TÒ MÒ HẠI CHẾT CON MÈO
- Nhìn vào vấn đề tình dục và giáo dục giới tính, quyền riêng tư và sức mạnh của mạng xã hội - ...
- Nhìn vào vấn đề tình dục và giáo dục giới tính, quyền riêng tư và sức mạnh của mạng xã hội -
_________________________
Thành ngữ Anh có một câu thế này: “Curiosity killed the cat”, dịch nôm ra là “Tò mò hại chết con mèo”. Tôi vẫn thường hiểu theo một cách đơn giản là sự tò mò của con mèo có ngày sẽ làm hại nó, hay khái quát hơn là con người thì đừng tò mò tọc mạch quá, kẻo có ngày rước họa vào thân. Ấy thế nhưng hôm qua tôi chợt nghĩ, chả biết chủ ngữ thực sự của câu này đâu? Là con mèo tự hại chết nó, hay những người khác - kể cả người thân hay người lạ, trong một phút bốc đồng đã làm hại nó?
1. Những con mèo tò mò
Trẻ em như tờ giấy trắng - tức là vừa ngây thơ, vừa sẵn sàng tiếp thu bất cứ nét bút nào họa lên nó với sự tò mò vô tận. Mà bút để họa thì lại có nhiều kiểu, nhiều màu. Trong đôi ba lần đi thi vẽ tranh, tôi đã được cô giáo “thấm nhuần” là phải dùng đa dạng màu sắc, phối hợp chúng cùng nhau một cách hợp lý thì mới tạo nên một bức tranh đẹp được. Quy tắc hội họa đơn giản ấy cũng được áp dụng khi chúng ta vẽ lên những “tờ giấy trắng” của xã hội, nhưng xem chừng không phải ai cũng hiểu được. Người lớn ưa chia ra những “màu sắc tươi sáng”, điển hình là mười-mấy-môn-học trong trường, những tài lẻ đàn ca nhảy múa, những phép đối nhân xử thế, và những “màu sắc u tối” - xin nói ở đây là tình dục và giáo dục giới tính. Sau đó, ta chọn toàn màu sáng để tô, nhưng lại kỳ vọng có được bức tranh hoàn hảo. Bị kẹp trong hệ tiêu chuẩn kép như vậy, trẻ con sẽ làm gì đây?
Tình dục là một mong muốn bình thường. Giống như ta cần ăn để sống, đến một độ tuổi nào đó, ta cũng sẽ tò mò về cơ thể mình. Giáo sư Trần Ngọc Thêm đã từng viết thế này: “Tình dục có trước hôn nhân cả triệu năm, nghĩa là đã từng có giai đoạn hàng triệu năm, tìn.h dụ.c tồn tại mà không cần biết đến hôn nhân là gì. Như vậy, tình dục là lẽ tự nhiên, không có gì là xấu; và trong lịch sử, tình dục không nhất thiết phải đi kèm hôn nhân.” Thậm chí, “tín ngưỡng phồn thực” còn là một nét văn hóa đã tồn tại lâu dài trong tiến trình lịch sử nước ta. Nhưng đến tận bây giờ, trong thế kỷ XXI, ông bà, bố mẹ chúng ta vẫn coi tình dục là một cái gì đó thật xấu xa, thật thấp kém, có thể làm ô uế tâm hồn trẻ thơ, vì vậy, giáo dục giới tính cũng trở thành một điều gì đó vô cùng xa lạ với trẻ con mình. Tôi dậy thì năm 13, trước đó đã từng vài lần vô tình thấy nội dung “hot” trên mạng, nhưng mọi kiến thức giáo dục giới tính chính thống thì đều thu lượm ở tận tuổi 15,16 qua sách báo, internet, bạn bè,... - nhìn chung là mọi nơi trừ bố mẹ và thầy cô. Chương Sinh học dạy về cơ quan sinh dục năm lớp 8 thì tồn tại như một truyền kỳ, vì nó luôn bị cắt mất để dành thời gian ôn thi, và chẳng khóa học sinh nào ở trường cấp 2 của tôi may mắn được học. Và cũng xin thú nhận rằng, một đứa trẻ có cái mác ngoan ngoãn hiền lành nổi tiếng như tôi, vẫn có list truyện Wattpad tuyệt-đối-không-thể-để-mẹ-biết. Tự tôi cũng hiểu nỗi sợ của mình hình thành từ việc lớn lên trong tư tưởng bài trừ mọi thứ về tìn.h dụ.c, nhưng tốt nhất là bớt chuyện nào hay chuyện đấy đi, nhỉ?
Nói vậy để thấy, các cô cậu thiếu niên - những chú mèo mới lớn tò mò về tình dục là chuyện thường hết sức. Cái bất thường, cái thực chất làm hại con mèo, là thái độ của người lớn. Chúng ta ngăn cản, hoảng sợ, thậm chí ghê tởm nếu phát hiện con em mình tiếp cận một nguồn thông tin nào đó có tính chất 18+. Chúng ta phát điên lên vì lo lắng và làm mọi chuyện để cấm đoán chúng thay vì định hướng chúng. Vậy là, thay vì vẽ đường cho hươu chạy đúng, ta mặc hươu chạy đâu cũng được - trong sự lén lút âm thầm. Tôi thấy mình là một trường hợp may mắn vì tiếp cận được những nguồn thông tin chính xác và thành công trang bị cho mình chút kiến thức, nhưng những đứa trẻ khác thì sao? Mạng xã hội đã trở thành một cái nhà không cửa, ai muốn ra muốn vào muốn để lại gì cũng được, vậy thì việc trẻ em tiếp xúc với cả những thông tin chính thống lẫn những văn hóa phẩm lệch lạc là điều dĩ nhiên. Trí tò mò và sự thiếu hiểu biết khiến lũ trẻ có thể dính vào tai họa lúc nào không hay. Đó hoàn toàn là lỗi của chúng à? Không hề. Sự thiếu định hướng của người lớn đã làm hại chúng, cứ nhìn tỉ lệ nạo phá thai ở trẻ vị thành niên nước ta cao thế nào là đủ thấy đấy.
2. Con mèo đã bị hại thế nào?
Nói chuyện cha mẹ phải dạy con thế nào thì khó cho một đứa mới 18 tuổi đầu. Nhưng với tư cách là một đứa con lớn lên trong gia đình châu Á điển hình, tôi khẳng định rằng tình yêu thương của cha mẹ là lớn lao vô cùng, nhưng đôi khi nó trở thành một sợi dây siết chặt vào người tôi. Cha mẹ mong muốn được bảo bọc, chở che cho con cái, điều này là bình thường. Nhưng khi sự bao bọc biến tướng thành giám sát, theo dõi, xâm phạm quyền riêng tư, nó có thể trở thành dây thòng lọng thí.t vào cổ đứa trẻ. Người ta hay bảo “trẻ con thì làm gì có quyền riêng tư”, “biết gì mà riêng tư”, “gia đình thì riêng tư cái gì”, “không làm gì khuất tất thì sợ gì bố mẹ giám sát”,...nói chung là đủ mọi luận điểm nghe rất thuyết phục. Tôi ghét nhất việc đánh tráo khái niệm khi cho rằng “bí mật” đồng nghĩa với “chuyện khuất tất xấu xa”, nhưng e rằng câu chữ của mình không đủ sâu sắc để phản biện tất cả, nên xin trích ra đây luật pháp đã quy định thế nào về quyền riêng tư và quyền riêng tư của trẻ em - bởi luật pháp là thứ đáng tin cậy nhất rồi:
Tuyên ngôn nhân quyền 1948 (Điều 12) và Công ước các quyền chính trị, dân sự, 1966 (Điều 17): "Không ai bị can thiệp tùy tiện hoặc bất hợp pháp vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hoặc bị xâm phạm bất hợp pháp đến danh dự, uy tín. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại những can thiệp hoặc xâm hại tương tự như vậy".
Điều 16 Công ước quốc tế về quyền trẻ em 1989: "Không trẻ em nào chịu sự can thiệp tùy tiện hay bất hợp pháp vào việc riêng tư, gia đình, nhà cửa hoặc thư tín cũng như sự công kích bất hợp pháp vào danh dự và thanh danh của các em"; "Trẻ em có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp hay công kích như vậy".
Vậy để thấy cho rõ là luận điểm “con của tôi, tôi có quyền kiểm tra điện thoại” của một người nổi tiếng nào đó vừa đăng lên, cũng là quan điểm của rất nhiều cha mẹ Việt Nam là hành vi có thể xét thành vi phạm pháp luật. Một thứ đã sai thì dù có được ủng hộ hay lặp lại hàng nghìn lần thì vẫn là sai. Tiếc rằng chẳng có chế tài cụ thể nào ở nước ta xử lý hành vi này, nên luật rõ rành rành ra đấy mà được mấy ai làm theo.
Mọi mối quan hệ đều phải được xây dựng và vun đắp dựa trên nền tảng của niềm tin, sự thấu cảm và sẻ chia, kể cả mối quan hệ chặt chẽ như huyết thống. Nói thật, chính tôi cũng không hiểu vì sao cha mẹ lại thiếu niềm tin vào con mình như thế. Là vì bản thân họ cũng đã quá mệt mỏi bận bịu, nên thay vì trò chuyện, tâm sự và thấu cảm, họ chọn cách kiểm soát cho nhanh chăng? Dù sao thì, sự nghi ngờ của cha mẹ cũng giống như một con dao, nó sẽ khoét vào tâm hồn non nớt của những đứa trẻ, rằng chúng không xứng đáng được tin tưởng, rằng chúng đang làm một điều sai trái, và rằng tốt nhất là hãy giữ bí mật để được yên thân. “Răng rắc” - sự rạn nứt trong quan hệ cha mẹ - con cái cũng xuất phát từ đó.
Tất nhiên, trẻ con thì hồn nhiên, nay khóc mai lại cười, nhưng đừng nghĩ vì thế mà chúng quên đi những tổn thương - vết thương tâm lý sẽ theo chúng dai dẳng trong suốt quá trình trưởng thành. May mắn thì lớn lên tự chúng sẽ hiểu ra, nhưng ai dám khẳng định, một đứa trẻ bị nhồi cái tư tưởng “giám sát tức là yêu thương và quan tâm” khi lớn lên sẽ không bị tâm lý đó chi phối, trở thành nạn nhân - hoặc thậm chí thủ phạm thực hiện những hành vi thao túng người khác, như gaslighting?
3. Ai thực sự làm h.ạ.i con mèo?
Con mèo tò mò không thật sự g.i.ế.t nó, nhưng người ngoài tò mò - hay tệ hơn là tọc mạch có thể hại c.h.ế.t nó. Sự phát triển của mạng xã hội đã tạo ra một thế lực mới với sức mạnh kinh khủng - dư luận. Dư luận - chính là tôi và các bạn, vốn sẵn tính tò mò hóng hớt với mọi chuyện. Dĩ nhiên đó là bản năng của chúng ta thôi, nhưng bất ngờ là người ta lại dành sự quan tâm đặc biệt để thỏa mãn tính hóng hớt ấy, dù nói thật, câu chuyện chẳng liên quan gì đến chúng ta sất. Tôi còn nhớ lúc vụ lùm xùm của Ngô Hoàng Anh lộ ra, cả Forbes lẫn trường THPT nọ đều chỉ đưa ra lời giải thích chung chung và xin lỗi dư luận. Dư luận đâu có cần được xin lỗi, nạn nhân mới cần kìa?
Rồi đến vụ việc gần đây, tôi lại thấy trong hai ngày trời mà người mẹ đã đăng tải thông tin tận 3 lần. Đăng bài, rồi xóa, lại đăng bài khác giải thích, rồi đăng cả video để chứng minh mình làm đúng. Thông tin từ chính chủ vốn đã rối loạn, đi qua chục trang reup, chẳng biết nó đã thành cái gì. Nhưng có một điều làm tôi băn khoăn hơn cả, đó là người mẹ này xem chừng để tâm đến việc phản bác dư luận thế nào hơn cả việc con mình thấy thế nào. Hình ảnh đứa trẻ khóc nức nở, nói không nên lời ấy khiến một kẻ xa lạ như tôi còn xót lòng, vậy mà người mẹ vẫn có thể quay, rồi đăng, rồi dõng dạc: đấy con tôi nhận lỗi rồi người ngoài biết gì mà chen vào. Trong khi bài post trước, chính cô ấy bảo mình và con cùng quản lý trang facebook, con chỉ bị kéo vào nhóm và vô tình tiếp xúc những hình ảnh đó - tức là cậu bé không hề có lỗi, mà kể cả cậu bé có chủ động tiếp xúc thật thì cũng chẳng phải tội lỗi. Những thứ chắp vá như thế cuối cùng cũng không thể xoa dịu dư luận, vì họ chẳng cần nó. Cái họ muốn là những vấn đề cốt lõi, như quyền riêng tư và sự ứng xử trong giao tiếp với con, được giải quyết triệt để trong nội bộ, nhưng cuối cùng những gì họ nhận được chỉ là sự mơ hồ chẳng rõ cậu bé có đồng thuận thật không, đúng hay sai cụ thể ra sao. Mọi chuyện lại sục sôi và rối tung lên, và thứ duy nhất để lại là một hình ảnh còn mãi trên internet, hôm nay đứa trẻ không thấy, nhưng ngày mai ngày mốt, cậu bé đó sẽ thấy, thậm chí bạn bè, thầy cô, người quen cũng sẽ ghi nhớ. Có ai sẽ thấy vui sướng hãnh diện khi hình ảnh mình chật vật như vậy được cả xã hội ghi nhớ không đây?
Dĩ nhiên, nói đi cũng phải nói lại. “Vạch áo cho người xem lưng” là dại dột, nhưng lợi dụng cái dại của người để mua vui cho mình thì đúng là t.ệ hạ.i. Đừng nghĩ một hai câu đùa cợt, một vài cái hashtag, mấy bức meme biếm họa là nhỏ. Tích tiểu thì thành đại. Giữa muôn vàn những ý kiến thiện chí và góp ý thật lòng, tôi vẫn bắt gặp nhan nhản những trò đùa cợt lố lăng khi câu chuyện này nổ ra. Chẳng một ai ý thức được trò đùa ng.u xuẩ.n của mình tiềm ẩn hậu quả nghiêm trọng thế nào đối với một đứa trẻ mười mấy tuổi, vì lửa có cháy đến chân người ta đâu. Và kể cả những ý kiến thông cảm thật lòng, thì thật xin lỗi, tôi cũng nghĩ rằng hãy giữ nó cho riêng mình, hoặc chia sẻ một cách khái quát thôi (chẳng biết tôi viết những dòng này ra có phải đang tự v.ả vào chính mình không nữa). Giá mà chúng ta kiềm chế lại bớt được tính tò mò của mình, đừng để page nào cũng vài chục nghìn tương tác, chuyện này có lẽ đã không đi xa thế.
4. “Tò mò hại c.h.ế.t con mèo, nhưng sự thỏa mãn cứu sống nó”
Em trai tôi học lớp 5, môn Khoa học của nó đã có bài về dậy thì và quá trình sinh sản. Trong bữa tối, thằng bé hào hứng hỏi mẹ tôi: “Đố mẹ biết con được sinh ra thế nào?”, và không chờ mẹ trả lời, tự nó thao thao bất tuyệt ra luôn, nào là trứng, tin.h tr.ùng rồi hợ.p t.ử.
Tôi thấy mặt mẹ tôi biến sắc, còn bố tôi nhăn mày, câu “Nào đừng lại đi” đã chực chờ bên khóe miệng bố.
Nhưng tôi không muốn thế. Trước khi bố kịp mở lời, tôi đã tiếp chuyện thằng bé bằng một vẻ mặt tỉnh bơ hết sức - y như đang bàn món này ngon hay dở. Tôi đã luyên thuyên cái gì đó về quá trình trứng với tin.h tr.ùng thành hợ.p t.ử, rồi nguyên phân giảm phân ở tế bào và làm sao để em bé lớn lên - mặc dù 50% là bịa vì học được chữ nào môn Sinh tôi đã trả lại gần hết cho thầy cô. Nhưng điều đáng vui là, bố mẹ tôi có vẻ rất ngạc nhiên về thái độ của tôi, và sau đó, những câu chuyện có tính chất giáo dục giới tính dường như trở nên nhẹ nhàng và quen thuộc hơn với họ.
Chẳng có gì không thể thay đổi cả. Chúng ta đã có thể vượt qua tư duy tiêu chuẩn kép về tìn.h dụ.c thì hoàn toàn có quyền tin tưởng vào một thế hệ mới, cởi mở, hiểu biết và hiện đại, vì chính chúng ta sẽ góp phần chỉ dạy cho thế hệ đó.
__________________________
Xem thêm nhiều bài viết hơn của tụi mình tại :
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất