TOP 12 SỰ THẬT LỊCH SỬ THÚ VỊ VỀ HÀ NỘI
Một số sự thật thú vị về lịch sử Hà Nội.
“Người Pháp có Paris, người Anh có London, người Tàu có Thượng Hải… Trong các sách vở, trên các báo chí, họ nói đến thành phố của họ một cách tha thiết, mến yêu [...] Chúng ta cũng có Hà Nội, một thành phố rất nhiều vẻ đẹp vì Hà Nội đẹp thật và cũng vì chúng ta mến yêu. Yêu mến Hà Nội với tâm hồn người Hà Nội cũng như người Paris chính hiệu yêu mến Paris..." - Thạch Lam, Hà Nội băm sáu phố phường -
Theo VTV, mới đây kênh CNN đã đăng tải danh sách 12 địa điểm hấp dẫn nhất dành cho du khách để tới vào mùa thu năm 2022. Trong đó, Hà Nội cũng vinh dự góp mặt trong danh sách này và được gọi là nơi không thể bỏ qua khi tới Việt Nam. Như vậy là, sự nổi tiếng của thành phố này đã vươn tầm khỏi phạm vi Việt Nam và vươn xa trên thế giới.
Dù có là người Việt Nam hay người nước ngoài, chắc hẳn là ai trong số chúng ta, những người đang theo dõi bài viết này khi bị thu hút bởi tiêu đề cũng đều biết Hà Nội là thủ đô của đất nước Việt Nam và cũng là một thành phố có truyền thống, lịch sử và văn hóa lâu đời.Trải qua 1000 năm vật đổi sao dời, Hà Nội vẫn giữ được vị thế của một vùng đất trung tâm với nền văn hiến văn vật được duy trì trong từng hơi thở của nhịp sống phố phường nơi đây. Những đền chùa cổ kính vẫn còn đó, yên tĩnh tư lự giữa đời sống đô thị ồn ào, náo nhiệt như là minh chứng cho một lịch sử vẻ vang của thành phố. Vốn không sầm uất và náo nhiệt như Thành phố Hồ Chí Minh, thế nhưng Hà Nội vẫn có những nét đẹp độc đáo, riêng biệt và cả những sự thật mà ngay cả chính những người đang sống tại đây cũng chưa chắc đã biết đấy.
Nhân dịp Tết đến xuân về, hãy cùng Spiderum chúng mình tìm hiểu ngay về một vài sự thật thú vị ấy thông qua bài viết “Top 12 điều thú vị về Hà Nội” sau đây nhé:
1, “HÀ NỘI” CÓ NGHĨA LÀ GIỮA SÔNG
Cái tên Hà Nội của thành phố được ra đời vào năm 1831, thay thế cho tên cũ Thăng Long khi vua Minh Mạng đưa ra một loạt cải cách về địa lý hành chính tại khu vực Bắc Hà. Về nghĩa đen, cái tên Hà Nội của địa danh này được ghép giữa 2 từ là “hà” tức “sông” và “nội” nghĩa là “bên trong”. Như vậy, Hà Nội có nghĩa là “bên trong sông”. Đến đây, sẽ có nhiều bạn thắc mắc là tại sao lại như thế nhỉ, nhìn kiểu gì thì Hà Nội cũng đâu có giống một cái cù lao?
Sở dĩ có cái tên này là bởi về mặt địa giới, phạm vi Hà Nội đương thời là vùng đất được bao bọc hoàn toàn bởi chính lưu của sông Hồng và phụ lưu của nó là sông Tô Lịch. Bạn có thể hình dung lúc này Hà Nội như thể một quần đảo khổng lồ vậy. Đến nay, trải qua quá trình mở rộng qui hoạch của Nhà nước, thành phố giờ đây đã bao gồm cả khu vực bên ngoài vùng đất được bao bọc bởi những con sông ban đầu. Do đó, cái tên Hà Nội đến nay thì cũng đã không còn đúng về mặt địa lý nữa mà chỉ còn mang giá trị lịch sử mà thôi.
2, VÙNG ĐẤT TRUNG TÂM
Ngay cả trong thời kì Bắc thuộc, Hà Nội đã là một vùng đất trung tâm, được nhiều triều đại nước ta lẫn phương Bắc tin tưởng đặt làm thủ phủ cai trị. Năm 544, Lý Bí nổi dậy chống lại nhà Lương, tự xưng hoàng đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên, tức một địa danh cổ nằm đâu đó xung quanh khu vực bờ sông Tô Lịch ngày nay (chứ không phải quận Long Biên bây giờ nhé). Thời kỳ Nhà Đường, nước ta được phân chia lại thành 12 châu với 50 huyện, Long Biên lại được đổi thành Tống Bình, là trung tâm của An Nam đô hộ phủ. Năm 866, tướng quân nhà Đường là Cao Biền sau khi dẹp nạn Nam Chiếu đã cho đổi tên An Nam đô hộ phủ thành Tĩnh Hải quân và khởi công xây dựng một thành trì mới tại Tống Bình, lấy tên là Đại La. Tống Bình theo đó được đổi tên thành Đại La, vẫn giữ vai trò là thủ phủ như cũ.
