Đỏ mặt khi uống rượu bia - chuyện không thể xem thường
Trong bữa tiệc, trên bàn nhậu, chúng ta hay thấy có vài người sau khi uống 1 đến 2 lon bia thì mặt trở nên đỏ bừng như mặt trời mọc....
Trong bữa tiệc, trên bàn nhậu, chúng ta hay thấy có vài người sau khi uống 1 đến 2 lon bia thì mặt trở nên đỏ bừng như mặt trời mọc. Dân tình đồn rằng đó là dị ứng rượu bia, là do nhóm máu hay thậm chí chỉ là phản ứng bình thường khi uống bia rượu do lưu thông máu tốt. Thực hư cơ sở khoa học phía sau chuyện này là gì? Liệu có đơn giản như vẻ bề ngoài của nó hay cả một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng phía sau? Cùng tìm hiểu nhé!
Chuyển hóa rượu
Sau khi uống rượu bia chứa ethanol, cơ thể hấp thu nhanh chóng qua đường tiêu hóa vào máu với khoảng 20% ở dạ dày và 80% ở ruột non. Từ đó, nó sẽ được đưa đến các cơ quan trong cơ thể. Trong vòng vài phút, rượu sẽ ảnh hưởng đến não, khiến bạn cảm thấy kích thích, hưng phấn sau đó dần dần mất kiểm soát. Cơ thể sẽ đào thải một phần nhỏ qua tuyến mồ hôi, nước tiểu, hơi thở và 90% còn lại sẽ được chuyển hóa ở gan.
Quá trình chuyển hóa ở gan trải qua hai bước. Đầu tiên men ADH (alcohol dehydrogenase) chuyển hóa ethanol trong rượu bia thành acetaldehyde. Sau đó, men ALDH (aldehyde dehydrogenase) chuyển hóa acetaldehyde thành acetate hay acid acetic, một chất gần như vô hại, là thành phần chính của giấm ăn. Cuối cùng, acid acetic được phân hủy thành năng lượng, nước và khí CO2.
Trong ba chất trên: ethanol, acetaldehyde và acetate (acid acetic) thì acetaldehyde được xem là chất độc nhất. Khi lượng acetaldehyde được sản sinh với một mức quá lớn hoặc không được chuyển hóa hiệu quả sẽ gây tích tụ acetaldehyde trong máu dẫn đến giãn toàn bộ mạch máu trong cơ thể mà biểu hiện là đỏ bừng mặt kèm đau đầu, nôn mửa, nhịp tim nhanh và huyết áp cao. Về mặt lâu dài, acetaldehyde có khả năng gây đột biến DNA và thúc đẩy ung thư.
Chứng đỏ mặt khi uống rượu bia
Chứng đỏ mặt khi uống bia rượu có tên tiếng anh là Alcohol flush reaction hay còn gọi là Asian flush tức chứng đỏ mặt châu Á được định nghĩa là tình trạng xuất hiện mảng đỏ bừng hoặc ban đỏ trên mặt, cổ, vai, thậm chí toàn bộ cơ thể sau khi uống một lượng đồ uống có cồn kết hợp với các triệu chứng như nôn mửa, đau đầu, nhịp tim nhanh. Đây là một hội chứng phổ biến ở người châu Á, biểu hiện của việc chuyển hóa rượu không hiệu quả chủ yếu là do sự thiếu hụt của men ADLH (aldehyde dehydrogenase).
Nhiều khám phá trong những năm gần đây đã cho thấy quá trình chuyển hóa rượu trong cơ thể chịu ảnh hưởng của gen hay nói một cách khác tửu lượng của mỗi người chịu ảnh hưởng của di truyền, cụ thể là một gen có cùng tên với men là gen ALDH2. Do lỗi của gen ALDH2 gây thiếu hụt enzyme ALDH, khiến acetaldehyde không được chuyển hóa hiệu quả dẫn đến tích tụ quá nhiều trong cơ thể và gây ra chứng đỏ mặt khi uống rượu bia. Các nhà khoa học ước tính rằng có khoảng 8 phần trăm dân số trên toàn thế giới và ít nhất từ 36% đến 60% người Đông Á (Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc) mắc chứng đỏ mặt này [1], [2].
Ảnh hưởng của rượu bia với người bị chứng đỏ mặt khi uống rượu bia
Một nghiên cứu được thực hiện năm 2013 trên 1.763 người đàn ông Hàn Quốc đã cho thấy những người đàn ông đỏ bừng mặt sau khi uống rượu có nguy cơ mắc huyết áp cao hơn đáng kể khi họ uống nhiều hơn 4 loại đồ uống có cồn mỗi tuần. Từ đó có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ [3].
Mặt khác, nồng độ acetaldehyd cao và kéo dài sẽ tấn công DNA trong các tế bào, từ đó kích thích các tế bào ung thư phát triển. Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, những người thiếu hụt men ALDH có nguy cơ phát triển ung thư thực quản cao hơn khoảng 6-10 lần so với những người bình thường uống một lượng rượu tương đương [4]. Ung thư thực quản là một trong những loại ung thư nguy hiểm nhất thế giới với tiên lượng sống ngắn ngủi, chỉ có khoảng 15,6%-31,6% bệnh nhân sống sót sau năm năm kể từ khi chẩn đoán. Các nhà khoa học ước tính rằng có ít nhất 540 triệu người thiếu men ALDH trên thế giới. Trong con số khổng lồ này, chỉ cần giảm một ít tỷ lệ mắc ung thư thực quản có thể giúp giảm đáng kể số ca tử vong do ung thư thực quản trên toàn thế giới [2].
Chúng ta thường bắt đầu uống rượu bia ở độ tuổi thanh thiếu niên và xuất hiện chứng đỏ mặt những lần đầu. Tuy nhiên nếu tiếp tục uống, cơ thể sẽ dần thích nghi, sản xuất nhiều men ALDH hơn và tửu lượng càng lên. Chúng ta vui vẻ và tự hào rằng mình đã lên “đô” mà trong không biết rằng trong quá trình này cơ thể đã tiếp xúc với một lượng lớn acetaldehyde, có nguy cơ cao mắc các ung thư liên quan đến rượu bia như ung thư vòm họng, ung thư thực quản, ung thư gan.... Vì vậy, cần hiểu rằng đỏ mặt khi uống rượu bia là do thiếu men chuyển hóa, là đối tượng nguy cơ chứ không phải do dị ứng, do nhóm máu hay tệ hơn là lưu thông máu tốt. Khi ý thức được điều này chúng ta nên quyết tâm bỏ rượu bia càng sớm càng tốt. Đối với những người trẻ tuổi đây là một cơ hội có giá trị tuyệt vời để phòng ngừa ung thư.
Điều quan trọng là có thể xác định liệu một người có bị thiếu men ALDH hay không bằng cách dựa vào bộ câu hỏi Flushing Questionnaire gồm 2 câu hỏi:
Ⓐ Bạn có xu hướng phát triển đỏ bừng mặt ngay sau khi uống một ly bia (khoảng 180ml) không? (khoảng hai phần ba ly rượu thường hoặc một ly rượu mạnh).
Ⓑ Bạn có xu hướng phát triển đỏ bừng mặt ngay khi uống một ly bia trong một hoặc hai năm đầu khi bạn bắt đầu uống?
Nếu một người trả lời có cho câu hỏi A hoặc B, họ được coi là thiếu ALDH. Việc bổ sung câu hỏi B rất quan trọng vì một số người có thể dễ dãi với phản ứng đỏ mặt và quên rằng mình cũng từng bị đỏ mặt lúc bắt đầu uống rượu bia.
Cách phòng tránh
Nguyên nhân gây đỏ mặt khi uống rượu bia là do di truyền gây thiếu hụt men chuyển hóa và thải trừ rượu bia ra khỏi cơ thể. Do đó, hiện không có cách nào có thể điều trị hoàn toàn tình trạng này. Cách duy nhất là tránh hoặc hạn chế uống rượu bia. Hãy nhớ rằng, đỏ mặt là dấu hiệu cho thấy bạn nên ngừng uống rượu bia.
Các bạn có thể nghe nói dùng một số loại thuốc làm giảm tình trạng đỏ mặt giúp bạn đỡ tự ti, dễ chịu và không còn bị mọi người châm chọc nhưng không thể giải quyết được tình trạng thiếu men ALDH, tức vẫn bị tích tụ acetaldehyde quá mức trong máu. Điều này có thể che giấu các triệu chứng quan trọng báo hiệu những vấn đề sức khỏe khác. Thậm chí nguy hiểm hơn, những loại thuốc này khiến bạn phớt lờ chứng đỏ mặt và uống rượu bia nhiều hơn nữa.
Thực tế xã hội hiện nay bỏ hẳn bia rượu là một điều khá xa vời, khi vui vẻ người ta uống mừng, buồn buồn thì uống để xả xui, không vui không buồn cũng uống cho khỏe người và quán nhậu mọc lên khắp nơi như nấm sau mưa. Một số mẹo sau đây giúp bạn đỡ say xỉn trên bàn nhậu:
1. “Đổ bê tông” bằng cách ăn lót dạ trước khi nhậu với những thức ăn nhiều chất béo như bơ, phô mai, trứng, sữa… Điều này giúp tráng một lớp lên bề mặt dạ dày làm chậm quá trình hấp thu rượu bia để gan có thời gian xử lý.
2. Nên uống từ từ vừa nhâm nhi vừa giãn thời gian rượu bia hấp thu vào cơ thể.
3. Uống nhiều nước lọc giúp pha loãng nồng độ rượu bia đồng thời bù lại lượng nước mất do rượu bia.
4. Không uống rượu bia kèm với nước ngọt hay đồ ngọt vì đường và khí ga trong đồ uống đẩy nhanh quá trình hấp thu bia rượu. Không uống bia rượu cùng cà phê, nước tăng lực như Red Bull hay cocktail hỗn hợp có chất caffeine vì sẽ làm buồn nôn và đau đầu, làm cơn say trở nên tồi tệ. Thuốc lá cũng là một tác nhân đẩy nhanh sự hấp thu rượu bia vào cơ thể.
5. Ăn các loại trái cây giàu vitamin C như chanh dây, bưởi, cam… giúp hỗ trợ phân giải rượu bia.
6. Rượu bia được thải một phần qua đường hô hấp nên thở sâu, ca hát, nói nhiều… cũng làm giảm nồng độ cồn trong máu.
7. Khi say xỉn cơ thể cần thời gian để hồi phục, vì vậy ngủ là cách tốt nhất, lại đỡ làm mấy chuyện dại dột. Chú ý nhớ đắp chăn ấm khi ngủ để đề phòng cảm lạnh.
Thực trạng sử dụng bia rượu hiện nay
Phần cuối này mình muốn điểm lại một chút về tình hình sử dụng rượu bia thực sự nguy hiểm ở nước ta. Mỗi năm, sử dụng rượu bia ở mức nguy hại gây ra 5,3% số ca tử vong toàn cầu, tức là cứ mỗi phút có 6 người chết với tổng số 3 triệu ca tử vong hằng năm do rượu bia. Việt Nam là một trong ít quốc gia trên thế giới có mức tiêu thụ rượu bia tăng nhanh. Năm 2016, mức tiêu thụ rượu bia bình quân đầu người ở Việt Nam cao thứ hai ở khu vực Đông Nam Á và thứ 3 của châu Á ( sau Hàn Quốc và Thái Lan). Bình quân mỗi người Việt Nam tiêu thụ khoảng 6,6 lít cồn/người/năm, tỷ lệ nam giới và thanh thiếu niên sử dụng rượu, bia đều ở mức cao [5].
Hướng dẫn mới về sử dụng rượu bia của Cơ quan y tế nước Anh cảnh báo rằng uống rượu bia ở bất kỳ mức độ nào cũng gây tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư và nguy cơ sẽ tăng lên tương ứng với lượng cồn tiêu thụ. Các chuyên gia đã đi đến kết luận rằng không có một lý do nào biện minh cho việc uống rượu bia vì có lợi cho sức khỏe [6].
Gần đây, ngày càng có nhiều nghiên cứu với phương pháp tiến hành và phân tích tiến bộ hơn cùng cho kết quả rằng rượu bia không có tác dụng bảo vệ hoặc tác dụng bảo vệ của rượu bia đối với bệnh tim mạch hoặc các nguyên nhân gây tử vong khác là không có ý nghĩa thống kê. Hơn nữa, tác dụng bảo vệ nói trên chỉ được nhìn nhận đơn lẻ mà không tính đến các rủi ro sức khỏe tổng thể của việc uống rượu bia - đặc biệt là mối liên hệ chặt chẽ giữa uống rượu và nguy cơ mắc ung thư, tai nạn thương tích và các bệnh truyền nhiễm [5].
Theo Bộ Y tế Việt Nam, rượu bia không có ngưỡng nào là an toàn nên hãy hạn chế uống. Nếu có uống: không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam giới, 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày/tuần. Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống - tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); một cốc bia hơi 330 ml; một ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%). Nên uống từ từ, kết hợp vừa ăn vừa uống, uống xen kẽ với nước lọc [7].
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), rượu là nguyên nhân trực tiếp gây ra hơn 30 loại bệnh và liên quan đến gần 200 loại bệnh tật và thương tích khác. Uống quá nhiều rượu có thể làm tăng nguy cơ phát triển một loạt các vấn đề sức khỏe, bao gồm: huyết áp cao, tim mạch, đột quỵ, giảm trí nhớ, một số loại bệnh ung thư, bệnh lý gan và các vấn đề tiêu hóa [5].
Kết luận
1. Đỏ mặt khi uống rượu bia do thiếu hụt men chuyển hóa gây tích tụ acetaldehyde, cũng là thủ phạm gây đau đầu, nôn mửa, nhịp tim nhanh, huyết áp cao và thúc đẩy ung thư. Đây là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề sức khỏe liên quan đến rượu bia.
2. Không có cách điều trị đỏ mặt khi uống rượu bia, cách tốt nhất là tránh uống bia rượu.
3. Nếu phải uống, hãy uống rượu bia trong ngưỡng cho phép của Bộ Y tế để giảm tối thiểu các tác hại.
4. Nhớ dùng một số mẹo để giảm say xỉn và an toàn sau khi uống rượu bia.
P/s: Đây là bài viết đầu của mình trên Spiderum. Mình có tham vọng viết loạt bài về y học thường thức theo cách dễ hiểu nhất có thể. Mong mọi người sẽ thấy hữu ích và góp ý thêm cho mình!
Nguồn tham khảo:
2. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2659709/
5. WHO, Hỏi đáp về phòng chống tác hại của rượu bia, 2019
7. https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/bo-y-te-khuyen-cao-su-dung-ruou-bia-an-toan-dip-tet-610906.html
Đọc thêm:
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất