim “Into the wild” (2007) của đạo diễn Sean Penn.</i>
Cảnh phim “Into the wild” (2007) của đạo diễn Sean Penn.
Một bài viết về phim (hay rộng hơn là viết về điện ảnh) sẽ hướng tới một mục đích cụ thể hoặc nhiều hơn, điều này tùy thuộc vào việc định hướng bài viết và lượng thông tin mà bạn thâu tóm được sau quá trình tiếp nhận tác phẩm. Tuy nhiên, hầu hết trong số chúng ta đều gặp phải một vấn đề chung: đó là làm cách nào để bắt đầu viết một bộ phim? Chính vì vậy, chúng ta sẽ tiếp tục tiến tới việc phân tích những khó khăn trong quá trình thực hành viết về một tác phẩm điện ảnh.

Phần 2: Đâu là những khó khăn trong quá trình mới bắt đầu viết về phim?

Có vô vàn những khó khăn trong quá trình bắt đầu viết về bộ phim, ví dụ như: bạn phân vân không biết sẽ viết về diễn xuất, cách quay – dựng, sự hấp dẫn thú vị của cốt truyện, yếu tố màu sắc trong tác phẩm… Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi một tác phẩm điện ảnh là sự tổng hòa của rất nhiều các loại hình nghệ thuật và là thành quả của cả một quá trình lao động nghiêm túc với vô vàn những công đoạn tiền sản xuất, sản xuất và hậu kỳ. Ví dụ như trong tác phẩm Jurassic Park (1993) của đạo diễn Steven Spielberg, để tiến hành xây dựng một khung cảnh của một khu chuồng nhốt con khủng long T-Rex, chúng ta cần một đội ngũ những nhân viên xây dựng, thiết lập bối cảnh dưới sự chỉ đạo của đạo diễn hình ảnh hay chỉ đạo nghệ thuật. Việc tiến hành xây dựng, thiết lập bối cảnh này tất nhiên diễn ra sau quá trình bàn bạc trao đổi giữa đạo diễn hình ảnh và đạo diễn Steven Spielberg. Chúng ta cũng cần bàn tới yếu tố CGI được sử dụng trong những cảnh quay khi con khủng long T-Rex xuất hiện hay việc thiết lập những mô hình khủng long trong những cảnh quay cận cảnh. Sự đồ sộ về khối lượng công việc mà những nhà làm phim cần làm và việc tiếp nhận chúng quả thực là quá sức với chúng ta. Vì vậy, để tiến hành nghiên cứu hay đơn giản hơn là viết về một bộ phim, bạn cần đặt rõ mục tiêu của mình để có thể tạo ra một định hướng cụ thể trong quá trình viết về tác phẩm.
<i>Đạo diễn Krzysztof Kieslowski đang chỉ đạo trên phim trường.</i>
Đạo diễn Krzysztof Kieslowski đang chỉ đạo trên phim trường.
Mặc dù vậy, chắc chắn cảm nhận ban đầu của chúng ta về một tác phẩm đó là cảm xúc. Vì vậy chúng ta thường sẽ bị cảm xúc lấn lướt trong quá trình thực hiện việc viết về tác phẩm điện ảnh. Để lấy ví dụ về điều này, chúng ta sẽ đọc đoạn viết dưới đây:
“…Tôi nghĩ Jurassic Park (1993) là một bộ phim tuyệt vời của đạo diễn Steven Spielberg. Việc ra đời của tác phẩm theo tôi là sự đột phá về mặt kỹ xảo so với những bộ phim cùng thời năm 1993. Những pha rượt đuổi gay cấn, kết hợp cùng một tuyến nhân vật xuất sắc đã giúp bộ phim trở nên thú vị. Với tôi, đoạn hay nhất của cả bộ phim là khi con khủng long T-Rex tiến tới tấn công chiếc xe của hai chị em nhà Murphy. Đồng thời, cá nhân tôi cũng rất ngưỡng mộ sự dũng cảm của tiến sỹ Ian Malcolm khi anh dám sử dụng cây pháo sáng để thu hút sự chú ý của con T-Rex và tiến sỹ Alan Grant có thời gian cứu hai đứa trẻ…” (3)
<i>Cảnh phim Jurassic Park (1993) của đạo diễn Steven Spielberg.</i>
Cảnh phim Jurassic Park (1993) của đạo diễn Steven Spielberg.
Sẽ chẳng có gì sai khi bạn đưa quan điểm cá nhân của mình vào để phân tích một tác phẩm điện ảnh. Trong quá trình tiếp nhận thông tin từ bất kỳ một loại hình nghệ thuật nào, trong vô thức chúng ta cũng đều tiếp nhận những ý kiến chủ quan của người tạo ra tác phẩm. Sự tác động này có tính định hướng, thậm chí chi phối cảm xúc và lý trí của khán giả hay độc giả. Tuy nhiên, việc đưa quá nhiều ý kiến cá nhân vào bài phân tích sẽ dẫn tới hai yếu tố khiến cho bài phân tích của bạn không được đánh giá cao:
-  Thứ nhất: toàn bộ bài phân tích đều đứng trên góc nhìn từ ý kiến chủ quan của người viết mà thiếu vắng đi cơ sở dữ liệu hay một nguồn đáng tin cậy để dựa vào tham khảo, đối chiếu, so sánh, lập luận và phản biện.
-  Thứ hai: bởi nhận thức và cảm nhận của mỗi cá nhân đều khác nhau, cho nên những ý kiến chủ quan từ phía người viết thường không phải lúc nào cũng nhận được sự đồng thuận hay đồng tình từ nhiều người.
Để làm rõ về vấn đề này, chúng ta sẽ tiến tới đọc đoạn viết dưới đây:
“…Năm 1993 là một năm tuyệt vời của đạo diễn Steven Spielberg khi ông đã có hai tác phẩm được đánh giá rất cao là Schindler’s List và Jurassic Park. Với hai tác phẩm thuộc hai thể loại hoàn toàn đối lập, khi một bên là tác phẩm chính kịch lịch sử, một bên là tác phẩm khoa học giả tưởng, đã cho thấy sự sáng tạo của ông là không giới hạn. Trong tác phẩm Jurassic Park của mình, việc kết hợp những yếu tố CGI (kỹ xảo điện ảnh) cùng những mô hình khủng long được thiết kế vô cùng tỉ mỉ đã tạo nên một thế giới mà khán giả chưa từng được thấy trước đây. Phân cảnh yêu thích nhất của tôi trong cả bộ phim đó là khi hàng rào lưới bị mất điện và con T-Rex tấn công hai chị em nhà Murphy. Nổi bật lên trong sự căng thẳng ấy là lòng dũng cảm của tiến sỹ Ian Malcolm khi anh dám sử dụng cây pháo sáng để thu hút sự chú ý của con T-Rex và tiến sỹ Alan Grant có thời gian cứu hai đứa trẻ…” (4)
<i>Cảnh phim </i><i>“</i><i>J</i><i>urassic Park</i><i>” </i><i> (1993) của đạo diễn Steven Spielberg.</i>
Cảnh phim Jurassic Park (1993) của đạo diễn Steven Spielberg.
Rõ ràng, khi ta đưa những yếu tố khách quan khác vào như việc đưa ra luận chứng về việc “tác phẩm được ra đời trong thời kỳ nào” hay “sự đột phá của nó có ý nghĩa gì”, đoạn viết trở nên có cơ sở đáng tin cậy hơn trước đó. Bên cạnh đó, việc tiết chế đưa cảm xúc cá nhân hay những ý kiến nhận xét thuần túy xuất phát từ quan điểm chủ quan của người viết – mà ở đây chỉ phục vụ mục đích bổ trợ cho việc phân tích phân cảnh – cũng làm bài viết trở nên giá trị hơn. Từ đó, người viết đã gần như loại bỏ mọi ý kiến chủ quan của mình về toàn bộ tác phẩm và chỉ tập trung đi vào phân tích phân đoạn mà bản thân cho là quan trọng mà không làm mất đi tính khách quan của toàn bộ tác phẩm.
Bạn hoàn toàn có thể sử dụng những cụm từ như “ý kiến cá nhân”, “theo ý kiến của tôi”, “theo tôi”, “tôi cho là”, “tôi nghĩ”… tuy nhiên, cần phải hết sức cẩn thận để tránh đưa bài viết và những lập luận của mình trở thành một ý kiến chủ quan dưới góc nhìn cá nhân. Hãy giữ bài viết ở lập trường khách quan nhất có thể, vì mục đích của bài viết như đã nói là hướng tới một nhóm đối tượng độc giả với những cảm nhận khác nhau, vì vậy về mặt nào đó, những ý kiến khách quan sẽ dễ dàng được chấp nhận hơn là một ý kiến chủ quan từ một cá nhân người viết. Bên cạnh đó, để xây dựng một hệ thống bài viết với nhịp điệu và phân tầng các lý luận của mình sao cho phù hợp, tránh việc đưa ra quá nhiều những dẫn chứng hoặc giải thích không cụ thể, người viết cần xây dựng một hệ thông dàn ý đủ để tuân theo và giải quyết chúng. Mục đích của việc lập dàn ý này sẽ giúp người viết có một hệ thống lý luận, biện chứng cụ thể, rành mạch và rõ ràng, giúp độc giả có thể theo dõi mà không cảm thấy khó hiểu. Thông thường, quá trình lập dàn ý này sẽ diễn ra sau khi bạn thưởng thức tác phẩm, vì vậy bạn cần phân loại bỏ những cảm nhận cá nhân của mình và biến chúng thành các tuyến lập luận khác nhau, để từ đó làm cơ sở tạo nên dàn ý cho bài viết của mình.
<i>Cảnh phim </i><i>“The end of the fucking world</i><i>” .</i>
Cảnh phim “The end of the fucking world” .
Cùng với đó như đã nói, một tác phẩm là kết quả của rất nhiều sự đầu tư công sức, trí tuệ cùng một thái độ làm việc nghiêm túc của rất nhiều người, cho nên bạn cần có một thái độ nghiêm túc khi tiếp nhận tác phẩm. Việc liên tục khơi gợi ra những câu hỏi là một trong những cách giúp bạn xây dựng hệ thống lý luận, phê bình và phản biện với những yếu tố bắt gặp được trong điện ảnh. Tóm lại, bạn càng đặt ra nhiều câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời cho chúng, càng giúp các bạn hiểu sâu hơn về tác phẩm điện ảnh đó. Như vậy, để khắc phục những khó khăn trong quá trình mới bắt đầu khi viết, chúng ta có một vài cách như sau:
-  Đặt rõ mục tiêu của mình để có thể tạo ra một định hướng cụ thể trong quá trình viết về tác phẩm.
- Có thái độ nghiêm túc khi tiếp nhận tác phẩm.
-  Liên tục đặt câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời xung quanh tác phẩm.
-  Lập dàn ý cho bài viết nhằm phân tầng hệ thống lý luận và luận giải chúng.
-  Hạn chế việc đưa những ý kiến, đánh giá mang tính chủ quan vào trong bài viết.
<i>Cảnh phim “Cloud Atlas</i><i>”  (2012) của đạo diễn Tom Tykwer, Lana Wachowski, Lilly Wachowski.</i>
Cảnh phim “Cloud Atlas” (2012) của đạo diễn Tom Tykwer, Lana Wachowski, Lilly Wachowski.
Mặc dù chúng ta đã có thể khắc phục được một vài khó khăn, song làm thế nào để đưa ra so sánh, nhận xét đánh giá hay tìm hiểu về mối liên hệ giữa tác phẩm với những yếu tố khác? Điều này liên quan tới sự tổng hòa của điện ảnh với sáu bộ môn nghệ thuật đi trước nó. Ở đây chúng ta cần xét tới việc biện giải, tìm kiếm luận điểm hay một căn cứ đủ tính thuyết phục nhằm trả lời cho những mệnh đề lớn hơn trong bài phân tích của mình. Để tìm hiểu vấn đề này, chúng ta sẽ tiến hành tham khảo một đoạn trích trong bài phê bình “Rừng Na Uy – những cơn giông tâm trạng và tình dục” của nhà nghiên cứu điện ảnh Trần Luân Kim như sau:
“…Chuyển từ trang sách lên màn hình, Trần Anh Hùng phải công phu rất nhiều để chắt lọc hồn cốt cuốn truyện, đồng thời tạo ra khuôn khổ hợp lý đối với cảm quan nghe nhìn. Đạo diễn đã gỡ bỏ rất nhiều chi tiết rối rắm, thô thiển và một số đường dây miên man đi xa trong tiểu thuyết; tập trung nhận diện và khoét sâu vào đời riêng cùng mối quan hệ tình cảm, nỗi bi ai của ba nhân vật trung tâm: chàng Watanabe đa cảm, lãng tử và non dại; cô gái Naoko dịu dàng, nhạy cảm và yếu đuối; và cuối cùng là một tính cách trái ngược hẳn: cô gái Midori luôn hăm hở, hoạt bát và coi nhẹ sự đời.
Vấn đề cốt yếu nảy sinh từ các nhân vật bộ phim cũng là chủ đề nổi bật của tiểu thuyết, đó chính là tình dục và bi kịch tự kết liễu đời mình của các nhân vật trẻ…”
<i>Cảnh phim “Rừng Na Uy”  (2010) của đạo diễn Trần Anh Hùng.</i>
Cảnh phim “Rừng Na Uy” (2010) của đạo diễn Trần Anh Hùng.
Rõ ràng, với tư cách là một loại hình nghệ thuật tổng hòa, điện ảnh có mối liên quan mật thiết với ít nhất là một trong sáu bộ môn nghệ thuật đã được công nhận trong dòng chảy chủ lưu của mỹ học nghệ thuật trước đó. Cụ thể trong bài phê bình điện ảnh này, tác giả Trần Luân Kim đã chỉ ra mối liên hệ ràng buộc giữa tác phẩm gốc là tiểu thuyết của nhà văn Haruki Murakami với tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Trần Anh Hùng. Song ở đây chúng ta nhận thấy, “tính liên văn bản” giữa hai loại hình nghệ thuật đã có sự khác nhau. Điều này liên quan tới “phương thức diễn đạt” của mỗi loại hình đều có nét khác biệt.
Chính vì vậy, đối với những người có niềm say mê yêu thích văn học, họ hoàn toàn có thể nhận ra sự khác biệt khi so sánh chủ đề của tác phẩm “Rừng Na Uy” dưới dạng tiểu thuyết và tác phẩm điện ảnh, để từ đó đặt ra câu hỏi về sự khác nhau giữa hai phương thức diễn đạt tác phẩm này. Hoặc đối với những người có niềm yêu thích hội họa, họ hoàn toàn có thể dễ dàng nhận thấy việc sử dụng bố cục màu sắc trong tác phẩm “Paris, Texas (1984) của đạo diễn Wim Wenders có nét đặc biệt khi nhân vật Travis gặp lại vợ cũ của mình là Jane. Chúng ta sẽ đọc tham khảo một đoạn viết như sau:
“Sau nhiều năm xa cách, hai vợ chồng Travis và Jane gặp lại nhau. Thực chất, họ gặp nhau thông qua một tấm gương một chiều, khi mà Travis có thể nhìn thấy vợ thông qua tấm kính còn Jane thì không. Mặc dù vậy, Travis vẫn xoay chiếc ghế ngược lại với tấm gương – nơi anh có thể nhìn thấy vợ, nhấc điện thoại lên để nói chuyện với cô. Lúc này anh gần như chìm vào trong bóng tối của khung hình, một phần sắc xanh phủ nhẹ lên Travis, trái ngược với hậu cảnh là ánh sáng vàng ấm áp đang bao phủ lên Jane. Nhiều người trong khán giả sẽ đặt giả thiết về việc Travis lúc này đang ở trong một trạng thái u sầu, khi anh khuất trong bóng tối và Jane sẽ trong một trạng thái phấn khích hay hành phúc với tông màu chủ đạo là vàng xung quanh cô. Tuy nhiên sự trái ngược lại diễn ra khi Travis cất tiếng trải lòng, mặc dù giọng nói của anh đều đều và không thay đổi tông giọng, song sự thỏa mãn và hạnh phúc trong lúc được nói ra nỗi lòng mình sau nhiều năm giấu kín, ánh lên trong mắt của Travis đã khiến anh – dù vẫn đang lẫn trong ánh xanh u ám – trở nên nổi bật và chân thật. Trái ngược hoàn toàn với Jane, người được bao phủ bởi tông màu sáng song lại mang tâm lý day dứt và tiếc nuối.” (5)
<i>Cảnh phim “Paris, Texas” (1984) của đạo diễn Wim Wenders.
</i>
Cảnh phim “Paris, Texas” (1984) của đạo diễn Wim Wenders.
Như vậy, tuy có thể chưa thực sự nắm bắt được toàn bộ ý nghĩa của khung hình hay thực chất là ý nghĩa của đoạn hội thoại, những nhà phê bình điện ảnh vẫn có thể dựa vào sự bố trí về màu sắc, ánh sáng hay âm thanh trong khung hình và thông qua những loại hình nghệ thuật khác nhằm biện giải, lý luận, phê bình và dẫn dắt độc giả tìm hiểu về tác phẩm điện ảnh.
Tất nhiên, như đã đề cập trong bài viết “Điện ảnh – “đứa con” được công nhận muộn của mỹ học nghệ thuật” của mình, tôi cũng đã đề cập tới việc nếu không có sự ra đời của những khoa học công nghệ như quang học, vật lý hay hóa học, điện ảnh khó có thể hình thành và phát triển như ngày hôm nay. Vì vậy, đối với những người có niềm say mê với khoa học công nghệ, họ cũng hoàn toàn có thể tham chiếu điện ảnh thông qua sự tương tác của khoa học công nghệ. Ở một khía cạnh nhỏ hẹp hơn, đối với những người am hiểu về kỹ thuật sử dụng máy quay, họ hoàn toàn có thể dựa vào những góc máy để thực hiện một bài viết về việc sử dụng góc máy của một nhà làm phim. Chúng ta sẽ tiến tới một ví dụ như sau về cách sử dụng máy quay của đạo diễn Yasujiro Ozu:
“…Nếu như trước trong giai đoạn đầu sự nghiệp, đạo diễn Ozu ưa thích sử dụng những cú máy travelling và những khung hình đại cảnh thì trong những tác phẩm sau này, ông đã ưu tiên những cảnh quay thấp, và khung hình tầm trung – cận ở trạng thái tĩnh với độ dài trung bình.
Thực tế, góc máy của Ozu không hẳn là một góc máy thấp cố tình lấy toàn cảnh nhân vật mà là một góc máy được đặt ở độ cao khoảng 90cm so với mặt đất. Trong một số trường hợp, ví dụ như phim sử thi hay điện ảnh Việt Nam trước năm 1975, ta thường thấy những cú máy thấp có góc máy hất từ dưới lên, quay đại cảnh để lấy toàn bộ hình ảnh nhân vật; hoặc một cú máy thấp được đặt trung cảnh để lấy toàn bộ phần thân trên của nhân vật, tạo ra cảm giác vĩ đại của người anh hùng. Lúc này nhân vật trở nên gần với thần thánh, hoặc những bức tượng La Mã cổ với chiến công hiển hách và vĩ đại. Quay trở lại với Ozu, chủ yếu những cú máy thấp thường được ông được đặt trong nội cảnh và ta có thể gọi là một cú máy thấp vì có thể nhìn thấy trần nhà. Tuy nhiên, những nhà nghiên cứu điện ảnh sau này đã gọi cách quay này của Ozu là tatami – shot. Việc đặt góc máy cao khoảng 90cm so với mặt đất, khung hình giờ đây tạo ra cảm giác như chúng ta đang được ngồi trong chính tầm nhìn của những nhân vật. Từ đó vô hình chung tạo nên cảm giác chính khán giả đang trong một cuộc hội thoại; hoặc được quan sát trực tiếp những hành động của nhân vật trong khung hình đang được ghi lại lúc này. Với tầm nhìn từ góc máy, Ozu cho phép khán giả quan sát được toàn bộ cử chỉ trên khuôn mặt của người đối diện bằng cách thay đổi khung cảnh từ trung cảnh sang cận cảnh. Từ đó đi sâu vào hiểu rõ tâm lý nhân vật hay trạng thái cảm xúc của họ…” (6)
<i>Cảnh phim “An autumn afternoon” (1962) của đạo diễn Yasujiro Ozu.
</i>
Cảnh phim “An autumn afternoon” (1962) của đạo diễn Yasujiro Ozu.
Việc liên kết, biện chứng với những dẫn chứng cụ thể sẽ giúp các bạn tạo ra một sợi dây liên kết và mạch kết nối giữa các hình thức khác nhau. Chúng ta cần lưu ý, điện ảnh là một chủ đề được thể hiện dưới một hình thức đặc biệt nhằm tạo ra một ý nghĩa nào đó, cho nên những bộ phim không chỉ đơn thuần là kể lại một câu chuyện, một sự kiện mà cao hơn nữa đó là việc những nhà làm phim đã dẫn dắt cốt truyện (dưới dạng những sự kiện) với mục đích xây dựng nên một câu chuyện tổng hòa nhiều yếu tố. Công việc của chúng ta đó là nắm bắt được yếu tố nào đã được những nhà làm phim xây dựng nhằm nổi bật lên phong cách của họ, hay đơn giản hơn đó là làm nổi bật lên trong tác phẩm bạn vừa thưởng thức.
Có một đặc điểm thú vị đó là việc đặt câu hỏi và chú giải là một trong những hình thức giúp bạn phác thảo nên dàn ý cho việc phân tích một tác phẩm điện ảnh. Song như đã nói, chúng ta cần phải ghi nhớ việc điện ảnh là một chuỗi những hình ảnh liên tục được chuyển động, vì vậy bản chất thực tế của công việc phân tích điện ảnh đó là phát hiện ra những khoảnh khắc, khuôn mẫu hay những hành động – đồ vật – sự kiện được lặp lại trong xuyên suốt một tác phẩm. Để làm được điều này, công việc phân tích điện ảnh yêu cầu hai việc:
-  Thứ nhất: đó là việc xem đi xem lại nhiều lần một tác phẩm. Tất nhiên việc này sẽ khá mất thời gian, song đây là cách duy nhất giúp bạn có thể tập trung chú ý tới những khoảnh khắc mà mình đã bỏ lỡ trong lần đầu tiên xem phim. Bởi như đã phân tích ở trên, cảm nhận ban đầu của khán giả khi tiếp nhận một tác phẩm thường ở dưới dạng cảm xúc. Đó là lý do chúng ta thường bị cảm xúc cuốn đi theo nhịp độ của tác phẩm mà hiếm khi nào có cơ hội nắm bắt những khoảnh khắc hay khuôn mẫu trong tác phẩm đó. Vì vậy, việc xem tác phẩm nhiều lần sẽ giúp bạn định vị rõ ràng hay nắm bắt những khoảnh khắc nổi bật một cách dễ dàng khi cảm xúc ban đầu đã trôi qua.
-  Thứ hai đó là xem nhiều phim. Sẽ chẳng có cách nào trui rèn kỹ năng của một việc nếu không làm việc đó nhiều lần. Từ đó, như một phản xạ có điều kiện, bạn có thể nắm bắt được những khoảnh khắc nổi bật hay một tình tiết mà bạn băn khoăn và liên hệ nó sang một tác phẩm khác cùng chủ đề hoặc thể loại một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, cùng với việc đào sâu phân tích và nghiên cứu sẽ giúp bạn tìm kiếm những công cụ nhằm dẫn dắt bản thân tới việc tiến hành viết về phim, hay rộng hơn là viết về điện ảnh một cách tốt hơn.
<i>Cảnh phim “The Color of Pomegranates” (1969) của đạo diễn Sergey Iosifovich Paradzhanov.
</i>
Cảnh phim “The Color of Pomegranates” (1969) của đạo diễn Sergey Iosifovich Paradzhanov.

Phần 3: Có những dạng bài viết về phim cơ bản nào?

Như đã nói, có rất nhiều cách tiếp cận một tác phẩm điện ảnh. Từ đây chúng ta tiếp tục nảy sinh một vấn đề cần tìm hiểu, đó là có những dạng viết về phim cơ bản nào?
Một trong những dạng bài viết về điện ảnh mà chúng ta quen thuộc nhất đó là review phim (hay còn gọi là điểm phim). Trong một bài phỏng vấn nhà phê bình điện ảnh báo chí Lê Hồng Lâm, anh đã có những chia sẻ như sau:
“…Theo tôi biết, ở phương Tây, mà chắc ở phương Đông hay đâu cũng thế, người ta chia công việc bình luận phim thành hai trường phái:
Một là giới “Bình luận Báo chí” (Journalist Criticism), chỉ những người viết bình luận, điểm phim trên báo giấy, tạp chí, các phương tiện truyền thông kỹ thuật số. Họ xếp hạng những bộ phim, nêu ý kiến cá nhân và nhận định cho khán giả.
Hai là giới “Bình luận Hàn lâm” (Academic Criticism), gồm những nhà báo, nhà phê bình tiếp cận bộ phim theo hướng nghiên cứu. Họ tìm hiểu lý do bộ phim thành công, ý nghĩa và ảnh hưởng của nó đến mọi người…”
Như vậy, tùy vào mục tiêu cá nhân hay mục đích hướng tới, chúng ta tiến hành nghiên cứu và phân tích một tác phẩm điện ảnh (hay cụ thể ở đây là phim) dưới một hình thức mà chúng ta lựa chọn. Song, để làm rõ vấn đề này, chúng ta cần có một hệ thống thống kê những hình thức viết, mục đích, ý nghĩa và phân loại chúng cho phù hợp.
<i>Cảnh phim “Hero” (2002) của đạo diễn Trương Nghệ Mưu.
</i>
Cảnh phim “Hero” (2002) của đạo diễn Trương Nghệ Mưu.
Đối với hình thức “Bình luận Báo chí”, chúng ta cần phân biệt rõ mục tiêu mà báo chí hướng tới đối với điện ảnh. Thông thường trong quá trình phát hành phim, những nhà làm phim mong muốn tác phẩm của mình sẽ được công chúng biết tới rộng rãi hơn, cho nên việc sử dụng hình thức báo chí là không thể thiếu trong giai đoạn này. Trong một vài trường hợp, những nhà làm phim sẽ tổ chức những buổi họp báo ra mắt tác phậm, hay sử dụng những đoạn phim ngắn về việc phỏng vấn nhân vật nhằm tạo dữ liệu cho quá trình quảng bá bộ phim đến với công chung. Ngoài trailer (một bản tóm tắt ngắn về chủ đề và nội dung phim dưới hình thức video), những bài phỏng vấn, ảnh phim, hậu trường cũng rất được khán giả quan tâm và theo dõi. Vì vậy, mục đích của báo chí đối với một tác phẩm mới đó là phân bổ rõ ràng từng giai đoạn của bộ phim từ khi có thông tin phát hành, tới khi ra rạp và cuối cùng là khi kết thúc quá trình chiếu phim tại rạp để lựa chọn ra những hình thức viết phù hợp. Ở đây, chúng ta cần lưu ý mục đích này chỉ phục vụ cho quá trình phát hành phim đối với những tác phẩm mới, mặc dù thực tế chức năng và mục đích của review phim (điểm phim) rộng hơn như vậy. Chúng ta có thể điểm qua một vài những loại hình và phong cách viết theo thiên hướng “Bình luận báo chí” như sau:
-  Preview (hay còn được gọi là “Thông cáo báo chí”): là những bài viết với mục đích cung cấp thông tin một dự án phim chưa được ra mắt công chúng. Một ví dụ điển hình đó là tác phẩm Avatar: The Way of Water (2022) của đạo diễn James Cameron. Mặc dù được khởi chiếu tại Bắc Mỹ vào ngày 16/12/2022, song từ tháng 3 và tháng 4 cùng năm, hàng loạt những bài viết trên những trang báo uy tín như Variety đã đưa thông tin về ngày ra mắt của dự án này. Như vậy, mục đích của bài Preview chỉ đơn thuần cung cấp thông tin một dự án phim chưa được ra mắt chứ không phải để nói về nội dung của tác phẩm. Vậy chúng ta sẽ điểm qua một vài thông tin có thể lên trong dạng bài viết Preview này như sau:
+ Thông tin về đạo diễn của bộ phim.
+ Thông tin về những diễn viên tham gia bộ phim.
+  Thông tin về chi phí sản xuất của bộ phim.
+  Thông tin ngày ra mắt của bộ phim.
+  Ý kiến những nhà phê bình điện ảnh về bộ phim.
+  Thông tin về những tác phẩm trước đây của đạo diễn, hoặc phần trước của tác phẩm.
+ V.v…
<i>Cảnh phim “The artist” (2011) của đạo diễn Michel Hazanavicius.
</i>
Cảnh phim “The artist” (2011) của đạo diễn Michel Hazanavicius.
-  Hậu trường phim: là những loại bài chuyên về quá trình sản xuất phim, quá trình tiền kỳ của phim (như chọn diễn viên, bối cảnh, thiết kế phục trang…), đạo diễn – diễn viên – ekip nói về tác phẩm, hay tạo hình nhân vật. Thực tế hiện nay, loại bài “Hậu trường phim” thường được viết trước khi tác phẩm được công chiếu và thường đi chung với những dạng bài “Preview – thông cáo báo chí”. Bởi mục tiêu của chúng thường nhắm tới đó là cung cấp thông tin một dự án phim chưa ra mắt, khơi gợi sự tò mò của khán giả hoặc tiết lộ một phần nội dung của tác phẩm.
-  Phỏng vấn nhân vật: tùy vào mục đích mà những loại bài này có thể được viết trước hoặc sau khi tác phẩm đã được công chiếu. Nếu mục tiêu của người viết hướng bài viết tới trước khi phim ra mắt thì những bài “Phỏng vấn nhân vật” sẽ có xu hướng gần giống với “Preview – thông cáo báo chí” hay “Hậu trường phim”. Song ở mức độ nào đó, việc phỏng vấn chuyên sâu về một đối tượng nhân vật sẽ giúp khán giả có nhiều thông tin hơn về vai trò của họ trong tác phẩm đó. Tuy nhiên, nếu mục tiêu của người viết hướng bài viết tới sau khi phim ra mắt, hoặc chỉ đơn thuần phục vụ mục đích đưa nhân vật đó tới với đông đảo khán giả hơn thì chúng ta lại có một kiểu bài viết và cách tiếp cận hoàn toàn khác. Một trong những bài phỏng vấn đã được chuyển thể thành sách nổi tiếng đó là cuốn “Điện ảnh của Vương Gia Vệ” của John Powers khi đạo diễn họ Vương chia sẻ về mười một tác phẩm của ông suốt sự nghiệp điện ảnh từ tác phẩm “As tears go by” (1988) tới tác phẩm “The Grandmaster” (2013), trong chùm sáu bài phỏng vấn tại sáu địa điểm khác nhau.
<i>Đạo diễn Sergey Iosifovich Paradzhanov.</i>
Đạo diễn Sergey Iosifovich Paradzhanov.
-  Review phim (hay còn được gọi là “Điểm phim”): đây là dạng bài viết quen thuộc nhất và cũng là bài viết được lựa chọn để đọc nhiều nhất. Thông thường ở Việt Nam, những bộ phim mới sẽ được ra mắt vào ngày thứ sáu, điều này có nghĩa trong hai ngày cuối tuần sau đó, lượng khán giả tới rạp chiếu bóng tìm kiếm phương thức giải trí về điện ảnh sẽ rất lớn. Vì vậy, những bài review cần có tính chất “thời sự”, có nghĩa nó cần được người viết hoàn thành trước ngày phim công chiếu (đối với những bộ phim được công chiếu sớm); hoặc ngay trong ngày phim được công chiếu. Để giải thích cho việc này chúng ta cần tiến tới hành vi và tâm lý tiêu dùng của khán giả. Khán giả thường sẽ có xu hướng tìm đọc trước một tác phẩm để quyết định có nên bỏ thời gian và tài chính ra để thưởng thức nó hay không. Bởi đối với khán giả đại chúng, điện ảnh hầu như chỉ mang tính chất thuần giải trí cho nên việc bỏ một khoảng thời gian dài sau một tuần làm việc là điều cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Chính vì vậy, mục tiêu của những bài review hướng tới là cho khán giả đại chúng và mục đích chính của loại bài này là có đáng để khán giả tới rạp xem tác phẩm. Tuy nhiên về mặt nội dung, bài review cần đảm bảo được những yếu tố cơ bản như nhận xét tổng thể về bộ phim hay có những phân tích điểm hay và dở trong tác phẩm. Vì đây là căn cứ cơ bản mà độc giả tìm kiếm và hướng tới tìm đọc loại bài này.
<i>Cảnh phim “Logan” (2017) của đạo diễn James Mangold.</i>
Cảnh phim “Logan” (2017) của đạo diễn James Mangold.
-  Report News (hay còn được gọi là “Thông tin tác phẩm”): đây là dạng bài viết sau khi tác phẩm đã được ra mắt tại rạp. Dạng bài viết này thường được lên trong quá trình bộ phim vẫn đang được công chiếu hoặc sau khi đã kết thúc quá trình công chiếu của mình tại rạp chiếu bóng. Với mục đích cung cấp thông tin cho độc giả về nhiều loại thông tin từ doanh thu bán vé từng tuần, tổng doanh thu sau khi công chiếu toàn cầu, những giải thưởng điện ảnh nhận được tại các Liên hoan phim Quốc tế, phản ứng của khán giả và nhà phê bình với tác phẩm hay đánh giá của các trang chuyên về điện ảnh nổi tiếng. Nhìn chung, đây là một dạng bài viết được lên nhằm cung cấp những thông tin cuối cùng đối với một tác phẩm điện ảnh. Tuy nhiên trong một vài trường hợp nhất định, ví dụ như trường hợp tác phẩm “Đập cánh giữa không trung” (2014) của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, sau khi được công chiếu tại nước ngoài và được giới phê bình đánh giá cao cũng như giành một vài giải thưởng quốc tế, bộ phim mới được công chiếu chính thức tại Việt Nam.
Mặc dù chúng ta đã chỉ rõ ra mục tiêu của báo chí đối với tác phẩm điện ảnh, song đó chỉ là mục tiêu hướng tới phục vụ quá trình “phát hành phim” của những hãng phim nhằm đưa tác phẩm tới gần với khán giả hơn. Hay nói chính xác hơn, những xưởng phim và nhà phát hành đã sử dụng sức mạnh mang tính “thời sự” của báo chí nhằm phục vụ mục đích quảng bá tác phẩm điện ảnh của họ. Vì vậy, nếu xem xét kỹ ta có thể thấy hiện nay vẫn tồn tại rất nhiều những loại bài khác nhau được các trang báo, tạp chí sử dụng nhằm đưa ra thông tin về một hoặc một chuỗi các tác phẩm. Ở đó, khán giả có thể lựa chọn, tìm hiểu, nắm bắt thông tin về những tác phẩm có cùng đề tài, chủ đề, phong cách hay những nhà làm phim tiêu biểu. Ở đây chúng ta có một số dạng bài như sau:
-  Dạng bài tổng hợp: Đây là một dạng bài được viết theo một chủ đề mang tính khảo sát, so sánh hoặc liệt kê các tác phẩm, nhân vật điện ảnh tiêu biểu. Dạng này này rất đa dạng và phong phú, tuy nhiên người viết cần có một lượng kiến thức về điện ảnh đủ, hoặc ít nhất họ cần có một lượng thông tin về các tác phẩm đủ để đưa vào bài viết của mình. Dưới đây là một số phong cách viết tiêu biểu của “Dạng bài tổng hợp”:
+  Các phim hoặc nhân vật theo chủ đề: Các phim theo chủ đề là một dạng bài chúng ta thường gặp trong những dịp quan trọng trong năm; hoặc được những nhà giám tuyển lựa chọn trong những kỳ liên hoan phim tại một dịp kỷ niệm sự kiện. Chúng ta có thể lấy ví dụ như những phim cùng chủ đề trong ngày lễ Giáng Sinh, những phim cùng chủ đề về đề tài gia đình… Hoặc như trong dịp kỷ niệm ngày mất 110 năm của đạo diễn Yasujito Ozu vào năm 2013, chúng ta đã có dịp được thưởng thức những tác phẩm của cố đạo diễn trong buổi chiếu phim tưởng nhớ đến ông của Đại học Hoa Sen phối hợp cùng Art House. Vì vậy, để giới thiệu, quảng bá chương trình này, những bài viết về chùm phim của Ozu sẽ được người ta tìm đọc nhiều. Thông thường ở dạng bài viết “Các phim theo chủ đề”, người viết cần có một kiến thức sơ lược về các bộ phim mà họ muốn giới thiệu về mặt nội dung và những nét nổi bật nhằm mục đích giới thiệu tới khán giả.
+  Các dạng bài so sánh giữa các phim, nhân vật có cùng ý tưởng: Cũng giống như dạng bài trên, ở dạng bài so sánh, người viết cần nắm rõ được mặt nội dung cơ bản và những nét nổi bật của những tác phẩm hoặc của nhân vật trong tác phẩm. Từ đó lập nên dàn ý so sánh điểm giống – khác nhau giữa hai tác phẩm hoặc hai nhân vật. Về dạng bài viết này, người viết cần có một sự hiểu biết nhất định về phê bình điện ảnh hay những phương pháp nghị luận xã hội nhằm bổ sung, đóng góp vào những đánh giá của họ về tác phẩm được trình bày.
+  Những dạng bài về phim hay nhất hoặc dở nhất từng thời kỳ: Rõ ràng đây là kiểu bài cần có sự đánh giá, chiêm nghiệm mang tính cá nhân lớn nhất trong “Dạng bài viết tổng hợp”. Thông qua những trang về điện ảnh uy tín hoặc dựa vào ý kiến cá nhân, bạn sẽ xây dựng một hệ thống những tác phẩm trong một thời đại hoặc mang cùng một chủ đề phong cách làm phim. Ví dụ như những tác phẩm hay nhất của Chủ nghĩa Làn sóng mới tại Pháp, hay những bộ phim xuất sắc nhất của điện ảnh Hollywood về cuộc chiến tranh Việt Nam. Để viết được kiểu bài này, bạn cần hiểu rõ về lịch sử điện ảnh qua từng thời kỳ, sự biến động chính trị – văn hóa – xã hội trong thời kỳ đó nhằm chắt lọc ra những tác phẩm xuất sắc nhất hoặc dở nhất phục vụ cho mục tiêu bài viết. Một ví dụ điển hình nhất cho việc này đó là vào năm 2005, những nhà nghiên cứu và phê bình điện ảnh của Hồng Kông đã thành lập danh sách bình chọn “100 phim Trung Quốc hay nhất mọi thời đại” để giới thiệu tới công chúng.
<i>Cảnh phim “Đông Tà Tây Độc” (1994) của đạo diễn Vương Gia Vệ.</i>
Cảnh phim “Đông Tà Tây Độc” (1994) của đạo diễn Vương Gia Vệ.
-  Dạng bài viết chân dung nhân vật: Đây có lẽ là dạng bài viết tiệm cận nhất với những bài “Bình luận Hàn lâm” bởi mang nặng tính nghiên cứu về “Lịch sử điện ảnh” “Phê bình điện ảnh” nhất trong những kiểu bài viết. Với kiểu bài viết này, người viết cần không chỉ tìm hiểu về đời tư, sự nghiệp của nhân vật mà còn cần tiến hành nghiên cứu và xem xét toàn bộ tác phẩm của họ. Từ đó, nắm bắt được phong cách đặc trưng, tính nổi bật hay sự thay đổi trong phong cách cá nhân của nhân vật. Ở đây chúng ta bao gồm một số kiểu bài viết như:
+  Phân tích sự nghiệp của một đạo diễn, diễn viên qua nhiều bộ phim.