Sang tới thời kì độc lập, năm 1010, sau khi lên ngôi Hoàng đế, Lý Công Uẩn quyết định dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, đổi tên Đại La thành Thăng Long. Từ đó, vùng đất Hà Nội chính thức đi vào lịch sử với tư cách là kinh đô của một quốc gia độc lập, và cũng từ đây vùng đất này mang tên gọi Thăng Long trong suốt gần 800 năm tiếp theo. Trải qua 3 triều đại nổi tiếng nhất lịch sử trung đại là Lý, Trần Lê và cả những cuộc biến loạn Trịnh-Nguyễn phân tranh, Tây Sơn - nhà Nguyễn... Thăng Long vẫn giữ được vị thế của mình. Tới thời hiện đại, Hà Nội lại một lần nữa trở thành thủ đô của nước ta, cùng với Thành phố Hồ Chí Minh trở thành 2 trung tâm lớn nhất cả nước.
Có thể nói, là một trong số nhiều thủ đô lâu đời trên thế giới, Hà Nội đã sớm khẳng định tầm quan trọng trong chiến lược phát triển của đất nước, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước.
3, VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM TỪNG LÀ MỘT HÒN ĐẢO
Hẳn nhiều người đã biết rằng Quốc Tử Giám là một quần thể kiến trúc di tích lịch sử văn hóa hàng đầu của Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước ta nói chung. Công trình này được xây dựng vào tháng 9 năm 1070 dưới thời vua Lý Thánh Tông và vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay, trở thành một trong những địa điểm du lịch mà hầu như bất kì du khách nào cũng đều phải bắt xe ghé qua khi tới Hà Nội. Thế nhưng, ngược về vài trăm năm trước, thì thay vì bắt xe, có lẽ mọi người sẽ phải đi thuyền tới đó đấy.
Lý do là bởi thời xưa, Quốc Tử Giám được xây dựng trên một hòn đảo nằm giữa một đầm nước lớn gọi là Đại Hồ. Nơi đây lúc đầu chỉ là ngôi miếu thờ Khổng Tử, Chu Công và các môn đồ của Khổng tử là Nhan Uyên, Tăng Sâm, Mạnh Tử và Tử Tư. Vua Lý Thánh Tông còn cho đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và bốn đệ tử, vẽ hình 72 người hiền của Nho giáo để thờ cúng, bốn mùa tế lễ. Về sau, Quốc Tử Giám dần được chuyển đổi mô hình hoạt động sang thành một trường dạy học cho con em hoàng tộc và những nhân tài hàng đầu của đất nước. Về sau, đầm Đại Hồ dần được san lấp rồi biến mất. Quốc Tử Giám ngày nay cũng chỉ còn mang ý nghĩa một khu di tích lịch sử thay vì một trường học như trước kia.
4, HỒ GƯƠM TỪNG RẤT RỘNG LỚN
Nhắc đến Hồ Hoàn Kiếm, hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến một hồ nước nhỏ xinh nằm giữa lòng Hà Nội, một điểm đến không thể bỏ lỡ của những người phương xa khi tới mảnh đất này. Hồ nằm ở trung tâm thủ đô, được bao quanh bởi 3 con phố Hàng Khay – Lê Thái Tổ – Đinh Tiên Hoàng. Đó là nơi tụ hội, điểm hẹn lý tưởng bốn mùa: rực rỡ trong sắc đào và các lễ hội truyền thống vào mùa xuân; lồng lộng những cơn gió xua tan đi cái nóng oi bức của mùa hè; say đắm với những cành liễu rủ trong màn sương huyền ảo của mùa thu; lộng lẫy trong cơn mưa lá vàng và những giọt mưa phùn lất phất bay của mùa đông. Thế nhưng, ít ai biết rằng Hồ Gươm đã từng rộng lớn hơn thế rất nhiều.
Trước kia hồ có tên gọi là hồ Lục Thủy, vì tương truyền nước có màu xanh ngắt quanh năm. Vào thời Trần, hồ rất rộng, lại thông với sông Hồng nên thường có thủy quân tập trận ở trong cho vua ngự xem, nên cũng được gọi là hồ Thủy Quân. Đến thời Lê Trung Hưng, chúa Trịnh cho ngăn hồ Lục Thủy thành 2 hồ nhỏ hơn, dựng Phủ chúa với nhiều lâu đài, cung điện xây dựng bên bờ phía Tây của hồ. Lúc này, từ Phủ chúa nhìn ra, phía hồ trên gọi là hồ Tả Vọng, tức nhìn từ bên trái và phía hồ dưới gọi là hồ Hữu Vọng, tưc nhìn từ bên phải. Dù bị chia ra nhưng 2 phần của hồ Lục Thủy khi đó vẫn còn rất lớn, đặc biệt, Hữu Vọng vẫn còn được dùng làm nơi duyệt quân thuỷ chiến của triều đình. Đến đời Tự Đức, hồ Hữu Vọng được gọi là hồ Thủy Quân, còn hồ Tả Vọng được gọi là hồ Hoàn Kiếm.
Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp sau khi chiếm Hà Nội đã lên kế hoạch quy hoạch lại thành phố. Các kĩ sư người Pháp đề xuất cho san lấp hết hồ Hữu Vọng để mở mang phố phường. Do đó, hồ Hữu Vọng biến mất, chỉ còn lại hồ Tả Vọng. Ngày nay, khu vực Nhà Hát Lớn Hà Nội chính là được xây dựng trên nền san lấp của hồ Hữu Vọng xưa.
5, ĐỀN NGỌC SƠN TỪNG THỜ THẦN TRUNG HOA
“Cầu Thê Húc màu son , cong cong như con tôm, dẫn vào đền Ngọc Sơn” - Câu văn quen thuộc kể trên chắc hẳn sẽ khiến nhiều người bồi hồi nhớ đến một bài văn mẫu trong SGK đã đi vào tuổi thơ của biết bao thế hệ. Hẳn nhờ đó mà ai cũng biết rằng trên Hồ Hoàn Kiếm có một ngôi đền gọi là đền Ngọc Sơn. Vậy, bạn đã thực sự hiểu hết về lịch sử của ngôi đền này?
Từ xưa, trên hồ Tả Vọng đã có một gò đất cao, tương truyền các tiên nữ thường về đây ca hát. Thời Lý Thái Tổ gọi là Ngọc Tượng Sơn, đến thời Trần gọi là Ngọc Sơn. Trên Ngọc Sơn từng có một ngôi chùa nhỏ, về sau bị huỷ hoại. Sang đến thời Lê Sơ, đảo Ngọc Sơn được dùng làm nơi câu cá cho giới quý tộc. Đến cuối thời Lê Trung Hưng, một người làng Nhị Khê là ông Tín Trai, nhân đền cũ lập ngôi chùa mới gọi là chùa Ngọc Sơn.
Ít năm sau, chùa lại nhường cho một hội từ thiện đổi làm đền thờ Tam Thánh. Hội này đã bỏ gác chuông, xây lại các gian điện chính, các dãy phòng hai bên, đặt tượng Văn Xương Đế Quân vào thờ và đổi tên là đền Ngọc Sơn. Theo bài ký "Sửa lại miếu Văn Xương", thì:
"...Hiện nay đền thờ mới đã hoàn thành, phía trước kề bờ nước, làm đình Trấn Ba, ngụ ý là cột trụ đứng vững giữa làn sóng văn hóa. Bên tả, phía đông cầu Thê Húc, dựng Đài Nghiên. Lại về phía đông trên núi Độc Tôn, xây Tháp Bút, tượng trưng cho nền văn vật..."
Đến đầu thời Nguyễn, đền Ngọc Sơn chuyển sang thờ thánh Quan Vân Trường. Năm Tự Đức thứ mười tám (1865), nhà nho Nguyễn Văn Siêu đứng ra tu sửa lại đền. Đền mới sửa đắp thêm đất và xây kè đá xung quanh, xây đình Trấn Ba, bắc một cầu từ bờ Đông đi vào gọi là cầu Thê Húc. Từ đó, đền và cầu trở nên giống với những gì chúng ta đang thấy tại Hồ Gươm đến bây giờ.
6, CÓ MỘT TRUYỀN THUYẾT RẤT KHÁC VỀ HỒ GƯƠM
Với nhiều người, truyền thuyết về cái tên của Hồ Hoàn Kiếm rất đơn giản và ý nghĩa, đó là Lê Lợi từng được Kim Quy ban cho một thanh gươm thần mà đánh đuổi được giặc Minh, sau này khi lên làm vua thì trả lại cho thần. Thế nhưng, hẳn các bạn sẽ rất bất ngờ khi có một truyền thuyết khác về cái tên của hồ đấy. Theo đó, Lê Lợi thực ra là đã vô tình bị rùa… đớp mất gươm báu khi đang ngao du trên hồ. Câu chyện được ghi lại trong Hồ Hoàn Kiếm truyện thuộc sách "Tang thương ngẫu lục" của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án như sau:
"Hồ Hoàn Kiếm ở bên cạnh phường Báo Thiên, thành Thăng Long, thông với nước ngoài sông, hình thể rất to rộng. Hồ này là nơi đức Thái Tổ Hoàng Đế (triều trước) đánh rơi thanh kiếm. Hồi Thái Tổ khởi nghĩa, ngài bắt được một thanh gươm cổ. Khi làm vua, ngài thường vẫn đeo thanh gươm đó. Một hôm chơi thuyền ở trong hồ, chợt thấy một con ba-ba rất lớn nổi lên mặt nước, bắn nó không trúng. Ngài bèn lấy thanh gươm mà chọt. Bất đồ, thanh kiếm rơi xuống nước mất, con ba-ba cũng lặn theo. Ngài giận, sai lấp cửa hồ lại, đắp cái bờ ngang, tát hết nước để tìm, nhưng chẳng thấy đâu cả. Đời sau nhân cái vết bờ ấy chia hồ ra làm hai: Tả Vọng và Hữu Vọng. Cuối đời Cảnh Hưng, bỗng có một vệt sáng từ cái đảo trong hồ vọt lên cao, sáng rực tan ra rồi tắt, người ta cho là thanh bảo kiếm bay đi."
Đến đây thì hẳn nhiều bạn sẽ rất bất ngờ bởi câu chuyện vô cùng… bi hài về cái tên của hồ Gươm đúng không nào?
7, THĂNG LONG TỨ TRẤN
Thăng Long Tứ trấn là tên gọi chỉ 4 ngôi đền thiêng thờ 4 vị thần trấn giữ 4 vị trí huyết mạch phía Đông, Tây, Nam, Bắc của kinh thành Thăng Long xưa. Bốn ngôi đền ấy bao gồm: đền Bạch Mã trấn phía Đông, đền Voi Phục trấn phía Tây, đền Kim Liên trấn phía Nam, đền Quán Thánh trấn phía Bắc. Ngày 18 tháng 1 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 93/QĐ-TTg xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Thăng Long Tứ trấn là di tích cấp quốc gia đặc biệt. Vậy, Thăng Long tứ trấn có gì đặc biệt đến thế? Cùng chúng mình tìm hiểu ngay thôi nào.
Có lẽ, nổi tiếng nhất trong Tứ trấn chính là Đền Bạch Mã. Xưa kia, đền tọa lạc thuộc địa dư phường Hà Khẩu, tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, Thăng Long, gần đầu nguồn cổ của sông Tô Lịch. Đền được xây dựng từ thế kỷ IX để thờ thần Long Đỗ. Theo truyền thuyết, sau khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, định xây tường thành nhưng nhiều lần cứ đắp lên lại bị sụp đổ. Vua cho người cầu khấn ở đền thì thấy một con ngựa trắng kì lạ từ đền đi ra. Vua lần theo vết chân ngựa, vẽ đồ án xây thành, thành mới đứng vững. Để ghi nhớ công lao của vị thần ấy, vua Lý Thái Tổ phong ngài làm Thành hoàng của kinh thành Thăng Long.
Sau này, khi người Hoa tới Thăng Long buôn bán và sinh sống ở gần đền, đền cũng được kiêm thêm làm nơi thờ Phục Ba Tướng quân Mã Viện của nhà Hán. Văn bia hiện còn ở đền cho biết, đền Bạch Mã được tu bổ lớn vào niên hiệu Chính Hòa đời Lê Hy Tông, đến năm 1839 lại được tu bổ thêm. Thời nay, đền nằm ở địa chỉ 76 phố Hàng Buồm, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm. Ngày 18 tháng 6 năm 2022, đền Bạch Mã được vinh dự đón bằng xếp hạng Di tích cấp Quốc gia.
Đứng thứ hai về sự nổi tiếng chính là đền Quán Thánh. Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe qua bài ca dao “Gió đưa cành trúc la đà - Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương - Mịt mù khói tỏa ngàn sương - Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”. Trong bài ca dao trên, Trấn Vũ chính là tên gọi cũ của đền Quán Thánh - Trấn Vũ Quán.
Theo sử sách, đền Quán Thánh hay Quán Trấn Vũ thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ. Đây là một vị thần của Đạo giáo, tượng trưng cho sao Bắc Cực và là người cai quản phương Bắc kiêm quản lý các loài thủy tộc. Tương truyền, thần là người đã giúp vua An Dương Vương đánh bại yêu quái khi xây thành Cổ Loa nên được nhân dân thờ phụng. Đền được dựng trong Kinh thành từ thời nhà Lý, cụ thể là năm 1160. Đến năm 1474 dưới thời Lê Sơ, khi mở rộng Hoàng thành Thăng Long, vua Lê Thánh Tông cho di chuyển đền ra địa điểm hiện tại. Ngày nay, địa chỉ của đền Quán Thánh nằm tại số 190 phố Quán Thánh, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, ngay sát bên bờ Hồ Tây.
Đứng thứ ba trong danh sách chính là đền Kim Liên. Đền từng thuộc địa phận làng Kim Liên cũ, gần với cửa thoát nước từ đầm cổ Đại Hồ ra sông Tô Lịch. Đền Kim Liên vốn được lập nên để thờ Cao Sơn Đại Vương. Theo tấm bia đá đặc biệt cao hiện còn lưu giữ tại đền có tựa "Cao Sơn đại vương thần từ bi minh", là văn bia do sử thần Lê Trung soạn năm 1510 có nói về công lao của thần Cao Sơn. Tương truyền rằng khi vua Lê Tương Dực cầm quân dẹp loạn, khôi phục cơ nghiệp của vua Lê Thái Tổ, có ba vị đại thần là Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Hoàng Dụ và Nguyễn Văn Lữ cùng đem quân đi chinh phạt. Đến địa phận huyện Phụng Hoá, nay là di tích đền Láo, xã Văn Phú, Nho Quan, tỉnh Ninh Bình thì thấy cảnh núi rừng rậm rạp có ngôi đền cổ ghi bốn chữ "Cao Sơn đại vương". Cảm thấy rất dị thường, vua cùng các quan bèn kéo nhau tới khẩn cầu thần phù trợ. Quả nhiên, trong vòng mười ngày kháng chiến đã thành công. Để tạ ơn thần, vua lệnh cho xây dựng đền thờ tại Phụng Hóa. Sau này, nhớ ơn thần đã ngầm giúp dẹp loạn ở Đông Đô, nên năm 1509 vua lại cho xây dựng đền thờ to đẹp hơn ở phường Kim Hoa thuộc Vĩnh Xương, một trong hai phủ của Thăng Long thời bấy giờ.
Đến thời Nguyễn, dân làng Kim Liên đã lập thêm cổng tam quan ở phía trước cổng đền ngay sát đầm Kim Liên và bổ sung thêm một số kiến trúc mới, tạo thành khu di tích đình làng Kim Liên. Ngày nay, đền tọa lạc ở số 176 phố Kim Hoa, phường Phương Liên, quận Đống Đa. Ngoài Cao Sơn Đại Vương, trong đền và đình Kim Liên bây giờ thờ thêm Tam Phủ, thờ Mẫu và thậm chí là cả… Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cuối cùng chính là đền Voi Phục. Đền được lập từ thời Lý Thái Tông ở góc phía Tây Nam thành Thăng Long cũ thuộc địa phận làng Thủ Lệ, sát với cửa thoát nước cổ của hồ Linh Lang ra sông Tô Lịch. Trong đền thờ thần Linh Lang, theo huyền sử là một vị hoàng tử của vua Lý Thái Tông. Truyền thuyết kể rằng mẫu thân của hoàng tử trong một lần tắm ở Hồ Tây đã giao hợp với rồng mà sinh ra chàng. Khi lớn lên, Linh Lang đã giúp vua cha đánh bại quân Tống xâm lược rồi nhảy xuống hồ Linh Lang để trở về thủy phủ. Sau này, hoàng tử Linh Lang đã nhiều lần hiển linh giúp nhà Trần trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông và cả nhà Hậu Lê trong cuộc phục hưng đất nước.
Về lí do đền được biết tớì với cái tên như hiện nay thay vì Linh Lang, đấy là bởi trước cửa đền có tạc hai con voi đá quỳ gối nên dân gian thường quen gọi là đền Voi Phục. Sau này, cái tên đó phổ biến tới nỗi chính quyền lấy luôn làm tên hành chính cho đền. Hiện nay, đền nằm bên trong khu vực công viên Thủ Lệ, số 362 đường Kim Mã, phố Kim Mã, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình. Còn hồ Linh Lang trước kia nay chính là hồ Thủ Lệ nổi tiếng.
8, PHƯỜNG GIẢNG VÕ TỪNG LÀ MỘT LÒ LUYỆN VÕ
Lịch sử hình thành Thăng Long là một quá trình kéo dài hàng trăm năm lịch sử với sự tiến bộ của nhiều mặt đời sống người dân nơi đây. Đó là những giai đoạn xây dựng, phát triển nền kinh tế, văn hóa, giáo dục và cả quân sự để Thăng Long trở thành “kinh đô của các bậc đế vương muôn đời”. Chính vì vậy mà các triều đại nước ta từ xưa không chỉ chú trọng đến văn ôn mà còn quan tâm đến võ bị. Để phục vụ cho việc luyện võ của quân đội, các triều đại phong kiến Việt Nam đã cho mở một võ trường tại ngay Thăng Long, gọi là Giảng võ đường (hay Giảng võ trường).
Thời đầu nhà Lý, khi đất nước bước vào thời kỳ tương đối ổn định thì những công trình văn hóa, chùa chiền được xây dựng thể hiện một triều đại chuộng văn, chuộng đạo lý Phật. Tuy nhiên, nhà Lý cũng quan tâm đến việc tập luyện võ nghệ. Ngay từ khi vua Lý dời đô về Thăng Long đã cho xây dựng một khu vực điện Giảng Võ - nơi duy trì dạy và luyện quân sự nằm ở hai làng Giảng Võ và Hào Nam là hai trại thuộc tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận cũ. Đến đời vua Lý Anh Tông đổi tên thành Giảng Võ trường.
Đến đời Trần, Giảng Võ trường chuyển đi nơi khác, đây chỉ còn là Võ Trại có dân cư sống xen lẫn. Tuy nhiên có thể nói Thăng Long thời Trần là Thăng Long chuộng võ. Năm 1253 vua Trần cho lập Giảng Võ đường, vương hầu tôn thất, quý tộc, các tướng sĩ, quân đội đến Giảng Võ đường tập luyện cưỡi ngựa, bắn cung, đấu võ, trau dồi binh pháp, và khuyến khích tất cả trai tráng trong nước đều phải tập võ. Vào những ngày lễ hội mùa xuân, không chỉ mang tính chất vui chơi giải trí mà tinh thần thượng võ cũng được đề cao trong những hội thi. Còn có một giai thoại kể rằng: lúc bấy giờ các phương hầu phần nhiều lấy sự đánh nhau bằng tay không và một mình đi ăn cướp là dũng cảm. Vũ Uy Vương (con vua Trần Thái Tông) cũng làm thế.
Dưới thời Lê, mặc dù Nho giáo được đưa lên tới đỉnh cao, Nho sĩ được coi trọng với nhiều đặc ân của vua ban nhưng nhà Lê vẫn chú trọng đến việc luyện tập võ nghệ cho quân lính.
Trải qua các triều đại Lê Trung Hưng, Trịnh - Nguyễn với những cuộc phân tranh quyền lực, đất nước chìm trong những cuộc nội chiến liên miên thì việc tập trung xây dựng một đội quân võ nghệ trong cả nước đã không còn được chú trọng như trước. Kể từ thời Nguyễn, Giảng Võ đường dần mất đi vai trò là một lò luyện võ ban đầu. Dù vậy, truyền thống tập luyện võ thuật đã được truyền lại từ các cuộc tập duyệt của triều đình đến dân chúng trong vùng. Người dân vùng Giảng Võ vẫn xem việc luyện võ là một nếp sống đẹp cần duy trì và phát huy.
Khi thực dân Pháp xâm lược Hà Nội, khu vực Giảng Võ đường xưa kia được quy hoạch lại thành khu dân cư, mà ngày nay chính là phường Giảng Võ tại quận Ba Đình. Đến ngày nay, dấu ấn của Giảng Võ như là một vùng đất võ có lẽ chỉ còn lại là cái tên.
9, VÌ SAO LẠI GỌI LÀ HÀ NỘI 36 PHỐ PHƯỜNG?
“Rủ nhau chơi khắp Long thành Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai.”
Trong nhiều tác phẩm văn học, âm nhạc, truyền hình hiện nay, chúng ta thường nghe đến cụm từ “Hà Nội 36 phố phường”. Từ cuối thế kỷ XIX đã có hai nhà thơ viết về chủ đề Hà Nội 36 phố phường. Bài 1 có đầu đề "Ba mươi sáu phố phường Hà Nội", tác giả khuyết danh, bài 2 có đầu đề "Hà Nội 36 phố phường", tác giả Đặng Huy Thu. Sang đầu thế kỷ XX, học giả Trần Huy Bá có chép lại bài hát bản đồ Hà Nội trong sách Đồng Khánh địa dư 1886-1888 với đầu đề là "Hà Nội có 36 phố phường từ bao giờ?". Và tiêu biểu nhất cũng như ấn tượng nhất về chủ đề này chính là tác phẩm nổi tiếng “Hà Nội băm sáu phố phường” của nhà văn Thạch Lam với 36 con phố của Hà Nội đã được giới thiệu một cách nên thơ qua từng trang sách.
Thế nhưng, bạn đã bao giờ tự hỏi, liệu Hà Nội có đúng là có 36 phố phường không? Từ đâu mà sinh ra thuật ngữ này? Nếu bạn chưa nghĩ ra thì cũng đừng lo lắng, Spideru chúng mình sẽ trình bày nguồn gốc lịch sử của cụm từ “Hà Nội 36 phố phường” ngay sau đây:
Vào thời Lê, về mặt hành chính thì Thăng Long bao gồm 2 phần đó là Hoàng thành Thăng Long và một phủ kiêm lý, tức là phần thành thị kề cận Hoàng thành. Năm 1469, vua Lê Thánh Tông đổi tên phủ kiêm lý từ Trung Đô thành Phụng Thiên. Phủ Phụng Thiên khi ấy chia làm 2 huyện Quảng Đức, sau đổi ra Vĩnh Thuận và Vĩnh Xương, sau đổi ra Thọ Xương. Mỗi huyện có 18 phường, do đó tổng cộng Thăng Long có 36 phường. Từ “phường” mang hai nghĩa: thứ nhất là chỉ các tổ chức của những người cùng làm một nghề, nghĩa thứ hai là để chỉ đơn vị hành chính địa lý cấp cơ sở ở kinh thành Thăng Long. Vì vậy mà có thể hiểu rằng 36 phường này vừa được phân theo ranh giới địa lý, vừa được chia theo nghề nghiệp chủ yếu của thị dân trong vùng.
Suốt ba thế kỷ, nhà Lê vẫn giữ nguyên sự phân định hành chính đó. Tới thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn, Thăng Long được đổi thành phủ Hoài Đức và chia nhỏ ra làm nhiều đơn vị mới, có tên gọi là phường, thôn, trại. Huyện Thọ Xương bị chia ra làm 8 tổng với 183 phường, thôn, trại; huyện Vĩnh Thuận bị chia ra làm 5 tổng với 56 phường thôn, trại. Tổng cộng phủ Hoài Đức khi này gồm 13 tổng, 239 phường, thôn, trại. Đến khoảng giữa thế kỷ XIX, hai huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận vẫn y nguyên 13 tổng nhưng con số các phường, thôn, trại giảm mạnh do việc sát nhập. Dù vậy, số lượng phường này vẫn rất lớn và không bao giờ trở về con số 36 nữa. Đến thời kì hiện đại, do việc mở rộng không ngừng của Hà Nội mà nhiều con phố, nhiều phường mới được hình thành và sát nhập vào địa lý hành chính của thủ đô, nên con số 36 lại càng thêm xa vời.
Như vậy, trên thực tế thì hiện nay không còn tồn tại “36 phố phường" nữa mà chỉ có Thăng Long thời Lê có 36 phường. Có thể nói, nguồn gốc của “36 phố phường” bắt nguồn từ địa giới hành chính thời Lê và chỉ đúng với thời Lê mà thôi. Dù vậy, biểu tượng văn hóa này đã chứng minh được sức ảnh hưởng to lớn của nó khi đã dần dần đi sâu vào văn hóa, vào tiềm thức người dân Hà Nội cũng như những người yêu mến thành phố này.
10, “CHỨNG NHÂN LỊCH SỬ” CẦU LONG BIÊN
Nhắc đến những cây cầu nổi tiếng của Hà Nội, rất nhiều người sẽ có chung quan điểm với mình, đó là cầu Long Biên luôn được nhắc tới đầu tiên. Đúng vậy, cầu Long Biên là cây cầu nổi tiếng nhất Hà Nội, được gọi với danh xưng “chứng nhân lịch sử” của nước ta. Trải qua bao thăng trầm của hơn 100 năm lịch sử cùng biết bao biến cố xoay chuyển đất trời, cây cầu vẫn hiên ngang và trở thành một trong những biểu tượng của thành phố.
Dự án xây dựng cầu Long Biên được Toàn quyền Đông Dương lần đầu thông qua ngày 4 tháng 6 năm 1897. Đến ngày 4 tháng 6 năm 1897, việc đấu thầu được tiến hành và 6 công ty xây dựng cầu đường lớn của Pháp đã tham dự. Cuối cùng, công ty Daydé & Pillé đã trúng thầu với giá 5390794 franc. Cây cầu được các kĩ sư của công ty nói trên phác thảo thiết kế với kiểu dáng độc đáo, dự định sẽ mang lại nét thẩm mỹ mới cho Hà Nội. Ngày 12 tháng 9 năm 1898, chính quyền Đông Dương tổ chức lễ khởi công xây dựng và sau sau gần 4 năm, cầu Long Biên chính thức được khánh thành vào ngày 28 tháng 2 năm 1902.
Tên gọi ban đầu của cầu Long Biên là cầu Paul Doumer. Sở dĩ có cái tên này là vì nhà thầu đã đặt theo tên của vị toàn quyền Đông Dương sở tại là Paul Doumer như một cách để ca ngợi những đóng góp tích cực của người này với nền cai trị tại thuộc địa. Cây cầu này cũng được thực dân Pháp kỳ vọng là công cụ phục vụ khai thác thuộc địa đắc lực tại Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung. Ít ai biết được rằng cầu Long Biên khi ấy từng vinh dự nắm giữ danh hiệu cây cầu dài thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau cầu Brooklyn bắc qua sông East-River của Mỹ đương thời. Thậm chí cây cầu còn được gọi là tháp Eiffel nằm ngang của Việt Nam, là một niềm tự hào vô bờ của thị dân Hà Nội lẫn chính quyền Đông Dương.
Bẵng đi một thời gian, tới năm 1945, trong không khí hân hoan của cách mạng, cầu Paul Doumer được đổi lại thành cầu Long Biên và giữ nguyên tên gọi cho đến bây giờ. Trong suốt hơn 30 năm tiếp theo, cây cầu ấy đã cùng người dân thủ đô kiên cường, vững vàng trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Chịu nhiều tàn phá của mưa bom bão đạn, nhưng cầu Long Biên vẫn hiên ngang đứng đó, vững chãi trở thành một chứng nhân của lịch sử đồng thời tự mình hóa thân thành lịch sử.
Đến nay, cầu Long Biên đã rút về vị trí khiêm nhường. Ngang sông Hồng đã có cầu Thăng Long, cầu Chương Dương sừng sững. Rồi sẽ còn có những chiếc cấu khác hiện đại hơn nữa vượt sông Hồng. Nhưng trong trái tim của những người yêu Hà Nội, cây cầu số một của thành phố vẫn sẽ mãi là cầu Long Biên.
11, CON ĐƯỜNG GỐM SỨ - MỘT KỈ LỤC GUINNESS
Sáng ngày 5 tháng 10 năm 2010, tại Hà Nội, bên cây cầu Long Biên lịch sử đã diễn ra lễ khánh thành và gắn biển công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội cho Con đường Gốm sứ ven sông Hồng. Cũng trong dịp này, Tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới đã chính thức tuyên bố và trao bằng công nhận Con đường Gốm sứ của Hà Nội đã lập kỷ lục mới là bức tranh ghép gốm sứ lớn nhất thế giới. Công trình này đã nhận được giải thưởng "Bùi Xuân Phái" vì tình yêu Hà Nội" năm 2008 và Tổ chức Guinness thế giới đã công nhận đây là bức tranh gốm dài nhất thế giới. Ngoài ra, tới đầu tháng 3 năm 2020, tác phẩm còn được tờ Wanderlust của Anh vinh danh là một trong những tác phẩm khảm đẹp nhất thế giới.
Con đường Gốm sứ ven sông Hồng xuất phát từ ý tưởng của họa sĩ kiêm nhà báo Nguyễn Thu Thủy là một công trình nghệ thuật trong chương trình chào đón đại lễ 1000 năm Thăng Long của nhân dân thủ đô Hà Nội. Từ cuối năm 2003, chứng kiến cuộc khai quật khảo cổ tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, họa sỹ Nguyễn Thu Thủy đã xúc động mạnh với các di vật được tìm thấy và bắt đầu nhen nhóm ý định “lưu giữ một dòng chảy lịch sử trên chất liệu gốm, được cất giữ ngay giữa trái tim Thủ đô”. Vào tháng 11/2006, Đề án “Con đường Gốm sứ ven sông Hồng” ra đời và được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt, cho phép triển khai vào cuối năm 2007. Từ thời điểm đó cho tới khi hoàn thành vào năm 2010, Con đường Gốm sứ đã thu hút 20 họa sỹ trong nước, 15 họa sỹ quốc tế đến từ 10 nước trên thế giới, 500 em thiếu nhi Việt Nam và quốc tế trực tiếp tham gia hỗ trợ và thực hiện.
Con đường Gốm sứ có tổng chiều dài khoảng 3,85km, chiều cao trung bình 1,7m với diện tích hơn 6.500m2. Cứ mỗi 1m2 lại sử dụng khoảng 1.000 mảnh gốm đa sắc màu, có diện tích khoảng 9 – 10cm2. Công trình bao gồm nhiều bức họa khác nhau, được chia thành 21 trường đoạn chính. Mỗi bức họa lại có những chủ đề riêng, phản ánh văn hóa đất nước qua nhiều thời kỳ. Một số nội dung nổi bật có thể kể đến như “Hoa văn đại diện trong văn hóa, kiến trúc của 54 dân tộc”, “tranh thiếu nhi”, “tranh lễ hội dân gian”, “danh lam thắng cảnh”... Phong cách của các bức họa này dù theo trường phái nào thì cũng đều có sự tham khảo đến hội họa mỹ thuật Việt Nam từ thời kì cổ đại, trung đại đến cận đại nhằm tái hiện lại một nền hội họa suốt chiều dài lịch sử đất nước trên một phong thái mới lạ và tông màu tươi sáng, hấp dẫn hơn. Những đầu phượng, đầu rồng lớn bằng đất nung, những họa tiết trang trí kiến trúc, những viên gạch hoa cúc dây thời Lý, thạp gốm lớn hoa nâu thời Trần, bình gốm men lam và men trắng thời Lê, những hoa văn của người dân tộc thiểu số khắp đất nước Việt Nam… đều được đưa vào dọc suốt con đường kéo dài gần 4km ấy.
Đi dọc theo con đường gốm sứ, người xem có thể dễ dàng cảm thấy vừa thân quen vừa mới lạ: từ những hình ảnh dân gian đậm chất truyền thống cho tới các chi tiết, đường nét hiện đại phản chiếu sự đổi mới, phát triển, hội nhập và sẵn sàng vươn tầm thế giới của đất nước Việt Nam.
Tuy nhiên, đáng buồn thay, từ khoảng giữa tháng 9 năm 2010, đã có nhiều vết nứt và rạn vỡ xuất hiện trên các bức tường của Con đường Gốm sứ. Theo truyền thông đưa tin thì công trình đã trải qua 2 lần đại tu sửa vào 2015 và 2017, nhưng vẫn tiếp tục xuất hiện các dấu hiệu xuống cấp trầm trọng. Lượng lớn mảng gốm đã bị phồng rộp, nứt vỡ và bong tróc, bị ám khói do người dân ven đê đốt lửa, thậm chí nhiều đoạn còn trở thành nơi tập kết rác.
Không chỉ bị ảnh hưởng bởi các hoạt động của con người như buôn bán hay sơn vẽ, con đường gồm còn gặp phải vấn đề về yếu tố kỹ thuật như độ rung đường và thời tiết. Có thể nói, cho đến nay, do ý thức người dân sống xung quanh khu vực công trình tương đối kém cũng như điều kiện thời tiết không ủng hộ nên Con đường Gốm sứ đã bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều điểm đã bị hủy hoại đến mức dù trùng tu cũng khó mà khôi phục nguyên trạng.
12, TUYẾN ĐƯỜNG SẮT TRÊN CAO ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM
Năm 2007, tại Chương trình phát triển tổng thể Thủ đô đến năm 2020, với đề xuất Hà Nội sẽ có 5 tuyến vận tải đô thị khối lượng lớn, tốc độ cao, lần đầu tiên “đường sắt đô thị” xuất hiện trên giấy ra mắt công chúng Thủ đô. Tuy nhiên, phải mãi tới tháng 10 năm 2021, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông mới có màn chạy thử nghiệm chào sân đầu tiên, đồng thời cũng ghi danh vào lịch sử như tuyến đường sắt trên cao đầu tiên của Hà Nội nói riêng và cả đất nước Việt Nam nói chung. Tuy vậy, ít ai biết được rằng, để đạt được thành tựu ấy, Hà Nội đã phải trải qua vô vàn khó khăn kể từ lúc bắt tay vào thực hiện dự án đường sắt trên cao này.
Ban đầu, chủ đầu tư Trung Quốc đặt ra mục tiêu đến tháng 6/2014 dự án này sẽ hoàn thành toàn bộ công trình. Sau đó 1 năm, đến 30/6/2015 sẽ đưa vào khai thác chính thức. Tuy vậy, từ mốc khởi công, dự án đã liên tục 4 lần phải điều chỉnh tiến độ do nhiều nguyên nhân như vướng mặt bằng, ngừng thi công vì xảy ra tai nạn lao động, tổng thầu xin lùi tiến độ hay xác định lại tổng mức đầu tư và đợi nguồn vốn vay.
Sau đó, trải qua nhiều lần lùi lịch và thay đổi kế hoạch nữa, phải tới lần thứ 11, tương lai của tuyến đường sắt này mới được ấn định. Kể từ ngày 6 tháng 11 năm 2021, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính thức được đưa vào hoạt động khai thác giai đoạn đầu. Sau đó, khoảng hơn 2 tháng vận hành, chính quyền đã công bố thông tin rằng tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông được đông đảo người dân Thủ đô đồng tình ủng hộ và đón nhận như một phương thức vận tải hành khách công cộng tiên tiến, hiện đại lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam. Đến nay, tuyến đường sắt trên cao này đã trở thành một phần đời sống của người dân Hà Nội.
KẾT
Trên đây là 12 điều mà chúng mình cảm thấy là những sự thật lịch sử thú vị về Hà Nội và muốn chia sẻ với các bạn. Trên thực tế, Hà Nội còn rất nhiều những điều thú vị khác đang chờ bạn khám phá đấy. Mỗi ngóc ngách, con phố đều chứa đựng những kỉ niệm, đặc trưng riêng biệt. Còn đợi gì nữa mà không tự mình trải nghiệm và chia sẻ với mọi người về những điều thú vị ấy, để mọi người có thêm tình yêu với thủ đô Hà Nội hơn thôi nào.
#Backturn
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất