Từ câu chuyện về sự vực dậy phi thường của nước Nhật sau Chiến tranh thế giới thứ hai, sinh ra và trải qua đủ đau thương, thiếu thốn đã tôi luyện lên một Inamori với lòng nhiệt thành và ý chí quật cường. Không chỉ ông, những người Nhật khi ấy chỉ có cho mình hai sự lựa chọn. Chấp nhận nghịch cảnh và sống như những kẻ thất bại khốn khổ của cuộc chiến, hoặc vực dậy, cùng bàn tay chằng chịt vết thương, nỗ lực làm mọi thứ hết sức có thể.
Nước Nhật đã chọn phương án thứ hai và giờ đây vẫn được cả thế giới ca tụng như một kỳ tích, đạt được những thành tựu to lớn trong mọi lĩnh vực một cách đáng kinh ngạc.
Đáng buồn thay, khi nghịch cảnh qua đi, thế hệ trẻ đã quen dần với sự tiện nghi và thoải mái lại yếu đuối một cách lạ lùng. Những người này được gọi là “giới ăn cỏ”, những người thiếu đi ý chí và sức mạnh chiến đấu trước khó khăn.
Từ thực tại đáng buồn đó, Inamori Kazuo đã viết lên “The Power To Live” hay tựa việt “Tuổi 20 hiên ngang bước vào đời” như lời cổ vũ, lời động viên, lời tâm tình với các bạn trẻ với tư cách của một người đi trước. Như tuổi trẻ sục sôi của ông và thế hệ những người đã vươn lên từ đau thương mất mát, từ đống tro tàn chiến tranh để có một nước Nhật hùng cường như ngày nay.

Đôi nét về tác giả

Inamori Kazuo là nhà từ thiện, doanh nhân, tỷ phú nổi tiếng, được xưng tụng là “Huyền thoại kinh doanh” và một trong "4 nhà quản lý kiệt xuất" của xứ sở mặt trời mọc. Ông là người đã gây dựng lên tập đoàn công nghệ cao đa quốc gia Kyocera và tập đoàn viên thông KDDI với doanh thu hàng trăm tỷ yên. Inamori cũng góp công lớn trong công cuộc tái sinh Japan Airlines khi hãng hàng không này đang trên bờ vực sụp đổ...

Về cuốn sách

“The Power To Live” hay tựa việt “Tuổi 20 hiên ngang bước vào đời” là cuốn sách được viết nên bởi những lời gửi gắm, lời hỏi đáp cũng như thảo luận hội nhóm trong các buổi diễn thuyết của Inamori Kazuo dành cho các bạn sinh viên đại học và cao học do trường Đại học Kagoshima tổ chức. Không hề lý thuyết hay sáo rỗng, các bài học mà ông đúc kết được đều đến từ những câu chuyện có thật về tuổi trẻ khó khăn, bất hạnh nhưng cũng chẳng thiếu những đam mê, nhiệt huyết của mình...

Câu chuyện về hành trình trưởng thành

“Đứng giữa thế giới hỗn loạn, đừng bị cuốn theo thời thế, phải giữ vững ý chí mạnh mẽ để chiến thắng mọi hoàn cảnh, nói tóm lại, cần một ‘trái tim chiến đấu quật cường’”.
Inamori sinh ra trong một gia đình cơ cực với sáu anh chị em khi thời đại chuyển mình đầy biến động. Sau khi tốt nghiệp Đại học Kagoshima với một thành tích tốt, ông đã nỗ lực tìm việc ở nhiều nơi nhưng không có ai tuyển. Nỗi bất mãn trong cậu trai trẻ ngày một lớn dần thành sự căm ghét hoàn cảnh của chính mình: “Thế gian này đúng là không công bằng, tại sao không tuyển người dựa trên thực lực?”. Giữa mớ suy nghĩ tiêu cực cùng áp lực phải có công việc để kiếm tiền ấy, đã có lúc Inamori từng nghĩ mình sẽ trở thành xã hội đen với cái đầu thông minh còn tốt hơn.
Để rồi khi được giới thiệu vào làm tại một công ty sản xuất lâu đời ở Tokyo lại thua lỗ liên tục, càng khiến cho sự bất mãn ngày một lớn thêm. Khi ấy, những cử nhân đại học khác đã bỏ việc và chỉ còn mình ông sót lại. Không còn nơi nào để chạy trốn thực tại được nữa, trong khoảnh khắc nhận ra sự thật ấy, Inamori đã quyết tâm thay đổi cách suy nghĩ để mở ra trang mới cho cuộc đời của chính mình.
Về làm việc tại phòng nghiên cứu, ông được giao nhiệm vụ phát triển vật liệu gốm công nghệ cao với chỉ vẻn vẹn hai, ba cuốn luận văn của Mỹ. Không còn đường lùi, Inamori quyết định chuyên tâm theo đuổi dự án. Ngày nào cũng như ngày nào, một mình với nổi, chảo để nấu ăn và bàn ghế để ngủ tại phòng làm việc, Inamori đã dành cả linh hồn cho thử nghiệm và nghiên cứu. Để rồi thành quả cũng đến khi sau bao nhiêu khổ cực, ông đã tổng hợp thành công vật liệu cách điện tần số cao mới. Ít lâu sau, công ty Hitachi đã ngỏ ý muốn Inamori sản xuất vật liệu cải tiến hơn sử dụng ống chân không gốm để chế tạo radio và ti vi mới. Dù rất cảm kích trước lời đề nghị và tiếp nhận, nhưng làm mãi vẫn không được như mong muốn. Lời khiếu nại từ Hitachi ngày một nặng nề, áp lực đã khiến cấp trên của Inamori phải bàn giao lại dự án cho người khác nghiên cứu.
Lòng tự trọng bị tổn thương sâu sắc, lại một lần nữa trở về vạch xuất phát, nhưng không hề từ bỏ hy vọng mà lấy đó làm động lực để tiếp tục dấn thân. Inamori tuyên bố nghỉ việc và dùng khoản tích lũy cũng như sự giúp đỡ của người quen để mở công ty riêng. Và đó cũng là sự khởi đầu của tập đoàn công nghệ cao đa quốc gia Kyocera, tiếp theo sau là tập đoàn viễn thông KDDI và hành trình hồi sinh Japan Airline - biểu tượng của nước Nhật từ đống tro tàn đến doanh thu hàng trăm tỷ yên...

Ba tầng ý nghĩa ẩn dưới tâm hồn vị tha khi tái sinh hãng hàng không Japan Airlines

Cuối năm 2009, Inamori Kazuo nhận được lời thỉnh cầu trở thành chủ tịch của Japan Airlines từ chính phủ nhằm giúp hãng hàng không này vực dậy trước bờ vực sụp đổ. Ông đã vô cùng băn khoăn không biết có nên tiếp nhận vị trí này không khi bản thân hoàn toàn là một kẻ khù khờ trong lĩnh vực hàng không cũng như tuổi đã cao. Mặc dù đã từ chối nhiều lần cùng với sự phản đối kịch liệt của gia đình và bạn bè, nhưng lời thỉnh cầu vẫn không ngừng gửi đến đã tác động đến tâm hồn bên trong và ông quyết định chấp nhận thử thách.
Inamori với suy nghĩ “giúp ích cho người khác, đóng góp cho thế gian là hành động tuyệt vời nhất của đời người” đã tiếp nhận vị trí chủ tịch hãng hàng không Japan Airlines mà không cần thù lao. Giới báo chí khi ấy buông lời châm biếm ông, một người không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này chắc chắn thất bại.
Inamori đã xác định rõ ba ý nghĩa ẩn dưới trái tim vị tha khi tái sinh hãng hàng không Japan Airlines. Mục đích đầu tiên là để hồi sinh nền kinh tế Nhật Bản. JPA không chỉ đại diện cho nước Nhật mà còn tượng trưng cho nền kinh tế đang khó nhọc chuyển mình. Ông muốn người dân lên dây cót tinh thần khi nhìn vào quá trình hồi sinh từ đống tro tàn của JPA để phục hưng nền kinh tế của đất nước
Thứ hai, Inamori muốn bảo vệ hơn 32.000 nhân viên còn lại ở công ty bằng mọi giá khi 1/4 trong số họ đã buộc phải sa thải. Ông không thể cứu hết tất cả nhưng chí ít vẫn có thể giúp đỡ những người còn ở lại.
Và cuối cùng là vì người dân Nhật Bản, nếu Japan Airlines phá sản, nước Nhật sẽ chỉ còn duy nhất hãng hàng không lớn ANA (All Nippon Airline). Khi ấy, việc giá vé tăng cùng dịch vụ giảm sút là điều hiển nhiên. Khi thị trường cùng tồn tại nhiều hãng hàng không sẽ tạo sự cạnh tranh mà người dân sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Chính vì vậy, ông tin rằng sự tồn tại của JAL là điều kiện tiên quyết phải bảo vệ.
Sau khi nhậm chức và xác định rõ ba tầng ý nghĩa lớn ẩn dưới trái tim vị tha, Inamori cũng nỗ lực để giúp nhân viên JAL cũng thấu hiểu ba ý nghĩa quan trọng này. Ông cùng toàn thể nhân viên đã dốc hết tâm trí và nỗ lực không ngừng nghỉ để vực dậy công ty.
Vị tỉ phú gần 80 tuổi gần như cả tuần ngủ tại khách sạn để tiện đi làm, cùng bữa tối chỉ hai nắm cơm rong biển mua vội là tấm gương để những người dõi theo ông làm động lực phấn đấu. Kết quả, chỉ sau hai năm tám tháng, Japan Airlines đã một lần nữa xuất hiện trên sàn chứng khoán. Từ một công ty đang trên bờ vực phá sản dưới tài lãnh đạo và một trái tim vị tha vì người khác của Inamori đã khiến công ty trở thành hãng hàng không có tổng doanh thu cao nhất thế giới. Người ta gọi đó là “một kỳ tích”.
James Allen - nhà tư tưởng người Anh 100 năm trước từng chiêm nghiệm rằng: “Con người là chủ nhân của suy nghĩ, nhà chế tác nhân cách, nhà thiết kế hoàn cảnh và vận mệnh. Điều gì đang xảy ra quanh mỗi chúng ta và hiện tại chúng ta đang trong hoàn cảnh như thế nào?”
“Một lần nữa tôi nghiệm ra rằng “suy nghĩ” của con người có thể phát huy sức mạnh tuyệt vời đến vậy.”

Sáu phép tịnh tiến để phát triển bản thân

Inamori đã viết “sáu phép tịnh tiến” này lên cốc trà rồi đem nung lên để mỗi khi uống trà ông có thể khắc ghi vào trong tâm khảm những nguyên tắc này để đem ra thực hiện...
1. Nỗ lực không thua bất cứ ai “Khi làm việc hay nghiên cứu, điều quan trọng nhất là ‘nỗ lực không thua bất cứ ai’. Nói cách khác, bạn phải cố gắng hết mình mỗi ngày. Đồng thời, một yếu tố quan trọng nữa để sống cuộc đời hạnh phúc và tuyệt vời là phải làm việc nghiêm túc mỗi ngày.”
Người ta vẫn thường hay nói: “Đừng Làm Việc Chăm Chỉ Hãy Làm Việc Thông Minh” nhưng Inamori lại không tin là thế. Ngoài cố gắng hết sức, không còn con đường nào khác dẫn đến thành công. Hồi ông còn học đại học, Nhật Bản vô cùng đói khổ nên chỉ còn biết làm việc hết sức có thể. Những lúc như thế, người ngoài đều nhìn vào và nghĩ: “Làm thế nào cậu ta có thể nỗ lực ngày qua ngày thực hiện công việc nghiên cứu tẻ nhạt như thế nhỉ?”. Tuy nhiên, khi bản thân cảm thấy hứng thú với công việc, bạn không cần để ý tới những lời bàn tán xung quanh.
Inamori tự nói với bản thân: “Yêu thích công việc tức là mê đắm vào nó. Ngày bé, người lớn thường nói với tôi: Nếu muốn đi gặp người mình thích thì con đường dài nghìn dặm cũng chỉ như một dặm mà thôi.”
2. Khiêm tốn, không kiêu ngạo Dù bản thân là một tỷ phú được rất nhiều người kính trọng nhưng Inamori chưa bao giờ tỏ ra khinh thường người khác, dù chỉ là trong suy nghĩ. Ông tin rằng, “khiêm tốn” chính là tư chất quan trọng nhất khi hình thành nhân cách con người.
“Người Trung Hoa xưa có câu ‘Chỉ khiêm đắc phúc,’ có nghĩa là nếu không khiêm nhường, bạn không thể nhận được may mắn từ thiên nhiên và thần linh. Tôi luôn khắc ghi trong tim câu nói này, nghiêm khắc nhắc nhở bản thân phải luôn khiêm nhường, tuyệt đối không tự cao tự đại. Cử chỉ và thái độ khiêm nhường là tư chất tối quan trọng khi bạn tiến những bước mới trên đường đời. Cho dù thành công hay không, bạn nhất định phải thu về nhân cách khiêm nhường.”
3. Trải qua mỗi ngày trong tinh thần phản tỉnh Sau khi trải qua một ngày, việc nghiêm túc ngồi xuống và xem xét lại chính mình là vô cùng cần thiết. Nếu ví tâm hồn là một khu vườn thì “phản tỉnh” chính là cách chúng ta nuôi dưỡng khu vườn đó. Ta phải để ý đến cỏ dại trong vườn, gieo xuống những hạt mầm tươi đẹp, thường xuyên tưới nước, chăm bón và bảo vệ thật tốt.
“Tâm hồn con người tựa một khu vườn Có hạt giống được vun trồng tỉ mẩn, lại có hạt giống bị bỏ hoang, Chỉ là, dù sao đi nữa, chắc chắn sự sống sẽ nảy mầm. Nếu không gieo hạt giống thanh thuần trong khu vườn của mình, Rồi cỏ dại sẽ mọc lên cao ngất, Chỉ cỏ dại mới mọc lên thôi. Thợ làm vườn xuất xắc sẽ chăm sóc khu vườn, Cắt cỏ dại, gieo hạt giống hoa thơm, chăm bón tỉ mẩn. Chúng ta, nếu cũng muốn sống cuộc đời tuyệt vời, Phải đào xới khu vườn trái tim trong bản ngã, Loại bỏ toàn bộ suy nghĩ lạc lối, xấu xa, Rồi gieo trồng suy nghĩ đúng đắn, thanh thuần Không ngừng chăm sóc.”
“Người ta gọi trái tim xấu xa, bẩn thỉu là ‘tự ngã’. Hành động khống chế tự ngã, ươm mầm trái tim lương thiện trong tâm hồn chính là phản tỉnh. Lúc này, trái tim lương thiện được gọi là ‘chân ngã’. Chân ngã nằm ở nơi sâu nhất trong tâm hồn, đó chính là ‘trái tim vị tha’ một lòng ‘mang lại điều tốt đẹp cho người khác’.”
4. Cảm tạ vì đang được sống Xác xuất để bạn được sinh ra trên đời này chỉ vào khoảng một phần 400 nghìn tỷ. Để rồi được nhận sự hỗ trợ từ môi trường xung quanh, từ không khí, từ nước, cho đến gia đình, bạn bè và xa hơn nữa là cả xã hội. Được sống và được tồn tại một cách khỏe mạnh đã là cả một phép màu.
Hồi còn trẻ, Inamori phải trải qua một cuộc sống đầy thiếu thốn và khó khăn, khi ấy ông chỉ cảm thấy phản cảm với việc bày tỏ lòng biết ơn. Mãi đến khi nỗ lực của bản thân được đền đáp, cùng sự giúp đỡ của những người xung quanh ông mới thấy lòng biết ơn là đáng giá như thế nào.
“Thiện ý có thể lan tỏa bầu không khí ấm áp ra xung quanh, thiện ý là một vòng tuần hoàn tỏa sáng. Tôi tin nếu thiện ý lặp lại không ngừng nghỉ, xã hội sẽ càng tuyệt vời.” Hãy nói “cảm ơn” những người xung quanh, cũng như “cảm tạ” vì đang được sống.
5. Tích lũy việc thiện, hành động vị tha Trong cuốn ‘Vận mệnh và lập lệnh”, học giả Yasuoka Marashiro - nho sĩ theo Dương Minh phái nổi tiếng Nhật Bản đưa ra kết luận rằng:
“Ai cũng có vận mệnh. Con người sống dựa vào vận mệnh, Trong cuộc đời, suy nghĩ nhiều thứ và làm nhiều thứ. Suy nghĩ lương thiện và hành thiện, hay là Suy nghĩ độc ác và làm điều xấu, Từ đó, vận mệnh đổi thay. Vận mệnh không phải không thay đổi được.”
Nếu tích lũy việc thiện, cuộc đời mỗi người sẽ nhận lại được thiện báo. Tuy nhiên, lại có những trường hợp vì giúp đỡ người khác mà lại rước họa vào thân mình. Xét từ khía cạnh này, sự giúp đỡ người khác được chia thành hai loại. Thứ nhất là “tiểu thiện” và thứ hai là “đại thiện”.
Ví như câu chuyện con cá và cái cần câu, nếu như ta chỉ thấy người ta khổ mà cho con cá để qua ngày thì đó là cái tốt, nhưng chỉ là “tiểu thiện”. Tuy nhìn bề ngoài thì tốt nhưng thực chất lại chả ích gì, có khi ta cứ cho, họ lại lấy đó làm ỷ lại. Còn nếu ta cho họ cái cần, dạy họ cách câu cá thì đó mới là “đại thiện”, cái thiện nhìn như không bằng con cá nhưng lại lâu dài hơn, đáng quý hơn.
“Với tầm nhìn hạn hẹp, đại thiện dường như tàn nhẫn nhưng nếu nhìn xa trông rộng, tiểu thiện chính là đại ác.”
6. Không buồn phiền theo cảm tính Đã là con người, thành bại là chuyện thường tình. Khi kiểm điểm bản thân, nhìn vào thất bại, ta không buồn phiền khôn nguôi. Nhìn vào thành công, không tự cao, đắc chí.
Những chuyện đã qua nhất định không thể quay trở lại để sửa chữa, sau khi kiểm điểm lại bản thân, sửa những cái sai trở thành kinh nghiệm rồi hãy để nó lắng xuống. Dù biết đã là cảm xúc thì khó có thể kiểm soát một cách dễ dàng, nhưng không vì thế mà ta dễ dàng để nó chiếm giữ.
“Bạn không cần lo lắng, day dứt suốt cả cuộc đời. Động viên cái tôi bị thương tổn nặng nề, vực dậy cả thể xác và tâm hồn đang kiệt quệ mới là điều quan trọng. Tôi mong bạn khắc ghi tận sâu trong tim những lời này để có một cuộc đời, một tương lai rạng rỡ hơn.”

Lời kết

Bên trên là những kiến thức mình nghĩ là hữu ích và đáng giá nhất từ cuốn “The Power To Live” hay “Tuổi 20 hiên ngang bước vào đời” của cố tác giả Inamori Kazuo.
Với mình, tuổi 20 có lẽ là một trong những dấu mốc đẹp nhất của đời người, có những gập gềnh, bấp bênh nhưng cũng không thiếu đam mê, tình yêu và nhiệt huyết. Có lẽ sẽ đẹp đấy, hoặc không,... nhưng rồi ai cũng phải đi qua, dù là bình yên hay giông gió, cô đơn hay có ai đó ở bên. Mình vẫn tin rằng, chỉ cần còn nỗ lực, còn khát khao, còn mục tiêu phấn đấu, dù khó khăn ra sao, ta cũng sẽ vượt qua được hết.
Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Tuổi trẻ là tuổi của tương lai. Muốn có tương lai tốt đẹp thì phải chiếm lấy bằng ý chí và nghị lực của chính bản thân.”
Cũng như  bốn điều mà thế hệ trẻ nên suy ngẫm: (Jack Ma) - Thất bại là gì: Bỏ cuộc là thất bại lớn nhất. - Kiên cường là gì: Một khi bạn đã kinh qua gian khó, uất hận và thất vọng, chỉ khi đó bạn mới hiểu được kiên cường là gì. - Nghĩa vụ của bạn là: Siêng năng hơn, chăm chỉ hơn, và tham vọng hơn người khác. - Chỉ kẻ ngu mới dùng miệng để nói. Người thông minh dùng trí óc, và người sáng suốt dùng trái tim.
Và lời cuối dành cho cố tác giả Inamori Kazuo cũng như những người đã, đang và sẽ nỗ lực cống hiến cho bản thân, cho xã hội, cho nhân loại. Những di sản, lòng nhiệt thành, sự tận tâm và đóng góp của họ sẽ mãi là ngọn đèn chiếu sáng cho thế hệ tương lai, tiếp bước và phát triển. Bởi chúng ta, những bạn trẻ đầy đam mê, khát vọng... “sống vì những người như thế”.