Ngày Tết, mình luôn nhìn thấy mẹ mình luộc thịt thì bố chặt gà, mẹ quét nhà thì bố lấy chổi lau. Lớn lên mình ngây thơ mặc định cách sống bình đẳng của bố mẹ là lẽ đương nhiên trong xã hội. Cho đến một ngày khoảng 10 năm về trước, mình sang nhà bạn chơi và nghe thấy người bố dặn em trai nó:
“Con đừng rửa bát hộ mẹ và chị nhé. Đấy là việc của phụ nữ”
Mình sốc và tổn thương thật sự. Càng lớn lên, đi nhiều hơn, mình mới thấy rằng còn rất nhiều những “bậc quân tử” khác nghĩ rằng căn bếp là chỗ chỉ dành cho những người phụ nữ. Những ngày Tết, nếu để ý, bạn sẽ thường xuyên bắt gặp cảnh những người vợ, người mẹ lúi húi chuẩn bị mâm cao cỗ đầy, còn những người đàn ông dô hò nâng li cười nói; những cô con dâu đến 10, 11 giờ đêm vẫn cặm cụi bên chồng bát còn những người chồng ngồi xem điện thoại hoặc nằm ngáy ở trên giường.
Tết này ở Mỹ, mình cũng tập tành nấu phở, rán nem, luộc thịt gà. Nồi niêu, chảo đũa nhiều vô kể. Khi ăn xong, việc đầu tiên chồng mình làm đó là đứng dậy rửa bát. Mình đã rất ngạc nhiên và nói cảm ơn, cũng có nói anh không cần phải làm như vậy. Chồng mình lúc ấy chỉ đáp lại:
“ Anh rửa bát không phải vì anh muốn giúp em. Mà đấy là việc của anh nên anh cần làm”
Bây giờ, mình mới hiểu: Chồng mình coi mình là một người bạn tri kỉ, một người đồng hành - một “partner” trong nhà. Như vậy, việc nấu cơm, rửa bát, dọn dẹp nhà cửa, v.v hai “partner” cùng thực hiện. Những công việc đó không phải chỉ của riêng mình mà của cả anh ấy, nên khi anh ấy cùng mình làm việc nhà, anh ấy đang thực hiện phần việc của mình chứ không phải làm giúp phần việc của vợ.“ Anh rửa bát không phải vì anh muốn giúp em. Mà đấy là việc của anh nên anh cần làm”
Có lần, mình đọc được bài viết của John Hoxie về vấn đề bình đẳng này rất hay. Mình xin phép được dịch lại:
“Tôi không giúp vợ lau nhà, vì tôi cũng sống ở đây và tôi cũng có trách nhiệm giữ nhà sạch sẽ;
Tôi không giúp vợ nấu ăn, vì tôi cũng ăn và tôi cũng cần phải nấu;
Tôi không giúp vợ rửa bát, vì tôi cũng ăn bằng đống bát đĩa đó;
Tôi không giúp vợ chăm sóc con cái, vì chúng cũng là con của tôi và trách nhiệm của tôi là làm một người cha;
Tôi không giúp đỡ ai trong nhà, vì tôi cũng là một phần của gia đình.”
Mình thiết nghĩ:
Bình đẳng giới đâu bắt nguồn từ việc kêu gọi bình đẳng về mức lương, thưởng, hay sự tôn trọng phụ nữ từ xã hội? Bình đẳng giới bắt nguồn từ việc tôn trọng lẫn nhau và san sẻ công việc từ trong chính gia đình của mỗi người.
Là đàn ông, đâu cứ phải tỏ ra quyền uy, quát nạt, thì phụ nữ mới ngưỡng mộ?
Đàn ông bây giờ, chỉ cần tốt với người phụ nữ bên cạnh mình thôi, là đã được mọi người nhìn với ánh mắt tôn trọng và ngưỡng mộ rồi. Bởi vì khi bạn yêu thương và trân trọng người ở bên cạnh bạn, thì người khác sẽ thấy giá trị con người bạn thế nào. Từ đó, họ lựa chọn cách cư xử với bạn ra sao.
Quay trở lại thời mình còn bé, mẹ mình đã từng có thời gian phải sống xa chồng nhiều năm vì khác nơi công tác. Mọi công việc lớn nhỏ trong nhà luôn đè nặng lên vai mẹ, Lúc ấy mình còn nhỏ và bố thì ở xa nên cũng chẳng thể làm thay. Mình chứng kiến mỗi ngày mẹ phải lo ti tỉ việc từ việc có tên tới những việc chẳng thể đặt tên. Tối nào về tới nhà mẹ cũng nằm lăn trên giường vì mệt, xong lại phải dậy ngay lập tức để nấu cơm, chăm con. Có ngày mẹ đứng trên lớp giảng từ sáng tới chiều, tối đi đón mình, về nhà lại đọc sách, soạn giáo án, chấm bài rất vất vả.
Mình tin rằng không chỉ mẹ mình, mà rất nhiều người phụ nữ khác, vì yêu người đàn ông của mình mà sẵn sàng gánh vác trên vai nhiều gánh nặng. Chuyện gì cũng có thể vì yêu thương mà cố gắng, vì yêu thương mà hy sinh.
Thế nên, nếu những người đàn ông hiểu được điều đó, mà trân trọng, mà thương yêu, mà san sẻ gánh nặng và vun đắp đong đầy tình cảm ấy, thì còn gì khiến người phụ nữ hạnh phúc hơn thế.
Chúng ta đừng khuyên ai hy sinh vì ai. Mà hãy trân trọng và đối xử bình đẳng với “người đồng hành”, người bạn đời tri kỷ của mình. Sự yêu thương và trân trọng nên bắt nguồn từ hai phía, đừng để ai phải hy sinh nhiều khi người còn lại chẳng hể thấu hiểu.
Tết Nguyên Đán đã tới rồi, và ngày nghỉ lễ thì nên đúng nghĩa là dịp nghỉ ngơi, quây quần và vui vẻ của mọi thành viên trong gia đình. Mình biết rằng sẽ khó để thay đổi quan điểm trong thời gian ngắn, nhưng mình có một mong muốn chân thành rằng các bạn nam, sau khi đọc những dòng này của mình, Tết này sẽ trở thành một “người đồng hành” thực sự đối với những người phụ nữ trong gia đình.
Đàn ông chấp nhặt với phụ nữ thì hèn, còn phụ nữ chấp nhặt, so kè từ rửa bát tới lau nhà với đàn ông thì hoàn toàn bình thường, bình đẳng quá các gái ơi. Cười ỉa.
Thế sinh hoạt phí có chia đều không hay lại giữ hết lương chồng?
Bình đẳng không cần thiết phải chia đối tất cả mọi thứ mà đó là sự phân bố công việc hợp lý, không thể bắt 1 ông chồng cả ngày làm việc quần quật nuôi gia đình chia đều công việc với 1 người vợ nội trợ được.
Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, việc phân chia công việc gia đình tùy theo mỗi gia đình, quá cứng nhắc và đòi hỏi chỉ khiến người phụ nữ trở nên xấu xí hơn thôi. Bạn chỉ đang lấy trường hợp gia đình bạn để khái quát hóa cho cả xã hội, rồi cho rằng nên chia đôi, nhưng thực tế là không phải, nên phân chia hợp lý thì đúng hơn.
chủ bài viết có ý nói rõ về bất bình đẳng giới trong gia đình, việc nhà cần đc chia sẻ chứ k phải mặc định phải là người vợ, người mẹ phải làm!
- giữ hết lương của chồng: bạn có thể đưa 1 số tiền nhất định, xem như quỹ chung, còn nếu đưa hết thì tiền đó vẫn là của bạn mà, muốn mua gì thì yêu cầu hoặc bàn bạc với vợ, vấn để này đâu phải là bất bình đẳng giới...
- 1 người vợ chỉ ở nhà làm nội trợ, bạn cho rằng công việc nhà, nuôi dạy con cái là vợ làm, còn người chồng đi làm kiếm tiền là đủ và không cần phụ giúp chia sẻ việc nhà. vậy có khác gì vợ là người ở, người giúp việc, osin. điều này là bất bình đẳng nghiêm trọng, vợ có thể đi làm kiếm tiền và chia sẻ gánh nặng tài chính gia đình, chồng chia sẻ việc nhà và nuôi con. còn nếu muốn người vợ chuyên vào việc nhà, nuôi con; chồng kiếm tiền thì vẫn k thể lấy việc kiếm tiền ra để nguỵ biện k có trách nhiệm về việc nhà và nuôi dưỡng con cái, nói gì là vợ phải nghe đó.
Khác gì ý mình đang nói? Đó chính là sự phân chia công việc HỢP LÝ. Người vợ có thể đi làm để nuôi chồng và chồng làm nội trợ, việc này hoàn toàn bình thường, nhưng không có nghĩa việc gì cũng gào lên đòi chia đôi? Bài viết chỉ chăm chăm chĩa mũi dùi vào đàn ông mà không nói đến nghĩa vụ của phụ nữ.
Những việc chân tay nặng nhọc chị em có làm không hay mặc định chuyện của đàn ông?
Sửa điện đóm, sửa nhà cửa có làm không hay cũng mặc định đàn ông nốt?
Mặc định đàn ông cần phải galant nọ chai trong khi mồm vẫn đòi bình đẳng?
Tôi thấy nhiều chị em rêu rao thì hay lắm, nhưng họ lại tự cho mình cái quyền được làm "đàn bà", được ngồi ngoài các việc nặng nhọc, được ngồi lê đôi mách, nói xấu người khác, được mặc định đàn ông phải giúp đỡ mình. Và khi có anh nào bắt họ phải làm những việc bình đẳng thì họ sẽ chửi: "Thằng ĐÀN BÀ, MUA VÁY VỀ MÀ MẶC"
đây là chia sẻ công việc nhà, không phải chia đôi công việc. có những việc nặng nhọc đàn ông có thể làm mà người phụ nữ làm không tốt bằng, có thể bạn đang đòi hỏi quá rạch ròi bình đẳng và công bằng. chia sẻ công việc nhà là bình đẳng, còn chia đôi các công việc là công bằng. Trong gia đình, chia sẻ với nhau những việc nhà (lúc này thì chồng làm, nhưng lúc khác là vợ làm), những việc sửa nhà, điện đóm, nặng nhọc ở nhà phát sinh thường xuyên hơn cả việc nội trợ hàng ngày sao
Thấy không? Bình đẳng là đó chăng? Phải chia sẻ công việc hợp lý chứ không phải chia đôi, nếu vợ không đi làm mà ở nhà nội trợ thì hiển nhiên là ông chồng sẽ ít khi động tay vào việc nhà rồi. Bình đẳng và chia sẻ nhưng việc gì khó và nặng thì mặc định là đàn ông làm. Bình đẳng tuyệt vời đấy.
Thực ra tùy thuộc vào công việc của cả 2 vợ chồng. Nếu người vợ có 1 công việc đem thu nhập về ngang ngửa với người chồng thì việc nhà cả 2 có thể chia ra mà làm. Còn nếu bạn thuộc gia đình truyền thống vợ nội trợ chồng đi kiếm tiền thì người vợ được coi như là hậu phương chăm sóc nhà cửa con cái, còn chồng thì là tiền tuyến đem của cải về hậu phương. Mình thấy cả 2 cái đều bình thường và chả có cái gì gọi là bất bình đẳng nếu người vợ chỉ làm nội trợ và người chồng chỉ lo kiếm tiền cả. Trừ khi người chồng cậy mình mang tiền về mà chèn ép vợ thì lúc đó đều có 1 thứ gì đó như luật pháp hoặc gia đình đứng ra giải quyết
Thực ra việcc chồng kiếm tiền vợ lo nội trợ chỉ đúng vào những ngày thường trong năm, ngày lễ tết mà còn quan điểm ấy thì mời ra chợ giời kiếm ăn hết tết rồi về. Tôi thấy việc đi làm kiếm tiền và việc chia bớt việc nhà với vợ con nó chẳng có gì mâu thuẫn mà nhiều thằng "đàn ông" cứ phải gào ầm lên mới chịu được
Mình không biết bạn sống ở vùng nào chứ ở chỗ mình, hầu như những ông chồng sẽ lao vào làm những công việc hơi dơ 1 xíu như làm gà làm vịt, còn những người vợ sẽ làm những công việc khác như làm rau, ướp và nấu nướng. Còn dọn nhà thì chắc chắn là cả nhà đều dọn chứ không có vụ người dọn người ngồi coi tv đâu. Lúc dọn dẹp thì phải thú thật là đàn ông trong nhà say tí bỉ rồi nên chịu :)))))
Đúng là có những nơi cả tết mấy ông chồng chỉ rượu chè bù khú và ko làm tý việc nhà nào cả, thế nên mới có những chuyện trên để nói. Còn ở nhà tôi sống tối giản cả chục năm nay, giáp tết đi du lịch, tết về tổng vệ sinh 1 hôm 30 là đủ, mọi người đều chia nhau việc để làm cho dù ba tôi vẫn đang kiếm tiền ngày thường và mẹ tôi vẫn làm nội chợ, vì thế với tôi việc đàn ông làm việc nhà cho vợ là điều cực kỳ bình thường, cũng là vì bố tôi chẳng bao giờ say tới độ không đứng nổi nên việc dọn dẹp vẫn thấy làm. Chắc là nhà tôi khác nhà khác nên không thể chấp nhận việc đàn ông ngồi vắt chân lên để vợ lo việc nhà. Còn ở dưới quê thì thôi dồi, toàn thấy phụ nữ đi ra đi lại còn mấy ông đàn ông thì ngồi "tiếp khách"
Bạn chỉ đang lấy trường hợp gia đình bạn để khái quát hóa cho cả xã hội, rồi cho rằng nên chia đôi, nhưng thực tế là không phải, nên phân chia hợp lý thì đúng hơn.