Tác giả: Gideon Lichfield, Tổng biên tập của MIT Technology Review.
Mọi người sẽ phải thực hiện cách ly xã hội lâu hơn là vài tuần. Điều này sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta, thậm chí thay đổi vĩnh viễn ở một số khía cạnh.
Để chặn vi rút corona, chúng ta cần hoàn toàn thay đổi cách làm hầu hết mọi thứ: cách chúng ta làm việc, tập thể dục, giao tiếp, mua hàng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục con cái, hay chăm lo cho gia đình.
Chúng ta đều muốn mọi thứ trở lại bình thường như trước đây thật nhanh. Nhưng điều phần lớn chúng ta vẫn chưa nhận ra - và sẽ sớm nhận ra - đó là mọi thứ sẽ không trở lại bình thường như trước đây trong vài tuần tới, thậm chí là vài tháng tới. Có những thứ sẽ thay đổi mãi mãi.
Bây giờ thì ai cũng đồng ý (kể cả người Anh, phù) rằng mọi quốc gia cần phải “làm phẳng đường cong”: đặt ra quy định về cách ly xã hội để giảm đà truyền nhiễm của vi rút nhằm giúp giảm số người bị bệnh cùng lúc, từ đó ngăn chặn việc hệ thống y tế cộng đồng sụp đổ, giống như nguy cơ ở Ý vào lúc này. Điều đó có nghĩa là dịch bệnh này cần phải được kéo dài, ở mức độ thấp, cho đến khi có đủ người trong xã hội bị nhiễm Covid-19 để tạo ra miễn dịch cộng đồng (với giả thuyết rằng sự miễn dịch này có thể kéo dài cả năm, một điều chúng ta cũng chưa chắc chắn) hoặc là đến khi tìm ra vắc-xin.
Mất bao lâu để điều đó xảy ra, và các biện pháp hạn chế giao tiếp xã hội phải mạnh tay đến mức nào? Vào hôm qua, Tổng thống Donald Trump đã công bố một loạt các hướng dẫn mới ví dụ như là giới hạn số người được tụ tập xuống còn 10 người, và nói rằng “nếu tập trung hành động trong nhiều tuần, chúng ta có thể đảo ngược tình thế và đảo ngược một cách nhanh chóng.” Ở Trung Quốc, sau sáu tuần phong tỏa thì tình hình đang dần ổn định và số lượng người nhiễm mới đang giảm dần.
Nhưng mọi thứ sẽ không kết thúc ở đó. Miễn là ở đâu đó trên thế giới vẫn còn người bị nhiễm vi rút, một trận dịch khác hoàn toàn có thể bùng nổ nếu không có các biện pháp mạnh tay để ngăn chặn. Trong một báo cáo công bố hôm qua, các nhà nghiên cứu ở trường Imperial College London đã đề xuất một cách chống dịch mới: áp dụng các chính sách cách ly xã hội cứng rắn hơn mỗi khi số người phải đưa vào phòng cấp cứu (ICU) bắt đầu tăng, và nới lỏng đi khi số lượng đó giảm. Đồ thị dưới đây minh họa đề xuất này.



Đọc thêm:

Đường màu cam thể hiện số người phải cấp cứu. Mỗi lần con số này tăng vượt qua một ngưỡng - ví dụ như 100 người mỗi tuần - thì quốc gia cần phải đóng cửa trường học cũng như đại học và áp dụng cách ly xã hội. Nhưng khi con số này giảm xuống dưới mức 50, các biện pháp trên cần được dỡ bỏ, nhưng những người có dấu hiệu nhiễm bệnh và các thành viên trong gia đình họ vẫn cần phải được cách ly ở nhà.
Thế nào là “cách ly xã hội”? Các nhà nghiên cứu định nghĩa đó là “Tất cả các hộ gia đình giảm thiểu tiếp xúc với người ngoài gia đình, ở trường học hay nơi công sở xuống 75%”. Điều này không có nghĩa là bạn chỉ còn tụ tập với bạn bè một lần mỗi tuần thay vì bốn lần mỗi tuần. “Cách ly xã hội” nghĩa là làm mọi thứ để giảm thiểu tiếp xúc với người khác, khi đó số lượng người mà mỗi cá nhân thực sự tiếp xúc sẽ giảm 75%.
Theo mô hình này, các nhà nghiên cứu kết luận rằng cách ly xã hội và đóng cửa trường học sẽ phải được thực hiện trong hai phần ba thời gian dịch xảy ra - tức áp dụng trong hai tháng và bị dỡ bỏ trong một tháng - cho đến khi có vắc-xin được tìm ra, và giai đoạn này có thể kéo dài đến 18 tháng (đó là nếu chúng ta có thể thực sự tìm ra được nó). Họ ghi chú rằng các kết quả “tương ứng về mặt thống kê với những gì đang xảy ra ở Mỹ”.
Mười tám tháng sao? Hẳn phải có giải pháp khác đúng không. Tại sao chúng ta không xây thêm nhiều khoa cấp cứu và tăng khả năng chữa trị người bệnh cùng lúc lên chẳng hạn?
Thật ra thì trong mô hình nghiên cứu được đưa ra, biện pháp đó không giải quyết được vấn đề. Nếu không áp dụng biện pháp cách ly xã hội cho toàn dân, ngay cả biện pháp phòng dịch tốt nhất - bao gồm cô lập hoặc cách ly người bệnh, cách ly người già, và cách ly tất cả người có thể bị nhiễm, rồi đóng cửa trường học - vẫn sẽ dẫn đến sự tăng vọt về số người bị bệnh nghiêm trọng, và con số này lớn hơn tám lần so với số người mà hệ thống y tế ở Mỹ và Anh có thể chịu đựng được. (Đó là trong trường hợp tốt nhất thể hiện qua đường màu xanh nước biển trong biểu đồ dưới đây; cũng trong biểu đồ, đường màu đỏ thể hiện số giường cấp cứu hiện có). Như vậy cho dù có chuyển đổi các nhà máy để họ sản xuất giường, máy thở và tất cả các thiết bị y tế hỗ trợ khác, bạn vẫn sẽ không cung cấp đủ trang thiết bị cho y tá và bác sĩ để chăm sóc mọi bệnh nhân.



Đọc thêm:

Thế còn nếu chúng ta áp dụng cách ly xã hội một lần chỉ trong khoảng năm tháng thì sao? Vẫn không tốt - khi việc cách ly bị dỡ bỏ, bệnh dịch lại hoành hành trở lại, và lần này thì nó rơi vào mùa đông, thời điểm tồi tệ nhất nếu hệ thống y tế bị quá tải.


Và nếu chúng ta quyết định mạnh tay hơn thì sao, như là: đẩy mức tiêu chuẩn để được đưa vào phòng cấp cứu lên cao hơn trong khi vẫn áp dụng cách ly xã hội, và chấp nhận rằng sẽ có nhiều người chết, mọi chuyện sẽ như thế nào? Thật ra phương án này cũng sẽ không tạo ra quá nhiều khác biệt. Nên nhớ rằng biện pháp được coi là nhẹ nhất trong mô hình nghiên cứu của trường Imperial College cũng yêu cầu việc cách ly xã hội được thực hiện ít nhất trong một nửa thời gian có dịch.
Như vậy sự gián đoạn gây ra bởi dịch bệnh không phải là tạm thời. Nó là khởi đầu cho một lối sống hoàn toàn mới trong xã hội.

Sống chung với dịch bệnh

Trong ngắn hạn, sẽ có những tổn thất rất lớn xảy ra với các hoạt động kinh doanh cần thu hút một số lượng lớn người tập trung tại một địa điểm: nhà hàng, quán cà phê, vũ trường, hộp đêm, phòng tập thể dục, khách sạn, nhà hát, rạp phim, triển lãm tranh, trung tâm mua sắm, hội chợ, bảo tàng, các show diễn nghệ thuật (và các nghệ sĩ), các địa điểm thi đấu thể thao (và các đội bóng), các địa điểm họp (và những người tổ chức họp), du thuyền, hàng không, giao thông công cộng, các trường tư và các trung tâm chăm sóc sức khỏe. Đó là còn chưa nói đến áp lực đối với các bậc phụ huynh khi phải dạy học cho con ở nhà, áp lực đối với những người vừa phải cố gắng chăm sóc người già vừa phải giúp họ không nhiễm bệnh, áp lực đối với những cá nhân bị mắc kẹt trong một mối quan hệ có yếu tố bạo hành, và áp lực với những người không có nguồn lực tài chính để dự phòng khi thu nhập trở nên bấp bênh.
Tất nhiên chúng ta sẽ thấy những dấu hiệu thích nghi: ví dụ như các phòng tập thể hình có thể bán các dụng cụ tập tại nhà cùng các khóa học trực tuyến. Chúng ta cũng sẽ chứng kiến sự bùng nổ của hàng loạt dịch vụ mới được đặt chung dưới cái tên “nền kinh tế trong nhà”. Chúng ta cũng có thể hy vọng về những biến đổi tích cực khi con người thay đổi hành vi của mình: ít khí thải tạo ra từ việc di chuyển hơn, hệ thống phân phối hàng hóa tốt hơn ở địa phương, mọi người sẽ đi bộ và đạp xe nhiều hơn.
Nhưng sự gián đoạn này vẫn vượt quá sức chịu đựng của rất nhiều doanh nghiệp cũng như các hộ gia đình. Còn lối sống trong nhà thì sẽ không thể tồn tại bền vững trong một thời gian dài.
Vậy chúng ta phải sống như thế nào trong thế giới mới này? Một phần của câu trả lời, có lẽ sẽ nằm ở việc hệ thống y tế được kỳ vọng sẽ trở nên tốt hơn, khi đó các đơn vị phản ứng nhanh với dịch bệnh có thể nhanh chóng xác định và chặn đứng ổ dịch trước khi chúng lan rộng. Chúng ta cũng hy vọng các nhà máy có thể nhanh chóng tăng khả năng sản xuất để tạo ra nhiều thiết bị y tế, dụng cụ xét nghiệm và thuốc men hơn. Mặc dù đã quá muộn để có thể ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, những thay đổi này vẫn sẽ rất có ích trong việc phòng chống dịch bệnh trong tương lai.
Còn trong ngắn hạn, chúng ta khả năng cao sẽ phải chứng kiến những thỏa hiệp mang tính tình thế để duy trì một chút đời sống xã hội theo kiểu cũ trước đây. Có thể là các rạp phim sẽ gỡ bỏ đi một nửa số ghế, các buổi họp sẽ được tổ chức ở các căn phòng lớn với các ghế ngồi được đặt xa nhau, các phòng tập thể hình sẽ bắt bạn phải đặt hẹn trước để tránh tình trạng quá tải.
Nhưng cuối cùng tôi dự đoán chúng ta sẽ khôi phục lại khả năng kết nối xã hội như cũ bằng cách tạo ra những phương pháp mới tân tiến hơn giúp xác định được ai là người có rủi ro mang mầm bệnh và ai không, từ đó biết được mình cần phân biệt đối xử - một cách hợp pháp - với những ai.
Chúng ta có thể thấy được dấu hiệu của dự đoán này thông qua những biện pháp mà các quốc gia đang áp dụng hiện nay. Israel sẽ sử dụng dữ liệu theo dõi vị trí người dùng trên điện thoại, phương pháp từng được lực lượng tình báo của họ dùng để theo dõi các nhóm khủng bố, còn bây giờ được dùng để xác định ai đã tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Singapore thì làm hết mức có thể để theo dõi dấu vết của người bệnh xem họ đã tiếp xúc với ai và công khai đăng những chi tiết đó ra cho công chúng, họ chỉ giấu tên người bệnh. 
Tất nhiên chúng ta không biết chính xác được thế giới trong tương lai sẽ như thế nào. Nhưng bạn có thể tưởng tượng ra một thế giới mà ở đó, để lên được một chuyến bay, có lẽ bạn sẽ phải đăng ký dịch vụ cho phép theo dõi hành trình của bạn qua điện thoại. Hãng hàng không sẽ không biết được bạn đã đi đâu, nhưng họ sẽ nhận được thông báo nếu bạn có tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh hoặc đến vùng có dịch. Rồi sẽ có những yêu cầu tương tự ở lối vào các trung tâm lớn, các tòa nhà chính phủ, hay là các trạm giao thông công cộng. Sẽ có máy đo thân nhiệt ở khắp nơi, thậm chí chỗ bạn làm có thể yêu cầu bạn đeo một thiết bị có thể theo dõi nhiệt độ và những chỉ số sức khỏe khác. Trong khi hộp đêm bây giờ yêu cầu bạn chứng minh tuổi của mình, trong tương lai họ có thể yêu cầu bạn xuất trình giấy xác nhận sức khỏe - có thể là một thẻ nhận dạng hoặc là một mã xác nhận trên điện thoại giúp xác nhận bạn đã hoàn toàn khỏi bệnh hoặc đã được tiêm vắc xin phòng bệnh. 
Chúng ta sẽ thích nghi và chấp nhận các biện pháp đó, giống như chúng ta đã thích nghi với các biện pháp an ninh nghiêm ngặt hơn ở sân bay trong thời kì chống khủng bố. Những biện pháp theo dõi xâm phạm đời tư này sẽ được xem như chi phí nhỏ để đổi lấy sự tự do thoải mái giao lưu tiếp xúc với người khác.
Tuy nhiên như thường lệ, gánh nặng thực sự sẽ ập lên vai những người nghèo và yếu nhất. Những người không thể tiếp cận được với các dịch vụ y tế hoặc sống ở vùng có dịch, giờ sẽ càng bị xa lánh hơn và không có cơ hội gặp được những người khác. Những người lao động tự do - từ tài xế xe công nghệ đến thợ sửa ống nước đến giáo viên dạy yoga - sẽ thấy cuộc sống trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết. Những người nhập cư, người tị nạn, những người vô gia cư và những cựu tù nhân sẽ đối mặt thêm nhiều khó khăn hơn nữa trong việc hòa mình vào cuộc sống xã hội.
Thêm vào đó, trừ khi có những luật lệ nghiêm ngặt quy định cách đánh giá rủi ro mang bệnh của một người, các chính phủ và công ty có thể chọn bất kỳ tiêu chuẩn nào để đánh giá bạn - có thể bạn sẽ được xếp vào nhóm rủi ro cao nếu bạn có thu nhập ít hơn 50,000 USD trong một năm, hoặc gia đình bạn có nhiều hơn sáu thành viên, hay bạn sống ở một vùng nào đó trong nước. Điều đó tạo ra những định kiến trong các thuật toán và sự phân biệt đối xử ngầm, giống như những gì đã xảy ra vào năm ngoái khi một thuật toán được áp dụng bởi một công ty bảo hiểm của Mỹ đã vô tình đưa ra các chính sách ưu đãi nhiều hơn cho người da trắng.
Thế giới đã thay đổi rất nhiều lần và bây giờ nó lại đang thay đổi. Tất cả chúng ta sẽ phải thích nghi với lối sống mới, cách làm việc mới và cách xây dựng mối quan hệ mới. Và cũng như mọi lần, sẽ có người bị thiệt hại nhiều hơn người khác, và thường họ là những người vốn đã chịu sẵn nhiều thiệt thòi trong xã hội. Điều tốt nhất chúng ta có thể hy vọng là cuộc khủng hoảng sâu rộng này sẽ ép các quốc gia - đặc biệt là nước Mỹ - phải hành động trước những những bất bình đẳng trong xã hội, yếu tố đang khiến cho cuộc sống của vô vàn người trở nên vô cùng mong manh trước khủng hoảng.
Nguồn:
Bài viết được tài trợ dịch thuật bởi anh Minh Triet Luu, founder Soft Decor với mong muốn đóng góp cho Spiderum những nội dung chất lượng, qua đó góp phần xây dựng một cộng đồng người trẻ Việt ham học hỏi, văn minh và giàu tri thức.