+  Phong cách làm phim, phong cách diễn xuất của một nhân vật.
+  Cách xây dựng một kiểu nhân vật qua nhiều bộ phim trên màn ảnh.
<i>Đạo diễn Síu Phạm.</i>
Đạo diễn Síu Phạm.
Đối với dạng “Bình luận Hàn lâm” sẽ gồm những bài thuộc dạng phân tích chuyên sâu về một vấn đề trong điện ảnh. Đây là dạng bài thuần về học thuật, lý thuyết, phê bình và thường cũng là dạng bài khó viết nhất trong tất cả các dạng bài viết về điện ảnh. Bởi chúng ta cần có một phương pháp nghiên cứu nghiêm túc và chính xác nhằm tìm kiếm hay biện giải về một yếu tố trong điện ảnh. Những dạng bài phân tích chuyên sâu như vậy cũng rất nặng về mặt học thuật và kỹ thuật trong điện ảnh cho nên chúng thường được những sinh viên chuyên ngành điện ảnh, những nhà nghiên cứu điện ảnh, lý luận điện ảnh hay phê bình điện ảnh viết dưới dạng hình thức của một bài tiểu luận hay chính luận. Một vài kiểu bài thuộc “Dạng bài phân tích chuyên sâu” như:
-  Biểu tượng điện ảnh (liên quan tới “Ký hiệu điện ảnh”“Ngôn ngữ điện ảnh” thuộc những khái niệm về Lý luận – Phê bình điện ảnh).
-  Một vấn đề thể hiện trong nhiều tác phẩm.
-  Xu hướng làm phim của thời kỳ (phụ thuộc vào việc nghiên cứu Lịch sử điện ảnh).
-  Thành công và thất bại của một bộ phim (phụ thuộc vào Phê bình điện ảnh).
-  Thông điệp thể hiện qua một hoặc vài chi tiết trên màn ảnh.
-  Những yếu tố gây tranh cãi (phụ thuộc vào Lý luận điện ảnh).
<i>Cảnh phim “Lã Sinh Môn” (1950) của đạo diễn Akira Kurosawa.</i>
Cảnh phim “Lã Sinh Môn” (1950) của đạo diễn Akira Kurosawa.

Phần 4: Review phim (điểm phim) và Lý luận – Phê bình điện ảnh khác nhau như thế nào?

Tại sao lại chọn ra hai kiểu viết này để so sánh? Đó là bởi đây là hai kiểu viết đặc trưng nhất về một tác phẩm hay một vấn đề trong điện ảnh. Chính vì vậy, để tiến hành phân tích về điểm khác nhau giữa hai kiểu bài viết, trước hết chúng ta cần hiểu thế nào là Lý luận điện ảnhPhê bình điện ảnh.
Thông thường đối với những sinh viên được đào tạo chuyên sâu về điện ảnh, có ba phương pháp nghiên cứu về điện ảnh sẽ được giảng dạy, đó là:
-  Nghiên cứu về lịch sử điện ảnh.
-  Lý luận điện ảnh.
-  Nghiệp vụ phê bình điện ảnh.
Mặc dù đó chưa phải là toàn bộ những gì một sinh viên điện ảnh được đào tạo vì trong quá trình học, họ còn phải tìm hiểu về: Ngôn ngữ điện ảnh, Ký hiệu điện ảnh, Hình tượng điện ảnh hay phương thức so sánh và mối liên kết giữa điện ảnh và những loại hình nghệ thuật khác…; song ba phương pháp trên là ba phương pháp chủ chốt, đắc lực và là nóng cốt, cũng như đó là ba phương pháp mà bất kỳ một sinh viên điện ảnh nào cũng phải nắm được. Ở đây chúng ta chỉ tập trung vào tìm hiểu Lý luận – Phê bình điện ảnh và tạm thời bỏ qua Lịch sử điện ảnh.
<i>Một phần chương trình học của sinh viên điện ảnh</i>
Một phần chương trình học của sinh viên điện ảnh
Thực tế, Lý luận điện ảnhPhê bình điện ảnh là hai phạm trù khác nhau nhưng lại có sự gắn kết chặt chẽ nhằm hỗ trợ, bổ sung cho nhau trong quá trình tìm hiểu về điện ảnh. Trong cuốn “Phương pháp phê bình điện ảnh” của Trần Luân Kim, ông đã có một đoạn viết về sự khác nhau giữa lý luận điện ảnh và phê bình điện ảnh như sau:
“…lý luận điện ảnh quan tâm đến những vấn đề khái quát có tính quy luật cùng đặc điểm loại hình của tác phẩm, từ đó biện luận và phân tích học thuật; thì phê bình điện ảnh tầm soát nghệ thuật thể hiện của tác phẩm cụ thể và đánh giá giá trị của chúng… Nhà lý luận điện ảnh phải dựa vào hệ thống lý luận nhất định để làm cơ sở tác nghiệp. Còn đối với nhà phê bình điện ảnh, nhiệm vụ quan trọng nhất là xét đoán giá trị tác phẩm điện ảnh, là đánh giá cái hay, cái tốt; hoặc ngược lại. Trong lúc đó, đối với nhà lý luận điện ảnh, vấn đề quan trọng nhất là xác quyết “đúng hay sai” – tức là vấn đề nhận thức…”
Như vậy ở đây, tác giả Trần Luân Kim đã chỉ ra hai yếu điểm khác nhau nhất giữa Lý luận điện ảnhPhê bình điện ảnh: đó là công cụ phân tích mục tiêu hướng tới của việc phân tích.
<i>Cảnh phim “Ida” (2013) của đạo diễn Pawel Pawlikowski.</i>
Cảnh phim “Ida” (2013) của đạo diễn Pawel Pawlikowski.
Đầu tiên ta xét tới Lý luận điện ảnh. Thông thường, những nhà lý luận điện ảnh sử dụng cơ sở thông tin được xây dựng có tính quy tắc và thiên về lý thuyết học thuật. Điều này bắt buộc người viết phải giả định khán giả đã có kiến thức về một lượng lớn kiến thức về một số bộ phim cụ thể, lịch sử điện ảnh hay những bài viết khác về phim. Mục tiêu của những nhà Lý luận điện ảnh hướng tới đó là giải thích một số cấu trúc lớn hơn, phức tạp hơn, nội hàm cao trong chuyên ngành điện ảnh chứ không phải trong một tác phẩm. Việc giả định khán giả biết một lượng lớn thông tin về điện ảnh cũng đồng nghĩa với việc họ giả định khán giả nắm được những vấn đề liên quan giữa điện ảnh với sáu loại hình nghệ thuật khác, với chính trị, tôn giáo, văn hóa – xã hội… Một lượng lớn thông tin về mặt học thuật sẽ được thể hiện trong bài khiến người đọc nhìn chung cảm thấy khó hiểu nếu không có đủ lượng kiến thức để tiếp nhận thông tin mà bài viết muốn hướng tới. Dưới đây sẽ là một đoạn trích trong bài viết “Triết học điện ảnh và cuộc khám phá những bề sâu của Nghệ thuật thứ bảy” của Thomas E. Wartenberg:
“Có hai đặc điểm của triết học điện ảnh cần phải được thảo luận trước khi đào sâu vào các vấn đề chuyên biệt hơn. Đặc điểm đầu tiên đó là các học giả điện ảnh không phải triết gia chuyên nghiệp nhưng đã có nhiều đóng góp cho lĩnh vực này (ví dụ Chatman (1990) và Smith (1995)). Điều này giúp phân biệt lĩnh vực này với những bộ môn triết học khoa học, thì môn học hàn lâm về vật lý lại được ngự trị bởi các triết gia chuyên nghiệp. Triết học điện ảnh thì không phải như vậy. Kết quả là việc sử dụng thuật ngữ “triết gia điện ảnh” của tôi sẽ khá mở rộng, nhằm bao gồm tất cả những người quan tâm đến các vấn đề lý thuyết về điện ảnh.
Đặc điểm thứ hai là bên trong nghiên cứu điện ảnh – mà bản thân là một lĩnh vực của nghiên cứu học thuật được thể chế hóa – có một lĩnh vực phụ gọi là lý thuyết điện ảnh (film theory) có sự chồng chéo đáng kể với triết học điện ảnh, mặc dù phần lớn các nhà lý thuyết ất thao tác trên các giả định triết học khác một cách đáng kể với những triết gia Anh – Mỹ về điện ảnh…
…Hugo Munsterberg, nhà triết học đầu tiên viết một chuyên khảo về loại hình nghệ thuật mới này, đã tìm cách phân biệt điện ảnh bằng phương tiện các thiết bị kỹ thuật mà nó sử dụng trong việc kể chuyện (Munsterberg 1916). Các cảnh hồi tưởng, các cận cảnh và dựng phim là một số ví dụ của các phương tiện kỹ thuật mà các nhà làm phim sử dụng để trình bày câu chuyện của họ, điều mà sân khấu còn thiếu. Đối với Munsterberg, việc sử dụng các thiết bị này đã phân biệt điện ảnh với sân khấu như một loại hình nghệ thuật…”
Chúng ta cần chú ý tới cách sử dụng từ ngữ và cách xây dựng luận điểm của Thomas E. Wartenberg tại đây. Trong bài viết của mình, Thomas E. Wartenberg mặc nhiên giả định khán giả có một lượng khiến thức về triết học, đủ để hiểu những gì bài viết sẽ cung cấp về một lĩnh vực triết học hoàn toàn mới vẫn còn được gây tranh cãi. Bên cạnh đó ông cũng không có bất kỳ một bản tóm tắt hay lý giải nào về Chatman (1990)Smith (1995) là gì. Điều này buộc người đọc phải tự tìm hiểu, xây dựng và bồi đắp lượng kiến thức còn thiếu hụt của mình nhằm hướng tới hiểu rõ hơn nội dung của bài viết. Cùng với đó là các hành văn của Thomas E. Wartenberg. Thông thường, một người viết về một vấn đề hướng tới đông đảo khán giả đại chúng, họ sẽ có xu hướng sử dụng những từ ngữ hiêu tả đơn giản hoặc dễ hiểu, cùng một nhịp độ tiết tấu nhất định để người đọc có thể dần dần nắm bắt được nội dung thông tin và lượng kiến thức được truyền tải. Song Thomas E. Wartenberg đã sử dụng những thuật ngữ như “cận cảnh”, “hồi tưởng”, “dựng phim”… khi giới thiệu điểm khác nhau giữa điện ảnh và sân khấu (đó là chúng ta còn chưa xét đến việc ông đã giả định chúng ta biết về nghệ thuật sân khấu). Biện giải về điều này không phải để nói rằng phong cách viết nào đúng hay sai, mà ở đây là do mục tiêu hướng tới những độc giả khác nhau của người viết. Cách viết và cách sử dụng từ ngữ, cũng hệ thống luận điểm được dựa vào làm cơ sở nghiên cứu và phân tích của Thomas E. Wartenberg đã cho chúng ta thấy rằng ông đang hướng tới một cộng đồng học thuật và trí thức với lượng kiến thức đủ lớn, song vẫn còn hoài nghi về việc điện ảnh có thực sự là một ngành nghệ thuật và cao hơn nữa, là trở thành một bộ môn triết học mới.
<i>Cảnh phim “The Tale of the princess Kaguya” (2013) của đạo diễn Takahata Isao.</i>
Cảnh phim “The Tale of the princess Kaguya” (2013) của đạo diễn Takahata Isao.
Timothy Corrigan, giáo sư tiếng anh và nghệ thuật điện ảnh của trường Đại học Pennsylvania đã đưa ra nhận định: phê bình điện ảnh là kiểu bài viết nằm ở trung gian giữa một bài lý luận điện ảnh và một bài review phim (điểm phim). Vì vậy, trước khi đi vào phân tích và nói rõ Phê bình phim hay Phê bình điện ảnh là gì, chúng ta sẽ tìm hiểu Review phim (điểm phim) là gì trước.
Như đã nói tại “Những dạng bài viết về phim” ở trên, ta có thể hiểu review phim (điểm phim) là một dạng bài viết mang tính chất “thời sự”. Điều này tại đây trở nên mâu thuẫn bởi không hẳn lúc nào cũng là như vậy. Tuy nhiên, tính “thời sự” của những bài review phim được xét ở trên nằm trong giai đoạn “giới thiệu về một tác phẩm điện ảnh mới ra rạp” mà chúng ta đã được lưu ý trước đó; hay nói cách khác review phim nếu hướng tới những tác phẩm trong quá trình mới ra rạp sẽ sử dụng công cụ “thời sự” của báo chí làm mục tiêu chính của mình. Song bản chất của kiểu bài viết này chỉ đơn giản là nhắm tới lượng khán giả rộng rãi nhất có thể, tới những người không có kiến thức chuyên sâu về điện ảnh. Vì vậy như đã nói ở trên, mục đích cuối cùng và duy nhất của một bài review phim đó là giới thiệu về một bộ phim mà công chúng chưa biết tới và gợi ý cho họ rằng tác phẩm đó có đáng để xem hay không. Để đảm bảo về mặt nội dung cho một bài review phim, người viết đơn giản chỉ cần trả lời đúng và đủ ba câu hỏi:
-  Nội dung cơ bản của của bộ phim là gì?
-  Bộ phim có gì đặc sắc và nổi bật?
-  Bộ phim có đáng để khán giả bỏ thời gian ra để xem hay không?
<i>Cảnh phim “It's a wonderful life” (1946) của đạo diễn Frank Capra.</i>
Cảnh phim “It's a wonderful life” (1946) của đạo diễn Frank Capra.
Chính vì vậy, về cơ bản review phim có một phần hướng tới việc “…xét đoán giá trị tác phẩm điện ảnh, là đánh giá cái hay, cái tốt; hoặc ngược lại…” giống như ý kiến của tác giả Trần Luân Kim về mặt Phê bình điện ảnh. Và điều này cũng hoàn toàn phù hợp với Timothy Corrigan khi ông đánh giá Phê bình điện ảnh là bài viết trung gian giữa Review phimLý luận phê bình.
Mục tiêu của những nhà phê bình điện ảnh đó là biện giải, phân tích, tìm hiểu và làm sáng tỏ ra một yếu tố trong một tác phẩm. Thông qua việc sử dụng những lý thuyết điện ảnh, ký hiệu điện ảnh hay hình tượng điện ảnh để tìm kiếm ý nghĩa những giá trị cốt lõi trong tác phẩm được phân tích. Những nhà Phê bình điện ảnh cũng thường giả định rằng độc giả của mình đã xem hoặc biết tới bộ phim được đem ra trong quá trình thảo luận. Họ có thể sẽ nhắc lại, gợi nhớ về một cảnh phim, một trích đoạn, một khung hình hay một phần của cốt truyện để từ đó tiến hành phân tích tác phẩm dưới cơ sở hình ảnh đã được gợi mở. Chính bởi vì mục tiêu của bài viết hướng tới thường có độ phức tạp cao hơn bài review phim, vì vậy các công cụ phân tích sẽ liên tục được sử dụng. Để tìm hiểu về vấn đề này, chúng ta tiến hành đọc một trích đoạn dưới đây về tác phẩm “Đông Tà Tây Độc” của đạo diễn Vương Gia Vệ:
“…Phần lớn trong thời gian của bộ phim, những nhân vật đều sống trong quá khứ của mình. Sự gãy khúc này dẫn đến một không/thời gian bị đảo lộn và đứt gãy liên tục, tạo ra sự phân mảnh giữa họ với thực tại. Khi ta được bước vào trường không/thời gian của mỗi nhân vật và nhận ra mối liên kết giữa họ với nhau trở nên thú vị. Sự không nhất quán này tạo nên một điều đặc biệt: những nhân vật đang tự giam hãm chính mình trong trường không/thời gian mà họ tự tạo ra.
Một ví dụ cho điều này là việc sử dụng hình tượng lồng chim để nói lên mối quan hệ giữa Hoàng Dược Sư – Âu Dương Phong – Mộ Dung Yên/ Mộ Dung Yến. Trong một khoảnh khắc, sau khi uống túy sinh mộng tử, Hoàng Dược Sư ngồi nhìn chiếc lồng chim rất lâu và nói rằng nó rất quen, ngay sau đó ta tiếp tục được chuyển sang cuộc gặp gỡ giữa Âu Dương Phong và Mộ Dung Yên/ Mộ Dung Yến. Khung hình lúc này không trọn vẹn, một nửa khung hình được che lấp bởi chiếc lồng chim. Ánh sáng không trực tiếp chiếu lên khuôn mặt nhân vật mà chiếu xuyên qua chiếc lồng tạo nên những khoảng tối đứt gãy trên khuôn mặt mỗi người. Sự đứt gãy này tạo nên tính không liên tục và nhất quán trong không chỉ không/ thời gian đó mà còn cả về nội tâm nhân vật. Hai nhân vật đứng đó, nhưng không ai biết Âu Dương Phong thực chất đang nói chuyện với ai, là Mộ Dung Yên hay Mộ Dung yến. Chiếc lồng như ngăn cách họ với nhau, nhưng cũng đồng thời giam hãm họ. Yếu tố thị giác phức tạp, đầy mẫn cảm nhưng vô cùng nghiêm túc để đi sâu vào nội tâm bất đồng của nhân vật mà không cần những câu thoại dài, từ đó tạo nên một khoảnh khắc mỹ học sầu muộn. Trong khoảnh khắc đó, không/ thời gian đã không còn tồn tại, hay nói một cách khác, không/ thời gian của những nhân vật đã được thay thế bởi những ảo giác, trầm mặc và u sầu. Từ đây sự cô đơn và cô độc, thiếu kết nối giữa người với người, giữa bản thể với tâm hồn đã Vương Gia Vệ thể hiện rất rõ ràng…” (7)
<i>Cảnh phim “Đông Tà Tây Độc” (1994) của đạo diễn Vương Gia Vệ.</i>
Cảnh phim “Đông Tà Tây Độc” (1994) của đạo diễn Vương Gia Vệ.
Như vậy ở đây, chúng ta cần lưu ý hai điểm:
-  Thứ nhất: đó là việc mục tiêu bài của một bài phê bình không phải đánh giá, nhận xét về việc bộ phim có đáng xem hay không, mà chỉ đơn thuần là phân tích tác phẩm đó. Ở đây tác giả đã giả định, độc giả là những người đã xem tác phẩm, nắm được cơ bản nội dung của tác phẩm, song vẫn còn tranh cãi hoặc chưa hiểu rõ về nó. Chính vì vậy việc tác giả không tóm tắt lại tác phẩm, cũng như chỉ sử dụng một vài hình ảnh gợi nhắc để khán giả nhớ đến làm tiền đề cho việc phân tích.
-  Thứ hai: đó là việc tác giả đặt giả thiết độc giả là những người đã quen với những khái niệm cơ bản về điện ảnh như dàn cảnh, dựng phim, âm thanh, ánh sáng…Vì vậy, trong bài viết liên tục đề cập tới những vấn đề này.
<i>Cảnh phim “To kill a Mockingbird” (1962) của đạo diễn Robert Mulligan.</i>
Cảnh phim “To kill a Mockingbird” (1962) của đạo diễn Robert Mulligan.
Thực tế, Lý luận điện ảnhPhê bình điện ảnh có một mối quan hệ đan xen, gắn bó không thể tách rời. Điều này thường không diễn ra giữa hai hình thức này với Reiew phim bởi tính chất phức tạp của hai loại hình nghiên cứu này. Tất nhiên, về mặt học thuật, những nhà lý luận điện ảnh thường không bộ lộ tính khuynh hướng cá nhân quá lớn do bản chất của họ thường dựa vào cơ sở lý thuyết và cơ sở hệ thống lý luận, vì vậy họ tránh đưa cảm xúc cá nhân vào trong bài viết của mình. Ngược lại, những nhà phê bình điện ảnh thường có xu hướng bộ lộ khuynh hướng cá nhân lớn khi mục tiêu của họ đó là hướng độc giả tới những phân tích dưới góc nhìn của mình. Tuy họ vẫn có xu hướng hạn chế đưa cái tôi cá nhân vào và luôn giữ lập trường ở điểm khách quan nhất có thể, song việc hướng người đọc tới những phân tích tác phẩm theo ý hiểu của cá nhân, trong vô thức họ đã áp đặt cá tính cá nhân của mình lên độc giả. Để giữ tính khách quan này tốt nhất có thể, những nhà phê bình điện ảnh buộc phải sử dụng công cụ học thuật từ những lý thuyết điện ảnh; hay nói cách khác, họ sử dụng hệ thống lý luận điện ảnh để tiến hành như một công cụ phân tích tác phẩm mà họ lựa chọn với mục tiêu giúp người đọc thấu hiểu tác phẩm điện ảnh hơn những gì họ biết.

Lời kết

Thông qua bài viết, chúng ta đã phần nào nắm được lý do tại sao cần phải viết về điện ảnh, một số dạng bài viết về điện ảnh cơ bản và sự khác nhau giữa review phim và lý luận – phê bình điện ảnh. Tất nhiên, đối với mỗi một thể loại đều có những khó khăn và sự hấp dẫn riêng của nó, người viết hoàn toàn có thể tìm hiểu, lựa chọn và học hỏi những kiểu bài viết phù hợp với bản thân mình. Để nói về một nhà phê bình điện ảnh hay một người review phim (điểm phim), tác giả Pauline Kael trong cuốn “I lost it at the movies” đã viết: “…Một nhà phê bình (hay một người điểm phim) giỏi là người giúp độc giả hiểu rõ về tác phẩm hơn so với lúc họ xem chúng. Một nhà phê bình (hay một người điểm phim) giói là người bằng sự hiểu biết, cảm nhận về bộ phim và niềm đam mê của mình, kích thích niềm đam mê của độc giả, khiến họ muốn trải nghiệm nghệ thuật trong bộ phim đó. Đó có thể không hẳn là một nhà phê bình (điểm phim) tồi nếu đưa ra những đánh giá sai bởi sai sót là khó tránh khỏi. Song một nhà phê bình (điểm phim tồi) là người không khơi gợi được sự tò mò, không kích thích được sự hứng thú và không giúp khán giả tăng hiểu biết về bộ phim đó…”.

Chú thích:

·    (1), (2), (3), (4), (5): là những ví dụ của tác giả Việt Anh Phạm trong quá trình viết bài.
·    (6): thuộc bài viết “Điện ảnh của Yasujiro Ozu”, của tác giả Việt Anh Phạm. Link bài viết:
·    (7): thuộc bài viết “Cùng nói về ‘Đông Tà Tây Độc’ (1994) của Vương Gia Vệ”, của tác giả Việt Anh Phạm. Link bài viết:

Bài viết có sự tham khảo từ:

·      “Điện ảnh và văn học” của Timothy Corrigan, xuất bản năm 2013.
·      “Nghệ thuật điện ảnh” của David Bordwell và Kristin Thompson, xuất bản năm 2013.
·      “Lịch sử điện ảnh thế giới – dẫn luận, tập 1 – 2” của David Bordwell và Kristin Thompson, xuất bản năm 2013.
·      “Hướng dẫn viết về phim” của Timothy Corrigan, xuất bản năm 2011.
·      “Nghiên cứu phim” của Warren Buckland, xuất bản năm 2011.
·      “Phương pháp phê bình điện ảnh” của Trần Luân Kim, xuất bản năm 2020.
·      “Triết học điện ảnh và cuộc khám phá những bề sâu của Nghệ thuật thứ bảy”, của Thomas E. Wartenberg, biên dịch Đào Lê Na, bản dịch được đăng trên Tạp chí Văn hóa và Du lịch, số 24, tháng 7 năm 2015.
·      “Điện ảnh Vương Gia Vệ” của John Power, xuất bản năm 2022.
·      Bài phỏng vấn nhà báo Lê Hồng Lâm, link bài phỏng vấn: https://www.lofficielvietnam.com/pop-music-film/tro-chuyen-cung-nha-phe-binh-dien-anh-le-hong-lam