[Tóm tắt và Review sách] Vagabond dưới góc nhìn Thiền Tông (Phần II)
Lời nói đầu: Mình xin lỗi quý độc giả vì đã để mọi người phải đợi chờ lâu trong tháng qua. Trong giai đoạn vừa rồi, gia đình mình...
Lời nói đầu: Mình xin lỗi quý độc giả vì đã để mọi người phải đợi chờ lâu trong tháng qua. Trong giai đoạn vừa rồi, gia đình mình xảy ra nhiều biến cố lớn liên quan đến sức khỏe của cả bố và mẹ, nên mình không có thời gian để hoàn thành bản thảo của phần II. Ở phần I, mình đã hứa sẽ công khai tư tưởng triết lý của kinh Kim Cương thông qua trận đấu hấp dẫn nhất Vagabond - giữa Musashi với 70 đệ tử kiếm phái Yoshioka. Nhưng mà một nguyên nhân khác đã nảy sinh, đó là hệ thống kiến thức thuộc triết học Kyoto cần được khảo sát lại kỹ lưỡng hơn (thực tế là mình đọc sách của Nishida Kitaro để giết thời gian trong khi chăm sóc bố thay mẹ tại bệnh viện). Kèm theo đó là điển tích về "đức Phật với gia đình thợ săn" cũng có liên quan đến câu chuyện của nghệ nhân Kōetsu. Kết quả, việc phân tích trận chiến giữa Seijuro và Musashi trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Nên mình phải dành cho nó một phần riêng biệt là phần II này. Như vậy, phần II trong bản thảo bị chẻ đôi, bao gồm phần II hiện tại và phần III sắp tới (đây là phần mình sẽ nói về kinh Kim Cương). Không dài dòng nữa, chúc các bạn dễ dàng đón nhận món quà ý nghĩa này. Tuy khó nuốt vì bài viết lắm triết lý, nhưng nuốt không được cũng chẳng sao. Cơ bản, triết học không phải bộ môn dễ dàng cho mọi người cùng thưởng thước.
[Vol 21 - 22] KHÔNG ĐỂ TÂM BỊ CÂU THÚC.
2. Tập luyện là con đường ngộ đạo. 8. Lưu tâm các chi tiết nhỏ. 9. Không làm điều vô ích. Trích - Địa Chi Quyển - Ngũ Luân Thư
1. Đánh bại đường chủ Yoshioka.
Một năm sau, kể từ khi gặp mặt Musashi tại xứ Yamato. Denshichiro Yoshioka trở về quê nhà Kyoto rồi tiếp tục để tâm chìm đắm trong ý niệm so sánh thiệt hơn với huynh trưởng. Để vượt qua giới hạn của anh trai và giữ lời hứa thách đấu với cừu địch là Musashi. Hắn đã loan tin tái đấu với Musashi trên khắp Kyoto. Hay được tin thách đấu thông qua bảng thông báo, Musashi chấp nhận lời mời.
Trong khi đi dạo trên phố, Seijuro Yoshioka bắt gặp được Musashi, anh ta thấy kẻ thù của em trai giờ đây đã thay đổi toàn diện. Biết rằng em trai của mình vẫn còn là tay kiếm kém cỏi, dù có thêm ba cái mạng, Denshi chưa chắc đã đánh bại được Musashi.
Để bảo vệ em trai, trong đêm giao thừa lạnh giá năm 1605, Seijuro lén theo dõi Musashi và quyết định ám sát đối thủ tại cánh đồng gần chùa Rendaiji, phía bắc Kyoto. Ngay lúc đó, Seijuro quyết định ra tay bằng cách ném ám khí, nhưng Musashi đã phát giác và phản ứng kịp thời.
Thật không may cho Seijuro Yoshioka, khoảng cách giữa hai người giờ đây đã quá xa vời. Cậu trẻ nhà Yoshioka sử dụng nhiều lần tuyệt kỹ Ichi no tachi với tốc độ nhanh như chớp bao nhiêu, Musashi lại nắm bắt tốc độ và phòng thủ nhanh nhạy bấy nhiêu. Đến lúc này, Seijuro đã thực sự lung lay, tuyệt vọng.
Thấy được Seijuro có dấu hiệu tâm lý không vững vàng. Musashi trở nên nôn nóng hơn. Nhận ra dục vọng đó, Musashi đã gượng gạo với cảm xúc, anh ép cho khuôn mặt trở nên cứng đờ tỏ vẻ bình thản. Nhưng làm như thế chỉ vô dụng. Hành động gượng ép đó không phải là chuyển hóa tâm, mà là chuyển hóa tướng. Muốn tướng chiều theo ý mình, thì tâm phải được cân bằng bên trong. Trong khoảng thời gian chần chừ giữa anh và đối thủ, vì không biết cách thiền định, Musashi đã đánh lừa sự gượng ép cảm xúc bằng cách tư duy sâu. Nhờ sự chuyển hóa tâm sáng tạo này, anh đã tìm thấy được bốn phương thức kết liễu Seijuro.
Lập tức phát hiện ra Musashi để lộ sơ hở. Seijuro liền tung thêm vài đòn sấm chớp làm Musashi thương tổn ở trán, mí mắt và cổ tay. May mắn thay, bản năng sinh tồn học được từ người cha Munisai và kinh nghiệm chiến trường Sekigahara đã giúp Musashi thoát khỏi cửa tử.
Đáp trả lại. Musashi buông tâm cho ý thức “chui vào từng ngóc ngách của cơ thể” và để nó chiếm thế thượng phong. Anh tung một đường kiếm nặng như bông thấm nước - cắt đôi cơ thể Seijuro chỉ trong một sát na.
Sau sự vụ ở phía bắc Kyoto, Musashi mang theo cơ thể thương tích, chạy vội đến võ đường Yoshioka, để lại một lá thư báo tử trước cổng. Sau đó, anh tá túc và dưỡng thương tại nhà của một nghệ nhân nổi tiếng ở Kyoto - tên là Kōetsu Hon'ami. Cũng nhờ nhân duyên đó, Musashi đã gặp lại tri kỷ Kojiro.
Hay tin đường chủ Yoshioka tử nạn, toàn thể giới kiếm sĩ ở Kyoto dậy sóng. Denshichiro rơi nước mắt khi nhìn thấy thi thể anh trai chằng chịt những vết sẹo và không được toàn thây. Hắn cảm thấy xấu hổ vì đã hiểu ra: những vết sẹo trên cơ thể anh trai Seijuro, lại là bằng chứng xác thực cho những lần Seijuro âm thầm bảo vệ cậu em trai "kém tài" Denshi từ nhiều năm trước.
Còn đám đệ tử nhà Yoshioka thì sao? Họ không khỏi giao động khi nghe được tin động trời đó. Họ không ngờ rằng, một kiếm sĩ vô danh như Musashi lại có thể giết chết Seijuro - một tay kiếm được mệnh danh số một ở Kyoto.
Ueda và Thập Kiếm cảm thấy nhục nhã vì danh dự gia tộc đã mất, nên họ đã hội ý cùng nhau. Sau đó, đưa ra hai kế hoạch hèn hạ: Thứ nhất, giết những kẻ phao tin nhằm bưng bít mọi tin đồn. Thứ hai, mời Kojiro về làm hình nhân thế mạng cho Denshichiro.
Trời đất không thuận ý kẻ gian. Mọi kế hoạch của Thập Kiếm đều bung bét hết cả: Họ đã giết nhiều kẻ loan tin, nhưng tin đồn về cái chết của đường chủ vẫn âm thầm lan truyền khắp Kyoto. Tiếp theo, Kojiro bị điếc bẩm sinh nên Thập Kiếm không thể nào dẫn dụ Kojiro làm vật thế mạng cho Denshichiro trước Musashi được.
Trở lại căn nhà của nghệ nhân Kōetsu Hon'ami. Musashi lúc này cảm thấy bản thân không có bất kỳ cảm xúc vui sướng nào, ngay sau khi đánh bại Seijuro. Tất nhiên, Musashi cũng chẳng nhớ nổi khoảnh khắc anh ta đã kết liễu đối thủ ra sao.
Có lẽ, trong lúc đó, Musashi đã chìm trong trạng thái Thiền định sâu. Vậy thì quá trình vận hành tâm của Musashi trong cả sự kiện trên là như thế nào?
Musashi lịch sử gọi trạng thái đó là “tâm kiếm hợp nhất”. Còn đối với chúng ta, đó là quá trình thực hành đến mức thành thạo để rồi quên đi những lý thuyết trừu tượng. Tức là không còn suy nghĩ về lý thuyết khi làm việc, mà ta dùng trực giác khi làm việc.
2. Sự vận hành của ý thức.
Để giải thích sâu sắc hơn, triết học Kyoto đã trình bày về hiện tượng ý thức này như sau:
TƯ DUY
Tư duy có mục đích cuối cùng là mang tính thực tiễn. Cho nên, tư duy không mang tính trừu tượng mà mang tính cụ thể. Trạng thái ý thức này tương đồng với kinh nghiệm thuần túy (đã giải thích trong phần: Không - Dòng Chảy). Nhưng vì chủ thể trừu tượng hóa tư duy rồi sinh ra biểu tượng. Cho nên bên trong ý thức của chủ thể sẽ xảy ra xung đột mâu thuẫn. Từ đây, chủ thể phải chọn lựa một trong các biểu tượng có thể ứng với sự thật trong thực tại. Sau đó, chủ thể quyết ý, rồi tiếp tục hành động thực tiễn rồi dẫn đến sự thống nhất trong kinh nghiệm thuần túy.
Ví dụ như Isaac Newton trực nhận được lực hấp dẫn khi nhìn thấy vật thể rơi. Thay vì xác tín đó là sự thật hiển nhiên, ông ấy lại khởi động tư duy rồi hoài nghi về chân lý ấy. Rốt cuộc, ông bỏ công thí nghiệm và chứng minh lực hấp dẫn là có tồn tại thông qua các quy luật vật lý, toán học. Đến lúc lực hấp dẫn đã được xác tín, quá trình tư duy trong hệ thống ý thức của Issac Newton coi như đã kết thúc, điều này đồng nghĩa với việc, hệ thống ý thức của ông đã trở về trạng thái thống nhất của kinh nghiệm thuần túy.
Ý CHÍ và TRI THỨC
- Ý chí là mục đích của hành động và nó kèm theo cả hành động, dù bị tình huống nào đó cản trở hành động thì ý chí vẫn là ý chí. Khi chúng ta tập trung tư duy giải quyết vấn đề, thì đây cũng là ý chí.
- Tri thức bao gồm những kiến thức, thông tin, sự hiểu biết, hay kỹ năng có được nhờ trải nghiệm, thông qua giáo dục hay tự học hỏi.
- Trong kinh nghiệm thuần túy, chúng ta nhận thức được chân lý. Chân lý chính là sự thật trong thực tại. Cùng với đó, tri thức và ý chí trong kinh nghiệm thuần túy không bị chia tách, đồng nghĩa với việc tri thức và hành vi thực tiễn là một.
Khi sự phát triển của ý thức diễn ra, nghĩa là khi chúng ta học được những kiến thức mới, kinh nghiệm mới so với những kiến thức và kinh nghiệm trong quá khứ. Thì các hệ thống ý thức trong nội tâm bắt đầu có sự xung đột, điều này dẫn đến ý chí và tri thức bị phân tách rồi rời xa chân lý.
Để quay về trạng thái không bị phân tách như ban đầu:
- Tri thức đặt ra giả định, rồi đối chiếu giả định ấy với chân lý.
- Ý chí soi xét biểu tượng hành động so với sự thật chân lý, nếu đồng nhất với chân lý thì hành động được thực thi.
Có điều, quá trình vận hành của tư duy, ý chí và tri thức lại tốn kém thời gian. Trong khi thời gian lại là kẻ thù của các cuộc đấu kiếm tốc độ cao. Như hậu quả thương tích đã thấy cho Musashi, khi anh ta tư duy trong lúc chiến đấu với Seijuro.
Vậy thì trạng thái ý thức nào sẽ tốt nhất cho Musashi? Đáp án chính là hiện tượng "giác ngộ" mang tên Trực Quan Trí Tuệ.
TRỰC QUAN TRÍ TUỆ
Trực quan trí tuệ là một trực giác mang tính lý tưởng. Trực giác dựa trên những kinh nghiệm thông thường. Trực giác về nhận thức mang tính biện chứng.
Trực quan trí tuệ là sự dung hòa giữa ý chí và tri thức trong thực tại. Lúc này, giữa bạn và đối tượng đã quên nhau, bạn không câu thúc đối tượng, đối tượng cũng không câu thúc bạn, mà chỉ có một thế giới, một quan cảnh duy nhất. Dẫu chủ thể có muốn hoài nghi thì không thể hoài nghi.
Đương nhiên, trường phái Kyoto cho đây là hiện tượng giác ngộ bình thường chứ không cao siêu như người ta đã lầm tưởng:
Khi ai đó có năng khiếu bẩm sinh với lĩnh vực nào đó; khi ai đó rèn luyện lâu ngày rồi hình thành thói quen; hay là giác ngộ tôn giáo của các tu sĩ thì đều thuộc trực quan trí tuệ.
Musashi của lịch sử cũng vậy, tuy ông là thiên tài về kiếm, nhưng ông lại là người chăm chỉ học binh pháp, phật pháp và rèn luyện kiếm mỗi ngày. Ngoài ra, ông là một người hay trễ hẹn bởi vì khả năng tư duy rất sâu sắc trước lúc trận chiến bắt đầu. Nhờ vào những khả năng đó, ông ta đã tận dụng trực giác một cách triệt để trong mọi trận chiến sinh tử.
Kết lại, nếu nhìn từ quan điểm triết học trên, chúng ta có thể giải thích được hiện tượng ý thức của Musashi như sau:
Đầu tiên, Musashi phát hiện ra thái độ nôn nóng của bản thân. Anh ta buộc mình phải dùng ý chí đè nén, che giấu cảm xúc trước Seijuro. Nắm bắt được sơ hở chết người này, Musashi tìm cách đánh lừa sự đè nén ấy bằng tư duy. Hậu quả của quá trình tư duy là thái độ mất cảnh giác làm Musashi suýt cận kề cái chết. Sau đó, Musashi buông tâm cho ý thức “chui vào từng ngóc ngách của cơ thể” và để cơ thể chiếm thế thượng phong - đây chính là giai đoạn Musashi đã có trực quan trí tuệ. Ngoài ra, sự nhập tâm này đã làm cho Musashi không nhớ nổi đòn kết liễu Seijuro, tức là Musashi đã quên tự ngã và đối thủ trong trạng thái trực quan trí tuệ.
[Vol 23 -24] TRUYỀN ĐĂNG - KHÔNG QUÊN CHÍ NGUYỆN BAN ĐẦU.
1. Không suy nghĩ lệch lạc. 3. Tinh thông bách nghệ. 4. Biết cái đạo của bách nghệ. 5. Phân định sự được - mất của thế gian. 6. Nuôi dưỡng khả năng thấu hiểu mọi việc. 7. Thấu hiểu các việc mà mắt trần không thấy được. Trích: Địa chi quyển - Ngũ Luân Thư
1. Lần truyền đăng thứ Nhất.
Khi Musashi thưởng trà và đàm luận với nghệ nhân Kōetsu. Dường như Kōetsu đã thấu triệt cảm giác của Musashi sau trận đấu vừa rồi, ông cho rằng: Musashi không còn sát khí nào sau trận chiến vừa rồi, điều ông cảm nhận được từ anh lúc đó, chỉ là "thái độ bình thường của một người đã kết thúc việc làm một cách nghiêm túc".
Nếu đã nói thế thì Musashi đã diệt được dục vọng chăng? Để kiểm chứng, Kōetsu mượn thanh kiếm của vị khách rồi nhìn ngắm lưỡi kiếm, ông thấy nó đã “mệt mỏi” sau hàng trăm… không… hai trăm trận chiến mới đúng.
Cảm được cái tâm huyết mà Musashi đã đặt vào thanh sắt cùn không tên tuổi. Kōetsu phá lệ lời thề nghỉ hưu và chăm sóc cho thanh kiếm với mục đích “soi sáng tâm u tối” (truyền đăng) cho Musashi.
Trong lúc mài thanh kiếm, Kōetsu đã kể về bản phận của mình. Từ bé, nứt mắt ra ông đã thấy kiếm. Tới tuổi hành nghề, Kōetsu phải tiếp nối truyền thống ba đời của gia đình. Cứ thế, ông đã tinh tấn mài kiếm tới mức tuyệt mỹ trong 50 năm. Càng chăm chỉ, kỹ năng càng lên cao, rồi ông càng cầu toàn.
Đến khi đã ngộ đạo từ dòng chảy trong việc mài kiếm. Ông nhận ra hai tội lỗi mà ông không hề hay biết:
- Thứ nhất, sự tham vọng lớn lao tới mức lầm tưởng cái tham vọng đó là thái độ chăm chỉ cầu toàn với nghề.
- Thứ hai, nghề của ông đã gián tiếp tạo tác cho hàng vạn cái chết ở ngoài kia.
Thực chất Kōetsu không làm gì sai trái. Cuộc đời của Kōetsu mang đầy ngụ ý về câu chuyện giữa Đức Phật với vợ chồng thợ săn. Tuy người vợ làm nghề chế tác cung tên, vi phạm giới luật của Chánh Nghiệp. Nhưng đức Phật lại chứng quả vị đầu tiên của A La Hán cho người vợ. Bởi vì bà ấy đã sinh tâm vô niệm trong lúc làm cung tên.
Kōetsu đã cảm thấy xấu hổ vì hai điều đã kể ở trên. Nhưng khi đã thấu hiểu chân lý của Phật pháp. Ông nhận ra thanh kiếm cũng chỉ là vật vô tri như bao vật khác. Bản thân thanh kiếm không có gì xấu xí cả. Kiếm thiện - ác ra sao thì còn phụ thuộc vào ý niệm chính - tà của chủ nhân thanh kiếm. Từ điểm này, Kōetsu nhận ra nghề của ông có tội hay không, thì còn phụ thuộc vào việc ông tự định nghĩa lấy mà thôi.
Để giải quyết ý niệm xấu xí ấy, ông chỉ cần tinh tấn làm việc trong thực tại, kèm theo tâm ý “mong cho thanh kiếm thật đẹp, thật sáng thật tuyệt mỹ” là được. Còn vị khách dùng kiếm do chính tay ông mài là Musashi thì sao?
Anh phải hiểu một sự thật: Con đường chân chính của Kiếm Đạo là tâm thế nâng cao trình độ kiếm pháp lên mức tuyệt mỹ, mà không có dục vọng bên trong. Ngược lại, con đường tà đạo là giết người bừa bãi vì tham vọng cướp bóc đất đai, tranh giành quyền lợi của những kẻ vô minh, đui mù.
Musashi nhìn ngắm người nghệ nhân nổi danh Kyoto làm việc trong trạng thái tinh tấn, vô niệm. Để rồi ghi lòng tạc dạ những câu nói sâu sắc từ ông ta.
2. Lần truyền đăng thứ hai.
Sáng hôm sau, Musashi bắt gặp Kojiro đang luyện kiếm một mình với que củi rồi lĩnh ngộ được cái “lý”. Musashi chợt nhớ lại tuổi thơ của mình đã từng có trải nghiệm tương tự khi anh chơi đùa một mình bên dòng suối. Musashi phì cười, nhận ra bản thân đã biết được “Tính Không” từ bé, nhưng vì tham vọng đã khiến anh ta đi đường vòng sau bao năm hành đạo. Vui sướng vì hiểu ý nhau, cả hai người cùng luyện kiếm, chìm đắm vào dòng chảy rồi quên đi không gian, thời gian và cá nhân.
Xin nhắc về Kojiro đôi chút, có thể nói tác giả Inoue hiểu rất rõ về Duy Thức Học khi biến Sasaki Kojiro trở thành người bị câm điếc bẩm sinh. Trong Duy Thức Học, điều cản trở người thực hành Thiền chạm tới cái biết thực giác từ thức thứ 8, là vì sự cản trở sinh ra từ cái biết tư duy của thức thứ 6.
Đối với người câm điếc, họ bị hạn chế vì mất đi thính giác, điều này khiến họ không thể học ngôn ngữ (trừ khi họ được học ngôn ngữ ký hiệu). Cho nên, người bị khiếm thính thường gặp khó khăn trong quá trình tư duy trừu tượng. Bù lại, họ lại có cơ duyên tận dụng được “cái thấy trực giác”.
Nhờ đó, Kojiro từ khi còn bé đã là một thiên tài về kiếm dưới sự chỉ dạy của Kanemaki Jisai.
Tóm lại, nhờ khả năng dùng trực giác, Kojiro đã vô tình thành người "truyền đăng" thứ hai cho Musashi trong lúc cả hai cùng chơi đùa nghịch ngợm với que củi.
#KẾT
Cho đến bây giờ, con đường giác ngộ của Musashi đã sáng rõ sau khi đánh bại Yoshioka Seijuro. Nhân vật chính bắt đầu khám phá ra TRỰC QUAN TRÍ TUỆ - một khả năng giúp cho người hành đạo vượt qua cản trở chậm chạp của tư duy, ý chí và tri thức. Đương nhiên, bất cứ ai cũng có thể đạt được, nếu chúng ta tinh tấn làm việc sâu và đắm mình trong trạng thái dòng chảy. Ngoài ra, con đường ngộ đạo ấy cũng có sự lầm lạc nếu như người kiếm sĩ chất chứa dục vọng thầm kín ở bên trong.
Trong mối đại họa với đường chủ kế nhiệm Denshichiro cùng 70 đệ tử phái Yoshioka trong phần ba. Mình sẽ phân tích hai sự kiện trên, dựa theo kinh Kim Cương của Phật Giáo, và Bất Động Trí Thần Diệu Lục - một sáng tác quan trọng dựa trên kinh Kim Cương của Takuan Soho.
Ở trận chiến đó, Musashi phải đối phó với 70 người cùng một lúc, nên không có chỗ cho quá trình tư duy hay ý chí khởi động. Takuan nói hiện tượng này là Gian Bất Dung Phát (khoảng cách giữa ta và đối thủ là rất nhỏ) và Thạch Hỏa Chi Cơ (máy đánh lửa).
Mình tạm giải thích hai câu này là:
“Khoảng cách giữa ta và đối thủ chỉ trong sát na, ta không có thời gian để suy nghĩ rồi kẹt tâm vào đó. Vậy thì phải để tâm không trụ ở đâu cả”.
“Phải thực nghiệm, thực chứng sau khi giác ngộ: Không suy nghĩ phân tích về "lửa", vì còn kẹt vào khái niệm “lửa” là còn khổ. Trong đêm đông lạnh giá, nếu bạn chỉ nghĩ về "lửa" thì cơ thể của bạn không ấm lên tí nào. Nếu không quyết ý đốt lửa nhanh chóng như tốc độ khai hỏa của máy đánh lửa, bạn sẽ chết cóng trong đêm đông”
Musashi nên làm gì trong trận chiến vô tiền khoáng hậu sắp tới? Anh phải tận dụng sự liên tục của ý thức trong Trực Quan Trí Tuệ theo phương châm của kinh Kim Cương. Phật Tổ đã nói rằng:
Ưng Vô Sở Trụ, Nhi Sanh Kỳ Tâm
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất