Mỗi khi dư luận xã hội rúng động về một vụ án với những tội ác vượt xa ngưỡng bình thường của xã hội, thì lại y như rằng những “thẩm phán mạng” lại được dịp vào cuộc để thể hiện quyền lực ảo của mình. Tất nhiên là bất kỳ ai trong chúng ta cũng có quyền bức xúc, có quyền phẫn nộ trước những hành vi lệch chuẩn mực và mang tính huỷ hoại xã hội. Nhưng bản thân mỗi con người đều là nô lệ của cảm xúc nên trước những tội ác hầu hết đều sẽ bị dẫn lối bởi cảm xúc hay bản năng để rồi sinh ra các hành vi và tư tưởng sai lệch, nên nhìn nhận vấn đề thế nào, lên án ra sao và hành động thực tế thế nào, luôn là điều phải bận tâm đến. Và trong bài viết này, mình sẽ nói về một định kiến, một tư duy sai lệch khi nhìn nhận về tội ác. Và cũng vì sự sai lệch này là nguyên nhân cho những vấn đề nghiêm trọng khác trong xã hội.

1. Về định kiến “Thiên thần & ác quỷ” :

Vì đã khẳng định đây là định kiến nên mình sẽ nhắc sơ qua về định nghĩa định kiến là gì :
“Định kiến là những ý kiến, quan điểm đã được hình thành, trước khi nhận thức các dữ kiện có liên quan hoặc biết rõ những thông tin liên quan của một sự kiện cụ thể.”
Đây là một tư duy lỗi do đánh giá chủ quan phụ thuộc cảm xúc cá nhân và nhìn nhận vấn đề theo cách đánh đồng các sự việc khác nhau về cả bản chất lẫn đặc điểm thành cùng một sự việc.
Ảnh hưởng của định kiến này về tội ác tác động đến tư duy, khiến phần lớn  chúng ta nhìn nhận về nạn nhân và hung thủ theo hai hình mẫu sau :

Nạn nhân: hình mẫu nạn nhân thường được gán ghép là những người tốt đẹp về cả ngoại hình lẫn đạo đức. Những con người thánh thiện, tốt bụng, hoà đồng, vui vẻ, và tử tế với tất cả mọi người. Hình mẫu còn bao gồm cả hành vi của nạn nhân như hoàn toàn thụ động trước sự việc, và đi kèm những ràng buộc như nạn nhân có quá khứ tốt đẹp và một tương lai tươi sáng đang chờ.

Hung thủ: hình mẫu ác quỷ của hung thủ hiển nhiên sẽ được xây dựng ngược lại. Về ngoại hình thường sẽ được miêu tả là nhưng tay già dơ, xấu xí, dơ dáy và bệnh hoạn, hoặc là những nhóc trẻ trâu, nông nổi, ngỗ ngáo và khó ưa. Về đạo đức cũng nhận được sự gán ghép là phường vô học, đầu đường xó chợ, hay thành phần cặn bả của xã hội. Và như một phép mặc định những đối tượng này sinh ra đã là ác quỷ và không có bờ nào đề quay đầu.
Và đặc biệt, ở cả hai hình mẫu thiên thần và ác quỷ, nó không chỉ nói về tại một thời điểm cụ thể mà là cả cuộc đời của người đó. Những thiên thần luôn sở hữu phẩm chất tốt đẹp và thánh thiện, và các phẩm chất đó luôn tồn tại trong mọi thời điểm, hiển nhiên những thứ ngược lại với ác quỷ.
Và thực tế cuộc sống là chúng ta dùng hình mẫu này với hầu hết các tội ác khi chúng xảy ra, và đặc biệt là ở những tội ác có sự sai khác rõ rệt về giới tính như hiếp dâm.
Được sử dụng nhiều là như vậy, nhưng vấn đề là chúng ta có nên dùng chúng hay không. Câu hỏi đầu tiên đặt ra là : Hình mẫu thiên thần và ác quỷ trong tội ác có thực sự đúng không?

Đọc thêm:

2. Về tính đúng đắn của định kiến : 

Nói một cách tổng quát, khi đã là định kiến tất nhiên nó không thể đúng với tất cả trường hợp được. Song, cần phải làm rõ là chí ít nó có đúng về mặt bản chất hay không.
Và để hiểu ở mức bản chất trước hết hãy làm rõ các định nghĩa :

A. Về định nghĩa :

Trước tiên ta nói về nạn nhân hay người bị hại
Theo quy định tại Điều 62 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS năm 2015) về bị hại thì :
“Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.”
Trong BLTTHS năm 2003 đưa ra khái niệm “Người bị hại” theo đó :
“Người bị hại là  người bị thiệt hại về vật chất, tinh thần hoặc tài sản do tội phạm gây ra. Người bị hại chỉ có thể là thể nhân bị người phạm tội làm thiệt hại về thể chất, về tinh thần hoặc về tài sản. Nếu người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần thì cha, mẹ, người giám hộ của họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hợp pháp của người bị hại. Trong trường hợp người bị hại chết thì cha, mẹ, vợ, chồng, con của người bị hại tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hợp pháp của người bị hại và có những quyền của người bị hại.”
Tuy nhiên trong BLTTHS năm 2015 thuật ngữ “Người bị hại” trong BLTTHS 2003 đã được thay thế bằng thuật ngữ “Bị hại” trong đó khái niệm bị hại mở rộng hơn đối tượng bao gồm công dân và pháp nhân, (BLTTHS năm 2003 quy định người bị hại chỉ có công dân).
Tiếp tục với định nghĩa hung thủ hay tội phạm :
Trong bộ luật hình sự năm 1999 quy định:
“Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.”
Về chủ thể của tội phạm :
“Chủ thể của tội phạm là con người cụ thể đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được luật hình sự quy định là tội phạm, có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo quy định của luật hình sự.”

B. Về mâu thuẩn:

  Từ các định nghĩa được quy định rõ ràng trong luật pháp Việt Nam, ta có thể thấy các mâu thuẫn rõ rệt nhất với hai hình mẫu từ định kiến:
1) Cả nạn nhân lẫn hung thủ đều có thể là bất kỳ ai trong xã hội, không có giới hạn cụ thể nào về giới tính, nghề nghiệp hay ngoại hình cho những đối tượng là nạn nhân hay hung thủ: sự mâu thuẫn này cho thấy vấn đề là không có một sự ràng buộc nào về ngoại hình hay đạo đức với nạn nhân và hung thủ. Trong trường hợp một kẻ lừa đảo bị sát hại hay một cô gái xấu xí bị cưỡng hiếp thì họ vẫn là nạn nhân trong vụ án, việc sai khác với hình mẫu định kiến không ảnh hưởng gì đến những quyền của người bị hai mà họ đáng được nhận. Và cả nếu hung thủ là một người địa vị xã hội cao, học thức rộng hay vẻ ngoài ưa nhìn thì cũng không ảnh hưởng đến việc phạm tội của người đó và cả trách nhiệm pháp lý phải chịu theo quy đinh của pháp luật.
2) Nạn nhân và hung thủ chỉ nói đến một hoàn cảnh cụ thể, trong khoảng thời gian cụ thể và không có ý nghĩa bao quát cả cuộc đời của họ: sự mâu thuẫn này cho thấy vấn đề là những hành vi trong quá khứ hay tương lai không liên quan đến tư cách nạn nhân. Nếu trong trường hợp một người gã bất hiếu, thường hay la mắng, quát tháo thậm chí đánh đập bố mẹ mình bị sát hại, thì trong phạm vi cụ thể anh vẫn là nạn nhân của vụ án, không thể vì những hành vi trong quá khứ của người đó mà tước bỏ các quyền hợp pháp của nạn nhân. Và cả với hung thủ, một người phạm tội không đồng nghĩa với việc từ trước tới giờ, người đó chỉ toàn làm những điều xấu. Việc quy kết cho rằng một hành vi của ai đó phản ánh cả cuộc đời người đấy là quá vội vã, áp đặt và thiếu căn cứ.
Như vậy ngay cả ở mức độ bản chất thì định kiến trên hoàn toàn không đúng. Song tại sao nhiều người vẫn sử dụng, câu trả lời vì định kiến trên nhanh, tiện và đúng với số đông các tội ác xảy ra. Cũng dễ hiểu thôi vì những nhóm đối tượng theo hình mẫu hung thủ thường dễ phạm tội hơn các nhóm đối tượng khác. Nhưng cũng vì vậy mà câu hỏi thứ hai là : “Hậu quả từ việc sử dụng định kiến có nặng nề đến mức ta phải từ bỏ nó?”

Đọc thêm:

3. Hậu quả

A. Một trong những nguyên nhân của Victim-Blamming


Có thể nói là Victim Blamming bắt nguồn từ nhiều tư duy sai lệch, và định kiến “Thiên thần và ác quỷ” là một trong số đó. Có thể mô tả đơn giản như sau :
“Nạn nhân luôn là thiên thần. Nếu ai đó không phải là thiên thần thì cũng không phải là nạn nhân”.
Như đã trình bày ở trên, hình mẫu thiên thần có thể phù hợp với một nhóm nhỏ các đối tượng là nạn nhân chứ không nó không bao gồm tất cả nạn nhân. Song với định kiến thiên thần, xã hội luôn cố áp đặt ràng buộc nạn nhân phải có những đặc điểm của thiên thần. 
Nếu như trong một vụ án, mà ở đó nạn nhân thiếu những đặc điểm của thiên thần ví dụ nạn nhân nam trong một vụ hiếp dâm, một tên côn đồ trong một vụ án mạng, hay một ngoại lệ khác sẽ khiến những người mang tư tưởng độc hại đổi chiều gió, cho rằng bản thân nạn nhân cũng có lỗi hoặc lỗi hoàn toàn nằm về nạn nhân mà từ đó công kích nạn nhân hay tước bỏ những quyền mà nạn nhân xứng đáng có.
Để làm rõ điều này, ta có thể so sánh hai vụ việc cưỡng hiếp : một là vụ án Nayoung (bộ phim Hope đã lấy ý tưởng) tại Hàn, và vụ còn lại là chuyện nữ du học sinh Việt tại Hàn mới xảy ra gần đây. Có thể thấy ở vụ việc đầu tiên ít những luồng chỉ trích victim-blamming từ dư luận hơn, vì đơn giản cô bé đã đáp ứng đủ các đặc điểm của một thiên thần: bé nhỏ, ngây thơ, thụ động trước sự việc, bị tổn thương nặng nề cùng ám ảnh tâm lý, còn ở cô gái trong vụ thứ hai lại nhận ngược về những chỉ trích vì cô nhớ rõ ràng chi tiết vụ việc, vì cô dám đứng ra chỉ trích với những lời vu khống và cả nhiều lùm xùm trong quá khứ, vì đây không phải là những đặc điểm của một thiên thần thế nên cô không phải thiên thần và cũng vì vậy mà những bộ óc victim-blamming bác bỏ cả việc cô là nạn nhân cũng như những quyền nạn nhân mà cô xứng đáng có.
Triển lãm trang phục của nạn nhân bởi tấn công tình dục.
Bên cạnh đó tư duy này còn sinh ra hành vi tẩy trắng tội ác cho những tội phạm có đặc điểm khác biết với hình mẫu định kiến như  học thức cao, vẻ ngoài thu hút hay được nhiều người tin tưởng. Với dạng tội phạm thế này khiến người đặt ra những nghi ngờ về tư cách nạn nhân của người bị hại, mặc dù như đã nói ở trên tội phạm có thể là bất kỳ ai.

Đọc thêm:

Cũng vì lý do này mà những nạn nhân nằm ngoài khuôn mẫu thiên thần luôn ái ngại việc chia sẽ nỗi đau của mình, hay lo sợ sự chỉ trích ngược chiều bởi dư luận, như là chồng bị vợ bạo hành, hay lạm dụng tình dục ở người chuyển giới, ... Và tất nhiên việc im lặng không chỉ có hại cho nạn nhân mà còn cả xã hội nói chung, khi kẻ phạm tội không nhận hình phạt mà người đó đáng phải chịu. Thế nên có thể nói là victim blamming chẳng đem lại một tín hiêu tốt đẹp nào cho xã hội cả. Song trong khuôn khổ bài viết mình không thể phân tích dài thêm về victim-blamming được nên mong mọi người tham khảo một bài viết của Monster Box về victim-blamming [Link]

B. Phi nhân hoá tội phạm 


Bên cạnh victim-blamming là một hệ quả mang tính huỷ hoại xã hội chẳng kém, chính là áp đặt khuôn mẫu ác quỷ lên những người tội phạm. Điều đầu tiên cần làm rõ là dù ai đó có gây ra tội lỗi kinh khủng gì thì người đó vẫn là con người giống bạn (người đang đọc bài viết này) và giống cả mình (người đang viết bài viết này), là con người có bố mẹ, có cảm xúc, và cũng có những quyền cơ bản mà mọi người đều có.
“Ác quỷ là tội phạm, ai đó là tội phạm thì hắn ta cũng sẽ là ác quỷ”
Việc ác quỷ hoá tội phạm gây ra hai vấn đề lớn :
Vấn đề thứ nhất là làm hạn hẹp nhóm đối tượng tội phạm: như đã trình bày ở mục 2, tội phạm có thể là bất kỳ ai là bất kỳ người nào, nhưng việc ác quỷ hoá vô tình tạo ra một tư duy rằng sẽ có một nhóm người không thể trở thành tội phạm. Như những cô gái với vẻ ngoài đáng yêu, dễ thương, hay những người có địa vị xã hội cao, học thức cao, hay nhóm những người có tuổi đời quá nhỏ không thể trở thành tộ phạm, Tất nhiên là tất cả những người trong nhóm đối tượng đó đều có thể trở thành tội phạm, sẽ được trình bày ở mục Những ngoại lệ rõ ràng. Việc làm hẹp nhóm đối tượng này, khiến chúng ta dễ mất cảnh giác và dễ trở thành nạn nhân hơn, đồng thời cũng giúp nhưng tên tội phạm nằm ngoài hình mẫu dễ chạy tội hơn.
Vấn đề thứ hai là gây khó khăn trong công việc cải tạo tội phạm: có thể thấy không phải bất kỳ tội ác nào cũng có hình phạt là cái chết. Với những tội phạm mà hình phạt đưa ra là nhẹ nhàng hơn đồng nghĩa với việc đó là cơ hội cho những người lầm đường có thể quay đầu. Song với sự áp đặt hình mẫu ác quỷ hoá mà xã hội và dư luận tạo ra sẽ tạo nhiều khó khăn cho việc hoà nhập xã hội với họ. Việc cho rằng ai đó phạm tội một lần sẽ lại tìm cách để tiếp tục phạm tội chỉ là một suy diễn áp đặt, vô căn cứ.
Rõ ràng luật pháp Việt Nam và cả thế giới đều đang tạo ra nhiều sự khoan dung hơn với những ai sa ngã, thế nên hành vi ác quỷ hoá chỉ đang tự làm khó mình hơn chứ chẳng đem lại ý nghĩa tích cực nào.

C. Lỗi quy kết bản chất :


Thêm một hậu quả tệ hại khác từ định kiến này, đó là quy kết rằng nguồn gốc tội ác đến từ bản chất của nhóm đối tượng đó. Có thể mô tả như sau :
“Thiên thần không thể trở thành ác quỷ, và ác quỷ cũng không thể trở thành thiên thần”
Có thể nói trong sự phân hoá xã hội, sẽ có một nhóm các đối tượng dễ trở thành tội phạm hơn những nhóm đối tượng khác. Ví dụ nhóm những đối tượng không được đi học, hay sinh sống tại nơi có nhiều tệ nạn xã hội, có bố mẹ từng là tội phạm. Song việc dễ xảy ra hơn không đồng nghĩa là chỉ xảy ra ở những nhóm đối tượng và không xảy ra ở những nhóm đối tượng khác. Mà mình sẽ nêu rõ ví dụ thực tế ở mục Những ngoại lệ rõ ràng
Việc mang định kiến thiên thần ác quỷ dễ đưa ta đến những kết luận thiếu căn cứ, mơ hồ và mang tính phân biệt như : “bố mẹ xấu con sẽ xấu”, “đã là cướp thì không thể quay lại làm người”, “những người có địa vị cao tuyệt nhiên không thể thành tội phạm”,… Và cũng vì tư duy lệch lạc này mà tạo ra những sự kỳ thị không đáng có trong xã hội. 
Ví dụ trong trường hợp một người trong gia đình phạm tội, thì con cái, bạn bè hay người bà con cũng sẽ đánh đồng mang mầm mống tội phạm, và dẫn đến sự kỳ thị của những người xung quanh. Bên cạnh đó nó cũng là cái cớ để phát triển sự kỳ thị lệch lạc khác như phân biệt chủng tộc, kỳ thị vùng miền hay phân biệt giới tính ,…

4. Nhìn nhận đúng đắn

Một định kiến sai lệch ngay từ mức bản chất, dẫn đến những hậu quả tai hại và mang tính huỷ hoại xã hội thì có lẽ chúng ta không nên mắc quá nhiều thời gian với chúng. Song câu hỏi thứ 3 đặt ra là : “Trước tội ác, nên nhìn nhận như thế nào mới hợp lý”
Điều đầu tiên là nhìn những vấn đề vi phạm pháp luật dưới góc nhìn pháp luật. Như trong một vụ án, xác định rõ đây là tội gì, ai là hung thủ, ai là nạn nhân, các chứng cứ nào cho thấy họ là nạn nhân, hay hung thủ, và khi đã xác định rồi thì nạn nhân sẽ có những quyền gì và cả hung thủ vẫn còn những quyền cơ bản nào từ đó mà cân nhắc những hành động sao cho không sai lệch với pháp luật.
Nghe có vẻ khá nhọc nhằn và mất thời gian nữa song việc loại bỏ những định kiến sai lệch và tôn trọng pháp luật giúp ta không chỉ đảm bảo cái nhìn khách quan hơn mà còn hạn chế những hành vi không đúng chuẩn mực. Tất nhiên pháp luật không phải là con dao vạn năng nhưng so với định kiến “thiên thần và ác quỷ” thì  hẳn là nó tốt hơn, ít lỗ hổng và ngoại lệ hơn cũng như giải quyết vấn đề trong cuộc sống tối ưu hơn.
Cùng với nhìn nhận vấn đề bằng pháp luật thì luôn cố né tránh những tư duy như :
- Không đánh đồng với chuyện khác: hầu hết các vụ án luôn có sự sai khác về hành vi hung thủ và tổn thương của nạn nhân nên việc cố đánh đồng các vụ án là tư duy sai lệch.
- Không kể chuyện ngày xưa: xã hội mỗi thời đại có một tiêu chuẩn đạo đức khác nhau, nên không việc gì phải kể lể những điều trong quá khứ với các sự việc xảy ra ở thời điểm hiện tại.
- Không giả định những sự việc chưa xảy ra: việc xét xử tội phạm luôn dựa trên chứng cứ nên giả định các tình huống để buộc tội là hành động thiếu căn cứ
- Không đặt mình vào vị trí ai cả: đặt mình vào vị trí người khác là một kiểu đồng cảm giữa người với người, nhưng nếu đặt mình vào nạn nhân hay hung thủ thì cũng là thiếu tình người với bên còn lại. Đồng thời, việc đặt mình cũng chẳng giúp gì nhiều cho việc giải quyết vấn đề (vì để giải quyết cần nhiều hơn sự khách quan và ít hơn cảm xúc).

Những ngoại lệ rõ ràng

Cùng tìm hiểu sơ vài ngoại lệ khác xa khuôn mẫu định kiến và nạn nhân và tội phạm.
1. Hung thủ hiếp dâm luôn là nam và nạn nhân luôn là nữ: Rebecca Helen Elder, 39 tuổi bị triệu ra trước tòa Adelaide vì tội đột nhập vào nhà một người đàn ông và cưỡng dâm nạn nhân.[1]
2. Hung thủ giết người không thể là trẻ em dưới 14 tuổi: Derick Owens 6 tuổi đã bắn một cô bé cùng lớp của mình, Kayla Rolland, tại trường tiểu thọc Buell.[2]
3. Hung thủ giết người hàng loạt không thể là trẻ em: Craig Chandler Price trong độ tuổi từ 13 đến 15 đã giết 4  người tại Warwick, Rhode Island, một phụ nữ và hai con gái của cô ấy và một phụ nữ khác.[3]
4. Hung thủ không thể là người có học thức cao: Ted Kaczynski đã gửi bom đến 16 trường đại học nổi tiếng khiến 3 người thiệt mạng. Kaczynski còn là giáo sư trẻ tuổi nhất của trường đại học California sau khi tốt nghiệp đại học Harvard và hoàn thành bậc tiến sĩ toán học ở trường Đại học Michigan.[4]
5. Hung thủ của những tội ác kinh khủng không thể làm lại cuộc đời : Mary Flora Bell ở độ tuổi 10 –11, đã bóp cổ chết hai trẻ  ở Scotswood, cô bị giam trong trường giáo dưỡng 12 năm, sau đó trở lại xã hội với thân phận mới và sống cuộc đời bình thường đến hết đời.[5]
6. Con cái của những tội phạm rồi sẽ thành tội phạm : Melissa Moore con gái của kẻ giết người hàng loạt Keith Jesperson, khi trưởng thành cô có gia đình nhỏ và cô còn có buổi nói chuyện với gia đình nạn nhân bố mình [6]
Ted Bundy tên sát nhân hàng loạt khác hoàn toàn với hình mẫu tội phạm trong định kiến