(Đây là lần đầu em viết bài, vậy nên có gì xin mọi người bỏ chút thời gian nhận xét đánh giá ạ!)

 Tản mạn cho vui
Người ta vẫn hay khen những ai có khả năng phản biện, đặc biệt là tự phản biện mình - biết thắc mắc những khuôn khổ và những gì đã tồn tại sẵn, cũng như tự thắc mắc về những suy nghĩ và việc làm của bản thân mà nhỉ? Một trong những yếu tố để thành công chính là hiểu rõ mình mà, vì nếu giả sử người thành công cần có sự quyết đoán thì chắc hẳn một người biết rõ về điều mình thích, điều mình mong muốn, hiểu được cái hệ giá trị cốt lõi của chính mình sẽ quyết đoán hơn những ai đến chính mình còn không thể hiểu rồi (đâu thể quyết đưa ra quyết định chọn trường chọn ngành một cách dứt khoát nếu không biết chút gì về khả năng, tính cách của mình mà chỉ dựa vào những cái gì đang "hot" được, như thế rồi đến lúc nghe được cái gì "hot" hơn sẽ lại thay đổi và hối hận về quyết định của mình thôi). 
Ý tôi là, việc "muốn" nó có thể xuất phát từ "cảm giác cần", mà "cảm giác cần" xuất hiện từ "cảm giác thiếu" (nói là "cảm giác vì cũng ko rõ nó có phải "thiếu" thật ko), vâỵ nên tìm hiểu cái "muốn" đó và từ đó giải quyết cái "thiếu" theo hướng hợp lý nhất vẫn tốt hơn là không hiểu rõ gì mà chỉ đâm đầu cố thỏa mãn cái "muốn", đằng nào thì nếu ko giải quyết được cái "thiếu" kia thì rồi nó cũng sẽ sinh ra những cái "muốn" mới thôi, không thể cứ chạy theo những thứ ham muốn tầm thường chỉ vì những cái thiếu sót nó điều khiển được

Okay, có lẽ là ví dụ đó nó không có được hay lắm, nhưng mà trở lại với câu hỏi: vì sao tôi lai chọn viết? 
Góc nhìn của tôi về những người thích viết
Trước đây, tôi hiếm khi có cái nhìn thiện chí tới những người ham mê viết lách, có lẽ là ám ảnh tư duy từ hồi học phổ thông  rằng mô văn thật nhàm chán và những người viết lách cũng vậy, họ chỉ là những kẻ nhàm chán kiêu ngạo nghĩ rằng quan điểm của mình là đúng rồi dệt nên những lớp màn hào nhoáng để tôn lên cái “tôi” của bản thân, để được chú ý… Nhưng khi nhìn ở một góc độ khác chứ không phải một đứa bé phổ thông ghen tị với tài năng của người khác, tôi lạ thấy họ là những người có đầu óc mở mang, họ có khả năng tổ chức và kỷ luật bản thân tốt hơn tôi nhiều lần, họ có kiến thức và những quan điểm, tư tưởng rõ ràng, họ luôn quyết đoán, và quan trọng nhất – họ không sợ, họ không trốn tránh việc có thể là họ sai, họ không sợ việc mình bị chê cười – chính là điều mà tôi thấy ngưỡng mộ nhất.
Thế tôi nghĩ lợi ích của việc viết lách là gì?
Từ nhỏ đến lớn, tôi đã luôn là một kẻ hời hợt, thờ ơ, không để tâm tới mọi chuyện xung quanh. Vậy thì, bạn cũng có thể đoán từ 2 tính từ "thờ ơ" và "hời hợt" đó - nó biến tôi thành một con người vô tổ chức, về rất nhiều mặt. Ở đây tôi muốn nói đến mặt suy nghĩ. Thử nghĩ mà xem: một kẻ thờ ơ hời hợt, nhưng chắc hẳn cũng có ham muốn gì đó, rồi tên đó sẽ thử qua hết ham muốn này đến ham muốn khác, nhưng vì hời hợt nên mỗi thứ chỉ dừng lại ở mức độ bề mặt. Nó hình thành lối suy nghĩ trọng số lượng hơn chất lượng, trọng bề rộng hơn bề sâu. Đó chính là con người tôi hiện tại - khi đối mặt với một vấn đề nào đó thì tôi luôn thấy mình có một rổ hàng trăm ý tưởng nhưng thực chất toàn là ý tưởng rỗng tuếch bỏ đi, không hẳn là vì tôi kém cỏi, mà chủ yếu là vì những ý tưởng và suy nghĩ sản sinh ra không hề bị kiểm soát, tôi ko hề có ý định dừng lại và đi sâu vào từng cái để chỉ rõ lợi hại và dùng logic lựa chọn nên tôi cũng ko biết được cái nào mình nghĩ ra là tệ, cái nào mình nghĩ ra là tốt  (có vẻ như tôi cũng không hề muốn biết luôn).
Đó là lý do tôi thích viết: nó cho phép tôi lướt trên những ý tưởng của mình - điều tôi vẫn luôn thích làm, nhưng ở đây đòi hỏi thêm tính tập trung và khả năng sắp xếp suy nghĩ. Nó cũng sẽ bắt tôi chọn giữa việc dùng cách tiếp cận này hay cách tiếp cận kia mới là hợp lý, nó bắt tôi phải lục trong trí não ra những kiến thức mà tôi đã đọc từ lâu, nó bắt tôi phải tìm hiểu thêm kiến thức mới để có cái mà viết, và quan trọng là nó bắt tôi phải đối mặt với nỗi sợ bị từ chối, sợ phải chia sẻ ý kiến và quan điểm của mình. Khi viết về một vấn đề, tôi cảm giác mình nhìn nó tốt hơn, không còn bị cảm xúc chi phối quá nhiều do viết lách đòi hỏi góc nhìn đa chiều, rồi sắp xếp những ý tưởng đó theo mạch tư duy mà bản thân nghĩ sẽ đem đến hiệu quả truyền đạt cao nhất. Vậy nên, một cách so sánh đơn giản: giống như chơi cờ vua rèn cho bạn tính kiên trì, khả năng nhận dạng hình mẫu cùng một cái tư duy chiến lược tốt thì viết lách sẽ:
1.Rèn cho các bạn khả năng sắp xếp suy nghĩ và ý tưởng theo một mạch tư duy, từ đó rèn luyện tính tổ chức, từ suy nghĩ đến hành động – cũng là cái tôi thích nhất ở việc viết lách: ai cũng có những ý tưởng, nhưng không phải ai cũng có thể biến nó thành hiện thực. Và tương tự vậy, ai cũng có những suy nghĩ, nhưng không phải ai cũng có khả năng truyền đạt nó đi cho người khác hiểu. Người viết muốn người đọc hiểu được những gì mình nói thì họ phải có khả năng sắp xếp, phải có tư duy mạch lạc rõ ràng. Tất nhiên tùy đối tượng người đọc yêu cầu và mức độ sẽ khác nhau, tuy nhiên nhìn chung những người CÓ KHẢ NĂNG viết lách đề là những người có khả năng sắp xếp suy nghĩ tốt (không tính mấy mẹo mực để làm tăng độ cuốn hút hay làm bài viết thêm hào nhoáng)
2.Rèn cho các bạn tính kiên trì, tỉ mỉ: quả thực thì để viết ra một bài viết, nhất là với người không chuyên như tôi ko hề dễ dàng, ngay cả bài viết không chút kiến thức sách vở nào như này cũng đã đòi hỏi gần 3 tiếng đồng hồ (có lẽ do khả năng), chưa kể sửa đổi bổ sung. Vậy thì ngoài cái tư duy, người viết còn phải có sự kiên trì nhất định, vì ý tưởng hay không đến ngay, lúc này không có gì nhưng có thể chỉ một lúc sau lại bật ra những ngôn từ đẹp. vậy nên cần kiên nhẫn, tự cho mình thời gian. Ngoài ra thì để bài viết đạt hiệu quả truyền đạt cao thì không thể không để ý tiểu tiết, từ việc nên kể chuyện gì để làm ví dụ, nên kể lúc nào, nên kể như nào, khi nào nên xuống dòng, font chữ... tất cả đều để tạo nên bài viết tốt nhất.
3.Giúp nâng cao tư duy ngôn ngữ, giúp bạn có thể nhìn một sự việc từ nhiều góc nhìn hơn, khác quan hơn nhưng vẫn có bản sắc riêng, nó sẽ thách thức hệ tư tưởng của bạn, thách thức những gì bạn tin là đúng, giúp bạn nhận ra sai lầm trong lối nghĩ hoặc thêm quyết đoán và hiểu bản thân mình hơn: cũng giống như ý tưởng nêu ra ở đầu bài. Khi bạn viết, bạn nhìn vào một sự vật, sự việc, bạn tiếp thu nó vào thế giới quan của bạn và rồi truyền tải nó đi theo cái cách mà bạn thấy là hợp lý nhất. Khi tiếp thu sự việc, hiện tượng, sẽ có lúc hệ giá trị của bạn bị mâu thuẫn, sẽ có lúc bạn phải nghi ngờ chính mình, thường thì ai cũng sợ điều này - có thể những gì bạn tin tưởng từ khi bạn còn nhỏ và nó đã giúp bạn thành công lại là thứ ngăn cản bạn tiến lên lúc này. Bạn sẽ phải nhìn nhận sự việc đó từ nhiều góc độ khác, nghiên cứu điểm đúng sai, ở góc nhìn này bạn sai nhưng ở góc nhìn kia bạn lại đúng, nó giúp bạn trở nên bao quát, mở mang đầu óc, cho bạn thấy không điều gì "thật sự đúng", nhưng bạn vẫn cần lựa chọn lấy một hệ giá trị và tiến lên dù nó không hoàn hảo. Không gì có thể là hoàn hảo, để nhận được những cái "đúng" thì trước hết bạn phải biết chọn lấy "những cái sai có thể chấp nhận", từ bỏ những cái khác, và cứ thế cải mình - trở nên "ít sai" hơn. 
4.Thách thức khả năng học học hỏi của bạn, kiểm tra lại những kiến thức cũ, yêu cầu thêm những kiến thức mới: khi bạn viết bài, bạn không chỉ đặt vào đó những tư tưởng từ hệ tư tưởng của bạn, bạn còn đặt vào đó kiến thức của mình, và khi nó không đủ thì bạn sẽ học thêm kiến thức mới để có cái mà đặt vào. Những kiến thức cũ và mới cũng giống các hệ giá trị - nó sẽ mâu thuẫn nhau, buộc bạn phải học, học và nghiên cứu để tìm ra câu trả lời mà bạn cho là hợp lý nhất - từ đó mở rộng vốn kiến thức của bản thân mình.Riêng với tôi, nó khiến tôi phải đối mặt với nỗi sợ của mình (và đó là một điều tốt): tôi đã luôn sợ phải đưa ý kiến, sợ bị từ chối, sợ xấu hổ... sợ đủ mọi thứ trên đời. Tôi muốn giấu đi những thứ "ko làm mình được khen", tôi ko làm trừ khi tôi có thể làm ở mức " hoàn hảo". Và rồi tôi cứ mãi dậm chân tại chỗ, không phải vì không thể đi tiếp mà vì tôi sợ nếu tôi đi tiếp rồi ngã mọi người sẽ cười. Khi viết, là tôi đang bày tỏ quan điểm và suy nghĩ của mình, rồi sẽ có người đọc, hi vọng không ai cười, nhưng quan trọng là rồi tôi cũng sẽ cho người khác đọc - tạo ra cơ hội để "bị cười" - chính là ép bản thân phải đối mặt với nỗi bất an, ra khỏi vùng an toàn và nâng cao khả năng tự tin của bản thân.

Nghe thú vị, nhỉ?  ^_^

Kết

Thật ra thì ngay từ đầu tôi cũng không có hình dung mình sẽ viết gì, viết như nào, chỉ là gom góp vài ba cái ý tưởng lại thành một bài, có lẽ do là bài viết đầu tiên trên blog nên cũng không mong chờ gì hơn. Bài viết nó phần nhiều là tôi tự hỏi chính mình – again, như đã trình bày ở phần mở đầu. Tự nhận xét lại thì cũng thấy nó không được như ban đầu tưởng tượng (chắc phải làm quen dần). Thời gian mất cũng khá nhiều (do viết trong 1 lần thôi chứ không có phân chia ra để xem lại gì cả), nhưng mà thật sự thì nó cũng khá là vui.

Bài viết sẽ có nhiều lỗi, nó sẽ không hay, nó sẽ rối, nó lẫn lộn phong cách và thiếu tính nhất quán do bản thân tác giả cũng chưa thật sự có cái hình dung về nội dung xuyên suốt muốn truyền tải, vậy nên có gì thì mọi người góp ý nhé  ^_^