Putin đã thua rồi
Kể cả khi Putin thắng từng trận một, ông ta vẫn sẽ thua cả cuộc chiến.
TL, DR: Những gì nền kinh tế và xã hội Nga sẽ phải gánh chịu trong vài tháng (thậm chí là vài năm) tới, cộng với việc chủ nghĩa dân tộc cùng chủ nghĩa bài Nga ở Ukraine đang được đẩy lên cao tới mức chưa từng có trong lịch sử, là hai nhân tố quan trọng để kết luận rằng Putin sẽ không thể thắng được.
Putin có thể thắng tất cả các trận đánh. Quân đội của ông đủ mạnh để làm điều đó. Nhưng sẽ thua cả cuộc chiến. Nó đã và đang đi không đúng hướng với những gì Moskva trông đợi, thậm chí có thể là khởi đầu của sự kết thúc. Đây chính là thực tế của chúng ta, một thứ mà dù yêu hay ghét Putin bạn cũng phải thừa nhận. Trừ khi Putin thực sự muốn con người đánh nhau bằng đá và gậy gộc trong chiến tranh thế giới lần thứ tư, ông ta đang hướng tới một thất bại lịch sử, thứ có thể sẽ đặt dấu chấm hết cho bản thân ông ta và cả nước Nga, cũng như giấc mơ Đế chế Nga mà ông ta đã luôn tìm cách tái xây dựng.
Vẫn còn quá sớm để kết luận xem ai sẽ là người chiến thắng và ai sẽ thua cuộc. Cuộc chiến còn chưa kéo dài đến một tháng. Nó thậm chí có thể tiếp tục trong vài năm tới. Tuy nhiên, có hai điều có thể được khẳng định chắc chắn sau gần 1 tháng xung đột tại Ukraine. Thứ nhất, sẽ không đời nào một quốc gia Ukraine chịu quy phục trước Moskva bao giờ nữa. Thứ hai, cuộc chiến sẽ tàn phá nền kinh tế và xã hội Nga đến kiệt quệ, thứ mà họ đã rất vất vả mới có thể khắc phục được từ sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết. Dù nhìn thế nào, đây cũng không phải chiến thắng dành cho Vladimir Putin.
Vova, tôi rất tiếc, nhưng ông thua rồi.
Lưu ý: Bài viết này sẽ không phân tích tính đúng - sai hay nói về nguyên nhân của cuộc chiến, bởi nói thẳng ra thì phe nào cũng có lỗi hết. Hãy để quá khứ sang một bên để nói về tương lai.
Edit, CHẶN HỌNG: Tôi nhắc lại một lần nữa, tôi sẽ KHÔNG bàn về việc tại sao Nga đánh Ukraine. Vậy nên nếu bạn định nhảy ngay xuống comment và viết 1 tràng dài về việc tại sao Nga phải đánh, phải đảm bảo an ninh biên giới bla bla, tại sao Nga bị ép đến chân tường bla bla, xin hãy dừng lại. Nếu các bạn muốn tìm hiểu góc nhìn của tôi về điều đó thì hãy lướt các comment cũ hơn trong bài. Cảm ơn các bạn đã đóng góp, nhưng tôi hiểu những điều đó rồi. Thứ chúng ta đang nói đến ở đây là hệ quả chứ không phải nguyên nhân. LÀM ƠN ĐỌC KỸ ĐIỀU NÀY TRƯỚC KHI VÀO BÀI.
Also, warning: giant wall of text.
1, TƯƠNG LAI CỦA NƯỚC NGA
Nga là một quốc gia có thể tự sản xuất được nhiều thứ, trong đó có công nghiệp nặng, lương thực và năng lượng. Do đó, nhiều người cho rằng nước Nga có thể miễn nhiễm trước các lệnh trừng phạt phương Tây. Đúng, Nga có thể mình đồng da sắt và vẫn sống được mà không cần đến sự tham gia vào SWIFT, không cần các công ty và nhà đầu tư nước ngoài, người dân Nga không cần quan tâm đến chuyện không xin được visa đi Tây Âu, không cần đến việc mở cửa không phận, không cần đến các trang mạng xã hội, không cần hàng hóa và các thương hiệu từ phương Tây... Tất cả những điều trên đều không sai, người dân Nga đều có thể sống được mà không cần những thứ đó nếu như đây là thế kỉ 19. Nhưng không, đây là thế kỉ 21. Tự cô lập với thế giới tức là tự kết án mình. Các lệnh trừng phạt dĩ nhiên sẽ gây thiệt hại cho cả hai bên, nhưng Nga sẽ chịu tổn thất lớn nhất.
Kể từ sau sự sụp đổ của khối Xã hội chủ nghĩa, thế giới hiện đại đã và đang luôn luôn ngả về phương Tây. Hãy nhìn vào những thứ mà bạn sở hữu, từ chiếc laptop cho đến tài khoản Facebook, hầu hết những thứ tiện nghi ấy đến được tay bạn đều một phần hoặc 100% phụ thuộc vào những hệ thống do phương Tây chi phối. Việc bị cắt bỏ khỏi đó sẽ tự biến bạn trở nên bị cô lập. Nền kinh tế Liên bang Nga không giống với Liên Xô, cũng không giống những quốc gia cô lập như Bắc Triều Tiên hay Cuba. Trong 30 năm qua nó hội nhập rất sâu với thế giới. Chưa kể đến việc, Nga kế thừa di sản công nghiệp nặng khổng lồ của Liên Xô - chế tạo máy, khai thác khoáng sản, quốc phòng và luyện kim; nhưng nó lại không hề mạnh ở các lĩnh vực dịch vụ dân sự và công nghệ cao - những trụ cột cần thiết cho nền kinh tế của thời đại 4.0. Máy vi tính và chip điện tử ở Nga hầu hết có nguồn gốc từ nước ngoài. Nếu bạn cho rằng việc bị phương Tây "loại khỏi cuộc chơi" sẽ chẳng làm nước Nga xước xát gì, thì tôi ước mọi bệnh nhân ung thư trên toàn thế giới cũng có tinh thần lạc quan của bạn.
Có thể người Nga vẫn sống được sau những lệnh trừng phạt của cuộc sát nhập Crimea, nhưng sự thật là nền kinh tế của họ đã chao đảo cùng với sự sụt giảm của giá dầu năm 2015, cũng như ảnh hưởng của đại dịch COVID. Đồng Rúp đang rớt giá thảm hại, đến ngày hôm nay nó còn không bằng 1 cent. Một đợt suy thoái kinh tế mạnh nữa sẽ tàn phá nước Nga, chưa đủ để đánh sập nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới này, nhưng sẽ gây sức ép lên chính phủ cũng như người dân Nga. Có thể Putin và đám bậu sậu thì chưa thấy ho he gì, nhưng người dân Nga thì chắc chắn là đã cảm nhận được sức nóng. Nếu cuộc chiến tranh kéo dài và các lệnh trừng phạt không được dỡ bỏ, nền kinh tế Nga sẽ chảy máu từ bên trong. Người Nga chắc chắn chưa quên việc Liên bang Xô Viết đã ra đi cũng vì một ca xuất huyết nội quá nặng. Suy thoái kinh tế, sụt giảm chất lượng cuộc sống, cộng với nạn quan liêu tham nhũng vẫn đang nhức nhối trong lòng nước Nga sẽ làm gia tăng mâu thuẫn giữa chính phủ và người dân Nga, giữa các tầng lớp trong xã hội Nga, cũng như giữa chính thường dân Nga với nhau. Lục đục nội bộ là điều chắc chắn, và sẽ luôn thường trực khả năng bạo loạn, dù thấp nhưng vẫn có thể xảy ra. Thắt chặt luật pháp, điều động cảnh sát, gia tăng sự đàn áp và kiểm soát sẽ chỉ ngày một thêm phản tác dụng. Liệu Vladimir Putin có nhớ rằng, một cuộc chiến sa lầy và dai dẳng là một trong những nguyên nhân khiến cả Đế chế Nga và Đế chế Xô Viết đều sụp đổ hay không? Liệu tất cả những điều này có thể dẫn tới sự lung lay, thậm chí là suy vong của chính quyền Putin hay không? Tuy khả năng đó là không cao, nhưng vẫn có thể xảy ra.
"Nền kinh tế Nga đang trượt dài, và không ai biết khi nào thì cái vòng xoáy này mới chấm dứt. Còn quá sớm để đưa ra nhiều dự báo, nhưng khả năng rất cao là kinh tế sẽ suy thoái và chất lượng cuộc sống sẽ bị hạ thấp" _Sergei Aleksashenko, cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính Nga, Al Jazeera, 03/03/22_
Tất nhiên, nếu nói rằng các lệnh trừng phạt đó đều thỏa đáng và là những gì Nga phải gánh chịu cho chuyến phiêu lưu tại Đông Âu của mình, thì không hẳn. Chính phủ Nga mới phải chịu trách nhiệm cho toàn bộ việc này, chứ không phải người dân. Ngoài ra, tôi thực sự không thể đồng ý với việc lĩnh vực thể thao và văn hóa cũng đang bị nhắm tới. Việc không cho các vận động viên Nga thi đấu tại Paralympic, loại bỏ các đội bóng Nga khỏi Champions League và Europa League, cũng như những gì chính phủ Anh đã làm với tỉ phú Nga Roman Abramovic - chủ sở hữu CLB Chelsea, đều là những hành vi phi thể thao trắng trợn đến ngang ngược. Thậm chí, người ta còn ngừng biểu diễn các tác phẩm của Tchaikovsky và Rachmaninoff. Với tư cách một người yêu nhạc cổ điển, tôi cho rằng quyết định này thật khắm lọ vãi ***. Thể thao và văn hóa đã luôn là những thứ gắn kết con người với nhau, vậy mà giờ đây chúng lại bị những động cơ chính trị lợi dụng để chia rẽ nhân loại. Bên cạnh đó, tôi không hề thấy các giải đấu và ban tổ chức có những động thái tương tự dành cho những chiến dịch của người Mỹ tại Trung Đông và châu Phi, sự đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc, sự bóc lột lao động nhập cư ở các nước Ả Rập giàu có, và rồi cả Israel với Palestine nữa. Tiêu chuẩn kép là thứ mà chúng ta thấy rất thường xuyên ở phương Tây, đến tận bây giờ nó vẫn không thay đổi.
Tiêu chuẩn kép của phương Tây cũng chính là lí do Putin đang thua đau trên mặt trận truyền thông. Facebook, Google, Apple và Twitter đều là các công ty Mỹ. Sẽ thật hiển nhiên khi thấy các cỗ máy tuyên truyền của Điện Kremlin như RT hoặc Sputnik bị hạn chế, thậm chí là không được cho hoạt động trên các nền tảng này. Báo chí phương Tây đăng tin tức nhan nhản về tinh thần quả cảm của người Ukraine và sự tàn bạo của quân Nga, tất nhiên cũng chẳng biết bao nhiêu phần trăm là sự thật nữa. Kênh nào, đài nào, quốc gia nào cũng nói về chiến sự ở Ukraine 24/7, khiến người ta không khỏi băn khoăn rằng tại sao lại không có một sự phản ứng tương tự dành cho Afghanistan, Iraq, Syria...? Câu trả lời một lần nữa nằm ở tiêu chuẩn kép của phương Tây. Bạn có thể mặc kệ chuyện cháy nhà ở đâu đâu, nhưng chắc chắn sẽ sợ muốn đái ra quần khi thấy ngọn lửa bùng phát ở căn hộ kế bên. Người châu Âu rùng mình khi thấy một cuộc chiến ở ngay cửa ngõ châu lục của họ chứ không phải cái chốn sa mạc xa tít mù khơi nào đó. Chưa kể đến việc, lần này họ đang sắm vai nạn nhân chứ không phải vai thủ phạm như mấy lần trước, do đó họ phải tô đậm tính chính nghĩa cho cuộc kháng chiến chống Đế quốc Nga của người dân Ukraine.
Điều đó có đúng đắn không? Không hề. Tiếp nhận thông tin từ một phía chưa bao giờ là tốt. Nó tạo ra định kiến nơi con người và khiến chúng ta nghi ngờ nhau nhiều hơn. Con người đã và sẽ luôn luôn là một sản phẩm của truyền thông, việc số lượng các kênh truyền thông pro-phương Tây áp đảo hơn hẳn các kênh pro-Nga chắc chắn sẽ tạo ra một lượng lớn khán giả bị nhồi sọ tư tưởng bài Nga. Phương Tây đã đảm bảo được rằng không ai sẽ tin vào miệng lưỡi Kremlin, nếu có thì số lượng những kẻ tin cũng sẽ bị áp đảo bởi số lượng kẻ không tin. Đây là một điều rất đáng lo ngại. Sau hơn 30 năm kể từ khi Bức màn Sắt sụp đổ, chúng ta lại chuẩn bị bước vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, nơi con người lại một lần nữa nhìn nhau bằng ánh mắt ngờ vực. Một Bức màn Sắt mới đang dần hình thành, lần này thì truyền thông là những lực lượng xây dựng nó. Liệu lần tới, khi Mỹ và các đồng minh lại chuẩn bị ném bom tan tành một nước thế giới thứ 3 nào đấy, ai, AI sẽ đứng ra chỉ trích họ đây? Và nếu có thì bao nhiêu người sẽ lắng nghe, ngoại trừ những kẻ bài-phương-Tây đến mức cực đoan?
Tuy nhiên, nói gì thì nói, việc phương Tây tỏ ra cực kì tiêu chuẩn kép trong cách họ nói về chiến tranh ở Ukraine, việc phương Tây đã từng biến một nửa Tây Á trở thành đống gạch vụn, hay bất cứ sự bẩn thỉu nào khác của phương Tây cũng không thể biện hộ được cho cuộc xâm lược vi phạm luật pháp quốc tế của Vladimir Putin. Ngoài ra, cũng đừng nói rằng phương Tây từng ủng hộ các hoạt động li khai trái phép ở đâu đó thì Nga cũng được làm thế. Hơn thế nữa, cũng đừng nghĩ rằng mạng người Iraq, Syria, Afghan, Palestine... thì mới đáng quý, đáng được bảo vệ, bọn Mẽo bọn Tây đáng bị lên án vì giết hại người vô tội, còn bọn U Cà phản trắc thì đáng phải chết. Đây chính là chủ nghĩa thế-còn-X-thì-sao (Whataboutism), cũng là một sự ngụy biện. Hai sai thì không bằng một đúng được, một cái sai không biện hộ được cho cái sai khác. Việc có kẻ nào đó từng giết người mà thoát tội không có nghĩa là ai cũng được vác dao ra xiên thằng nào thì xiên. Nga không phải là thần thánh, không phải là thành trì chống đế quốc thực dân của thế giới, không phải là kẻ bênh vực các dân tộc bị áp bức, không phải là nạn nhân của phương Tây. Nga cũng là một đế quốc thèm khát bành trướng, cũng chẳng khác gì Trung Quốc hay Mỹ hết. Phương Tây không đúng, không có nghĩa là Nga không sai. Vậy thôi.
"Trong tương lai, lũ phát xít sẽ tự gọi mình là những chiến binh chống phát xít" _George Orwell_
Và nước Nga không phải là không có cho nó những động thái riêng trước cơn bão truyền thông của phương Tây. Cứ mỗi một tin tức do Ukraine đăng về một người mẹ mang thai thiệt mạng do bom đạn Nga, ngay lập tức phía Nga gọi đó là fake news và người phụ nữ kia là một diễn viên. Cứ mỗi một tin tức do Ukraine đăng về một thành phố tan hoang vì bom đạn và thường dân đang đổ máu, ngay lập tức phía Nga nói Ukraine là cái đám rạch mặt ăn vạ và quân đội Ukraine đang dùng người dân làm lá chắn người. Tin tức do Nga đăng với tin tức do phương Tây đăng thì cũng chỉ có giá trị ngang nhau về độ tin cậy, bởi bên nào cũng đang ra rả tuyên truyền. Nhiều mạng xã hội và kênh tuyên truyền phương Tây đang bị chặn hoặc hạn chế hoạt động tại Nga, nhiều kênh thông tin tư nhân đang bị buộc dừng hoạt động, như là một phần của chiến dịch chống tin tức giả mạo tại Nga - một cách nói hoa mỹ của việc mở rộng hoạt động cho các cỗ máy propaganda của chính quyền Nga. Mục tiêu nhắm tới của nó hiển nhiên sẽ là tầng lớp già cả chiếm đa số trong xã hội già hóa dân số của Nga - những người mà có lẽ vẫn còn chút ít vấn vương tiếc nuối với một thời cường quốc Xô Viết vàng son của đất nước, cũng như đã quá nhiều tuổi để tiếp cận với bất cứ sự thay đổi nào trong cách tiếp thu thông tin ngoài TV và báo giấy. Ngoài ra, nó cũng sẽ góp phần định hướng lại tư tưởng cho những công dân trẻ tuổi nổi loạn, không cho họ tìm đến những luồng tư tưởng không phù hợp với tầm nhìn của chính quyền - một thứ nghe bắt đầu hao hao giống với Trung Quốc.
Bên cạnh những người lính Nga thương vong, những bậc cha mẹ với con cái hi sinh hoặc tàn phế do bom đạn, thì những công dân Nga trẻ tuổi sinh sau năm 1991 sẽ là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc chiến và các lệnh trừng phạt. Nga là một quốc gia đang đối diện với khủng hoảng nhân khẩu học, với tỉ lệ nam nữ chênh lệch rất cao, tỉ lệ tăng trưởng âm, và nạn già hóa dân số đang ngày một trầm trọng. Những người Nga trẻ sống trong thời kì hậu Xô Viết với tư tưởng phóng khoáng và hội nhập với thế giới nhiều hơn tầng lớp cha mẹ hoặc ông bà của họ, cũng như ít có hứng thú hơn tầng lớp cha anh đối với những bài ca tuyên truyền của chính quyền Putin, chắc chắn sẽ cảm thấy ngột ngạt với những lệnh trừng phạt này, đặc biệt là trong các lĩnh vực học tập, công việc, giải trí, văn hóa, công nghệ cao và không gian mạng. Họ có nhiều lý do để phản đối cuộc chiến tranh này hơn cả việc họ sẽ không được dùng Instagram nữa: sự cô lập sẽ giết chết tương lai của họ. Chưa kể đến việc, không ít người Nga cũng có kết nối với Ukraine về mặt văn hóa nhiều như với Đất mẹ của họ. Họ từng có chung lịch sử, chung gốc gác, chung tôn giáo, chung ngôn ngữ... Những tín đồ Chính thống giáo Đông phương có lẽ sẽ thấy tấn công vào Ukraine không khác nào Tội đồ của Cain. Những cuộc biểu tình phản chiến đã nổ ra khắp các thành phố lớn của Nga. Không bất ngờ khi hàng ngàn người đã bị bắt giữ. Như đã nói ở trên, Vladimir Putin càng cố gắng siết chặt quyền kiểm soát của ông ta lên người dân Nga, thì người Nga sẽ càng chán ghét ông ta, đặc biệt là những người trẻ không muốn sống trong một quốc gia cô lập.
Chảy máu chất xám chắc chắn sẽ xảy ra trên quy mô lớn. Thay vì ở lại cống hiến công sức của họ để xây dựng tương lai cho quê hương (hoặc là còng lưng ra phục vụ đám chính trị gia và bầy đàn cá mập), những sinh viên và cá nhân trẻ tuổi tài năng sẽ rời đi, để lại sau lưng một quốc gia bế quan tỏa cảng, chuyên chế, già cỗi, mục nát, bị thống trị bởi một ông già ảo tưởng cùng những kẻ xu nịnh, với nền kinh tế suy thoái từng ngày và chất lượng cuộc sống tệ hại. Mỗi ngày kể từ cuộc chiến bắt đầu, có hàng trăm người Nga từ Saint Petersburg đang bắt những chuyến tàu - mà bất cứ chuyến nào cũng có thể trở thành chuyến cuối cùng rời khỏi nước Nga - để đến thủ đô Helsinki của Phần Lan, rồi từ đó tìm cách nhập cư hoặc sang một nước thứ ba. Đó là chưa kể tới những người đang tìm đường đến Đức, Estonia, Latvia, Thổ Nhĩ Kì, Georgia, Serbia... Đừng bao giờ đánh giá thấp thế hệ trẻ và cho rằng ý kiến của họ không quan trọng vì "trẻ con thì biết gì mà nói", bởi họ chính là những người tiếp quản đất nước - nếu những người tài giỏi rời đi hết và những người ở lại thì chẳng thiết tha cống hiến gì, thì vận mệnh đất nước sẽ ra sao? Cũng đừng trách móc họ khi tìm cách rời khỏi con tàu đang chìm, đây không phải cuộc chiến của họ, họ cũng chỉ là những con người bình thường mong muốn một cuộc sống bình yên và đầy đủ mà thôi. Nếu tôi mà là công dân Nga, tôi cũng xin phép thú nhận, thứ đầu tiên tôi lên mạng tìm kiếm sau khi nghe bài phát động chiến dịch quân sự của tổng thống Putin sẽ là giá vé tàu hỏa đi Helsinki hoặc Tallinn, chuyến sớm nhất khởi hành ngay sáng mai. Vé một chiều, không phải vé khứ hồi.
Nhắc tới Estonia và Latvia, tiện thể nhắc tới luôn cả Litva, ba quốc gia này chắc chắn đang ướt đẫm ở đũng quần và từng ngày thầm cảm ơn tất cả các vị thánh thần trên đời vì họ đã gia nhập cả EU và NATO từ sớm. Họ mà "muộn chuyến tàu" như Ukraine thì khả năng cao là đã chịu chung số phận. Estonia và Latvia có tỉ lệ dân số thuộc sắc tộc Nga còn nhiều hơn cả Ukraine, trong khi dân số của cả hai nước cộng lại còn chưa bằng 10% dân số Ukraine. Tại Estonia, tiếng nói của các đảng phái đại diện cho cộng đồng sắc tộc Nga gần như không có trọng lượng trong chính phủ. Hàng ngàn người Nga thậm chí còn không được cấp giấy tờ tùy thân. Cộng đồng nói tiếng Nga bị dân Baltic bản xứ nhìn với con mắt ngờ vực, và phân biệt chủng tộc cũng không phải hiếm. Tiếng Nga kể từ những năm 90 đã bị loại khỏi chương trình giáo dục bắt buộc. Bài hát "Narva Pataljon Laul" của quân đoàn lê dương Estonia thuộc Waffen-SS vẫn được dùng trong quân đội Estonia cho đến ngày hôm nay. Ngày 16 tháng 3 ở Latvia thậm chí còn là ngày "tưởng nhớ quân đoàn lê dương Latvia" dành cho đội quân SS Latvia từng chiến đấu cùng với phát xít Đức chống lại Liên Xô (tất nhiên, nó chỉ mang tính tự phát chứ không phải một ngày lễ quốc gia, nhưng thông điệp của nó thì rõ như ban ngày). Các lực lượng du kích chống Cộng sản ở ba nước vùng Baltic - được biết đến với cái tên "Hội anh em của rừng", đã từng chiến đấu chống lại Liên Xô trong và sau Thế Chiến Hai - vẫn đang được tưởng nhớ đến như những người hùng dân tộc. Nếu ba nước vùng Baltic mà không phải thành viên NATO thì có khi người dân của ba nước này đã "được" quân đội của Putin "giải phóng" và "phi phát xít hóa" từ lâu rồi.
Tư cách thành viên NATO đảm bảo rằng họ có thể khiêu khích Moskva đến mức như thế mà không sợ hãi, bất cứ cuộc tấn công nào của Putin vào ba quốc gia Baltic sẽ châm ngòi cho Thế Chiến Ba - Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương sẽ được kích hoạt, và tấn công Vilnius, Riga hay Tallinn sẽ không khác gì đánh thẳng vào Frankfurt, Paris, London hay New York. Nhờ tư cách thành viên NATO, cộng với sự thấu hiểu quá khứ bị Nga đô hộ, mà chúng ta có thể thấy ba nước Baltic là những quốc gia ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất, bên cạnh các quốc gia hậu-cộng-sản khác như Ba Lan, cộng hòa Séc, Slovakia, Hungary, Romania... Tất nhiên, ba nước này vẫn chưa được an toàn 100%. Dải biên giới giữa Litva và một đồng minh lâu năm của họ là Ba Lan bị kẹp giữa Kaliningrad và Belarus, đội quân tầm trung nào cũng có thể chiếm giữ nó và cô lập trên bộ ba nước Baltic khỏi NATO. Tất nhiên, điều đó cũng có nghĩa là Thế Chiến Ba sẽ bùng nổ. Chúng ta đều nghĩ rằng Putin sẽ không thực hiện một nước đi điên rồ như thế, nhưng ở tầm này thì tôi không dám chắc Putin đang nghĩ gì nữa.
Nhắc tới Phần Lan, chắc chắn dân Phần Lan đang không khác nào ngồi trên đống lửa. Lần đầu tiên trong lịch sử, người dân và chính phủ Phần Lan - một quốc gia trung lập lâu dài - đã tỏ ra hào hứng với tư cách thành viên NATO. Một cuộc khảo sát của công ty truyền thông Yle cho thấy có tới 53% người được hỏi cho rằng Phần Lan nên gia nhập liên minh quân sự này - tăng tới 19% so với năm 2017. Vladimir Putin phải đe dọa quốc gia này ngay lập tức. Việc Phần Lan gia nhập NATO sẽ là cơn ác mộng đối với nước Nga, khi hải quân NATO có thể dễ dàng phong tỏa cảng Saint Petersburg và một khẩu pháo đồ chơi đặt ở Phần Lan cũng có thể bắn trúng được thành phố này. Một quốc gia trung lập khác là Thụy Điển cũng đang tính toán được mất của việc gia nhập NATO, mặc dù với thái độ dè dặt hơn hẳn Phần Lan. Khả năng hai nước này gia nhập liên minh quân sự trên là không cao, bởi họ hiểu cái giá phải trả sẽ là khổng lồ. Tuy nhiên, việc hai quốc gia trung lập cũng đang chọn phe chống lại Nga chắc chắn không có lợi cho nước Nga. Người Phần Lan vốn đã không ưa gì Nga, hãy thử nghe những bài hát từ thời chiến tranh Liên Xô - Phần Lan đi. Ngoài ra, hai quốc gia Bắc Âu này có lẽ cũng không cần tới một tư cách thành viên NATO, bởi cả hai đều thuộc EU và EU cũng có một chính sách về phòng thủ chung mà chắc chắn người Nga phải dè chừng.
Thay đổi lớn nhất diễn ra ở Trung Âu chứ không phải Bắc Âu. Đoán xem ai đang muốn quay trở lại với vũ đài quân sự thế giới nào. Đúng thế, Đức. Ngày 27 tháng 2, thủ tướng Đức Olaf Scholz cam kết sẽ chi 100 tỉ euro để hiện đại hóa quân đội liên bang Đức (Bundeswehr), đồng thời khẳng định từ năm nay, Đức sẽ chi tiêu 2% GDP cho quốc phòng - mức chi tiêu quân sự lớn thứ 3 thế giới. Lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, nước Đức - quốc gia đã làm tất cả để rũ bỏ quá quân sự khứ đen tối của mình - đang tái vũ trang trở lại. Sự phụ thuộc lớn của Đức vào khí đốt của Nga dường như không làm cho nước Đức ngần ngại chỉ trích Moskva và lựa chọn đường lối ngoại giao cứng rắn, như những gì Kremlin mong đợi.
Tất nhiên, chính phủ Đức còn nhiều việc phải làm để đánh thức một đội quân "ngủ đông". Bundeswehr hiện tại có rất nhiều vấn đề, chủ yếu do tư tưởng chủ hòa của người Đức, thiếu kinh phí và nạn quan liêu. Quân đội của họ có mức độ sẵn sàng chiến đấu thấp hơn nhiều so với các cường quốc cùng tầm cỡ như Anh hoặc Pháp, họ thậm chí có ít xe tăng hơn cả Thụy Sĩ và ít tàu chiến hơn cả Hà Lan. Sẽ cần nhiều hơn 100 tỉ để khắc phục những vấn đề thâm căn cố đế này, nhung dù sao thì nó cũng đã tạo hiệu ứng tốt cho tinh thần binh sĩ Đức, cũng như đã gửi đi một thông điệp đến Kremlin.
Bằng cuộc xâm lược Ukraine, Vladimir Putin đã làm được một lúc hai việc. Thứ nhất, ông ta đã khiến cho chính phủ Đức phải đầu tư thật mạnh vào quốc phòng và đứng lên nhận nhiều trách nhiệm hơn cho nền quốc phòng châu Âu, đây chính là thay đổi lớn nhất về địa chính trị Tây Âu kể từ sau Chiến tranh Lạnh, thứ mà đồng minh số một của họ - Hoa Kỳ - chưa bao giờ làm được. Gã khổng lồ say ngủ đang thức dậy. Thứ hai, ông ta đã đặt dấu chấm hết cho tất cả những câu hỏi về việc NATO có nên tồn tại trong thế kỉ 21 hay không. Thay vì có thể sử dụng dầu mỏ và khí tự nhiên làm quyền lực mềm với mục đích chia rẽ các nhóm lợi ích khác nhau tại châu Âu, Putin đã khiến cả châu Âu đoàn kết lại chống Nga. Đến cả những người bị coi là "tay trong" của Moskva ở NATO như Viktor Orbán của Hungary hay Recep Tayyip Erdoğan của Thổ Nhĩ Kì cũng đã lên tiếng phản đối Nga.
Vậy còn bạn bè của Putin thì sao? Ván cược lớn nhất của Putin nằm ở gã hàng xóm phương Bắc của chúng ta. Trừ khi Nga được Trung Quốc chống lưng toàn bộ, còn không thì nó sẽ khánh kiệt khi phải đương đầu với một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Trung Quốc chính là con bài tẩy mạnh nhất của cả hai phe trong xung đột Nga - phương Tây hiện nay. Trung Quốc rõ ràng là không ủng hộ phương Tây, nhưng Putin cũng đã phải đánh cược khả năng Thiên Triều sẽ hỗ trợ Moskva. Khả năng đó là không cao, người Trung Quốc đã lựa chọn bỏ phiếu trắng, đứng ngoài cuộc cầm giấy bút ghi chép học hỏi thật cẩn thận, bởi họ cũng có một con cá để rán: Đài Loan. Rõ ràng Trung Quốc sẽ không đứng về phía phương Tây nhưng chắc chắn sẽ không ủng hộ Nga một cách ồ ạt. Nếu có thì cũng phải là theo hướng có lợi cho Trung Quốc - và hướng này thì ít có lợi cho Nga.
Kể cả khi ưu tiên về thương mại của Nga chuyển dịch sang châu Á, họ cũng sẽ rất mất thời gian và tiền của để đầu tư vào các hệ thống ống dẫn dầu khí mới qua Siberia đến Trung Quốc. Vay tiền Trung Quốc để rồi lại rơi vào bẫy nợ giống như nhiều quốc gia châu Á khác là rất nguy hiểm. Ngoài ra, cũng chỉ có một tuyến đường sắt duy nhất kết nối vùng Viễn Đông Nga với trái tim nước Nga ở phía Tây. Cộng với đó là tỉ lệ tăng trưởng dân số không có dấu hiệu cao của Nga. Nga thiếu trầm trọng hậu cần, tài chính và nhân lực để xây dựng các cơ sở hạ tầng cần thiết cho một mối quan hệ thương mại tầm cao mới với Trung Quốc. Hơn thế nữa, ảnh hưởng của Trung Quốc tại Đông Bắc Á là khó có thể bị cạnh tranh lại được. Dân số vùng Mãn Châu đang ngày một tăng trong khi vùng Viễn Đông Nga thì ngược lại. Trung Quốc và Nga tuy không còn tranh giành nhau vai trò lãnh đạo cuộc cách mạng vô sản thế giới, nhưng vẫn kèn cựa nhau vai trò trung tâm của một hệ thống thương mại liên lục địa - với Nga thì là Liên minh Kinh tế Á Âu còn với Trung Quốc thì là Vành đai và Con đường. Rõ ràng là Vành đai và Con đường trông có vẻ đang thành công hơn. Xét về lâu dài, Nga là bên bị yếu thế trong mối quan hệ với Bắc Kinh, thậm chí có thể bị biến thành "sân sau". Thế giới sẽ chỉ còn hai siêu cường cạnh tranh là Trung Quốc và Mỹ. Điều này sẽ là tin cực xấu đối với Việt Nam, thậm chí có thể sẽ khiến các vị lãnh đạo nước ta xem xét lại đường lối ngoại giao.
Tuy nhiên, ẩn số lớn nhất trong cuộc chiến lại nằm ở Ukraine. Trong bài viết về địa lý Nga, tôi có nói rằng Putin giống như một kỳ thủ cờ vua. Giờ tôi thấy ông ta giống một người chơi cờ bạc hơn, bởi trừ khi ông ta thực sự tin rằng có một chính quyền tân Phát xít ở Kyiv đang đàn áp người dân và họ mong mỏi được người Nga giải phóng, ông ta đang phải đánh cược chuyện người Ukraine chấp nhận sự hiện diện của một nền chính trị nằm trong quỹ đạo của Moskva. Ván cược đó, ông ta lỗ nặng.
2, VỀ UKRAINE
Một bài học mà bất cứ một cường quốc nào cũng nên tự ôn đi ôn lại trước khi sử dụng vũ lực: chiếm đóng một quốc gia thì dễ, nhưng kiểm soát nó thì chỉ khả thi nếu cư dân bản xứ tại đó chịu khuất phục. Người Anh, người Pháp, người Đức, người Mỹ... đều đã trả giá đắt để học bài học ấy. Việt Nam chính là bằng chứng sống cho quy luật ấy. Putin là một sản phẩm của nền giáo dục Liên Xô, chắc hẳn ông ta đã được dạy về việc dân tộc Việt Nam anh dũng chiến đấu chống lại thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ ra sao. Do đó, ông ta cũng không nên bất ngờ khi thấy rằng một trong những nguyên nhân khiến "chiến dịch quân sự đặc biệt" của ông ta đang bị chậm tiến độ chính là sự phản kháng quyết liệt của người dân Ukraine.
Theo Binh pháp Tôn Tử, khi bạn nằm ở bên chủ động của chiến tranh (phe gây chiến), bạn phải kết thúc chiến tranh thật nhanh gọn, buộc kẻ địch phải đầu hàng càng sớm càng tốt. Còn nếu bạn đang ở phe bị động (phe phòng ngự) thì bạn phải không để cho địch đánh nhanh thắng nhanh, khiến cho địch sa lầy, làm cho cuộc chiến trở nên quá tốn kém đối với địch để buộc chúng phải đàm phán về một thỏa thuận đình chiến. Chính xác thì đây là những gì đang diễn ra ở Ukraine. Các thành phố Kyiv, Kharkiv, Chernihiv vẫn đang đứng vững - chúng đúng ra phải thất thủ trong 72 giờ đầu tiên kể từ khi nổ súng, nhưng đến nay đã cả tháng trời rồi. Quân đội Ukraine đúng ra phải đầu hàng từ rất lâu rồi, nhưng các cuộc phản công vẫn đang diễn ra mà chưa có dấu hiệu ngừng lại. Vũ khí viện trợ từ châu Âu đang đổ về các bãi chiến trường Ukraine. Đến cả thời tiết cũng đang ủng hộ họ: giờ đang là mùa tuyết tan và đất đai sẽ biến thành bùn lầy - ác mộng với các phương tiện bọc thép. Quan trọng nhất chính là, người dân Ukraine cũng đang phản kháng lại vô cùng quyết liệt. Đây mới là yếu tố quan trọng nhất đảm bảo rằng Putin sẽ không bao giờ thắng được.
Ngoài ra, xin phép được gửi tới bạn đọc bản dịch bài viết của giáo sư Yuval Noah Harari - giảng viên khoa Lịch sử đại học Hebrew, Israel, tác giả của bộ ba "Sapiens - Lược sử loài người", "21 bài học cho thế kỉ 21" và "Homo Deus - Lược sử tương lai". Bài viết của giáo sư được đăng trên tờ The Guardian từ ngày 1 tháng 3 (tất nhiên đây là một tờ báo phương Tây, nhưng các độc giả của Harari có thể tin tưởng vào sự trung lập trong góc nhìn về lịch sử và chính trị của ông). Bản dịch là của tôi tự dịch.
Chưa đầy một tuần kể từ khi chiến tranh bắt đầu, Vladimir Putin trông đã có vẻ như đang hướng tới một thất bại lịch sử. Ông ta có thể thắng tất cả các trận đánh, nhưng sẽ thua cả cuộc chiến. Giấc mơ tái thiết Đế chế Nga của Putin được dựa trên niềm tin cho rằng Ukraine không phải một quốc gia thực sự; rằng chẳng có thứ gì gọi là dân tộc Ukraine; rằng người dân ở Kyiv, Kharkiv và Lviv mong mỏi sự tái hợp với nước Nga dưới ngọn cờ lãnh đạo của Moskva. Đó là một lời dối trá trắng trợn - Ukraine là một quốc gia với hàng ngàn năm lịch sử, Kyiv đã là một đô thị lớn từ hồi Moskva còn chưa phải làng mạc. Nhưng vị tổng thống Nga đã nhắc đi nhắc lại những lời dối trá đó quá nhiều, đến mức ông ta tưởng nó là sự thật.
Putin đã toan tính tới rất nhiều yếu tố khi lên kế hoạch xâm lược Ukraine. Ông ta biết rằng quân đội Nga và quân đội Ukraine chênh lệch nhau một trời một vực. Ông ta biết rằng NATO sẽ không đưa quân đội tới Ukraine. Ông ta biết rằng sự phụ thuộc của châu Âu vào dầu khí Nga sẽ làm các quốc gia như Đức phải cân nhắc trước khi áp đặt các biện pháp trừng phạt. Dựa trên những yếu tố đó, kế hoạch được ông đưa ra sẽ là đánh nhanh thắng nhanh, lật đổ chính quyền hiện tại, thiết lập bộ máy cai trị bù nhìn ở Kyiv, và chống chọi với các lệnh trừng phạt phương Tây.
Tuy nhiên, có một ẩn số. Chinh phục một quốc gia sẽ dễ hơn là kiểm soát được nó, đây là một bài học đắt giá mà người Mỹ đã học ở Iraq và người Xô Viết đã học ở Afghanistan. Putin biết quân đội của ông đủ mạnh để thôn tính Ukraine. Nhưng liệu người dân Ukraine có chấp nhận chính quyền bù nhìn của Moskva? Putin buộc phải đánh cược điều đó. Rốt cuộc thì, đúng như những thứ ông ta liên tục tuyên bố cho những ai còn muốn nghe, làm gì có cái gọi là quốc gia Ukraine và dân tộc Ukraine cơ chứ. Năm 2014, Crimea gần như không kháng cự khi bị Nga sát nhập. Điều gì có thể làm cho 2022 khác biệt được?
Mỗi ngày trôi qua, càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Putin đang sắp thua cược. Người Ukraine đang kháng cự lại cực kì ác liệt, được cả thế giới ngưỡng mộ - một ưu thế rất lớn. Những ngày đen tối vẫn còn ở phía trước. Người Nga có thể sẽ thôn tính được Ukraine, khi và chỉ khi người Ukraine để cho họ làm thế. Điều này sẽ rất khó xảy ra.
Với mỗi xe tăng Nga bị bắn cháy và mỗi người lính Nga giết được, tinh thần kháng chiến của người Ukraine lại sôi sục thêm. Và mỗi mạng người Ukraine bị mất sẽ càng khiến người Ukraine căm thù quân Nga xâm lược hơn. Sự thù ghét là một cảm xúc tiêu cực, nhưng đối với những dân tộc bị áp bức, sự thù ghét là một thứ vũ khí. Chừng nào ngọn lửa hận thù vẫn ngùn ngụt cháy trong tim, tinh thần kháng chiến sẽ trở nên bất diệt qua hàng thế hệ. Nếu muốn tái lập Đế chế Nga, Putin cần một chiến thắng ít đổ máu để dẫn tới một sự chiếm đóng dễ dàng, không vấp phải sự thù địch. Ông ta đã đảm bảo rằng điều đó không đời nào thành hiện thực được mỗi lần binh lính của ông ta làm người Ukraine đổ máu. Mikhail Gorbachyov sẽ không phải cái tên được kí trên giấy báo tử của Đế chế Nga, mà sẽ là Vladimir Putin. Gorbachyov rời khỏi ghế, để lại hai quốc gia anh em láng giềng thân thiện; và rồi Putin biến họ thành kẻ tử thù, đồng thời đảm bảo luôn rằng một Ukraine độc lập sẽ luôn luôn chống lại nước Nga.
Các quốc gia được xây dựng nhờ những câu chuyện. Mỗi ngày trôi qua, chúng ta lại chứng kiến thêm những câu chuyện mà người Ukraine sẽ kể cho nhau, không chỉ trong những ngày tháng đau thương sắp tới, mà sẽ là trong hàng thập kỉ, hàng thế hệ tới. Vị tổng thống từ chối bỏ chạy khỏi thủ đô và nói rằng ông ấy cần đạn chứ không cần đi nhờ, những người lính ở Đảo Rắn, những người dân tay không chặn xe tăng bằng cách ngồi im trên đường đi. Đây chính là thứ tạo nên bản sắc dân tộc. Về lâu dài, chúng thậm chí còn mạnh hơn bất cứ bom đạn nào.
Nhà lãnh đạo Nga nên hiểu rõ điều này hơn ai hết. Ông ta lớn lên cùng với những câu chuyện về sự tàn bạo của phát xít Đức và sự dũng cảm của người Nga trong trận vây hãm Leningrad. Ông ta đang tạo ra những câu chuyện tương tự cho lịch sử, nhưng hiện tại thì ông ta đang sắm vai Hitler.
Những câu chuyện về sự dũng cảm của người Ukraine tiếp thêm chức mạnh cho không chỉ đồng bào của họ, mà còn cho người dân khắp nơi trên thế giới. Họ truyền cảm hứng cho chính phủ châu Âu, chính phủ Mỹ, và cả những người dân bị đàn áp ở Nga. Nếu người Ukraine dám chặn xe tăng bằng tay không, thì chính phủ Đức cũng sẽ dám hỗ trợ họ với tên lửa chống tăng, chính phủ Mỹ cũng sẽ dám loại bỏ Nga khỏi SWIFT, và các công dân Nga yêu hòa bình cũng sẽ dám xuống đường biểu tình chống lại cuộc chiến tranh vô nghĩa này.
[...]
Một điều không may chính là việc cuộc chiến này sẽ kéo dài, và dưới nhiều hình thức khác nhau. Nó có thể lên tới hàng năm trời. Nhưng nhân tố quan trọng nhất thì đã ngã ngũ. Những ngày qua đã chứng tỏ cho thế giới rằng Ukraine thực sự là một quốc gia, người Ukraine thực sự là một dân tộc, và họ sẽ thà chết chứ không chịu mất nước vào tay Đế chế Nga bao giờ nữa. Câu hỏi đặt ra là sẽ phải mất bao lâu để thông điệp ấy có thể xuyên thủng được các bức tường dày của Điện Kremlin.
"Trong chiến tranh chỉ có hai yếu tố - con người và vũ khí. Dù vậy, cuối cùng con người vẫn là nhân tố quyết định. Con người! Con người!" _Võ Nguyên Giáp_
Tuy nhiên, nếu nói Ukraine hoàn toàn đứng về phe chính nghĩa và không làm gì sai cả, thì cũng không đúng. Sự thật là, chúng ta không thể phủ nhận rằng quốc gia này đã QUÁ MẠO HIỂM trong những chuyến phiêu lưu ngoại giao của mình. Khi ở cạnh một tay hàng xóm hiếu chiến có tiền sử xâm lược bành trướng, tốt hơn hết là đừng làm cho hắn cáu - viễn giao cận công chỉ khả thi giữa các cường quốc với nhau mà thôi. Hoàn toàn có những cách để theo đuổi một nền dân chủ thân phương Tây mà không làm cho Putin thấy chướng tai gai mắt, Phần Lan là một ví dụ cho điều đó. Đó là một sự thật khó nuốt đối với chính quyền Kyiv: bạn có thể đem con khỉ ra khỏi khu rừng nhưng không thể nào lôi khu rừng ra khỏi con khỉ. Zelensky là một nhà lãnh đạo trách nhiệm, đúng. Nhưng không phải là ông không hề mắc sai lầm. Zelensky có thể tốt, nhưng vẫn chưa thể được coi vĩ đại. Hiện tại, Ukraine đã nhận ra vị trí của nó: tư cách thành viên NATO và EU sẽ không đến với Ukraine trong tương lai gần, và nó đã bị lợi dụng như một con tốt thí trong ván cờ giữa Nga và phương Tây. Thông điệp từ Kremlin rất rõ ràng: Ukraine trong tương lai sẽ phải khôn khéo hơn trong những chính sách ngoại giao của mình (cũng có thể cái sự "khôn khéo" mà Kremlin muốn ở Ukraine thực ra có nghĩa là lại làm chư hầu của Nga lần nữa). Thông điệp từ Kyiv cũng thế: họ đang sẵn sàng làm điều đó, với điều kiện lợi ích quốc gia dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ được đảm bảo. Việc Zelensky đã phải thừa nhận rằng Ukraine sẽ không thể gia nhập NATO chứng tỏ ông đã chấp nhận uống viên thuốc đắng mà đúng ra ông nên uống kể từ khi đắc cử.
Việc Ukraine sẵn sàng đàm phán về sự trung lập không có nghĩa là Ukraine và Nga sẽ dễ dàng đạt được một thỏa thuận trong tương lai gần. Không rõ liệu dân chúng Ukraine sẽ phản ứng ra sao khi chính phủ đột nhiên thay đổi thái độ với phương Tây - họ sẽ coi đây là hành động vì lợi ích quốc gia hay là sự chùn bước trước kẻ thù? Ngoài ra, Ukraine chưa bao giờ và sẽ không đời nào công nhận sự sát nhập Crimea cũng như nền độc lập của Donetsk và Luhansk, con gấu Nga cũng sẽ không dễ dàng gì nhả những miếng mồi mà nó đã ngoạm chặt. Cả hai đều có những lí do riêng để giành giật những vùng đất này. Mối quan hệ giữa Kyiv và Moskva sẽ tiếp tục bị đóng băng trong thời gian dài, ít nhất là về mặt ngoại giao và văn hóa, kể cả khi Ukraine chấp nhận sự trung lập. Tương lai của Donbass và Crimea sẽ được định đoạt trên chiến trường, còn tương lai của Ukraine thì dường như sắp an bài. Sự trung lập có kèm theo tự vũ trang đồng thời tuyệt giao với Moskva sẽ là tương lai khả dĩ nhất cho Ukraine ở thời điểm hiện tại.
Trong suốt 8 năm vừa qua, Ukraine luôn muốn gia nhập hai liên minh khổng lồ của phương Tây là EU và NATO. Gần một tháng chiến đấu không mệt mỏi đã chứng tỏ được cho thế giới rằng quốc gia này không nhất thiết cần phải là thành viên của hai tổ chức trên để tự bảo vệ mình. Sự trung lập duy nhất có hiệu quả chính là sự trung lập vũ trang, đó sẽ là con đường khả thi nhất mà các chính khách Ukraine nên theo đuổi. Nhưng cũng chưa chắc Nga sẽ để cho Ukraine được tự vũ trang, kể cả khi sự trung lập đã được chấp thuận. Hãy nhớ, Putin tuyên bố cuộc chiến này là để "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa" Ukraine. Cũng sẽ không rõ liệu họ sẽ xử lí Donbass và Crimea thế nào - họ có thể gác chuyện tái chiếm lại cho tương lai và tập trung vào những vấn đề trước mắt - khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, vân vân, nhưng bất cứ sự chùn bước nào cũng sẽ trông yếu đuối và hèn mọn trong mắt nhân dân Ukraine.
Cũng phải nói rằng Nga chưa chắc đã chỉ dừng lại ở Donbass. Năm 2014, Putin đã lần đầu đưa lại một khái niệm được gọi là Novorossiya - dịch nôm na ra là Tân Nga. Nó là vùng lãnh thổ phía Bắc biển Đen bị Đế quốc Nga dưới quyền nữ hoàng Catherine Đại Đế chiếm đóng thông qua các cuộc chiến tranh Nga - Thổ vào cuối thế kỉ XVIII. Sinh thời, nữ hoàng Catherine đã đưa người Nga tới định cư tại các lãnh thổ chiếm đóng này, tăng cường Nga hóa dân bản địa và ép buộc sử dụng tiếng Nga làm ngôn ngữ duy nhất. Ngày nay, nó nằm ở phía Nam Ukraine (không bao gồm bán đảo Crimea). Trong trường hợp xấu nhất, Putin có thể yêu cầu Ukraine nhượng lại cả một phần to đùng lãnh thổ nước này cho các chính quyền li khai bù nhìn thân Nga mới. Điều này có thể dẫn tới sự đổ vỡ của mọi nỗ lực đàm phán và leo thang căng thẳng. Trước đây, nhà lãnh đạo CHND Donetsk tự xưng, ông Pavel Gubarev, từng nói rằng phạm vi cuối cùng được vạch ra của Novorossiya sẽ không chỉ bao gồm cả Donetsk và Luhansk, mà sẽ có cả các tỉnh Dnipropetrovsk, Kharkiv, Zaporizhia, Kherson, Mykolaiv và Odessa. Ukraine sẽ bị cắt hoàn toàn khỏi biển Đen. Nếu bạn nhìn vào 3 tấm bản đồ dưới đây, bạn sẽ thấy điều đó có vẻ có lý.
Hiện tại, thứ duy nhất cản bước Nga khỏi kiểm soát toàn bộ các thành phố lớn thuộc vùng lãnh thổ này là ba thành phố Mariupol, Mykolaiv và Odessa. Mykolaiv vẫn đang trụ vững, và cần phải chiếm được thành phố này thì mới có thể tạo bàn đạp chiếm Odessa. Odessa cũng vẫn đang chuẩn bị cho một cuộc đổ bộ D-Day từ biển Đen của quân đội Nga, nhưng nó sẽ không khả thi nếu không được lực lượng trên bộ hỗ trợ. Không rõ sẽ mất bao lâu nữa thì Mariupol sẽ đầu hàng hoặc bị san phẳng bởi bom đạn. Đã có tin tức cho hay nhiều người Ukraine ở Mariupol đang bị quân Nga đưa ra khỏi thành phố đến các thành phố xa xôi miền trung nước Nga, nhiều khả năng là tiếp theo Moskva sẽ đưa người Nga đến các thành phố bị chiếm đóng sinh sống - nữ hoàng Catherine chắc chắn không thể nào tự hào hơn khi gã bạo chúa thế kỉ XXI cũng ghi nhớ lời răn dạy do mụ bạo chúa thế kỉ XVIII để lại. Kremlin tuyên bố những người dân này hoàn toàn tự nguyện đi theo quân Nga, đó cũng là những gì Stalin nói về các dân tộc Baltic, Chechnya, Ingush hay Tatar sau khi vừa giải phóng (đặt ách thống trị mới lên) Đông Âu sau Thế Chiến Hai, vậy nên chúng ta nên đặt dấu hỏi trước những cái gọi là "hành lang nhân đạo của Nga" thì hơn.
Tóm lại, sẽ mất rất nhiều thời gian để phục dựng một quốc gia Ukraine tự do và toàn vẹn lãnh thổ, nhưng điều đó hoàn toàn là khả thi. Vladimir Putin tiến hành cuộc xâm lược của ông ta để lôi Ukraine quay trở lại với vòng tay của mình. Những gì ông ta đã làm chỉ có thể đảm bảo một điều duy nhất: Ukraine sẽ luôn xa lánh Moskva trong hàng thế hệ tới. Kể cả khi ông ta có lôi được Kyiv về với quỹ đạo của mình, người dân Ukraine chắc chắn sẽ chống trả. Sẽ không có chính quyền thân Nga nào, không có lực lượng trấn áp nào có thể ngăn chặn làn sóng 44 triệu dân Ukraine cùng đứng lên nói "không" với bàn tay sắt của Vladimir Putin. Điều này trông không giống một chiến thắng chút nào hết.
Ngoài lề
Người Cossack là những kị binh hùng mạnh khét tiếng ở châu Âu, đã chiến đấu ở nhiều cuộc chiến lớn, từ các cánh đồng Poltava cho đến cửa ngõ thành phố Stalingrad. Napoléon từng nói về các chiến binh Cossack như sau: "Nếu ta mà chỉ huy họ thì thế giới đã là của ta". Họ nói tiếng Slav Đông, theo đạo Chính thống giáo, sống chủ yếu ở Ukraine (nổi bật nhất là dân Cossack Zhaporozhia) và miền Tây Nam nước Nga (nổi bật nhất là dân Cossack Kuban và Cossack sông Don - những ai từng đọc "Sông Don êm đềm" của Mikhail Solokhov chắc chắn sẽ biết về họ). Nguồn gốc của dân Cossack chính là những người nông nô bỏ chạy khỏi các vương công Moskva và các vua chúa Ba Lan. Họ tìm tới dải đất ven biển Đen phía Nam đầy hoang dã và nguy hiểm, rồi thiết lập một xã hội tự trị với quân đội riêng, luật pháp riêng và bản sắc văn hóa riêng, với mong muốn được sống tự do. Người Cossack Zharporozhia chính là những người đặt nền móng cho ý tưởng về một nhà nước Ukraine độc lập. Bản sắc của dân Cossack xuất hiện nhiều trong văn hóa Ukraine. Quốc ca Ukraine đề cập đến nhà nước Ukraine là "quốc gia của người Cossack". Người Ukraine nhắc tới dòng máu chiến binh Cossack một cách đầy tự hào, và các bà mẹ Ukraine khi động viên những cậu con trai thường hay nói "làm một người Cossack đi!".
Khoảng năm 1676, người Cossack Zhaporozhia sống tại những vùng thảo nguyên ven sông Dnieper (nay thuộc Ukraine) đã tổ chức phản công đánh bại âm mưu thôn tính của Đế quốc Ottoman. Người cai trị Ottoman là Sultan Mehmed đệ Tứ viết thư dụ người Cossack ra đầu hàng. Nội dung bức thư như sau:
"Trẫm, Sultan và chủ nhân của Cổng Huy hoàng, con trai của Muhammad, người anh em của thần Mặt Trời và Mặt Trăng, cháu và sứ giả của Chân chủ trên mặt đất, chúa tể của các vương quốc Macedonia, Babylon, Jerusalem, Đại và Tiểu Ai Cập, hoàng đế của các hoàng đế, chúa tể của các chúa tể, hiệp sĩ không có đối thủ, chiến binh bất khả chiến bại, chủ nhân của cây sinh mệnh, người bảo vệ kiên định mộ của Giê-su Ki-tô, người giám hộ được chính Thượng đế chọn, niềm hy vọng và an ủi của người Hồi giáo, người gieo rắc nỗi kinh hoàng và người bảo vệ vĩ đại của người Ki-tô giáo, ra lệnh cho các ngươi, những người Cossack Zhaporozhia, phải đầu hàng trẫm tự nguyện và không có bất kỳ kháng cự nào, và ngừng quấy rầy trẫm bằng các cuộc tấn công của các ngươi" _Sultan Thổ Nhĩ Kì Mehmed IV_
Người Cossack Zhaporozhia gửi lại Sultan một bức thư trả lời:
"Người Cossack Zhaporozhia ban cho sultan Thổ Nhĩ Kì! Mày - ngữ satan Thổ Nhĩ Kì, anh em và bè bạn của yêu ma đáng rủa sả, và tên thư lại của chính loài Lucifer! Mày là hiệp sĩ cái quỷ gì mà cái đít trần của mày ngay cả một con nhím cũng không giết được? Con quỷ ị ra cho quân đoàn của mày đớp hết. Đồ chó đẻ, mày sẽ không khuất phục được con cái Cơ Đốc đâu, chúng tao không sợ cái đạo quân kia của mày, trên bộ và trên biển chúng tao thề đánh nhau với chúng mày, đâm thủng đít đồ quỷ. Mày là đứa thợ bếp Babylon, tên đóng xe Macedonia, đồ nấu bia Jerusalem, kẻ thiến dê Alexandria, hạng chăn lợn Đại và Tiểu Ai Cập, con lợn Armenia, tên trộm Podolia, loài á nam á nữ Tartary, tên đao phủ Kamyanets, thằng hề của khắp thế gian và địa ngục, và đối với Chúa bọn tao thì mày chỉ là thằng ngốc, cháu của rắn độc và bộ hạ chúng tao. Đồ mặt lợn, đồ đít ngựa, súc sinh nơi lò mổ, thằng nhãi không được rửa tội, đáng rủa sả! Người Zhaporozhia hồi đáp mày như vậy, hỡi đồ vô tích sự! Mày không xứng với những con lợn trong đàn súc vật của người Cơ Đốc! Bây giờ bọn tao kết thúc, vì bọn tao không biết ngày tháng và không có lịch, tháng trên trời, năm trong sách, còn ngày thì chỗ bọn tao thế nào thì chỗ bọn bay như vậy, và vì điều đó, hãy hôn đít bọn tao!" _Đã ký: Tổng tư lệnh Ivan Sirko cùng toàn quân Zaporozhia_
Ngày 25/2/2022, một tàu chiến Nga tiếp cận Đảo Rắn, nơi có một căn cứ nhỏ của hải quân Ukraine. Tàu chiến Nga gửi đi thông điệp:
"Đây là tàu chiến quân sự của Nga. Chúng tôi đề nghị các anh hạ vũ khí và đầu hàng để tránh đổ máu và thương vong không cần thiết. Nếu không, các anh sẽ bị oanh tạc".
Trước khi toàn bộ nhân sự trên căn cứ bị tàu Nga bắt giữ, một binh sĩ Ukraine đã đáp lại. Phản hồi đó là một câu nói chắc chắn sẽ đi vào sử sách của Ukraine cũng như châu Âu và thế giới hiện đại, giống như bức thư gửi Sultan Thổ Nhĩ Kì của các kị binh Cossack:
TÀU CHIẾN NGA, CÚT CON MẸ MÀY ĐI
Tham khảo:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất