Mình nghĩ đến câu hỏi này cũng khá lâu rồi, mãi cho đến khi gần đây bài hát Mediocrity City (r0my) thường xuyên nổi lên trên instagram reels, mình cứ nghe đi nghe lại và bắt đầu nghĩ đến vấn đề của mình nhiều hơn.
Mình thích khá nhiều thứ.
Hobby - Icons Pack
Cre: designtemplateplace.com
Hobby - Icons Pack Cre: designtemplateplace.com
Mặc dù thường xuyên xếp lại lịch trình trên Google Calendar, có cả mục dành riêng cho sở thích, mình vẫn thực hiện mọi thứ khá lung tung và tùy hứng. Lúc thì mình làm thứ này, trong khi nó còn đang dang dở thì mình lại nhảy sang thứ khác, rồi lại có thứ mới xuất hiện khiến mình tò mò muốn thử... Mỗi ngày, mình vẫn thường ngồi hoang mang trước cái lịch trình vì nhận ra nếu làm thứ này thì mình phải bỏ lỡ thứ khác.
Thế nên mình bắt đầu lên tra Google và thử ngồi nghiêm túc viết ra bài này. Hy vọng là nó sẽ có ích cho mình và cả ai đó.

I. Những vấn đề của việc thích nhiều thứ

1. Thời gian, công sức, tiền bạc
Mỗi ngày chỉ có 24 tiếng, ngoài thời gian đi làm, nghỉ ngơi, chăm sóc cho bản thân ra thì không còn quá nhiều thời gian rỗi nữa. Khi thích nhiều thứ, chúng ta phải chia nhỏ thời gian ra, và nó sẽ tiếp tục liên quan đến các vấn đề khác, đó là công sức và tốc độ phát triển.
Mặc dù nó là sở thích, là những điều chúng ta thấy thoải mái, thư giãn khi được đắm chìm trong nó. Nhưng mình sẽ vui hơn nhiều nếu chinh phục được những cấp độ cao hơn, chứ không đơn thuần là chỉ giải trí trong vài phút giây. Chẳng hạn như học đàn, dù lúc đàn mình thấy rất thư giãn, nhưng mình muốn ngày càng thuần thục được những bài khó hơn, chứ không chỉ quanh đi quẩn lại với những bài quen thuộc. Tuy nhiên, khi chia nhỏ thời gian cho mỗi thứ thì tốc độ phát triển sẽ vô cùng chậm chạp. Điều này khiến mình cảm thấy rằng mình đã bỏ ra nhiều công sức nhưng lại chẳng thực sự tự tin rằng mình đang làm tốt một thứ nào cả. Mỗi khi có ai đó hỏi về sở thích, mình cảm thấy khó khăn khi trả lời. Thỉnh thoảng mình định chọn ra một hai thứ để nói cho qua, nhưng lại lo người khác nghĩ rằng chắc hẳn mình phải làm tốt món ấy lắm, dù thật ra thì không hẳn. Và như vậy thì mình lại có cảm giác như đang nói dối. Nhưng nếu trả lời rằng mình đang có nhiều sở thích lắm mà chẳng thực sự tập trung vào món nào, thì lại nghe huề vốn quá.
Cookie Monster 
Cre: tohdraws (deviantart.com)
Cookie Monster Cre: tohdraws (deviantart.com)
Một số sở thích còn gắn liền với tiền bạc: Bạn thích đọc sách, bạn cần mua sách; Bạn thích quay phim, bạn cần thiết bị; Bạn thích trượt ván, bạn cần mua ván trượt; Bạn thích học đàn, bạn cần mua đàn... Đó là còn chưa kể đến các khoản chi phí học và các khoản linh tinh cho thiết bị đi kèm. Với một người bình thường, vừa mới ra trường với đồng lương bấp bênh như mình thì đây rõ ràng là vấn đề. Mình không thể đổ nhiều tiền bạc cho những thứ mà thỉnh thoảng mới đụng đến.
2. Kết bạn
Mình cảm thấy một trong những điều đặc biệt thú vị khi thực hiện những thứ mình thích là tìm được những người cùng thích thứ ấy. Nhưng khi có cùng lúc nhiều sở thích và không thực sự dành thời gian để tập trung cho thứ nào cả, trong khi mình còn chưa có một lượng hiểu biết hoặc năng lực nhất định thì làm sao mà mình có thể làm bạn với họ và có những cuộc nói chuyện thú vị trong lĩnh vực đó đây?
3. Sự hài lòng
Mình vẫn thường có hứng thú với những thứ mới mẻ hơn. Vì thế, thỉnh thoảng, mình vẫn hay làm việc này nhưng lại "tơ tưởng" là giá như giờ này mình đang làm việc khác. Đây là điều khiến mình trăn trở nhất, vì nếu có nhiều sở thích nhưng vẫn không hài lòng và hạnh phúc với chúng thì thật vô nghĩa. Chuyện này liên quan đến một lý thuyết về Nghịch lý của sự lựa chọn (The Paradox of choice): Chúng ta cứ tưởng rằng có nhiều lựa chọn sẽ khiến bản thân được tự do và hạnh phúc hơn, nhưng thực tế lại thường không đơn giản như thế.
Tuy nhiên, bên cạnh những bất ổn vừa kể trên, thì mình cũng nhận ra việc thích nhiều thứ và cả những điểm bất ổn của nó cũng có thể trở thành lợi ích.

II. Lợi ích của việc thích nhiều thứ

1. Chuyện kết bạn
Mình luôn lo rằng, khi mình không quá giỏi ở một lĩnh vực nào đó thì sẽ rất khó kết bạn với những người đang ở trong lĩnh vực ấy. Điều này cũng đúng, nhưng thật ra cho dù mình đang ở cấp độ nào thì cũng sẽ luôn có những người ở gần cấp độ phù hợp với mình. Và bọn mình vẫn có thể trao đổi với nhau về những điều thú vị mà bọn mình vừa học được. Chẳng hạn như lúc mình vừa bắt đầu học ngoại ngữ, có một đứa bạn của mình cũng bắt đầu quan tâm đến và nó kéo mình vào một nhóm để cùng học. Bọn mình thực hiện mấy cái thử thách cùng nhau và cũng chia sẻ nhiều tài liệu với phương pháp học nữa.
Ngoài ra, mình cũng tìm thấy những người giống mình, nghĩa là luôn tò mò về những thứ mới. Chẳng hạn như mình có tìm hiểu về chủ đề A, nhưng lại không hiểu biết nhiều. Mình có đứa bạn cũng có một chút hiểu biết về chủ đề B. Cả hai đứa mình đều không quá giỏi ở chủ đề riêng đó, nhưng những kiến thức mà đứa này có được lại hoàn toàn mới mẻ với đứa kia. Cả hai đều hứng thú với những chủ đề ấy nên bọn mình thỉnh thoảng vẫn chia sẻ cho nhau.
2. Sự hứng thú
Như đã kể, thỉnh thoảng mình vẫn hay bị "đứng núi này trông núi nọ", nhưng mình cũng không cảm thấy chán món nào cả. Mình thích trạng thái khi mà mình luôn hào hứng với những điều mới và luôn giữ được sự tò mò với những thứ mà mình đang thích. Thích nhiều thứ khiến mình thấy thế giới có thật nhiều điều thú vị để làm, vì vậy, dù đôi lúc bản thân cảm thấy nhàm chán nhưng rồi mình thoát ra trạng thái này cũng khá nhanh.
3. Thế mạnh của những khả năng nhỏ
Nếu bạn nghĩ mình thích nhiều thứ nhưng mỗi cái chỉ biết một chút là chẳng có ích gì cả, thì mình nghĩ vấn đề chỉ là chúng ta chưa tìm ra được sân chơi phù hợp thôi.
Trong nhiều năm, mình vẫn luôn nhớ đến hình tượng của một nhân vật anime mà mình rất thích, đó là Kuroko trong bộ Kuroko no Basket.
Koroko no Basket
Koroko no Basket
Koroko được xem là một "tuyển thủ vô hình", hầu như chẳng có ai để ý đến vì vai trò trên sân của cậu chỉ là người chuyền bóng cho những người đồng đội khác lập thành tích. Mặc dù vậy, vai trò này của cậu lại không hề kém quan trọng. Các thành viên trong đội Koroko chỉ chơi ở mức khá, nhưng lại có được sự kết nối tuyệt vời đến từ người chuyền bóng là cậu. Trong khi đó, những đội khác có một thành viên giỏi vượt trội hơn những người còn lại và họ chơi theo lối "một đứa cân cả team". Điều đặc biệt là cả hai lối chơi này lại đều có thể so tài gần như ngang sức với nhau. Mình kể câu chuyện này vì thấy có điểm tương đồng với chủ đề đang viết. Nó cũng như việc chúng ta cứ nghĩ rằng các khả năng nhỏ lẻ của mình trong nhiều lĩnh vực chẳng có gì đáng để tự hào, nhưng thực tế là khi chúng được kết hợp lại với nhau một cách hợp lý thì vẫn có thể tạo nên những khả năng đặc biệt.
Có một đứa bạn từng bảo rằng thích làm việc nhóm với mình vì mình thường tìm được chủ đề thú vị để làm. Lí do là vì trong nhóm bạn ấy thì mỗi người thường dành thời gian để tập trung vào thế mạnh riêng, còn mình lại hay đi đọc và xem linh ta linh tinh những thứ ở trên mạng, thế nên dù không thực sự giỏi cái nào cả nhưng mấy cái ý tưởng đến với mình lại khá nhanh và tự nhiên.
Mình thấy có một bài viết khá kỹ cũng liên quan đến chủ đề này, mọi người có thể đọc thêm ở đây.
Một điểm ngoài lề khác mà mình muốn nhắc đến nữa là mạng xã hội đang khiến cho mình cảm thấy sân chơi của tất cả mọi người có vẻ ngày càng rộng và đa dạng hơn. Trước kia mình nghĩ chỉ những người thực sự đã giỏi ngoại ngữ rồi mới phát triển các kênh Youtube, blog để giới thiệu hay chia sẻ kinh nghiệm học của mình đến người xem. Còn bây giờ, mình thấy có rất nhiều kênh của những bạn chỉ chia sẻ quá trình học của mình bắt đầu từ con số 0 thông qua video ngắn hay vlog, những kênh này vẫn thu hút một lượng người xem nhất định. Cho dù bạn đang ở cấp độ nào trong một lĩnh vực nào, vẫn có người đang cần thứ mà bạn chia sẻ. Không quá giỏi cũng có thể là một ưu điểm trong việc chia sẻ những kiến thức của mình với người ở gần cấp độ. Liên quan đến điều này, mình cũng thấy có bài viết khá hay để các bạn tìm hiểu thêm ở đây nữa.
Tóm lại, mình có niềm tin rằng cho dù chúng ta thích một hay nhiều thứ, nếu có dành thời gian để tìm hiểu và thực hiện chúng thì rồi chúng ta cũng sẽ tìm thấy sân chơi phù hợp để có thể phát huy các thế mạnh nhỏ lẻ của mình.
Tuy nhiên, những vấn đề của việc thích nhiều thứ vẫn còn nằm đó thôi, nên sau đây là một số gợi ý của mình.

III. Phương án nào cho người thích nhiều thứ?

Trước hết, mình nghĩ chúng ta cần phân biệt được giữa đam mê (passion), sở thích (hobby) và thú vui (interest) cái đã.
Đam mê là thứ mà mình không muốn nhắc đến nhiều trong bài vì mình thấy nó vượt ra khỏi chủ đề. Mình cho rằng người có đam mê mạnh mẽ với thứ gì đó thì họ cũng sẽ thường hoạt động trong lĩnh vực đó ở mức độ chuyên sâu hơn nhiều và đam mê còn liên quan đến câu chuyện nghề nghiệp nữa.
Mình muốn nhắc đến sở thích và thú vui hơn.
Sở thích là thứ chúng ta dành nhiều thời gian thực hiện, chủ yếu là trong quỹ thời gian rỗi, để giải trí, nhưng luôn có ý định tiếp tục và phát triển nó lên theo thời gian.
Trong khi đó, thú vui có thể thuộc về cảm giác nhiều hơn. Bạn có thể thích và muốn thử nhiều thứ nhưng chưa thực sự thực hiện bao giờ, hoặc chỉ thỉnh thoảng mới thực hiện.
Nhớ rằng, sự phân chia này chỉ mang tính tương đối, thú vui có thể biến thành sở thích hay sở thích cũng có thể biến thành đam mê, nhưng trước khi điều đó xảy ra, mình vẫn cho rằng chúng ta nên phân biệt chúng để có những quyết định phù hợp (cho dù đó có thể chỉ là quyết định tạm thời).
Sau khi phân biệt xong rồi, mình nghĩ có 3 lựa chọn mà chúng ta có thể cân nhắc.
1. Chỉ tập trung vào 1-2 sở thích quan trọng và gạt bỏ hết những thứ còn lại
Như mình đã trình bày ở trên, thích quá nhiều thứ thực sự cần thời gian, công sức và tiền bạc và đôi khi nó không cần thiết đến như vậy. Thích nhiều thứ không đồng nghĩa với việc chúng ta cần phải thực hiện hết tất cả. Có rất nhiều thứ mà chúng ta nghĩ rằng mình thích nhưng thực sự chỉ giữ chúng ở trong đầu.
Mình nghĩ chúng ta nên nghiêm túc nhìn nhận lại cảm xúc của mình. Nếu như bản thân cảm thấy vui vẻ trong việc nâng cao được cấp độ của thứ mình thích thì chỉ nên giới hạn trong 1-2 thứ quan trọng.
Gạt bỏ hết những thứ còn lại không có nghĩa là không tham gia vào bất cứ hoạt động nào khác, mà chúng ta có thể vẫn giữ sự tò mò cũng như dành một chút thời gian để xem xét qua chúng nhưng đừng để những thứ ấy khiến cho mình mất tập trung vào những sở thích thực sự quan trọng với mình.
2. Giữ tất cả sở thích và thú vui nhưng đặt kỳ vọng phù hợp
Nếu việc có các trải nghiệm đa dạng lĩnh vực mới thực sự khiến bạn vui vẻ, chúng ta vẫn có thể giữ phương án này. Mình nghĩ mấu chốt của việc có sở thích hay thú vui là để giải trí và thỏa mãn sự tò mò, phát triển cá nhân. Thích nhiều thứ có thể khiến quá trình học hỏi mỗi cái trở nên chậm hơn nên chúng ta cần có những kỳ vọng phù hợp. Nếu mỗi tuần bạn chỉ có thể dành ra một giờ để học ngoại ngữ thì nên biết được trong thời gian đó học được bao nhiêu kiến thức là phù hợp, chỉ cần đạt được bao nhiêu đó là chúng ta có thể hài lòng. Đừng đặt những kỳ vọng quá lớn lao để khiến cho những thứ mà chúng ta yêu thích trở thành gánh nặng.
Mặc dù có thể giữ tất cả những thứ mình thích nhưng chúng ta cũng nên có giới hạn và đặt ra những thứ quan trọng đối với mình. Nếu bạn kể ra một danh sách chừng 20 - 30 thứ bạn thích thì mình e là bạn không thể thực hiện hết được trong thời gian dài, giả như được thì trải nghiệm này cũng không dễ chịu lắm.
Cre: Pinterest
Cre: Pinterest
3. Tập trung cho 1-2 thứ trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó đổi sang tập trung cho thứ khác
Gần đây, mình có xu hướng đi theo phương án này. Mình có một khoảng thời gian học tiếng Anh, nói là sở thích nhưng thật ra mình cũng vừa tập trung ôn thi để nộp bằng cho trường nữa. Cùng lúc đó thì mình học một ít tiếng Trung. Sau khi thi tiếng Anh xong với một số điểm tương đối khá thì mình chuyển sang dành nhiều thì giờ để học tiếng Trung hơn và đổi lại, chỉ dành một ít cho tiếng Anh và một ít khác để viết blog. Mấy bài trước mình thường cố gắng viết một mạch trong 1-2 ngày cho xong, còn bài này thì mình chia nhỏ nó ra đến phải tầm 2 tuần, xen kẽ giữa những việc linh tinh khác. Và mình thấy như thế vẫn ổn.

Thực sự thì không có phương án nào là hoàn hảo cả, mình tin là ở mỗi thời điểm và hoàn cảnh khác nhau thì chúng ta cần lựa chọn những phương án khác nhau.
Ngoài ra, mình còn một gợi ý khác.
Nhóm các sở thích có liên quan lại với nhau
Believer
Cre: tohdraws (deviantart.com)
Believer Cre: tohdraws (deviantart.com)
Chúng ta có thể ngồi liệt kê ra những sở thích của mình, tìm điểm liên quan rồi nhóm các sở thích riêng lẻ lại thành một sở thích mới. Chẳng hạn, bạn thích quay phim, học tiếng Anh và đọc sách, bạn có thể nhóm chúng lại thành sở thích mới là quay vlog về cách học tiếng Anh hiệu quả đến từ các phương pháp trong sách.
Mỗi lĩnh vực đều rất rộng lớn, vì thế khi nhóm các sở thích lại, mình cho rằng chúng ta cũng đang thu gọn các chủ đề lại. Khi bạn thích đọc sách, có nghĩa là bạn có rất nhiều chủ đề để đọc như tư duy, triết học, tiểu thuyết,... nhưng khi bạn đã cho nó vào nhóm sở thích là quay vlog về cách học tiếng Anh hiệu quả đến từ các phương pháp trong sách, bạn sẽ có xu hướng đọc các chủ đề liên quan đến nó như là sách về tư duy học, truyện hay bằng ngôn ngữ Anh, hoặc là bạn sẽ có ý thức hơn về những mối liên quan giữa nội dung trong sách đến việc học tiếng Anh của mình.
Mình nghĩ là việc nhóm các sở thích lại có thể khiến chúng hỗ trợ lẫn nhau, tiết kiệm thời gian, công sức và cũng làm tăng sự sáng tạo của chúng ta nữa.
Điều cuối cùng mình muốn lưu ý, là cho dù chúng ta có ít hay nhiều sở thích, thì mình cho rằng điều quan trọng nhất vẫn là trải nghiệm của chúng ta đối với chúng như thế nào. Thế nên câu trả lời của mình là thích nhiều thứ nhưng chẳng thực sự giỏi thứ nào cả vẫn ổn, khi chúng ta đặt ra kỳ vọng hợp lý và tìm được sân chơi phù hợp với mình.
Cùng chủ đề này, mình có tham khảo qua ý tưởng của một số kênh nên mình sẽ dẫn link ở đây để mọi người xem thêm. Cảm ơn mọi người đã đọc bài và mình hy vọng là các bạn sẽ có những đóng góp thêm vào chủ đề này.