Sức mạnh của cái bụng
Có thể bạn đã nghe ghép giác mạc, ghép thận, ghép tim thậm chí là ghép đầu nhưng có bao giờ bạn từng nghe ghép phân chưa? Bạn không...
Có thể bạn đã nghe ghép giác mạc, ghép thận, ghép tim thậm chí là ghép đầu nhưng có bao giờ bạn từng nghe ghép phân chưa? Bạn không nghe nhầm đâu. Trong những năm gần đây có một phương pháp chữa bệnh mới nổi, nghe có vẻ lạ lùng và kém sang gọi là ghép phân hay chính xác là ghép vi sinh vật có trong phân (Fecal microbiota transplantation). Nhờ tìm hiểu những vi sinh vật nhỏ bé trong đường ruột mà các nhà khoa học đã khám phá ra vai trò đáng kinh ngạc của chúng đối với sức khỏe con người. Sức mạnh của thế giới tí hon này đã thắp lên hy vọng về những cách điều trị mới cho các căn bệnh nan y hiện nay, từ viêm ruột mạn, béo phì đến bệnh dị ứng, hen suyễn hay cả những bệnh như tự kỷ, trầm cảm và sa sút trí tuệ. Ngay bây giờ, chúng ta có thể làm gì để gây dựng nên một hệ vi sinh vật tốt hơn để khỏe mạnh hơn? Cùng tìm hiểu nhé!
Hệ vi sinh vật của cơ thể
Ước tính tổng số vi sinh vật nằm trên và trong cơ thể lớn gấp 10 lần số tế bào tạo nên cơ thể người. Thực tế, cơ thể chúng ta là nơi sinh sống của hàng tỷ sinh vật tí hon đủ mọi ngóc ngách, xó xỉnh từ da, tai, mũi, miệng đến dạ dày, ruột và cả âm đạo. Đôi khi, mình tự hỏi cơ thể này có phải là của mình không hay là mái ấm sung túc và bình yên của lũ vi sinh vật. Không chỉ vậy, chúng còn đóng vai trò trong hầu hết các khía cạnh của sức khỏe, thậm chí cả tâm trạng và tính cách của con người.
Hệ vi sinh vật ở da
Như ở da, mồ hôi của bạn không có mùi, cái mùi hôi nách, mùi hăng hắc ấy là do bọn vi khuẩn. Chính những vi khuẩn trên bề mặt da khi gặp mồ hôi sẽ nhân lên và phân hủy mồ hôi thành những hợp chất hữu cơ bay hơi tạo nên mùi cơ thể. Cái mùi làm cho crush tránh bạn như tránh tà, giúp chú chó nhỏ vẫy đuôi nhận ra bạn từ xa và khiến bọn muỗi luôn yêu thích tìm tới bạn mỗi khi tụ tập cùng đám bạn.
Hệ vi sinh vật ở ruột
Ruột có chiều dài khoảng 6 đến 9 m với vô vàn những nếp gấp khiến diện tích bề mặt lên tới 400-500 m2 nhằm hấp thu triệt để các chất dinh dưỡng. Đây là môi trường ấm áp, dồi dào thức ăn, nước uống đầy đủ cùng một hệ thống xả thải tiện lợi, mọi thứ luôn được đổi mới. Ruột trở thành thiên đường cho vi sinh vật tồn tại và phát triển. Tổng lượng vi sinh vật đường ruột khoảng 100 nghìn tỷ với trên 500 loài khác nhau, tương đương 1,5 kg vi sinh vật. Vì thế, hệ vi sinh vật ở ruột là quần thể vi sinh vật lớn nhất và quan trọng nhất trong cơ thể.
Ở trạng thái cơ thể khỏe mạnh, hệ vi sinh đường ruột bao gồm vi sinh vật có lợi (chiếm 85%) và vi sinh vật có hại (chiếm 15%). Hai chủng vi sinh vật này sẽ cân bằng, kìm hãm sự phát triển của nhau, tạo ra sự cân bằng cho hệ sinh thái vi sinh vật đường ruột. Nếu phá vỡ sự cân bằng này sẽ tạo ra nhiều phản ứng hệ lụy gây bệnh cho con người.
Vai trò của hệ vi sinh vật đường ruột
Lợi ích của hệ vi sinh vật đối với cơ thể bao gồm tổng hợp vitamin, hỗ trợ tiêu hóa và hấp thu, chuyển hóa mật và ức chế cạnh tranh với mầm bệnh cư trú trong đường ruột. Hệ vi sinh vật cũng ảnh hưởng đến sự phát triển và trưởng thành của hệ thống miễn dịch thông qua tương tác với biểu mô ruột, giúp điều hòa đáp ứng miễn dịch qua đó làm giảm các bệnh lý dị ứng.
Một số phát hiện gần đây còn cho thấy vi sinh vật đường ruột có khả năng thúc đẩy đáp ứng miễn dịch thông qua IgA tiết, kháng thể chiếm ưu thế ở bề mặt niêm mạc ruột chống lại các kháng nguyên, độc tố, các yếu tố gây bệnh từ đó giúp tăng cường hệ thống miễn dịch. Các vi sinh vật có lợi còn ức chế sự phát triển của các vi sinh vật có hại sản xuất các độc tố và chất gây ung thư. Một khám phá gần đây nhất cho thấy các vi sinh vật ảnh hưởng đến tâm trạng, cảm xúc và hành vi của chúng ta qua trục não - ruột, hứa hẹn mở ra những phương pháp trị liệu mới khiến chúng ta khỏe mạnh và hạnh phúc hơn.
Thành phần hệ vi sinh vật đường ruột
Thành phần chiếm đa số trong hệ vi sinh vật đường ruột là vi khuẩn (bacteria), nhưng còn nhiều loại khác như cổ khuẩn (archaea), nấm men (yeast), nấm mốc (fungi), động vật nguyên sinh (protozoa) và virus.
Thành phần của hệ vi sinh đường ruột của con người thay đổi theo thời gian, chế độ ăn, chế độ sinh hoạt và những thay đổi về sức khỏe tổng thể. Sử dụng kháng sinh có thể làm thay đổi đáng kể thành phần của hệ vi sinh vật, dẫn đến việc loại bỏ có chọn lọc các vi khuẩn, mất đi rào cản đối với sự xâm nhập và tồn tại của mầm bệnh trong đường ruột. Từ đó làm giảm đáng kể tính đa dạng của hệ vi sinh vật đường ruột.
Sự hình thành của hệ vi sinh vật đường ruột
Hệ vi sinh vật đường ruột bắt đầu được tạo thành từ khi trẻ được sinh ra, phụ thuộc vào hệ vi sinh vật của người mẹ, hình thức trẻ được sinh ra và môi trường. Hệ vi sinh này phát triển dần trong vòng hai năm đầu đời, chịu ảnh hưởng của phương thức nuôi dưỡng trẻ. Sau hai tuổi, hệ vi sinh đường ruột ở trẻ em dần dần đa dạng như người lớn. Sự gia tăng các vi khuẩn có lợi được thúc đẩy bởi quá trình sinh con tự nhiên (sinh thường) và quá trình nuôi con bằng sữa mẹ.
Khi trẻ sinh thường, bằng việc đi qua âm đạo, hệ vi sinh vật của trẻ giống như trong âm đạo người mẹ, điều này giúp giảm nguy cơ mắc các vấn đề như dị ứng thức ăn, viêm da dị ứng, hen suyễn và béo phì so với trẻ sinh mổ. Trẻ em có quần thể vi sinh vật phong phú khi còn nhỏ do tiếp xúc với anh chị em ruột, thú cưng trong nhà hay sống gần trang trại thường có tỉ lệ mắc bệnh lý về miễn dịch thấp hơn trẻ em sống ở thành phố. Một giả thuyết được đặt ra, liệu con người có phải bị ám ảnh trong việc giữ cho cơ thể quá sạch sẽ, khiến cho hệ miễn dịch không được tiếp xúc với các tác nhân vi khuẩn, vi rút gây bệnh đã cùng tiến hóa với con người. Rồi từ đó, hệ miễn dịch trở nên vô công rồi nghề, bồn chồn, kích động, quay sang phản ứng quá mức với hạt phấn hoa, hải sản, đậu phộng hay tệ hơn là với chính tế bào trong cơ thể gây nên các bệnh dị ứng và tự miễn.
Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên xem xét lại cách nuôi dưỡng con trẻ. Khi con bạn sờ vào một thứ gì đó rồi cho những ngón tay vào miệng nhấm nháp một cách ngon lành thì hóa ra đó không hẳn là điều xấu. Việc tiếp xúc với các vi sinh vật vô cùng đa dạng từ các nguồn lành mạnh như từ bùn đất, cây cỏ, thú cưng khỏe mạnh giúp cho hệ miễn dịch trở nên khỏe mạnh hơn và có thể là cách phòng bệnh hữu hiệu. Đôi khi ở dơ lại mang lại lợi ích không ngờ! Phần tiếp theo xin được nói về ứng dụng sức mạnh của phân hay vi sinh vật trong phân vào điều trị bệnh hiện nay.
Ghép phân
Một người đàn ông 47 tuổi sau khi uống một đợt thuốc kháng sinh, ông bỗng dưng thấy mình bị say xỉn liên tục mặc dù không hề uống một giọt bia rượu nào. Thậm chí, ông còn bị cảnh sát tước giấy phép lái xe vì nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép. Khi đến khám bác sĩ, ông được chẩn đoán mắc hội chứng “nhà máy bia tự động”. Lượng cồn được sản xuất thông qua quá trình lên men nội sinh tinh bột trong đường tiêu hóa do một loại nấm men phát triển quá mức có tên là Saccharomyces cerevisiae. Các bác sĩ đã dùng nhiều phương pháp như áp dụng chế độ ăn ít tinh bột, thuốc kháng nấm và bổ sung men vi sinh nhưng tất cả đều không hiệu quả. Giải pháp điều trị cuối cùng là ghép phân. Bệnh nhân được ghép phân từ cô con gái 22 tuổi và sau đó đã khỏi bệnh một cách thần kỳ, căn bệnh dày vò ông suốt một thời gian dài. Xem ra việc say xỉn mà không cần uống bia rượu cũng không được thú vị như chúng ta tưởng.
Ghép phân là việc chuyển phân từ một người hiến tặng khỏe mạnh đến một người nhận, giúp thay đổi trực tiếp thành phần hệ vi sinh vật đường ruột của người nhận và mang lại lợi ích sức khỏe.
Việc lạm dụng kháng sinh gây giết chết phần nhiều những vi khuẩn tự nhiên trong ruột, cho phép vi khuẩn Clostridium difficile phát triển và hoành hành. Người bệnh bị đau bụng, sốt và tiêu chảy khoảng vài chục lần mỗi ngày. Điều này thường đe dọa tính mạng người bệnh. Ở Mỹ, hàng năm có khoảng 223.900 người mắc bệnh và 12.800 người tử vong vì căn bệnh này. Gần đây, cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cho phép sử dụng ghép phân cho những bệnh nhân bị viêm ruột do nhiễm trùng Clostridium difficile không đáp ứng với các cách điều trị thông thường. Hiệu quả của phương pháp này lên đến hơn 90%, một kỳ tích đáng kinh ngạc vượt xa các phương pháp điều trị khác và hiện tại đang được dùng trong các bệnh lý tiêu hóa khác như viêm ruột (IBD), hội chứng ruột kích thích (IBS) và táo bón mãn tính…
Ngày càng có nhiều sự chấp nhận sử dụng ghép phân trong điều trị, một phần do nhận thức đây như một phương pháp điều trị khá tự nhiên và tương đối rẻ tiền tuy nhiên cần sàng lọc cẩn thận để tránh lây truyền các nguồn bệnh tiềm ẩn sang người nhận. Mọi thứ đang thay đổi từng ngày, nhiều nghiên cứu ghép phân với các hình thức khác nhau đang được tiến hành. Điều này sẽ giúp các bác sĩ hiểu rõ hơn về loại hình điều trị này, tinh chỉnh ghép phân thành một phương pháp hiệu quả, an toàn và đơn giản hơn. Biết đâu đấy, vào một ngày không xa, chữa béo phì, hen suyễn trở nên dễ dàng bằng cách uống vài viên phân của người khác.
Cách tăng cường sức khỏe đường ruột
Trong lúc chờ đợi những thành quả từ các khám phá về hệ vi sinh vật đường ruột được áp dụng rộng rãi, chúng ta có thể thực hiện một số thói quen sau để tăng cường sức khỏe đường ruột.
- Ăn nhiều rau, trái cây và các loại đậu: Việc ăn những thực phẩm giàu chất xơ này giúp đa dạng hóa hệ vi sinh vật và bổ sung nguồn thức ăn cho vi khuẩn có lợi ở đường ruột. Ngoài ra chất xơ còn giúp tạo khối phân, kích thích nhu động ruột, tránh táo bón.
- Ăn thực phẩm lên men: Thực phẩm lên men như sữa chua, kim chi và dưa muối ... hoặc các sản phẩm men vi sinh giúp tăng cường vi khuẩn có lợi trong ruột.
- Hạn chế ăn đồ ngọt: Ăn nhiều đường có thể gây rối loạn chức năng đường ruột, làm mất cân bằng vi khuẩn đường ruột.
- Uống nước đủ và đúng: Cần bổ sung đủ 2-3 lít nước mỗi ngày và nên uống “nước tốt”. Nước tốt là nước có tính kiềm mạnh, giàu chất chống oxy hóa, đồng thời chứa nhiều khoáng chất tự nhiên có lợi cho cơ thể. Chú ý nên uống trước bữa ăn một giờ và uống 1-3 cốc nước đầu tiên vào buổi sáng, tránh uống nước ngay trước khi ngủ hoặc khi thức giấc nửa đêm để thận không phải làm việc quá tải.
- Hạn chế căng thẳng: căng thẳng trong thời gian ngắn cũng có thể phá vỡ cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Để giảm stress, bạn nên tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc, có chế độ ăn uống lành mạnh, tập yoga, thiền định.
- Vận động thường xuyên: Mức độ hoạt động tối thiểu được khuyến cáo là 30 phút mỗi ngày và 5 ngày mỗi tuần. Với người trẻ, ít nhất là vận động một giờ mỗi ngày.
- Ngủ đủ giấc: Tạo thói quen ngủ lành mạnh bằng cách đi ngủ trước 11 giờ tối và nên ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi đêm.
- Loại bỏ các thói quen có hại như hút thuốc, uống quá nhiều rượu và ăn khuya… đều không tốt cho sức khỏe nói chung và hệ tiêu hóa nói riêng.
Tổng kết
1. Có hàng nghìn tỉ vi sinh vật sống ở khắp nơi trên và trong cơ thể chúng ta. Tuy nhỏ bé nhưng chúng có tác động khổng lồ đến nhiều mặt của sức khỏe con người, bao gồm cả tâm trạng, cảm xúc và hành vi.
2. Những hiểu biết về thế giới vi sinh vật đường ruột hứa hẹn mở ra những phương pháp trị liệu mới khiến chúng ta khỏe mạnh và hạnh phúc hơn.
3. Thực hành những thói quen tốt giúp gây dựng nên một hệ vi sinh vật tốt hơn để cơ thể khỏe mạnh hơn.
Nguồn tham khảo:
Rob Knight và Brendan Buhler, Nghe theo cái bụng, NXB Lao động, 2017
Đọc thêm:
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất