“Ngôn Ngữ Anh là gì? Ngôn Ngữ Anh sẽ học về những gì? Làm sao để có thể theo được ngành Ngôn Ngữ Anh? Học Ngôn Ngữ Anh xong thì làm gì? Mình có hối hận khi đã lựa chọn theo học ngành Ngôn Ngữ Anh?"

Đó là một số trong rất nhiều các câu hỏi dạo gần đây mình nhận được từ các em khóa dưới. Do vậy hôm nay, bằng những kinh nghiệm mình có trong suốt 3 năm theo học ngành Ngôn Ngữ Anh, và dưới sự tham khảo của một số bài viết, mình xin mạn phép được tổng hợp chúng lại dưới dạng bài viết chia sẻ những quan điểm cá nhân về ngành học Ngôn Ngữ Anh này.

Mong bài viết sẽ mang lại nhiều thông tin hữu ích cho các bạn độc giả, giúp các bạn có cái nhìn tường tận, cụ thể, đa chiều hơn về ngành Ngôn Ngữ Anh.

1. Định nghĩa

Trước tiên, xét về mặt ngôn ngữ để phân tích thì Ngôn Ngữ Anh chính là một cụm danh từ ghép gồm 2 yếu tố là Ngôn NgữAnh (trong Tiếng Anh).
– Trong cuốn giáo trình Dẫn Luận Ngôn Ngữ học do Nguyễn Thiện Giáp chủ biên, Ngôn Ngữ được khẳng định là một hình thái xã hội đặc biệt dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mac, vì: (1) Nó phục vụ xã hội với tư cách là phương tiện giao tiếp; (2) Nó thể hiện ý thức xã hội; (3) Sự tồn tại và phát triển của ngôn ngữ gắn liền với sự tồn tại và phát triển của xã hội. Ngôn Ngữ đảm nhiệm 2 chức năng chính đó là: phương tiện giao tiếp trọng yếu nhất của con người, và là phương tiện của tư duy.

– Từ định nghĩa trên, ta có thể thấy Tiếng Anh về cơ bản chính là một phương tiện giao tiếp của một/một số cộng đồng người ở phương Tây. Học Ngôn Ngữ Ngữ Anh cũng giống như học tiếng Việt, chúng minh sẽ học và đi sâu vào nghiên cứu phân tích những đặc điểm của tiếng Anh, qua đó hiểu hơn về văn hóa, xã hội, con người của các quốc gia nói tiếng Anh.

Nói một cách tổng quan, trên trang báo điện tử: https://edu2review.com ngành Ngôn Ngữ Tiếng Anh được định nghĩa: “là ngành học nghiên cứu về các phương pháp học tập loại ngôn ngữ phổ biến là tiếng Anh, đồng thời đây còn là ngành nghiên cứu về lịch sử, con người, văn hóa của các quốc gia, dân tộc sử dụng tiếng Anh trên thế giới. Bên cạnh đó, trong quá trình đào tạo, người học còn được trang bị thêm các kiến thức bộ trở về kinh tế, tài chính, du lịch, sự kiện, giảng dạy… để đáp ứng nhu cầu của thị trường việc làm hiện nay".

2. Chương trình đào tạo

Dựa trên kinh nghiệm của bản thân 3 năm học ngành Ngôn Ngữ Anh về cơ bản sinh viên chúng mình sẽ phải hoàn thành chường trình học của 2 khối kiến thức chính: (1) Kiến thức giáo dục đại cương (hay còn gọi là khối kiến thức chung); (2) Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp (gồm kiến thức cơ sở của khối ngành và kiến thức chuyên ngành).

1. Trong khối kiến thức giáo dục đại cương, chúng mình sẽ học những kiến thức cơ bản về các môn lý luận chính trị (những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh), khoa học xã hội và nhân văn, giáo dục thể chất, quốc phòng – an ninh, ngoại ngữ 2 (Trung, Hàn, Nhật…). Phần lớn những kiến thức này sẽ được học ở những kỳ đầu tiên của năm nhất đến năm hai.

2. Trong khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp.
– Kiến thức cơ sở: đây là khối kiến thức nền tảng, trang bị cho sinh viên các kỹ năng như: Nghe – Nói – Đọc – Viết – Ngữ Âm – Ngữ Pháp, các kiến thức chuyên sâu về ngôn ngữ tiếng Anh như: Ngữ Âm – Âm vị học, Ngữ nghĩa. Ngoài ra, trong quá trình học, mình cũng được mở rộng vốn kiến thức về văn hóa – xã hội qua các môn như Văn học Anh – Mỹ, Đất nước học các nước nói tiếng Anh, v.v

– Kiến thức chuyên ngành: Ở khối này mỗi trường đại học sẽ có một chương trình đào tạo khác nhau, có trường sẽ cho sinh viên lựa chọn, có trường sẽ chủ động định hướng cho sinh viên. Ví dụ, trường mình theo học là trường Đại học Công Nghiệp Hà Nội, về đặc điểm trường mình chủ yếu là đào tạo về các ngành kỹ thuật như: cơ khí, điện tử,.. do vậy sinh viên ngành Ngôn Ngữ Anh chúng mình được định hướng cụ thể sẽ theo ngành Biên – Phiên dịch tiếng Anh.

3. Nên hay không nên học ngành Ngôn Ngữ Anh?

Một cách khách quan mà nói thì việc lựa chọn ngành học phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như tính cách, sở thích, năng lực, đam mê, và tài chính. Do vậy, khi đưa ra lời khuyên cho các em khóa dưới, điều đầu tiên mình làm là thường đặt ngược lại cho các em những câu hỏi như: “Em là một người như thế nào? Em có thật sự thấy thích và hứng thú với tiếng Anh không?, v.v”. Sau đó, mình chia sẻ với các em một số cảm nhận của cá nhân mình về ngành học Ngôn Ngữ Anh như sau:

1. Ngôn Ngữ Anh là ngành học đi sâu vào các lĩnh vực, khía cạnh của Tiếng Anh, nên điều kiện tiên quyết đó là chúng mình cần có niềm ĐAM MÊTÌNH YÊU với tiếng Anh. Hay nói cách khác là chúng mình cần có sở thích muốn được học và tìm hiều về các lĩnh vực khác bằng tiếng Anh.

2. Ngôn ngữ Anh là một ngành học nói dễ cũng không phải, nhưng nói khó cũng không hẳn. Đây là ngành học đòi hỏi một sự nỗ lực phải thật kiên trì và bền bỉ, hay nói cách khác đó chính là PHẢI CHĂM thì mới học được. Dĩ nhiên điều này không phải là đúng trong mọi trường hợp, vì có nhiều bạn vốn kiến thức nền Tiếng Anh đã chắc từ hồi cấp 3, nên những học phần đầu tiên, có thể không cần phải học mà điểm số vẫn cao. Tuy nhiên, thành phần này thì không nhiều, và có nhiều đi chăng nữa thì cũng chỉ diễn ra ở những học phần đầu tiên như: Nghe – Nói – Đọc – Viết 1 -2, vì sang đến 3, kiến thức nâng cao một cách vượt bậc trông thấy. Ngôn ngữ mà, nó phát triển theo thời gian, nên nếu mình cứ bình tĩnh dậm chân tại chỗ, không chịu trau dồi vốn từ vựng, ngữ pháp, rèn luyện kỹ năng hằng ngày thì tất nhiên sẽ không có nhiều tiến bộ.

3. Để học được Ngôn Ngữ Anh, kỹ năng TỰ HỌCTỰ NGHIÊN CỨU là vô cùng cần thiết. Bởi lẽ, bài tập của các học phần vô cùng nhiều, hầu như đều là những assignment, project, presentation. Thời lượng học trên lớp vô cùng ít, nên để hoàn thành tốt các bài tập trên mình phải dành ra kha khá nhiều thời gian tự học ở nhà và trên thư viện để đọc thêm tài liệu.

4. TINH THẦN HỢP TÁC, CẦU THỊ, KHIÊM TỐN chính là những điều mình thấy cần có đối một sinh viên ngành Ngôn Ngữ Anh. Cụ thể, trong vấn đề học tập như mình đã đề cập ở trên, khối lượng bài tập của ngành thật sự rất nhiều, thời hạn lại đòi hỏi phải hoàn thành trong một khoảng thời gian ngắn nữa, nên làm việc nhóm chính là một giải pháp tối ưu để nâng cao hiệu suất công viêc. Do vậy, trong quá trình làm việc nhóm với các bạn, chúng mình cần học cách trở nên khiêm tốn hơn, hạ bớt cái tôi cá nhân của bản thân xuống để biết cách lắng nghe, hợp tác và đưa ra các giải pháp giải quyết vấn đề. Ngoài ra, mình cũng cho rằng những tinh thần này vô cùng cần thiết trong các hoạt động ngoại khóa ví dụ như trong môi trường của các CLB, tập thể Đoàn – Hội v.v.

5. Điều cuối cùng mình muốn đề cập đến đó là vấn đề TÀI CHÍNH. Vì học ngoại ngữ rất cần phải có sự đầu tư, không chỉ là về thời gian mà còn là tiền bạc nữa. Nguồn tiền đó có thể là: học phí, giáo trình, hay lệ phí cho các kỳ thi chứng chỉ quốc tế ví dụ như IETLS. Nên gì thì gì, để có thể theo học được ngành Ngôn Ngữ Anh một cách toàn tâm toàn ý, vấn đề tài chính là một vấn đề rất đáng để lưu tâm.

4. Học ngôn ngữ Anh thì mai sau làm việc gì?

Nói về cơ hội việc làm, người học ngành này thường chia ra làm 2 trường phái (1) tiêu cực; (2) tích cực.

– (1) Đối với nhóm theo trường phái tiêu cực, tức những bạn cảm thấy mình đã sai lầm khi lựa chọn ngành, trong quá trình học cảm thấy bản thân không thích hợp, sẽ cho rằng việc học ngành này là vô bổ, các kiến thức không có tính ứng dụng cao trong thực tiễn. Suy ra, cơ hội việc làm với những bạn này là rất ít, ra trường thường khó kiếm việc làm, hoặc làm trái ngành trái nghề.

– (2) Đối với nhóm theo trường phái tích cực, tức những bạn đã may mắn chọn được đúng ngành, trong quá trình học thường luôn cảm thấy bản thân như một hạt cát giữa sa mạc mênh mông, luôn luôn cố gắng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm hằng ngày để có thể vận dụng các kiến thức học được vào cuộc sống. Cơ hội việc làm với nhóm này cũng theo đó mà rộng mở hơn, mức độ thất nghiệp cũng sẽ thấp hơn nhóm tiêu cực.

Dưới đây là một số vị trí việc làm dành cho sinh viên nhành Ngôn Ngữ Anh:
– Biên/ Phiên dịch
– Giảng dạy tiếng Anh
– Lễ tân
Hướng dẫn du lịch
– Trợ lý, thư ký
– Điều phối dự án

5. Lời kết

Trên đây là một số quan điểm của mình về ngành Ngôn Ngữ Anh, mong rằng chúng sẽ hữu ích đối với các bạn.

Với mình Ngôn Ngữ Anh là một ngành học rộng, đòi hỏi người học phải không ngừng thay đổi, và nỗ lực, cố gắng. Mặc dù trong thời điểm hiện tại mình chưa đạt được nhiều thành công nhất định, nhưng khi nhìn lại mình thấy không hối tiếc. Tương lai phía trước vẫn còn là một ẩn số, trong mình thú thực vẫn còn rất nhiều điều băn khoăn. Nhưng dù sao đi chăng nữa, mình vẫn luôn tin vào câu nói của ông già nói với anh chàng Santiago trong Nhà Giả Kim: “nếu ta quyết tâm thì cả vũ trụ sẽ cùng chung sức“.
– Be nice, be kind, and shine the light –

Đọc thêm: