Trong Hán ngữ, hôn nhân 婚姻 có nghĩa là “việc trai gái lấy nhau làm vợ chồng”. Xét về từ nguyên, chữ hôn 婚 (lấy vợ hay chồng) gồm có hai chữ, kết hợp theo lối hài thanh 諧聲, đó là: nữ 女 (con gái) + hôn 昏 (trời chạng vạng tối).  Thuyết văn giải tự có viết: "Thủ phụ dĩ hôn thời, cố viết hôn", tức là “Lấy vợ lúc trời tối, cho nên gọi là hôn”. Tại sao người xưa quan niệm lấy vợ lúc trời tối? Dựa vào Thuyết âm dương, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng muôn vật trong vũ trụ đều có sự kết hợp giữa hai mặt đối lập là Âm và Dương. Cụ thể ở đây, nữ là Âm và nam là Dương. Hoàng hôn là giai đoạn mặt trời lặn xuống, mặt trăng bắt đầu mọc lên, đó chính là lúc Âm - Dương giao hòa với nhau, tổ chức lễ cưới trong giai đoạn này là một điều rất hợp lý. Thứ hai, có ý kiến cũng lý giải rằng hai người cưới nhau thì tức là chú rể "cướp" cô dâu khỏi nhà cha mẹ của cổ. Sách “Lễ kí", Tăng Tử Vấn có ghi: “Khổng Tử nói: Nhà gái ba đêm không tắt nến, vì nghĩ đến sự xa cách nhau vậy; nhà trai ba ngày không cử nhạc, vì nghĩ tới người thân cô dâu sẽ kéo đến vậy”. Mà đã là "cướp" cô dâu, thì tất nhiên không thể “cướp” vào ban ngày được, mà dứt khoát phải là sau lúc hoàng hôn. 
Lý giải về từ "hôn nhân" cho vui vui vậy. Thật ra bài viết này xin kể một số quan niệm hôn nhân thời "ông bà ta" mà người viết sưu tầm được. 

1. Tảo hôn

Tảo hôn là trường hợp kết hôn trong đó cô dâu và chú rể hoặc một trong hai người là trẻ em hoặc là người chưa đến tuổi kết hôn (thông thường là chưa đến tuổi dậy thì). 
Ngày nay, luật pháp nghiêm cấm tảo hôn vì những hệ lụy nặng nề mà nó gây ra. Tuy nhiên ở thời trước, tảo hôn được xem là chuyện bình thường, xuất phát từ một số nguyên nhân như sau: Luật pháp không ngăn cấm tảo hôn; người xưa quan niệm độ tuổi đẹp nhất của con gái là tuổi "trăng tròn" (tức 16, 17 tuổi); tâm lý các chàng trai muốn lấy vợ nhỏ tuổi hơn Chồng già vợ trẻ thì xinh/ Vợ già chồng trẻ như chình mắm nêm"; tâm lý cha mẹ sợ con gái ế chồng nên nếu thấy được là gả đi ngay chứ không đợi đến tuổi thành niênHàng vua chúa, quan lại, trí thức cũng thường cưới vợ nhỏ tuổi. Ví dụ, Trần Cảnh (vua Trần Thái Tông) cưới Lý Chiêu Hoàng (công chúa Phật Kim) lúc hai người mới 8 tuổi. Bà Phạm Thị Hằng (mẹ vua Tự Đức) tiến cung lấy thái tử Miên Tông (vua Thiệu Trị) lúc bà mới 14 tuổi. 
Một trường hợp nữa là "tảo hôn ngược" - cậu trai còn nhỏ cưới vợ lớn hơn nhiều tuổi, có khi gấp rưỡi. Trường hợp này xảy ra ở những gia đình giàu có, chỉ có một cậu con trai. 
"Bồng bồng cõng chồng đi chơi
Đi đến chỗ lội đánh rơi mất chồng
Chị em ơi cho tôi mượn cái gàu sòng
Để tôi tát nước múc chồng tôi lên". 
 Chỉ có bốn câu mà dựng lên được một bức tranh hài hước đầy ấn tượng. Cô gái nọ "đánh rơi mất chồng" và sau đó kêu cứu: "Chị em ơi...". Vì sao có cảnh bi hài này? Vì chồng cô gái bé quá nên mới phải "cõng chồng đi chơi". Cũng vì bé quá, lọt khỏi tay nên cô lỡ làm "đánh rơi mất chồng", không mò được, phải mượn gàu sòng để “tát nước múc chồng” lên. Thường là các gia đình giàu có muốn cưới vợ lớn tuổi cho cậu con trai để có người chăm sóc cho cậu ta học hành ăn uống và cũng là nhà có thêm người làm các công việc gia đình. Cô vợ này thường là những thiếu nữ nhà nghèo, chấp nhận làm dâu nhà giàu, kiêm chức vụ "vú em" và làm việc nhà. Lẽ đương nhiên, khi chàng trai trưởng thành, nhan sắc của cô gái cũng tàn phai, chàng ta sẽ cưới vợ lẽ trẻ đẹp. 

Đọc thêm:

2. Về tuổi của đôi nam nữ xấu, làm lễ cưới không lên đèn

Người Việt thường tin vào sự tốt, xấu của tuổi nam nữ kết hôn, nên trước khi kết hôn gia đình nhà trai thường đến "thầy" để coi tuổi của đôi trẻ lấy nhau tốt hay xấu. Khi tuổi của họ lấy nhau được tốt thì gia đình yên tâm tiến hành hôn lễ như bình thường. Nhưng gặp tuổi đôi bên kỵ nhau, thường gia đình sẽ ngăn cấm. Nhưng khi họ lại quá thương nhau và nhất quyết lấy nhau, nếu không thuận theo đôi trẻ có khi hậu quả khôn lường, nên cha mẹ phải cho làm đám cưới. Trường hợp này các “thầy coi ngày” thường bày cho gia đình, khi làm lễ thành hôn cho đôi nam nữ vẫn tổ chức trước bàn thờ tổ tiên nhưng không lên đèn, không thắp hương cáo bạch tổ tiên, đôi nam nữ cũng không lạy tổ tiên. 
Quan niệm về tuổi kỵ này đến ngày nay vẫn còn, vì tuổi hai vợ chồng kỵ, nên đám cưới vợ chồng bạn tôi không tiến hành lên đèn, đêm đầu tiên động phòng thì hai đứa không được ở nhà mà phải ở ngoài khách sạn, sang hôm sau mới được vào nhà. Tính ra thì, được ở khách sạn, tụi nó còn khoái chí hơn ở nhà. Ngoài việc xem tuổi cô dâu chú rể, người ta còn xem tuổi của dâu - rể có hợp hay kỵ gì với "ông bà già chồng", "ông bà già vợ" hay không. Tôi từng nghe kể một chuyện như thế này, cô con dâu nhà kia tuổi Dần, kỵ với mẹ chồng tuổi Hợi. Sợ rước "hổ" vào nhà sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tiền tài mẹ chồng, nên người ta treo một miếng thịt lợn ở trước cửa phòng mẹ chồng ngay trong ngày rước dâu về, cốt là để "Dần" thấy mồi ngon mà "tha" cho "Hợi". 

3. Có bầu trước ngày cưới, cô dâu đi ngõ sau vào nhà 

Trường hợp này ngày xưa người ta cho là con cháu đã qua mặt tổ tiên, chưa có lễ cưới lạy cáo bạch tổ tiên mà đã lấy nhau, nên khi rước dâu về đến ngõ nhà trai, họ không cho cô dâu đi vào nhà bằng ngõ chính phía trước, mà bảo cô dâu phải vào nhà bằng ngõ sau rồi đi lên phía trước đến bàn thờ tổ tiên để làm lễ. Người ta coi đây là hình thức "phạt" cô dâu đã làm cái việc “ứng trước”, không giữ được trong trắng cho đến ngày cưới, mà “phá lệ” dám đi tắt về ngang, nên ngày cưới không được vinh dự rước vào ngõ chính, khi làm lễ thành hôn cũng kiêng kỵ mà không cho lên đèn.
Ngoài ra, ngày xưa tin rằng, người ngoài đến "đẻ" trong nhà mình thì nhà sẽ gặp xui xẻo, tai ương, làm ăn thất bát; nhưng ngược lại, người ngoài đến chết trong nhà mình thì nhà đó sẽ gặp may mắn, an lành, làm ăn sẽ phát đạt nên tục ngữ có câu "sinh dữ, tử lành". Khi cô gái đã mang thai với con trai nhà mà chưa qua lễ cưới, nhà trai vẫn coi người con gái đó là người ngoài, nên kỵ người ngoài có mang vào nhà mình đẻ, sợ rằng nhà mình gặp nhiều khó khăn, làm ăn không lên. Cho nên, cha mẹ chú rể phải cho cô gái đi vào ngõ sau rồi mới lên nhà trên làm lễ, có nghĩa là cô dâu đã "xông đất" nhà dưới (nhà hậu) rồi mới lên nhà trên (nhà chính) làm lễ cưới. Coi như cô dâu đã ở trước trong nhà mình để giải cái điều kỵ người ngoài đã mang thai vô nhà mình sinh con. 

Đọc thêm:

Nhắc đây, tôi lại nhớ tới đoạn clip cách đây mấy năm tôi thấy dân mạng share trên Facebook. Cô dâu có thai nên được sắp xếp cho đi cửa sau, ấy vậy mà lúc mới bước xuống xe ô tô, chú rể cãi lời người lớn, ẵm cô dâu một phát, xông ngay vào cửa chính trước sự kinh ngạc ngỡ ngàng của quan viên hai họ. Người ta bình luận khen anh này dũng cảm, còn mẹ tôi thì lại bảo làm vậy là hại con gái nhà người ta. Đã sắp xếp đâu vào đấy thì cứ theo ý người lớn mà làm, chứ hành xử vậy lỡ sau này gia đình nhà trai có xảy ra chuyện xui rủi gì, người ta sẽ đổ thừa cho người con dâu, khi ấy càng tội cô dâu hơn. 
 Thời xưa, có bầu trước khi cưới là bị quở phạt đủ điều, chứ ngày nay người ta cởi mở hơn rất nhiều. Một người anh tôi quen còn kể với tôi, bố mẹ bạn của anh ấy bảo là bây giờ chị bạn gái có thai thì hai bác mới cho cưới. Bởi người lớn sợ đôi trẻ ham mê sự nghiệp bỏ bê chuyện sinh con, cũng sợ hai đứa có vấn đề gì về đường sinh sản, bởi vậy khám sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân các kiểu xong là bắt phải có bầu liền, người lớn muốn "chắc kèo" rồi mới cho cưới. 

4. Cưới chạy tang 

Đám cưới được diễn ra hay không còn phải tùy thuộc vào tuổi của đôi nam nữ có được năm tốt để cưới hay không. Có khi hai tuổi gặp mấy năm xấu liền kỵ cho hôn nhân. Nếu được năm cưới tốt và họ cũng đã chuẩn bị cho đám cưới, không may trong nhà lại có ông bà hay cha mẹ qua đời, theo đạo hiếu thì họ phải tạm dừng đám cưới để lo chịu tang cho trọn đạo làm con cháu, nhưng chờ cho hết tang để cưới thì có khi lại gặp những năm xấu liên tiếp không cưới được, hôn nhân sẽ chờ đợi lâu. Vì vậy, cưới chạy tang là một trường hợp đặc biệt bất ngờ ngoài ý muốn của hai gia đình và của đôi nam nữ nên hai gia đình sẽ xem xét mà cho đôi nam nữ làm lễ thành hôn trước khi liệm và nhập quan người mất. Lễ thành hôn được làm đơn giản, chỉ cần ông nội hay người cha hoặc người gia trưởng tộc hay người cao niên trong họ nhà trai đứng chủ hôn, thắp hương khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, rồi hướng dẫn cô dâu chú rể cùng lễ lạy tổ tiên. Như vậy hôn lễ đã thành, sau đó vợ chồng được phép để tang người mất. Cưới chạy tang không được tổ chức tiệc vui mừng.
Khi chưa nhập quan người ta coi người chết như đang còn sống, không kỵ gì cho việc cưới, nhưng trong nhà đang có ông bà hay cha mẹ qua đời là một nỗi buồn lớn cho gia đình, con cháu phải tập trung lo tang lễ cho người đã khuất. Dù gia đình có châm chế cho đôi nam nữ làm lễ thành hôn chạy tang thì cũng không thể nào cho tổ chức tiệc cưới vui mừng được, đó là đạo lý về sự hiếu nghĩa và lễ nghi, mà cũng hợp với hoàn cảnh thực tế của gia đình khi nhà đang có việc đau buồn.

5. Một năm không cưới vợ cho hai con trai, không gả chồng cho hai con gái

Trong một gia đình, người ta không cưới vợ cho hai người con trai hoặc gả chồng cho hai người con gái trong một năm, nhưng có thể cưới vợ cho một người con trai và gả chồng cho một người con gái. Quan niệm này không phải xuất phát từ những điều kiêng kỵ trong niềm tin tâm linh, mà xuất phát từ thực tế đời sống kinh tế của gia đình rồi về sau thành thói quen mà dân gian coi là điều kiêng kỵ. Với cuộc sống thời xưa, việc làm ăn đều nhờ vào ruộng đất và tùy thuộc vào thời tiết khí hậu, nên đời sống rất vất vả khó khăn, thường thiếu trước hụt sau, chẳng mấy nhà có được cuộc sống dư dả. Muốn cưới vợ cho con, gia đình cũng phải chuẩn bị trước, lo dành dụm một số tiền để mua sắm nữ trang, lễ vật, tiền bạc nạp cho nhà gái và tổ chức đám cưới nên rất tốn kém. Vừa chi phí cho lễ tiệc nhà trai, vừa chi phí cho lễ việc nhà gái là một gánh nặng quá lớn cho nhà trai, cho nên dân gian mới có câu "cưới con dâu, sâu con mắt", nghĩa là cha mẹ phải lo chạy vạy tiền bạc để cưới vợ cho con, lo quá ngủ không được đến nỗi hai mắt phải sâu vô luôn. Bên cạnh đó còn phải lo chỗ ăn chỗ ở cho đôi vợ chồng trẻ.
 Còn việc gả con gái về nhà chồng thì bên nhà gái không tốn kém gì bao nhiêu, đã có nhà trai đi lễ vật, tiền bạc để chi phí cho đám cưới, gia đình nhà gái chỉ lo thêm chút ít nữa thôi, lại không phải lo chỗ ăn chỗ ở và không phải nuôi vợ chồng của người con những năm mới cưới, nên nhà gái không gặp khó khăn gì nhiều trong việc gả hai con gái lấy chồng trong một năm. Nhưng về tâm lý, gả hai con gái đi lấy chồng trong một năm, nhà sẽ bị giảm bớt người làm, cảm giác trống trải vắng vẻ làm cho cha mẹ nhớ con dễ sinh buồn rầu, hơn nữa cũng ngại miệng đời đàm tiếu là nhà không nuôi nổi hai đứa con gái hoặc hai đứa con gái có vấn đề không ổn nên mới phải gả gấp hai đứa trong một năm như vậy. Cho nên, việc gả hai đứa con gái đi lấy chồng trong cùng một năm, theo ông bà ta ngày xưa, tuy không phải xuất phát do gánh nặng kinh tế cho gia đình, nhưng để tránh lời dị nghị đàm tiếu, các bậc phụ huynh cũng không muốn và cho là việc không nên. 

Đọc thêm:

Tuy nhiên, trong một năm người ta có thể cưới vợ cho một con trai và gả chồng cho một con gái tức có rước về, có gả đi. Về mặt tiền bạc cha mẹ chỉ nặng lo chi phí cho đám cưới con trai, phần đám cưới con gái chi phí có nhà trai hỗ trợ cha mẹ nhẹ lo hơn, nên có thể lo liệu sắp xếp được. Về tâm lý rước về một con dâu, gả đi một con gái “một về, một đi” là "huề" không có gì phải kiêng kỵ, đối với xã hội cũng thuận, không có gì phải ngại người ta đàm tiếu. Việc hôn nhân còn tùy thuộc vào tuổi của đôi nam nữ được năm tốt mới cưới, trong gia đình có con trai sắp cưới vợ và có con gái sắp gả chồng mà cả hai cùng gặp một năm tốt, người ta vẫn có thể tổ chức cưới vợ cho con trai và gả chồng cho con gái trong cùng một năm đó, chỉ cần chọn khác tháng mà thôi. 

6. Tráo hôn

Hôn nhân ngày xưa thường do người mai mối, nên có khi nhà trai chưa biết mặt cô gái, thành ra mới có cái lễ "dạm", nôm na gọi là "coi mắt", là để nhà trai biết mặt con dâu tương lai. Bởi vì lo cô chị lớn tuổi khó lấy chồng nên có trường hợp, nhà trai đến "coi mắt" thì nhà gái đưa cô em ra gặp mặt, nhưng khi đưa dâu về nhà chồng thì lại đưa cô chị thay thế, đặt hôn nhân vào tình thế "chuyện đã rồi", trường hợp này gọi là "tráo hôn".
Hôn nhân là do cha mẹ sắp đặt, trai gái phần lớn chưa được quen nhau trước nên tình yêu chưa có dịp thể hiện sâu đậm trước khi kết hôn, khi cưới nhau rồi vợ chồng ăn ở với nhau, tình yêu mới đến sau. Vì vậy, dù nhà trai có biết nhà gái tráo hôn, nhưng đã lỡ rồi và vì danh dự gia đình, nhà trai cũng không muốn làm to chuyện trong lễ cưới vì sợ người ta chê cười, còn chàng rể thấy sắc diện cô chị cũng không kém cô em là mấy nên đành chấp nhận cô chị. Nhưng cũng có trường hợp, chàng trai quen biết và có tình cảm với cô em, đi hỏi cô em làm vợ, đến lễ cưới lại bị nhà gái tráo cô chị làm cô dâu, vì danh dự gia đình, lễ cưới vẫn cho tiến hành, nhưng sau lễ cưới chàng rể không chịu ngủ cùng với cô vợ. Điều này làm cho cô vợ mang tiếng có chồng mà cũng như không, đưa cô vợ đến tình thế ở bên nhà chồng cũng không được, mà đi về nhà cha mẹ ruột cũng không xong, cuối cùng hôn nhân đổ vỡ, làm cho cuộc đời cô gái tráo hôn chẳng còn lấy ai được nữa, rơi vào chỗ hẩm hiu bi đát.

7. Vợ chồng mới cưới thường không cho ngủ chung trước giờ Tý

Giờ Tý là từ 23 giờ đến 1 giờ sáng. Theo quan niệm ông cha, con người lao động ở ngoài đồng dưới cái nắng, cái mưa rất vất vả, từ sáng sớm đến tối mịt mới về nhà, làm hao tốn nhiều sức lực nên cần phải có thời gian nghỉ ngơi để lấy lại sức. Đôi vợ chồng trẻ mới cưới họ rất hăng hái trong tình yêu, nhưng ban ngày vợ chồng lo làm việc nặng nhọc ngoài đồng, đến tối về họ mới có cơ hội gần gũi. Nếu đôi trẻ nhiệt tình quá mà ân ái lúc đầu hôm khi sức lực lao động cả ngày đã hao tốn quá nhiều mà chưa hồi phục thì dễ bị kiệt sức, có hại cho sức khỏe. Nhất là người chồng sức lực chưa ổn mà ân ái với vợ sẽ dễ bị “thượng mã phong" rất nguy hiểm hoặc bị “hạ mã phong” sinh bệnh khó chữa, nhẹ hơn thì bị "thương phòng” người cứ uế cải, rã rời kéo dài. (Người xưa cho rằng phụ nữ kỵ ân ái sau khi mới sinh đẻ vì sức lực bị hao tổn, còn người đàn ông kỵ sau khi mới lao động nặng nhọc sức lực chưa hồi phục kịp. Nếu vì sức khỏe yếu ớt mà vợ chồng gần gũi nhau rồi dẫn đến hậu quả nặng nhất là tử vong, trường hợp này người xưa gọi là "phạm phòng”). 
Vì vậy, để tách người con trai ngủ riêng với vợ lúc đầu hôm, bên cạnh buồng ngủ của đôi vợ chồng trẻ sẽ là giường ngủ của người mẹ chồng. Người mẹ ở đó để ngầm nhắc con trai không được vào ngủ sớm với vợ mà phải đợi đến nửa đêm giờ Tý mới được vào buồng. Do đó, người vợ trẻ sợ chồng ngủ quên nên nàng sẽ mượn tiếng chuột kêu để nhắc chồng về "cuộc hẹn", đến giờ Tý canh ba thì chàng nhớ mà vào. Từ đó mà có bài ca dao: "Chuột kêu chút chít trong rương/ Anh đi cho khéo đụng giường mẹ hay". 

Kết

Người Việt Nam vốn vô cùng coi trọng chuyện hôn nhân. Dân gian coi cưới xin là một trong ba việc lớn của đời người khi nhấn mạnh trong câu: “Tậu trâu cưới vợ làm nhà/ Cả ba việc ấy thật là khó thay”
Hôn nhân không đơn thuần là việc hai người lấy nhau mà là việc của hai bên cha mẹ, hai dòng họ dựng vợ gả chồng cho con. Trong vài thập niên qua, hôn nhân và gia đình Việt Nam đã trải qua những biến chuyển, từ kiểu mẫu truyền thống sang kiểu gia đình với những đặc điểm hiện đại. Có nhiều quan niệm về hôn nhân trước đây đến ngày nay vẫn duy trì, bên cạnh đó, nhiều quan niệm được xem là lạc hậu đã không còn tồn tại nữa. 


Tài liệu tham khảo
Từ Xuân Lãnh, Phong tục đất phương Nam, NXB Tổng hợp TP HCM, 2019.