Đồng Cảm Và Thấu Cảm - Kỹ Năng Phai Có Trong Tình Yêu
Những cô gái, chàng trai nghiêm túc trong tình cảm đều mong muốn tìm cho mình một mối quan hệ lâu dài và chất lượng. Để làm được điều...
Những cô gái, chàng trai nghiêm túc trong tình cảm đều mong muốn tìm cho mình một mối quan hệ lâu dài và chất lượng. Để làm được điều đó, bên cạnh những kĩ năng cư xử trong mối quan hệ, kĩ năng nhìn người trước khi bước vào một mối quan hệ với họ cũng quan trọng không kém, bởi nếu bạn biết nhìn và lựa chọn người hợp với mình nhất, thì những khác biệt hay mâu thuẫn sau này khi chính thức yêu nhau hay thậm chí về một nhà với nhau cũng sẽ được xử lý một cách nhẹ nhàng, dễ dàng hơn. Ở bài Chọn Vợ và Chọn Chồng, mình đã đưa ra một vài gợi ý về những gì mà bạn nên để ý ở đối phương, cũng chính là những điều giúp bạn biết được liệu người đó có thể đem tới một mối quan hệ lâu dài hay không. Trong số những phẩm chất hay nét tính cách đó, cá nhân mình nghĩ, khả năng đồng cảm và thấu cảm là một trong những khả năng quan trọng nhất BUỘC PHẢI CÓ ở đối phương, và cả ở chính bạn, để hai người có thể có một mối quan hệ bền vững và lâu dài.
ĐỒNG CẢM
Chúng ta sẽ nói về đồng cảm trước nhé. Nếu được hỏi "nếu bạn tìm thấy một người có thể cùng buồn khi thấy mình buồn, hay cùng vui khi thấy mình vui, thì bạn có thích không?" có lẽ phần lớn câu trả lời sẽ là Có. Việc có người không những hiểu được cảm xúc của mình, mà còn chia sẻ cảm xúc ấy với mình, sẽ làm cho bạn cảm thấy bạn và người ấy dường như kết nối với nhau ở một tầng sâu hơn, có ý nghĩa hơn. Và đó chính là khả năng "đồng cảm", là khả năng một người cũng cảm thấy cảm xúc mà người khác đang có. Để có thể đồng cảm được với người khác, nếu không phải là đã từng ở trong tình huống tương tự với người kia, thì chí ít cũng biết đặt mình vào vị trí của người khác, và có đủ sự nhạy cảm trong tâm hồn để cùng chia sẻ cảm xúc với họ. Điều này là một điểm cộng rất lớn trong một mối quan hệ tình cảm, bởi những người có thể đồng cảm thường sẽ biết nghĩ cho người khác trước khi nói hay làm một việc gì đó. Họ dường như cũng cảm thấy sự tổn thương mà mình có thể gây ra cho người kia ngay cả trước khi làm hành động đó, từ đó sẽ luôn có ý thức tránh gây tổn thương cho người mình yêu. Đương nhiên, họ không hoàn hảo, và vẫn sẽ có những lúc họ sẽ lỡ lời hay vô tâm, nhưng khi người yêu của họ buồn bã hay khóc lóc vì những gì họ đã làm, họ sẽ cùng cảm nhận được nỗi đau đó, cũng cảm thấy việc họ làm thật là tệ, và từ đó sẽ có quyết tâm thay đổi hơn.
Ngược lại, nếu bạn gặp phải một người không có sự đồng cảm, thì người đó sẽ hoàn toàn không quan tâm tới cảm xúc của bạn hay của bất cứ ai khác. Thay vào đó, họ chỉ biết tới cảm xúc của họ và chỉ làm bất cứ điều gì họ muốn. Trong một mối quan hệ, một người như vậy sẽ liên tục làm tổn thương bạn mà thậm chí còn không hề nghĩ rằng họ đã làm sai ngay cả khi bạn nói thẳng vào mặt họ. Và chính vì không quan tâm tới người khác cảm thấy thế nào, họ cũng không quan tâm tới việc người khác nghĩ gì, đánh giá gì về mình luôn. Ở rất nhiều trường hợp, người không có sự đồng cảm không phải không biết người khác cảm thấy thế nào, mà là có biết cũng không thèm quan tâm, bởi họ và cảm xúc của họ là thứ duy nhất họ nghĩ tới.
Điều khiến việc không có sự đồng cảm trở nên nguy hiểm hơn là, có những người ngoài kia mặc dù không có sự đồng cảm, nhưng lại biết mình phải làm gì để khiến người khác yêu mình. Họ học được những điều đó qua những người đi trước, qua sách báo phim ảnh, qua văn hóa, và cứ làm theo chúng như một cái máy chứ không phải do họ thực sự cảm thấy như vậy. Ví dụ, con mèo của cô gái vừa mới bị trộm bắt. Cô gái cảm thấy buồn bã, còn chàng trai dù chả hề quan tâm tới con mèo lẫn sự đau buồn của cô gái, vẫn học được từ những người xung quanh rằng nếu thấy con gái buồn thì phải biết dỗ dành, an ủi, học được phải nói gì, làm gì để làm cô ấy vui, và cứ thế làm theo, khiến cô gái nghĩ rằng anh ấy là người biết đồng cảm với mất mát của mình nhưng thực tế lại không phải vậy. Hay như một người vợ biết chu toàn mọi nghĩa vụ của một người vợ, người mẹ nhưng vẫn có thể là một người không thích trẻ con, và mỗi khi vừa thấy chồng đi làm về mệt mỏi vẫn sẵn sàng chửi bới mắng mỏ trách móc. Những người không có sự đồng cảm nhưng biết làm điều phải làm hay nên làm như vậy thường sẽ khiến cho người khác xiêu lòng họ, thậm chí đi đến hôn nhân với họ, và chỉ tới khi sống chung với nhau, khi mà họ đã làm hết những gì họ cần phải làm và không cần phải "diễn" nữa, thì đối phương mới nhận ra sự vô cảm tới lạnh lẽo của họ. Chính vì vậy, việc nhận ra đối phương có phải là người thực sự có sự đồng cảm không là cực kỳ quan trọng, bởi một khi bạn đã bước vào một mối quan hệ chính thức với họ, rất có thể bạn sẽ không bao giờ có thể dứt khỏi họ được nữa, ngay cả khi bạn muốn chấm dứt với họ. Nếu bạn là người có sự đồng cảm, bạn sẽ hiểu được bị người yêu cũ đeo bám, chửi bới hay ghen tuông khi bạn có người yêu mới phiền phức thế nào, và từ đó sẽ không làm những hành động đó và bước tiếp với cuộc sống của mình sau chia tay. Nhưng ở những người không có khả năng đồng cảm, như đã nói, họ sẽ làm bất cứ điều gì họ muốn mà không cần biết những người xung quanh cảm thấy thế nào, hay người khác nghĩ gì về mình nếu làm như vậy. Từ đó cứ tùy theo cảm xúc của họ mà họ sẽ có những hành động, lời nói mà không những ảnh hưởng tới bạn, mà còn cả với người mới của bạn hay thậm chí các mối quan hệ sau này nữa.
Để nhận ra một người có khả năng đồng cảm hay không thì bạn lại phải là một người cực kỳ tinh ý và để ý tới cách đối phương của bạn phản ứng với những tình huống có thể đem tới cảm xúc mạnh. Lưu ý là những tình huống này không chỉ giới hạn trong những tình huống liên quan trực tiếp tới bạn - người mà họ đang muốn tán tỉnh hay hẹn hò - hay chính bản thân họ, mà nên quan sát cách họ phản ứng với những tin không hề liên quan tới họ nữa, bởi như vậy sẽ nhìn họ được chính xác hơn. Ví dụ bạn nói bạn rất buồn vì vừa bị trượt môn, họ biết an ủi bạn, dỗ dành vỗ về bạn và cố làm bạn vui chưa chắc đã là họ biết đồng cảm với bạn. Bạn cần phải biết để ý tới sắc mặt, giọng nói, biểu cảm của họ xem họ có thực sự thấy buồn khi thấy bạn buồn không. Nếu ngay khi bạn nói bạn buồn mà người ấy ngay lập tức gợi ý làm điều gì đó mà không phải là điều bạn thích làm, hay thậm chí còn không hỏi bạn muốn làm gì, hoàn toàn không có sự buồn bã gì ở họ, và bạn cảm thấy dường như họ đang lợi dụng nỗi buồn của bạn để có cớ đi chơi, thì rất có thể người đó chỉ đang cố làm điều mà họ nghĩ họ cần phải làm mà thôi. Ngay cả khi họ tỏ ra đồng cảm với nỗi buồn của bạn thì cũng đừng vội kết luận ngay. Hãy thử nói chuyện về việc Ấn Độ có khoảng vài ngàn người chết mỗi ngày - một việc không hề liên quan tới người ấy, và xem xem người ấy cảm thấy thế nào. Ngay cả khi bạn biết rằng nguyên do của việc đó phần lớn là do chính người Ấn Độ, hoặc bạn không thích văn hóa Ấn Độ, nhưng khi thấy có quá nhiều người chết như vậy, phải tranh giành lấy sự sống như vậy, một người có sự đồng cảm chí ít cũng sẽ cảm thấy thương tiếc cho họ, hoặc thấy sự việc đó thật đáng sợ. Nhưng nếu người ấy gạt đi và nói "Ôi xời, chuyện ở tận đẩu tận đâu quan tâm làm gì", thì đó có lẽ là một red flag lớn mà bạn nên theo dõi thêm trước khi quyết định tiến tới với họ nhé. Vấn đề của việc nhìn nhận xem người kia có sự đồng cảm hay không khá là phức tạp. Phần lớn phụ nữ đều có sự đồng cảm, và họ được thoải mái thể hiện điều đó. Còn đàn ông, một phần do bộ não lý trí một cách bản năng có dải cảm xúc ổn định hơn, một phần do văn hóa và sức ép xã hội, mà họ thường không những không được dạy về sự đồng cảm, mà ngay cả khi họ có sự đồng cảm, họ cũng cảm thấy không được phép thể hiện ra ngoài, bởi họ luôn phải giữ một hình tượng cứng rắn. Cũng là trong tình huống cô bạn gái bị trộm mất mèo, ngay cả khi người bạn trai cũng cảm thấy buồn, anh ta không được dạy về cách thể hiện nỗi buồn đó, và lại buông ra lời "Thôi mất thì mua con khác" ngay cả khi anh ta không thực sự nghĩ vậy. Vì vậy, các chàng trai, bên cạnh việc để ý cô gái có sự đồng cảm hay không, thì cũng cần học cách thể hiện sự đồng cảm của mình ra ngoài. Còn các cô gái, hãy thử đặt các chàng trai vào các tình huống khác nhau và để ý cách họ phản ứng để xem họ có phải là một người nhạy cảm với cảm xúc không nhé.
THẤU CẢM
Tiếp tục với kỹ năng thấu cảm. Giữa hai người bất kỳ, dù là hợp với nhau tới mấy chắc chắn vẫn sẽ có những khác biệt không chỉ trong sở thích, thói quen mà còn cả trong cách suy nghĩ và những quyết định trong cuộc sống hàng ngày. Việc bắt ép một người phải cảm thấy như mình, hay suy nghĩ giống mình không những là việc không thể, mà còn là không nên. Thay vào đó, chúng ta cần một người hiểu rõ được sự khác biệt đó, hiểu được tại sao lại có nó, và chấp nhận nó một cách tôn trọng. Và đó chính là sự thấu cảm. Cũng giống như đồng cảm, một người có khả năng thấu cảm cũng biết đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu tại sao họ lại có cảm xúc mà họ đang có, nhưng khác với đồng cảm, kỹ năng thấu cảm cho phép người có kỹ năng này có suy nghĩ và cảm xúc độc lập với sự thấu hiểu đó. Ví dụ, bạn nhìn thấy một người đàn ông đánh vợ của mình, bạn chạy lại ngăn và biết được nguyên do là vì anh ta phát hiện ra vợ ngoại tình. Cô ta không những không biết xấu hổ mà còn câng câng lên chửi bới, nhục mạ lại. Khi bạn biết nguyên do đó, bạn cảm thấy rằng anh ta tức giận với cô ấy là điều dễ hiểu, điều đương nhiên với những gì cô ta làm với anh ta, nhưng bạn không thực sự cùng cảm thấy tức giận với cô vợ kia vì đây là chuyện của người ngoài, và càng không đồng tình với việc sử dụng bạo lực của anh chồng. Đó chính là khả năng thấu cảm. Ngay cả khi bạn có cảm xúc gì lúc đó thì có lẽ bạn sẽ thấy khinh thường cô gái kia chứ không phải là giận dữ, bởi cô ấy không phản bội bạn mà là anh kia.
Vậy kĩ năng thấu cảm này có ích gì trong một mối quan hệ tình cảm? Bạn thử tưởng tượng nếu một người chỉ có kỹ năng đồng cảm mà không có kỹ năng thấu cảm, khi người thân của họ buồn tới mức không thiết tha làm gì, cứ ru rú trong nhà, mà người ấy cũng đồng cảm và cũng hùa theo những việc tiêu cực đó, thậm chí là làm cùng người kia, thì tới bao giờ người thân đó mới thoát ra khỏi sự u sầu của họ? Hoặc một người lúc nào cũng tự ti về bản thân, luôn cho mình là loser và đổ hết lỗi cho cuộc đời, mà bạn cũng nói "Uh tao cũng thế" và cùng nhậu nhẹt và chửi đời thì kết cục của hai người sẽ ra sao?
Ngược lại, nếu trong những tình huống đó bạn có kỹ năng thấu cảm, bạn sẽ thấu hiểu được cảm giác của người kia, nhưng sẽ biết cách dẫn dắt họ tới những suy nghĩ tích cực hơn, và vực họ dậy khỏi sự u tối. Ở một trong các bài viết trước đây, mình từng kể câu chuyện về việc vợ mình đã giận bạn cô ấy thế nào khi anh ta nói cô ấy béo. Mình hiểu tại sao cô ấy giận khi bị chê béo, nhưng mình không nghĩ rằng anh bạn kia có ý xấu khi nói vậy, và mình nghĩ rằng việc biết chấp nhận những khuyết điểm của bản thân sẽ có lợi cho cô ấy về mặt lâu dài, nên mình đã chờ cô ấy nguôi giận và ngồi xuống phân tích cho cô ấy về cách cô ấy nên nhìn nhận lại vấn đề. Kể từ đó, mỗi khi có ai đó nói với cô ấy "ô dạo này béo lên hay sao ấy nhể" thì cô ấy vẫn vui vẻ đáp lại "uh tăng vài cân rồi đấy". (Với ai thân thiết cô ấy thậm chí còn vừa nói vừa vỗ vỗ vào bụng để chứng minh, trông rất đáng yêu ^^)
Kể qua câu chuyện đó để thấy được rằng việc cả hai người nếu ứng dụng sự thấu cảm một cách hợp lý sẽ có thể cùng đưa nhau vực dậy mỗi khi vấp ngã, và cùng giúp nhau trở nên tốt hơn. Đương nhiên, ở câu chuyện trên, mình vẫn cần phải có cả kĩ năng giao tiếp để biết cách nói sao cho vợ mình nghe và hiểu, nhưng ngay cả trước khi mình nghĩ về việc phải nói gì, thì mình vẫn phải có ý nghĩ "không muốn làm cô ấy tổn thương vì mình cũng không muốn bị tổn thương" - tức là sự đồng cảm, và ý nghĩ "nhưng cô ấy cần phải nghe những điều này" - tức là có suy nghĩ độc lập khác với những gì cô ấy đang nghĩ, và tổng hợp hai suy nghĩ đó lại vẫn là sự thấu cảm. Bên cạnh việc đưa người kia vực dậy khi vấp ngã, thấu cảm cũng có thể được ứng dụng để kìm chế khi người kia trở nên quá.... vui. Ví dụ, nếu đứa bạn của bạn có chuyện rất vui và muốn xõa hôm nay, ăn chơi nhảy múa tẹt ga, bạn dù có vui cùng nhưng cũng phải biết mà nhắc nhở "Bạn ơi, đừng tiêu hết tiền nhé không sang tuần là ăn cứt đấy".
Ngoài ra, sự thấu cảm, cùng với kĩ năng giao tiếp, cũng sẽ giúp cho hai bạn giải quyết những mâu thuẫn của nhau một cách nhẹ nhàng hơn. Khi thấy cô người yêu mãi không xuống nhà, thay vì bạn ngay lập tức nghĩ rằng "Làm cái méo gì mà chuẩn bị lâu thế" và cảm thấy bực bội, thì bạn có thể hiểu được rằng "Cô ấy chuẩn bị lâu là vì muốn đẹp hơn trong mắt mình" và không còn tức giận nữa. Tuy nhiên, suy nghĩ độc lập của bạn vẫn cho rằng việc bắt bạn chờ lâu như vậy là điều không nên, kết hợp với kĩ năng giao tiếp và bạn sẽ có thể nói được với cô gái rằng "Lần sau em chuẩn bị xong xuôi hết rồi thì hẵng gọi anh tới đón nhé, vì anh không thích phải chờ" hoặc đơn giản là "Lần sau em cho anh một khoảng thời gian nhất định để anh biết chính xác là phải chờ bao lâu nhé. Nếu em cần thêm thời gian thì cũng báo cho anh trước nhé". Khi không giận thì những lời nói như trên nghe sẽ lọt tai hơn rất nhiều so với việc cũng như câu nói đó nhưng được nói với thái độ hằn học nghe như quát tháo, đúng không?
Mặt trái của sự thấu cảm là nó có thể được dùng như một công cụ để hại người khác. Bởi người có khả năng thấu cảm hiểu được người khác sẽ cảm thấy thế nào trong tình huống nhất định, nên họ cũng biết được điều gì là quý báu với người kia, từ đó có thể lợi dụng nó để làm hại họ. Trông một mối quan hệ tình cảm, việc này thường xảy ra khi hai người đang giận nhau, và trong cơn tức giận, người này sẽ cố tình nói hay làm điều gì đó mà họ biết là sẽ khiến người kia tổn thương như một sự tấn công hay trả thù.
Thường những tấn công khi kỹ năng thấu cảm được sử dụng sai chỗ như vậy sẽ có sức sát thương lớn hơn rất nhiều, bởi người làm nó biết rõ chỗ nào là điểm yếu của đối phương. Vì vậy bạn nên rèn luyện bản thân để biết kìm chế và không để cơn giận làm lu mờ lý trí nhé.
Tiếp theo là việc làm thế nào để nhận ra người ấy có sự thấu cảm? Cá nhân mình nghĩ rằng đồng cảm là cái gốc của thấu cảm. Đồng cảm thuần túy là về thấu hiểu và chia sẻ cảm xúc, trong khi đó thấu cảm là thấu hiểu và độc lập về cảm xúc. Vì vậy, mình cho rằng để nhìn nhận người ấy có kỹ năng thấu cảm hay không, hãy cứ test xem người ấy có khả năng đồng cảm hay không. Nếu bạn thấy người ấy đồng cảm với bạn ở một vấn đề, tức là người ấy biết đặt mình vào vị trí của bạn và hiểu cho bạn, khả năng rất cao là người ấy có thấu cảm, bởi như đã nói, không ai giống nhau 100%. Người ấy có thể buồn cùng bạn khi bạn mất mèo, nhưng chưa chắc cùng quan điểm với bạn rằng bạn sẽ đi trả thù bằng việc đi trộm mèo của người khác. Mình nghĩ cái quan trọng hơn khi nói tới thấu cảm là xem xem người ấy có dùng sự thấu cảm đó để làm việc xấu hay không. Nếu có thì rõ ràng bạn sẽ không muốn tiếp tục với người đó rồi.
Còn một lưu ý nữa mà mình muốn nhắc tới khi nói tới thấu cảm. Khi bạn hiểu tại sao người đó lại có cảm xúc nào đó, nhưng bạn lại nghĩ khác hay cảm thấy khác, TUYỆT ĐỐI đừng hạ thấp cảm xúc của họ.
Ngay cả khi bạn thực sự nghĩ rằng họ đang phản ứng thái quá, đừng nói ra mà hãy giữ trong lòng, và lựa lời để giúp họ hạ nhiệt rồi sau đó mới dẫn dắt họ tới chiều hướng tích cực hơn sau. Như Nam Cao từng viết trong tác phẩm Lão Hạc, "Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu?". Khi một người đang trải qua một cảm xúc nào đó, nhất là một cảm xúc mãnh liệt, việc bạn bảo họ "có thế mà cũng phải sồn sồn lên" hay "Thôi đừng buồn nữa, hãy vui lên" không khác gì đổ dầu vào lửa, bởi thông điệp mà người kia nhận được là "những cảm xúc mày đang có chả có ý nghĩa gì cả". Nếu ai đó nói với bạn câu đó, hẳn là bạn cũng sẽ càng cảm thấy tức giận thêm, đúng không? Và đôi khi, bạn không nhất thiết phải nói ra suy nghĩ hay cảm xúc của bạn. Việc mỗi người phản ứng khác nhau ở cùng một tình huống là việc bình thường, cũng giống như mỗi người có tính cách hay quan điểm khác nhau về cùng một vấn đề vậy. Bạn không cảm thấy giống họ không có nghĩa cảm xúc của họ là sai, hay có vấn đề gì đó sai sai với bạn. Đôi khi, việc duy nhất bạn có thể làm là thấu hiểu, tôn trọng cảm xúc của họ và để họ xả cho hết nỗi lòng. Ví dụ, một người có cảm thấy bực mình vì bị cô bạn gái bắt phải chờ dưới nhà lâu trong lúc cô ấy bận make up hay chọn quần áo. Bạn có thể hiểu tại sao anh ấy bực mình, nhưng bạn không thực sự cảm thấy bực mình giống anh ta vì dù gì hôm đó cũng là lúc cả lũ rủ nhau đi uống nước chém gió chứ không phải chuyện gì gấp gáp, và bên cạnh đó cô ấy cũng không phải là người yêu của bạn. Vì vậy, khi anh ấy phàn nàn với bạn về việc đó, đừng nói là “ôi xời có sao đâu, đằng nào cũng đi chơi mà”, cũng đừng nói là “ờ đúng đấy. Làm cái méo gì lâu thế”, trừ phi là bạn muốn anh ấy bùng phát lên và làm hỏng cả buổi đi chơi. Những lúc như vậy chỉ cần cười trừ và lái câu chuyện sang hướng khác, giúp anh ấy xao nhãng đi và không tập trung vào việc cô gái ấy chuẩn bị lâu la nữa. Đó là cách sử dụng thấu cảm đúng cách đấy.
** Lưu ý: đành rằng mỗi người có thể có cảm xúc khác nhau về cùng một tình huống, nhưng nếu người ấy cười thích thú khi trực tiếp chứng kiến một vụ tai nạn thảm khốc có nhiều thương vong thì bạn nên tránh ra khỏi cái sự "khác biệt" đấy vì an toàn của bạn nhé.
Nói tới đây thì có lẽ các bạn cũng hiểu tại sao đồng cảm với thấu cảm lại quan trọng tới thế rồi. Cứ cho là người đó là người vô tâm vô tư, ít kinh nghiệm trong chuyện tình cảm, không biết gì về tâm lý của người khác giới, nhưng nếu họ có sự đồng cảm và thấu cảm, chí ít họ cũng sẽ cảm nhận được những tổn thương hay hiểu được cơn giận của bạn, từ đó sẽ biết thay đổi và trở nên hòa hợp hơn với bạn, yêu bạn đúng cách hơn, hoặc biết dạy bạn cách suy nghĩ đúng đắn hơn. Nhưng nếu họ không có những kỹ năng đó, thì có thể nói đó sẽ là một mối quan hệ một chiều, nơi mà họ là trung tâm của vũ trụ và luôn bắt bạn thay đổi theo ý họ. Chắc chắn bạn sẽ không muốn có một mối quan hệ như vậy, đúng không?
Đồng cảm và thấu cảm không chắc chắn đem lại một mối quan hệ lâu dài, bởi ngoài hai kĩ năng này ra còn phải xét tới việc hai bạn có hợp nhau về mặt bản chất hay không. Tuy nhiên, ngay cả khi phải chia tay, thì giai đoạn hậu chia tay sẽ ít va vấp hơn đối với những người có khả năng đồng cảm như mình đã giải thích ở trên.
Mong là bài viết giúp các bạn trẻ có thêm kinh nghiệm nhìn người để tìm được đối tượng phù hợp nhé :D
Kênh Youtube Đàn Ông Học:
Đàn Ông Học
Đàn Ông Học là một lớp học về tâm lý học ứng dụng và kĩ năng mềm, tập trung vào chủ đề đàn ông và phụ nữ. Anh em tới lớp sẽ được học về cách để trở thành một người đàn ông trưởng thành mang dấu ấn của riêng mình. Cả anh em lẫn chị em khi tới lớp sẽ được học về sự khác nhau về tâm sinh lý giữa hai giới, từ đó học cách điều chỉnh để mối quan hệ tình cảm trở nên bền vững hơn.www.youtube.com
Đàn Ông Học là một lớp học về tâm lý học ứng dụng và kĩ năng mềm, tập trung vào chủ đề đàn ông và phụ nữ. Anh em tới lớp sẽ được học về cách để trở thành một người đàn ông trưởng thành mang dấu ấn của riêng mình. Cả anh em lẫn chị em khi tới lớp sẽ được học về sự khác nhau về tâm sinh lý giữa hai giới, từ đó học cách điều chỉnh để mối quan hệ tình cảm trở nên bền vững hơn.www.youtube.com
FB Group của Đàn Ông Học:
Yêu
/yeu
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất