THẾ CHIẾN Z (sách): Tóm tắt các diễn biến chính (SPOILERS)
Không liên quan gì đến phim đâu, ngoại trừ cái tên ra. Đây là bản tóm tắt các diễn biến chính của cuốn sách "Thế Chiến Z - Lịch...
Đây là bản tóm tắt các diễn biến chính của cuốn sách "Thế Chiến Z - Lịch sử truyền miệng về cuộc Đại chiến Zombie" được viết bởi nhà văn Mỹ Max Brooks. Tác phẩm đã được chuyển thể thành bộ phim điện ảnh nổi tiếng với Brad Pitt thủ vai chính, tuy nhiên, bộ phim quá khác biệt so với phiên bản gốc và thậm chí còn không thể truyền tải nổi 1% tầm nhìn của Brooks về thế giới trong thảm họa Zombie. Các bạn có thể tìm đọc bản PDF tiếng Việt hoặc tiếng Anh của cuốn sách trên Google, còn bài viết này sẽ tóm tắt những diễn biến cơ bản trong cuốn sách. Trước khi vào bài viết này thì hãy quên ngay bộ phim kia đi nhé, nó không phải một bộ phim quá tệ đến mức không thể chấp nhận được, nhưng so với sách thì nó không thể đọ được đâu.
Điểm khác biệt lớn nhất với phim chính là việc cuốn sách KHÔNG HỀ CÓ NHÂN VẬT CHÍNH. Cuốn sách được viết dưới dạng tài liệu ghi chép của một nhân viên Liên Hợp Quốc, bao gồm các bài phỏng vấn những người sống sót trong Thế Chiến Z, và sự hiện diện của người dẫn chuyện gần như là không có. Ngoài ra, những người được phỏng vấn đều là những con người khác nhau đến từ những quốc gia khác nhau, với thể chế chính trị, văn hóa, tư tưởng, tôn giáo khác nhau, nên câu chuyện được kể trong Thế Chiến Z đều rất đa dạng.
Cuốn sách được chia ra làm các phần: Cảnh Báo, Đổ Lỗi, Cuộc Đại Loạn, Đảo Ngược Tình Thế, Mặt Trận Mỹ và Chiến Tranh Tổng Lực.
Đọc thêm:
Cảnh Báo.
Bệnh nhân số 0 là một đứa trẻ sống tại một khu vực tái định cư ở vùng nông thôn Trung Quốc. Sự lây nhiễm nhanh chóng đạt đến mức nghiêm trọng trước khi lan sang Ấn Độ và Trung Á qua con đường nhập cư trái phép và buôn người; đồng thời các bộ phận cơ thể người bị nhiễm bệnh được buôn lậu ra khỏi khu vực tạo ra thây ma ở những quốc gia không có sự di cư trực tiếp của người bị nhiễm bệnh, chẳng hạn như Brazil. Chính phủ Trung Quốc che đậy bệnh dịch bằng cách thêu dệt nên một cuộc xung đột ở eo biển Đài Loan, nhằm thu hút tai mắt của tình báo phương Tây khỏi mầm mống dịch bệnh đang lây lan. Vụ việc eo biển Đài Loan được chính quyền Trung Quốc tiến hành trót lọt, đến mức CIA bị các chính trị gia công khai chỉ trích nặng nề và phải hứng chịu một đợt cải tổ nhân sự toàn diện. Nhiều phân tích viên giỏi đã tự xin nghỉ làm hoặc bị thuyên chuyển công tác, dẫn tới việc Hoa Kỳ hoàn toàn không thu thập được thông tin về bệnh dịch từ sớm.
Đọc thêm:
Cuộc Đại Loạn
Cuộc Đại Loạn là cái tên được đặt cho thời kỳ loạn lạc và đổ vỡ hàng loạt của xã hội xung quanh việc nhân loại nhận ra thực tế mà họ phải đối mặt (Zombie). Khủng hoảng đã bắt đầu sớm hơn ở các quốc gia có lần đầu tiên tiếp xúc với Zombie (chẳng hạn như Trung Quốc và các quốc gia có các tuyến đường buôn lậu với nó) và dịch bệnh sớm lan ra nhiều nước châu Âu và châu Phi trước khi lan sang Tân Thế Giới và châu Đại Dương. Vụ bùng phát công khai lớn đầu tiên đã được ghi nhận ở Cape Town, Nam Phi. Cùng lúc đó, Zombie bắt đầu áp đảo người dân ở một số thành thị Ấn Độ. Do sự thiếu thông tin cũng như những lo ngại về bệnh dịch, trong hàng ngũ quân đội Nga bắt đầu xuất hiện tình trạng binh lính nổi loạn, dẫn tới việc chính quyền phải xử tử mười phần trăm lực lượng vũ trang để răn đe, sự kiện này còn được biết đến với cái tên Cuộc Thanh Trừng. Đại Loạn dần dần lan ra toàn cầu.
Do niềm tin sai lệch rằng Hoa Kỳ đã vượt qua bản chất của mối đe dọa Zombie trong mùa đông đầu tiên, cộng với việc các quan chức Nhà Trắng không muốn làm rối loạn trật tự nội bộ trong năm bầu cử, chính quyền và công chúng Hoa Kỳ ít nhiều đã không chuẩn bị (mặc dù có nhiều thời gian hơn hầu hết các quốc gia, và là một trong những quốc gia có nền quân sự mạnh mẽ nhất). Không có cảnh báo quy mô lớn nào được đưa ra, và nhiều hãng tin tức đã coi bệnh dịch thây ma đơn giản là một căn bệnh thông thường khác như Ebola hoặc SARS trước đó nhiều năm (Ê sao đoạn này nghe giông giống Covid thế nhỉ). Sau khi vắc xin chống Zombie giả Phalanx được phát hành, các phương tiện truyền thông chỉ đơn giản là ngừng đưa tin về nó và chuyển sang các tin tức khác. Kết quả là, nhiều người Mỹ thuộc tầng lớp trung lưu ngoại ô chỉ biết đến mối đe dọa từ xác sống khi chúng đã lao qua cửa sổ phòng khách của họ rồi. Chẳng bao lâu, số lượng thây ma tăng lên theo cấp số nhân. Vào tháng 5, một nữ phóng viên cuối cùng đã công bố thông tin rằng đại dịch Zombie là có thật, và Phalanx chỉ là một giả dược chứ không phải vắc xin chống lại bệnh dịch Zombie. Tình trạng hỗn loạn lan rộng, dân chúng bắt đầu vơ vét hàng hoá, gia cố nhà cửa và di tản hàng loạt, các "Rambo nhí” bắt đầu hoành hành, bắn bất cứ thứ gì di chuyển và giết rất nhiều người, nếu không muốn nói là nhiều hơn lũ thây ma thực sự.
Đến tháng 8, thành phố New York đã thất thủ, và dịch bệnh bùng phát trên khắp nước Mỹ. Với mong muốn tiêu diệt zombie chóng vánh và khôi phục niềm tin của công chúng vào khả năng kiểm soát tình hình của chính phủ, một nửa quân đội Mỹ đã được triển khai ở một nút thắt cổ chai chiến lược tại Yonkers (ngay phía bắc Bronx), và đám zombie từ Thành phố New York, lên đến hàng triệu con, bị dụ về phía họ để họ có thể tiêu diệt chúng. Khác xa với kế hoạch "thổi bùng lên tinh thần chiến thắng nơi người dân Mỹ" của chính quyền, Trận Yonkers là một đại thảm họa. Một cơn đại hồng thuỷ xác sống hoàn toàn áp đảo những cỗ máy chiến tranh hiện đại nhất của quân đội Mỹ, nguyên nhân chủ yếu do chiến lược quá kém và thiếu hiểu biết về bệnh dịch. Hoạt động chống thây ma có tổ chức của chính quyền sụp đổ, tình trạng hỗn loạn lan rộng và các đợt rút lui quy mô lớn bắt đầu. Trong vòng ba tuần, phần còn lại của chính phủ và quân đội Hoa Kỳ đã rút lui về phía tây Dãy núi Rocky để thiết lập một vành đai phòng thủ mới, bỏ rơi người dân ở 2/3 phía đông của đất nước. Tình trạng tương tự xảy ra ở nhiều nước khác trên thế giới như Đức, Nam Triều Tiên, Ukraine, Ấn Độ,…
Chỉ có Israel là quốc gia duy nhất đứng vững trước Cuộc Đại Loạn, nhờ vào hoạt động thu thập thông tin của giới tình báo và phản ứng mạnh mẽ của chính phủ. Đất nước của họ đã được bao bọc bởi các bức tường khổng lồ, và họ đã thi hành chính sách cứu nạn tất cả người Do Thái và Palestine ở khắp nơi trên thế giới về Israel lánh nạn. Đã có một bản báo cáo về mối nguy hại thây ma được Israel gửi lên Liên Hợp Quốc từ trước khi Cuộc Đại Loạn xảy ra được nhiều tháng, nhưng nhiều chính phủ trên thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ và các nước Ả Rập, đã bác bỏ nó.
Đảo Ngược Tình Thế.
Kế hoạch Redeker (hay còn được gọi là Sách lược Chiến tranh Nam Phi) được phát triển bởi một cựu quan chức chính phủ Apartheid Nam Phi, Paul Redeker, và được hầu hết các quốc gia khác thực hiện theo (với các tên và chi tiết khác nhau vd Điều lệ Chang – Nam Triều Tiên, kế hoạch Prochnow – Đức,…). Redeker xác định rằng không thể cứu được toàn bộ dân số do thiếu nguồn lực và nguy cơ lây lan rộng dịch bệnh. Chính phủ và quân đội phải được củng cố lại, rút lui về những địa điểm chiến lược, lợi dụng các yếu tố phòng thủ tự nhiên để chuẩn bị cho công cuộc trường kì kháng chiến. Ngoài ra, cần phải có các "Vùng an toàn" được thành lập cho một số dân thường và quân đội phải quét sạch tất cả thây ma ở đó cho họ. Tuy nhiên, một số vùng an toàn này thực ra là vùng an toàn giả, được thiết kế để giảm áp lực lên vùng an toàn thực tế - nơi chính phủ và phần lớn quân đội đóng quân. Các vùng an toàn “giả” sẽ được duy trì liên tục và thậm chí là phải được cung cấp nhu yếu phẩm, để kéo thây ma ra khỏi khu vực an toàn thực sự và cho phép chính phủ có thời gian tái thiết lại. Trong nhiều trường hợp, các vùng an toàn giả đã được phát triển ở những vị trí không bền vững về mặt địa lí, khiến cho chúng dễ dàng bị Zombie tấn công. Hàng triệu người đã bị lừa dối và hy sinh theo cách này.
Mặt Trận Mỹ
Tại Mỹ, sau khi kế hoạch Redeker được thực hiện, quân đội được cải tổ toàn diện, với sự cắt giảm các lực lượng không quân và hải quân, các chiến thuật chiến đấu mới được nghiên cứu, vũ khí mới được đưa vào sử dụng (súng trường bộ binh tiêu chuẩn mới, gậy Thông não, đạn dược mới…). Toàn bộ nền kinh tế thời chiến của Mỹ trở thành một nền sản xuất công nghiệp phục vụ chiến tranh tương tự như Liên Xô hoặc Đức Quốc xã, với các kế hoạch được lập ra bởi Bộ Tài nguyên Chiến lược. Chính phủ được dời về Honolulu, Hawaii.
Chiến Tranh Tổng Lực.
Sau khi miền Tây nước Mỹ cũng như phần lớn các vùng an toàn trên thế giới được ổn định, nhiều chính phủ đã quyết định tổ chức phản công tái chiếm lãnh thổ. Tất nhiên, việc này là rất khó khăn, bởi kẻ địch vượt trội hơn con người ở nhiều mặt: chúng liên tục huy động chiến tranh, không ngừng săn đuổi và giết chóc, không có nhu cầu sinh lí cơ bản, và mỗi cá thể đều tự hoạt động mà không cần đầu não chỉ huy. Nhiều chiến lược mới, vũ khí mới và nghệ thuật chiến tranh mới được đưa vào áp dụng. Trận phản công lớn đầu tiên của nhân loại kết thúc thắng lợi tại thành phố Hope, bang New Mexico, Mỹ. Dần dần, người Mỹ chiếm lại được một phần lãnh thổ của họ, đồng thời giúp hai nước láng giềng Canada và Mexico tái chiếm lại đất nước. Châu Âu và Nga cũng tiến hành các chiến dịch tái chiếm của mình, nhưng thương vong lớn hơn rất nhiều. Mười năm kể từ trận Hope, Bắc Mỹ không còn thây ma. Và hai năm sau đó, Trung Quốc Đại Lục cũng sạch bóng kẻ thù. Ngày chiến thắng ở Trung Quốc (Victory China – VC Day) được dư luận thế giới đồng ý chọn làm ngày cuộc Thế Chiến Z chính thức kết thúc.
Thời hậu chiến.
Sau ngày VC, nhiều thành phố lớn trên thế giới được tái chiếm trở lại, và nhiều khu vực đã được giải phóng khỏi thây ma. Nhiều khu vực ở phương Bắc (Iceland, Phần Lan, Siberia, Canada…) và trên các dãy núi cao vẫn còn bị lây nhiễm, do lũ thây ma đóng băng vào mùa đông, và các hoạt động dọn dẹp vẫn phải được tiến hành hàng năm. Các đại dương lớn, sông suối và hồ nước cũng bị lây nhiễm rất nặng, bởi thây ma không thể bị chết đuối, chúng chìm xuống đáy và thi thoảng bị sóng đánh vào bờ hoặc mắc vào lưới của ngư dân. Những khu vực này được gọi là các “Vùng Trắng”. Nhiều vùng ven biển và tàu thuyền vẫn thường xuyên bị tấn công.
Thế Chiến Z làm thay đổi mạnh tình hình địa chính trị toàn cầu. Nhiều chính phủ sụp đổ, nhiều đất nước bị hủy diệt, nhiều quốc gia mới, thể chế mới hình thành, và quan hệ quốc tế trở thành một vấn đề cấp thiết. Các mối đe dọa từ ô nhiễm môi trường trở thành vấn đề lớn với nhiều khu vực.
Hệ sinh thái và môi trường bị ảnh hưởng nặng. Khí quyển bị ô nhiễm ở mức độ báo động, do một số lượng lớn chưa từng thấy các đám cháy, các nhà máy hạt nhân và hóa chất lâu không được bảo trì, công cuộc tái thiết của những người sống sót, và cả một cuộc chiến tranh hạt nhân quy mô nhỏ giữa Iran và Pakistan. Người ta ước tính lượng tro bụi ở bầu khí quyển lúc đó ngang ngửa với một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Liên Xô và Mỹ, đó là còn chưa tính cuộc chiến Iran – Pakistan. Nhiệt độ trung bình trên toàn cầu giảm mạnh do khói bụi chặn bớt ánh sáng mặt trời, mùa đông kéo dài ở cả các nước nhiệt đới và rất khắc nghiệt. Ở các nước ôn đới, mùa đông kéo dài đến hơn sáu tháng, và còn được gọi là Mùa Đông Xám, do không khí bị ô nhiễm nặng đến mức tuyết có màu xám. Các khu vực sông hồ và đại dương vẫn bị lây nhiễm, ước tính có khoảng 25 triệu con zombie vẫn đang sống ở vùng thềm lục địa. Số lượng zombie đóng băng ở các khu vực cận cực và núi cao vẫn chưa được xác định.
Do phần lớn dân tị nạn chạy ra các hòn đảo, hệ sinh thái biển ở nhiều nơi bị khai thác cạn kiệt. Gần như tất cả các loài cá voi tuyệt chủng. Ở phương Bắc, các loài nai sừng tấm cũng đứng bên bờ tuyệt chủng. Trên cạn, các loài động vật di chuyển chậm, dễ bị săn như rùa cũng gần như bị quét sạch. Khu vực cận cực Canada và vùng Viễn Đông Nga cũng hứng chịu nạn phá rừng, rác thải, ô nhiễm nước và không khí do có quá nhiều dân tị nạn sinh sống.
Tài nguyên thiên nhiên gần như cạn kiệt. Các tàu buồm công nghệ cao được đưa vào hoạt động, do nguyên liệu hóa thạch rất khan hiếm. Hidro trở thành nguồn nhiên liệu chính mới, và các hạm đội khinh khí cầu công nghệ cao cũng thay thế các loại máy bay. Dầu mỏ từ Trung Đông gần như không thể khai thác được nữa, một phần do các khu vực lân cận Iran và Pakistan đã bị nhiễm phóng xạ nặng, một phần do các giếng dầu của Ả Rập Xê út đã bị đốt cháy sạch. Các giàn khoan ngoài khơi chưa thể tiến hành khai thác do lo ngại về Zombie dưới đáy biển. Năng lượng hạt nhân không còn được sử dụng do các nhà máy điện hạt nhân đã hư hỏng nặng sau khoảng thời gian dài không được bảo trì. Người dân nhiều nơi trên thế giới sống trong điều kiện không điện và không nước. Nhiều bệnh dịch như cúm Tây Ban Nha hoặc viêm phổi hoành hành trở lại vào những ngày đông tháng giá khắc nghiệt. Những cơ sở hạt nhân trước đây nay đã là các khu vực nhiễm xạ rất nặng. Bên cạnh Iran và Pakistan, khu vực Nội Mông của Trung Quốc cũng đã hứng chịu một đầu đạn hạt nhân trong cuộc Nội chiến Trung Quốc.
Sự vượt trội của nền văn minh phương Tây chấm dứt hoàn toàn, khi châu Âu và Mỹ bị chiến tranh tàn phá đến kiệt quệ. Cuba và Tây Tạng trở thành hai siêu cường kinh tế và chính trị mới. Nga trở thành quốc gia tôn giáo tương tự Iran thời trước. Trung Quốc từ một nền kinh tế năng động và phát triển nhanh nhất thế giới thời tiền chiến trở thành quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh.
Sự vượt trội của nền văn minh phương Tây chấm dứt hoàn toàn, khi châu Âu và Mỹ bị chiến tranh tàn phá đến kiệt quệ. Cuba và Tây Tạng trở thành hai siêu cường kinh tế và chính trị mới. Nga trở thành quốc gia tôn giáo tương tự Iran thời trước. Trung Quốc từ một nền kinh tế năng động và phát triển nhanh nhất thế giới thời tiền chiến trở thành quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh.
Khu vực Bắc Mỹ
Hoa Kỳ: Hoa Kỳ đánh mất vị thế siêu cường số một thế giới của mình, và trở thành một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh. Ngoại trừ một vài khu vực cô lập an toàn như Ohama, Nebraska và Tallahassee, Florida, thì 2/3 diện tích nước Mỹ ở phía Đông dãy núi Rocky cũng như khu vực bờ biển phía Tây đã bị thây ma áp đảo hoàn toàn. Chính phủ Mỹ rút về Honolulu, Hawaii và lãnh thổ nước Mỹ bị thu hẹp về dãy Rocky và bán đảo Alaska. Trận Yonkers là một thất bại công khai đầy ô nhục của quân đội Mỹ, khi mà một nửa quân đội của họ bị áp đảo và các kì quan công nghệ quân sự hiện đại nhất không hề có tác dụng trước Zombie, khiến họ phải tái tổ chức hoàn toàn. Nước Mỹ là quốc gia nổ phát súng đầu tiên trong công cuộc tái chiếm thế giới của loài người, nhưng họ phải mất đến mười năm mới dọn dẹp được toàn bộ lãnh thổ của mình. Đây cũng là nước có nhiều người sống sót trong Vùng Trắng nhất thế giới, chủ yếu do văn hóa súng đạn, trái ngược với Iceland hay Nhật Bản. Hiện tại Mỹ là một quốc gia với nền kinh tế đang phục hồi, và chịu ảnh hưởng rất nặng của ô nhiễm không khí. Một vài khu vực an toàn bị cô lập trong Vùng Trắng của Mỹ bị các băng nhóm tội phạm và những kẻ đòi li khai khống chế hoàn toàn bằng vũ lực, trở thành mối đe dọa lớn đến an ninh quốc gia và làm chậm lại quá trình tái thiết của chính phủ.
Mexico: Đất nước này bị chiến tranh làm cho suy yếu đến mức phải phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ để tái chiếm đất đai. Một vài nhóm người sống sót được nhờ trú ẩn trong các pháo đài Tây Ban Nha cũ, và đã có những cuộc kháng chiến ở các khu di tích Aztec, Toltec và Maya. Đất nước được đổi tên thành “Aztlán”.
Canada: Canada chịu ảnh hưởng rất nặng, do lượng lớn người di cư từ Mỹ đổ lên phía Bắc. Nạn đói và ăn thịt người đã xuất hiện khi mùa đông đầu tiên đến và lương thực trở nên khan hiếm. Chỉ tính trong Mùa Đông Xám đầu tiên đã có đến hơn mười một triệu người chết. Chính phủ rút lui về dãy Canadian Rockies, và phải phối hợp cùng quân tình nguyện Mỹ mới giải phóng được một phần lãnh thổ. Phần lớn vùng cận cực của Canada vẫn bị lây nhiễm do lũ zombie đóng băng, và các biệt đội dọn dẹp dân sự và quân sự vẫn phải làm việc thường xuyên.
Greenland: Hòn đảo băng giá rộng 2 triệu kilomet vuông này có một hệ thống boongke dưới lòng đất đồ sộ - nơi trú ẩn của khoảng 25 vạn người trong thời kì loạn lạc. Những người sống sót đã phải trải qua những mùa đông khắc nghiệt khi lương thực và nhiên liệu khan hiếm, nhiều người đã chết đói và chết rét. Hiện tại hầu hết những người tị nạn đã hồi hương. Những người ở lại hầu hết là những người làm du lịch, những nhân viên của UNESCO làm nhiệm vụ bảo trì các di tích thời chiến, hoặc những người mà quê hương của họ đã bị hủy diệt và họ không có nơi nào để trở về nữa.
Cuba: Cuba đã chiến thắng rực rỡ trong cuộc chiến tranh Zombie, và trở thành siêu cường kinh tế mới của thế giới. Lí giải cho thành công này của Cuba có nhiều nguyên do: Thứ nhất, Cuba có tỉ lệ bác sĩ trên đầu người rất cao và một hệ thống chăm sóc sức khỏe miễn phí toàn dân, nên chính quyền đã biết chi tiết về căn bệnh này và đã sẵn sàng lâm trận trước cả thế giới hàng tháng (không như thảm họa vắc xin giả Phalanx ở Mỹ). Thứ hai, Cuba có lượng khí giới quân sự khổng lồ để lại từ thời Chiến tranh Lạnh. Thứ ba, Cuba bị cấm vận chính trị nên không hứng chịu lượng người di tản khổng lồ từ nhiều nước. Thứ tư, vị trí địa lý đặc biệt của Cuba giúp họ không phải đối phó với các đàn thây ma khổng lồ trên cạn. Thứ năm, nền chính trị chuyên chế độc tài giúp chính phủ Cuba dễ dàng thi hành các chính sách mang tính áp chế, bắt buộc để đảm bảo an ninh quốc gia.
Và lí do quan trọng nhất chính là ở chính sách tiếp quản dân nhập cư của họ. Đầu tiên dân nhập cư phải sống trong các khu tập trung. Sau đó dân nhập cư được cử đi làm những công việc chân tay trong xã hội Cuba, họ sẽ sử dụng số giờ lao động của mình để “mua” quyền công dân. Khi cả thế giới tuyên chiến với thây ma, Cuba trở thành điểm neo đậu của hàng ngàn con tàu quân sự lẫn dân sự, và là bàn đạp để các nước tiến hành phản công. Một lượng lớn ngoại tệ và vàng đổ vào Cuba, tạo ra một nền kinh tế tư bản rất phát triển, đòi hỏi kĩ năng của những người nhập cư Mỹ và châu Âu. Trước bối cảnh nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển, tầng lớp trung lưu ngày một giàu lên và nhu cầu tự do dân chủ càng cao, chủ tịch đảng Cộng sản Fidel Castro đã tự phế truất bản thân và tổ chức cuộc tổng tuyển cử tự do đầu tiên của Cuba, thậm chí còn nhận tất cả công lao xây dựng xã hội dân chủ ấy về mình. Hành động này chủ yếu là để tránh sự hỗn loạn và bạo động, và tránh một cuộc hành quyết công khai nhắm vào ông ta cùng các quan chức đảng Cộng sản. Mặc dù là quốc gia phát triển nhất bán cầu Tây, hiện tại xã hội Cuba vẫn bất ổn với hàng trăm đảng phái chính trị và các nhóm lợi ích cá nhân, cũng như tình trạng mít tinh, biểu tình, bạo động quy mô nhỏ của các nhóm chính trị trên diễn ra hàng ngày. Đồng tiền peso của Cuba hiện đang là thống soái của nền kinh tế thế giới.
Khu vực Nam Mỹ
Vùng biển Caribe: Cư dân từ lục địa đã tháo chạy đến các đảo ở biển Caribe để trú ẩn trong cuộc chiến. Nhiều khu vực đã bị tấn công do sự quản lí lỏng lẻo và vô tổ chức. Sau chiến tranh, khu vực này trở thành một quốc gia độc lập theo thể chế liên bang, gọi là Liên Bang Tây Ấn.
Argentina: Thủ đô Buenos Aires thất thủ, người ta có thể nghe thấy “Buổi phát thanh cuối cùng” từ đài phát thanh thành phố, nội dung của nó là một nữ ca sĩ Mỹ Latin hát một bài hát ru tiếng Tây Ban Nha.
Guiana thuộc Pháp: Khu vực này cũng bị thây ma áp đảo, theo lời của thuyền trưởng Trạm Vũ trụ Quốc tế thì bọn thây ma đã tấn công Trung tâm Khoa học vũ trụ Guiana.
Chile: Chính phủ đã thử nghiệm bom napan để chống lại thây ma nhưng vô hiệu, dẫn tới việc nhiều khu vực trồng nho sản xuất rượu vang bị thiêu rụi. Thủ đô được dời về Ancud trong thời chiến, hiện tại đã được chuyển về Santiago. Trên dãy Andes vẫn còn xuất hiện thây ma đóng băng.
Brazil: Đợt bùng phát đầu tiên được cho là từ một bệnh nhân được cấy ghép nội tạng buôn lậu từ Trung Quốc. Nhiều người đã rút lui vào rừng Amazon, làm nhà treo trên các cây cao và đã sống sót qua cuộc chiến tốt hơn cả các cường quốc công nghiệp.
Peru: Nhiều người chạy trốn lên các pháo đài Inca cổ ở Machupicchu và Vilcabamba, gần như không bị tấn công bởi thây ma do địa hình đồi núi dốc của nó. Họ chỉ hứng chịu một vài đợt bùng phát nhỏ và đã dễ dàng xử lí được.
Châu Phi
Nam Phi: Trận bùng phát công khai đầu tiên được ghi nhận là ở Cape Town, khiến cho thời gian đầu căn bệnh được gọi là bệnh dại châu Phi. Nam Phi cũng là quốc gia đầu tiên tiến hành chiến lược chống zombie hiệu quả. Paul Redeker – một cựu quan chức của chính quyền Arpatheid, đã tạo ra một bản kế hoạch sinh tồn ngày tận thế cho chính quyền Nam Phi. Mới đầu nó suýt nữa đã bị khước từ do tính tàn bạo của nó, cho đến khi vị cựu tổng thống Nam Phi Nelson Mandela đã tuyên bố sẽ chấp nhận kế hoạch này, ông nói mặc dù trong quá khứ Redeker là một kẻ phân biệt chủng tộc tàn bạo, nhưng bản kế hoạch này sẽ cứu rỗi tất cả. Nam Phi tiến hành kế hoạch Redeker ngay lập tức, và trở thành khuôn mẫu cho các nước khác học tập theo. Sau chiến tranh, đất nước này được biết đến với tên gọi Liên hiệp các quốc gia Nam Phi. Paul Redeker trở thành một kẻ tâm thần đa nhân cách, sống trong viện tâm thần Cape Town.
Trung Đông
Iran và Pakistan: Hai nước đã trải qua một cuộc chiến tranh hạt nhân quy mô nhỏ. Ở giai đoạn đầu của Cuộc Đại Loạn, Iran khá an toàn, do địa hình nhiều núi non, dân số nhỏ và quân đội thường trực. Vấn đề nằm ở người tị nạn, khi hàng triệu người tị nạn từ Ấn Độ bị Pakistan đẩy sang Iran để họ giải quyết hộ. Phía Iran yêu cầu Pakistan kiểm soát người dân tị nạn ngay lập tức, và không đợi trả lời, Iran đã điều máy bay chiến đấu sang không kích một cây cầy chiến lược ở vùng biên giới và ngăn chặn dòng người tị nạn. Pakistan coi hành động này là một lời tuyên chiến. Hệ thống liên lạc giữa Tehran và Islamabad đã sụp đổ nên mọi nỗ lực đối thoại đã trở nên vô dụng. Xung đột biên giới leo thang, và cuối cùng họ đã hủy diệt lẫn nhau bằng vũ khí hạt nhân. Trớ trêu ở chỗ, chính Pakistan trước đây đã giúp Iran thiết kế vũ khí hạt nhân, và nhiều người đã tiên đoán là Pakistan sẽ tấn công hạt nhân vào Ấn Độ chứ không phải người anh em Hồi giáo của mình. Cả hai quốc gia bị hủy diệt. Khu vực từng là Iran và Pakistan nay là một hoang mạc khổng lồ nhiễm xạ nặng.
Israel: Đây là quốc gia duy nhất chống chịu vững vàng trước Cuộc Đại Loạn. Nhờ nhận thức được mối đe dọa từ sớm, người Do Thái đã đóng cửa biên giới và xây tường bao quanh đất nước mình. Họ đã gửi một bản báo cáo lên Liên Hợp Quốc để cảnh báo thế giới – hai tác giả của nó là một quan chức Mossad và một đặc vụ CIA, nhưng không ai lắng nghe. Họ cũng thi hành một chính sách cứu nạn quốc tế: tất cả người mang quốc tịch Israel, người Do Thái không có quốc tịch Israel, người có bố mẹ quốc tịch Israel, và tất cả người Palestine cùng hậu duệ của họ trên thế giới sẽ được phép trú ngụ tại Israel, miễn là có giấy tờ hợp pháp để chứng minh và đã được kiểm dịch chặt chẽ. Mới đầu nhiều nước trên thế giới đã chỉ trích hành động này của Israel, các nước Hồi giáo cho rằng đây là hành động chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh mới. Hoạt động kiểm dịch và tái định cư cho người nhập cư cũng gặp nhiều khó khăn, do sự chống phá của nhóm người Palestine không tin tưởng người Do Thái và những người Israel bảo thủ, buộc chính phủ phải dùng vũ lực đàn áp. Một vài đợt bùng phát nhỏ xảy ra bên trong Bức Tường, nhưng đã sớm bị dập tắt. Khi chiến tranh kết thúc, Israel và Palestine đi đến một thỏa thuận hòa bình để thành lập một “Nhà nước liên minh Israel – Palestine thống nhất”.
Ả Rập Xê út: Hoàng tộc Ả Rập đã ra lệnh đốt cháy tất cả các giếng dầu của vương quốc mình, đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân vì sao. Hành động này dẫn tới sự khan hiếm dầu mỏ nghiêm trọng và gia tăng tình trạng ô nhiễm không khí.
Châu Âu
Pháp: Gần như toàn bộ lục địa Pháp bị giày xéo bởi thây ma, bao gồm cả các thành phố lớn như Paris và Bordeaux. Trong cơn hoảng loạn, khoảng 25 vạn người Paris tháo chạy xuống các lối đi ngầm được xây từ thời La Mã bên dưới thành phố, mang theo bệnh dịch xuống cùng, và tất cả cùng bị nhiễm bệnh. Một vài người rút lui về các tòa thành cổ và đã sống sót được. Nhiều người tị nạn đã chạy đến cung điện Versailles mặc dù giá trị phòng ngự của nó bằng không, khiến quân Pháp phải đánh bom và phóng hỏa đốt trụi cả khu vực, và một đài tưởng niệm các nạn nhân trong đại dịch được chính phủ Pháp cho xây dựng trên nền tàn tích của nó. Cuộc tái chiếm Pháp là một trong những trận chiến tồi tệ nhất của Thế Chiến Z, khiến quân đội Pháp tổn thất hơn 15 nghìn người trong riêng trận đánh mở màn. Người Pháp thay vì đánh chắc, tiến chắc lại muốn đánh nhanh thắng nhanh trong Trận Paris, dẫn tới toàn bộ binh lính tham gia trận chiến ấy chết sạch. Trong những năm tiếp theo họ vẫn không rút ra được bài học mà cứ thế chiếm đánh cả đất nước như vũ bão, cuối cùng họ thành công nhưng cái giá phải trả quá đắt. Thiếu tá Émile Renard – một người hùng chiến tranh của Pháp – đã trở nên rất nổi tiếng trên thế giới. Anh đã hi sinh trong một trận đánh ở ngoại ô Paris.
Vươg Quốc Anh: Hoàng gia và chính phủ Anh sống sót gần như nguyên vẹn, họ rút quân về phía Scotland sau khi thành lập một phòng tuyến chạy ngang đất nước. Hoàng tộc Anh di tản ra đảo Man. Scotland được giữ an toàn nhờ địa hình núi non và sự đoàn kết kỉ cương của quần chúng nhân dân. Nhiều lâu đài Trung Cổ đã trở thành thành trì của những người sống sót. Nữ hoàng Elizabeth II đã sát cánh cùng những người dân của bà ở lâu đài Windsor, giống như cách cha mẹ của bà sát cánh cùng nhân dân trong Thế Chiến Hai. Bà cũng kí sắc lệnh trao lại tài sản của mình để lại ở London cho bất cứ ai tìm thấy được chúng. Đội kĩ sư Hoàng gia thậm chí còn khai thác được dầu thô và khí thiên nhiên ở Windsor, biến nước Anh thành một quốc gia xuất khẩu dầu mỏ thời hậu chiến. Sau chiến tranh, Nữ hoàng vẫn ở lại Windsor cùng những người sống sót. Không như Pháp, chiến dịch tái chiếm của quân đội Anh được triển khai chậm rãi, chắc chắn với hiệu quả cao và thương vong thấp, khiến họ mất 5 năm để tái chiếm lãnh thổ. Người Anh cũng đã phát triển một hệ thống “đường cao tốc được gia cố an ninh”, mô hình này được nhiều nước học tập và áp dụng cho công cuộc tái thiết của họ.
Tây Ban Nha: Nhờ có địa hình núi non hiểm trở và mật độ dân số thấp, nhiều người Tây Ban Nha đã sống sót qua đại dịch, bằng cách định cư ở khu vực đồi núi, các pháo đài ven biển hoặc chạy sang Cuba. Tây Ban Nha và bán đảo Iberia cũng là một trong những vùng an toàn đầu tiên và rộng lớn nhất được thiết lập tại Tây Âu.
Ireland: Hòn đảo này đã chống cự tốt, trở thành nơi trú ẩn cho Giáo Hoàng trong chiến tranh. Sau chiến tranh, Ireland đã giành lại lãnh thổ phía Bắc khỏi tay người Anh và được thống nhất, tuy nhiên cách mà họ giành lại lãnh thổ không được nói rõ.
Đức: Đức là một trong những quốc gia bị tấn công mạnh nhất, do mật độ dân số cao ở các thành phố lớn. Kế hoạch Prochow – phiên bản kế hoạch Redeker của Đức – được đưa vào triển khai. Bộ chỉ huy Mặt trận phương Bắc đã thiết lập một vùng an toàn ở phía Bắc kênh đào Kiel, gần biên giới Đan Mạch, đồng thời sử dụng các lực lượng phản ứng nhanh dân sự và những người dân kẹt lại ở các thành phố lớn làm mồi nhử, dụ zombie ra khỏi vùng an toàn của quân đội. Bộ chỉ huy Mặt trận phương Nam cũng thực hiện chính sách tương tự sau khi rút lui về vùng núi Bayern.
Hà Lan: Chính phủ Hà Lan bị tiêu diệt cùng với phần lớn đất nước. Một nhóm người sống sót trú ẩn trong lâu đài Muiderslot một thời gian trước khi bệnh viêm phổi giết chết tất cả.
Iceland và Phần Lan: Hai nước này chịu chung một số phận khi hàng triệu người tị nạn từ châu Âu và miền Tây nước Nga đổ dồn về lãnh thổ của họ. Những người tị nạn tin rằng zombie sẽ đóng băng vào mùa đông lạnh giá của các nước này, giúp họ được an toàn. Sự thiếu vắng quân đội thường trực ở Iceland cũng như khả năng quản lý lỏng lẻo của Phần Lan đã khiến dịch bệnh bùng phát mạnh, và những người dân tị nạn cũng như dân bản địa đều không sống sót được cho đến mùa đông. Hai đất nước bị hủy diệt hoàn toàn. Chiến dịch tái chiếm Phần Lan đang được xúc tiến, còn Iceland thì đến nay vẫn là Vùng Trắng.
Liên Bang Nga: Nga chịu tổn thất nặng nề trong Cuộc Đại Loạn. Chính phủ rút lui về vùng Siberia, còn quân đội phải chiến đấu ở hai mặt trận Ural và Đông Nam cùng một lúc. Cuộc Thanh Trừng khiến nhuệ khí chiến đấu của binh sĩ xuống thấp trầm trọng. Hai lợi thế lớn nhất của Nga là mùa đông kéo dài khắc nghiệt làm chậm bước tiến của thây ma, và kho vũ khí khổng lồ để lại từ thời Liên Xô, nhưng những vũ khí này lại khiến binh sĩ gặp nhiều khó khăn do chúng đã quá cũ kĩ và dễ gặp trục trặc. Dù có một trong những lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới, Nga vẫn gặp nhiều khó khăn trong công cuộc tái chiếm các thành phố lớn. Các trận đánh của họ rất luộm thuộm, lãng phí đạn dược và tỉ lệ thương vong cao, dẫn tới việc quân đội quyết định xây các rào chắn lớn bên ngoài các thành phố. Nhiều sĩ quan chỉ huy đã tự sát, đến mức mà người ta gọi đây là một cuộc Thanh Trừng thứ hai. Tinh thần của sĩ quan, lính tráng và người dân xuống thấp trầm trọng, khiến mọi hi vọng dường như đã chấm dứt.
Trong bối cảnh đó, Giáo hội Cơ đốc chính thống Nga đã vực dậy tinh thần của binh lính và nhân dân bằng niềm tin tôn giáo, giúp họ quay trở lại chiến đấu và làm việc để phục vụ “Cuộc Thập tự chinh chống lại quỷ dữ”. Họ rao giảng rằng người dân Nga đã được Chúa lựa chọn để giao phó sứ mệnh giải phóng nhân loại khỏi loài quỷ dữ thây ma, và hứa sẽ ban cho những người đã nhiễm bệnh một “cái chết ân huệ để trở về với Chúa trời”. Nhuệ khí của binh lính và người dân được đẩy lên rất cao, và người Nga đã thanh tẩy được bệnh dịch ra khỏi đất nước mình. Sau chiến tranh, công cuộc dọn dẹp Zombie đóng băng ở Siberia vẫn được tiếp tục tiến hành, những người phụ nữ khỏe mạnh tình nguyện tham gia chương trình tái thiết dân số của chính phủ, Giáo hội đứng đầu đất nước, và nước Nga trở thành một cường quốc tôn giáo giống như Iran, được biết đến với tên gọi “Đế quốc Nga thần thánh”, với giáo lý đạo Cơ đốc chính thống phương Đông trở thành kim chỉ nam cho chính phủ và người dân. Thánh chế Nga sau đó đã chinh phạt lại hầu hết lãnh thổ thuộc Liên Xô cũ trước đây dưới danh nghĩa “giúp Chúa trời giải phóng nhân loại khỏi quỷ dữ”, và sự mở rộng lãnh thổ này vẫn đang tiếp diễn.
Ukraine: Chính phủ Ukraine đã rút lui về Sevastopol, và đã sử dụng vũ khí hóa học để giết bớt dân tị nạn. Ukraine đang sắp bị sát nhập vào với Thánh chế Nga.
Belarus: Toàn bộ đất nước đã bị thây ma nuốt chửng. Thập tự quân Thánh chế Nga đã tiêu diệt zombie ở đất nước này và sát nhập Belarus vào lãnh thổ Đế quốc Nga thần thánh. Đây là quốc gia đầu tiên bị Nga chinh phục.
Những khu vực khác ở châu Âu không được nhắc đến trong truyện, nhưng có thể giả định rằng các nước Trung Âu đã sống sót được bằng cách này hay cách khác. Châu Âu cũng có cùng một vấn đề với Mỹ: các phần tử nổi loạn chiếm đóng các khu vực an toàn và đòi thành lập các quốc gia riêng. Nhìn chung, châu Âu là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất và gặp nhiều khó khăn nhất trong thời hậu chiến.
Châu Á
Trung Quốc: Trung Quốc là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch bệnh, do là nơi dịch bệnh bùng phát, dân số đông, mật độ dân số cao, và phản ứng của chính quyền. Thời gian đầu, Trung Quốc đã tìm cách che giấu dịch bệnh khỏi dư luận quốc tế bằng cách ngụy tạo một cuộc xung đột ở eo biển Đài Loan. Họ huy động một cuộc tuyển mộ binh lính lớn trên khắp cả nước, thực hiện chính sách khảo sát sức khỏe toàn dân bắt buộc, và đã lừa được hầu hết dư luận quốc tế rằng họ sắp gây chiến với Đài Loan. Khi Đại Hoảng Loạn lan rộng, đảng Cộng sản Trung Quốc thậm chí không thèm áp dụng Kế hoạch Redeker hay bất cứ kế sách nào khác mà chỉ cử một lượng binh lính khổng lồ đi trấn áp thây ma. Họ còn không thừa nhận rằng các thành phố lớn của mình đã thất thủ, họ tiến hành các chiến dịch tuyển lính nhanh chóng và lại đẩy hàng loạt tân binh chẳng có kinh nghiệm chiến đấu nào ra tiền tuyến. Cứ thế, số thây ma ở đất nước tỉ dân áp đảo số người sống.
Ba năm kể từ ngày chiến tranh bắt đầu, chính quyền Trung Quốc gián tiếp phá hủy đập Tam Hiệp, do lực lượng quân đội được bố trí ở đó dàn quân quá mỏng và không thể kích hoạt các van xả khẩn cấp khi bị thây ma áp đảo. Cơn đại hồng thủy quét qua Vũ Hán, Nam Kinh và Thượng Hải, cuốn trôi một số lượng lớn thây ma ra biển và giết chết nhiều người sống sót. Bất bình, khoảng hơn một nửa Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc đã nổi dậy chống chính quyền, khơi mào cuộc Nội chiến Trung Quốc. Cuộc nội chiến kết thúc khi một đầu đạn hạt nhân công phá căn cứ ngầm của các quan chức chính phủ Cộng sản Trung Quốc ở Nội Mông. Các lực lượng trung thành với chính phủ cũ đầu hàng, chính phủ mới của quân đội được thiết lập và ngay lập tức áp dụng Kế hoạch Redeker. Vùng an toàn được thiết lập ở phía Bắc của Vạn Lý Trường Thành, hoạt động sản xuất phục vụ chiến tranh được tiến hành khẩn trương, và vài năm sau họ bắt đầu phản công. Mười hai năm kể từ Trận Hope, Trung Quốc đã dọn dẹp toàn bộ lãnh thổ của mình thành công và ngày thắng lợi ở Trung Quốc được coi là ngày cuộc Thế Chiến Z kết thúc. Trung Quốc từ quốc gia đông dân nhất thế giới trở thành quốc gia có nhiều người chết nhất trong Thế Chiến Z, điển hình như thành phố Trùng Khánh – có dân số thời tiền chiến hơn 35 triệu người – nay sụt xuống còn chưa đến 50 nghìn. Sau chiến tranh, Trung Quốc từ bỏ chế độ cộng sản và quân đội tổ chức bầu cử để bầu ra chính phủ dân chủ mới. Nước này chuyển sang thể chế Liên bang, gọi là Liên bang Trung Quốc.
Tây Tạng: Khi chính quyền đảng Cộng sản Trung Quốc sụp đổ, Tây Tạng đã nhân cơ hội đó giành lại độc lập. Hiện tại, Cộng hòa Nhân dân Tây Tạng là quốc gia đông dân nhất thế giới, do nhiều người đã trú ẩn thành công trên dãy Himalaya. Lhasa – thủ đô của họ - là thành phố đông dân nhất thế giới hiện nay.
Nhật Bản: Do bị phi quân sự hóa mạnh kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, Nhật Bản gần như sụp đổ hoàn toàn trước thảm họa. Mật độ dân số cao và thiếu tài nguyên khiến chính phủ không thể tái định cư ở bất cứ đâu trên lãnh thổ của mình. Nhiều cuộc di tản khổng lồ đến các đảo của Nga được tiến hành. Hiệp hội Khiên bảo vệ được thành lập, với mục đích giáo dục cho người dân tị nạn trên các đảo các tự vệ chống thây ma bằng vũ khí thô sơ. Sau chiến tranh, hiệp hội được công nhận như một chi nhánh độc lập của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Thông điệp không súng ống và ủng hộ hợp tác quốc tế của họ được hoan nghênh.
Bắc Triều Tiên: Về mặt lý thuyết, Bắc Triều Tiên có những điều kiện hoàn hảo để chiến thắng đại dịch dễ dàng: vị trí địa lý chiến lược, quân đội mạnh, mức độ kỉ luật quốc gia siêu phàm… Thực tế thì tin tức tình báo từ Nam Triều Tiên cho biết: kể từ khi Cuộc Đại Loạn xảy ra, dân chúng ở Bắc Triều Tiên đang biến mất dần. Ở DMZ và Panmunjom không thấy binh lính nữa, gián điệp không thâm nhập vào nữa, không có dấu hiệu chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh mới, trên ruộng đồng có ít người hơn, các công trình ít tình nguyện viên hơn, phố xá vắng tanh, đèn đuốc tắt ngóm… Cứ như thể cả đất nước đã biến mất vậy. Đến tận bây giờ vẫn chưa ai xác nhận được sự thật, do lo ngại về việc dính phải các bẫy tự động được sắp đặt sẵn ở biên giới. Có hai giả thuyết cho việc này: Một, là cả đất nước đã rút lui xuống các hầm trú ẩn dưới lòng đất, Lãnh tụ Tối cao lừa dối họ rằng cả thế giới đã bị hủy diệt và siết chặt thêm ách nô dịch lên người dân Bắc Triều Tiên. Hai, là mầm bệnh đã lọt vào các boongke đó và lây nhiễm cho tất cả mọi người, và bên dưới những cái hầm đó là 23 triệu con Zombie nhung nhúc trong bóng tối.
Nam Triều Tiên: Hàn Quốc trải qua rất nhiều khó khăn ở giai đoạn đầu dịch bệnh. Họ thậm chí còn có một vụ Yonkers ở Incheon. Nhiều người tị nạn di cư lên Nga, và Nam Triều Tiên cũng phải tiếp nhận làn sóng tị nạn từ Nhật Bản. Chính phủ đưa vào thực hiện Điều lệ Chang – phiên bản Kế hoạch Redeker của Hàn Quốc. Trong thời điểm đó, họ vẫn phải cắt cử một nửa quân đội ra canh giữ biên giới phía Bắc, đề phòng một cuộc xâm lược của Bắc Triều Tiên.
Ấn Độ: Là một quốc gia đông dân với dân trí thấp, không khó hiểu khi Ấn Độ bị dịch bệnh tấn công nhanh chóng. Hàng trăm triệu người tị nạn chạy ra biển, chạy về phía Pakistan hoặc dãy Himalaya. Chính phủ tiến hành Kế hoạch Redeker, rút lui toàn lực lượng về Shimla. Kế hoạch suýt phá sản khi quân đội không thể kích hoạt quả C-4 được sử dụng để chặn dòng người chạy nạn lên Shimla, và họ suýt nữa phải dùng biện pháp hạt nhân. Đại tướng Raj-Singh – “Mãnh hổ vùng Delhi” – đã hi sinh thân mình để kích hoạt khối thuốc nổ thành công, giúp Shimla được an toàn. Chiến thuật xếp binh lính thành hai hình vuông lồng vào nhau để bảo vệ phương tiện vận tải khỏi các đàn thây ma lớn của ông khi chiến đấu ở Công viên Gandhi đã được chứng tỏ là có hiệu quả, và được thế giới biết đến với tên gọi “Khung vuông Raj-Singh”. Khung vuông Raj-Singh được quân đội nhiều nước trên thế giới học tập. Raj-Singh được thế giới tưởng nhớ đến như là một người hùng chiến tranh, họ dựng tượng của ông ở cạnh con đường cao tốc gia cố đầu tiên được xây tại Ấn Độ. Trong những năm chiến tranh, nhiều tín đồ Hindu và Phật giáo vẫn bất chấp dịch bệnh để hành hương về các vùng Đất Thánh của họ. Hậu quả là hiện nay, lưu vực sông Hằng là một trong những Vùng Trắng lớn nhất thế giới.
Châu Đại Dương
Australia: Chính phủ Australia rút lui về phía nam đảo Tasmania. Sau chiến tranh, một hệ thống chăm sóc sức khỏe mới được thành lập. Sydney xây dựng được bệnh viện hiện đại nhất thế giới.
New Zealand: Một bộ lạc người Maori với 500 thành viên đã chiến thắng đàn thây ma khổng lồ chỉ với vũ khí thô sơ truyền thống của mình.
Lục địa Thái Bình Dương: Đây là tên gọi của cộng đồng người di cư đa quốc gia trên các đảo của Thái Bình Dương, cũng như trên một số lượng lớn tàu bè và hạm đội. Sau chiến tranh, khu vực này đã tuyên bố độc lập và công bố chính sách ngoại giao trung lập.
Nam Cực
Đối với những người có đủ hành trang và kinh nghiệm (hoặc có đủ tiền để thuê các trạm nghiên cứu khoa học làm nơi trú ẩn) thì Nam Cực trở thành nơi trú ẩn an toàn nhất thế giới trước thây ma. Nhiều nhà khoa học, nhân viên vận hành trạm nghiên cứu và tỉ phú đã sống ở đây trong những năm chiến tranh. Breckinridge Scott – một tay trục lợi bất chính người Mỹ, kẻ đã giàu lên nhờ phát hành vắc xin chống zombie giả Phalanx – đã thuê một phần trạm nghiên cứu Vostok của Nga làm nơi trú ẩn cho hắn để trốn khỏi dịch bệnh và chính quyền Mỹ. Scott đã kiếm tiền tỉ nhờ thứ vắc xin giả trên và các loại thiết bị lọc không khí – toàn những thứ vô tác dụng trước virus Zombie, và tháo chạy đến Nam Cực hàng tháng trước khi chính phủ Mỹ phát hiện ra hắn trốn thuế và Phalanx chỉ chống được bệnh dại thông thường chứ không phải Zombie. Mỹ đang đàm phán với chính phủ Nga mới để họ không gia hạn hợp đồng thuê nhà cho hắn. Có vẻ ngày mà “ông hoàng Phalanx” đối diện với xét xử đang tới gần.
Trên vũ trụ
Với việc hệ thống liên lạc vô tuyến toàn cầu sụp đổ một phần, nhiều vệ tinh nhân tạo đã không còn hoạt động. Sau khi chiến tranh kết thúc, nhiều nước lại phóng các vệ tinh của mình lên để thực hiện công cuộc tái thiết. Các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế được giải cứu trở về Trái Đất khi đồ dự trữ của họ cạn kiệt. Cuộc Nội chiến Trung Quốc diễn ra ở cả trên vũ trụ, khi các thành viên với lý tưởng khác nhau trên trạm vũ trụ của họ thanh toán lẫn nhau.
Thương vong
Liên Hợp Quốc ước tính khoảng 4.9 tỉ người đã chết trong Thế Chiến Z.
Nhiều thương vong được gây ra bởi con người hơn là thây ma: sự sụp đổ của các cấu trúc xã hội, tình trạng hoảng loạn trong nhân dân, giết chóc để cướp bóc tài nguyên, những tay súng Mỹ bắn tất cả những gì chuyển động, cuộc thanh trừng quân đội Nga, nội chiến Trung Quốc, chiến tranh Iran – Pakistan, nhiều người chết đói và chết rét trong mùa đông ở các vùng cận cực,…
Đọc thêm:
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất