Sống Thực Tế Hơn Nhờ Dịch Bệnh Covid-19
Phố phường Vũ Hán trong thời kỳ đỉnh dịch hồi tháng 2/2020. Ảnh: The New York Times. Khi mình viết về việc mọi người nên dừng tìm...
Khi mình viết về việc mọi người nên dừng tìm kiếm sự ổn định trong cuộc sống và cần linh hoạt thích nghi với sự thay đổi liên tục trong quyển sách "Người trong muôn nghề" vào cuối năm 2019, trong đầu mình khi đó chỉ hình dung đến những xu hướng thay đổi từ từ của xã hội, quãng thời gian mình hình dung các thay đổi đó là nhiều năm. Mình không hề ngờ rằng sự thay đổi của xã hội lại đến nhanh như vậy với mức độ lớn như vậy với sự ập đến của dịch bệnh Covid-19.
Những con vi rút corona vô hình đã khiến thế giới đảo lộn nhiều tháng qua và thu hút sự chú ý của mọi người vào những tác động trước mắt lên nền y tế, việc chăm sóc và điều trị bệnh nhân, việc kinh doanh, các hoạt động du lịch, dạy học. Tuy nhiên nó cũng cho chúng ta một quãng thời gian yên tĩnh khá dài ở nhà (yeah, thật buồn) để chúng ta có thể lùi lại, đặt những sự kiện đang xảy ra vào dòng lịch sử của loài người, hiểu hơn về xã hội chúng ta đang sống và từ đó có góc nhìn thực tế hơn vào cuộc sống chúng ta đang trải qua.
Sau đây là những gì mình thấy có ích được trong thời đại dịch Covid-19.
Thời điểm tốt để đọc sách lịch sử
Có lẽ không có thời điểm nào thích hợp để đọc sách lịch sử về văn minh loài người để kết nối với tổ tiên như lúc này. Thứ nhất là vì chúng ta có thời gian rảnh ở nhà, thứ hai là vì chúng ta đang ở chung trạng thái với những bậc tiền bối đi trước.
Sợ hãi dịch bệnh. Hoang mang với tin đồn. Phân biệt đối xử, kỳ thị với người khác. Đau khổ. Khóc.
Qua những gì mình đọc thì phần lớn con người trong quá khứ trải qua tâm trạng như vậy mỗi ngày. Đúng vậy, mình nói là mỗi ngày. Chúng ta không hiểu được điều đó vì khi chúng ta đọc sách về lịch sử, chúng ta ngồi trên ghế thoải mái, trong phòng có quạt có máy lạnh, yên tĩnh hoặc đeo tai nghe nhạc. Đối với chúng ta, dịch bệnh, số người chết, các hành vi điên rồ chỉ là con chữ. Chúng ta dễ dàng nói rằng con người ngày xưa ngu ngốc vì những hành động mê tín như lập chiến dịch săn lùng phù thủy ở châu Âu, hay là gọi những người Thiên Chúa là con chiên ngu ngốc bị dụ dỗ tham gia Thập tự chinh, hay là nhanh chóng kết luận triều Nguyễn hèn nhát với giặc Pháp, chỉ muốn cầu hòa sau 5 năm chiến tranh. Chúng ta cũng dễ dàng lên án chỉ trích các hành động như đánh đập hội đồng ai, kì thị ai đó là ác, vô đạo đức. Chúng ta cảm thấy tự tin vào sự giáo dục và tri thức của mình.
Nhưng sự xuất hiện của vi rút corona đã thay đổi toàn bộ trạng thái của con người hiện đại, và bây giờ những người trẻ sinh ra và lớn lên trong thời bình sẽ bỗng hiểu được tại sao con người ngày xưa lại làm thế. Bởi vì những bản năng đó cũng trỗi dậy trong chính từng người.
Chúng ta thấy người dân ở những quốc gia văn minh cũng hoảng loạn mua đồ tích trữ, thấy du học sinh châu Á bị đánh đập kỳ thị.
Chúng ta cũng phát điên phát rồ chửi bới, hăm dọa, lên án "bệnh nhân số 17" trên mạng xã hội.
Chúng ta gọi mình là những người Việt thân thiện nhưng rồi có những người vì hoảng sợ mà bỏ rơi khách du lịch nước ngoài. Bây giờ không ai dám nói hành động đó là sai hay vô đạo đức cả.
Sự phân biệt đối xử cũng hiện rõ giữa người Việt với nhau khi chúng ta đi phân biệt đối xử giữa người trong nước và Việt kiều, những dòng trạng thái mỉa mai người Việt từ nước ngoài xuất hiện đầy rẫy.
Những người ở vùng tâm dịch cũng sẽ hiểu được sự suy sụp về mặt tinh thần lớn thế nào chỉ trong vài tháng chống chọi với dịch bệnh, và hiểu được tại sao nhiều lúc trong lịch sử có nhiều quốc gia bỏ cuộc trong một cuộc chiến.
Còn những ai đi đầu tư tài chính bỗng có cảm giác hoảng loạn muốn mua và tích trữ vàng, giống như cha ông họ hàng trăm năm trước mua và giấu vàng.
Và những điều đó xảy ra khi vi rút corona chỉ mới giết chết khoảng 10,000 người (tính tới thời điểm viết bài). Hãy tưởng tượng khi một cuộc chiến lớn diễn ra với hàng nghìn người chết mỗi ngày và cái đói cái khát cận kề, con người còn phát điên lên như thế nào nữa. Hãy đọc các sách về các dịch bệnh, về Thế chiến thứ Nhất và thứ Hai, sách về chiến tranh Việt Nam, về cuộc chiến Pháp - Đại Nam, về nội chiến thời Tây Sơn, bỗng nhiên chúng ta sẽ hiểu: hiểu được trong bối cảnh tuyệt vọng con người trở nên độc ác ra sao, hiểu rằng tại sao lại có người muốn bỏ cuộc, về sự điên rồ mà nỗi sợ có thể tác động lên tâm lý con người khiến họ bỏ qua hết các chuẩn mực đạo lý, các khái niệm về danh dự và quốc gia để sống còn.
Đọc những quyển sách đó và nhìn vào những gì đang xảy ra ở châu Âu, bắc Mỹ, bạn sẽ hình dung được một phần nhỏ những gì mà tổ tiên đã trải qua hàng chục, hàng trăm năm trước. Có lẽ khi đó bạn sẽ không còn phán xét đúng sai dễ dàng, hay nhanh chóng gọi nhóm người này người kia là hèn mọn, độc ác như trước nữa.
Làm quen với sự bất định
Mọi người bắt đầu nói nhiều về tin giả từ cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ vào năm 2016 và đến thời đại dịch Covid-19 bùng nổ thì mọi người cũng bàn tán với nhau về đại dịch tin giả. Có rất nhiều bài viết chỉ ra làm cách nào để phân biệt tin giả, làm sao để biết tin nào đáng tin mà đọc.
Nhưng tin giả thật sự không quá đáng sợ như mọi người nghĩ. Tin giả là thứ xưa như trái đất, nó có từ thời con người biết giao tiếp với nhau và xã hội càng phát triển, tin giả càng nhiều hơn và tinh vi hơn. Nước Mỹ không chỉ gặp vấn nạn tin giả từ cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, cũng không phải từ khi có Internet. Nước Mỹ gặp vấn nạn tin giả từ thời lập quốc, khi mà Thomas Jefferson, người sau này là Tổng thống thứ 3 của Mỹ, đã thành lập tờ báo riêng của mình là National Gazette vào năm 1791 để tung hàng đống tin giả nhằm bôi nhọ và hạ nhục uy tín Bộ trưởng Bộ Tài chính Alexander Hamilton do hai người này bất đồng về cách tổ chức chính phủ non trẻ mới thành lập.
Ấy nhưng mặc cho tin giả tràn ngập từ năm này qua năm khác, nước Mỹ vẫn vươn lên thành siêu cường và vẫn cho ra đời những nhà tri thức lớn lao. Xã hội loài người luôn tràn ngập tin giả, tin đồn bịa đặt, đó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống như bệnh tật vậy. Do đó cố gắng né tin giả chỉ là một khát khao (wishful thinking) hơn là điều thực tế làm được.
Đúng là khó để phân biệt tin thật và tin giả, nhưng vấn đề khó hơn nhiều và cấp bách hơn nhiều là: làm gì khi không có thông tin chính xác. Rõ ràng ngay cả khi bạn biết được các tin tức chính xác về vi rút corona như cách phòng bệnh, các bước tuân theo khi đi cách ly, điều đó cũng không giúp bạn có câu trả lời cho những thứ không hề có thông tin chính xác như:
- Khi nào thì dịch bệnh này hết? Liệu con vi rút đó có thực sự yếu đi khi thời tiết ấm lên vào mùa hè?
- Có bao nhiêu người thực sự bị nhiễm bệnh và có bao nhiêu người chết vì dịch bệnh mà không được thống kê?
- Liệu mình sẽ bị sa thải? Liệu công ty của mình có sống sót được?
- Chính phủ sẽ làm gì để giúp hỗ trợ người thất nghiệp?
- Khi nào thị trường tài chính sẽ khôi phục? Có nên nắm giữ đô la hay trái phiếu vào lúc này?
Chúng ta không có câu trả lời hay thông tin chính xác quanh các vấn đề này vì ngay cả những người đứng đầu trong chính phủ cũng không biết được. Tại sao chính phủ Anh và Mỹ lại thay đổi lập trường nhanh như vậy trong việc đối phó với dịch bệnh, vì ngay từ đầu họ cũng không biết được con vi rút này là như thế nào, mức tàn phá của nó là bao nhiêu.
Đợt dịch bệnh này là cơ hội để chúng ta thấy rằng mọi sự bình yên chỉ là tạm thời, và thế giới này sẽ luôn có những khoảnh khắc đảo điên. Chúng ta sẽ bị ép phải tự học cách suy nghĩ, tư duy và đưa ra quyết định cho cuộc đời mình nhiều hơn là dựa vào người khác. Chúng ta cũng sẽ hiểu hơn về những khái niệm được nhắc tới nhiều như sự thích nghi, kỹ năng đa ngành. Chúng ta bị đặt vào thế khó và phải gồng lên bằng mọi cách để kiếm sống.
Đây là một phiên bản nhẹ nhàng của "sự sống sót của kẻ mạnh" trong thuyết tiến hóa. Lần đầu tiên mỗi người trẻ sẽ phải trải qua một thử thách lớn để xem bản thân họ có thực sự giỏi như họ nghĩ.
Ngoài ra chúng ta cần phải nhớ những gì đang xảy ra hôm nay để phát hiện được những kẻ khoác lác sau này. Nhiều năm sau, có thể là năm 2025, 2026, khi mà dịch bệnh đã trôi qua và cuộc sống đã trở lại bình thường theo cách mới, sẽ có người nói với bạn rằng:
- "Hồi đó rõ ràng nhìn là thấy chỉ có cách này mới trị được dịch bệnh...."
- "Lúc đó nhìn là biết nước X này làm vậy là sai...."
- "Rõ ràng theo quy luật cuộc sống, cứ mua vào cổ phiếu Y này là đúng..."
Đó là những lời nói khoác vì khi mọi việc đang diễn ra như chúng ta chứng kiến, không ai biết được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Phát hiện ra tin giả là việc khó, nhưng làm gì khi không có thông tin thì khó hơn nhiều.
Gạt bỏ sự hào nhoáng bên ngoài
Bạn mình ở Mỹ đã bị công ty cho nghỉ việc, và nhiều người khác mình quen cũng đang gọi là...sống lay lắt vì tình hình kinh doanh đi xuống nghiêm trọng. Ai làm agency thì việc đối tác hủy hợp đồng diễn ra hằng ngày, ai kinh doanh bất động sản cho thuê mặt bằng thì điêu đứng vì không có khách thuê.
Điều này bỗng khiến mọi người hiểu rằng xây dựng nền tài chính vững chắc thì thiết yếu hơn nhiều là dành tiền mua sắm sự hào nhoáng. Khi mọi thứ còn tốt đẹp, ai cũng cho rằng những thảm kịch như dịch bệnh Covid-19 là sản phẩm của những nhà văn, và có tiền thì nên tận hưởng cuộc sống cho đã. Tuy nhiên khi thảm họa ập đến thì những bức hình chụp hàng hiệu nhiều lượt thích, những status triết lý về cuộc sống bỗng trở nên vô nghĩa.
Mình không nói rằng chụp hình chia sẻ về bản thân hay mua đồ hiệu là sai trái. Mình chỉ muốn nói rằng khi thu nhập đang dần cạn kiệt, mọi người dần nhận ra rằng chúng không phải là thứ thật sự quan trọng để mà dành nhiều thời gian lo lắng.
Sự hào nhoáng này giả tạo này còn thể hiện ở cấp doanh nghiệp. Ví dụ như hãng hàng không American Airlines. Hãng này trong thời kì huy hoàng là giai đoạn 2014 - 2019, họ năm nào cũng tăng trưởng lợi nhuận, thu về hàng chục tỷ đô la. Họ đã sát nhập với các hãng hàng không khác để giảm cạnh tranh và tăng phí. Số tiền lợi nhuận khổng lồ họ thu về, họ không dành để nâng cấp dịch vụ mà là để tạo ra những sự "sáng tạo" như: tăng phí đổi vé nội địa và đổi vé bay quốc tế, tăng cước phí hành lý, giảm kích cỡ buồng vệ sinh và kích cỡ ghế ngồi để có thêm chỗ nhét thêm khách, giảm bớt số lượng cửa sổ trên máy bay để tiết kiệm chi phí. Họ thậm chí tạo ra loại vé mới là "kinh tế cơ bản" (basic economy), hành khách mua vé này sẽ không được mang theo hành lý xách tay, và như thế có nhiều chỗ hơn để cho thêm khách. Nhờ cắn sâu vào túi tiền người tiêu dùng như vậy, nên tiền đổ về hãng nhiều đến mức CEO của hãng, ông Doug Parker đã phát biểu vào năm 2017: "Tôi không tin rằng sẽ có ngày chúng ta thua lỗ".
Như vậy tất cả những gì American Airlines làm là bào mòn túi tiền của khách hàng để thu về hàng tỷ đô la, dùng tiền đó mua lại cổ phiếu để tăng giá cổ phiếu lên, đồng thời cũng đẩy số nợ lên. Hoàn toàn hãng chẳng tạo ra được thêm được giá trị gì cho người tiêu dùng, sự tăng trưởng này là ảo.
Cho nên khi dịch bệnh ập đến, American Airlines lộ nguyên hình là một lâu đài cát, sự hào nhoáng hùng mạnh bên ngoài chỉ là lớp vỏ bọc che đậy một đống nợ xấu trị giá 200 tỷ USD ở bên trong, và giờ thì họ lạy lục xin chính phủ Mỹ cứu bởi vì họ sẽ không sống quá tháng 5 nếu tình hình không thay đổi. Tất nhiên là hãng hàng không nào cũng gặp khó khăn thời điểm này, nhưng thu tiền nhiều như American Airlines mà lại dễ chết như vậy thì là không bình thường.
American Airlines chỉ là một ví dụ trong hàng loạt ví dụ về các tập đoàn khác có giá cổ phiếu tăng cao ngất ngưỡng nhưng không phải nhờ vào việc tạo ra thêm giá trị mà là nhờ vào các biện pháp bòn rút người khác.
Còn ở cấp quốc gia, dịch bệnh đã giúp nhiều người thấy được năng lực thật sự của chính phủ trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng, cũng như giống nhắc nhở họ rằng đằng sau mọi thứ họ thấy đều là con người. Người dân của những quốc gia đang phát triển nhận ra rằng nền y tế tốt đẹp mà họ đang tận hưởng chỉ tốt đẹp khi mọi thứ yên bình, khi một biến cố lớn xảy ra, mọi thứ trở nên hỗn loạn. Cả một hệ thống khổng lồ được xây dựng hàng chục năm bỗng nhiên như tan vỡ trong vài tuần.
Hệ thống y tế ở Ý được đánh giá là tiên tiến hơn ở Anh và Mỹ đã bên bờ sụp đổ nhanh như vậy, hãy tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra khi dịch bệnh tràn ra ở hai quốc gia kia.
Biểu đồ so sánh số giường bệnh trên mỗi 1000 người ở các quốc gia khác nhau
Hệ thống tài chính Hoa Kỳ tưởng chừng như hùng mạnh, vững chắc hơn sau cuộc khủng hoảng 2007 - 2008 được chống lưng bởi hàng nghìn tỷ đô la, bằng những thuật toán tân tiến nhất, được vận hành bởi những bộ óc tinh tú nhất, cũng bỗng trở nên mong manh khi hàng loạt chỉ số chứng khoán lao dốc mạnh chỉ trong hai tuần. Các ngân hàng đã vội vàng kêu gọi Cục dự trữ liên bang (Fed) can thiệp bằng những gói tín dụng lên đến hàng nghìn tỷ đô.
Giới đầu tư bỗng nhận ra rằng nền tài chính Mỹ đang chao đảo và không ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Mỗi tuần trôi qua khi mà con vi rút vẫn đang tung hoành là một rủi ro mới lại xuất hiện.
Chúng ta thấy rằng nền tài chính vững chắc ngoài kia, với những cái tên hào nhoáng như Goldman Sachs, JPMorgan, cũng giống như công ty lớn mà chúng ta làm hằng ngày, chúng đều không vững chắc như chúng ta nghĩ.
Sống chậm lại
Dịch bệnh Covid-19 đã khiến chúng ta có nhiều thời gian rảnh hơn, và một trong những điều có thể làm để tận dụng thời gian rảnh đó là đọc những quyển sách lịch sử để tìm thấy mối liên hệ giữa con người trong quá khứ và hiện tại. Chúng ta cũng có thời gian để suy nghĩ cẩn thận hơn về những điều phải làm tiếp theo và đồng thời nhận ra rằng dành thời gian chuẩn bị cho những thảm họa không lường trước được.
Đối với mình, dịch bệnh này đã khiến cuộc sống trở nên chậm lại và một lần nữa cho thấy sự bé nhỏ của bản thân trước các biến cố lớn lao trong cuộc sống. Mình cũng học cách trân trọng hơn thời gian đang có, vì mình vẫn đang ngồi đây gõ những dòng chữ này chứ không phải là trong tình trạng hoảng loạn.
Một số sách lịch sử hay mọi người có thể đọc tham khảo:
Lịch sử thế giới
Lịch sử Việt Nam
Các bài viết cùng chủ đề:
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất