Pi là cái tên có nhiều hành trình thú vị trong nhiều lĩnh vực. Chúng ta có số Pi, một con số quan trọng trong lĩnh vực toán học. Bước sang những trang sách, chúng ta bắt gặp cuốn tiểu thuyết bất hủ “Cuộc đời của Pi”. Và nếu bạn thử lấn sân sang thế giới của những đồng tiền điện tử, chúng ta có Pi Network.
Pi Network là một dự án được biết đến đông đảo ở Việt Nam hay trên cộng đồng quốc tế, nhưng dưới một hình ảnh không mấy tốt đẹp. Tuy nhiên, nên nhớ crypto là nơi mà bất cứ điều gì cũng có thể xả ra. Do đó, tại sao chúng ta không thử một lần cùng ngồi xuống, mổ xẻ ông Pi “tai tiếng” xem sao nhé.

Pi Network từ đâu chui lên ?

Pi Network lần đầu được giới thiệu đến thế giới thông qua phiên bản whitepaper đầu tiên, được công bố vào ngày 14, tháng 3, năm 2019. Đứng sau mạng lưới này là đội ngũ được dẫn dắt bởi hai tiến sĩ đến từ trường Stanford: Dr. Nicolas Kokkalis và Dr. Chengdiao Fan. Cấu trúc mạng lưới máy tính, hay hệ thống phân phối đã là chủ đề được Nicolas và Chengdiao quan tâm từ khi cả hai còn đang làm việc chung tại ngôi trường danh giá của đất Mỹ.
Cơ chế hoạt động của mạng lưới Pi có vẻ như được Nicolas và đội ngũ “mượn ý tưởng” chính từ Bitcoin. Pi Network hoạt động theo mô hình Proof-of-work (PoW) và có cơ chế halving (giảm ½ lượng coin đào ra) như vị vua của crypto. Điểm cải tiến của Pi network nằm ở cách đội ngũ xây dựng mạng lưới để hoạt động trên những chiếc điện thoại. Vốn điểm yếu chí mạng của mô hình PoW là lượng năng lượng tiêu thụ để dàn máy đào hoạt động, và lượng CO2 bị thải ra môi trường. Ở đây, Pi đã hoàn toàn khắc phục hai điểm yếu trên khi sử dụng chiếc điện thoại trong túi quần của bạn làm thiết bị để duy trì mạng lưới. 
Chỉ sau 6 tháng xuất hiện, Pi đã tạo được tiếng vang lớn khi chạm mốc 500.000 người dùng. Được đà, Pi Network bắt đầu du nhập đến nhiều nước hơn trên thế giới, trong đó có Việt Nam chúng ta. Để đào được coin, người dùng phải tải app của Pi Network về điện thoại. Sau đó, người dùng chỉ cần vào app, nhất nút đào, là đã có thể bắt đầu có cho mình những đồng Pi đầu tiên. Cứ mỗi 24 giờ, người dùng cần vào app để quá trình đào tiếp tục diễn ra. 
Làn sóng đào Pi bắt đầu nổi lên ở Việt Nam
Làn sóng đào Pi bắt đầu nổi lên ở Việt Nam

Vì sao Pi Network lại bị ném đá nhiều đến thế

Kết thúc phase testnet, Pi đã có hơn 23 triệu người dùng. Đến thời điểm hiện tại, con số trên đã chạm mốc 35 triệu, biến Pi trở thành một cộng đồng đông đảo top đầu trong giới tiền điện tử. Thậm chí, một vài người đã so sánh Pi như là một tôn giáo, và những con chiên ngoan đạo này sẽ sẵn sàng tấn công bất kì ai dám xúc phạm vị thánh của họ.
Cũng vì lí do đó, Pi Network từ lâu đã bị gắn cho cái mác là lừa đảo, là giấc mộng cho những kẻ không muốn làm mà chỉ muốn ăn, vân vân. Nhưng chúng ta hãy thử tạm xé đi những cái mác ấy, hãy cùng mình một lần nhìn vào bản chất của dự án, mổ xẻ whitepaper của Pi để có cho mình một đánh giá chính xác nhất: Liệu, Pi Netwok là dự án tốt hay xấu? 

“Pi là đồng tiền kĩ thuật số đầu tiên dành cho tất cả mọi người”

Ngay ở phần đầu tiên của whitepaper, Nicolas đã giới thiệu cho chúng ta về sứ mệnh và tầm nhìn của Pi Network:
“Khi mà thế giới đang ngày càng áp dụng công nghệ kĩ thuật số nhiều hơn, tiền điện tử hiển nhiên trở thành bước tiến theo trong quá trình phát triển. Pi là đồng tiền kĩ thuật số đầu tiên dành cho tất cả mọi người, đại diện cho bước tiến quan trọng trong quá trình ứng dụng tiền điện tử trên toàn thế giới.
Sứ mệnh: Xây dựng nên một nền tảng hợp đồng thông minh và tiền điện tử, được vận hành và bảo mật bởi chính người dùng.
Tầm nhìn: Xây dựng một thị trường ngang cấp (peer-to-peer) trên thế giới với Pi, đồng tiền điện tử phổ biến nhất, sẽ là đơn vị thanh toán”
Nói dễ hiểu hơn, Nicolas và đội ngũ đang cố gắng để biến Pi trở thành đồng tiền được sử dụng thanh toán cho các giao dịch trên thế giới. Hay có thể, các nhà phát triển của Pi đang cố gắng xây dựng một marketplace, nơi mà mọi người có thể trao đổi hàng hóa thật và được thanh toán bằng Pi. Nhưng cả hai viễn cảnh trên đều đưa Pi gặp những khó khăn nhất định:
Đầu tiên là về vấn đề pháp lý. Hiện tại, số quốc gia chấp nhận tiền điện tử là chưa nhiều. Và có những quốc gia xem việc thanh toán hàng hóa bằng crypto là hành động bất hợp pháp. Ngoài ra, bất kì chính phủ nào cũng không hề muốn đất nước của họ lại mua bán bằng thứ tiền tệ mà họ không thể kiểm soát. Vậy, Pi có thể khôn khéo lựa chọn những quốc gia nhất định để vượt qua vấn đề pháp lý, nhưng kể cả vậy, người dùng của Pi sẽ gặp thêm vấn đề thứ 2, đó là việc neo giá.
Vật phẩm của Pi sẽ được trao đổi như thế nào nếu giá của Pi thay đổi liên tục ? Bạn có thể nghĩ: “Vậy thì chỉ cần neo giá Pi theo dollar là được cơ mà”. Đúng là như vậy, nếu giá của Pi có thể được cố định, theo tỉ giá với đồng dollar hay loại tiền tệ nào. Nhưng câu hỏi khác lại được đặt ra là: Liệu Pi có khả năng neo giá với tiền pháp định hay không ?
Một đồng coin được neo giá theo USD thường được gọi là stablecoin (đồng coin có giá ổn định). Và ta có đến 3 loại stablecoin khác nhau trên thị trường tiền điện tử hiện tại: Stablecoin phát hành dựa trên tài sản thực tế (tiền hoặc kim loại quý hiếm), stablecoin phát hành dựa trên tài sản crypto, và stablecoin thuật toán. Điểm chung của 3 loại coin này là đều có cơ chế để neo giá với đồng USD. Chẳng hạn như Circle, đơn vị phát hành đồng USDC, tổng nguồn cung USDC trên thị trường sẽ tương đương với số lượng USD mà công ty đang dự trữ. Và đây là thứ mà Pi network không hề có, hơn thế, ta còn chưa xác định được Pi có tổng cung là bao nhiêu. Về căn bản, Pi hoàn toàn không thể neo giá được.
(Một video vui mà VTV đã giới thiệu về tình huống sử dụng Pi hoặc BTC để thanh toán)

Đào Pi dễ hơn đào Bitcoin?

Được công bố trên whitepaper rằng Pi Network đang sử dụng phương thức đồng thuận Stellar (Stellar consensus protocol - SPC). Một phương thức được cho là hoàn thiện hơn so với Bằng chứng công việc (Proof-of-work) của Bitcoin hay Bằng chứng cổ phần (Proof-of-stake) của Ethereum. 
Nếu bạn đang hỏi “Phương thức đồng thuận là cái quái gì?” thì để mình giải thích nhé. Ở trên blockchain, khi một giao dịch trên blockchain muốn được hoàn thành phải trải qua quá trình xác nhận, nhằm kiểm tra xem giao dịch này có hợp lệ hay không. Thuật ngữ “phương thức đồng thuận” ở đây nhằm chỉ cách thức để kiểm tra và tham gia vào quá trình kiểm tra đó. Những người tham gia quá trình kiểm tra này được gọi là miner hoặc validator, do đó, thuật ngữ đào coin mà bạn thường nghe xuất phát từ những người tham gia vào quá trình xác nhận giao dịch này.
Để tham gia vào quá trình đào, người dùng cần một dàn máy có phần cứng mạnh mẽ nếu muốn “cuốc đất” kiếm Bitcoin, còn với Ethereum, người dùng cần khóa vào mạng lưới 32 $ETH (khoảng sương sương $38k). Tóm lại, người dùng sẽ phải bỏ một nguồn lực không nhỏ để đào được ra những đồng coin. Đây là khúc lạ lạ nếu ta thử ngó qua Pi.
Pi mining được diễn ra trên ứng dụng trên điện thoại của dự án. Tuy gọi là đào (mining) nhưng có vẻ người dùng chẳng phải tốn quá nhiều nguồn lực để kiếm được những đồng coin Pi cả. Người dùng chỉ cần bấm nút và Pi sẽ tự nhảy, quá trình đó vẫn sẽ diễn ra khi điện thoại chúng ta tắt nguồn… Và nếu muốn tăng tốc độ đào, thứ chúng ta cần không phải là một chiếc điện thoại với cấu hình quái vật, mà ta phải mời càng nhiều người tham gia thông qua mã giới thiệu của ta hơn.
Tuy nhiên, Pi vẫn có cơ chế để tăng độ khó cho quá trình đào: đó là halving. Halving là cơ chế giảm ½ phần thưởng đào khi thỏa mãn một điều kiện. Với Bitcoin, blockchain này sẽ halving sau mỗi 210.000 khối được tạo thành (khoảng 4 năm). Pi Network cũng có cho mình halving và được tính theo số người tham gia đào Pi.
Về mặt tích cực, có lẽ Pi đang đi đúng với định hướng của Nicolas và đội ngũ: Là đồng tiền kĩ thuật số dành cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, cơ chế này làm cho chúng ta đặt một dấu hỏi rất lớn về giá trị của đồng coin này. Đâu sẽ là động lực để đồng coin tăng giá? Điều kiện nào để người dùng năm giữ đồng coin mà không bán ra? 
Để trả lời được, chúng ta cần tìm đến xem mô hình kinh doanh của Pi sẽ hoạt động như nào? Nếu một dự án có mô hình kinh doanh tốt, chắc hẳn đồng coin sẽ có những giá trị nhất định.

Pi Network sẽ kiếm tiền như thế nào ?

Tuy người người đổ xô đi đào Pi, nhưng mình tin chắc đa số vẫn chưa biết chính xác Pi sẽ làm cái gì. Trên whitepaper, ta sẽ tìm thấy được 3 sản phẩm chính của Pi Network:
Sản phẩm đầu tiên là một mạng xã hội phi tập trung, nơi người dùng có thể chia sẻ nội dung, hình ảnh, video. Tuy chưa có cơ chế cụ thể về phần thưởng, nhưng ta có thể đoán rằng Pi coin sẽ là đồng tiền được sử dụng cho nền tảng này. Qua đó, Pi Network có thể thu một ít phí từ người dùng để làm doanh thu cho mạng lưới.
Sản phẩm tiếp theo của Pi là chợ giao dịch, cho phép người dùng có thể trao đổi, mua bán các sản phẩm và cả dịch vụ thực tế. Lại một lần nữa, đội ngũ Pi Network chưa đưa ra hình thức thu lợi từ chợ giao dịch này. Có thể, đội ngũ sẽ áp một mức phí nền tảng lên các sản phẩm được giao dịch.
Sản phẩm cuối cùng của Pi là một App store nhưng ở phiên bản phi tập trung. Tại đó, chúng ta có thể tải về các ứng dụng phi tập trung dành cho điện thoại. Người dùng có thể được hưởng lợi bằng cách bán đi một số thông tin cá nhân của mình. Còn Pi, chắc chắn, có một khoản phí dành cho những nhà phát triển muốn list ứng dụng của mình lên Pi App store.
Sau khi có cái nhìn đầu, bạn có nhận thấy một điểm chung của cả 3 sản phẩm này không? Thử đưa ra cho mình một câu trả lời nhé. Từ góc nhìn của mình, rõ ràng, 3 nền tảng trên sẽ tạo ra nguồn doanh thu khủng cho Pi Network khi có lượng người dùng đông đảo.
Mà Pi thì nào có sợ thiếu người dùng, giờ ta mới nhận ra lí do tại sao Pi tập trung rất nhiều về việc mở rộng người dùng như vậy. Nếu cả 3 ứng dụng trên được khởi chạy mượt mà, Pi Network sẽ có một dòng tiền, tương đối lớn, chảy về túi của mình. Ấy nhưng ta cần xét thêm một khía cạnh khác của vấn đề, liệu 3 ứng dụng trên có thể hoạt động được hay không?
Từ góc nhìn của mình, nếu Pi vẫn đang xây dựng một cách nghiêm túc, thì đội ngũ phát triển đang gặp vấn đề ở phần nguồn lực của dự án. Có thể rằng họ đang không có đủ sự hỗ trợ, hoặc đang phân bổ một cách chưa chính xác. Tại sao mình lại nói như vậy?
Năm 2019 là thời điểm mà Pi Network chính thức ra mắt, thời điểm đó, Pi còn có những người bạn đồng trang lứa khác như Avalanche, Solana hay Near protocol. Cả 3 cái tên trên đều trở thành giao thức đứng đầu thị trường trong mùa tăng trưởng 2021 vừa qua. Để thấy, sau gần 4 năm phát triển, Pi vẫn đang phát triển quá chậm, nếu không muốn nói là dậm chân tại chỗ. Cho đến hiện tại, chỉ có duy nhất 2 ứng dụng trên Pi network là Pi Connect (một sàn giao dịch) và Pi Bridge (cầu chuyển Pi). Buồn cười thay, cả hai đều vô dụng vì chính hạ tầng Pi còn chưa xây xong.
Thứ Pi cần hiện tại, có lẽ là một thế lực to lớn. Có khả năng hỗ trợ về nguồn lực, gia tăng tốc độ phát triển của dự án. Và như thể ông trời đã sắp đặt, Justin Sun xuất hiện.

Vậy, Justin Sun ai

Vận mệnh của Pi Network hoàn toàn có thể sang trang nếu Justin thật sự nhúng tay vào dự án này. Vậy, lí lịch của anh chàng này ra sao?
Justin là một cái tên nằm trong top những big boys trong giới crypto, tuy không sánh ngang như CZ hay Vitalik, nhưng tầm ảnh hưởng của anh là không hề nhỏ. Justin sinh ra và lớn lên vào năm 1990 tại đất nước tỷ dân. Anh có một tuổi thơ không trọn vẹn khi ba mẹ đã ly hôn lúc anh vừa lên 8. Một tuổi thơ không trọn vẹn có lẽ là động lực để giúp anh đạt được những thành công sau này.
Justin biết đến Bitcoin ở thời điểm rất sớm, 2010-2012, và anh từng dùng tiền học đại học của mình để đầu tư vào đồng coin này. Sau khi tốt nghiệp, Justin đã có công việc đầu tiên tại Ripple Labs, một mạng lưới thanh toán phi tập trung, và sớm trả thành người đứng đầu tại chi nhánh Trung Quốc. Chính công việc này đã sớm mang tên tuổi anh ra với cộng đồng blockchain quốc tế.
Sản phẩm đầu tay của Justin được ra mắt vào năm 2014, là ứng dụng nói chuyện Peiwo. Sau đó 3 năm, Justin trình làng đứa con thứ 2 của mình Tron với tham vọng phi tập trung hóa toàn bộ internet. Năm 2018, anh có sở hữu cho mình thêm một công ty khi thành công mua lại BitTorrent với giá $126 triệu. Một năm sau, Justin lại góp mặt trong thương vụ mua lại sàn giao dịch Poloniex. Gần đây nhất, anh “bỏ túi” thêm cho mình Huobi, một sàn giao dịch thuộc top đầu thị trường.
Justin còn rất biết cách để xây dựng hình ảnh bản thân. Anh có mối quan hệ rất gần với người thầy cũ Jack Ma (biệt danh tiểu Jack Ma ra đời từ đó), từng chi vài triệu $ để ăn tối với huyền thoại Warren Buffet, ủng hộ cho cuộc chiến ở Ukraine hồi đầu năm hay sẵn sàng bỏ ra … vài tỉ $ để hỗ trợ các công ty khó khăn hậu sự kiện FTX.
Để thấy, nếu xét về nguồn lực. Justin Sun chính là mảnh ghép vàng mà Pi Network tìm kiếm bấy lâu nay. Nói cách khác, nếu Justin hoàn toàn nghiêm túc, chúng ta có thể sẽ được chứng kiến một Pi Network thực sự làm nên chuyện.

Liên hệ giữa Justin Sun và Pi Network

Cách đây không lâu, Pi Network đã chiếm trọn spotlight khi được sàn giao dịch Huobi mở giao dịch cho đồng coin Pi. Sau đó vài ngày, đích thân Justin Sun đã đề cập về dự án trên trang twitter cá nhân của mình. Ta có thể đoán ra, Justin đang có mối quan tâm không nhỏ đến dự án có đông đảo người ủng hộ này.
Nhiều người cho rằng đây chỉ là một chiêu trò của Justin Sun nhằm kéo thêm người dùng về với Huobi. Khi mà thị trường đang trong bối cảnh “khát tin tức”, người dùng cần một câu chuyện mới để đầu tư, Justin đã tìm thấy Pi Network. (Phía Pi network đã tuyên bố họ chưa hề cho phép giao dịch Pi)
Câu chuyện càng trở nên gay cấn hơn khi những tin xấu về Justin Sun và Huobi được tung ra nhiều trong thời gian trở lại đây. Giá đồng coin của Huoni ($HT) và TRON ($TRX) đều giảm, Huobi phải sa thải 20% nhân viên, hay Justin Sun đã rút ra khỏi thị trường hơn $1 tỷ. Niềm tin của người dùng vào Huobi và Justin đang lung lay hơn bao giờ hết.

Tương lai của Pi sẽ ra sao?

Nếu Justin Sun nghiêm túc muốn làm gì đó với Pi Network, mình tin rằng, đây hoàn toàn có thể là bước ngoặt của dự án. Một kẻ hiểu rõ crypto như Justin sẽ biết cách để tận dụng những lợi thế hay đưa ra các cải cách phù hợp với tầm nhìn của Pi.
Thực tế, ta có thể thấy được những điểm chung giữa hệ sinh thái mà Justin Sun đang sở hữu và Pi Network: cả hai đều tập trung vào cộng đồng đại chúng với những sản phẩm về social. Nên viễn cảnh Justin chính thức nhúng tay vào Pi là hoàn toàn có thể xảy ra. Khi đó, Pi Network hoàn toàn có thể có những thay đổi để hiện thực hóa tham vọng của mình.
Với mình, mình khá thích thú với viễn cảnh Pi Network “ra gì và này nọ”. Nhưng không phải là viễn cảnh về Pi $1000 hay Pi thay thế Bitcoin đâu. Giả sử các sản phẩm của Pi có thể hoạt động, hãy nghĩ xem thị trường crypto sẽ ra sao khi đó thêm hàng triệu triệu người mới gia nhập? Chắc chắn tốc độ phát triển sẽ được đẩy lên nhanh hơn rất nhiều. 
Qua quá trình đọc kĩ hơn về Pi, mình thấy một điều rằng: Vốn bản chất của Pi không hề xấu, và gọi Pi lừa đảo … cũng không đúng cho lắm. Căn bản, Pi không hề lấy đi đồng tiền nào của bạn (trừ khi nó đánh cắp thông tin cá nhân). Hình ảnh của Pi xấu đi là vì bị các kẻ xấu sử dụng chiêu trò để lừa đảo, lấy tiền của những người thiếu hiểu biết nhưng hơi “tham” làm giàu.
Tuy nhiên, với mô hình Pi được đào một cách bừa bãi như hiện tại, phải chờ xem giáo sư Nicolas và đội ngũ của mình sẽ xử trí như thế nào để hiện thực hóa giấc mơ Pi. Thị trường crypto vốn điên rồ, hãy xem Pi network có trở thành game changer của thị trường này trong tương lai hay không nhé :))
Một số video hài cốt về Pi mình tìm được: