"...một Ukraine thân phương Tây với tham vọng gia nhập vào hai liên minh phương Tây khổng lồ (EU và NATO), và đe dọa quyền tiếp cận của Nga vào cảng biển Đen của họ ư? Một Ukraine ngày nào đó thậm chí còn có thể là nhà của một căn cứ hải quân NATO ư? Điều đó không thể chấp nhận (với Nga) được." _Tim Marshall_
Nguồn: CuteWallpaper
Nguồn: CuteWallpaper
Do bận một chút công việc nên đã một thời gian rất dài rồi tôi mới có thể tiếp tục viết trên Spiderum được. Và hiện nay, khu vực Đông Âu đang là một điểm nóng cực lớn trên thế giới. Do đó, bài viết này sẽ nói về nhân vật chính bi đát trong bộ drama tình cảm dài 8 năm - một cô nàng Đông Âu xinh đẹp với mái tóc vàng óng và cặp mắt xanh thẳm như bầu trời, trở thành đối tượng săn đuổi cho hai chàng trai mạnh mẽ và vô cùng quyết liệt. Tên cô gái ấy là Ukraine.

TÌNH HÌNH HIỆN TẠI

Ukraine - cái nôi của nền văn minh các dân tộc Slav Đông nói chung và nền văn minh Nga nói riêng - là một trong những cái tên được nhắc đến nhiều nhất trên các bản tin thời sự trong những năm gần đây. Hiện tại, châu Âu đang ở bên bờ vực của chiến tranh gần hơn so với bất kì thời điểm nào kể từ khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc. Nga điều quân đội và vũ khí đến ép sát biên giới Ukraine, đồng thời đặt ra một "lằn ranh đỏ" khi yêu cầu NATO không kết nạp quốc gia này. Phương Tây đáp trả ngay lập tức khi triển khai thêm quân đội tới Ukraine và cung cấp vũ khí cho nước này để đề phòng một cuộc chiến tranh với Nga nổ ra, đồng thời bác bỏ yêu cầu của Nga ngăn Ukraine gia nhập NATO.
Người Nga đã giăng ra một thế gọng kìm kẹp chặt Ukraine: phía Đông là vùng li khai Donbass nơi có lực lượng Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk tự xưng do Nga hậu thuẫn cùng với hàng trăm nghìn binh sĩ, phía Bắc là Belarus - chư hầu trung thành nhất của Nga, phía Tây Nam là vùng li khai Transnistria thuộc Moldova - nơi được cho là có sự hiện diện của khoảng 1000 lính Nga, phía Nam là bán đảo Crimea bị Nga thôn tính từ năm 2014 và đang là nơi thả neo của Hạm đội Biển Đen hùng mạnh. Nếu Putin mà giống như Peter Đại Đế và bây giờ là thế kỉ XVIII chứ không phải XXI thì xe tăng Nga đã chạy rầm rập trên đường phố Kharkiv hoặc Kiev rồi, nếu không muốn nói là Lviv hay Odessa.
Quân đội Nga áp sát biên giới Ukraine. Nguồn: abcnews.
Quân đội Nga áp sát biên giới Ukraine. Nguồn: abcnews.

ĐỊA LÝ UKRAINE - TRANH CHẤP LÀ ĐỊNH MỆNH?

Như trong bài viết về Nga, tôi đã nói rằng, lí do lớn nhất khiến Ukraine trở nên quan trọng đến vậy đối với nước Nga - đủ lớn để khiến cho Putin sẵn sàng dùng vũ lực để đe dọa và đặt nó dưới tầm kiểm soát - nằm ở hai yếu tố: vị trí, và sự tiếp cận ra biển Đen.
Thứ nhất, Ukraine có địa hình tương đối bằng phẳng và tiếp giáp với biên giới phía Tây nước Nga. Điều này khiến cho Ukraine trở thành một vị trí hoàn hảo để phòng thủ - từ góc nhìn của Moskva. Ukraine và Belarus hợp lại sẽ tạo nên một vùng đệm đáng kể bao bọc phần thuộc Nga của Đồng bằng Bắc Âu, nơi tập trung phần lớn dân số, các đô thị lớn và trung tâm công nghiệp nặng của Nga. Chưa kể đến việc quốc gia này tiếp giáp với vùng núi Carpathia ở phía Tây. Dãy Carpathia đi một mạch từ Cộng hòa Séc tới Slovakia và Ba Lan trước khi nó lượn vòng cong xuống dọc biên giới cực Tây Ukraine, rồi chạy tiếp xuống phía Nam tới Romania. Khi bạn đứng từ phía Tây nhìn sang, thì ai kiểm soát được dải đồng bằng ven biển Đen phía Đông của dãy núi này sẽ nắm trong tay cửa ngõ ra vào nước Nga. Còn nếu bạn đứng từ phía Đông - khi mà xung quanh bạn toàn là đất bằng khó phòng thủ - thì việc bành trướng và mở rộng ảnh hưởng cho đến khi có được lợi thế tự nhiên là một điều tuyệt đối không được phép bỏ qua.
Bản đồ địa hình Ukraine. Nguồn: Ukraine - Wikipedia.
Bản đồ địa hình Ukraine. Nguồn: Ukraine - Wikipedia.
Thứ hai, bán đảo Crimea. Crimea có rất đông dân thuộc sắc tộc Nga, và quan trọng hơn, là có cảng nước ấm Sevastopol - quân bài cực kì quan trọng trong học thuyết hải quân Nga. Việc thiếu một quân cảng nước ấm đã luôn là điểm yếu chí mạng của hải quân Nga nói riêng và quân đội Nga nói chung - bạn thích nói về sức mạnh quân sự Nga bao nhiêu cũng được, nhưng hải quân phải mạnh thì quốc gia mới mạnh, và một lực lượng hải quân mạnh cần có hệ thống cảng biển thuận lợi. Tuy Sevastopol vẫn bị hạn chế ở khả năng tiếp cận đại dương - tàu thuyền từ đây muốn tiến ra Đại Tây Dương hoặc Ấn Độ Dương đều phải đi qua quá nhiều eo biển hẹp (nhiều trong số đó lại do các thành viên NATO hoặc đồng minh Mỹ kiểm soát) - nhưng người Nga không thể khoanh tay đứng nhìn Ukraine dần ngả về phía Tây và một vị trí quan trọng ngay trước cửa nhà mình bị kẻ khác chiếm mất được.
Năm 2014, Nga đã có thể lựa chọn tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và quyền tự quyết của Ukraine, nhưng họ cũng khó có thể chấp nhận để cho thủy thủ NATO vẫy tay chào mình từ Sevastopol trong tương lai gần. Điều đó sẽ đánh trực diện vào tiềm năng hải quân của Nga tại Biển Đen, khi họ bị buộc phải rút lui khỏi quân cảng nước ấm duy nhất mà họ có thể tiếp cận. Thế là con xúc sắc đã được gieo xuống, Crimea đã bị Nga sát nhập, và Ukraine với Nga từ những người láng giềng thân thiện đã trở thành kẻ tử thù. Tùy vào quan điểm của bạn, bạn có thể gọi sự sát nhập Crimea là một cuộc "xâm lược" hoặc một cuộc "giải phóng để về với mẫu quốc". Dù bạn nghĩ thế nào thì sự thật cũng là Nga đã vi phạm luật pháp quốc tế và xâm phạm chủ quyền của một quốc gia khác, để tiến hành cuộc chiến tranh thôn tính thành công duy nhất của một cường quốc trong thế kỉ này. Bạn cũng có thể lập luận rằng Mỹ và NATO cũng nhiều lần vi phạm luật pháp quốc tế chứ không riêng gì Nga, nhưng việc nhiều người khác cũng sai không biến được cái sai thành cái đúng.
"Khi bạn ép một cái lò xo quá chặt, nó sẽ bật trở lại mạnh mẽ. Phải luôn nhớ điều này." _Vladimir Putin_
Hạm đội Biển Đen. Nguồn: RT.
Hạm đội Biển Đen. Nguồn: RT.
Ngoài hai lý do trên, thì một vài nguyên nhân khác cũng có thể được liệt kê ra. Chẳng hạn, một số người cho rằng quyền lực của chế độ Putin sẽ lung lay khi Ukraine - một quốc gia với dân tộc, phong tục và văn hóa tương đồng với Nga - đột nhiên lại quay ngoắt sang phương Tây, nhận được sự phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống (điều này là có cơ sở, nền kinh tế của nhiều quốc gia hậu-cộng-sản như Ba Lan, Estonia, CH Séc, Hungary... đã tăng trưởng mạnh kể từ khi gia nhập EU). Điều đó cũng có thể trở thành một quân domino dẫn tới sự thay thế của chính quyền Putin bằng một chính phủ Nga mới với đường lối ngoại giao mở cửa hơn với phương Tây - thứ sẽ làm nhiều thành phần dân tộc chủ nghĩa tại Nga nổi giận. Hoặc, chúng ta cũng có thể nói đến việc Putin tham vọng xây dựng một Liên minh Kinh tế Á Âu do Nga làm trung tâm, và Ukraine - với nền công nghiệp nặng và nông nghiệp phát triển - sẽ là một mắt xích tiềm năng quan trọng trong liên minh này. Hoặc, cũng có một số người nhận định rằng Nga - Ukraine - Belarus là cùng một dân tộc, và Moskva đang tìm cách thu phục đứa con khó bảo về với mẫu quốc (tất nhiên, đây là một cách giải thích rất buồn cười, bởi cả ba dân tộc đều có chung một nguồn gốc là nhà nước Kievan Rus, chứ chẳng phải người Nga là thủy tổ của người Ukraine hay ngược lại).
Nói tóm lại, địa lý Ukraine quan trọng với tất cả những thế lực đứng xung quanh nó: nó nằm ở một vị trí quá thuận lợi để một bên phòng thủ và bên kia tiến công, đồng thời lại ngay ở phía Bắc Biển Đen. Chẳng trách mà trong lịch sử đã nhiều thế lực lớn muốn kiểm soát được khu vực này, nhưng chắc chắn kẻ thường xuyên muốn làm điều đó nhất chính là người hàng xóm phía Đông của họ.

VẬY, LỖI TẠI AI?

Người ta có hai xu hướng đổ lỗi cho tình hình căng thẳng ở Ukraine hiện nay: một là do sự hung hăng của Nga, hai là do phương Tây và chính bản thân Ukraine. Sự thật là, bên nào cũng có cái lý của họ cả, và do đó, chẳng có người tốt hay kẻ xấu nào trong câu chuyện này hết, chỉ có các phe phái tranh nhau lợi ích và xoay chuyển cán cân quyền lực mà thôi.
Lính Nga trên xe bọc thép. Nguồn: Al Jazeera.
Lính Nga trên xe bọc thép. Nguồn: Al Jazeera.
Do những mối lo ngại về an ninh của mình, Nga đã luôn bị quốc tế chỉ trích là kẻ "không biết làm bạn với láng giềng". Có vẻ như người Nga chỉ biết có hai loại quốc gia ở bên cạnh mình, một là kẻ thù và hai là chư hầu. Tôi rất tôn trọng Putin ở thái độ thẳng thắn, cứng rắn và sự bảo vệ các giá trị dân tộc truyền thống của ông ấy, nhưng có lẽ Putin sẽ phù hợp để làm một Sa Hoàng của Đế chế Nga hơn là một Tổng thống của một Liên bang Nga dân chủ. Như đã nói ở trên, xe tăng Nga đã có thể húc đổ cổng tòa nhà quốc hội tại Kiev nếu như Putin thực sự muốn có chiến tranh, nhưng đây là thế kỉ XXI chứ không phải thế kỉ XVIII và Putin cũng không thể như Peter Đại Đế được. Cứ ném hết ngân khố quốc gia vào quân đội và các cuộc chinh phạt trong khi nạn tham nhũng, nghèo đói, mâu thuẫn xã hội, chất lượng cuộc sống thấp... vẫn đang tràn lan ở chính quốc gia của mình - có lẽ không phải một chính sách khôn ngoan cho một nhà lãnh đạo của một nền dân chủ. Ngoài ra, việc đòi hỏi một quốc gia độc lập có chủ quyền khác phải hứa sẽ hi sinh lợi ích và quyền tự quyết của họ để đảm bảo an ninh cho mình chính là một sự can thiệp nội bộ trắng trợn. Nếu việc đi theo dân chủ kiểu phương Tây là lựa chọn của người dân Ukraine, thì dù tốt hay xấu, quyền tự quyết của họ cũng nên được tôn trọng.
Tất nhiên, khó có thể trách Putin khi mà phương Tây cũng chẳng phải vừa, khi nó cứ thế nhích dần về phía Đông và rủ rê thêm những quốc gia mà tình đồng chí xã hội chủ nghĩa tươi đẹp với Moskva của họ đã tan tành mây khói. Kể từ khi người Nga rút lui từ những năm 90, NATO và EU tiếp tục bành trướng về phía Đông. Putin cáo buộc phương Tây vi phạm nghiêm trọng những thỏa thuận đã được đặt ra, và rằng các quốc gia kia đã hứa sẽ không bao giờ sẽ tham gia NATO, còn phương Tây thì lại tuyên bố rằng chẳng có một thỏa thuận nào như thế cả, thế là chúng ta lại quay về với câu chuyện con gà hay quả trứng có trước. Dù về mặt bản chất thì NATO chỉ là một khối quân sự "phòng thủ chung", đến một đứa trẻ cũng có thể hiểu rằng các nhà lãnh đạo phương Tây - đặc biệt là các vị bậu sậu đang ngồi tại tòa Bạch Ốc và Lầu Năm Góc - đang tìm cách chiếu tướng một nước Nga vừa trỗi dậy từ đống đổ nát của Liên bang Xô Viết.
Những người này có quan tâm đến lợi ích của dân tộc Ukraine hay không? Những người này có nghiêm túc khi nói về một Ukraine "toàn vẹn và thống nhất" không? Những người này liệu có thực sự sẽ sát cánh đến cùng với Kiev trong trường hợp xấu nhất không? Không và không. Hầu hết người Mỹ có khi còn chẳng biết Ukraine là chỗ quái quỷ nào. Hơn nữa, chúng ta đã thấy người Mỹ đã "chơi đẹp" thế nào khi họ bỏ chạy khỏi một Kabul đổ nát và Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan như bước qua cánh cửa đang mở. Quan trọng nhất, Ukraine không phải và cũng chưa phải một thành viên NATO, do đó Tổng thống Zelensky nên hiểu rằng NATO sẽ không kích hoạt Điều 5 khi quốc gia này khiêu khích Nga quá trớn và bị tấn công. Ukraine dường như đang đơn độc trong cuộc chiến này, phương Tây đang gióng trống thúc giục nó, còn Moskva đang ngồi im chờ thời cơ. Tốt nhất là Biden nên nói thẳng với dân Ukraine như thế hơn là rót vào tai họ những lời đường mật và đóng vai làm cảnh vệ của thế giới.
Đứng trước một mối đe dọa lớn về an ninh như vậy, khó có vị lãnh đạo Nga nào có thể ngồi yên được, dù có yêu hòa bình đến mấy. Người La Mã cổ đại có câu "Nếu muốn hòa bình, phải chuẩn bị cho chiến tranh". Trùng hợp thay, đôi khi Moskva được nhắc tới như là "Thành Rome thứ ba", và nếu nói tới chiến tranh thì chắc chắn người Nga hiểu rõ nó hơn ai hết. Khi bạn là lãnh đạo của một quốc gia mà cách đây 80 năm đã phải trả giá bằng 27 triệu sinh mạng để giành lại quyền được tồn tại, một quốc gia nơi mà gia đình nào cũng từng có nạn nhân của một cuộc chiến giữ nước mà nhân dân coi tầm cỡ của nó ngang với một cuộc Thánh Chiến, thì bạn hiểu rằng bạn PHẢI bảo vệ đất nước của bạn khỏi bất cứ mối đe dọa nào bằng bất cứ giá nào. Và cách hiệu quả cũng như thẳng thắn nhất để làm điều đó chính là bằng sức mạnh quân sự và chính trị.
"Tôi bị thuyết phục rằng không có gì họ (người Nga) ngưỡng mộ bằng sức mạnh, và không có gì họ khinh bỉ nhiều hơn sự yếu đuối, đặc biệt là yếu đuối về mặt quân sự" _Winston Churchill_
Sự mở rộng lãnh thổ của NATO. Trước đây Hoa Kỳ cũng đã từng đặt ra "lằn ranh đỏ" với Liên Xô khi tuyên bố việc lắp đặt tên lửa hạt nhân tại Cuba là một hành động tuyên chiến. Nếu khối Warsaw và Mexico hay Canada tính đến chuyện kết nạp, chắc chắn Washington sẽ hành động tương tự với Moskva bây giờ. Nguồn: Enlargement of NATO - Wikipedia.
Sự mở rộng lãnh thổ của NATO. Trước đây Hoa Kỳ cũng đã từng đặt ra "lằn ranh đỏ" với Liên Xô khi tuyên bố việc lắp đặt tên lửa hạt nhân tại Cuba là một hành động tuyên chiến. Nếu khối Warsaw và Mexico hay Canada tính đến chuyện kết nạp, chắc chắn Washington sẽ hành động tương tự với Moskva bây giờ. Nguồn: Enlargement of NATO - Wikipedia.
Còn đối với Ukraine, một số người cho rằng lỗi nằm ở việc quốc gia này đã quá mạo hiểm trong những chuyến phiêu lưu ngoại giao của mình. Khi bạn nằm cạnh một tên láng giềng khổng lồ có tiền sử xâm lược bành trướng, tốt hơn hết là bạn đừng nên làm gì để khiến hắn bực mình. Phần Lan và Canada hiểu điều này, Cuba và Gruzia thì không. Tuy nhiên, nếu lấy ổn định chính trị ra để làm lý do biện minh cho một mối quan hệ quá gần gũi với kẻ đã đô hộ mình hàng thế kỉ thì sẽ khó mà làm vừa lòng được một quốc gia với tư tưởng dân tộc chủ nghĩa ngày một lên cao. Ukraine và Nga đã cơm không ngon canh không ngọt trong hàng trăm năm nay rồi. Từ thời Đế quốc Nga, các Sa Hoàng đã luôn tìm cách "Nga hóa" vùng đất này, cấm đoán việc sử dụng ngôn ngữ Ukraine trong trường học, xuất bản và nơi công cộng, đồng thời tuyên bố rằng tiếng Ukraine "chưa bao giờ, không và sẽ không bao giờ tồn tại".
Sang thời Liên Xô - thực thể mà tất cả chúng ta đều biết rằng nó chỉ là Đế quốc Nga mặc áo đỏ, Ukraine cũng chứng kiến nhiều thay đổi cả tốt lẫn xấu. Trong những năm cầm quyền của Vladimir Lenin, những người Bolshevik ở Ukraine, khi chứng kiến một xã hội kiệt quệ vì chiến tranh tàn phá, đã trở nên tương đối mềm dẻo và tạo điều kiện cho văn hóa và ngôn ngữ Ukraine được phục hồi - như là một phần của chính sách Korenizatsiya (nghĩa đen: bản xứ hóa) của chính quyền Lenin. Lenin cho rằng mối đe dọa lớn đối với sự tồn tại của Liên Xô chính là "Chủ nghĩa Đại Nga", do đó sự Nga hóa dưới thời Lenin đã khó diễn ra hơn. Khi Stalin lên nắm quyền, các chính sách của Lenin đã bị đảo ngược, văn hóa riêng của dân tộc Ukraine bị loại bỏ để chỉ còn lại một nền văn hóa Xô Viết. Bàn tay sắt của Stalin đã công nghiệp hóa vùng đất này nhanh chóng và sản lượng công nghiệp đã tăng 400% trong những năm 30. Tuy nhiên, những người nông dân lại là nạn nhân trực tiếp của quá trình "tập thể hóa nông nghiệp" khi họ bị cưỡng ép giao nộp đất đai và gia súc cho chính quyền. Nạn đói lớn đã xảy ra khiến từ vài trăm nghìn đến vài triệu người chết, và nó được gọi là "Holodomor". Đó là chưa kể tới những cuộc thanh trừng nhằm vào tầng lớp giáo sĩ và trí thức Ukraine.
Nông dân chết đói trên đường phố Kharkiv. Nguồn: Holodomor - Wikipedia.
Nông dân chết đói trên đường phố Kharkiv. Nguồn: Holodomor - Wikipedia.
Vladimir Putin có thể gọi sự sụp đổ của Liên Xô là một "thảm họa", nhưng đối với người Đông Âu nói chung và Ukraine nói riêng, nó có nghĩa là họ được thoát khỏi xiềng xích của người Nga sau hàng thế kỉ. Những nỗi đau của nạn xâm lược, đồng hóa, thanh trừng, đói kém... đã ảnh hưởng lớn tới thái độ của một nhà nước Ukraine độc lập với Moskva. Kể từ khi độc lập khỏi Liên Xô, Ukraine đã cứ thế nhích dần hơn về phía Tây, trong một nỗ lực thoát khỏi cái bóng của Liên Xô đồng thời phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống. Bạn gọi việc họ có nguyện vọng đứng gần hơn với phương Tây là cái gì cũng được, Ukraine là một quốc gia độc lập có chủ quyền và họ có quyền quyết định tương lai của mình. Khi những mối đe dọa còn không xa xưa lắm từ phía Đông lại đang nhen nhóm bùng lên, Ukraine còn có lựa chọn nào khác ngoài quay sang phía Tây để xin nhờ nương tựa? Chính quyền của ông Zelensky thừa hiểu rằng phương Tây chỉ nhìn Ukraine như là một con cờ trong cuộc chơi lợi ích địa chính trị với Moskva, nhưng một mình Ukraine thì làm sao mà chống lại nổi con gấu Nga khổng lồ từ phương Đông? Nói thẳng ra thì Ukraine KHÔNG THỂ MỘT MÌNH THẮNG NGA ĐƯỢC.
Bạn có thể gọi Zelensky là một gã hề lên làm lãnh đạo cũng được, nhưng có hai điều bạn nên hiểu. Thứ nhất, không phải ai cũng có thể trở thành một nhà lãnh đạo, nhưng một nhà lãnh đạo có thể là bất cứ ai và đến từ bất cứ đâu (cựu tổng thống Mỹ Ronald Reagan cũng từng là một diễn viên Hollywood), bởi đó là cách một nền dân chủ hoạt động. Thứ hai, bất cứ ai nắm quyền tại một Ukraine vừa bị tàn phá bởi cơn bão táp chính trị, vừa bị mất một vùng lãnh thổ chiến lược to bằng bang Maryland của Hoa Kỳ, đang đối diện với những phần tử đòi li khai do nước ngoài hậu thuẫn, đang bị ép phải chơi và không được chơi với ai trên bàn ngoại giao, và đang giáp mặt với kẻ đứng sau tất cả những thứ kể trên - cũng sẽ phải hành động tương tự để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình. Nhiều người nhận định rằng tất cả sự hỗn loạn 8 năm vừa qua là cái giá phải trả của việc đi theo "dân chủ kiểu phương Tây" của Ukraine. Tuy nhiên thì, đứng từ góc nhìn của Kiev, họ chỉ có hai lựa chọn: ngồi im và chịu bị bắt nạt, hoặc là tìm đến một thằng bắt nạt khác để xin bảo kê.

LIỆU CÓ THỂ CÓ CHIẾN TRANH KHÔNG?

Truyền thông phương Tây tồn tại được là nhờ những tin tức sốt dẻo. Họ luôn luôn thích phóng đại sự thật và kích động sự sợ hãi, bởi những thứ tin tức đó thì nghe thú vị hơn và được nhiều lượt xem hơn là những tin tốt lành. Do đó, khi BBC hoặc CNN nói với bạn rằng Thế Chiến Ba sắp nổ ra và tâm điểm của nó sẽ là Đông Âu, bạn nên hiểu rằng nó sẽ không nổ ra.
Người Nga được gì và mất gì khi tiến đánh Ukraine? Câu trả lời là mất nhiều hơn được. Trừng phạt kinh tế và phong tỏa sẽ ở một mức độ chưa từng thấy. Những lệnh trừng phạt của phương Tây từ năm 2014, cộng với sự lao dốc của giá dầu đã làm nền kinh tế Nga chao đảo. Trừng phạt ở một mức độ cao hơn chắc chắn sẽ có thể giáng một đòn chí tử lên nền kinh tế Nga, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và dẫn tới sự mất ổn định nội bộ. Thêm vào đó, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 - siêu công trình dẫn khí đốt từ Nga đến Đức với tầm quan trọng chiến lược đối với Moskva - gần như chắc chắn sẽ bị đóng cửa. Đến lúc đó thì miệng lưỡi người Đức sẽ là không đủ để bảo vệ được lợi ích kinh tế của Nga. Và quan trọng nhất, Mỹ và NATO chắc chắn sẽ hỗ trợ Ukraine về mặt quân sự, kinh tế và ngoại giao. Về lâu dài, đây sẽ là cuộc chiến mà cả hai bên cùng thua, chỉ có phương Tây được lợi. Putin không phải kẻ ngốc, và Zelensky cũng không dại mà đi chọc tổ ong vò vẽ.
Tổng thống Ukraine bảo Biden "tém tém lại" với các cảnh báo Nga xâm lược, rằng ông ta đang tạo ra hỗn loạn không đáng có. Nguồn: Business Insider.
Tổng thống Ukraine bảo Biden "tém tém lại" với các cảnh báo Nga xâm lược, rằng ông ta đang tạo ra hỗn loạn không đáng có. Nguồn: Business Insider.
Nguồn: Vietnamplus.
Nguồn: Vietnamplus.
Hơn nữa, trước khi gây chiến tranh, bạn phải tính toán đến việc liệu cuộc chiến này có được nhân dân ủng hộ hay không. Ở bất cứ chế độ nào: dân chủ, cộng sản, phát xít, phong kiến, độc tài... thì sự ủng hộ của người dân cũng là một tài nguyên quý giá không kém gì nhiên liệu hay đạn dược. Hãy nhìn vào nước Mỹ trong Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai và Chiến tranh Việt Nam thì biết. Trong Thế chiến Hai, không khí quyết chiến hừng hực ở khắp xã hội Mỹ, do đó các nhà cầm quyền Mỹ có thể thuận lợi mà tiến hành những cuộc viễn chinh khắp châu Âu, châu Phi và châu Á. Trong cuộc chiến ở Đông Nam Á kia, sự ủng hộ của người dân Mỹ đã chạm đến đáy vào những năm 70 và phong trào phản chiến nổ ra khắp nơi, khi các bố mẹ thường dân chứng kiến con em mình mất tay, mất chân, tinh thần kiệt quệ và trí óc bị ảnh hưởng khi chiến đấu trong một cuộc chiến sa lầy tại nơi rừng thiêng nước độc.
Đối với người Nga, ký ức về những cuộc chiến dai dẳng ở Afghan hay Chechnya vẫn còn đó. Chưa kể, nhiều người Nga và Ukraine, bất chấp những mâu thuẫn chính trị, vẫn thực sự coi nhau như những người anh em cùng chung một nguồn gốc. Nhiều người Nga nói họ có họ hàng và bạn bè ở Ukraine nhiều hơn là kẻ thù. Nhiều sĩ quan trong quân đội Nga và Ukraine đã từng là đồng đội của nhau khi cùng chiến đấu dưới lá cờ Xô Viết. Hơn nữa, nước Nga hiện tại cũng đang có đủ nhiều vấn đề cần phải khắc phục, do đó nếu bạn hỏi ý kiến của người Nga về chuyện tấn công Ukraine, khả năng cao câu trả lời mà bạn nhận được sẽ là "Để làm cái gì cơ chứ". Thứ cuối cùng mà nước Nga cần hiện tại là một cuộc chiến sẽ dẫn tới khánh kiệt kinh tế và lục đục nội bộ.
Ý kiến của một vài người dân Moskva về khả năng Nga xâm lược Ukraine.
Khi mà Nga đã điều cả trăm ngàn quân để vây chặt Ukraine, thì dù là họ đang triển khai binh lính trong biên giới của mình, nhưng ai cũng biết rằng họ đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Tuy nhiên, việc họ vẫn mở kênh đối thoại với Mỹ, đồng thời gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo châu Âu khác như Tổng thống Hungary Viktor Orbán và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thì có thể nói rằng tất cả những gì người Nga làm chỉ là một đòn khiêu khích đối với phương Tây. Mục tiêu trước mắt của họ là gửi đi một tối hậu thư: NATO phải hứa sẽ không bao giờ kết nạp Ukraine vào liên minh này. Nếu Nga mà tấn công Ukraine thật thì sẽ mất đi yếu tố bất ngờ ngay lập tức, phương Tây và Ukraine đã có thừa thời gian chuẩn bị rồi.
Chiến tranh là một điều rất khó xảy ra trong thế kỉ XXI này. Tuy nhiên, như một vĩ nhân nào đó đã từng nói "có hai thứ vô tận: vũ trụ và sự ngu dốt của con người, và tôi chỉ không chắc chắn về cái thứ nhất thôi". Lịch sử của nhân loại được viết bằng máu, hàng ngàn cuộc chiến lớn nhỏ trong suốt hàng vạn năm tồn tại, và cũng không có gì để đảm bảo rằng chúng ta sẽ có một thế kỉ XXI yên bình. Sự đối đầu của Nga và Ukraine khiến cho người ta không khỏi cảm thấy đau lòng, khi hai dân tộc vốn trước đây từng là một lại đang là kẻ thù không đội trời chung. Hai quốc gia với nền văn hóa, phong tục, ngôn ngữ và tôn giáo tương đồng nhau lại đang chĩa súng vào nhau. Thật khó có thể tưởng tượng được cách đây 1000 năm họ đã từng là những người anh em cùng ngồi chung một mâm cơm, cùng chiến đấu bên nhau, cùng thờ một vị Chúa và cùng sợ một lũ quỷ.
"Bà nghĩ ai chịu trách nhiệm cho cái chết của con trai bà?". "Chính phủ Nga và chính phủ Ukraine. Tại sao đến tận bây giờ họ vẫn không thể đàm phán hòa bình được?" _Bà Nadiya Kucherenko, mẹ của cậu Viktor Kucherenko - một người lính Ukraine hi sinh trong cuộc xung đột với các phần tử li khai ở Donbass, trả lời phỏng vấn của Vice News_
"Tôi không muốn thanh niên ở cả hai phe phải chết. Dù là người Nga hay người Ukraine, tôi cũng không muốn chuyện đó xảy ra. Tôi không thể chịu nổi một cuộc thảm sát đâu. Chúng ta chẳng cần phải đánh nhau làm gì". "Cụ là ai? Cụ có phải người muốn phá cuộc bỏ phiếu không?". "Không, con trai. Ta là một sĩ quan của quân đội Liên Xô, hiểu chứ?". _Cụ Bohdan Leskiy, cư dân Crimea, trả lời người ủng hộ Moskva tại một cuộc tuần hành ở Sevastopol, nguồn: Vice News_

TỔNG KẾT

Hòa bình giữa hai dân tộc là điều hoàn toàn khả thi. Nguồn: Washington Post.
Hòa bình giữa hai dân tộc là điều hoàn toàn khả thi. Nguồn: Washington Post.
Lí giải cho tất cả đống rắc rối tại Ukraine hiện nay, có những nguyên nhân chính sau đây: đầu tiên là vị trí địa lý, thứ hai là quyền tiếp cận Biển Đen, thứ ba là việc người Ukraine đã không còn quyền được quyết định tương lai của mình - khi mà hai gã khổng lồ Nga Mỹ mới là những người thảo luận về tương lai của Ukraine chứ không phải là chính họ. Ngoài ra, tuy khả năng xảy ra chiến tranh là rất thấp, nhưng chúng ta không được phép dừng lại chừng nào nó chưa nằm ở con số 0 phần trăm.
Bài học từ Ukraine cũng là bài học dành cho những quốc gia nhỏ bé khác trên thế giới: Một, bản sắc riêng của dân tộc bạn sẽ không bao giờ lụi tàn, chừng nào bạn vẫn còn giữ gìn chúng và hi vọng vào tự do. Hai, nếu bạn nằm ngay cạnh một gã hàng xóm khổng lồ hùng mạnh và hiếu chiến, tốt hơn hết là chơi trò nước đôi và đừng làm hắn cáu lên (giống như một Phần Lan thuộc EU nhưng cũng có quan hệ rất tốt với Moskva). Và ba, bạn nên là người quyết định tương lai của quốc gia mình chứ không phải một thế lực ngoại bang từ phía Tây hoặc phía Đông nào đó.
Bài hát dân gian Ukraine "Ukraine tự do muôn năm" - một bài hát rất hay về Ukraine.
Những người nông dân Ukraine và Nga chạy trốn sự cai trị của Liên minh Ba Lan - Litva và Đại Công quốc Moskva xa xưa đã tìm đến những vùng thảo nguyên phía Nam ven Biển Đen để có được sự tự do. Họ trở thành những chiến binh vĩ đại khét tiếng của Đông Âu, cũng hoang dã và nguy hiểm như cao bồi miền Tây nước Mỹ, đã từng làm mưa làm gió trên các bãi chiến trường của Lục địa Già, được biến đến với cái tên Cossack. Người Ukraine ngày nay vẫn đang tiếp tục đi trên con đường tìm kiếm tự do của các kị binh Cossack thời xưa. Con đường đến với tự do của người Ukraine chắc chắn là còn nhiều thử thách ở phía trước, khi các thế lực từ phương Đông cũng như phương Tây vẫn đang tìm cách mổ xẻ họ và biến họ thành bia đỡ đạn.
Tôi không phải người sùng đạo, nhưng tôi sẽ cầu nguyện, cho quyền được tồn tại của một quốc gia Ukraine độc lập và tự chủ, không bị Nga hay phương Tây chi phối, nơi người Ukraine sẽ toàn quyền quyết định số phận của quốc gia mình. Tôi sẽ cầu nguyện cho nhân dân Ukraine, nhân dân Nga, những nạn nhân trực tiếp của một cuộc chiến vô nghĩa. Nếu thực sự có chiến tranh, thì nó nên được tiến hành như thế này: mấy gã chính trị gia cởi trần, mặc quần đùi, đeo găng đấm bốc và chui vào một cái lồng mà đánh nhau, để cho binh lính cũng như những người dân vô tội không phải đổ máu.
"Tôi đang cảm thấy khó hiểu quá. Anh đang muốn giết họ, họ đang muốn giết anh, các anh đều đang muốn giết nhau chỉ vì ông kia muốn giết ông kia? Chẳng hợp lý gì hết! Tôi có ý này: để hai lão ấy đánh nhau, chúng mình cùng ngồi xuống vừa xem vừa uống rượu. Cá cược nữa!" _Thuyền trưởng Jack Sparrow_
Đọc thêm:
Nguồn tham khảo:
- Những tù nhân của địa lý, Tim Marshall, NXB Nhã Nam, 2020.
- 21 bài học cho thế kỉ 21, Yuval Noah Harari, NXB Nhã Nam, 2019.